GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 12/8/2007

TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN

 

?  Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: III - NỘI DUNG CỦA VIỆC TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA  (33-39)

?  Thông Điệp Redemptoris Missio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: III - THÁNH LINH LÀ TÁC NHÂN CHÍNH CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO (26-30)

?  Ánh Sáng Thế Gian - Mầm Mống Thần Linh Nơi Phật Giáo

 

 

 

?  Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: III - NỘI DUNG CỦA VIỆC TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA  (33-39)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch  

33.  Việc Giải Phóng theo Phúc Âm

 

Đối với việc giải phóng mà việc truyền bá phúc âm hóa loan báo và nỗ lực mang ra thực hiện thì người ta phải nói thế này:

 

®        Nó không thể chất chứa trong một chiều kích giản dị và hạn hẹp của lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội hay đời sống văn hóa; nó phải bao gồm toàn thể con người, về tất cả mọi phương diện của họ, cho đến độ bao gồm việc họ vươn tới mức độ tuyệt đối, tới chính Đấng Tuyệt Đối thần linh;

 

®        Vì thế nó gắn liền với một nhân sinh quan mà nó không bao giờ có thể làm vật hy sinh cho những nhu cầu của bất cứ một chiến thuật nào, một ứng dụng nào hay một kiến hiệu ngắn hạn nào cả.

 

34.  Tập Trung vào Vương Quốc của Thiên Chúa

 

Vậy, khi rao giảng việc giải phóng và liên kết mình với những ai đang hoạt động và chịu khổ vì việc rao giảng, Giáo Hội nhất định không muốn giới hạn sứ vụ của mình vào lãnh vực tôn giáo mà thôi, cũng như không muốn tách mình ra khỏi những vấn đề trần thế của con người. Tuy nhiên, Giáo Hội tái khẳng định nền tảng của ơn gọi thiêng liêng của mình, và không chịu thay thế việc loan báo vương quốc, bằng việc loan báo những thể thức giải phóng thuộc về nhân loại; Giáo Hội còn nói lên rằng, việc đóng góp của Giáo Hội vào việc giải phóng sẽ không trọn vẹn, nếu Giáo Hội lơ đãng trong việc loan báo ơn cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô.

 

35.  Vào Quan Niệm của Phúc Âm về Con Người

 

Giáo Hội liên kết việc giải phóng thuộc về con người với ơn cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô, song Giáo Hội không bao giờ đồng hóa chúng, vì nhờ mạc khải, kinh nghiệm lịch sử và ý thức đức tin, Giáo Hội biết rằng, không phải mọi quan niệm về việc giải phóng đều cần phải gắn liền và tương hợp với quan điểm phúc âm về con người, về các sự vật và về các sự việc; Giáo Hội cũng biết rằng, để vương quốc của Thiên Chúa trị đến thì việc kiến tạo giải phóng, thiết lập an sinh và phát triển mà thôi cũng chưa đủ.

           

Hơn thế nữa, Giáo Hội còn có một xác tín vững mạnh là, tất cả mọi giải phóng có tính cách trần thế, tất cả mọi giải phóng có tính cách chính trị - cho dù nó có nỗ lực tìm kiếm chứng cớ này nọ trong Cựu Ước hay Tân Ước, cho dù nó có dựa vào những kết luận và dữ kiện thần học cho các giả thiết suy tưởng và những tiêu chuẩn hành động của mình, cho dù nó cứ tưởng mình là một thứ thần học thời nay - cũng mang trong mình một mầm mống chối bỏ chính mình, và không thể nào tiến đến lý tưởng mà nó phác họa cho mình, vì những thúc đẩy sâu xa của nó không phải là những thúc đẩy của công lý trong đức ái, vì lòng nhiệt thành của nó thiếu chiều kích linh thiêng chân thực, và vì mục tiêu tối hậu của nó không phải là ơn cứu độ và hạnh phúc trong Thiên Chúa.

 

36.  Bao Gồm Việc Hoán Cải Thiết Yếu

 

Giáo Hội chắc chắn lấy làm quan trọng trong việc xây dựng những cơ cấu nhân bản hơn, chính trực hơn, tôn trọng nhân quyền hơn, ít bị đàn áp và cầm buộc hơn, thế nhưng, Giáo Hội cũng nhận thức  rằng, các cơ cấu hay nhất và những tổ chức lý tưởng nhất chẳng bao lâu sẽ trở thành vô nhân bản, nếu những bản năng vô nhân bản của tâm can con người không được lành mạnh hoá, nếu những ai sống trong những cơ cấu này, hay những ai quản trị chúng, không chịu hoán cải cõi lòng và quan niệm của mình.

 

37.  Loại Trừ Bạo Lực

 

Giáo Hội không thể chấp nhận bạo lực, nhất là chấp nhận võ lực – là cái một khi bất khả kiềm chế tự nhiên sẽ bùng nổ – cũng như không chấp nhận việc giết hại bừa bãi, như là một đường lối giải phóng, vì Giáo Hội biết rằng, bạo lực bao giờ cũng khiêu khích bạo lực, và chắc chắn sẽ làm phát sinh ra những hình thức đàn áp và cầm buộc, là những hình thức thường khó chịu đựng hơn là những hình thức họ cho rằng chúng sẽ mang lại tự do. Chúng Tôi đã minh bạch nói đến điều này trong cuộc tông du của mình ở Columbia: “Chúng tôi kêu gọi quí vị đừng đặt lòng tin tưởng vào bạo lực và cách mạng phản lại tinh thần Kitô hữu, có thể làm trì trệ thay vì phát triển việc thăng tiến xã hội như quí vị vẫn được phép mong ước” (ĐTC Phaolô VI, Bài Diễn Từ cho Campesinos ở Columbia, 23/8/1968: AAS 60 – 1968 – p. 623). “Chúng Tôi phải nói lên và tái xác nhận rằng, vấn đề bạo lực không hợp với Phúc Âm, không phải là Kitô giáo; những thay đổi đột ngột hay vũ bão về các cơ cấu tự chúng là những gì lừa dối, vô hiệu và chắc chắn không hợp với phẩm vị của con người” (ĐTC Phaolô VI, Bài Diễn Từ cho “Ngày Tiến Bộ” ở Bogotà, 23/8/1968: A A S 60, 1968, p. 627; xem Thánh Âu-Quốc-Tinh, Epistola 229, 2: PL 33, 1020).

  

38.  Việc Đóng Góp Đặc Biệt của Giáo Hội

 

Khi nói đến điều này, chúng tôi vui mừng thấy rằng Giáo Hội càng ngày càng ý thức hơn về cách thức xứng hợp và phương tiện hoàn toàn theo phúc âm Giáo Hội có được, để hợp tác vào việc giải phóng nhiều người. Vậy Giáo Hội đang làm gì? Giáo Hội đang cố gắng càng ngày càng khuyến khích số đông Kitô hữu dấn thân vào việc giải phóng con người. Giáo Hội đang cung cấp cho các Kitô hữu “giải phóng gia” này tác động của đức tin, động lực của tình yêu huynh đệ, học thuyết xã hội mà một Kitô hữu đích thực không thể nào không biết đến và là một học thuyết họ phải lấy làm nền tảng cho sự khôn ngoan cũng như cho kinh nghiệm của mình, để nhờ đó chuyển dịch nó ra thành những thể thức tác hành, tham gia và dấn thân. Tất cả những điều này phải là đặc tính của một người Kitô hữu dấn thân, không lẫn lộn với các thái độ mánh khoé hay công việc theo đường lối chính trị. Giáo Hôïi luôn nỗ lực đưa việc Kitô hữu tranh đấu cho vấn đề giải phóng vào dự án cứu độ phổ quát được chính Giáo Hội loan báo.

 

Những gì Chúng Tôi vừa nhắc lại ở đây đã hơn một lần được mang ra tranh luận trong cuộc Thượng Hội Giám Mục. Thật vậy, Chúng Tôi đã hiến cho đề tài này một số lời để làm sáng tỏ vấn đề trong bài diễn từ kết thúc cuộc Thượng Hội Chúng Tôi ngỏ cùng các vị Nghị Phụ (xem ĐTC Phaolô VI, Bài Diễn Từ kết thúc Thượng Hội Giám Mục Thế Giới Lần Thứ Ba, 26/10/1974: AAS 60, 1974, p. 637).

 

Cần phải hy vọng là tất cả những suy xét này sẽ giúp loại trừ đi cái mập mờ của chữ “giải phóng” thường xuất hiện nơi các ý hệ, các thể chế hay phái nhóm chính trị. Vấn đề giải phóng mà việc truyền bá phúc âm hoá loan báo và sửa soạn là vấn đề giải phóng được chính Chúa Kitô công bố và hiến ban cho con người bằng hy tế của Người.

         

39.  Tự Do Tôn Giáo

 

Việc cần phải bảo toàn các quyền lợi của con người không thể tách khỏi việc giải phóng chính đáng này, một việc giải phóng gắn chặt với việc truyền bá phúc âm hóa, và là việc giải phóng cố gắng bảo toàn các cơ cấu trong việc canh chừng các thứ tự do của con người. Trong các quyền lợi căn bản của con người ấy, quyền tự do tôn giáo chiếm điạ vị quan trọng nhất. Mới đây chúng tôi đã nói về sự liên quan đến vấn đề này, khi nhấn mạnh rằng, “hôm nay đây, có biết bao Kitô hữu, vì họ là Kitô hữu, vì họ là người Công Giáo, đang bị sống vùi dập bởi mưu đồ bắt bớ! Thảm kịch về lòng trung thành với Chúa Kitô và về quyền tự do tôn giáo vẫn tiếp diễn, cho dù nó được ẩn nấp sau chiếc mặt nạ của các thứ loại tuyên ngôn đề cao quyền lợi con người và sự sống trong xã hội!” (Bài Diễn Từ phát biểu ngày 15-10-1975: tuần san L’Osservatore Romano, 17/10/1975).

 

(còn tiếp)

 

TOP

 

?  Thông Điệp Redemptoris Missio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: III - THÁNH LINH LÀ TÁC NHÂN CHÍNH CỦA VIỆC TRUYỀN

GIÁO (26-30)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

Thánh Linh Khiến Toàn Thể Giáo Hội Thành Truyền Giáo

 

26-       Thần Linh đưa nhóm tín hữu đến việc “thành lập một cộng đồng”, trở thành một Giáo Hội. Sau bài giảng tiên khởi của Thánh Phêrô vào ngày Lễ Ngũ Tuần làm cho nhiều người trở lại thì việc thành hình một cộng đồng đầu tiên đã xẩy ra (x. Acts 2:42-47, 4:32-35).

 

Một trong những mục đích chính của việc truyền giáo đó là qui tụ người ta lại với nhau trong việc nghe lời Phúc Âm, trong mối hiệp thông huynh đệ, trong nguyện cầu và trong việc cử hành Thánh Thể. Sống trong “mối hiệp thông huynh đệ” (koinonia) tức là trở nên “một lòng một trí” (Acts 4:32), bằng cách kiến tạo mối thông giao ở mọi quan điểm về nhân bản, tâm linh và thể chất. Thật vậy, một cộng đồng Kitô giáo đích thực cũng thực hiện cả việc phân phối các sản vật trần thế nữa, để không ai bị túng thiếu, và để tất cả có thể nhận được những sản vật này “tùy theo nhu cầu của mình” (x. Acts 2:45, 4:35). Các cộng đồng đầu tiên, được cấu tạo nên bởi “các tấm lòng hân hoan và quảng đại” (Acts 2:46), đều là các cộng đồng cởi mở và truyền giáo, ở chỗ họ được “thiện cảm với mọi người” (Acts 2:47). Ngay trước khi bắt tay vào việc thì truyền giáo đã có nghĩa là làm chứng và là lối sống sáng soi cho người khác rồi vậy (Xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 41-42: loc. cit., 31-33).

 

27-       Sách Tông Vụ cho thấy là việc truyền giáo, một việc trước hết hướng đến dân Yến-Duyên, rồi sau đó mới tới Dân Ngoại, được phát triển ở nhiều cấp độ. Trước hết và trên hết là nhóm 12 Vị do Thánh Phêrô lãnh đạo như một khối duy nhất để loan truyền Phúc Âm. Rồi tới một cộng đồng tín hữu, theo cách sống và hoạt động của mình, làm chứng cho Chúa và hoán cải Dân Ngoại (x. Acts 2:46-47). Sau đó có những nhóm sứ giả đặc biệt được sai đi loan truyền Phúc Âm. Bởi thế, cộng đồng Kitô hữu ở Antiôkia mới sai các phần tử của mình đi truyền giáo; đang khi ăn chay, cầu nguyện và cử hành Thánh Thể, cộng đồng nhận ra Thần Linh đã chọn “sai đi” (x. Acts 13:1-4) Phaolô và Banabê. Thế nên, theo nguồn gốc của mình, truyền giáo được coi như là một việc dấn thân của cộng đồng, một trách nhiệm của Giáo Hội địa phương, một Giáo Hội cần đến “các nhà truyền giáo” để tiến tới những giới tuyến mới. Sánh vai với những người được sai đi còn có những người khác nữa, thành phần làm chứng một cách tự nhiên cho sự sống mới, một sự sống đã biến đổi cuộc đời của họ, cũng là thành phần sau này tạo nên mối liên kết giữa các cộng đồng đang nẩy nở với Giáo Hội Tông Truyền.

 

Việc đọc Sách Tông Vụ giúp chúng ta nhận ra là, ở vào thuở ban đầu của Giáo Hội, việc truyền giáo ad gentes, trong khi có những nhà truyền giáo hiến “cả đời sống” cho ơn gọi đặc biệt này, thì thật sự đã được coi là hoa trái tự nhiên của đời sống Kitô hữu, một hoa trái mà mọi tín hữu phải thực hiện bằng chứng từ của tác hành cá nhân, cũng như bằng việc loan truyền Phúc Âm khi nào có thể.

 

Thần Linh Hiện Diện và Sinh Động ở Mọi Nơi và Mọi Lúc

 

28-       Thần Linh tỏ mình một cách đặc biệt trong Giáo Hội cũng như nơi các phần thể của Giáo Hội. Tuy nhiên, việc hiện diện và hoạt động của Ngài có tính cách phổ quát, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian (xem Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 53: loc. cit., 874f). Công Đồng Chung Vaticanô II nhắc lại rằng, Thần Linh đang hoạt động trong lòng mọi người, qua những “hạt giống Lời Chúa”, được thể hiện nơi những khởi động của con người – bao gồm cả những khởi động về tôn giáo – cũng như nơi những nỗ lực của con người trong việc đạt tới sự thật, sự thiện và chính Thiên Chúa (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 3, 11, 15; Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 10-11, 22, 26, 38, 41, 92-93).

 

Thần Linh ban cho loài người “ánh sáng và sức mạnh để đáp ứng ơn gọi cao cả nhất của mình”; nhờ Thần Linh, “bằng đức tin, nhân loại đạt tới viêïc chiêm ngưỡng và nếm hưởng mầu nhiệm của dự án Thiên Chúa”; thật vậy, “chúng ta buộc phải tin rằng Thánh Linh ban cho mọi người cơ hội để được thông phần vào Mầu Nhiệm Vượt Qua một cách chỉ có Thiên Chúa biết” (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 10, 15, 22). Giáo Hội “biết rằng nhân loại được Thần Linh Thiên Chúa liên tục khơi động và vì thế không bao giờ lại hoàn toàn dửng dưng với các vấn đề tôn giáo”, và “con người bao giờ ... cũng muốn biết được cái ý nghĩa của đời sống, hoạt động và cái chết của mình” (Ibid. đoạn 41). Như thế, Thần Linh ở ngay chính nguồn gốc của việc con người vấn nạn về cuộc sống và tôn giáo của họ, một việc vấn nạn có những lúc nổi lên không phải chỉ bởi các trường hợp liên quan đến chúng gây ra mà còn bởi chính cấu trúc nơi con người của họ” (xem Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 54: loc. cit., 875f). 

 

Việc Thần Linh hiện diện và hoạt động có tác dụng chẳng những nơi cá nhân mà còn nơi cả xã hội lẫn lịch sử, nơi cả các dân tộc, các văn hóa và tôn giáo nữa. Thật thế, Thần Linh là nguồn gốc của các lý tưởng, cũng như của công việc cao quí là những gì mang lại lợi ích cho loài người trong cuộc hành trình của họ qua giòng lịch sử: “Bằng việc quan phòng khôn ngoan, Thần Linh Thiên Chúa hướng dẫn diễn tiến của các thời đại và canh tân bộ mặt trái đất” (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 26). Chúa Kitô Phục Sinh “hiện nay đang hoạt động nơi cõi lòng con người bằng sức mạnh của Thần Linh Người, chẳng những bằng việc khơi lên ước vọng hướng đến một thế giới mai sau, mà còn làm sinh động, thanh tẩy và vững chắc những khát vọng cao quí thúc đẩy gia đình nhân loại làm cho đời sống của mình thành một đời sống nhân bản hơn và hướng toàn thể trái đất về đích điểm này” (ibid. đoạn 38, xem cả đoạn 93). Cũng chính Thần Linh là Đấng gieo “các hạt giống Lời Chúa” hiện diện nơi các tập tục và văn hóa khác nhau, sửa soạn cho chúng được toàn vẹn trong Chúa Kitô (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 17; Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 3, 15).

 

29-       Như thế, Thần Linh, Đấng “thổi đâu thì thổi” (x.Jn 3:8), Đấng “đã hiện diện trong thế gian trước khi Chúa Kitô được vinh hiển” (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 4), và là Đấng “tràn đầy thế gian, ... nắm giữ tất cả mọi sự lại với nhau (và) biết những gì phải nói” (Wis 1:7), đã mở rộng cái nhìn của chúng ta để suy nghĩ về hoạt động của Ngài ở mọi thời và mọi nơi (xem Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 53: loc. cit., 874). Tôi thường nhớ đến sự việc này, một sự việc đã hướng dẫn Tôi trong rất nhiều cuộc gặp gỡ với các thành phần dân chúng khác nhau. Mối liên hệ của Giáo Hội với các tôn giáo khác phải tỏ ra một lòng tôn trọng lưỡng diện: “Tôn trọng con người, nơi việc họ cần đến những giải đáp cho các vấn đề sâu xa nhất của cuộc đời họ, và tôn trọng tác động của Thần Linh nơi con người” (Diễn Từ ngỏ với các Đại Biểu của các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo, tại Madras, ngày 5/2/1986: AAS 78 – 1986 – 767; xem Sứ Điệp gửi Dân Chúng Á Châu, Manila, ngày 21/2/1981, 2-4: AAS 73 – 1981 – 392f; Diễn Từ ngỏ với các Đại Biểu của Các Tôn Giáo Khác, Tokyo, ngày 24/2/1981, 3-4: Insegnamenti IV/I – 1981 – 507f). Bỏ ra ngoài những cắt nghĩa sai lạc, thì việc gặp gỡ liên tôn ở Assisi là để chứng thực cho thấy niềm xác tín của Tôi về “mọi lời cầu nguyện chân thực đều được Chúa Thánh Thần tác động, Ngài là Đấng hiện diện nhiệm mầu nơi hết mọi cõi lòng con người” (Diễn Từ ngỏ với Các Vị Hồng Y và ngày 22/12/1986, đoạn 11: AAS 79 – 1987 – 1089).

 

Cũng cùng một Vị Thần Linh này là Đấng đã hoạt động trong việc Nhập Thể và trong đời sống, trong cuộc tử nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, và là Đấng hoạt động trong Giáo Hội. Thế nên, Ngài không phải là một vị thay thế cho Chúa Kitô, cũng không phải là vị điền vào chỗ trống, đôi khi được cho là xẩy ra, giữa Chúa Kitô và Ngôi Lời. Bất cứ những gì Thần Linh làm phát sinh nơi cõi lòng con người cũng như nơi lịch sử của các dân tộc, nơi các nền văn hóa cũng như nơi các đạo giáo, đều giúp vào việc sửa soạn cho con người đón nhận Phúc Âm (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 16), và chỉ có thể được hiểu liên quan đến Chúa Kitô, Lời nhập thể bởi quyền năng của Thần Linh, “để như một con người toàn vẹn, Người cứu lấy tất cả loài người và qui tụ tất cả mọi sự lại với nhau” (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 45; xem Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 54: loc. cit., 876).

 

Ngoài ra, hoạt động phổ quát của Thần Linh cũng không được tách khỏi hoạt động riêng biệt của Ngài trong Thân Thể của Chúa Kitô là Giáo Hội. Thật vậy, bao giờ cũng là Thần Linh hoạt động, cả khi Ngài ban sự sống cho Giáo Hội và thúc đẩy Giáo Hội loan báo Chúa Kitô, cũng như khi Ngài gieo mầm và làm nẩy nở các tặng ân của Ngài nơi tất cả mọi người cũng như mọi dân tộc, khi hướng dẫn Giáo Hội khám phá ra những tặng ân ấy, nuôi dưỡng những tặng ân ấy và tiếp nhận bằng việc đối thoại. Mọi hình thức hiện diện của Thần Linh phải được đón nhận với lòng tôn kính và tri ân, song Giáo Hội có trách nhiệm trong việc nhận thức về việc hiện diện này, một trách nhiệm được Chúa Kitô ban Thần Linh của Người cho để dẫn dắt Giáo Hội vào tất cả sự thật (x. Jn 16:13).

 

Hoạt Động Truyền Giáo Mới Chỉ Bắt Đầu

 

30-       Thời đại của chúng ta đây, theo đà nhân loại đang tiến triển và không ngừng tìm kiếm, cần phải có một cuộc phục hưng hoạt động truyền giáo của Giáo Hội. Những chân trời và cơ hội truyền giáo đang rộng mở hơn bao giờ hết, Kitô hữu chúng ta được kêu gọi can đảm làm việc tông đồ bằng lòng tin tưởng nơi Thần Linh. Ngài là tác nhân chính của việc truyền giáo!

 

Lịch sử nhân loại đã cho thấy có nhiều khúc quanh chính đã kích thích việc dấn thân truyền giáo, và Giáo Hội, được Thần Linh dẫn dắt, đã luôn luôn hết mình đáp ứng tại những khúc quanh này một cách khôn ngoan. Không thiếu gì những thành quả đã gặt hái được. Cách đây không lâu, chúng ta đã mừng kỷ niệm một ngàn năm của công cuộc truyền bá phúc âm hóa của dân Rus’ và dân Slav, nay chúng ta lại đang sửa soạn cử hành để mừng kỷ niệm năm trăm năm của công cuộc truyền bá phúc âm hóa Mỹ Châu. Cũng thế, chúng ta vừa tưởng niệm một trăm năm của công việc truyền bá đầu tiên tại một số quốc gia ở Á Châu, Phi Châu và Đại Dương Châu. Ngày nay Giáo Hội phải đương đầu với các thách đố khác và tiến tới những giới tuyến mới, cả về việc truyền giáo ban đầu ad gentes cũng như  về việc tân truyền bá phúc âm hóa cho những dân nước đã nghe loan truyền về Chúa Kitô. Ngày nay, tất cả mọi Kitô hữu, cả Giáo Hội riêng cũng như Giáo Hội hoàn vũ, đều được kêu gọi có cùng một lòng dũng cảm đã phấn khích các nhà truyền giáo trong quá khứ, và có cùng một tấm lòng sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Thần Linh.

 (còn tiếp)

 

TOP

 

 

? Ánh Sáng Thế Gian - Mầm Mống Thần Linh Nơi Phật Giáo

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

P

hật nói: Bao lâu con người còn mắc trong lưới mê vọng sẽ chẳng sao mà được thanh tịnh, mặc dầu khảo cứu thánh thư, cúng dường thần phật, ăn chay nằm đất, thức đêm thức hôm, hay trì tụng kinh kệ. Bố thí cho kẻ tu hành, hành hạ xác thân, lễ bái cúng quải không làm cho thanh tịnh được những kẻ mà lòng còn đầy ham muốn vị kỷ. Chẳng phải ăn thịt cá mà con người trở nên ô trọc, nhưng ô trọc vì say sưa ương bướng, cố chấp, gian lận, ghen tuông, kiêu căng, tự thị, khinh khi hay có đầy ác ý (xem Présence du Bouddhisme, p. 245).

 

Phật cho rằng sống trong biến thiên, chất chưởng tương đối dĩ nhiên sẽ phải lệ thuộc, sẽ không thể nào được hạnh phúc bền bỉ, như vậy, muốn được tự do, hạnh phúc trường tồn, tất nhiên phải tìm cho ra tuyệt đối, hằng cửu, bất biến.

 

Phật nói: ‘Hỡi các ti khưu, có một thực trạng bất sinh, bất thành, bất ỷ, bất tạp, vì nếu không có thực trạng ấy thì làm sao giải thoát được cái sinh, thành, ỷ, tạp. Nhưng vì có thực trạng ấy, nên có đường thoát cho cái sinh, thành, ỷ, tạp (Udana p. 129, Colombo 1929, Présence du Bouddhisme, p. 268)...

 

Bản thể tuyệt đối toàn chân, không hư vọng đó, Phật giáo không gọi bằng Trời, bằng Thượng đế, mà thường gọi là Chân Như.

 

Chân Như chính là căn nguyên sinh vạn pháp, là Viên Mãn, là Toàn thể. Chân Như ấy có muôn vàn danh hiệu, nhưng thông dụng nhất là những danh từ như Phật tính, Chân tâm, Như Lai tạng, Thực tướng, Pháp tướng, Bản lai diện mục, hoặc Hư vô, Tịch diệt v.v.

 

Nó tương ứng với danh từ Thái Cực, Thiên Lý trong Khổng giáo; Cốc thần hay Đạo trong Lão giáo, Brahma trong Bà La Môn giáo, Logos trong triết học Âu Châu.

 

Như vậy vũ trụ này có hai phương diện:

 

1.      Một phương diện vĩnh cửu, bất biến, trường tồn mà Phật giáo gọi là Chân tâm hay Chân Như hay Bản Lai diện mục v.v.

 

2.      Một phương diện biến thiên, lệ thuộc không gian, thời gian, có sinh, có diệt, gọi là Vạn hữu, hay Vạn tượng, hay thế giới hiện tượng.

Trong con người, bản thể vĩnh cửu ấy được gọi là Chân tâm, còn các hiện tượng tâm tư biến ảo được gọi là vọng tâm.

 

Chân Như trường tồn, bất sinh bất diệt, tuyệt đối vừa là nguyên nhân vừa là cứu cánh, vừa là thực tại vừa là lý tưởng, lại cũng là thanh tịnh, là Niết bàn.

 

Còn Vạn pháp thì vô thường, vô ngã, bác tạp biến thiên, uế trược, luân hồi.

 

Thực ra phân tách vũ trụ thành hai phần Chân Như và Vạn Pháp, đối với Phật giáo chỉ là một sự phân tách giả tạo. Sự phân tách ấy cốt là để nhìn thấy thực tế cho thấu đáo, để biết đường phản bản qui nguyên, hợp nhất cùng tuyệt đối. Nhưng khi đã thấu đáo, khi đã giác ngộ thì ngược lại, phải có cái nhìn bao quát, phối hợp, vì Chân Như Bản Thể hằng lồng trong vạn pháp, trong hiện tượng; vĩnh cửu luôn ẩn áo dưới các lớp biến thiên cho nên không tách rời Chân Như là Bản thể với các Hiện tượng là ứng dụng.

 

Khi có cái nhìn viên dung ấy thì bản thể và hiện tượng sẽ không còn phân ly, chống đối nhau nữa. Chân Như sinh xuất ra vạn tượng, vạn tượng qui hướng về Chân Như, một trong một ngoài, một ẩn một hiện, tương dung, tương ứng, hòa hợp vô cùng. Hiện tượng sẽ đóng vai hỗ trợ, phụ bật bên ngoài. Chân Như bản thể sẽ chủ trì sinh hóa bên trong: thế là ‘Lý sự vô ngại’. Và dưới mắt người có cái nhìn bao quát thì vũ trụ và nhân quần sẽ trở thành những vần thơ, điệu nhạc biến ảo khôn cùng, càng biến ảo lại càng tăng vẻ thần kỳ, linh hoạt; vạn hữu sẽ trở thành những âm thanh huyền ảo, những kỷ vật hữu tình nhắc nhớ tới bản thể tuyệt đối, nhắc nhớ tới sứ mạng cao cả của con ngươêi là tiến tới đại trí, đại giác để trở về với tuyệt đối.

 

Con người giác ngộ với cái nhìn viên dung sẽ thấy sự hiệp hòa giữa mọi mâu thuẫn, sẽ thấu đáo ý nghĩa vy diệu của hoàn vũ và của cuộc đời; ở đâu đối với họ cũng là Niết bàn, vì Niết bàn đã ở ngay trong tâm hồn họ. Thế mới hay ‘sinh tử Niết bàn’, ‘phiền não tức Bồ Đề’.

 

Hiểu chân tâm và vọng tâm, Bản thể và Hiện tượng ta sẽ hiểu đâu là bờ mê, đâu là bến giác đối với Phật giáo.

 

Bờ mê là cõi phù sinh ảo ảnh, là hình thức sắc tướng, là công dụng, là những giao động của tinh thần và vật chất bên ngoài.

 

Bến giác tức là bến bờ tĩnh lãng của Bản thể vô biên, nơi mà tục lụy hồng trần không sao lọt vào được.

 

Con người chỉ được giác ngộ, chỉ trở nên toàn giác khi lĩnh hội được Bản thể vô biên, được Chân ngã hằng cửu, khi khế hợp được với Chân Như tuyệt đối, không còn những cái nhìn thiển cận, thiên lệch hẹp hòi, không còn tư tình, tư dục, khi đã rũ bỏ được hết những tạp thù thác loạn.

 

Con người sẽ lạc lõng bến mê, bao lâu chưa nhận ra được Toàn thể vô biên, bao lâu còn chạy theo những cảnh phù du biến thiên, hư ảo, còn chạy theo những điều ti tiện, chi mạt, còn sống những kiếp sống sốc nổi, giả tạo.

 

Con người còn mê lú, bao lâu chưa nhận ra được chân tướng mình, khi chưa biết giòng dõi cao sang và định mệnh cao cả của mình, khi còn là đứa con lãng tử ở trong nhà cha mà chẳng nhận được cha, cam thân làm nô lệ (xem dụ người ‘Cùng từ’ trong Kinh Pháp Hoa Phẩm Tín Giải), khi còn là người khách tha phương, khổ sở lao lung, mặc dầu ngay trong tà áo vẫn có viên ngọc qúi (xem dụ ‘Gã nghèo hèn có châu báu trong vạt áo’ ở Diệu Phép Liên Hoa, Phẩm Ngũ Bá đệ tử thọ ký).

 

Con người giác ngộ là con người nhận ra được địa vị cao cả của con người, thấy chân tâm sau lớp vọng tâm, nhìn thấy hằng cửu sau các lớp lang biến ảo.

 

Từ mê đến ngộ tuy cách nhau gang tấc nhưng mà vẫn xa muôn trùng, lúc thấy rồi thì ngay trước mắt, lúc chẳng nhìn ra thì cách trở mấy muôn phương.

 

Để con tim khối óc phóng đãng, phiêu lưu ra các tầng lớp bên ngoài, tức là đi vào bến mê, tức là hồng trần, tục lụy. Thu thập tinh thần, hồi quang phản chiếu để khám phá ra các điều vi diệu nội tâm, để tìm ra tuyệt đối chân tâm, tức là căng buồm Bát Nhã thẳng tiến đến bến giác, tức là rời bỏ phù sinh mà đi vào biên cương vĩnh cửu...

 

Sau khi đã hiểu rõ Chân Như, Vạn pháp, Chân tâm, Vọng tâm, sau khi đã hiểu rõ hai phương diện biến hằng của một chân lý vô biên, thì tất nhiên cũng sẽ hiểu hai vấn đề then chốt khác của Phật giáo là luân hồi và Niết bàn.

 

Vì thực ra, danh hiệu tuy đổi thay, nhưng vòng luân hồi chẳng qua cũng vẫn chỉ gồm thâu các hiện tượng biến thiên, mà Niết bàn cũng chỉ là Chân Như bản thể. Có khác chăng là luân hồi thì chẳng những bao hàm ý nghĩa biến thiên mà còn gợi ra các cảnh phiền sầu khổ não, còn Niết bàn thì ngược lại là bản thể, vừa bao hàm ý nghĩa hạnh phúc tuyệt đối vô biên.

 

Luân hồi là vòng biến dịch, biến thiên của Vạn hữu. Con người sinh ra dĩ nhiên là phải sống trong cảnh biến thiên, ảo hóa ấy. Con người có thể bị biến thiên lôi cuốn đắm chìm, nhưng con người cũng có thể dùng vạn hữu biến thiên làm công cụ tu luyện để đạt mục đích cao cả của mình: Đó là đạt tới Niết bàn, đạt tới Tuyệt đối.

 

Thường người ta nghĩ luân hồi là thay hình đổi xác, hết làm loài này lại sang làm loài khác, cứ như vậy vô cùng, chứ ít người biết rằng luân hồi cũng là thay đổi tâm tư, thay đổi nguyện vọng, thay đổi lối sống, lối nhìn.

 

Bỏ mọi tâm trạng biến thiên, mà vào Chân tâm hằng cửu đó là vào Niết bàn.

 

Cho nên Niết bàn không ở đây ở đó mà đã tàng ẩn ngay trong thâm tâm con người. Nhưng con người cần phải khai thác tâm hồn, cần phải lọc lõi, trừ khử hết mọi bức màn dục vọng, tư tưởng biến thiên bên ngoài, mới có thể thực hiện Niết bàn được.

 

Vì vậy Niết bàn cần được thực hiện trong thâm tâm mỗi một người.

 

Phá bỏ hết mọi vọng niệm, vọng tưởng mới tìm ra được chân lý. Siêu xuất mọi hình thức sắc tướng mới thấy được bản thể, cho nên Niết bàn cũng được định nghĩa là Chân lý tối hậu, hay Thực thể trường tồn. Sau hết Niết bàn là hạnh phúc.

 

Giám mục Nathan Soderblom chủ trương rằng Niết bàn là một từ ngữ Phật giáo đã vay mượn nơi Ấn giáo: Nó tương đương với trạng thái huyền đồng, hay đời sống phối kết với Thượng Đế trong Ấn giáo hoặc trong Công giáo. Trong Ấn giáo Nirvana nhiều khi đi đôi với chữ Brahma (La Vie future d’Après le Maz déisme, Paris Ernest Leroux Editeurs, 28 rue Bonaparte 1901, p. 363).

 

Hiểu được siêu hình học Phật giáo tức là hiểu được tinh hoa Phật giáo, hiểu được phương pháp tu chứng tối thượng thừa Phật giáo (biệt chú cuối trang của tác giả: “Trong bài này tôi không bàn về Tứ Diệu Đế, Bát Chính Đạo và Thập Nhị nhân duyên, vì những vấn đề này sách Phật học nào cũng có”).

 

Thực vậy khi đã nhận định rằng chỉ có một bản thể duy nhất bao trùm không gian, thời gian, bao trùm cả Vạn hữu, khi đã chấp nhận rằng bản thể ví như đại dương, hiện tượng và quần sinh ví như muôn ngàn sóng cả, hay những bọt nước bồng bềnh trên mặt ngàn khơi, thì điều kết luận dĩ nhiên là:

 

-         Bản thể thời trường tồn vĩnh cửu.

-         Hiện tượng thời phù du hư ảo.

-         Con người giác ngộ cần bỏ phù du hư ảo để trở về cùng vĩnh cửu, bỏ hiện tượng để tìm về Bản thể, chân tâm.

 

Phật giáo cho rằng cũng như vũ trụ có hai phương diện biến thiên và hằng cửu. Mỗi một người chúng ta cũng có hai bộ mặt, hai con người. Bộ mặt bên ngoài con người thì nhem nhuốc, biến thiên, chịu định luật thành, trụ, dị, không của thời gian, bộ mặt bên trong thời uy nghi rực rỡ, siêu thoát trên mọi hình thức sắc tướng và không điêu tàn với quang âm, tuế nguyệt.

 

Vì thế Phật giáo mới phân biệt Chân tâm và Vọng tâm, Chân ngã và Vọng ngã.

 

Vọng tâm vọng ngã gồm tất cả những trạng thái biến thiên của tâm hồn, gồm thất tình, lục dục, tri giác, cảm giác, hoài bão, lý luận, tư tưởng thiên mà bách triết, sinh sinh diệt diệt với hiện tượng bên ngoài, còn chân tâm chân ngã thì tế vi huyền diệu bất biến trường tồn.

 

Tìm ra được rằng dưới lớp vọng tâm còn có chân tâm là tìm ra được con người muôn thuở. Khám phá ra được rằng sau những lớp lang tâm tư biến ảo, còn có tuyệt đối chân tâm, sau bộ ‘mặt nạ’ tiểu ngã hóa trang còn có bộ ‘mặt thực’, còn có bộ mặt ‘Bản lai’ đại ngã (Bản Lai diện mục), khám phá ra được rằng dưới làn sóng vô thường vô ngã, mênh mông tràn ngập vũ trụ, tràn ngập lòng mình, còn có giác hải chân như tĩnh lãnh ấy là giác ngộ.

 

Nhiều người theo Phật giáo chỉ chú trọng đến vô thường, vô ngã, mà quên mất chân thường, chân ngã, như vậy là mới biết biến thiên chưa biết hằng cửu, mới biết hiện tượng chưa biết bản thể.

 

Biết vô thường, vô ngã là mới biết khổ ải mà chưa biết Niết bàn. Biết hiện tượng mà chưa biết bản thể là hãy còn trong vòng mê lạc.

 

Con người giác ngộ phải thông suốt lẽ biến hằng, thông suốt hai phương diện thể dụng trong trời đất và trong lòng con người...

 

Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Phật Tử Hội xuất bản, trang 35) viết: ‘Người bỏ mất căn nguyên vĩnh cửu, chân thường, nên bị luân chuyển’ (Thật nhũ nguyên thường, cố thụ luân chuyển)...

 

Chủ trương Phật giáo chính là con người hữu hạn hàm tàng Chân Như vô hạn. Như vậy phương châm và mục đích công cuộc tu luyện cũng được vạch rõ:

 

Tu trì cốt là để từ vọng ngã nhỏ hẹp, ta sẽ phát huy Đại Ngã mênh mông; trong sắc thân phàm tục ta sẽ cố phát huy pháp thân siêu việt; trong phàm thân dễ bị hủy hoại, ta sẽ phát huy kim cương thân bất khả tiêu diệt: trong u minh ta sẽ làm bừng sáng lên ngọn đuốc chân tâm.

 

Chữ Diệt Ngã hiểu cho đứng đắn sẽ là diệt trừ mọi hình thức sắc tướng, để tìm ra chân tính; làm lu mờ tan biến mọi nhỏ nhen, ti tiện, cho quang minh chính đại hiện ra; mục đích tối hậu là kết hợp với Chân Như tuyệt đối, là hòa hợp với Bản thể tuyệt đối.

 

Thế là đi từ hữu vi, hữu lậu trở về vô vi vô lậu, rũ bỏ hết mọi phiền trược buộc ràng, mà sống thung dung tự tại, vứt bỏ mọi giả tạm để tìm ra chân thực trường tồn, rũ bỏ tạp thù để giữ nguyên thuần túy, bỏ ngọn ngành chi mạt, để trở về gốc gác căn nguyên.

 

Đạo Nho gọi thế là ‘khử nhân dục, tồn Thiên lý’, Đạo Lão gọi thế là ‘tâm tử thần hoạt’, thánh Phaolô gọi thế là ‘Tôi sống chẳng phải tôi sống, mà là Chúa sống trong tôi (Galates II, 20)...

 

Mượn ý kinh Kim Cương, và quyển Bồ Đề Đạt Ma huyết mạch luận, ta có thể phác họa phương pháp tu thân minh tâm kiến tính, thành Phật như sau:

 

Hãy rũ bỏ phù vân sắc tướng

(Phàm sở hữu tướng gai thị hư vọng)

Hãy cố tìm vô thượng bồ đề.

Niết bàn muốn rõ nẻo về,

Đừng nên chấp trước đa mê lụy trần.

Con đường giải thoát nội tâm,

Cố suy cố nghĩ cố tầm cho ra

(Tự tâm thị Niết bàn.

Nhược ngôn tâm ngoại hữu Phật,

cầu Bồ đề khả đắc vô hữu thị xứ)

Vọng tâm cố vén mây mù

(Minh tâm kiến tánh.

Nhược bất kiến tánh,

đắc thành Phật đạo,

vô hữu thị xứ)

Băng qua hình tướng vào tòa Như Lai

(Ly nhất thiết chư tướng, tức danh chư Phật)

Nơi vô trụ là nơi an lạc

(Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm)

Pháp vô vi là pháp thánh hiền

(Nhất thiết hiền thánh giai dĩ vô vi pháp nhi hữu sai biệt)

Chớ đừng dính líu sự duyên,

Đừng đem tâm sắc mà phiền Như Lai.

(Nhược dĩ sắc kiến Ngã, dĩ âm thanh cầu ngã,

thị nhân hành tế đạo bất kiến như lai)

Hãy nhớ kỹ hình hài sắc tướng,

Đều một tuồng mộng tưởng mau qua,

Đều là bào ảnh quang hoa,

Sương vương ngọn cỏ, chớp lòa chân mây.

(Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn, bào ảnh, như lộ,

diệc như điện, Ưng tác như thị quán)

Như Lai chẳng ở đây ở đó,

Chẳng đi đâu, chẳng có đến đâu.

(Như Lai giả vô sở tòng lai, diệc vô sở khứ, có danh Như Lai)

Như Lai ở sẵn lòng sâu,

Vào sâu tâm khảm mà cầu Như Lai.

  

(Nguyên phần Mầm Mống Thần Linh nơi Phật Giáo trên đây

được trích từ Những Điểm Tương Đồng giữa Phật, Khổng và Công Giáo,

của Bs Nguyễn Văn Thọ, Công Giáo Tiến Hành Xuân Lộc, 1971, trang 8-20,

cuốn sách được ĐGM Giuse Lê Văn Ấn cho Imprimatur tại Xuân

Lộc ngày 1/4/1971)

(còn tiếp)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ