GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ TƯ 6/6/2007 TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN |
? Tổ Chức Bác Ái Caritas gửi Sứ Điệp cho Thượng Nghị Đệ Nhất Kinh Tế Bát Cường G8
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: “Chúng ta cần phải suy nghĩ và phản tỉnh những lời của Người cũng như những hành động của Người trước nhan Người và cùng với Người”
? Con Người: Tiến Trình Phá Sản Luân Lý với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Tổ Chức Bác Ái Caritas gửi Sứ Điệp cho Thượng Nghị Đệ Nhất Kinh Tế Bát Cường G8
Hơn 300 phần tử thuộc tổ chức Bác Ái Quốc Tế đã gửi một sứ điệp cho các vị lãnh đạo của Nhóm Đệ Nhất Kỹ Nghệ Bát Cường được gọi là G8 (Group of Eight: Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Ý, Đức, Nhật, Gia Nã Đại), dưới hình thức của một biểu ngữ được dựng lên ở Quảng Trường Thánh Phêrô.
Thật vậy, hôm Thứ Ba 5/6/2007, khoảng 25 vị giám mục và tổng giám mục, 50 linh m ục và nữ tu, cùng với 300 đại biểu Tổ Chức Bác Ái đã qui tụ lại ở Vatican để dựng lên một biểu ngữ với hàng chứ “Hãy Hiện Thực Việc Cứu Trợ”.
Dấu hiệu này liên quan tới một cuộc vận động được Tổ Chức Bác Ái này cùng với những tổ chức cứu trợ khác thực hiện để yêu cầu các quốc gia thuộc Nhóm Đệ Nhất Kỹ Nghệ Bát Cường hãy thực hiện trọn vẹn những hứa hẹn hai năm trước ở Gleneagles, Tô Cách Lan, trong việc gia tăng cứu trợ cho các quốc gia đang phát triển.
Các vị lãnh đạo thuộc Nhóm Đệ Nhất Kỹ Nghệ Bát Cường gặp nhau trong thời khoảng 6-8/6/2007 ở Heiligendamm, Đức quốc, nước đang nắm vai trò chủ tịch cả Khối Hiệp Nhất Âu Châu lẫn Nhóm Đệ Nhất Kỹ Nghệ Bát Cường.
Vị tổng thư ký của Tổ Chức Bác Ái này là Duncan Maclaren đã cho biết rằng “Biểu ngữ ‘Hãy Hiện Thực Việc Cứu Trợ’ ở Quảng Trường Thánh Phêrô gửi một sứ điệp minh nhiên đến cho các vị lãnh đạo của Nhóm Đệ Nhất Kỹ Nghệ Bát Cường, đó là phải chấm dứt cảnh tủi nhục nghèo khổ”.
Theo vị tổng thư ký này thì cuộc vận động đây là để nhắc nhở các vị lãnh đạo của Nhóm Đệ Nhất Kỹ Nghệ Bát Cường về “những lời hứa hẹn hai năm trước về việc cứu nhiều triệu người khỏi cảnh nghèo khổ. Trái lại, chúng tôi đã thấy vấn đề cứu trợ đang bị tụt dốc. Những con số mới nhất cho thấy những luồng trợ cấp ngược lại với lần đầu tiên ở vào 10 năm trước.
“Thành phần tệ nhất gồm có Ý quốc, hụt mất 8 tỉ bạc hứa hẹn, Pháp 7.6 tỉ và Đức 7 tỉ. Các vị lãnh đạo thuộc Nhóm Đệ Nhất Kỹ Nghệ Bát Cường cần phải biết rằng không có gì xẩy ra từ những gì không không. Nếu họ rời Heiligendamm mà chẳng có những dự án cụ thể nào thì họ sẽ làm cho người nghèo thất vọng. Thế nhưng, họ cũng cần phải biết rằng chúng tôi sẽ chẳng thoái lui đâu. Chúng tôi sẽ lên tiếng nữa.
Tổ Chức Bác Ái
Quốc Tế đang thực hiện một cuộc tổng nghị ở Rôma
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/6/2007
? “Chúng ta cần phải suy nghĩ và phản tỉnh những lời của Người cũng như những hành động của Người trước nhan Người và cùng với Người”
Bài giảng trong Thánh Lễ Truyền Dầu Sáng Thứ Năm Tuần Thánh 13/4/2006 tại Đền Thờ Thánh Phêrô:
“Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải nhận biết Chúa Giêsu một cách thân tình hơn bao giờ hết, lắng nghe Người, chung sống với Người, bỏ giờ ra với Người. Việc lắng nghe Người – nơi việc ‘lectio dinina’, tức là việc đọc Thánh Kinh, không phải theo kiểu học thức mà là theo kiểu thiêng liêng; nhờ đó chúng ta biết cách gặp gỡ Chúa Giêsu là Đấng đang hiện diện và nói với chúng ta. Chúng ta cần phải suy nghĩ và phản tỉnh những lời của Người cũng như những hành động của Người trước nhan Người và cùng với Người.
“Việc đọc Thánh Kinh là việc cầu nguyện, nó phải là việc cầu nguyện – nó phải xuất phát từ việc nguyện cầu và dẫn tới việc nguyện cầu. Các thánh ký nói với chúng ta rằng Chúa Kitô thường ẩn mình ở trên núi cầu nguyện thâu đêm. Chúng ta cũng cần đến thứ ‘núi’ này: đó là độ cao nội tâm chúng ta cần phải leo lên, đó là ngọn núi nguyện cầu. Chỉ có thế mối thân hữu mới phát triển. Chỉ có thế chúng ta mới có thể thi hành công việc phục vụ tư tế của chúng ta, chỉ có thế chúng ta mới có thể đem Chúa Kitô và Phúc Âm của Người đến cho con người. Việc chỉ biết hăng say hoạt động thậm chí có thể là những gì anh hùng. Thế nhưng hoạt động bề ngoài, cuối cùng, vẫn chẳng sinh hoa kết trái và mất đi hiệu năng, nếu nó không được xuất phát từ mối hiệp thông sâu xa thân mật với Chúa Kitô.
“Thời gian chúng ta giành cho việc làm này thực sự là thời gian của hoạt động mục vụ, của hoạt động mục vụ đích thực. Một linh mục trước hết là một con người nguyện cầu. Thế giới thường lạc hướng của mình theo chiều hướng duy hoạt động cuồng loạn của nó. Hoạt động của nó và các khả năng của nó trở thành những gì hủy hoại, nếu không có sức mạnh của việc nguyện cầu là những gì xuất phát giòng nước sự sống có khả năng làm cho đất đai khô cằn trở nên mầu mở phì nhiêu.
Huấn từ ngỏ cùng hàng giáo sĩ Balan trong chuyến tông du Balan Thứ Sáu 26/5/2006
“Sự cao cả nơi thiên chức linh mục của Chúa Kitô khiến chúng ta cảm thấy rùng mình. Chúng ta có thể bị thôi thúc mà kêu lên như Thánh Phêrô rằng: ‘Lạy Chúa, xin xa con ra, vì con là một kẻ tội lỗi’ (Lk 5:8), vì chúng ta thấy khó có thể tin được rằng Chúa Kitô đã đặc biệt kêu gọi chúng ta. Người chẳng lẽ không chọn được một người khác có khả năng hơn tôi, thánh thiện hơn tôi hay sao? Thế nhưng Chúa Giêsu đã âu yếm nhìn đến mỗi một người trong chúng ta, để rồi chúng ta cảm thấy tin tưởng trước ánh mắt này của Người. Chúng ta đừng bị vội vã cuốn hút, như thể thời giờ giành cho Chúa Kitô trong thinh lặng nguyện cầu là thời gian lãng phí. Trái lại, chính vào lúc bấy giờ mà những hoa trái tuyệt vời nhất của việc mục vụ mới phát sinh. Không nên chán nản vì sự kiện cần phải cố gắng mới thực hiện được việc nguyện cầu, hay vì cảm giác Chúa Giêsu vẫn cứ lặng thinh. Người thực sự là thinh lặng, thế nhưng Người cũng đang hành động. Về vấn đề này tôi cảm thấy vui nhắc lại cảm nghiệm của tôi năm ngoái ở Cologne. Tôi bấy giờ đã chứng kiến thấy một sự thinh lặng sâu xa không thể nào quên được của một triệu con người trẻ vào lúc Chầu Thánh Thể! Cái thinh lặng nguyện cầu ấy liên kết chúng ta, cống hiến cho chúng ta niềm an ủi lớn lao. Trong một thế giới đầy những ồn ào náo động, đầy những hoang mang bối rối, cần phải thực hiện việc thinh lặng chầu Chúa Giêsu ẩn mình trong Bánh Thánh. Hãy siêng năng thực hiện việc nguyện chầu ấy và dạy cho giáo dân biết làm việc này. Nó là mạch nguồn của niềm ủi an và ánh sáng đặc biệt cho những ai đang cảm thấy khổ đau”.
(còn tiếp)
Con Người: Tiến Trình Phá Sản Luân Lý với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Đúng thế, trong tác phẩm “Hồi Niệm và Căn Tính” 2005, (Chương 2 về “Những Ý Hệ của Sự Dữ”, trang 7-12), vị giáo hoàng từng dạy triết lý ở Balan đã viết:
“Qua năm tháng, tôi càng ngày càng thâm tín rằng các thứ ý hệ sự dữ được cắm rễ sâu trong lịch sử tư tưởng triết học Âu Châu. Ở đây tôi cần phải đề cập tới một số khía cạnh của lịch sử Âu Châu, nhất là các xu hướng văn hóa chủ chốt của nó. Khi bức thông điệp về Chúa Thánh Thần được ban hành (biệt chú của người dịch: bức thông điệp được ngài ký ngày 18/5/1986), đã xẩy ra một số phản ứng tiêu cực từ một số thành phần ở Tây Phương. Cái gì đã thúc động những phản ứng ấy? Chúng xuất phát từ cùng nguồn mạch được gọi là chủ nghĩa Minh Tri Âu Châu trên hai thế kỷ trước đó, nhất là Minh Tri Pháp quốc, mặc dù không nói đến các kiểu Minh Tri khác như Anh, Đức, Tây Ban Nha và Ý. Chủ nghĩa Minh Tri ở Balan theo đường lối riêng của mình. Tuy nhiên, Nga hoàn toàn thoát khỏi cuộc đột biến Minh Tri này. Ở Nga, cuộc khủng hoảng của truyền thống Kitô giáo xuất phát từ một hướng khác, được bùng lên vào đầu thế kỷ 20 một cách mãnh liệt hơn nữa nơi hình thức của cuộc cách mạng Mat-xít vô thần cực đoan.
“Để hiểu rõ hơn về hiện tượng này, chúng ta cần phải trở về với giai đoạn trước Thời Minh Tri, nhất là với cuộc cách mạng gây ra bởi tư tưởng triết lý của Descartes. Câu cogito, ergo sum (tôi nghĩ nên tôi là) là những gì đã làm biến đổi tận gốc rễ đường lối thể hiện triết học. Vào giai đoạn trước Descartes thì triết lý, vấn đề phải nói là cogito (nghĩ tưởng) hay nói cách khác là cognosco (ý nghĩ), yếu tố thấp hơn esse (yếu tính) là yếu tố được coi là phải có trước. Thế nhưng, đối với Descartes, yếu tính lại là những gì thứ yếu, và ông cho cogito (nghĩ tưởng) là tiền hữu. Điều này chẳng những làm thay đổi chiều hướng triết lý hóa mà còn đánh dấu một cuộc dứt khoát loại trừ những gì triết lý vẫn có cho tới bấy giờ, nhất là triết lý của Thánh Tôma Aquinas được gọi là triết lý về esse (yếu tính). Trước đó, mọi sự đều được giải thích theo quan điểm yếu tính và việc giải thích mọi sự đều được căn cứ vào quan điểm này. Thiên Chúa, một Hữu Thể Toàn Mãn (Ens subsistens) được tin là căn nguyên thiết yếu của hết mọi ens non subsistens, ens participatum, tức là của tất cả mọi vật được tạo thành, bao gồm cả con người. Câu cogito, ergo sum đã đánh dấu một cuộc thoát ly từ chính giới tuyến suy nghĩ ấy. Giờ đây ens cogitans (vật nghĩ tưởng) đã chiếm phần ưu thế. Sau Descartes, triết lý trở thành một khoa học thuần nghĩ tưởng: tất cả esse (yếu tính) – nơi cả thế giới tạo sinh lẫn Hóa Công – đều ở trong phạm vi của cogito (nghĩ tưởng), như những gì được chất chứa nơi tâm thức con người. Triết học bấy giờ tự cho mình là các hữu thể qua (như) nội dung của tâm thức, chứ không phải các hữu thể qua (như) những gì hiện hữu tách biệt khỏi nó.
“… Những diễn tiến về triết lý xẩy ra ở Tây Âu sau Thời Minh Tri. Trong các điều được nói tới, người ta nói về vấn đề ‘suy thoái của chủ nghĩa thực thể Tôma’, và vấn đề này được hiểu là bao gồm cả việc loại bỏ đi Kitô giáo là một thứ nguồn mạch cho việc triết lý hóa. Đặc biệt là ngay cả vấn đề có thể đạt tới Thiên Chúa cũng được xét lại. Theo lý lẽ của cogito, ergo sum thì Thiên Chúa trở thành một yếu tố trong tâm thức của con người; Ngài không còn được coi là ý nghĩa tối hậu cho cái sum (là) của con người nữa. Ngài cũng chẳng còn là Ens subsistens hay ‘Hữu Thể Toàn Mãn’ nữa, không còn là Đấng Hóa Công, là Đấng làm cho mọi sự hiện hữu, tệ nhất là Ngài không còn là Đấng ban mình nơi mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm Cứu Chuộc và mầu nhiệm ân sủng nữa. Vị Thiên Chúa của Mạc Khải không còn hiện hữu như ‘Thiên Chúa của các triết gia’ nữa. Tất cả những gì còn lại chỉ là ý tưởng về Thiên Chúa mà thôi, một đề tài tùy tâm tưởng con người khám phá.
“Như thế, các nền tảng về ‘triết lý sự dữ’ cũng bị sụp đổ theo. Sự dữ, theo ý nghĩa thực thể thì nó chỉ hiện hữu trong tương quan với sự thiện, nhất là với Thiên Chúa, Sự Thiện tối cao. Đó là sự dữ được Sách Khởi Nguyên nói tới. Chính từ quan điểm này mới có thể hiểu được nguyên tội, cũng thế, mới có thể hiểu được tất cả mọi cá tội. Sự dữ này đã được Chúa Kitô cứu chuộc trên Thập Tự Giá. Nói một cách chính xác thì con người được cứu chuộc và thông phần vào sự sống của Thiên Chúa nhờ việc cứu độ của Chúa Kitô. Tất cả những điều ấy, toàn thể thảm kịch của lịch sử cứu độ ấy đã biến mất đối với chủ nghĩa Minh Tri. Chỉ còn lại một mình con người mà thôi: một mình con người đóng vai như là một tay làm nên lịch sử của họ cùng với văn minh của họ; một mình con người đóng vai như là một kẻ quyết định điều thiện sự ác, như là một kẻ muốn hiện hữu và tác hành như thể không có Thiên Chúa etsi Deus non daretur.
“Nếu con người có thể tự mình quyết định, không cần Thiên Chúa, những gì là thiện và những gì là ác, thì họ cũng có thể quyết định hủy diệt cả một nhóm người. Những quyết định kiểu ấy đã được thực hiện, chẳng hạn, bởi những kẻ cầm quyền Third Reich (biệt chú của người dịch: tức Chế Độ Nazi ở Đức 1933-1945, sau hai đế quốc trước đó là Đế Quốc Đức 1871-1918 và Đế Quốc Rôma Thánh 962-1806) bằng đường lối dân chủ, trong việc chỉ lạm dụng quyền bính của mình để thực hiện những dự án gian ác của ý hệ Xã Hội Quốc Gia theo các nguyên tắc duy chủng tộc. Những quyết định tương tự cũng được thực hiện bởi đảng Cộng sản ở Nga Sô cũng như ở các xứ sở khác theo ý hệ Mát Xít. Đó là cái lý lẽ giành để diệt chủng người Do Thái, cùng các nhóm khác như nhân dân Romania, thành phần dân quê xứ Ukraine, và hàng giáo sĩ Chính Thống lẫn Công Giáo ở Nga, ở Belarus và cả ở bên ngoài rặng núi Urals (biệt chú của người dịch: một rặng núi ở Nga thường được coi là lằn biên phân chia ranh giới giữa Âu Châu và Á Châu). Cũng thế, tất cả những ai ‘không thuận lợi’ cho chế độ đều bị bách hại; chẳng hạn, thành phần không còn là chiến binh Tháng Chín 1939, những người lính thuộc Quân Đội Quốc Gia ở Balan sau Thế Chiến Thứ Hai, và những người thuộc thành phần trí thức không chấp nhận ý hệ Mát Xít hay Nazi. Bình thường cuộc bách hại này là việc bị loại trừ về thể lý, nhưng đôi khi bị loại trừ về luân lý nữa, ở chỗ, con người không nhiều thì ít bị cấm đoán hành sử các quyền lợi của mình…”
Trong tác phẩm “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” của mình được xuất bản vào năm 1994 (ở chương ‘What Has Become of The ‘History of Salvation’, ấn bản Anh ngữ, trang 50-53), vị giáo hoàng triết gia nhân bản Kitô giáo Gioan Phaolô II còn cho thấy căn nguyên của cuộc khủng hoảng văn hóa, của tình trạng phá sản đạo nghĩa ở riêng Tây Phương và chung thế giới hiện đại, để rồi từ đó, ngài đã mở đường máu cho con người như sau:
“Tại sao tất những điều ấy xẩy ra? Căn nguyên của những ý hệ hậu Chủ Nghĩa Minh Tri này là gì? Câu trả lời dễ thôi, ở chỗ: nó xẩy ra là vì việc phủ nhận Thiên Chúa qua (như) Vị Hóa Công, từ đó phủ nhận Ngài qua (như) nguồn mạch quyết định lành dữ. Nó xẩy ra là vì việc phủ nhận những gì tối hậu tạo nên chúng ta là con người, tức là loại trừ quan niệm bản tính con người là một ‘thực tại được ban tặng’; vị trí của quan niệm này đã bị thay thế bằng một ‘sản phẩm tư tưởng’ được tư do hình thành và tự do khả hoán theo hoàn cảnh. Tôi tin rằng nếu tìm hiểu kỹ lưỡng hơn nữa về vấn đề này chúng ta có thể vượt ra ngoài biên giới Descartes nữa. Nếu chúng ta muốn nói một cách hợp tình hợp lý về thiện ác, chúng ta cần phải trở về với Thánh Tôma Aquinas, tức là trở về với loại triết lý hiện thể. Chẳng hạn, với phương pháp hiện tượng học, chúng ta có thể học hỏi những kinh nghiệm về luân lý, tôn giáo, hay đơn giản như việc làm người ra sao, để nhờ những kinh nghiệm ấy kiến thức của chúng ta càng thêm phong phú. Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng, tất cả những phân tích này đã mặc nhiên nhận thức thực tại về Hữu Thể Tối Cao cũng như thực tại về con người là một tạo sinh. Nếu chúng ta không bắt đầu từ những nhận thức theo ‘chủ nghĩa thực thể’ ấy chúng ta sẽ đi đến chỗ trống rỗng mà thôi”.
Tóm lại, theo ĐTC GPII, sở dĩ con người văn minh ngày nay nói chung và thế giới Tây Phương Kitô giáo nói riêng đi đến tình trạng bị khủng hoảng về văn hóa và đạo lý, đến nỗi đã thực hiện những hành động gian ác chưa từng thấy, như ra tay diệt chủng bởi cả hận thù lẫn luật pháp dân chủ trong thế kỷ 20, là vì con người đã trở thành vô thần, đã sống như không có Thiên Chúa, đã cho mình là chúa tể muốn làm gì thì làm, bởi thế, xã hội loài người càng băng hoại, cho đến khi con người, nhờ “hồi niệm” mà nhận ra “căn tính” của mình, và sống căn tính của mình, với sự thật làm người của mình trước nhan Thiên Chúa.
(còn tiếp)