GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ NĂM 5/7/2007 TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN |
? Năm Thánh Phaolô 26/6/2008-29/6/2009: Lý do và tính cách đại kết
? Một Trùng Hợp về chủ trương đại kết với Thánh Phaolô
? Phụ Chú Dẫn Giải về Bức Thư của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi Tín Hữu Công Giáo Trung Hoa
Năm Thánh Phaolô 26/6/2008-29/6/2009: Lý do và tính cách đại kết
Chiều áp Lễ Thánh Phêrô Phaolô 28/6/2007, tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cử hành vọng phụng vụ giờ Kinh Tối.
Ngài ngỏ lời chào các vị đại diện nhất là phái đoàn đại biểu thuộc Tòa Thượng Phụ Hoàn Vũ Constantinople đến Rôma để đáp lễ chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh Cha đã ghé thăm vào dịp Lễ Thánh Tông Đồ Anrê.
Ngài nói: “Những cuộc gặp gỡ và khởi động này không phải chỉ là một thứ trao đổi lịch thiệp giữa các Giáo Hội, mà là việc tìm cách bày tỏ một cuộc dấn thân chung thực hiện mọi sự bao nhiêu có thể để mau chóng tiến đến chỗ hiệp thông hoàn toàn giữa Kitô Hữu Đông Phương và Tây Phương”.
“Từ ban đầu, truyền thống Kitô Giáo đã coi Thánh Phêrô và Phaolô như bất khả phân ly nhau, cho dù các vị đều có một sứ vụ khác nhau cần phải hoàn tất: Thánh Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô, Thánh Phaolô nhận được tặng ân đào sâu kho tàng của niềm tin ấy…. Với các đặc sủng khác nhau, các vị hoạt động cho một mục đích duy nhất đó là xây dựng Giáo Hội của Chúa Kitô”.
“Ở Rôma, mối giây liên kết Thánh Phêrô và Phaolô nơi sứ vụ của các vị đã mang một ý nghĩa rất đặc biệt ngay từ những thế kỷ đầu tiên… Có thể nói rằng hôm nay Giáo Hội ở Rôma cử hành sinh nhật của mình, là vì hai vị tông đồ này đã đặt nền tảng cho Giáo Hội này”.
ĐTC giải thích rằng nếu ngày mai, 29/6, Thánh Phêrô sẽ được chú ý ở Đền Thờ Vatican, hôm nay vai trò lãnh đạo là Thánh Phaolô, vị có hài tích được bảo trì ở đền thờ mang tên của ngài. ĐTC nói Thánh Phaolô “được ‘tách biệt cho Phúc Âm của Thiên Chúa’, để loan truyền ân sủng thần linh, một ân sủng trong Chúa Kitô hòa giải con người với Thiên Chúa, với chính mình và với người khác”.
ĐTC tiếp tục nói Vị Tông Đồ Dân Ngoại “chính là một vị giảng thuyết thiên tài”, bởi đó, “thành quả tông đồ đặc biệt ngài có thể đạt được không phải vì thuật hùng biện nẩy lửa hay vì những thứ hộ giáo và những phương sách truyền giáo tinh khôn. Sự thành đạt của việc ngài làm tông đồ trước hết lệ thuộc vào việc ngài dấn thân loan báo Phúc Âm của Chúa Kitô với tất cả lòng gắn bó với Người, một lòng gắn bó không sợ nguy hiểm, khó khăn hay bách hại”.
“Từ đó, chúng ta có thể rút tỉa được một bài học rất quan trọng cho tất cả mọi Kitô hữu: hoạt động của Giáo Hội là những gì khả tín và hiệu nghiệm chỉ bao lâu những ai thuộc về Giáo Hội sẵn sàng tỏ ra trung thành với Chúa Kitô…. Nếu thiếu sự sẵn sàng này thì lý lẽ quyết liệt về sự thật chi phối Giáo Hội cũng chẳng đi đến đâu… Như từ ban đầu, cả ngày nay nữa Chúa Kitô cũng cần đến thành phần tông đồ sẵn sàng hy sinh bản thân mình… như Thánh Phaolô”.
“Bởi thế, tôi hân hoan chính thức loan báo rằng chúng ta sẽ hiến một năm thánh đặc biệt kính Tông Đồ Phaolô, từ ngày 28/6/2008 tới 29/6/2009, nhân dịp 2000 năm sinh nhật của ngài, được các sử gia cho rằng đã xẩy ra vào khoảng giữa năm 7 và 10 AD”.
“Năm Thánh Phaolô” sẽ được cử hành đặc biệt ở Rôma và Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành sẽ chủ sự “một loạt những biến cố về phụng vụ, văn hóa và đại kết, cũng như những khởi động về mục vụ và xã hội”. Ngoài ra, cần phải “đặc biệt chú trọng” tới những cuộc hành hương thống hối tới mộ của vị Tông Đồ này, trong khi đó, trên toàn thế giới, ở các giáo phận và những nơi thờ phượng kính Thánh Phaolô cũng tổ chức những sáng kiến tương tự.
ĐTC nhấn mạnh rằng Năm Thánh Phaolô sẽ mang đặc tính của “chiều kích đại kết”, vì “vị Tông Đồ Dân Ngoại, đặc biệt dấn thân mang Tin Mừng đến cho tất cả mọi dân tộc, quan tâm tới mối hiệp nhất và hòa hợp của tất cả mọi Kitô hữu.
“Chớ gì ngài hướng dẫn chúng ta và bảo vệ chúng ta trong việc mừng hai ngàn năm này, khi giúp chúng ta tiến triển trong việc tìm kiếm khiêm hạ và chân tình mối hiệo nhất trọn vẹn giữa tất cả mọi phần tử của Nhiệm Thể Chúa Kitô”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 28/6/2007
? Một Trùng Hợp về chủ trương đại kết với Thánh Phaolô
Những lời giảng giải của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cho giờ kinh tối vọng Lễ Thánh Phêrô và Phaolô 28/6/2007 ở Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành trên đây, không ngờ trùng hợp với những suy tư về đại kết được bày tỏ cho buổi Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống Thứ Sáu 29/6/2007. Những suy tư này đã được biểu lộ qua mấy câu ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa như sau:
"Kính thưa quí vị, chính ngày hôm nay, Thứ Sáu 29/6/2007, Giáo Hội cử hành Lễ Trọng Thánh Phêrô và Phaolô. Đây là Thánh Lễ trọng Giáo Hội mừng chung hai vị, một vị là thủ lãnh của Giáo Hội, đại diện Chúa Kitô trên trần gian, và một vị là tông đồ dân ngoại, hay là tông đồ Giáo Hội, vì Giáo Hội bao gồm toàn là dân ngoại, không phải là dân Do Thái, nếu có Do Thái thì chỉ là một thiếu số rất nhỏ ngay từ ban đầu.
"Đó là lý do Giáo Hội còn mừng riêng mỗi vị một Lễ nữa. Thánh Phêrô với Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô ngày 22/3 hằng năm, và Thánh Phaolô với Lễ mừng biến cố ngài trở lại, 25/1 hằng năm, biến cố ngài từ một tên Pharisiêu hung hăng bách hại Kitô giáo đã trở thành một tông đồ nhiệt thành rao giảng chính Đấng ngài đã hơn một lần bách hại, nhưng cũng là Đấng đã biến ngài thành ánh sáng muôn dân.
"Riêng Lễ Thánh Phaolô Trở Lại 25/1 còn là ngày theo truyền thống đã trở thành thời điểm kết thúc Tuần Lễ Hiệp Nhất Kitô Giáo. Thật vậy, nếu việc hiệp nhất Kitô Giáo chính yếu liên quan đến quyền tối thượng trong Giáo Hội, chỉ mối hiệp nhất này chỉ có thể tái lập và thực sự xẩy ra khi cả Giáo Hội Chúa Kitô thành lập ngay từ ban đầu chỉ có một chủ chiên và một đàn chiên dưới quyền lãnh đạo của một nhân vật được Chúa Kitô Phục Sinh, trên bờ hồ Tibêria, đã truyền là hãy chăn dắt các chiên con chiên mẹ của Thày, và là nhân vật được kế thừa bởi các vị Giáo Hoàng Công Giáo.
"Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Thánh Phaolô cho mối hiệp nhất Kitô giáo, vì ngài là vị tông đồ dân ngoại nhưng vẫn phục tùng quyền bính Thánh Phêrô".
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dọn cho buổi phát thanh Tin Mừng Sự Sống Thứ Sáu 29/6/2007
Phụ Chú Dẫn Giải về Bức Thư của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi Tín Hữu Công Giáo Trung Hoa
Kèm theo Bức Thư của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi tín hữu Công Giáo Trung Hoa ngày 30/6/2007, Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh Vatican cũng phổ biến một bản phụ chú dẫn giải thêm về Giáo Hội ở Trung Hoa trên 50 năm qua, nguyên văn như sau:
“Cộng đồng Công Giáo ở Trung Hoa đã sống 50 năm qua một cách căng thẳng, trải qua một cuộc hành trình khó khăn và đớn đau, một cuộc hành trình chẳng những sâu xa làm nên tính chất của cộng đồng này, mà còn khiến cho nó mang một đặc tính đặc biệt tiếp tục đánh dấu nó cho tới ngày nay.
“Cộng đồng Công Giáo này đã chịu đựng một cuộc bách hại khởi đầu từ thập niên 1950, một cuộc bách hại đã trục xuất những vị giám mục và thừa sai ngoại quốc, đã giam nhốt hầu hết tất cả mọi thành phần giáo sĩ và lãnh đạo phong trào giáo dân khác nhau, đã đóng cửa các nhà thờ và cô lập hóa thành phần tín hữu. Thế rồi, vào cuối thập niên 1950, có những cơ cấu quốc gia đã được thiết lập, như Văn Phòng Tôn Giáo Vụ và Hiệp Hội Ái Quốc Công Giáo Trung Hoa, với mục đích điều khiển và ‘kiểm soát’ tất cả mọi hoạt động tôn giáo. Vào năm 1958 đã xẩy ra hai cuộc tấn phong giám mục không có phép của Đức Giáo Hoàng, mở màn cho hàng loạt dài những hoạt động sâu xa tác hại tới mối hiệp thông của Giáo Hội.
“Vào thập niện 1966-1976, Cuộc Cách Mạng Văn Hóa xẩy ra khắp quốc gia này, đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới cộng đồng Công Giáo, thậm chí tới cả những vị giám mục, linh mục và giáo dân là thành phần tỏ ra chiều theo những hướng đi mới do các thẩm quyền của chính phủ áp đặt.
“Vào thập niên 1980, nhờ những cử chỉ cởi mở được ông Đặng Tiểu Bình phát động, đã bắt đầu một giai đoạn nhân nhượng tôn giáo qua một số cơ hội biến chuyển và đối thoại, dẫn tới việc tái mở lại các nhà thờ, chủng viện và viện tu, cũng như tới một mức độ hồi sinh nào đó nơi sinh hoạt cộng đồng. Tin tức xuất phát từ các cộng đồng Công Giáo ở Trung Hoa đã xác nhận việc máu tử đạo một lần nữa trở thành hạt giống trổ sinh các tân Kitô hữu: niềm tin tưởng này vẫn tồn tại nơi các cộng đồng; đa số tín hữu Công Giáo đã hăng say chứng tỏ lòng trung thành của mình với Chúa Kitô và Giáo Hội; các gia đình đã t rở thành nơi then chốt trong việc truyền đạt đức tin này cho c ác phần tử của mình. Tuy nhiên, một bầu khí mới đã gây ra những phản ứng khác nhau trong cộng đồng Công Giáo”.
“Cẩn thận phân tích tình hình Giáo Hội ở Trung Hoa, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI thấy được sự kiện là cộng đồng này đang chịu đựng trong nội bộ tình trạng xung khắc bao gồm cả tín hữu lẫn các vị mục tử. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng tình trạng đau thương này không xẩy ra bởi những chủ trương tín lý khác nhau song là thành quả nơi ‘vai trò quan trọng của những thực thể đã từng bị áp đặt như là các thành phần quyết định về đời sống của cộng đồng Công Giáo’. Đó là những thực thể có những mục đích công khai bất khả dung hợp với tín lý Công Giáo, đặc biệt nhắm tới chỗ áp dụng những nguyên tắc độc lập, tự trị và tự điều hành Giáo Hội. Chưa hết, các vị Giám Mục và linh mục đã từng bị giám sát thận trọng và bắt buộc trong việc thi hành vai trò mục vụ của mình.
“Trong thập niên 1990, càng ngày càng có nhiều vị giám mục và linh mục hướng về Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa Chư Dân và Bộ Nội Vụ của Tòa Thánh để xin Tòa Thánh những điều hướng dẫn chính xác để các vị biết ứng sử với một số vấn đề sinh hoạt Giáo Hội ở Trung Hoa. Nhiều người đã hỏi cần phải có thái độ nào đối với chính quyền cũng như đối với các cơ quan của chính quyền đang điều hành sinh hoạt của Giáo Hội. Có những câu hỏi hoàn toàn liên quan tới các vấn đề về bí tích, như có thể đồng tế với những vị giám mục được tấn phong không có phép của đức giáo hoàng hay lãnh nhận bí tíc h từ các vị linh mục được truyền chức bởi các vị giám mục đó hay chăng. Sau hết, việc hợp pháp hóa nhiều vị giám mục đã được tấn phong bất hợp pháp đã gây lộn xộn ở một số thành phần trong cộng đồng Công Giáo”.
“Trong những năm ấy, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong một số trường hợp, đã ngỏ sứ điệp và lời kêu gọi với Giáo Hội ở Trung Hoa, kêu gọi tất cả mọi tín hữu Công Giáo hãy hiệp nhất và hòa giải. Những việc can thiệp của Đức Thánh Cha đã được nồng nhiệt đón nhận, tạo nên một ước vọng hiệp nhất, thế nhưng, tiếc thay, những thứ căng thẳng với những vị thẩm quyền và trong cộng đồng Công Giáo vẫn không suy giảm”.
“Những vấn đề khác nhau dường như gây tác dụng trầm trọng nhất nơi đời sống của Giáo Hội ở Trung Hoa trong những năm gần đây đã gia tăng và được cẩn thận phân tích bởi một ủy ban đặc biệt được chọn lựa bao gồm những chuyên gia về Trung Hoa và các phần tử thuộc Giáo Triều Rôma hằng theo dõi tình hình của cộng đồng này.
“Khi Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI quyết định triệu tập một phiên họp từ ngày 19 đến 20 tháng Giêng, trong đó có sự tham dự của các chức sắc khác nhau trong Giáo Hội, kể cả từ Trung Hoa, ủy ban trên đây đã thực hiện để phổ biến một văn kiện nhắm tới việc bảo đảm những gì được bàn luận sâu rộng về các điểm khác nhau, thu góp những đề nghị cụ thể nêu lên bởi thành phần tham dự viên, và đề ra một số điều hướng dẫn khả dĩ về thần học và mục vụ cho cộng đồng Công Giáo ở Trung Hoa. Đức Thánh Cha, vị đã ưu ái tham dự phiên họp cuối cùng, đã quyết định, trong số những điều khác, gửi một Bức Thư cho các vị giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 30/6/2007