GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 1/7/2007 TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN |
? ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Lễ Trọng Kính Thánh Phêrô và Phaolô 29/6/2006
? Bài giảng trong Thánh Lễ An Táng Cha Trần Đình Thủ ngày 26/6/2007 ở Việt Nam
? CUỘC TÔN VINH THÁNH MẪU FATIMA Mừng Kỷ Niệm 90 Năm Biến Cố Fatima (1917-2007)
ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Lễ Trọng Kính Thánh Phêrô và Phaolô 29/6/2006
Anh Chị Em thân mến!
Hôm nay chúng ta long trọng tôn kính hai Thánh Phêrô và Phaolô, ‘những vị Tông Đồ của Chúa Kitô, những trụ cột và là nền tảng của thành đô Thiên Chúa”, như phụng vụ hôm nay nói. Việc các ngài tử đạo được coi là tác động thực sự và xứng hợp cho việc hạ sinh của Giáo Hội Rôma.
Hai vị tông đồ này cống hiến chứng từ cao cả của mình trong một khoảng cách ngắn về thời gian và không gian: Ơ Rôma đây, Thánh Phêrô đã bị đóng đanh và sau đó Thánh Phaolô bị lấy đầu.
Máu của các vị, bởi thế, thấm nhập vào nhau hầu như thành một chứng từ duy nhất cho Chúa Kitô, khiến cho Thánh Irênêô, giám mục Lyon, vào giữa thế kỷ thứ hai, đã nói về ‘Giáo Hội này được xây dựng và thiết lập ở Rôma bởi hai vị Tông Đồ hiển vinh Phêrô và Phaolô’ ("Against Heresies" III, 3, 2).
Sau đó ít lâu, ở Bắc Phi Châu, giáo phụ Tertullian đã than lên: ‘Giáo Hội Rôma này, một giáo hội có phúc biết bao! Chính các vị Tông Đồ này, những vị bằng máu của mình, đã đổ ra cho giáo hội ấy toàn bộ tín lý’ ("Prescription against the Heretics," 36).
Chính vì thế mà vị Giám Mục Rôma, vị Thừa Kế Tông Đồ Phêrô, thực hiện một thừa tác vụ đặc biệt trong việc phục vụ mối hiệp nhất về tín lý và mục vụ của dân Chúa khắp thế giới.
Theo ý nghĩa ấy, người ta cũng hiểu được hơn nữa ý nghĩa của lễ nghi được chúng ta lập lại sáng nay, trong Thánh Lễ ở Đền Thờ Thánh Phêrô, tức là việc lãnh nhận giây tông phẩm, một huy hiệu phụng vụ cổ thời, diễn tả mối hiệp thông đặc biệt của các vị mục tử này với vị Thừa Kế Thánh Phêrô.
Tôi gửi lời chào tới quí chư huynh tổng giám mục khả kính cùng tất cả những ai đi theo các vị, trong khi đó tôi xin kêu gọi tất cả mọi người, anh chị em thân mến, hãy cầu nguyện cho các vị cũng như cho các Giáo Hội được ký thác cho các vị.
Vẫn còn một lý do khác làm cho niềm vui của chúng ta hôm nay thậm chí còn lớn lao hơn nữa, đó là có sự hiện diện ở Rôma đây, nhân dịp lễ trọng kính hai Thánh Phêrô và Phaolô, của một phái đoàn đại biểu đặc biệt của Đức Thượng Phụ Hoàn Vũ ở Constantinople là Bartholomew I.
Tôi xin ưu ái lập lại cùng các phần tử thuộc phái đoàn đại biểu này việc chào mừng và chân thành biết ơn của tôi với vị thượng phụ, về việc biểu lộ hơn nữa, qua cử chỉ ấy, mối liên hệ huynh đệ đang có giữa hai Giáo Hội của chúng ta.
Chớ gì Mẹ Maria, Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, vị chúng ta tin tưởng kêu cầu, xin cho các Kitô hữu được tặng ân hiệp nhất trọn vẹn.
Với sự trợ giúp của Mẹ và theo bước chân của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, chớ gì Giáo Hội ở Rôma cùng với toàn thể dân Chúa cống hiến cho thế giới chứng từ hiệp nhất và việc can đảm dấn thân cho Phúc Âm của Chúa Kitô.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 30/6/2006
Bài giảng của Đức Cha Châu Ngọc Tri, Giám Mục Giáo Phận Đà Nẵng, trong Thánh Lễ An Táng Cha Trần Đình Thủ ngày 26/6/2007 ở Việt Nam
(Có thể nghe trọn Bài Giảng Lễ An Táng Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, CMC của Đức Cha dài trên 20 phút)
Kính thưa Cộng Đoàn Phụng Vụ,
Hôm nay, giữa cộng đoàn đông đủ của chúng ta không phải chỉ có một người chết. Vì là cái đinh của buổi lễ hôm nay chín h là Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, đã sống trên 100 năm, 70 năm linh mục, là vị sáng lập Dòng Đồng Công. Và còn một người thứ hai nữa không biết chúng ta có để ý không? Đây là một người đàn ông chỉ 33 tuổi…
Hai cái chết, hai cuộc đời. Cuộc đời Đấng Cứu Thế và c uộc đời của người đi theo Đấng Cứu Thế. Cái chết của Thiên Chúa làm người và cái chết của con người. Cuộc đời này là cảm hứng cho cuộc đời kia. Cái chết này là bảo đảm chắc chắn cho cái chết nọ…
Được tin Cha Đaminh Maria qua đời, một linh mục có tuổi đang nói chuyện với tôi, đã nhận định ngay rằng Cha Thủ có lẽ sẽ nên thánh cả chiếu lẫn giường…
Tôi không muốn kể lễ dài dòng về cuộc sống của ngài. Vì tôi không được biết nhiều, và tôi cũng không có quyền phong thánh cho ngài. Nhưng mà những gì tôi nghe được, những gì đang diễn ra hôm nay trước mắt chúng ta, với đông đảo các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân trong một mầu trắng tang chế thương tiếc, cho tôi cái cảm giác rằng ngài đã nên thánh và ngài đang sống trong bình an, trong hạnh phúc. Bởi vì, cuộc đời của ngài đã chọn những phương tiện nên thánh chắc chắn nhất, đó là thập giá Đức Giêsu, với cuộc sống đầy khổ hạnh của ngài, và Đức Maria mà ngài đã nhận làm Mẹ và làm Mẹ của cả hội dòng ngài thành lập…
Cha Đaminh Maria, từ ngày thành lập, đã đem Mẹ về dòng mình. Khi chọn tên gọi cho dòng là Dòng Đồng Công. Và hơn thế nữa, ngài còn muốn mọi thành viên của dòng đem mẹ về nhà mình bằng cách đặt tên hiệu của Mẹ sau tên thánh rửa tội của mình. Còn chính ngài mang tên thánh là Đaminh Maria…
Thân xác cha Đaminh Maria đang còn ở đây với chúng ta trong phút chốc nữa. Ngài đang tham dự Thánh Lễ sau cùng với chúng ta, rồi thân xác ngài sẽ được vuì sâu vào lòng đất này. Nhưng đức tin của ngài, gương sống của ngài, sự nghiệp Đồng Công của ngài, tôi tin rằng sẽ mãi còn tồn tại…
Cùng Cha Đaminh Maria. Chúc mừng cha được Chúa gọi về. Chúc cha luôn bình an hạnh phúc. Và một chút riêng tư, tôi cũng gửi lời thăm Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chia, Giám Mục tiên khởi giáo phận Đà Nẵng, vị tiền nhiệm đáng kính của con. Chính người đã ban sắc thành lập Dòng Đồng Công ngày 2/2/1953 tại Bùi Chu, và cũng chính ngài đã nhận lời khấn trọn đời của cha Đaminh Maria vào ngày 2/2/1955 tại nhà thờ Gia Định.
Cùng anh em trong đại gia đình Đồng Công. Xin chia buồn trước sự ra đi của Người Anh Cả của anh em. Như Chúa Kitô đã chết để Giáo Hội lớn mạnh, Chúa gọi người Anh Cả về để gia đình Đồng Công được thêm phát triển. Kính chúc anh em luôn thăng tiến...
CUỘC TÔN VINH THÁNH MẪU FATIMA Mừng Kỷ Niệm 90 Năm Biến Cố Fatima (1917-2007)
Lý do:
Vì “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới” (Lời Mẹ Fatima ngày 13/7/1917);
Vì “Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến” (Lời Mẹ Fatima ngày 13/6/1917);
Vì Bí Mật Fatima phần thứ ba đã được Tòa Thánh Vatican công bố ngày 26/6/2000, nhưng vẫn còn nhiều điều hết sức Bí Ẩn và đầy huyền diệu về Fatima liên quan đến cả vai trò của Giáo Hội lẫn lịch sử thế giới hiện đại.
Mục đích:
Để cùng nhau đền tạ “Chúa là Thiên Chúa của chúng ta đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi” (Lời Mẹ Fatima ngày 13/10/1917)
Để cùng nhau đền tạ “Trái Tim Mẹ bị quấn bởi một vòng gai của những tội lộng ngôn và vô ơn do thành phần bạc nghĩa đâm vào” (Lời Mẹ Fatima ngày 10/12/1925)
Để cùng nhau tìm hiểu những Huyền Nhiệm Fatima liên quan tới Biến Cố Fatima, Bí Mật Fatima, Sứ Điệp Fatima và Thiếu Nhi Fatima, hầu có thể đáp ứng Ơn Gọi Fatima và hiện thực Dự Án Fatima.
Thực hiện:
Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống, một chương trình phát thanh được bắt đầu từ ngày 17/9/2000 trên làn sóng 106.3 FM vào mỗi tối Thứ Sáu từ 9 đến 9 giờ 30, và Phong Trào Tông Đồ Fatima Thế Giới Việt Nam Hoa Kỳ (tức Phong Trào Đạo Binh Xanh cũ). Phần Hội Thảo về Thánh Mẫu Fatima do Thiếu Nhi Fatima Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh trình bày và chia sẻ.
Thời gian:
Từ 6 đến 9 giờ tối Thứ Sáu 13/7/2007, ngày kỷ niệm đúng 90 năm Mẹ Maria tiết lộ Bí Mật Fatima cho 3 em Thiếu Nhi Fatima Lucia, Phanxicô và Giaxinta.
Địa điểm:
Tại Cộng Đoàn Westmister – Blessed Sacrament Church: 14072 S. Olive, Westminster, CA 92683. Điện thoại liên lạc nếu cần: 909-899-3590 hay 909-974-9520.
Kính mời:
Tất cả những tâm hồn mong muốn và cố gắng tỏ lòng thành thực sùng kính Mẹ Maria, vì ý thức được rằng “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi cho con nương náu và là đường đưa con đến với Thiên Chúa” (Lời Mẹ Fatima ngày 13/6/1917). Cách riêng các thành viên thuộc các hội đoàn Thánh Mẫu như Hội Đạo Binh Đức Mẹ, Hội Con Cái Mẹ, Hội Đền Tạ Đức Mẹ... Đặc biệt những ai còn quan tâm đến hòa bình thế giới và phần rỗi các linh hồn, những con người đang sống trong một thế giới tân tiến bằng một cảm nghiệm như thể “vì sự dữ gia tăng mà lòng mến nơi nhiều người đã ra nguội lạnh” (Phúc Âm Thánh Mathêu 24:12), và “không biết khi Con Người tới có còn thấy đức tin trên thế gian này nữa hay chăng?” (Phúc Âm Thánh Luca 18:8). Trân trọng và thiết tha kính mời.