GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ TƯ 15/8/2007 TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN LỄ TRỌNG ĐỨC MẸ MÔNG TRIỆU |
? Đức Thánh Cha Piô II: Tông Hiến Munificentissimus Deus - Thân Xác của Mẹ Thánh Hảo và Ngời Sáng Tuyệt Vời
? Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Giáo Hội Tin Tưởng Vào Việc Mông Triệu Của Mẹ Maria
? ĐTC Biển Đức XVI - Bài Giảng Lễ Đức Mẹ Mông Triệu 15/8/2005: “Mẹ Maria muốn Thiên Chúa cao cả trên trế giới này, cao cả trong đời sống của Mẹ và hiện diện giữa tất cả chúng ta”
Đức Thánh Cha Piô II: Tông Hiến Munificentissimus Deus - Thân Xác của Mẹ Thánh Hảo và Ngời Sáng Tuyệt Vời
Trong các bài giảng dạy và giảng huấn của mình
về lễ này, các thánh giáo phụ và các vị đại tiến sĩ đã nói về việc mông triệu
của Người Mẹ Thiên Chúa như một điều gì đó quen thuộc và đã được tín hữu chấp
thuận. Các vị làm cho vấn đề sáng tỏ hơn nơi việc giảng thuyết của mình, và dùng
những lập luận sâu xa vững chắc để bày tỏ bản chất và ý nghĩa của vấn đề ấy.
Nhất là các vị làm sáng tỏ hơn nữa sự kiện là những gì được lễ này tưởng kính
không phải chỉ là việc thân xác chết đi của Đức Trinh Nữ Maria không bị băng
hoại, mà còn là việc Mẹ chiến thắng trên tử thần cũng như việc Mẹ được hiển vinh
trên trời, theo khuôn mẫu được Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ ấn định.
Thánh Gioan Đamascênô, nổi tiếng là một vị đại giảng thuyết về sự thật truyền
thống này, đã hết sức lợi khẩu khi thánh nhân liên kết việc mông triệu thể lý
của Người Mẹ Thiên Chúa dấu yêu với các tặng ân và đặc ân khác của Mẹ: “Mẹ là
người đã bảo trì sự trinh nguyên của Mẹ từ thơ bé thì thân thể của Mẹ cũng cần
phải được thoát khỏi tất cả mọi hư hoại sau khi chết đi. Vị đã ẵm bế Đấng Hóa
Công như một người con trong lòng của mình cũng cần phải được ở trong những nhà
tạm của Thiên Chúa. Vị hôn thê mà Ngôi Cha thiết lập hôn ước cần phải làm cho
nhà của Mẹ thành một buồng the thiên quốc. Mẹ là người đã nhìn thẳng vào Người
Con tử giá của Mẹ, và đã bị lưỡi gươm sầu đau đâm thâu qua lòng mình là những gì
Mẹ đã không phải chịu khi hạ sinh Người, cần phải được chiêm ngưỡng Đấng ngự bên
Chúa Cha. Mẹ Thiên Chúa cần phải chia sẻ những chiếm hữu của Con Mẹ, và phải
được hết mọi tạo vật tôn kính như là Mẹ Thiên Chúa và là nữ tỳ của Thiên Chúa”.
Thánh Germanus thành Contantinôpôli đã nhận định là không phải chỉ vì thiên chức
thiên mẫu của Mẹ mà còn vì sự thánh thiện chuyên nhất nơi thân xác trinh nguyên
của Mẹ mà thân xác của Mẹ đã không bị hư hoại và được đưa lên trời: “Theo những
lời Thánh Kinh, Mẹ hiện lên trong mỹ lệ. Thân xác trinh nguyên của Mẹ hoàn toàn
thánh hảo, hoàn toàn thanh sạch, hoàn toàn là nhà của Thiên Chúa, nhờ đó, vì lý
do đó, thân xác của Mẹ cũng thoát khỏi tình trạng bị băng hoại, một thân xác, vì
là một thân xác con người, được biến đổi thành một sự sống vượt trên tình trạng
hư hoại, song vẫn là một thân xác sống động, tuyệt vời trong vinh quang, một
thân xác tinh tuyền và thông hưởng sự sống tuyệt hảo”.
Một tác giả thời sơ khai cũng lên tiếng: “Bởi thế, là Người Mẹ vinh hiển nhất
của Chúa Kitô, Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng ta, Đấng ban sự sống và
bất tử, Mẹ được Người làm cho sống động để chia sẻ tình trạng vĩnh viễn bất hoại
của thân thể với Đấng đã phục sinh Mẹ từ mồ mả và đưa Mẹ lên cùng Người theo
cách thức chỉ có Người biết”.
Tất cả những lập luận và nhận định ấy của các thánh giáo phụ đều được căn cứ vào
Thánh Kinh như nền tảng tối hậu của các vị. Thánh Kinh phác tả Người Mẹ Thiên
Chúa dấu ái, trước mắt của chúng ta, hầu như là một con người được nên một thân
mật nhất với Người Con thần linh của Mẹ và luôn luôn được thông phần với thân
phận của Người.
Đặc biệt, cần phải ghi nhận là, từ thế kỷ thứ hai, các thánh Giáo Phụ đã trình
bày cho thấy Trinh Nữ Maria như là một tân Evà, liên kết chặt chẽ nhất với tân
Adong, cho dù có lệ thuộc vào Người trong cuộc chiến chống lại kẻ thù thuộc thế
giới âm phủ. Cuộc chiến đấu này, như được hàm ý trong lời hứa ban đầu về việc
ban Đấng Cứu Chuộc, đã kết thúc nơi cuộc chiến thắng tuyệt hảo trên tội lỗi và
sự chết là những gì luôn gắn liền với nhau theo các bản văn của Vị Tông Đồ Dân
Ngoại. Bởi thế, như cuộc phục sinh vinh hiển của Chúa Kitô là phần chính yếu làm
nên cuộc chiến thắng và là phần thưởng cuối cùng của cuộc phục sinh thế nào, thì
cuộc chiến đấu chung của Đức Trinh Nữ và Con Mẹ cũng được kết thúc trong vinh
quang của thân xác trinh nguyên Mẹ như vậy. Vị Thánh Tông Đồ này còn nói: Khi
thân xác chết chóc này được mặc lấy tình trạng bất tử, thì lời Thánh Kinh được
nên trọn, đó là tử thần bị chiến thắng nuốt đi.
Bởi thế, Người Mẹ Thiên Chúa uy nghi, được hiệp nhất với Chúa Giêsu Kitô một
cách nhiệm mầu từ đời đời trong cùng một ý muốn tiền định, vô nhiễm từ lúc hoài
thai, tinh tuyền trong vai trò làm mẹ thần linh, hết lòng cộng tác với Đấng Cứu
Chuộc thần linh để hoàn toàn chiến thắng tội lỗi cùng với những hậu quả của nó,
cuối cùng đã chiếm được triều thiên tối hậu của những đặc ân của mình, đó là
được gìn giữ khỏi bị hư hoại trong mồ, và, như Con mình, khi sự chết bị chiến
thắng, Mẹ đã được đưa cả xác lẫn hồn lên hưởng vinh quang trên trời, nơi Mẹ hiển
ngự bên hữu Con Mẹ, Vị Vua muôn đời bất tử.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ The Office of Readings, Saint Paul
Editions, 1983, trang 1517-1518)
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Giáo Hội Tin Tưởng Vào Việc Mông Triệu Của Mẹ Maria
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Tuần san L’Osservatore Romano, ấn
bản Anh ngữ ngày 9/7/1997)
? ĐTC Biển Đức XVI - Bài Giảng Lễ Đức Mẹ Mông Triệu 15/8/2005: “Mẹ Maria muốn Thiên Chúa cao cả trên trế giới này, cao cả trong đời sống của Mẹ và hiện diện giữa tất cả chúng ta”
ĐTC Biển Đức XVI, vào ngày Lễ Trọng Kính Mẹ Maria về trời cả hồn lẫn xác, đã cử hành Thánh Lễ tại nhà thờ giáo xứ ở Castel Gandolfo, và sau đây là nguyên văn bài giảng của ngài.
Chư Huynh trong hàng Giáo Phẩm và trong hàng Linh Mục thân mến,
Anh Chị Em thân mến,
Trước hết, tôi xin thân ái chào tất cả anh chị em. Tôi hết sức hân hoan cử hành Thánh Lễ tạo ngôi nhà thờ giáo xứ mỹ miều này nhân dịp Lễ Mẹ Mông Triệu.
Tôi xin chào ĐHY Sodano, đức giám mục giáo phận Albano, tất cả mọi vị linh mục, ông thị trưởng và tất cả anh chị em. Cám ơn anh chị em đã hiện diện nơi đây.
Lễ Mẹ Mông Triệu là một ngay vui. Thiên Chúa đã chiến thắng. Tình yêu đã chiến thắng. Tình yêu đã chiếm được sự sống. Tình yêu đã cho thấy là nó mạnh hơn sự chết, là Thiên Chúa mới có sức mạnh thực sự và sức mạnh của Ngài là sự thiện hảo và yêu thương.
Mẹ Maria đã được đưa về trời cả hồn lẫn xác: nơi Thiên Chúa thậm chí có cả chỗ cho thân xác. Trời không còn là nơi rất xa vời không thể biết được đối với chúng ta nữa.
Chúng ta có một Người Mẹ ở trên trời. Và Người Mẹ Thiên Chúa này, Người Mẹ của Con Thiên Chúa này, là Người Mẹ của chúng ta. Chính Người đã nói thế. Người đã làm cho Mẹ thành Mẹ của chúng ta khi Người nói cùng người môn đệ cũng như cùng tất cả chúng ta rằng: “Này là Mẹ Con!”. Chúng ta có một Người Mẹ ở trên trời. Trời mở ra, trời có một trái tim.
Trong Phúc Âm, chúng ta đã nghe bài ca vịnh Ngợi Khen Magnificat, một bài thơ cao cả được Thánh Thần linh ứng phát xuất từ môi miệng của Mẹ Maria, thật sự là từ tâm can của Mẹ Maria. Bài ca vịnh tuyệt vời này phản ảnh toàn thể linh hồn, toàn thể con người của Mẹ Maria. Chúng ta có thể nói rằng bài thánh ca này của Mẹ là chân dung của Đức Maria, là hình ảnh thực sự nhờ đó chúng ta có thể thấy Mẹ một cách xác đáng. Tôi xin nhấn mạnh đến hai điểm trong bài đại ca vịnh này.
Bài ca vịnh này được bắt đầu bằng chữ “Magnificat – Ngợi Khen”: Linh hồn tôi “magnifies – ngợi khen” Chúa, tức là “tuyên xưng sự cao cả “ của Chúa. Mẹ Maria muốn Thiên Chúa cao cả trên trế giới này, cao cả trong đời sống của Mẹ và hiện diện giữa tất cả chúng ta. Mẹ không sợ là Thiên Chúa có thể là “một đối thủ” trong đời sống của chúng ta, là với sự cao cả của mình Ngài xâm lấn tự do của chúng ta, xâm lấn cái khoảng đời để sống động của chúng ta. Mẹ biết rằng Thiên Chúa cao cả, chúng ta cũng cao cả nữa.
Đời sống của chúng ta không bị đàn áp mà được nâng cao và vươn rộng: Chính vì thế mà nó trở thành cao cả trước ánh vinh quang của Thiên Chúa.
Sự kiện những vị cha mẹ đầu tiên của chúng ta đã có những ý nghĩ phản nghịch lại như thế là cốt lõi của nguyên tội. Họ sợ rằng nếu Thiên Chúa quá ư là cao cả thì họ sẽ bị lấy đi một cái gì đó nơi đời sống của họ. Họ nghĩ rằng họ có thể gạt Thiên Chúa ra ngoài để lấy chỗ cho họ.
Đây cũng là một chước cám dỗ cả thể của thời tân tiến, của ba hay bốn thế kỷ qua. Càng ngày càng nhiều người nghĩ và nói rằng: “Thế nhưng vị Thiên Chúa này không ban cho chúng ta được tự do; bằng tất cả những mệnh lệnh của mình, Ngài đã hạn chế cái khoảng đời để sống của chúng ta. Bởi thế mà Thiên Chúa cần phải biến khuất đi; chúng tôi muốn tự động và tự lập. Không có vị Thiên Chúa này chính chúng tôi mới là các vị thần linh và làm những gì chúng tôi muốn”.
Đó cũng là quan điểm của Người Con Hoang Đàng, người con không nhận ra rằng hắn được “tự do” chính là vì hắn được ở trong nhà cha của hắn. Hắn ra đi đến những miền đất xa xôi để phung phí gia tài của mình. Cuối cùng, hắn nhận ra rằng chính vì hắn ra đi quá xa với nhà cha của hắn mà thay vì được tự do hắn lại trở thành nô lệ; hắn đã hiểu rằng chỉ nhờ trở về nhà cha của mình hắn mới thực sự có tự do, sống một cuộc đời hoàn toàn tốt đẹp thôi.
Đó là những gì đang xẩy ra cho thời đại tân tiến của chúng ta đây. Trước đây, nó nghĩ và tin rằng, bằng việc loại trừ Thiên Chúa ra rìa và trở nên tự động, chỉ sống theo những ý nghĩ riêng tư và bản năng của chúng ta, chúng ta mới thực sự được tự do làm những gì chúng ta muốn mà không ai có thể truyền khiến chúng ta cả.
Thế nhưng, khi Thiên Chúa biến khuất, con người nam nữ không trở nên cao cả hơn; thật vậy, họ đã mất đi phẩm vị thần linh của mình; khuôn mặt của họ đã mất đi vinh quang của Thiên Chúa. Cuối cùng họ trở thành những sản vật thuần túy của một cuộc cách mạng mù quáng, và như thế, họ có thể được sử dụng và bị lạm dụng. Đó chính là những gì kinh nghiệm của thời đại chúng ta đã cho chúng ta thấy rõ như vậy.
Nếu chỉ có Thiên Chúa là cao cả thì nhân loại cũng cao cả nữa. Với Mẹ Maria, chúng ta phải bắt đầu hiểu rằng vấn đề là như thế. Chúng ta không được lìa xa Thiên Chúa nhưng hãy làm cho Thiên Chúa hiện diện; chúng ta phải bảo đảm là Ngài là Đấng cao cả trong đời sống của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta mới có thể trở thành thần linh; tất cả mọi vinh hiển của phẩm vị thần linh bấy giờ mới là của chúng ta. Chúng ta hãy áp dụng điều này vào đời sống riêng của chúng ta.
Vấn đề cần thiết là Thiên Chúa phải là Đấng cao cả giữa chúng ta, trong đời sống chung riêng.
Trong đời sống công cộng, Thiên Chúa cần phải hiện diện, chẳng hạn, ở các dinh thự công, và Ngài cần phải hiện diện trong đời sống cộng đồng, vì nếu có Thiên Chúa hiện diện, chúng ta mới có đường hướng, một đường hướng chung; bằng không, không thể nào ổn định những cuộc tranh chấp, vì phẩm vị chung của chúng ta không còn được nhìn nhận nữa.
Chúng ta hãy làm cho Thiên Chúa cao cả trong đời sống chung riêng. Có nghĩa là giành chỗ cho Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta hằng ngày, bắt đầu bằng việc nguyện cầu ban sáng, rồi dâng lên Thiên Chúa thời gian, dâng lên cho Chúa các Ngày Chúa Nhật. Chúng ta không phí phạm thời giờ tự do của mình nếu chúng ta dâng nó cho Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa đi vào thời gian của chúng ta thì mọi lúc đều trở thành cao cả, rộng chỗ hơn, dồi dào hơn.
Nhận định thứ hai đó là bài thi ca của Mẹ Maria – bài Ngợi Khen – hoàn toàn là của Mẹ; song đồng thời nó cũng là một “tấm vải” được thêu dệt bằng những “giây sợi” của Cựu Ước, bằng những lời Chúa.
Bởi thế, chúng ta có thể nói rằng Mẹ Maria “quen thuộc” với lời Chúa, Mẹ sống bằng những lời của Chúa, Mẹ thấm thía những lời của Chúa. Cho đến độ Mẹ nói bằng những lời của Chúa, Mẹ nghĩ theo lời Chúa, tư tưởng của Mẹ là những tư tưởng của Chúa, những lời nói của Mẹ là những lời nói của Chúa. Mẹ được ánh sáng thần linh thấm nhập và đó là lý do tại sao Mẹ rất rạng ngời, rất thiện hảo, rất sáng chói yêu thương và thiện hảo.
Mẹ sống bằng Lời Chúa, Mẹ thấm nhập Lời Chúa. Sự kiện Mẹ chìm ngập trong Lời Chúa và hoàn toàn quen thuộc với Lời Chúa, cũng phú bẩm cho Mẹ sau này cái minh tri khôn ngoan nội tâm.
Ai nghĩ tưởng theo Thiên Chúa là nghĩ tưởng đúng, và ai nói cùng Thiên Chúa là nói hay. Họ có những qui tắc chắc chắn để phán đoán tất cả mọi sự trên thế gian này. Họ trở thành khôn ngoan, thông sáng, đồng thời cũng tốt lành nữa; họ trở nên mạnh mẽ và can đảm với sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng chống lại sự dữ và bảo trì sự lành trên trần gian.
Bởi vậy, Mẹ Maria nói cùng chúng ta, nói với chúng ta, mời gọi chúng ta nhận biết Lời Chúa, yêu mến Lời Chúa, sống Lời Chúa, nghĩ bằng Lời Chúa. Và chúng ta có thể làm như vậy bằng nhiều cách thức khác nhau: bằng việc đọc Sách Thánh, bằng việc đặc biệt tham dự phụng vụ là nơi mà suốt năm được Hội Thánh mở tất cả Sách Thánh ra cho chúng ta. Giáo Hội mở Sách Thánh cho đời sống của chúng ta và làm cho Sách Thánh sống động trong đời sống của chúng ta.
Thế nhưng tôi cũng nghĩ đến cả Cuốn Tổng Lược Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo là cuốn mới được chúng tôi ban hành, trong đó, Lời Chúa được áp dụng vào đời sống của chúng ta, và dẫn giải thực tại đời sống của chúng ta; nó giúp chúng ta đi vào “đền thờ” cao cả của Lời Chúa, để học biết yêu mến Lời Chúa, và như Mẹ Maria, được Lời Chúa thấm nhập.
Như thế, đời sống của chúng ta trở nên sáng láng và chúng ta có qui tắc căn bản để phán đoán; đồng thời, chúng ta cũng được thiện hảo và sức mạnh nữa.
Mẹ Maria được mang cả hồn lẫn xác về trời hiển vinh, rồi với Chúa và trong Chúa, Mẹ là Nữ Vương trời đất. Phải chăng Mẹ thực sự xa cách chúng ta?
Ngược lại là đằng khác. Chính vì Mẹ ở với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa mà Mẹ rất gần với mỗi người chúng ta.
Trong khi Mẹ còn sống trên thế gian này, Mẹ chỉ có thể ở gần gũi với ít người. Ở trong Thiên Chúa, Mẹ gần với mỗi người, thực sự là “ở trong” tất cả chúng ta, Mẹ Maria thông phần vào mối gần gũi này của Thiên Chúa. Ở trong Thiên Chúa và ở với Thiên Chúa, Mẹ rất gần với mỗi một người chúng ta, biết được tâm can của chúng ta, có thể nghe lời nguyện cầu của chúng ta, có thể giúp chúng ta bằng sự thiện hảo từ mẫu, và đã được ban cho chúng ta, như Chúa nói, như là một “người mẹ”, vị chúng ta có thể chạy đến lúc nào cũng được.
Mẹ luôn nghe lời chúng ta, Mẹ luôn gần gũi chúng ta, và là Mẹ của Người Con, Mẹ dự phần vào quyền năng của Người Con cũng như vào sự thiện hảo của Người. Chúng ta luôn có thể ký thác tất cả cuộc sống của chúng ta cho Người Mẹ này, vị không xa cách với mỗi một người trong chúng ta.
Vào ngày lễ này, chúng ta hãy tạ ơn Chúa về tặng ân Thánh Mẫu này, và chúng ta hãy cầu cùng Mẹ Maria để giúp chúng ta thấy được con đường ngay thẳng hằng ngày. Amen.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 25/7/2005