GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 22/6/2007

TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

 

?   CHA ĐAMINH MARIA TRẦN ĐÌNH THỦ LÝ TƯỞNG THÁNH ĐỒNG CÔNG: Cha Thủ - Tần Số Thánh

?  CHA ĐAMINH MARIA TRẦN ĐÌNH THỦ LÝ TƯỞNG THÁNH ĐỒNG CÔNG: Cha Thủ - Sống Thánh

?  CHA ĐAMINH MARIA TRẦN ĐÌNH THỦ LÝ TƯỞNG THÁNH ĐỒNG CÔNG: Cha Thủ - Huấn Thánh

 

 

MAGNIFICAT

CÙNG MẸ CẢM TẠ NGỢI KHEN CHÚA

CHA ĐAMINH MARIA TRẦN ĐÌNH THỦ, CMC

Linh Mục Sáng Lập Dòng Đồng Công đã về với Chúa

tại Việt Nam vào lúc 8 giờ 45 phút tối ngày Thứ Năm 21/6/2007

hưởng thọ 101 tuổi (29/11/1906-21/6/2007)

 

 

 

Xin Thành Kính Phân Ưu

với chung Hội Dòng Đồng Công

cách riêng Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ.

Nhờ lời chuyển  cầu của Mẹ Đồng Công Maria

Xin Chúa cho cuộc đời thánh đức của vị linh mục

suốt cuộc đời say mê  thánh hóa bản thân

và huấn thánh Việt Nam

được trổ sinh muôn vàn hoa trái Lý Tưởng Thánh Đồng Công!

 

 

?  CHA ĐAMINH MARIA TRẦN ĐÌNH THỦ LÝ TƯỞNG THÁNH ĐỒNG CÔNG: Cha Thủ - Tần Số Thánh

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Việt Nam, Dòng Đồng Công là một dòng ít được biết đến, so với các hội dòng anh chị, như Dòng Đaminh, Phanxicô, Dòng Tên, Chúa Cứu Thế, Don Bosco, Lasan, Xitô, Mến Thánh Giá v.v. Ở Hoa Kỳ, trái lại, hầu như không người Công Giáo nào không biết tới, vì hội dòng này dính liền với biến cố Ngày Thánh Mẫu hằng năm (năm nay là năm thứ 30) ở Carthage Missouri, Trung Tâm của Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ.

 

Thế nhưng, vẫn ít ai biết được thật sự và đầy đủ về hội dòng này nói chung và về chi dòng ở Hoa Kỳ nói riêng? Chẳng hạn vấn đề làm sao hội dòng này có nhiều cha đông thày hơn tất cả mọi hội dòng Việt Nam khác ở Hoa Kỳ? Nếu nói rằng vì họ sang Mỹ đông nhất từ năm 1975, tới 170 cha thày, thì tại sao họ lại làm được như thế mà các dòng khác lại không? Muốn biết rõ sự kiện ra đi như một cuộc lên đường, một cuộc xuất hành, hơn là một cuộc chạy loạn vào thời điểm quốc biến 1975 này của 170 anh em Dòng Đồng Công đã xẩy ra như thế nào, người ta không thể không nói tới vị sáng lập dòng là Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ.

 

Vấn đề có lẽ ai cũng muốn biết và cần biết ở đây là tại sao Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ đã thành lập hội dòng Việt Nam đầu tiên này từ đầu thập niên 1940 ở Bắc Việt? Để biết được phần nào về vị linh mục lão thành khả kính thọ 101 tuổi đã từng được tiếng là Cha Thánh Thủ này, Thời Điểm Maria sẽ chia sẻ những kiến thức và cảm nhận của mình qua một người môn sinh được chính Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ trực tiếp huấn luyện theo Lý Tưởng Thánh Đồng Công của ngài khi còn ở Việt Nam.  

 

Phải, vị linh hưởng khả kính khả ái của tôi là Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ đã vĩnh viễn ra đi về với Chúa vào ngày 21/6/2007, ngày mà đúng 43 năm trước, 21/6/1964, tôi đã bắt đầu vào tu Dòng Đồng Công ở Đệ Tử Viện Thủ Đức. Tôi đã ước ao được gặp vị linh hướng duy nhất của cuộc đời tôi này một lần cuối cùng, nhất là vào năm ngài được đúng 100 tuổi. Và Thiên Chúa quả thực đã đáp lại ước vọng hết sức thiết tha và chân tình của tôi, khi cho tôi được gặp ngài vào chiều Thứ Sáu mùng 7 tháng 7 năm 2006, từ 4 giờ đến 4 giờ 30 chiều, trong phòng riêng của ngài. Đúng 1 tháng sau, vào chính ngày quan thày Đaminh của ngài, 8/8/2006, ngài đã bị bị tai biến mạch máu não, trở nên tê liệt và hầu như bị cấm khẩu cho đến khi qua đời.

Thật là may cho tôi, tôi đã được diễm phúc gặp lại vị linh mục dẫn dắt tôi theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công này tại phòng riêng của ngài. Ngài vẫn còn nhớ tôi. Ngài đã tiếp tôi, không phải là 5 hay 6 phút như mọi trường hợp khác, và như tôi đã được các vị thẩm quyền trong dòng bấy giờ dặn dò kỹ lưỡng trước khi tôi được vào gặp ngài. Khi vào tới nơi thì quả thực mới hiểu được lý do tại sao mọi người chỉ được gặp ngài 5 hay 6 phút. Ở chỗ, sức khỏe của ngài không cho phép! Đúng thế, hôm ấy hai cha con chúng tôi đã nằm để hàn huyên tâm sự với nhau. Theo thói quen hãm mình không thay đổi, ngài vẫn nằm trên nền nhà. Hôm ấy, ngài nằm nghiêng về phía bên phải, lưng quay vào tường, để nói chuyện với tôi. Tôi cũng đã nằm sấp, hướng mặt về ngài, để nói chuyện với ngài.  

 Ngày xưa, khi còn được ở bên ngài, hai cha con nói chuyện với nhau, một là bằng cách đi đi lại lại ở ngoài hàng hiên gần phòng của ngài, hai là ngồi dựa tường bên nhau trên nền nhà ở trong phòng của ngài, cho đến khi hết chuyện. Ngài không bao giờ ép ai gặp ngài, trừ khi ngài có chuyện cần gặp họ về vấn đề trách vụ của họ, hay liên quan đến vấn đề trầm trọng cần phải sửa mình để nên thánh của họ. Trong cuộc gặp gỡ, ngài cũng không hạch hỏi hay đi sâu vào tâm hồn những ai xin gặp ngài, nếu họ không tự động tỏ ra cho ngài.  

Tuy nhiên, ngài có thể thấu biết được tình trạng tâm hồn anh em của ngài hơn ai hết, thậm chí hơn cả chính họ nữa. Bởi vậy, có những người xin gặp ngài mà không được, trái lại, chỉ nhận được một câu nói vắn gọn của ngài: “cứ thế mà sống”. Hay có được gặp ngài thì chỉ rất vắn tắt ngắn ngủi, bởi vì hầu như chỉ có họ nói, nói tất cả những gì đầy lên trong óc của họ, đến nỗi họ viết cả ra giấy kẻo quên. Phần ngài, những gì được bàn hỏi, ngài trả lời vắn tắt, và những gì được tâm sự, ngài nghe biết vậy, cuối cùng, nếu cần, như một vị lang y, ngài bốc cho một thang thuốc thiêng liêng vắn tắt, bằng những lời khuyên hợp với từng tâm hồn, từng trường hợp, mà nếu họ tin tưởng và áp dụng thực hành, họ sẽ cảm thấy lời ngài dạy hoàn toàn là một phương dược linh nghiệm cho cuộc đời tận hiến theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công của họ.  

Trong dịp được gặp ngài lần cuối cùng, giữ đúng lời hứa với những người anh em có trách nhiệm về thời lượng vắn vỏi được diện kiến với ngài, một thời lượng để đủ chào hỏi vài ba câu theo kiểu xã giao bề ngoài, sau khi nói chuyện với ngài được khoảng đúng 5-6 phút, tôi hỏi ngài có mệt không, ngài nói không, rồi ngài tự động tiếp tục nói chuyện với tôi, (làm cho bên ngoài hết sức thắc mắc nhưng không dám can thiệp vào nội bộ giữa ngài và tôi), cho đến đúng nửa tiếng (từ 4 đến 4 giờ 30 chiều), khi chính tôi, vì giờ giấc hạn hẹp theo lịch trình du lịch, đành phải “đoạn trường tân thanh” chấm dứt cuộc gặp gỡ lịch sử cuối cùng không bao giờ quên được này, không bao giờ tái diễn ấy. Sở dĩ tôi có thể nói chuyện lâu với ngài như thế là vì, có thể nói, tôi đã bắt được trúng tần số của ngài, một tần số tôi đã quá quen thuộc. Như vị đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI của chúng ta, khi còn là Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin Joseph Ratzinger đã biết được tần số của Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiên về triết lý nói chung và luân lý thần học vậy (xem tác phẩm Muối Đất - Salt of the Earth, ấn bản Anh ngữ, Ignatius Press, 1997, trang 10), hay tần số của chính vị đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI này là phụng vụ, giáo hội và đức tin (cùng nguồn trang 49, 65-66). Vậy tần số của vị linh hướng đáng kính đáng mến của tôi đây là gì, nếu không phải là chính Lý Tưởng Thánh Đồng Công!  

 

 Phải, hôm ấy, trong mấy câu chào hỏi hết sức thân thương ban đầu, tôi đã lợi dụng câu ngài hỏi tôi hiện đang ở đâu, để bắt đầu nhập cuộc. Tôi thưa ngài rằng tôi ở Mỹ về, rồi từ đó kể cho ngài nghe tình hình sống đạo bên Mỹ liên quan tới đức tin, tới thánh đức. Thế là ngài đã thật sự trở nên hào hứng hơn bao giờ hết, có lúc ngài đã vỗ vai tôi mà nói, mà khuyên giục. Tôi còn nhớ hai câu nói lập đi lập lại của ngài, nguyên văn như sau: “Ngày nay người ta bỏ đạo, mất đức tin mà không biết…. Ở bên Mỹ mà còn giữ được đức tin là một phép lạ đấy!”  

Phần tôi, trước khi cùng với 2 cháu trai quì xuống xin ngài ban phép lành tràn đầy ân phúc từ cuộc đời thánh đức của ngài, như xin ngài tiếp tục truyền nội lực thánh thiện của ngài cho mình, tôi đã nói những lời từ biệt (mà tôi biết cũng là lời vĩnh biệt) sau đây: "Em cùng gia đình em về thăm Anh nhân dịp mừng Anh 100 tuổi. Trước hết để tỏ lòng tri ân cảm tạ Anh. Vì không có Anh em đã không được như ngày hôm nay, và không có được một gia đình như bây giờ. Tuy em không còn chính thức là một tu sĩ Đồng Công trong Dòng, song em vẫn tiếp tục theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công, vẫn cố gắng sống theo những gì Anh Cả đã truyền đạt cho em. Xin anh cầu cho em để em có thể trở thành một 'Đồng Công Nằm Vùng', sống ở thế gian mà không thuộc về thế gian, như men trong bột!" 

Tôi phải cám ơn Chúa cho tôi được gặp ngài, dù không được ở gần ngài cho tới giây phút ngài lìa đời. Tôi nghĩ Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, biết rõ là tôi hết lòng biết ơn ngài, hết lòng cảm phục ngài, hết lòng gắn bó với ngài, đã cho tôi được mãn nguyện gặp ngài lần cuối, vào hôm ấy, dù chỉ nửa tiếng đồng hồ. Nếu tôi về muộn 1 tháng thôi, kể như chỉ còn biết rơi lệ nhìn ngài! Cuộc đời trần gian của tôi đây, bao gồm cả gia đình của tôi, lẫn sự nghiệp tông đồ của tôi, sẽ chẳng bao giờ có, nếu tôi không được trực tiếp ở với ngài trong nửa số thời lượng tu trì 18 năm 2 tháng của tôi (1966-1975). Tôi hoàn toàn thâm tín như thế. Cái di sản vô giá ngài để lại cho tôi, đó là sự thánh thiện, là lòng hăng say nên thánh, là tìm nước Chúa trước, là tinh thần tận hiến, là chính ID Đồng Công, Lý Tưởng Thánh Đồng Công.

Xin hãy đọc những lời chia sẻ chân tình này, theo chiều hướng qui về và bắt nguồn từ Cha Thánh Đaminh Maria Trần Đình Thủ, với nhiều chi tiết liên quan tới bản thân người viết, những chi tiết chỉ mang tính cách chứng cớ để làm sáng tỏ một Sự Thật Rạng Ngời - Veritatis Splendor về Vị Linh Hướng Thánh của tôi.

 

 TOP

 

?   CHA ĐAMINH MARIA TRẦN ĐÌNH THỦ LÝ TƯỞNG THÁNH ĐỒNG CÔNG: Cha Thủ - Sống Thánh

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

H

ình ảnh sâu đậm của ngài nơi tôi đó là hình ảnh một vị linh mục Yêu Thánh, Sống Thánh và Huấn Thánh. Việc ngài Yêu Thánh được tỏ hiện, trước nhất, nơi việc ngài thường lấy gương Chúa Mẹ và Các Thánh (Tây phương) ra khuyên giục anh em mình, và đặc biệt nhất, qua chính việc ngài Sống Thánh và Huấn Thánh. Riêng về việc ngài Sống Thánh, ngài đã được tiếng là “Cha Thánh Thủ” ngay từ khi còn ở ngoài Bắc. Có lẽ vì bề ngoài người ta thấy cuộc sống của ngài khổ hạnh, ở chỗ ăn uống kham khổ, nằm ngủ dưới đất v.v., cuộc sống của một linh mục triều mà chẳng khác gì một tu sĩ khổ tu dòng Biển Đức, một cuộc sống giống như Cha Sở Họ A ở bên Pháp là Cha Thánh Gioan Vianney. Người ngoài có thể còn không biết những gì ngài âm thầm sống khổ chế khác nữa, chẳng hạn như việc ngài tuyên hứa không gãi ngứa, một việc khó làm chứ không dễ, trong khi ngài bị phong ngứa ở chân. Riêng tôi, tôi còn thấy dấu hiệu thánh thiện nơi ngài qua việc ngài cử hành Thánh Lễ. Ngài đã giành giờ dọn mình dâng lễ mỗi ngày và tạ lễ sau đó hằng mấy tiếng đồng hồ. Dường như ngài đã dùng thời giờ cầu nguyện, suy gẫm và dọn lễ và tạ lễ bằng 15 tràng Mân Côi mỗi ngày. Có lần chính tôi giúp lễ cho ngài mà ngài cũng không biết là ai, vì trong cuộc nói chuyện với ngài mãi sau đó, tôi có nói đến một chi tiết trong Thánh Lễ ngài dâng thì đã khám phá ra được điều này.  

Thế nhưng, hầu như chỉ có anh em dòng mới biết được vị sáng lập dòng của mình còn thánh thiện ở chỗ nào, ở một điểm khác nữa, liên quan tới tinh thần tu đức, đó là lòng khiêm nhượng. Ngài không để cho ai khen ngài trước mặt, bằng không, đối với ngài, những lời khen tặng đó như là những lời nói phạm thượng, phạm đến chính Đấng “đã làm cho tôi những sự trọng đại” (Lk 1:49). Đó là lý do ngài đã nhận một câu tâm niệm cho đời sống thánh của ngài, một câu tâm niệm bằng tiếng Latinh, với hai chữ đầu là QP, nên ngài thường được anh em dòng (khi nói với nhau) gọi ngài là "Anh QP" thế này thế kia, nếu không muốn gọi là Anh Cả, một danh xưng thường được dùng để trực tiếp thân thưa với ngài. QP là Quorum Primus, hai chữ cuối cùng trong câu Thánh Tông Đồ Phaolô nói về mình ở Thư Thứ Nhất gửi môn đệ Timôthêu, đoạn 1 câu 15: “Chúa Giêsu Kitô đã đến thế gian để cứu các tội nhân. Trong đó, tôi là con người tội lỗi nhất”.

Phải, người Anh Cả của anh em tu sĩ dòng Đồng Công mang biệt danh QP đây chính là “con người tội lỗi nhất”, bởi đó khen tặng “một con người tội lỗi nhất”, một con người thật ra chỉ đáng trách nhất, đáng bị nguyền rủa nhất, đáng đền tội nhất, đáng bị trừng phạt nhất, đối với ngài, quả thực là phạm thượng, là những gì không thể nào chấp nhận được. Đó cũng là lý do, hầu như không một bài huấn đức nào mà ngài không đề cập đến vấn đề “hạ mình xuống, vui chịu khinh chê giầy đạp, chịu dể duôi bắt bớ”, như chính lời kinh nguyện ngài đặt ra cho anh em dòng đọc hằng ngày. Thậm chí ngài còn dạy “hãy luôn nhận mình là trái”, một lời khuyên thoạt nghe thật là chướng tai, nhưng lại hoàn toàn phản ảnh tinh thần của câu Phúc Âm nạn nhân phải tự đi làm hòa trước với kẻ thù của mình (x Mt 5:23-24). Đối với ngài, cái trở ngại lớn nhất trong việc nên thánh đây chính là cái tôi đầy tự ái của con người, không dẹp bỏ được nó thì không thể nào nên thánh được, không thể nào theo Chúa nổi, đúng như chính Người đã khẳng định: “Ai muốn theo Thày thì phải từ bỏ mình đi, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thày” (Mt 16:24); “Ai không vác thập giá mình mà theo Thày thì không xứng với Thày” (Mt. 10:38).  

Lòng khiêm nhượng của ngài quả thực đã đẹp lòng Chúa, đến nỗi đã được Chúa đóng ấn bằng những hiểu lầm cả trong lẫn ngoài, nhờ đó, đức ái trọn hảo (perfecta caritas) của ngài càng được sáng tỏ, nhất là đối với những con người được Chúa dùng để giúp ngài nên thánh hơn, nên giống Chúa Kitô Khổ Giá hơn. Có thể nói cảm nghiệm tu đức nên thánh của ngài là “hạ mình xuống, vui chịu khinh chê giầy đạp, chịu dể duôi bắt bớ”, như ngài đã trải qua, chẳng những trở thành những gì thâm tín nơi ngài mà còn là một nền tảng nên thánh mà ngài hết sức muốn truyền lại cho những ai muốn theo ngài nữa. Ở Việt Nam trước năm 1975, hầu như ít ai biết đến Dòng Đồng Công, hay có biết đến thì hầu như cái ấn tượng đầu tiên và chính yếu trong đầu của họ về hội dòng này chỉ là những gì có vẻ quê mùa (chẳng có bằng cấp gì, đầu thì care, thân mang áo khẩu v.v.), và kỳ cục (cá mè một lứa, trên dưới, cha thày gì cũng đều gọi nhau là anh em v.v.).  

 

Thế mà, một hội dòng hầu như vẫn bị coi thường như thế, "Thiên Chúa là Đấng toàn năng" lại sử dụng để "làm những việc lạ lùng" (Lk 1:49) tại hải ngoại, ngay trước mắt chẳng những Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam mà còn cả các vị thuộc hàng Giáo Phẩm Việt Nam (sang thăm Hoa Kỳ) nữa, đó là Ngày Thánh Mẫu hằng năm (liên tục từ năm 1978 tới nay, với con số tham dự từ 1500 vào năm đầu tiên lên tới 70 ngàn vào Năm Thánh 2000), một Biến Cố Thánh Mẫu hằng năm không thua gì Đại Hội Lavang vào trung tuần Tháng Tám ở Việt Nam). Chưa hết, để tiếp tục sống thân phận tôi tớ "không hưởng thụ nhưng phục vụ" theo khẩu hiệu của một hội dòng vẫn chẳng là gì và hầu như vô danh tiểu tốt của mình, những con người theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công với Cha Thủ ở Chi Dòng đã lập Nhà Hưu Dưỡng tại trụ sở trung ương Chi Dòng, nơi tổ chức Ngày Thánh Mẫu hằng năm, và ngay từ tháng 7 năm 1977, đã được hân hạnh đón tiếp và phục vụ các Đức Cha và quý cha có tiếng tăm của Giáo Hội Việt Nam, trong đó có Đức Tổng Giám Mục Phêrô M. Ngô Đình Thục, Đức Giám Mục Giacôbê Huỳnh Văn Của, cha nguyên Viện Trưởng Đại Học Đà Lạt Lê Văn Lý, cha nguyên Viện Trưởng Đại Học Huế Cao Văn Luận, cha nguyên chánh xứ La Vang, Quảng Trị, Phêrô Trần Điển...  

Nói đến việc Sống Thánh của Cha Thủ, ngoài ra, không thể không kể đến một yếu tố nữa, hay một nhân đức nữa hết sức nổi bật của ngài, đó là niềm tin bất khuất, có lúc đến “liều lĩnh” của ngài. Người ta, kể cả anh em trong dòng, vẫn không hiểu là ngài lấy tiền ở đâu để nuôi anh em. Vẫn biết là theo tinh thần “tự lực mưu sinh” của dòng, anh em của ngài đã luôn luôn cố gắng thực hiện những việc kinh tài, không thuê mướn ai, chẳng hạn Trại Gà Thiện Chí (từ năm 1965), Ao Cá và cơ sở phát hành Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ ở Thủ Đức, đồn điền trà bơ mít Thiên Mẫu ở Di Linh Lâm Đồng (từ năm 1971) v.v. Thế mà cũng chẳng được bao nhiêu, nguyên cho vấn đề ăn mặc và di chuyển của anh em thôi, chứ chưa nói đến vấn đề chi phí cho các hoạt động tông đồ truyền giáo, chẳng hạn như Nhà Hưu Dưỡng cho các vị linh mục ở Thủ Đức (từ năm 1957), các trạm phát thuốc ở Qui Nhơn (từ năm 1957), cư xá Rạng Đông cho sinh viên miễn phí ở Đà Lạt (từ năm 1970) v.v. Cho tới nay, với con số anh em dòng chỉ được ở một chỗ duy nhất là Thủ Đức lên tới cả 400-500 người, chẳng làm ăn gì cả, thế mà hằng ngày vẫn đủ cơm ăn áo mặc và các thứ chi dùng cần thiết cả 15 năm năm nay, đặc biệt từ khi Cha Thủ đột nhiên bị tống về không được ở tù từ chung thân xuống 20 năm nữa. Tiền ở đâu ra? Nếu là phép lạ hay sự lạ thì phải chăng nhờ ở đức tin của vị sáng lập dòng?  

Đức tin của ngài chẳng những lạ lùng như thế song có lúc còn tỏ ra “liều lĩnh” nữa. Địa điểm truyền giáo rất nguy hiểm ở Nhà Đá giữa quận Phú Cát và Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định ngoài Qui Nhơn, nơi không một dòng tu nào hay một vị linh mục triều nào dám bén mảng tới. Thế mà, anh em theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công với ngài đã hiên ngang hoạt động ở đây suốt từ năm 1966 tới 1975  (trừ thời khoảng 1972-1974 không thể ở nổi vì quá nguy hiểm). Họ đã từng nghe chiêu hồi về đêm, giữa cả bên quốc gia lẫn bên mặt trận giải phóng. Có những lúc quá nguy hiểm, họ đã phải đi bộ từ Nhà Đá về Quận Phù Mỹ vào khoảng chiều chiều, cách 6 cây số, để ngủ qua đêm, sang hôm sau trở lại tái sinh hoạt. Họ đã chứng kiến vào năm 1974 những chiếc cầu bị giật sập vào ngay sáng sớm, những buổi chợ bị đạn nổ ngay giữa ban ngày. Họ đã gặp những em học sinh trong trường đột  nhiên bỏ học đi tập kích rồi bất ngờ xuất hiện vác súng về thăm bạn bè thày dạy.  

Chính người viết này đã tận mắt thấy cái xác không đầu của đại úy đại đội trưởng Phước (đóng ở Phù Ly) bị phục kích ngay buổi trưa, xác nằm trên đường gần Dốc Truông, khi chiếc xe Jeep của ông từ quận Phù Mỹ về, một chiếc xe bị bắn bay sang bên kia đường, bốc cháy trên bờ ruộng cùng với xác người tài xế trong ấy. Cũng chính người viết này, trong số 7 người anh em đồng đội (cùng lớp khấn IX), ngay trưa hôm mới vào Tập Viện ngày 8/9/1966, đã bị lính quốc gia phục kích bắn, vì tưởng là thành phần địch quân đang lẩn quẩn ở đầu Nhà Thờ Nhà Đá, nhưng may thoát chết. Biết bao nhiêu là trận đánh chung quanh khu vực nhà dòng, và có biết bao nhiêu là người chết, bò chết (chó ở đây không bao giờ sủa) chung quanh nhà dòng vì bị trúng đạn, trúng mìn, bị Mỹ bắn vào nhà khi họ bị phục kích bất ngờ, nhất là bởi những mảnh đại bác câu từ quận lên, rớt rào rào xuống trên mái tôn trong nội vi nhà dòng. Thế mà, trong nhà dòng, có lúc lên đến cả trăm anh em, suốt bằng ấy năm, không ai bị chết, thậm chí bị chảy một giọt máu. Một người đã từng ở cạnh nhà dòng bấy giờ, đã từng vào nhà dòng lấy thực phẩm hằng ngày, đó là một chú bé mang tên Phạm Quốc Tuấn, cháu của ông Quế là người bổ củi cho nhà dòng, một cậu bé hiện đang là một trong những vị linh mục Việt Nam từng làm cha sở ở Giáo Phận Orange.  

Đức tin của Cha Thủ chẳng những lạ lùng, liều lĩnh mà còn tinh khôn nữa. Như bài “Lênh Đênh Hải Ngoại: Vượt Thoát Hay Lên Đường” của tôi được Nguyệt San Hiệp Nhất phổ biến vào Tháng 7/2005 cho thấy, đối với người Việt hải ngoại nói chung và Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại nói riêng, chỉ có Dòng Đồng Công là có ý tổ chức xuất ngoại ngay từ đầu tháng tư đen, theo lệnh của Cha Thủ, với mục đích “để giữ lấy dòng và để truyền giáo”. Cái viễn kiến này của ngài đã hoàn toàn trở thành hiện thực, ở chỗ, dòng của ngài chẳng những vẫn còn tồn tại, không bị tan vỡ trong biến cố chụp mũ của chính quyền, với hậu quả là chính ngài cùng với một số đông anh em dòng bị xử án và tống ngục, mà còn phát triển ở hải ngoại nữa, qua hoạt động tông đồ nổi tiếng nhất cộng đồng Công Giáo Việt Nam là Ngày Thánh Mẫu Missouri hằng năm (từ năm 1978). Tuy nhiên, viễn kiến của ngài không phải chỉ là tác động khôn ngoan trần gian biết nhìn xa trông rộng, mà là tác động gắn liền với đức tin mãnh liệt của ngài, đến nỗi, với một lực lượng 170 anh em di cư năm 1975, không một ai tự nhiên dám đứng ra nhận nuôi, bấy giờ mọi người trong cuộc đang lo có nguy cơ tan dòng, nếu xẩy ra trường hợp mỗi người một nơi, hay từng nhóm nhỏ một chỗ, thế mà, Đấng Quan Phòng Thần Linh đã lo cho đâu vào đấy, qua một con người được Ngài gửi tới vào đúng thời điểm của nó, đó là Đức Cha Bernard Law bấy giờ là giám mục Giáo Phận Sprinfield Cape-Girardeau Missouri, vị giám mục sau trở thành Hồng Y cai quản Tổng Giáo Phận Boston! Và vào chính ngày Quan Thày của vị sáng lập của mình là 8/8/1975 đã trở thành ngày đoàn tụ lịch sử của toàn thể anh em Đồng Công lên đường xuất ngoại "để giữ lấy dòng và để truyền giáo" theo lệnh của Đấng Sáng Lập, và nơi đoàn tụ thiên định này ở tại Carthage Missouri, một chủng viện của Dòng các Cha Thừa Sai Vô Nhiễm vừa bỏ trống 5 năm trước. 

Đó là việc Sống Thánh của Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, và nền tảng Sống Thánh (khiêm nhượng bỏ mình và tin tưởng phó thác) chẳng những của ngài mà còn được ngài triệt để áp dụng cho những ai muốn cùng ngài theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công nữa, tức muốn được ngài Huấn Thánh cho, muốn được ngài giúp cho đi vào con đường thánh thiện, muốn thực sự trở thành môn đệ của Chúa Kitô, nên nhân chứng trung thực của Chúa Kitô. Chính ngài đã thú nhận rằng mục đích ngài lập dòng Đồng Công, một dòng thuần túy Việt Nam đầu tiên, do người Việt thành lập cho người Việt, chứ không phải là dòng ngoại quốc, dòng do các Thánh Tây phương lập được du nhập vào Việt Nam, là để Huấn Thánh, để huấn luyện cho Việt Nam có Thánh, như Âu Tây, một châu lục có nhiều Thánh hiển tu - tại sao Việt Nam lại không thể!  

Đối với riêng tôi, tôi vẫn cảm thấy đúng như những gì tôi đã viết trong cuốn “Sống Thánh Chứng Nhân” (Phong Trào Tông Đồ Fatima Thế Giới Việt Nam xuất bản năm 2006), trang 174, như sau: “thật thế, phải thú nhận rằng, mỗi khi nghe ngài giảng dạy, lòng tôi không thể nào không cảm thấy bừng nóng lên như hai môn đệ đi Emmau nghe Chúa Giêsu giải thích Thánh Kinh trong cuộc hành trình của họ (x Lk 24:32). Chưa hết, chẳng cần nghe ngài nói, chỉ cần trông thấy ngài thôi, tôi đã cảm thấy mình ra sao và tự nhiên thấy được nhắc nhở phải nên thánh, phải sống thánh”.  

Cho đến nay, về phương diện tu đức, tôi vẫn thực hành ba điều tối quan trọng trong những điều cần cho việc liên lỉ nên thánh theo Lý Tưởng Thánh Đồng Công được ngài chỉ dẫn, cũng là những gì được ghi ngay trong Tục Lệ Đồng Công. Thứ nhất, đó là, trước khi làm bất cứ một việc gì, nhất là những việc chính yếu trong ngày, nhớ dâng các việc làm và từng việc làm trong ngày cho Chúa, với ý thức là làm vì Chúa và cho Chúa, chứ không phải làm theo sở thích và ý riêng. Thứ hai, thế rồi, đang khi làm, thỉnh thoảng tái nhận thức ý hướng ngay lành làm việc của mình từ đầu, kẻo bị lệch lạc lúc nào không hay trong khi làm, lúc đầu vì Chúa sau đó cho mình (đó là lý do trong dòng Đồng Công ngày xưa thường có chuông “Nhớ Mẹ” như để nhắc nhở nhau “Nhớ Mẹ”, sống thánh). Thứ ba, chưa hết, ngay cả sau mỗi việc làm, nhất là sau một ngày sống, phải “hồi tâm” lại xem mình đã thực sự theo đuổi lòng ham ước nên thánh trong khi làm việc đó hay chăng, trong ngày sống đó hay chăng. Việc hồi tâm xét mình hằng ngày của tu sĩ Đồng Công, vào 7 phút thinh lặng trước kinh tối, buổi kinh chung được kết thúc bằng Kinh Lạy Nữ Vương – Salve Regina và phép lành cuối ngày của bề trên, không phải chỉ xét đến những lỗi lầm có vẻ tiêu cực, mà trước hết và trên hết xét tới tình trạng thánh thiện của mình, đến lòng ham ước nên thánh của mình. Bởi vì, một khi đã hay đang sa sút lòng nên thánh nồng cốt và chính yếu này, thì mọi sự khác sẽ bị tụt xuống thôi, trái lại, còn hăng say nên thánh thì tất cả mọi sự trở thành dễ dàng và tốt lành đẹp lòng Chúa.   

 

Ngoài ra, về bề ngoài, cho đến nay, tôi vẫn còn tiếp tục giữ "cái đầu Đồng Công", không phải chỉ là "cái đầu Đồng Công" về tinh thần như những gì tôi vừa bày tỏ trên đây, hay sắp bày tỏ dưới đây, mà còn là "cái đầu Đồng Công" về thể lý nữa. Tức là tôi hớt tóc kiểu "cái đầu Đồng Công" ngày xưa, trước năm 1975, một cái đầu kiểu gần như carê hay đầu lính, hoàn toàn giản dị và gọn ghẽ, chứ không chải tém vuốt ve (mà trước đây có thể được Cha Thủ cho là) có vẻ làm dáng, không hợp với những con người chỉ tìm kiếm Thánh trước hết và Thánh trên hết. Hai thằng con trai của tôi, một cháu 21 và một cháu 20 còn có cái đầu trọc hơn cả bố của chúng nữa. Hôm đó, cùng với tôi, các cháu cũng được hân hạnh diện kiến dung nhan của vị mà các cháu vẫn được bố các cháu nói rằng "không có ngài cũng chẳng có bố của các con như bây giờ, và do đó cũng chẳng có gia đình này và chẳng có các con đặc biệt như hiện nay!"

Ngoài ra, trên ngực của tôi, tuy không đeo cỗ tràng hạt đen 150 kinh trước ngực như thày Tâm Phương Đồng Công tôi ngày xưa, nhưng đi đâu ra ngoài, dù diện áo vét, tôi cũng vẫn hiên ngang đeo ảnh Đức Mẹ Ban Ơn to trước ngực. Nhiều người đã nhìn thấy và hỏi tôi, nhất là những người đồng đạo tỏ vẻ vừa khâm phục vừa thắc mắc, tôi đã thẳng thắn thưa với họ rằng: "Tại sao ở Mỹ quốc tự do này, người ta làm được đủ thứ, đeo đủ thứ, cả nam lẫn nữ, nào là trên tai, trên mũi, trên môi v.v. lỉnh kỉnh như thế, mà chúng ta lại không lợi dụng tự do để sống đạo và làm chứng nhân, bằng những hình thức bề ngoài này chứ?" Tôi không biết họ có chấp nhận lập luận này của tôi hay chăng, nhưng tôi phải công nhận là cái gan sống thánh ấy không thể có nơi tôi, nếu không có “Cha Thánh Thủ” và từ “Cha Thánh Thủ”. Và có phải vì thấy tôi còn "cái đầu Đồng Công" và ngực còn đeo tràng hạt bấy giờ, (vì tôi quên ảnh Đức Mẹ Ban Ơn ở nhà bên Mỹ, nên lấy một cổ tràng hạt luôn mang theo trong người đeo thế, suốt từ Bắc vô Nam, làm cho một sơ thuộc Dòng Khiết Tâm Bình Cang Nha Trang nói rằng: 'cái anh này gan thật'), mà ngài còn thấy tần số thánh của ngài nơi tôi, nên đã hào hứng nói chuyện với tôi đến nửa tiếng hết sức ngoại lệ hay chăng?

Chưa hết, đã có một số lần, với tất cả niềm thâm tín của mình, tôi đã nói trong Khóa Tĩnh Huấn của nhóm giới trẻ Thiếu Nhi Fatima được tôi hướng dẫn, cũng như với một số bạn đồng chí hướng Thánh trước hết và Thánh trên hết của tôi rằng: "Nếu chúng ta không dám nói 'tôi là ánh sáng thế gian', như Chúa Kitô đã định nghĩa về Kitô hữu chúng ta là thành phần môn đệ theo Người nói chung: 'Các con là ánh sáng thế gian' (Mt 5:14), thì chúng ta không thể nào trở thành chứng nhân cho Người và của Người, Đấng chính 'là ánh sáng thế gian' (Jn 8:12). Chúng ta tự mình thực sự không phải 'là ánh sáng thế gian', mà chỉ phản ảnh Chúa Kitô 'là ánh sáng thế gian' thôi. Chúa Kitô không dạy chúng ta phải ra trước phố xá hay lên mái nhà để công bố chúng ta 'là ánh sáng thế gian', nhưng Người muốn chúng ta luôn ý thức căn tính bất di bất dịch của mình 'là ánh sáng thế gian', và sống căn tính ấy, trước hết và trên hết, bằng việc Sống Thánh Chứng Nhân của chúng ta, làm sao để chúng ta có thể trung thực và sống động phản ảnh Người 'là ánh sáng sự sống' (Jn 8:12). Nếu chúng ta không dám nhận mình 'là ánh sáng thế gian', (không minh nhiên bằng lời nói hơn là mặc nhiên bằng việc Sống Thánh Chứng Nhân), vì cho rằng nhận mình như thế là kiêu ngạo, thì chúng ta đã vô hình chung (hay cố tình) phủ nhận bản chất của Giáo Hội 'là truyền giáo' (Sắc Lệnh Ad Gentes, 2), đã sống ngược lại với căn tính Kitô hữu của mình 'là ánh sáng thế gian', và như thế, chúng ta rơi vào tình trạng như Chúa Giêsu đã nói với vị nghị viên lão thành Nicôđêmô là 'chuộng tối tăm hơn ánh sáng' (Jn 3:19), 'ghét ánh sáng, không dám đến gần ánh sáng... (sợ ánh sáng)' (Jn 3:19)". Thậm chí, với kinh nghiệm Sống Thánh Chứng Nhân qua nhiều hoạt động tông đồ giáo dân khác nhau, tôi đã bạo gan mạnh miệng phấn khích các đồng nghiệp tông đồ của tôi, những người tỏ ra nản chí hay muốn bỏ cuộc rằng: "Không có máu tử đạo không thể nào làm việc của Chúa và cho Chúa"!

 

 

TOP

 

 

? CHA ĐAMINH MARIA TRẦN ĐÌNH THỦ LÝ TƯỞNG THÁNH ĐỒNG CÔNG: Cha Thủ - Huấn Thánh

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

T

ất cả những tâm thức tôi có được về việc Nên Thánh hay Sống Thánh như thế đều hoàn toàn xuất phát từ “Cha Thánh Thủ”, vị đã cưu mang tôi và đớn đau hạ sinh ra tôi, như Thánh Tông Đồ Phaolô với các giáo đoàn Kitô Giáo tiên khởi do thánh nhân thành lập (Gal 4:19; cũng xem 1Cor 4:14-15; 1Thes 2:7-8). Đúng thế, cũng chính vì Lý Tưởng Thánh Đồng Công này mà bản thân “Cha Thánh Thủ” đã phải chấp nhận những giá hy sinh khôn lường, chẳng những từ bên ngoài trong thời gian mới thành lập dòng, mà nhất là  từ nơi chính nội bộ dòng của ngài. Phải chăng vì Lý Tưởng Thánh Đồng Công ngài đề ra quá cao? Trong lúc Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa Calcutta bên Ấn Độ, cũng được thành lập vào thời điểm (7/10/1950) với dòng của ngài (Tòa Thánh Châu Phê Hiến Pháp Đồng Công ngày 15/12/1952), phát triển nhanh nhất và rộng nhất trên khắp thế giới, hơn bất cứ một dòng nào khác trong lịch sử Giáo Hội, thì dòng của ngài chỉ vỏn vẹn ở Việt Nam thôi mà đã có lúc trải qua một cuộc khủng hoảng đến nỗi chính ngài cương quyết đánh liều thực hiện một cuộc “mở sổ khấn” (năm 1968) để ai muốn ra thì ra, còn tu phải cho ra tu! Chính hành động dứt khoát không chấp nhận thái độ “ương ương dở dở” (Rev 3:16) này của ngài nơi những ai muốn theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công với ngài đã là những gì cho thấy ngài coi trọng vấn đề Nên Thánh là chừng nào, thậm chí bất chấp cả chính thành phần anh em vốn được ngài yêu thương chẳng khác nào ruột thịt của ngài, như chính Chúa Giêsu đã cương quyết bảo vệ đường lối nên trọn lành của Người, thà bị thiệt hại mất mát, như trong trường hợp nhiều môn đệ bỏ đi sau bài giảng về Bánh Hằng Sống (x Jn 6:60-69), hay trong trường hợp của người thanh niên giầu có bỏ đi sau khi nghe Người ra điều kiện nên trọn lành quá tầm tay với của mình (x Mt 19:20-22). 

Chủ trương Thánh trước hết và Thánh trên hết này của Cha Thủ, cho dù có phải trả giá đến đâu chăng nữa, liên quan tới bản thân ngài, hay tới tình trạng mất mát về nhân sự, chẳng những đã hợp với đường lối và thái độ của Chúa Giêsu trong Phúc Âm, mà còn hợp với cả Giáo Hội nữa, điển hình là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng đã mở màn cho Giáo Triều dài 26 năm rưỡi của mình vào ngày Chúa Nhật Lễ Đăng Quang 22/10/1979 bằng lời kêu gọi riêng Giáo Hội lẫn chung thế giới rằng: “Đừng Sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”, một lời kêu gọi đã được ngài dẫn giải trong tác phẩm “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” của ngài (ấn bản Anh ngữ, trang 222), liên quan tới thái độ dứt khoát theo Chúa và nên trọn lành theo Phúc Âm như sau: “Phúc Âm thực sự là những gì gay go đòi hỏi. Chúng ta biết rằng Chúa Kitô đã không cho phép các môn đệ của Người và những ai lắng nghe Người ôm ấp một ảo tưởng nào về vấn đề ấy. Trái lại, Người đã không bỏ qua một nỗ lực nào để sửa soạn cho họ chấp nhận mọi thứ khó khăn trong ngoài, dù luôn biết rằng họ có thể quyết định đi đến chỗ lìa bỏ Người”.  

Vì mục đích lập dòng của Cha Thủ là để Huấn Thánh cho người Việt Nam, nên ngài cũng để ý tới những yếu điểm nơi người bản xứ của ngài. Chẳng hạn, như ngài vẫn nói, người Việt Nam hay thay đổi, không trung thành như người Tây phương (tất nhiên là ngài có ý nói loại người Tây phương ngày xưa có nhiều Thánh, chứ không phải loại Tây phương ly dị và phá giới tu trì ngày nay), và thiếu ý chí, không cương quyết như người Tây phương. Ngài thường kể lại những tích truyện chính ngài được chứng kiến nơi các Cha Tây mà ngài đã được gặp và làm việc với. Bởi thế, ngài rất lưu ý tới yếu tố tự nhiên nơi tính nết và tâm lý của anh em theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công với ngài nữa. Chẳng hạn, để luyện tập ý chí, chính bản thân ngài chỉ ăn một món, ngày nào cũng thế, và chỉ ăn điều độ bằng nào thôi, không hơn không kém. Không bao giờ ngài kêu ca về của ăn thức uống dọn ra cho ngài. Thậm chí cũng chẳng ai biết là ngài thích ăn gì nữa.  

Thế nhưng, nếu Phúc Âm cứu độ là tin mừng sự sống được loan truyền cho muôn dân, cho tất cả mọi tạo vật (x Mk 16:15; Mt 28:19) thế nào, thì con người nào đi nữa, dù thuộc văn hóa nào, chủng tộc nào, trình độ trí thức nào, ở vào thời đại nào, cũng có thể được cứu độ, cũng có thể theo Chúa, cũng có thể nên thánh, có thể trở thành chứng nhân của Người và cho Người. Bởi vậy, không một vị sáng lập nào có thể phác họa một đường lối sống Đức Ái Trọn Hảo -  Perfecta Caritas ngoài tinh thần Phúc Âm. Vậy đường lối Huấn Thánh hay linh đạo nên thánh của Cha Thánh Thủ cho Dòng Đồng Công, cho những người Việt Nam muốn theo ngài ở đây là gì và như thế nào, nếu không phải ở ba tinh thần chính được ngài phác họa đó là Bỏ Mình, Yêu Nhau và Tận Hiến. Tận Hiến là tinh thần trực tiếp liên quan tới Thiên Chúa, Bỏ Mình là tinh thần trực tiếp liên hệ tới bản thân, và Yêu Nhau là tinh thần trực tiếp liên hệ tới anh em trong dòng nói riêng và tha nhân nói chung.  

Theo tôi, như tôi đã nhận định và phân tích trong cuốn “Sống Thánh Chứng Nhân” (2006, trang 175-178), 3 tinh thần của Dòng Đồng Công rất thích hợp với linh đạo truyền thống của Giáo Hội Công Giáo, một linh đạo phổ thông được gắn liền với cảm nghiệm tu đức của ba vị Thánh Tây Ban Nha thuộc thế kỷ 16 là I Nhã – Ignatio (1491-1556), Thiên-Sa Viên-Lan – Teresa Avilla (1515-1582) và Giang Thập Giá – John of Cross (1542-1591), và là một linh đạo tam cấp được Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tóm gọn trong tác phẩm cuối đời của mình là "Hồi Niệm Và Căn Tính" (ấn bản Anh ngữ 2005, trang 28-30). Theo linh đạo tam cấp này, thì giai đoạn đầu được gọi là giai đoạn khởi sinh, liên quan tới tình trạng thanh tẩy linh hồn (purgative stage/way), giai đoạn thứ hai là giai đoạn tiến sinh, liên quan tới tình trạng soi sáng linh hồn (illuminative), và giai đoạn thứ ba là giai đoạn hiệp sinh, liên quan tới tình trạng hiệp nhất linh hồn (unitive).  

Căn cứ vào nội dung và tính chất của 3 giai đoạn tu đức này, 3 tinh thần Đồng Công là Bỏ Mình, Yêu Nhau và Tận Hiến có thể được hiểu theo chiều kích tu đức như thế này. Trước hết là tinh thần Bỏ Mình, tương ứng với giai đoạn khởi sinh – giai đoạn thanh tẩy linh hồn, thanh tẩy nhất là những gì được Cha Thánh Thủ nhấn mạnh tới khi giảng dạy chung riêng là tâm trạng kiêu căng tự ái nơi con người. Sau nữa là tinh thần Yêu Nhau, tương ứng với giai đoạn tiến sinh – giai đoạn soi sáng linh hồn. Bởi vì, “ai cho mình ở trong ánh sáng mà ghét anh em mình thì vẫn ở trong tăm tối. Ai tiếp tục ở trong ánh sáng là kẻ yêu thương anh em” (1Jn 2:9-10). Sau hết là tinh thần Tận Hiến, tương ứng với giai đoạn hiệp sinh – giai đoạn hiệp nhất linh hồn, ở chỗ, linh hồn được Chúa chiếm đoạt, tới độ siêu thoát không còn ước vọng gì khác ngoài ước nguyện cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời, hoàn toàn phó thác theo tác động của Thánh Thần, để có thể sống Chúa Kitô như Mẹ Maria. Tiến trình từ giai đoạn tu đức tiến sinh Yêu Nhau tới giai đoạn tu đức hiệp sinh Mến Chúa này hoàn toàn phản ảnh mạc khải Tân Ước: “Khi các người làm (hay) không làm cho một trong những người anh em bé mọn nhất của Ta đây là các người làm (hay) không làm cho chính Ta” (Mt 25:40,45); “Kẻ nào không yêu thương anh em là người họ thấy được thì cũng không thể yêu mến Thiên Chúa họ không thấy” (1Jn 4:20); “Không ai đã từng thấy Thiên Chúa. Thế nhưng nếu chúng ta yêu nhau thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Ngài đạt đến mức trọn lành nơi chúng ta” (1Jn 4:12), đến độ chúng ta có thể “yêu nhau như Thày đã yêu” (Jn 15:12; 13:34).  

Ba tinh thần Đồng Công, thứ tự là Bỏ Mình, Yêu Nhau và Tận Hiến này của Dòng Đồng Công, làm nên Lý Tưởng Thánh Đồng Công, chẳng những hợp với linh đạo Kitô Giáo như thế, mà còn hoàn toàn phản ảnh tinh thần của Chư Thánh Tử Đạo Việt Nam, của Chúa Cứu Thế và của Mẹ Đồng Công nữa. Trước hết, 3 tinh thần của Dòng Đồng Công phản ảnh Chư Thánh Tử Đạo Việt Nam, ở chỗ, các vị đã tận tuyệt Bỏ Mình, bỏ cả họ hàng thân thuộc, vinh hoa phú quí, tiện nghi vật chất, nhất là cả chính mạng sống mình; đã Yêu Nhau qua việc truyền giáo cho dân Việt, hay phục vụ Cộng Đồng Dân Chúa bằng việc mục vụ hay tông đồ; và đã hoàn toàn sống Tận Hiến, phó mặc mọi sự cho Chúa Quan Phòng, và sẵn sàng chịu đựng hết mọi cơn gian nan khốn khó cho đến hơi thở cuối cùng, như cành nho đã sai trái lại được cắt tỉa cho càng sai trái hơn (x Jn 15:2) là các Kitô hữu ("Apologetico" 50,13: "Plures efficimur quoties metimur a vobis: semen est sanguis christianorum"). Sau nữa, 3 tinh thần của Dòng Đồng Công phản ảnh sứ vụ của Chúa Cứu Thế, Đấng đã tuyên bố ở Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 20 câu 28 là: "Thày đến không phải để được phục vụ (bỏ mình: "không tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa, song đã tự hủy ra như không" – Phil. 2:6-7), mà là để phục vụ (yêu thương: "mặc lấy thân phận tôi đòi, nên giống như con người” – Phil. 2:7), để hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người (tận hiến: “đã vâng lời cho đến chết đến chết trên thập giá" – Phil. 2:8). Đến đây chúng ta thấy linh đạo của Lý Tưởng Thánh Đồng Công ở ngay câu khẩu hiệu của Hội Dòng: “Non ministrari sed ministrare”. Và 3 tinh thần của Dòng Đồng Công cũng phản ảnh đời sống của Mẹ Đồng Công nữa, Vị đã thưa trong giây phút Truyền Tin Lời Nhập Thể (Luca 1:34, 38): "Việc ấy thành sự sao được vì tôi không biết đến nam nhân (bỏ mình)… Này tôi là nữ tỳ Chúa (yêu thương phục vụ), tôi xin vâng như lời sứ thần truyền (tận hiến)". 

Thật ra, không một vị thánh nào lại không sống 3 tinh thần Bỏ Mình, Yêu Thương và Tận Hiến, cũng như không một Kitô hữu nào có thể nên  thánh nếu không biết "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ" (Mt 18:3). Song thực tế cho thấy, nếu chỉ có chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là vị thánh đáng được Giáo Hội tuyên phong là Tiến Sĩ Hội Thánh, vị tiến sĩ nữ thứ ba và là vị tiến sĩ thứ 33 của Giáo Hội, vì chị chẳng những chủ trương một cách minh nhiên tỏ tường mà còn thực sự sống linh đạo thơ ấu thiêng liêng nữa, như chị đã tâm sự và chia sẻ trong cuốn Một Tâm Hồn của chị, thì Dòng Đồng Công cũng thế, là một hội dòng rõ ràng chủ trương nên thánh và sống thánh theo ba tinh thần này. Tuy nhiên, trong ba tinh thần chính yếu này của Dòng Đồng Công do “Cha Thánh Thủ” sáng lập ấy, tinh thần làm nên căn tính của hội dòng thuần túy Việt Nam đầu tiên, song cũng đồng thời vì thế mà, theo tôi, trở thành một thách đố hết sức gay go cho những người theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công, đó là tinh thần Tận Hiến. Tại sao? 

Trước hết, Dòng Đồng Công là một dòng truyền giáo. Vì là một hội dòng truyền giáo, một việc truyền giáo đặc biệt chú trọng tới vấn đề giáo dục, mà dòng đã nỗ lực mở những trường Trung Tiểu Học Đồng Công Thủ Đức (từ thập niên 1950 vào năm 1956), Mỹ Chánh Phù Mỹ Bình Định (từ đầu thập niên 1960), Nhà Đá Phù Cát Bình Định và Lương Sơn Phan Rí (từ thập niên 1970) v.v., và với cư xá Rạng Đông Đà Lạt (đầu thập niên 1970) cho sinh viên theo học ở Đại Học Công Giáo Thụ Nhân Đà Lạt. Bởi vậy, cần nhiều anh em đi học, có bằng cấp. Sau nữa, Dòng Đồng Công còn là dòng giáo sĩ nữa, dù là thiểu số, (từ đầu được ấn định tối đa là 1/3), nhưng lại là thành phần chẳng những cần thiết trong việc quản trị nhà dòng mà còn liên quan tới vấn đề thánh hóa anh em tu sĩ dòng qua việc ban phát các bí tích nữa. Bởi thế, cũng cần phải có những anh em đi học làm linh mục và được thụ phong linh mục. Thế mà, hai lãnh vực này, học hành và làm linh mục, đối với tinh thần Tận Hiến, với Lý Tưởng Nên Thánh Đồng Công, dù cần thiết mấy đi chăng nữa, cho việc truyền giáo đối ngoại, cũng như cho việc quản trị đối nội, vẫn được coi là những gì thứ yếu, không được coi trọng hơn Lý Tưởng Thánh, ưu tiên hơn việc Nên Thánh. Đối với Đấng Sáng Lập Dòng Đồng Công thì đi tu mà không nên thánh thì thật là uổng phí, hoàn toàn phí công vô ích, không đạt được mục đích của đời tận hiến, dù làm linh mục. Bởi thế, cần phải để ý và nỗ lực nên thánh trước, dù có phải hy sinh tất cả mọi sự, hy sinh học hành hết sức khẩn thiết, hy sinh chức linh mục vô cùng cao trọng. Thực tế của tinh thần Tận Hiến để theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công còn phũ phàng hơn nữa, ở chỗ, vẫn có anh em đi học và làm linh mục đấy, nhưng nhiều khi lại là những người tu sau mình, những người thua kém mình về nhiều hay một số lãnh vực, trong khi mình hầu như suốt đời (hay cứ mãi) làm bếp, làm vườn, không ngóc đầu lên được v.v. 

Đối với “Cha Thánh Thủ”, vấn đề làm linh mục rất ư là quan trọng, nên ngài chọn lựa thật là kỹ lưỡng. Chẳng những vì bản chất và phẩm vị vô cùng cao trọng của thiên chức này, mà còn vì tác dụng và ảnh hưởng của thừa tác vụ ấy nữa. Đến nỗi, ngài đã chủ trương làm linh mục thì phải thánh thiện, bằng không sẽ có thể đi đến chỗ phá Giáo Hội. Tất nhiên ngài không có ý nói rằng không thánh thiện thì đừng có làm linh mục, vì chính bản thân ngài là một “con người tội lỗi nhất” thì làm sao ngài dám làm linh mục. Thế nhưng, trên thực tế, ngài vẫn (cùng với Hội Đồng Tổng Quản Dòng) chọn đi học làm linh mục, những người em nào của ngài được ngài nhận thấy, với tầm mức tu đức của ngài, (ít là căn cứ vào bề ngoài), tốt lành thánh thiện trổi vượt. Và điều kiện tối thiểu, được ngài cho là chín chắn và thích hợp nhất để chịu chức linh mục đó là tuổi tam thập nhi lập, tuổi Chúa Giêsu bắt đầu xuất thân đi rao giảng Nước Trời, thực hiện việc cứu độ của Người. 

Nói đến đây, cũng cần nhắc đến một đặc điểm nữa của Dòng Đồng Công, phản ảnh từng chi tiết liên quan tới đời sống siêu nhiên, đời sống thánh theo chủ trương của Đấng Sáng Lập, đó là vấn đề tổ chức các lễ mừng kỷ niệm khác thường. Chẳng hạn, lễ bạc và lễ vàng khấn dòng hay thụ phong linh mục. Lễ bạc, thay vì 25 năm chỉ còn 15 năm, thời khoảng liên quan tới tuổi đời của Mẹ Maria hạ sinh Lời Nhập Thể, và lễ vàng, thay vì 50 năm chỉ còn 33 năm, thời khoảng liên quan tới tuổi đời của Chúa Giêsu. Ngoài ra, nếu Thánh Kinh đã có những con số đặc biệt liên quan tới mầu nhiệm cứu độ thế nào, như con số 7 (7 ngày tạo dựng, 7 ơn Chúa Thánh Thần v.v.), số 40 (40 năm trong sa mạc của Dân Do Thái, 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu v.v.), thì các con số tự nhiên cũng có một ý nghĩa siêu nhiên đặc biệt với Cha Thủ như vậy, vì nó nhắc nhở các mầu nhiệm trong đạo, và cần được tưởng nhớ để áp dụng vào đời sống thánh, để nhắc nhở nên thánh, như con số 3 kính Chúa Ba Ngôi, con số 5 kính 5 Dấu Thánh Chúa Giêsu, con số 7 kính Đức Mẹ 7 Sự, con số 12 kính 12 nhân đức của Đức Mẹ v.v.  

Tuy nhiên, theo tôi, yếu tố chính yếu làm nên căn tính của Dòng Đồng Công và là điều kiện bất khả châm chước cho việc Nên Thánh của những ai muốn theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công, vẫn là tinh thần Tận Hiến, một tinh thần còn khó hơn cả việc khổ chế, chay tịnh, phạt xác, câm lặng, đi chân không v.v. có tính cách bề ngoài ở các dòng khổ tu nữa. Vẫn biết những việc khổ hạnh khác thường ấy nếu không có tinh thần thánh thiện cũng chẳng thể nào thực hiện nổi, song ngược lại, nếu thực hành những việc khổ hạnh tự bản chất chỉ là phương tiện để thánh hóa mà không tiến tới chỗ hoàn toàn tận hiến tuân phục thì cũng không đạt được mục đích của những việc làm bề ngoài ấy. Bởi vậy, ở đây chỉ so sánh giá trị khách quan giữa phương tiện khổ hạnh giúp nên thánh với chính tinh thần tận hiến thánh thiện mà thôi, theo ý nghĩa của câu Chúa Giêsu trả lời cho vấn đề được các môn đệ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đặt ra là tại sao các môn đệ của Người không chay tịnh như họ và những người Pharisiêu (x Mt 9:14-15). 

Trong Dòng Đồng Công, chỉ có ai thật tình và liên lỉ “tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài trước” (Mt 6:33), theo tinh thần Tận Hiến hoàn toàn phó thác mọi sự theo Ý Chúa, mới có thể sống được mà thôi. Chỉ có ai hoàn toàn đến “không phải để được phục vụ mà là phục vụ” (Mt 20:28), đúng như khẩu hiệu của Dòng Đồng Công là “Non Ministrari Sed Ministrare”, theo tinh thần bác ái Yêu Nhau, mới có thể bền đỗ cho đến cùng ở trong tổ chức được lập nên để Huấn Thánh cho người Việt Nam này mà thôi. Chỉ có ai biết “hạ mình xuống, vui chịu khinh chê giầy đạp, chịu dể duôi bắt bớ”, theo tinh thần Bỏ Mình, mới có thể Làm Thánh, thay vì bỏ ra, khi không được làm linh mục, làm giáo sư dạy học mà thôi. Có thể nói, trên thực tế, theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công với “Cha Thánh Thủ” và như “Cha Thánh Thủ”, tu sĩ Đồng Công nào có được một tinh thần Tận Hiến, theo chiều hướng Thánh trước hết và Thánh trên hết, sẽ có được cả tinh thần Bỏ Mình và Yêu Nhau. Đó là lý do, trong chính cuộc sống của tu sĩ Đồng Công, Cha Thủ còn muốn đào tạo đặc biệt một số anh em muốn nên trọn lành hơn, bằng cách kêu gọi họ dấn thân tuyên hứa sống đời Toàn Thiêu, theo những qui định do chính ngài biên soạn được gọi là Luật Toàn Thiêu.

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ