GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ NAM 16/8/2007 TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN |
? Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: IV - CÁC PHƯƠNG PHÁP TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA (49-55)
? Thông Điệp Redemptoris Missio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: III - THÁNH LINH LÀ TÁC NHÂN CHÍNH CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO (42-46)
? Ánh Sáng Thế Gian - Mầm Mống Thần Linh Nơi Lão Giáo
Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: V - CÁC THÀNH PHẦN THỪA HƯỞNG VIỆC TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA (49-55)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
49. Ngỏ Lời với Mọi Người
Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trong Phúc Âm Thánh Marcô hiến cho việc truyền bá phúc âm hóa được Chúa trao phó cho các tông đồ của mình một tính cách phổ quát vô hạn: “Các con hãy đi khắp thế gian; loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi tạo vật” (Mk.16:16).
Mười Hai Vị và thế hệ Kitô hữu tiên khởi đã am tường bài học của đoạn văn này và các đoạn văn tương tư như thế; những đoạn văn ấy đẩy họ vào chương trình hoạt động. Ngay cả việc bắt bớ, bằng việc phân tán các tông đồ ra các nơi, cũng giúp vào việc truyền bá Lời Chúa và thiết lập Giáo Hội càng xa hơn nữa. Việc Thánh Phaolô gia nhập vào hàng ngũ tông đồ cùng với đặc sủng của ngài như một nhà rao giảng cho dân ngoại (ngoài dân Do Thái) về một Đức Giêsu Đã Đến cũng đã làm nổi bật tính cách phổ quát này hơn nữa.
50. Bất Chấp Mọi Ngãng Trở
Trong giòng lịch sử của thế kỷ 20 đây, các thế hệ Kitô hữu đã phải đối diện, qua từng giai đoạn, với một số trở ngại khác nhau trước sứ mệnh truyền giáo phổ quát này. Một đàng, về phía chính các nhà truyền bá phúc âm hóa, vì một số lý do khác nhau, đã có khuynh hướng giảm thiểu lãnh vực hoạt động truyền giáo của mình. Đàng khác, nơi những người nghe các nhà truyền bá phúc âm hóa rao giảng thường tỏ ra những phản kháng bất khả thắng vượt theo sức loài người. Lại nữa, chúng ta phải buồn lòng ghi nhận là, hoạt động truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội bị một số công quyền đối kháng một cách mãnh liệt, nếu không muốn nói là bị họ ngăn cản. Ngay trong thời điểm của chúng ta đây cũng có những chuyện các nhà rao giảng Lời Chúa bị tước mất quyền của mình, bị bách hại, đe dọa hay trừ khử, chỉ vì họ đã rao giảng Chúa Giêsu Kitô và Phúc Âm của Người. Thế nhưng, chúng ta tin tưởng rằng, cho dù bị thử thách đau thương, hoạt động của các vị tông đồ này sẽ không bao giờ hoàn toàn thua cuộc ở bất cứ phần đất nào trên thế giới cả.
Bất chấp những đối kháng như thế, Giáo Hội vẫn liên lỉ làm mới lại lòng hứng khởi sâu xa nhất của mình do Chúa trực tiếp tác động, đó là niềm hứng khởi đi khắp thế gian! Loan báo cho tất cả mọi tạo vật! Cho đến tận cùng trái đất! Giáo Hội đã thực hiện việc canh tân lòng hứng khởi này ở cuộc Thượng Hội vừa qua, như một lời lên tiếng kêu gọi xin đừng giam cầm việc loan báo Phúc Âm, bằng cách giới hạn việc này lại nơi một phần nhân loại, hay nơi một tầng lớp dân chúng, hoặc nơi một thứ văn minh duy nhất nào đó. Có một số dấu hiệu đang được tỏ hiện.
51. Việc Loan Báo lần đầu tiên cho Thành Phần Ở Xa
Việc tỏ Chúa Giêsu Kitô cùng với Phúc Âm của Người ra cho những ai không biết Người cũng như không biết Phúc Âm của Người, đã là một chương trình căn bản do Giáo Hội đảm nhận ngay từ buổi sáng Ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, như một việc được Đấng Sáng Lập của mình trao phó. Toàn bộ Tân Ước, nhất là cuốn Tông Vụ, đã chứng dự giây phút hồng ân ấy, và theo một nghĩa nào đó, cũng là một giây phút khuôn mẫu cho nỗ lực truyền giáo này, một nỗ lực để lại dấu vết của mình về sau trên toàn bộ lịch sử của Giáo Hội.
Giáo Hội đã thực hiện cuộc loan báo tiên khởi về Chúa Giêsu Kitô bằng một hoạt động phức hợp và đa diện, đôi khi được gọi là “việc dọn đường truyền bá phúc âm hóa”, song thực sự nó đã là việc truyền bá phúc âm hóa rồi vậy, mặc dầu mới ở giai đoạn khởi sự và dang dở. Bởi thế, có thể sử dụng một loạt vô số những phương tiện, chẳng hạn như, việc minh nhiên rao giảng là điều phải có, ngoài ra còn có nghệ thuật, có cách tiến hành theo khoa học, có việc tìm hiểu về triết học, và có việc đào sâu vào những tình cảm nơi con tim nhân loại.
52. Tái Loan báo cho Thế Giới Kitô Giáo Bị Suy Yếu
Việc loan báo tiên khởi này (từ buổi sáng Ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống) đặc biệt ngỏ lời với những ai chưa bao giờ được nghe Tin Mừng về Chúa Giêsu, hay với các trẻ em. Thế nhưng, căn cứ vào những hoàn cảnh thường xuyên phản Kitô giáo trong thời của chúng ta đây, nó cũng chứng tỏ cho thấy sự cần thiết không kém đối với vô số con người đã lãnh nhận bí tích rửa tội mà hoàn toàn không sống cuộc sống Kitô giáo, đối với người đơn thành có đức tin song với một kiến thức bất toàn về những nền tảng của đức tin này, đối với những nhà trí thức cảm thấy nhu cầu cần phải nhận biết Chúa Giêsu Kitô bằng một ánh sáng khác với cách huấn giảng họ đã lãnh nhận như các trẻ em, cũng như đối với nhiều người khác nữa.
53. Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo
Việc loan báo tiên khởi này cũng ngỏ lời với những lãnh vực rộng lớn của nhân loại, thành phần đang theo những tôn giáo ngoài Kitô giáo. Giáo Hội tôn trọng và cảm nhận những tôn giáo ngoài Kitô giáo này, vì chúng là một diễn đạt sống động của linh hồn thuộc nhiều nhóm người vĩ đại. Chúng mang trong mình tiếng vang của hằng ngàn năm tìm kiếm Thiên Chúa, một kiếm tìm không trọn song thường được tạo nên bởi một con tim chân thành và chính trực cao cả. Chúng có một di sản đáng kể nơi những bản văn sâu xa về đạo lý. Chúng dạy cho các thế hệ cách thức nguyện cầu. Tất cả các tôn giáo này mang sẵn vô số "những hạt giống Lời Chúa" (Thánh Justin, I Apol.46,1-4: PG 6, II Apol 7,1-4; 10,1-3; 13,3-4; Clement of Alexandria, Stromata I,19,91; 94; S.Ch.pp.117-118; 119-120; Công Đồng Chung Vaticanô II: sắc lệnh Ad Gentes, 11, hiến chế Lumen Gentium, 16), và có thể thực sự làm nên "một cuộc sửa soạn cho Phúc Âm" (Eusebius of Caesarea, Praeparatio Evangelica, I,1:PG 21,26-28' x. CĐVII, hiến chế Lumen Gentium,16).
Một tình trạng như vậy nhất định sẽ gây ra những vấn đề phức tạp và tế nhị, cần phải học hỏi trong ánh sáng Truyền Thống Kitô giáo và huấn quyền của Giáo Hội, để hiến cho các nhà truyền giáo hôm nay cũng như mai này những chân trời mới trong việc họ giao tiếp với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Chúng tôi muốn vạch ra cho thấy rằng, trước hết, hôm nay đây, kể cả việc tôn trọng cũng như cảm nhận những tôn giáo này, cùng với tình trạng phức tạp của vấn đề sẵn có, không phải là một lời mời gọi Giáo Hội rút lui khỏi việc loan báo Chúa Giêsu Kitô cho những tôn giáo này. Trái lại, Giáo Hội chủ trương rằng, những nhóm người này có quyền biết đến nguồn phong phú của mầu nhiệm Chúa Kitô (x.Eph.3:8) - những phong phú chúng ta tin rằng toàn thể nhân loại có thể tìm thấy, trong một mức độ trọn đầy thật sự, mọi sự mà họ đang mò mẫm tìm kiếm những gì liên quan đến Thiên Chúa, đến con người và đến định mệnh của họ, đến sự sống và sự chết, đến chân lý. Ngay cả trong việc đối diện với những diễn đạt đạo giáo tự nhiên đáng cảm nhận nhất, Giáo Hội cũng tìm thấy được sự biện hộ, ở sự kiện là đạo giáo của Chúa Giêsu mà Giáo Hội loan báo bằng việc truyền bá phúc âm hóa, khách quan đặt con người vào trong mối liên hệ với dự án của Thiên Chúa, với sự hiện diện sống động của Ngài, cũng như với hành động của Ngài; như thế, Giáo Hội làm nên một cuộc gặp gỡ với mầu nhiệm phụ tử thần linh, một tình phụ tử uốn mình vươn xuống trên nhân loại. Nói cách khác, tôn giáo của chúng ta thiết lập một cách hiệu nghiệm mối liên hệ chân chính và sống động với Thiên Chúa, một mối liên hệ không có nơi các tôn giáo khác, cho dù họ có thực sự giang cánh tay hướng về trời, họ cũng không thành đạt trong việc họ làm.
Đó là lý do tại sao Giáo Hội giữ tinh thần truyền giáo của mình sống động, thậm chí còn muốn làm cho nó tăng thêm trong giây phút lịch sử chúng ta đang sống đây. Giáo Hội cảm thấy có trách nhiệm trước mọi dân tộc. Giáo Hội sẽ không nghỉ ngơi bao lâu chưa hết sức hoàn thành việc loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Cứu Thế. Giáo Hội luôn luôn sửa soạn các thế hệ tông đồ mới. Chúng ta hãy hân hoan nói lên sự kiện này ở vào thời điểm không thiếu những người nghĩ tưởng, thậm chí còn nói rằng, lòng nhiệt thành và tinh thần tông đồ đã bị cạn kiệt, thời gian truyền giáo nay đã qua rồi. Thượng Hội Giám Mục đã đáp lại là việc rao giảng truyền giáo không bao giờ ngưng lại và Giáo Hội sẽ luôn luôn cố gắng để hoàn thành việc loan báo này.
54. Nâng Đỡ Đức Tin cho Tín Hữu
Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn cảm thấy không thể nào lại không lưu ý đến những người đã lãnh nhận đức tin cũng như những người có liên hệ với Phúc Âm qua nhiều thế hệ. Bởi vậy, Giáo Hội tìm cách làm cho sâu xa, kiên vững, bồi dưỡng và trưởng thành hơn nữa đức tin của những người đã được kêu gọi làm tín hữu hay các tín đồ, để họ giữ mãi được như vậy.
Ngày hôm nay đây, đức tin này hầu như luôn luôn bị lôi cuốn theo chiều hướng tục hóa, ngay cả theo chiều hướng vô thần thô bạo. Đó là một đức tin phải đương đầu với các thử thách và đe dọa, hơn thế nữa, nó còn là một đức tin bị vây hãm và bị công kích thẳng mặt. Nó sẽ gặp nguy tử bởi ngột ngạt hay bị đói lả, nếu nó không được nuôi dưỡng và trợ lực mỗi ngày. Bởi thế, để truyền bá phúc âm hóa, thường phải hiến cho đức tin của các tín đồ lương thực và bảo dưỡng cần thiết này, nhất là bằng việc dạy giáo lý đầy chất sống Phúc Âm và theo ngôn ngữ xứng hợp với con người cũng như với các hoàn cảnh.
Giáo Hội cũng vẫn hằng lưu tâm đến các Kitô hữu, thành phần không hoàn toàn thông hiệp với Giáo Hội. Trong khi cùng họ sửa soạn cho cuộc hiệp nhất theo ý Chúa Kitô, nhất là để hiện thực việc hiệp nhất thực sự, Giáo Hội ý thức rằng Giáo Hội sẽ thiếu sót phận sự cách trầm trọng nếu Giáo Hội không chứng thực cho họ thấy được sự trọn vẹn của mạc khải mà Giáo Hội cần phải bảo trì.
55. Thành Phần Vô Tín Ngưỡng
Cuộc Thượng Hội Giám Mục này cũng rất bận tâm đến hai lãnh vực rất khác nhau, song đồng thời lại rất dính liền với nhau, trong việc thách đố do chúng tạo nên, theo đường lối riêng của mình, đối với việc truyền bá phúc âm hóa.
Lãnh vực thứ nhất là lãnh vực có thể được gọi là tình trạng thiếu đức tin tăng lên trong thế giới tân tiến. Cuộc Thượng Hội Giám Mục này cố gắng diễn tả thế giới tân tiến thế này: biết bao nhiêu là những luồng tư tưởng, những giá trị và phản giá trị, những ý hướng tài khéo hay những mầm mống hủy hoại, những xác tín xưa biến mất và những chủ trương mới nổi lên, đều được ẩn dưới cùng một thứ tên gọi này!
Theo quan điểm về tâm linh, thế giới tân tiến này vĩnh viễn như bị chìm ngập trong cái mà một tác giả tân thời gọi là "thảm kịch nhân bản vô thần" (x.Henri de Lubac, Le drame de l'humanisme athée, ed.Spes, Paris, 1945).
Một mặt người ta buộc phải ghi nhận ngay trong lòng của thế giới đương thời có một hiện tượng đang hầu như làm nên đặc tính nổi bật nhất của nó: đó là khuynh hướng tục hóa. Chúng ta không nói đến việc trần tục, một nỗ lực mà tự nó chính đáng và hợp lý, không tương phản với đức tin hay đạo nghĩa, trong việc khám phá nơi tạo vật, nơi mỗi một sự vật hay mỗi một sự việc trong vũ trụ, những định luật điều khiển chúng ở một mức độ tự động nào đó, bằng một xác tín bên trong rằng Tạo Hóa đã đặt những định luật ấy như thế. Theo ý nghĩa này, Công Đồng vừa qua đã xác nhận tính cách tự động hợp lý ấy của văn hóa và nhất là của các khoa học. Ở đây, chúng ta đang nghĩ đến một khuynh hướng tục hóa thực sự: một quan niệm về thế giới mà theo đó các khoa học có thể tự điều giải mà không cần chạy đến với Thiên Chúa, Đấng vì thế trở thành dư thừa và áp đặt. Cái thứ tục hóa này, do đó, để công nhận quyền năng của con người, cần phải tỏ ra bằng việc tác hành bất cần Thiên Chúa, thậm chí chối bỏ Ngài.
Những hình thức mới mẻ của vô thần chủ nghĩa như đã từ đó mà xuất phát: một chủ nghĩa vô thần nhắm vào con người, không còn trừu tượng và siêu hình mà là thực nghiệm, chế độ và bạo lực. Song song với khuynh hướng tục hóa vô thần này, chúng ta hằng ngày chạm trán với, dưới nhiều hình thức khác nhau nhất, một xã hội hưởng thụ, một chiều hướng theo đuổi thỏa mãn như giá trị tối cao, một ước muốn nắm quyền và thống trị, cũng như việc kỳ thị đủ loại: đó là những khuynh hướng bất nhân của "nhân bản chủ nghĩa" này.
Đàng khác, cũng trong thế giới tân tiến ấy, ngược lại, người ta không thể nào chối cãi được việc hiện hữu của những bậc đá thực sự hướng đến Kitô giáo, cũng như việc hiện hữu của những giá trị phúc âm, ít nhất nơi hình thức của một cảm nhận trống trải hay hoài niệm. Cũng không quá đáng khi nói rằng, hiện nay đang mãnh liệt và thảm thiết vang lên lời mời gọi cần phải được phúc âm hóa.
(còn tiếp)
Thông Điệp Redemptoris Missio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: V - NHỮNG ĐƯỜNG LỐI TRUYỀN GIÁO (42-46)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
"Hoạt động truyền giáo của Giáo Hội không gì khác và không gì hơn là việc bộc lộ hay là việc tỏ hiện dự án của Thiên Chúa, cùng với việc làm hoàn tất dự án này trên thế giới cũng như trong lịch sử, một lịch sử Thiên Chúa đang minh nhiên hoàn thành lịch sử cứu độ bằng các việc truyền giáo” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 9; xem Chương II, 10-18). Vậy Giáo Hội sẽ dùng đường lối nào để đạt được mục đích này?
Hình Thức Đầu Tiên của Việc Truyền Giáo là Làm Chứng
42- Con người ngày nay tin tưởng vào các chứng nhân hơn là vào các thày dạy (xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 41: loc. cit., 31f), vào nghiệm cảm hơn là vào giảng thuyết, và vào cuộc sống cũng như hành động hơn là vào các lý thuyết. Chứng từ của đời sống Kitô hữu là thể thức đầu tiên không thể thay thế của việc truyền giáo: Chúa Kitô, Đấng chúng ta đang tiếp nối việc truyền giáo của Người, là một “chứng từ” (Rev 1:5, 3:14) tuyệt nhất, và là mẫu mực cho tất cả mọi chứng từ Kitô giáo. Chúa Thánh Thần đồng hành với Giáo Hội dọc suốt con đường Giáo Hội đi, và liên kết với Giáo Hội bằng chứng từ Ngài thực hiện để tỏ Chúa Kitô ra (x. Jn 15:26-27).
Thể thức đầu tiên của việc làm chứng là chính đời sống của nhà truyền giáo, của gia đình Kitô hữu và của cộng đồng giáo hội, là những gì tỏ ra cho thấy một lối sống mới. Nhà truyền giáo, người bất chấp mọi giới hạn và yếu kém của mình, sống một cuộc đời giản dị, lấy Chúa Kitô làm mô phạm, là dấu chỉ của Thiên Chúa và của các thực tại siêu việt. Thế nhưng, hết mọi người trong Giáo Hội, bằng việc cố gắng bắt chước Thày Chí Thánh, cũng đều có thể và phải thực hiện chứng từ đời sống này (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 28, 35, 38; Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày nay Gaudium et Spes, đoạn 43; Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 11-12); trong nhiều trường hợp, chứng từ loại này là một cách duy nhất khả dĩ để trở thành một nhà truyền giáo.
Chứng từ của phúc âm hết sức cần thiết cho thế giới này là chứng từ của việc quan tâm đến con người, cũng như đến đức bác ái đối với thành phần nghèo khó, thành phần yếu kém và những kẻ khổ đau. Tấm lòng hết sức quảng đại nấp sau thái độ ấy cũng như sau những hành động ấy hoàn toàn đi ngược lại với tính vị kỷ của con người. Nó gợi lên những thắc mắc xác đáng để dẫn con người đến cùng Thiên Chúa và Phúc Âm. Việc dấn thân cho hòa bình, cho công lý, cho nhân quyền, và cho việc cổ võ nhân bản cũng là một chứng từ cho Phúc Âm, khi chứng từ ấy là một mối quan tâm tới con người và nhắm đến việc phát triển con người toàn vẹn (xem ĐTC Phaolô VI, Thông Điệp Populorum Progressio – 26/3/1967 – đoạn 21, 42: AAS 59 –1967 – 267f, 278).
43- Kitô hữu và các cộng đồng Kitô hữu đóng góp rất nhiều vào cuộc sinh hoạt nơi đất nước khả kính của họ, và có thể trở thành dấu chỉ Phúc Âm, khi họ trung thành với quê hương, dân tộc và văn hóa đất nước của mình, mà vẫn luôn luôn giữ được tự do Chúa Kitô ban cho. Kitô giáo hướng về tình huynh đệ đại đồng, vì tất cả mọi người nam nữ đều là những người con của cùng một Cha và là anh chị em trong Chúa Kitô.
Giáo Hội được kêu gọi để làm chứng cho Chúa Kitô, bằng việc can đảm lên tiếng đối đầu với tình trạng băng hoại của quyền lực chính trị hay kinh tế; bằng cách không tìm kiếm vinh dự và giầu sang vật chất cho mình; bằng việc sử dụng các nguồn lợi của mình để phục vụ thành phần nghèo khổ nhất, và bằng việc bắt chước đời sống giản dị của Chúa Kitô. Giáo Hội và các nhà truyền giáo của Giáo Hội cũng phải thực hiện chứng từ khiêm nhượng, nhất là khiêm nhượng đối với bản thân mình – một đức khiêm nhượng giúp họ xét lại lương tâm cá nhân cũng như cộng đồng, để sửa đổi hành vi của mình nơi bất cứ điều gì trái với Phúc Âm và làm biến dạng dung nhan của Chúa Kitô.
Việc Loan Báo Tiên Khởi về Chúa Kitô Cứu Độ
44- Việc loan báo là ưu tiên mãi mãi của việc truyền giáo. Giáo Hội không thể trốn tránh lệnh truyền hiển nhiên của Chúa Kitô, hay để cho con người nam nữ không biết đến “Tin Mừng” về việc họ được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. “Việc truyền bá phúc âm hóa cũng sẽ luôn luôn chất chứa - như nền tảng, trọng tâm và đồng thời cũng là tột đỉnh cơ cấu của nó - một loan báo minh nhiên là, nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, Đấng đã chết và sống lại từ trong kẻ chết, ơn cứu độ được hiến ban cho tất cả mọi người như một tặng vật của ân sủng và của tình thương Thiên Chúa (x.Eph.2:8; Rm.1:16...)” (ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 27: loc. cit., 23). Tất cả mọi thể thức của hoạt động truyền giáo đều nhắm đến việc loan truyền này, một việc loan truyền bày tỏ và dẫn đến một mầu nhiệm được giữ kín qua các thời đại và được tỏ ra cho thấy nơi Chúa Kitô (x. Eph 3:3-9; Col 1:25-29), mầu nhiệm ở ngay cốt lõi của sứ mệnh truyền giáo và đời sống Giáo Hội, làm mấu chốt chi phối toàn thể việc truyền bá phúc âm hóa.
Trong thực tại phức tạp của việc truyền giáo, việc rao giảng tiên khởi đóng một vai trò trọng yếu và không thể thay thế được, vì nó đem con người “vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, Đấng mời gọi họ dự phần cùng mối liên hệ riêng tư với chính Ngài trong Chúa Kitô” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 13), và mở đường cho họ trở về với Ngài. Đức tin được phát sinh từ việc rao giảng, và mọi cộng đồng giáo hội đều được bắt nguồn và sống động từ việc đáp ứng riêng tư của mỗi tín hữu đối với việc rao giảng này (xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 15: loc. cit., 13-15; Công Đồng Chung vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 13-14). Như toàn thể công cuộc cứu độ lấy Chúa Kitô làm tâm điểm thế nào, thì toàn thể hoạt động truyền giáo cũng nhắm đến việc loan truyền mầu nhiệm của Người như vậy.
Chủ đề cho việc loan truyền này là Chúa Kitô chịu đóng đanh, tử nạn và phục sinh: nhờ Người chúng ta hoàn toàn và thực sự được giải thoát khỏi sự dữ, tội lỗi và sự chết; và nhờ Người Thiên Chúa ban “sự sống mới” là sự sống thần linh và trường cửu. Đó là “Tin Mừng” làm thay đổi con người và lịch sử của con người, và là “Tin Mừng” tất cả mọi dân tộc có quyền được nghe biết. Việc loan truyền này phải được thực hiện trong mối tương quan với cuộc sống của con người cũng như của các dân tộc nghe biết. Việc loan truyền này phải được thực hiện bằng một thái độ yêu thương và trọng kính đối với những ai nghe biết, bằng một thứ ngôn từ thực tế và thích ứng với hoàn cảnh. Qua việc loan truyền này, Thần Linh hoạt động và thiết lập mối hiệp thông giữa nhà truyền giáo và thính giả của họ, một mối hiệp thông khả dĩ vì cả hai đều tham dự vào mối hiệp thông với Thiên Chúa là Cha qua Chúa Kitô (xem Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 42, 64: loc. cit., 857-859, 892-894).
45- Bởi được liên kết với toàn thể cộng đồng giáo hội, việc loan truyền ấy không bao giờ là một tác động thuần cá nhân. Nhà truyền giáo hiện diện và thi hành công việc của mình theo lệnh truyền nhận được; cho dù có hoạt động một mình đi nữa, họ vẫn gắn liền bằng một mối giây liên kết chặt chẽ vô hình với hoạt động truyền bá phúc âm hóa của toàn thể Giáo Hội (xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 60: loc. cit., 50f). Không sớm thì muộn thính giả của họ cũng nhận ra nơi họ cộng đồng đã sai họ đi và đang nâng đỡ họ.
Việc loan truyền này được đức tin khơi động, một đức tin phát sinh lòng nhiệt thành và sốt mến nơi nhà truyền giáo. Như đã được đề cập, Sách Tông Vụ dùng chữ parrhesia để diễn tả thái độ này, một từ ngữ có nghĩa là nói lên một cách tỏ tường và can trường. Từ ngữ này cũng được thấy cả nơi Thánh Phaolô nữa: “Chúng tôi đã can đảm trong Thiên Chúa của mình để công bố cho anh em Phúc Âm của Thiên Chúa trước sự chống đối cả thể” (1Thes 2:2); “Hãy cầu nguyện... cho tôi nữa, để tôi được can đảm mở miệng ra loan truyền mầu nhiệm Phúc Âm mà tôi là khâm sai trong xiềng xích; để tôi có thể công bố mầu nhiệm Phúc Âm này một cách vững mạnh như tôi phải nói” (Eph 6:18-20).
Trong việc loan báo Chúa Kitô cho các người ngoài Kitô giáo, nhà truyền giáo phải xác tín rằng, nhờ hoạt động của Thần Linh, nơi con người cũng như các dân tộc đã có một niềm mong chờ, cho dù chỉ là một niềm mong chờ trong tiềm thức, được biết đến sự thật về Thiên Chúa, về con người và về cách thức chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Lòng nhiệt thành của nhà truyền giáo trong việc loan báo Chúa Kitô phát xuất từ niềm xác tín là họ đang đáp ứng niềm mong chờ ấy, bởi thế, họ không bị chán nản hay ngưng việc làm chứng nhân, cho dù họ được kêu gọi chứng tỏ đức tin của mình trong một môi trường thù hận hay lãnh đạm. Họ biết rằng Thần Linh của Cha đang nói qua họ (x. Mt 10:17-20; Lk 12:11-12), và họ có thể nói cùng với các Tông Đồ là: “Chúng tôi là những chứng nhân về những điều này, có cả Thánh Thần làm chứng nữa” (Acts 5:32). Họ biết rằng họ không loan truyền một sự thật của nhân loại mà là chính “lời Chúa”, lời có một quyền năng tự tại và nhiệm mầu của mình” (x. Rm 1:16).
Cuộc thử thách cao cả nhất là hiến sự sống mình, cho đến độ chấp nhận cái chết để làm chứng lòng mình tin tưởng nơi Chúa Giêsu Kitô. Trải suốt giòng lịch sử Kitô giáo, các vị tử đạo, hay là “các chứng nhân”, bao giờ cũng nhiều và không thể thiếu được trong việc truyền bá Phúc Âm. Trong thời đại của chúng ta đây, có nhiều Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân – thường là những vị anh hùng vô danh, thành phần hiến mạng sống mình để làm chứng cho đức tin. Họ là tin mừng và là chứng nhân đức tin tuyệt hạng.
Hoán Cải và Lãnh Nhận Phép Rửa
46- Việc loan truyền lời Chúa nhắm đến việc làm cho con người trở lại làm Kitô hữu, tức là làm cho con người hoàn toàn và chân thành gắn bó với Chúa Kitô và Phúc Âm của Người bằng đức tin. Việc trở lại là một tặng ân của Thiên Chúa, một công việc của Chúa Ba Ngôi. Chính Thần Linh là Đấng mở lòng con người ra để họ tin vào Chúa Kitô và “tuyên xưng Người” (x. 1Cor. 12:3); “Không ai đến được với Tôi nếu Cha là Đấng sai Tôi không lôi kéo họ” (Jn 6:44), Chúa Giêsu đã nói với những ai đến với Người bằng đức tin như thế.
Việc trở lại bằng đức tin đầu tiên là một việc trọn vẹn và sâu xa, và là một việc không làm giới hạn hay cản trở tặng ân của Thiên Chúa. Việc trở lại này cũng làm phát sinh một tiến trình năng động kéo dài cả đời, một tiến trình đòi phải liên tục từ bỏ “cuộc sống theo xác thịt” để “sống theo Thần Linh” (x. Rom 8:3-13). Việc trở lại tức là tự động chấp nhận vương quyền cứu độ của Chúa Kitô để làm môn đệ của Người.
Theo gương Thánh Gioan Tẩy Giả, vị dọn đường cho Chúa Kitô bằng “việc rao giảng phép rửa thống hối để được ơn tha tội” (Mk 1:4), cũng như theo gương chính Chúa Kitô, Đấng “sau khi Gioan bị tống ngục... đã đến Galilêa rao giảng Phúc Âm Chúa mà nói: ‘Thời điểm đã trọn, vương quốc Thiên Chúa đã đến; hãy ăn năn hối cải và tin vào Phúc Âm’” (Mk 1:14-15), Giáo Hội cũng kêu gọi tất cả mọi người hãy ăn năn trở lại.
Cho đến nay, lời các nhà truyền giáo kêu gọi những người ngoài Kitô giáo trở lại đã được tái xét hay không được nhắc đến nữa. Việc trở lại này được coi như là một tác động “mộ giáo”; người ta cho rằng chỉ cần giúp cho con người nên người hơn hay trung thành với đạo của họ là đủ rồi, tức là chỉ cần xây dựng những cộng đồng có khả năng hoạt động cho công lý, tự do, hòa bình và đoàn kết là đủ. Cái người ta bỏ qua không nói tới ở đây đó là mọi người có quyền nghe biết “Tin Mừng” của Thiên Chúa, Đấng trong Chúa Kitô đã tỏ mình và ban mình ra cho con người, để mỗi một người có thể sống trọn vẹn với ơn gọi xứng hợp của riêng mình. Thực tại cao cả này được diễn tả qua những lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ Samaritanô: “Nếu chị biết ơn Thiên Chúa ban”, cũng như qua ước vọng vô tri song tha thiết của chị phụ nữ này: “Xin ông hãy cho tôi thứ nước này để tôi không còn khát nữa” (Jn 4:20,15).
(còn tiếp)
Ánh Sáng Thế Gian - Mầm Mống Thần Linh Nơi Lão Giáo
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Nhìn sang phía Lão Trang, ta cũng thấy rằng các Ngài chủ trương trong tâm còn có Đạo, có Trời...
Tưởng mình sống xa rời Thượng Đế, xa Thái Cực, Chân Như, dù là một phút giây, cũng là điều lầm lỗi lớn của nhân quần từ trước tới nay.
Tính Mệnh Khuê Chỉ (quyển Hanh, trang 11a), một quyển sách Đạo Lão có câu:
Yểu yểu, minh minh khai chúng diệu,
Hoảng hoảng, hốt hốt bảo châu khiếu,
Liễm chi tiềm tàng nhất lạp trung,
Phóng chi, di mạn hợp lục biểu.
Phỏng dịch:
Yểu yểu, minh minh chúng diệu khai,
Phảng phất hư vô vẫn một Trời.
Tiềm tàng nằm gọn trong trần cấu,
Phóng phát bao trùm khắp chốn nơi!
Lại có thơ (cùng nguồn trên)
Tá vấn chân nhân hà xứ lai?
Tích niên vân vụ vân già tế,
Phỏng dịch:
Chân nhân ướm hỏi tới từ đâu?
Tâm khảm tiềm tàng sẵn đáy sâu,
Thủa trước linh đài vân vụ phủ,
Ngày nay chợt tỉnh, thấy bên nhau!
Tâm thì ở trong vòng tương đối, biến thiên, hữu vi, hữu tướng. Đạo thì tuyệt đối, hằng cửu, vô vi, vô tướng, bất khả tư nghị. Muốn tu trì, dĩ nhiên là phải xây căn cơ trên Đạo, phải hiểu thấu đáo về Đạo, phải siêu lên trên cõi hữu vi, hữu tướng, nhân vi, nhân tạo, mà đi vào cõi Vô vi, Tuyệt đối.
Có vậy mới hiểu tại sao Kinh Kim Cương lại dạy phải vượt lên trên THANH SẮC:
‘Nhược dĩ SẮC kiến Ngã,
Dĩ ÂM THANH cầu Ngã,
Thị nhân hành tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai.
Dịch:
Nếu lấy SẮC nhìn Ta,
Lấy ÂM THANH tìm Ta,
Kẻ ấy đi tà đạo,
Không thể thấy Như Lai.
Cũng một lẽ, đạo Lão khuyến cáo đừng để cho âm thanh và màu sắc làm choáng lộn tâm thần.
Đạo Đức Kinh chương XII viết:
Sắc năm mầu làm ta choáng mắt,
Thanh năm cung ngây ngất lỗ tai.
Năm mùi tê lưỡi nếm sai,
Ruổi rong săn bắn, lòng người đảo điên.
Của hiếm có ngả nghiêng nhân đức,
Khinh giác quan, giữ chắc lòng son,
Thánh nhân hiểu lẽ mất còn.
Trang Tử còn có những lời lẽ mãnh liệt hơn nhiều: Trong chương Biền Mẫu (Nam Hoa Kinh), ông viết:
Đem nhã nhạc đảo điên tính khí,
Sư khoáng kia nào quí chi đâu.
Tính Trời lệ thuộc năm mầu,
Ly Chu ta cũng trước sau coi hèn...
Chính vì coi Đạo là căn cốt muôn loài, nên ngay đầu sách Đạo Đức Kinh, Lão Tử đã dành một chương nói về Đạo:
Hóa Công hồ dễ đặt tên,
Khuôn thiêng hồ dễ mà đem luận bàn.
Không tên, sáng tạo thế gian,
Có tên, là mẹ muôn vàn thụ sinh.
Tịch nhiên cho thấy uy linh,
Hiển dương cho thấy công trình vân vi,
Hai phương diện, một Hóa Nhi,
Huyền linh khôn xiết, huyền vi khôn lường,
Ấy là chúng diệu chi môn,
Cửa thiêng phát xuất mọi nguồn huyền vi.
Trang Tử, chính vì thấy rằng trong tâm mình còn có Đạo, có Trời, có Bản thể bất sinh, bất tử, nên đã nói trong thiên Tề vật luận, Nam Hoa Kinh:
Ta và trời đất cùng sinh,
Ta và muôn vật sự tình chẳng hai.
(Thiên địa dữ ngã tịnh sinh,
Nhi vạn vật dữ ngã duy nhất).
Thiên tính là Người,
Nhân tâm là máy.
Lập ra Thiên đạo,
Định mục phiêu Người.
Trong bài tựa quyển Huyền Diệu Cảnh của đức Lã Đồng Tân ta thấy Thiên đạo, Nhân đạo được định nghĩa như sau:
Thế nào là Thiên đạo? Thiên đạo là tu tính, dưỡng mệnh, vượt tình trạng con người mà hợp với Trời. Thế nào là Nhân đạo? Nhân đạo là giữ tròn ngữ luân, ngũ sự (giữ trọn nhân luân).
Tóm lại đạo Lão cũng cho rằng con người có Thiên tính, và đắc đạo là HỢP THIÊN. Theo đạo Lão, lúc mới đầu con người còn mê muội, chưa biết được rằng Đạo, hay Trời đã ở sẵn trong tâm, nên phải ‘tầm sư, học Đạo’, ‘tầm sư cầu Đạo’. Khi đã chứng Đạo, sẽ thấy được rằng Đạo đã ở sẵn trong lòng mình. Thế là Đắc Đạo, mà Đắc Đạo là Đắc Thiên. Khi đã biết rằng Đạo là căn cốt của mình, tự nhiên con người sẽ trở nên hồn nhiên, tiêu sái. Người xưa khen là có Tiên phong, Đạo cốt. Đối với người Trung Hoa Đạo là Thiên, là Thần…
Cho nên, khi phiên dịch câu Phúc Âm thánh Gioan: ‘Đầu trước hết có Ngôi Hai, Ngôi Hai ở cùng Thiên Chúa và Ngôi Hai là Thiên Chúa’, người Trung Hoa đã viết: ‘Thái sơ hữu Đạo, Đạo dữ Thần đồng tại, Đạo tức thị thần’…
Thánh hiền mong muốn sống một đời sống huyền hóa với đất trời, mặc cho trần thế dèm pha, chỉ trích. Trang Tử viết đại khái trong thiên Tề Vật Luận, Nam Hoa Kinh như sau:
Hồn ta hỡi, hãy tiêu diêu,
Tung đôi cánh rộng, khinh phiêu chín tầng…
Hãy tung cánh chim bằng muôn dặm,
Cưỡi gió mây bay thẳng về Nam,
Bay về quê cũ giang san,
Hồ trời vùng vẫy, miên man thỏa tình.
Mặc nhân thế rẻ khinh đàm tiếu,
Vùi thân trong chốn hồng trần,
Họ như ve sẻ, qua lần tháng năm,
Tầm mắt hẹp mà thân ti tiểu,
Kiếp phù du nào hiểu chi đâu,
Thân lươn bao quản lấm đầu
Cốt sao cho khỏi cơ cầu thì thôi,
Phận sâu bọ đành rồi sâu bọ,
Thân nấm rêu, nào rõ tuần trăng,
Ve sầu nào biết thu xuân,
Minh linh ngoài mấy vạn năm hay gì?…
Như Bành tổ có chi là thọ,
Mà chúng nhân quá cỡ tán dương,
Người vui tước phận lý hương,
Người vui mũ áo xênh xang trị vì.
Kìa Liệt tử thích đi mây gió,
Cưỡi gió mây đây đó thỏa lòng.
Còn ta khinh khoát vô cùng,
Sánh vai nhật nguyệt, vẫy vùng khinh phiêu,
Quên mình, quên hết mọi điều,
Quên tên, quên hết bao nhiêu công trình.
Sống đời sống thần linh sảng khoái,
Như Hứa Do chẳng đoái công hầu,
Uống ăn nào có chi đâu,
Mà lo với lắng, cho rầu lòng ai.
Ta chẳng nói những bài phách lối,
Lời của Ta, đâu nỗi hoang đường,
Lời ta minh chính, đàng hoàng,
Vì người không hiểu, trách quàng, trách xiên.
Kẻ mù tối, sao xem mầu sắc,
Người điếc tai, sao bắt âm thanh.
Cho nên những kẻ vô minh,
Tối tăm, ù cạc, ngọn ngành hiểu chi,
Sao biết được uy nghi, sang cả,
Của những người huyền hóa siêu linh,
Đất trời gồm tóm trong mình,
Lồng vào muôn vật, sự tình nào hai,
Dẫu sóng cả ngất trời không đắm,
Dẫu nóng nung, cũng chẳng làm sao.
Trời mây mặc sức tiêu dao,
Cho dù Nghiêu, Thuấn dễ nào sánh vai…
Thất Chân nhân quả có thơ:
‘Thân ngoại cầu tiên, lộ tửu soa,
Thủy trung nguyệt ảnh, kính trung hoa.
Tiên thiên diệu lý, quân tri phủ?
Chỉ tại nhất tâm, tiện khả khoa’
Dịch:
Thân ngoại cầu tiên ắt lạc đường,
Mò trăng đáy nước, hái hoa gương,
Tiên thiên, diệu lý hay chăng tá,
Chỉ tại tâm điền, há viễn phương.
Trong Tiên Học Diệu Tuyển có ghi câu thơ của Mã Đơn Dương tặng Triệu Quang:
‘Thành tiên chỉ thị Thần quang,
Thiên cung vô dụng xú bì nang’
Dịch:
Thành tiên âu chỉ cốt Thần quang,
Thiên cung xá kể cái xác phàm!
Trang Tử viết:
‘Nhìn vũ trụ từ trong phân biệt,
Thời mật gan, Sở Việt khác xa.
Từ trong Đồng Nhất nhìn ra,
Muôn loài muôn vật cũng là một thôi’
Tự kỳ dị giả thị chi,
Can, đởm, Sở, Việt dã;
Tự kỳ đồng giả thị chi,
Vạn vật giai nhất dã.
(Nam Hoa Kinh, Thu Thủy 5)
Tóm lại, thánh hiền, vì tin có Thiên tính, có Phật tính, nên khi đi vào tâm là để tìm Đạo, tìm Trời; khi đi ra ngoài xã hội, nhân quần, là dem nhân ái chan hòa, nhuần được khắp chúng sinh, vạn hữu. Cái điều mà các Ngài muốn rao truyền, chính là con người có Bản thể Thượng đế; con người không bao giờ có thể sống xa rời Thượng Đế. Nếu sống phối hợp với Thượng Đế. chúng ta sẽ được khinh phiêu hạnh phúc. Nếu sống xa rời Thượng Đế, chắc chắn rằng chúng ta sẽ sống trong lo âu, khắc khoải.
Đạo Lão có câu:
Tâm dữ Đạo hợp,
Tắc tạo Bồng lai, Tam Đảo,
Tâm dữ Đạo ly,
Tắc tạo lục đạo, tam đồ
Tạm dịch:
Lòng người mà hợp lòng Trời,
Ấy là Tam Đảo, Bồng Lai hẳn rồi,
Lòng người mà tách lòng Trời,
Tam đồ, lục đạo, lôi thôi, khốn nàn.
(Phần Mầm Mống Thần Linh Nơi Lão Giáo trên đây
[song các chi tiết được sắp xếp theo nội dung hợp với bài viết này]
được trích nguyên văn từ bốn tài liệu rời của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ:
Quan Niệm Tam Tài Với Con Người, Bản Thể Luận và Hiện Tượng Luận,
Con Đường Giải Thoát và Cõi Tiên Cõi Tục)
(còn tiếp)