GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ HAI 20/8/2007 TUẦN XX THƯỜNG NIÊN |
? Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: VI - CÁC NHÂN VIÊN CỦA VIỆC TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA (59-66)
? Thông Điệp Redemptoris Missio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: VI - CÁC VỊ LÃNH ĐẠO VÀ NHÂN VIÊN CỦA VIỆC TÔNG ĐỒ TRUYỀN GIÁO (61-66)
? Ánh Sáng Thế Gian - Ánh Sáng Đã Chiếu Soi ‘Dân Riêng’ Do Thái Giáo
Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: VI - CÁC NHÂN VIÊN CỦA VIỆC TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA (59-66)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
59. Toàn Thể Giáo Hội là Truyền Giáo
Nếu con người loan báo trên thế giới này Phúc Âm cứu độ, thì họ làm như thế theo lệnh của, nhân danh của và với ơn của Chúa Kitô Cứu Thế. “Không thể nào có người rao giảng nếu họ không được sai đi” (Rm.10:15), vị được cho là nhà truyền bá phúc âm hóa vĩ đại nhất đã viết như thế. Không ai có thể làm điều ấy nếu họ không được sai đi.
Thế nhưng, vậy ai là người có sứ mạng thực hiện việc truyền bá phúc âm hóa?
Công Đồng Chung Vaticanô II đã trả lời vấn nạn này một cách rõ ràng: đó là, Giáo Hội “theo lệnh truyền thần linh, có nhiệm vụ ra đi khắp thế gian rao giảng phúc âm cho mọi tạo vật” (Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo Dignitaties Humanae, đoạn 13: AAS 58 – 1966 – p.939; xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 5: AAS 57 – 1965 – pp.7-8; Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 1: AAS 58 – 1966 – 947). Ở một đoạn văn khác, “... toàn thể Giáo Hội là truyền giáo, và công việc truyền bá phúc âm hóa là nhiệm vụ căn bản của Dân Chúa” (Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 35: AAS 58 – 1966 – 983).
Chúng ta đã đề cập đến mối liên kết sâu xa này giữa Giáo Hội và việc truyền bá phúc âm hóa. Trong khi loan báo vương quốc của Thiên Chúa và xây dựng vương quốc này, Giáo Hội hình thành chính mình giữa lòng thế giới như một dấu hiệu và là một dụng cụ của vương quốc đang trị đến và sẽ trị đến này. Công Đồng Chung Vaticanô II lập lại lời diễn tả sau đây của Thánh Âu-Quốc-Tinh về hoạt động truyền giáo của 12 Vị: “Họ đã rao giảng lời chân lý và đã làm nẩy sinh ra các Giáo Hội” (Thánh Âu-Quốc-Tinh, Enarratio in Ps 44:23: CCL XXXVIII, p. 510; xem Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 1: AAS 58 – 1966 – 947).
60. Tác Động của Giáo Hội
Nhận thấy rằng Giáo Hội đã được sai đi và được lệnh phúc âm hóa thế giới phải làm cho chúng ta ý thức lại hai xác tín.
Xác tín thứ nhất, đó là: việc truyền bá phúc âm hóa không phải là một tác động cá nhân và là một tác động lẻ loi đối với một ai cả; nó là một tác động có tính cách ăn sâu vào giáo hội. Khi một giảng viên, giáo lý viên hay chủ chiên âm thầm nhất, ở một miền đất xa xăm nhất, rao truyền Phúc Âm, quây quần cộng đoàn nhỏ bé của mình lại hay ban phát các bí tích, cho dù đơn độc một mình, là vị ấy đang thực hiện một tác động có tính cách giáo hội, và tác động của họ nhất định gắn liền với hoạt động truyền bá phúc âm hóa của toàn thể Giáo Hội, bởi những liên hệ về cơ cấu, cũng như bởi những liên hệ vô hình sâu xa trong trật tự của ân sủng nữa. Điều này nói lên rằng, vị ấy tác động không vì sứ vụ qui về cho mình, hay theo cảm hứng cá nhân, mà là hiệp nhất với sứ vụ của Giáo Hội và nhân danh Giáo Hội.
Từ đó mới có niềm xác tín thứ hai: đó là, khi mỗi một người truyền bá phúc âm hóa nhân danh Giáo Hội, một Giáo Hội thực hiện việc này theo lệnh Chúa truyền, thì không có một nhà truyền bá phúc âm hóa nào được nắm chủ quyền tuyệt đối nơi hoạt động truyền bá phúc âm hóa của mình, bằng khả năng phán quyết trong việc làm ấy, theo tiêu chuẩn và những quan điểm cá nhân; họ hành động trong việc hiệp thông với Giáo Hội và với các vị chủ chiên của Giáo Hội.
Chúng ta đã ghi nhận rằng Giáo Hội đang truyền bá phúc âm hóa một cách toàn diện và toàn vẹn. Điều này có nghĩa là, trong toàn thế giới, cũng như ở từng phần thế giới, có sự hiện diện của Giáo Hội, Giáo Hội cảm thấy có trách nhiệm đối với công việc truyền đạt Phúc Âm.
61. Quan Điểm về Giáo Hội Hoàn Vũ
Đến phần suy niệm này, Chúng Tôi muốn ngưng lại với Qúi huynh và con cái nam nữ ở một vấn đề quan trọng đặc biệt vào lúc này đây. Trong việc cử hành phụng vụ, trong việc làm chứng trước quan quyền và kẻ hành xử, cũng như trong các bản văn hộ giáo của mình, các Kitô hữu tiên khởi lúc nào cũng sẵn sàng cho thấy đức tin sâu xa của mình nơi Giáo Hội, bằng việc diễn tả Giáo Hội như đang lan tràn khắp thế giới. Họ hết sức ý thức được việc họ thuộc về một cộng đồng lớn không bị giới hạn trong không gian và thời gian này: Từ Abel công chính cho tới con người được tuyển chọn cuối cùng (xem Thánh Grêgôry Cả, Homil. in Evangelica 19, 1: PL 76, 1154), “thật sự cho đến tận cùng trái đất” (Acts 1:8; xem Didache 9, 1: Funk, Patres Apostolici 1, 22), “cho đến tận cùng thời gian” (Mt.28:20).
Đó là cách Chúa muốn Giáo Hội của Người phải trở nên: phải trở nên phổ quát, trở nên một cây vĩ đại với cành lá làm tổ trú cho chim trời (x.Mt.13:32), trở thành một màng lưới bắt đủ mọi thứ cá (x.Mt.13:47), hay một mẻ lưới đầy Phêrô kéo lên bắt được 153 con cá lớn (x.Jn.21:11), trở thành một đàn chiên dưới quyền chăn dắt của vị chủ chiên duy nhất (x.Jn.10:1-16). Một Giáo Hội hoàn vũ không giới tuyến hay biên cương bờ cõi, ngoại trừ, tiếc thay, những ai có lòng trí của một con người tội lỗi.
62. Quan Điểm về Từng Giáo Hội riêng
Tuy nhiên, trong thực hành, Giáo Hội hoàn vũ này lại nhập thể nơi các Giáo Hội riêng, là nơi được làm nên bởi một phần thực sự nhân loại ở đâu đó, nói cùng một ngôn ngữ này nọ, hưởng cùng một văn hóa cha ông để lại, có cùng một vũ trụ quan, cùng một quá trình lịch sử, cùng một hạ tầng lớp nhân loại riêng. Tính cách biết đón nhận sự phong phú nơi từng Giáo Hội riêng biệt tương hợp với tính cách nhậy cảm đặc biệt của con người tân tiến ngày nay.
Chúng ta phải cẩn thận đừng quan niệm Giáo Hội hoàn vũ như là một tổng hợp, hay nói rõ hơn, tương tự như là một liên bang ngoại thường, được làm nên bởi các Giáo Hội riêng biệt khác nhau thực sự. Theo ý Chúa, Giáo Hội phổ quát theo ơn gọi và sứ mệnh của mình, nhưng một khi đâm rễ vào một nền văn hóa nào đó, vào lãnh thổ của một xã hội và nhân loại nào đó, bấy giờ Giáo Hội mặc lấy những thể hiện và hình dáng ngoại tại khác nhau nơi mỗi một miền trên thế giới.
Như thế, nếu mỗi một Giáo Hội riêng tự ý muốn tách mình ra khỏi Giáo Hội hoàn vũ, thì sẽ bị mất đi mối liên hệ với dự án của Thiên Chúa, và sẽ trở thành nghèo nàn về mặt giáo hội của mình. Tuy nhiên, ngược lại, một Giáo Hội toto orbe diffusa (các chữ Latinh đứng sau chữ một Giáo Hội này có thể được tạm dịch thành nguyên câu là một Giáo Hội tràn lan khắp hoàn vũ) sẽ trở thành trừu tượng, nếu Giáo Hội không có một thân thể và sự sống thực sự qua các Giáo Hội riêng. Chỉ khi nào liên tục để ý đến hai cột trụ về Giáo Hội này, chúng ta mới nhận thấy tính cách phong phú của mối liên hệ giữa Giáo Hội hoàn vũ và các Giáo Hội riêng tư.
63. Tính Cách Thích Ứng và Trung Thực trong Việc Thể Hiện
Các Giáo Hội riêng, được xây dựng nên không phải bởi nhân sự mà còn bởi các khát vọng, bởi cả những gì phong phú lẫn giới hạn, bởi đường lối nguyện cầu, đường lối yêu thương, đường lối nhìn đời và thế giới, là tất cả những gì phân biệt nhóm người này với nhóm người kia, có nhiệm vụ phải đồng hóa và chuyển đạt sứ điệp Phúc Âm, không sai xẩy một chút nào nơi sự thật chính yếu của sứ điệp Phúc Âm ấy, vào ngôn ngữ để dân chúng riêng của mình hiểu được, rồi đem sứ điệp Phúc Âm này loan báo bằng thứ ngôn ngữ ấy.
Việc chuyển đạt phải được thực hiện một cách ý thức, nghiêm cẩn, tôn trọng và đầy đủ, một việc chuyển đạt cần thiết cho lãnh vực cử hành phụng vụ (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, đoạn 37-38: AAS 56 (1964), p.110; cũng xin xem các sách về phụng vụ và các văn kiện hậu công đồng do Tòa Thánh ban bố để áp dụng thực hành việc canh tân phụng vụ theo ý của Công Đồng), cũng cần thiết cho cả lãnh vực giáo lý, cho việc diễn đạt về thần học, cho các cơ cấu hạ tầng giáo hội, và cho các thừa tác vụ. Chữ “ngôn ngữ” ở đây phải hiểu theo nghĩa được người ta gọi là nhân chủng học và văn hóa hơn là theo chữ nghĩa.
Chắc chắn đây là một vấn đề tinh tế. Viêïc truyền bá phúc âm hóa sẽ mất đi công sức và hiệu lực của mình, nếu việc này không để ý đến thành phần dân chúng thực tế được nhắm tới, nếu việc này không sử dụng đến ngôn ngữ của họ, dấu hiệu và biểu hiệu của họ, nếu việc này không giải đáp nổi những vấn đề họ nêu lên, và nếu việc này không tác dụng nơi đời sống thực tiễn. Thế nhưng, ngược lại, việc truyền bá phúc âm hóa cũng sẽ gặp cơ nguy mất đi năng lực của mình và hoàn toàn bị biến mất, nếu người ta làm trống rỗng hay nghèo nàn nội dung của việc này, bằng việc chuyển dịch nó; nghĩa là, nếu người ta hy sinh thực tại này và hủy hoại tính cách hiệp nhất không thể thiếu để làm nên mối hiệp nhất, chỉ vì muốn thích ứng thực tại phổ quát này với hoàn cảnh địa phương. Thế nên, chỉ có Giáo Hội, một Giáo Hội bảo trì nhận thức về tính cách phổ quát của mình và tỏ ra mình thực sự phổ quát, mới có thể làm cho mọi người, bất kể biên cương bờ cõi, nghe thấy được sứ điệp của mình.
Việc chú ý hợp tình hợp lý đến các Giáo Hội riêng không thể không làm cho Giáo Hội thăng tiến. Việc chú ý như vậy là một việc không thể thiếu và là một việc khẩn thiết. Nó đáp ứng những khát vọng rất sâu xa của các dân cũng như của các cộng đồng nhân loại, trong việc tìm kiếm căn tính của mình cho càng ngày càng sáng tỏ hơn.
64. Cởi Mở với Giáo Hội Hoàn Vũ
Thế nhưng, việc làm cho mình nên phong phú này đòi hỏi các Giáo Hội riêng phải hết sức cởi mở đối với Giáo Hội hoàn vũ. Ngoài ra, cũng rất đáng chú ý là những Kitô hữu đơn thành nhất, những người trung thành với Phúc Âm nhất và cởi mở nhất trước ý nghĩa đích thực của Giáo Hội, có một cảm nhận hoàn toàn tự nhiên đối với chiều kích hoàn vũ. Họ cảm thấy một cách tự nhiên và hết sức mạnh mẽ cần đến chiều kích này. Họ cảm được theo chiều kích này, và họ cảm thấy hết sức đau khổ khi họ bị bắt buộc, bởi một mớ lý thuyết họ không hiểu nổi, phải chấp nhận việc một Giáo Hội bị tước đoạt mất tính cách hoàn vũ này, phải chấp nhận một Giáo Hội theo khu vực, không còn thấy đâu là chân trời.
Như lịch sử đã thật sự cho thấy, khi một Giáo Hội riêng tự tách mình khỏi Giáo Hội hoàn vũ, cũng là tách khỏi trung tâm sống động hữu hình của mình – đôi khi với những chủ ý rất tốt, với những lý luận về thần học, xã hội học, chính trị hay mục vụ, thậm chí với ý muốn được tự do thoải mái sinh hoạt hay hoạt động – thì Giáo Hội này cũng rất khó lòng tránh được (nếu thật sự đã tránh được) hai nguy hiểm trầm trọng ngang nhau. Nguy hiểm thứ nhất, đó là Giáo Hội ấy sống trong tình trạng cô lập suy tàn, để rồi, chẳng bao lâu, sẽ bị phân tán mỏng thành từng phần nhỏ, như chính Giáo Hội ấy tách rời khỏi tâm điểm của mình vậy. Nguy hiểm thứ hai đó là Giáo Hội ấy bị mất đi tự do của mình, bởi vì, khi bị tách lìa khỏi tâm điểm cũng như khỏi các Giáo Hội khác là nơi vốn hiến cho Giáo Hội ấy sức mạnh và nghị lực, Giáo Hội ấy sẽ thấy mình hoàn toàn bị lẻ loi, để rồi trở thành miếng mồi ngon cho rất nhiều áp lực nô lệ và khai thác.
Một Giáo Hội riêng càng gắn bó với Giáo Hội hoàn vũ bằng mối giây hiệp thông, bằng tấm lòng yêu thương và trung thành, bằng việc tiếp nhận Huấn Quyền Phêrô, bằng mối hiệp nhất theo lex orandi (qui luật cầu nguyện) cũng là lex credendi (qui luật tin tưởng), bằng lòng mong ước hiệp nhất với tất cả mọi Giáo Hội khác làm nên toàn khối – thì Giáo Hội ấy càng có khả năng truyền đạt kho tàng đức tin tới những thể hiện hợp pháp khác nhau của việc tuyên xưng đức tin, của việc nguyện cầu và phụng tự, của đời sống và tác hành Kitô hữu, cũng như của các ảnh hưởng thiêng liêng tác động nơi những người chung quanh mình. Giáo Hội ấy cũng càng thực sự thực hiện việc truyền bá phúc âm hóa, tức là, càng có khả năng rút lấy gia sản chung để làm lợi cho người của mình, và càng có khả năng thông đạt cho Giáo Hội hoàn vũ kinh nghiệm và đời sống, từ các người của mình cho lợi ích của mọi người.
65. Kho Tàng Đức Tin Bất Khả Dịch
Theo đúng chiều hướng này, khi kết thúc cuộc Thượng Hội Giám Mục, với đầy tình cảm mến cha con, Chúng Tôi đã nói rõ ràng khi nhấn mạnh đến vai trò của Vị Thừa Kế Thánh Phêrô như là một yếu tố hữu hình, sống động và kết cấu của mối hiệp nhất giữa các Giáo Hội, và do đó cũng là yếu tố cho tính cách đại đồng của một Giáo Hội duy nhất (ĐTC Phaolô VI, Diễn Từ kết thúc Thượng Hội Giám Mục Thế Giới Lần 3, 26/10/1974: AAS 66 – 1974 – p. 636). Chúng Tôi cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm nặng nề Chúng Tôi phải nắm giữ, nhưng cũng là trách nhiệm Chúng Tôi chia sẻ với Quí Huynh trong Hàng Giáo Phẩm, về việc bảo trì vững vàng nội dung của đức tin Công Giáo đã được Chúa ký thác cho các vị tông đồ. Nội dung này, trong khi được biểu lộ ra dưới mọi hình thức, cũng không bị hư hại hay hủy hoại. Trong khi được thể hiện bằng những hình thức bề ngoài, là những gì liên quan đến môi trường văn hóa, xã hội và ngay cả chủng tộc khác nhau, nó vẫn phải là nội dung của đức tin Công Giáo đúng như huấn quyền hội thánh đã lãnh nhận và truyền đạt.
66. Những Công Việc Khác Nhau
Thế nên, cả Giáo Hội được kêu gọi để truyền bá phúc âm hóa, song trong nội bộ, chúng ta có những việc truyền bá phúc âm hóa cần phải hoàn thành. Tính cách đa diện của những việc làm trong mối hiệp nhất của cùng một sứ mệnh đã làm nên tình trạng phong phú và vẻ đẹp của việc truyền bá phúc âm hóa. Chúng tôi sẽ tóm tắt nhắc lại đây những việc làm này.
Trước hết, Chúng Tôi muốn chỉ cho thấy trong các trang Phúc Âm, Chúa liên tục trao phó cho các vị tông đồ công việc loan báo Lời Chúa. Người đã chọn các vị (x. Jn.15:16; Mk.3:13-19; Lk.6:13-16), đã huấn luyện các vị trong mấy năm của nhóm người tình nghĩa này (x. Acts 1:21-22), đã thiết lập các vị (x.Mk.3:14) và đã sai các vị đi (x. Mk.3:14-15; Lk.9:2), như những chứng nhân có uy thế và là những thày dạy sứ điệp cứu độ. Thế rồi, đến phiên mình, các tông đồ cũng sai các người thừa kế của các vị theo truyền thống tông đồ ra đi để tiếp tục rao giảng Tin Mừng.
(còn tiếp)
Thông Điệp Redemptoris Missio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: VI - CÁC VỊ LÃNH ĐẠO VÀ NHÂN VIÊN CỦA VIỆC TÔNG ĐỒ TRUYỀN GIÁO (61-66)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
Không có các chứng nhân cũng không có chứng từ, cũng như không có các nhà truyền giáo cũng không có hoạt động truyền giáo vậy. Chúa Giêsu đã chọn và sai con người đi để làm chứng nhân và tông đồ cho Người, nhờ đó, họ được thông phần vào sứ vụ của Người và tiếp tục công cuộc cứu độ của Người: “Các con sẽ là chứng nhân của Thày ở Gialiêm, khắp Giuđêa và Samaria cho đến tận cùng trái đất” (Acts 1:8).
Mười Hai Vị là những người đầu tiên hoạt động trong sứ vụ truyền giáo đại đồng của Giáo Hội. Các vị hợp thành một “chủ thể đoàn” của sứ vụ này, khi các vị được Chúa Giêsu tuyển chọn ở với Người và được Người sai đến “với chiên lạc nhà Yến-Duyên” (Mt 10:6). Tính cách hợp đoàn này cũng không che dấu được một số nhân vật nổi nang trong nhóm của các vị, như Thánh Giacôbê, Thánh Gioan và nhất là Thánh Phêrô, vị nổi nhất đúng như câu nói: “Phêrô và các Tông Đồ khác” (Acts 2:14, 37). Chính nhờ Thánh Phêrô mà chân trời sứ vụ đại đồng của Giáo Hội được trải rộng ra, và mở đường cho công cuộc truyền giáo ngoại hạng của Thánh Phaolô, vị được kêu gọi và sai đi đến với các dân nước theo ý muốn của Thiên Chúa” (x. Gal 1:15-16).
Trong việc lan rộng việc truyền giáo của Giáo Hội sơ khai, chúng ta thấy, cùng với các vị Tông Đồ, còn có những nhân vật thấp vai hơn, song những người chúng ta cũng không được coi thường. Đây là những cá nhân, nhóm người và cộng đồng. Điển hình là Giáo Hội địa phương ở Antiôkia, một cộng đồng mà, sau khi được truyền bá phúc âm hóa cho, đã trở nên một cộng đồng truyền bá phúc âm hóa, một cộng đồng sai các nhà truyền giáo đến các nơi khác (x. Acts 13:2-3). Giáo Hội sơ khai cảm nghiệm được sứ vụ truyền giáo của mình là một công việc làm cộng đồng, nhưng cũng công nhận ở nơi mình có cả “những vị thừa sai đặc biệt” hay “những nhà truyền giáo chuyên lo cho Dân Ngoại”, như Thánh Phaolô và Banabê.
62- Những gì được thực hiện ngay từ ban đầu của Kitô Giáo trong việc trải rộng sứ vụ truyền giáo đại đồng của mình vẫn còn hiệu lực và trở nên khẩn thiết vào lúc này đây. Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo, vì lệnh truyền của Chúa Kitô không phải là một cái gì ngẫu nhiên hay bề ngoài, mà là những gì chạm đến chính con tim của Giáo Hội. Thế nên, Giáo Hội hoàn vũ và mỗi một Giáo Hội mới được sai đến với các dân nước. Chính vì “để cho lòng nhiệt thành truyền giáo này có thể nở hoa nơi dân tộc của mình”, mà việc các Giáo Hội trẻ rất cần phải “chia sẻ vào công việc truyền giáo đại đồng của Giáo Hội sớm bao nhiêu có thể. Họ phải tự sai các nhà truyền giáo đi loan truyền Phúc Âm khắp thế giới, cho dù họ có bị thiếu hụt giáo sĩ chăng nữa” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 20). Nhiều Giáo Hội riêng đã làm như thế, Tôi hết sức khuyến khích họ hãy tiếp tục công việc này.
Nơi mối liên hệ chính yếu này giữa Giáo Hội hoàn vũ và các Giáo Hội riêng, chúng ta thấy thể hiện thực sự bản chất truyền giáo đích thật và trọn vẹn của Giáo Hội: “Trong một thế giới đang thu hẹp lại khoảng cách làm cho thế giới càng nhỏ hơn, thì các cộng đồng Giáo Hội càng phải liên kết với nhau, trao đổi các nguồn lực và nguồn lợi cần thiết, để trở thành một nhóm dấn thân thực hiện sứ vụ truyền giáo duy nhất chung trong việc loan truyền và sống Phúc Âm... Các Giáo Hội được gọi là trẻ trung cần phải lấy sức lực từ các Giáo Hội lâu đời hơn, và các Giáo Hội lâu đời hơn cần đến chứng từ và động lực của các Giáo Hội trẻ trung, để mỗi một Giáo Hội có thể rút ra được những gì là phong phú của nhau” (Tông Huấn Christifideles Laici, đoạn 35: loc. cit., 458)
Những Người Có Trách Nhiệm với Hoạt Động Truyền Giáo
63- Như Chúa Phục Sinh đã ra lệnh truyền giáo đại đồng cho Tông Đồ Đoàn dưới quyền lãnh đạo của Thánh Phêrô thế nào, thì nay trách nhiệm ấy cũng được ủy thác chính yếu cho Giám Mục Đoàn dưới quyền lãnh đạo của Vị Kế Thừa Thánh Phêrô như vậy (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 38). Nhận thức được trách nhiệm này, Tôi cảm thấy có nhiệm vụ phải nói về vấn đề ấy trong những cuộc gặp gỡ với các Giám Mục, liên quan đến việc tân truyền bá phúc âm hóa cũng như đến sứ vụ truyền giáo đại đồng. Tôi đã tông du khắp thế giới để “loan truyền Phúc Âm, để ‘làm cho anh em mình vững mạnh’ trong niềm tin, để an ủi Giáo Hội, để gặp gỡ dân chúng. Các cuộc tông du này là những cuộc hành trình đức tin... chúng cũng là những dịp để dạy giáo lý di động, những dịp loan truyền Phúc Âm bằng việc quảng bá Phúc Âm và Huấn Quyền tông truyền cho tất cả mọi nơi trên thế giới” (Bài Diễn Từ ngỏ với Các Vị Hồng Y và những người làm việc ở Tòa Thánh Rôma, ở Thành Vatican và ở Giáo Phận Rôma, ngày 28/6/1980, 10: Insegnamenti, III/1 – năm 1980 – 1887).
Các vị Giám Mục anh em của Tôi, cùng với Tôi, có trách nhiệm trực tiếp đối với việc truyền bá phúc âm hóa thế giới, với tư cách vừa là một phần tử của Giám Mục Đoàn, vừa là vị Chủ Chiên của Giáo Hội riêng. Về khía cạnh này, Công Đồng nói: “Trách nhiệm loan truyền Phúc Âm khắp thế giới là trách nhiệm thuộc về chủ chiên đoàn, về tất cả những ai Chúa Kitô đã truyền lệnh chung” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 23). Công Đồng còn nói rằng, các vị Giám Mục “đã được thánh hiến không phải chỉ để cho giáo phận riêng mà còn cho việc cứu độ của toàn thế giới nữa” (Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 38). Trách nhiệm chung này cần phải có một số những việc làm thực tiễn. Bởi thế, “Cuộc Họp của các vị Giám Mục... trong số những quan tâm quan trọng chung chung khác, phải đặc biệt để ý đến hoạt động truyền giáo, một nhiệm vụ cao cả nhất và thánh hảo nhất của Giáo Hội” (ibid. 29). Trách nhiệm này cũng phải được phản ánh, ở những cấp độ khác nhau, nơi Các Hội Đồng Giám Mục cũng như nơi những cơ cấu của các hội đồng này ở tầm vóc quốc tế, đó là trách nhiệm phải tự mình đóng góp vào việc truyền giáo (xem ibid. 38).
Cả mỗi một vị Giám Mục cũng thế, với vai trò là Mục Tử của Giáo Hội riêng, các vị có một nhiệm vụ truyền giáo bao rộng. Các vị nhận lấy nhiệm vụ này “như một người quản trị và như trọng tâm của mối hiệp nhất nơi việc tông đồ thuộc giáo phận, để cổ võ hoạt động truyền giáo, để hướng dẫn và điều hợp công việc này... Các vị cũng cần phải biết rằng, hoạt động tông đồ không chỉ giới hạn nơi những người đã trở lại, mà còn là một chia sẻ công bình, cả về nhân viên cũng như ngân quĩ, cho việc truyền bá phúc âm hóa các người ngoài Kitô giáo nữa” (ibid. 30).
64- Mỗi một Giáo Hội riêng phải tỏ ra quảng đại và mở lòng mình trước những nhu cầu của các Giáo Hội khác. Việc cộng tác giữa các Giáo Hội, trong một hỗ tương chính đáng làm cho họ sẵn sàng chia sẻ và nhận lãnh, là một nguồn mạch phong phú cho chung họ và chạm tới một số lãnh vực khác nhau của đời sống giáo hội. Điển hình về vấn đề này là lời tuyên ngôn của Các Giám Mục ở Puebla: “Cuối cùng đã đến thời giờ để Mỹ Châu Latinh... hướng tới ad gentes ở ngoài biên cương bờ cõi của mình. Chúng ta chắc chắn cần đến các nhà truyền giáo cho chính mình, thế nhưng, chúng ta phải lấy cái nghèo túng của mình mà cho đi” (Các Văn Thư của Hội Nghị Chung Lần Ba của Các Giám Mục Mỹ Châu Latinh, ở Puebla năm 1979: 2941 [368]).
Theo tinh thần này, Tôi kêu gọi các vị Giám Mục và các Hội Đồng Giám Mục hãy quảng đại để thực hiện việc áp dụng những khoản về các Qui Tắc được Thánh Bộ về Giáo Sĩ ban hành, liên quan đến việc cộng tác giữa các Giáo Hội riêng, nhất là liên quan đến việc phân phối giáo sĩ trên thế giới tốt đẹp hơn (xem Các Qui Tắc Postquan Apostoli ngày 25/3/1980: AAS 72 năm 1980, 343-364).
Sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội thì rộng lớn hơn là “việc hiệp thông giữa các Giáo Hội với nhau”; sứ mệnh này phải được nhắm đến chẳng những vấn đề trợ giúp vào việc tái truyền bá phúc âm hóa, mà còn và chính yếu vào cả hoạt động truyền giáo nữa. Tôi kêu gọi tất cả mọi Giáo Hội, mới cũng như cũ, hãy chia sẻ với nhau mối quan tâm của Tôi đây, bằng việc tìm cách thắng vượt những chướng ngại khác nhau và làm tăng thêm các ơn gọi truyền giáo.
Các Nhà Truyền Giáo và Dòng Tu Ad Gentes
65- Giờ đây, cũng như trong quá khứ, những người và những tổ chức được Sắc Lệnh Ad Gentes dành hẳn một chương đặc biệt nói đến, mang tựa đề “Các Nhà Truyền Giáo”, đang nắm giữ một vị thế hết sức quan trọng trong số những ai dấn thân vào việc tông đồ truyền giáo. Điều này cần phải cẩn thận suy xét, nhất là về phía các nhà truyền giáo, thành phần có thể tiến đến chỗ, bởi những đổi thay xẩy ra trong lãnh vực truyền giáo, không còn hiểu được ý nghĩa nơi ơn gọi của mình nữa, cũng như không còn biết chính xác những gì Giáo Hội mong đợi ở họ hiện nay nữa.
Sau đây là những lời căn bản của Công Đồng: “Mặc dù công việc quảng bá đức tin phải được thực hiện hết sức mình có thuộc về mỗi một người môn đệ của Chúa Kitô đi nữa, thì Chúa bao giờ cũng kêu gọi những ai Người muốn, trong số các môn đệ của Người, để họ được ở với Người và để Người có thể sai họ đi rao giảng cho các dân tộc. Theo đó, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng phân phát các tặng ân của mình tùy ý cho lợi ích của tất cả mọi người, Chúa Kitô khơi dậy ơn gọi truyền giáo nơi cõi lòng nhiều người, đồng thời Người cũng làm nổi lên trong Giáo Hội những Tu Hội đảm nhận nhiệm vụ truyền bá phúc âm hóa, một việc truyền bá là trách nhiệm của toàn thể Giáo Hội, như là một việc làm chuyên biệt của mình” (ibid. 23).
Bởi thế, điều được đề cập đến ở đây là một “ơn gọi đặc biệt”, theo mẫu ơn gọi của các vị Tông Đồ. Ơn gọi này được biểu lộ ra nơi việc hoàn toàn dấn thân cho việc truyền bá phúc âm hóa, một việc dấn thân bao gồm toàn thể bản thân và cuộc sống của nhà truyền giáo, đòi họ phải tự hiến mình đi đến hết nghị lực và thời giờ của họ. Những ai đã nhận được ơn gọi này, “do thẩm quyền hợp pháp sai đi, bằng đức tin và lòng tuân phục, đến với những ai xa cách Chúa Kitô, được dành riêng cho công việc họ được kêu gọi để làm như những thừa tác viên của Phúc Âm” (ibid). Các nhà truyền giáo phải luôn luôn suy nghĩ về việc đáp ứng cần có đối với ân huệ họ đã lãnh nhận, và tiếp tục cập nhật hóa việc học hỏi về tín lý cũng như tông đồ của mình.
66- Các Tu Hội Truyền Giáo, bằng việc rút kinh nghiệm và việc sáng tạo của mình song vẫn trung thành với đặc sủng của vị sáng lập, phải lợi dụng tất cả mọi phương tiện cần thiết để bảo đảm cho các dự sinh truyền giáo của mình được trang bị đầy đủ và được canh tân sinh lực về tinh thần, về luân lý cũng như về thể lý của họ (ibid. 23, 27). Họ phải cảm nhận được rằng, họ là một phần thiết yếu của cộng đồng giáo hội, và phải thực hiện công việc của mình trong mối hiệp thông với cộng đồng này. Thật vậy, “hết mọi Tu Hội có là vì Giáo Hội và phải làm cho Giáo Hội nên phong phú bằng những đặc tính chuyên biệt, theo tinh thần đặc thù và sứ vụ chuyên biệt của mình”; các vị Giám Mục chính là người trông coi việc họ trung thành với đặc sủng của Hội Dòng họ (xem Thánh Bộ về Dòng Tu và Thánh Bộ về Giám Mục, Các Hướng Dẫn về Các Mối Liên Hệ giữa Giám Mục và Tu Hội trong Giáo Hội Mutuae Relationes, ngày 14/5/1978, 14b: AAS 70 năm 1978, 482; cf. n. 28: loc. cit., 490).
Nói chung, các Tu Hội Truyền Giáo được hình thành trong Giáo Hội bắt nguồn ở các xứ sở Kitô giáo lâu đời, rồi theo giòng lịch sử, họ đã trở thành phương tiện cho Thánh Bộ Propaganda Fide sử dụng để quảng bá đức tin và thành lập các Giáo Hội mới. Ngày nay, những Tu Hội này mỗi ngày một nhận thêm nhiều các dự sinh từ các Giáo Hội trẻ do họ thiết lập, trong khi các Tu Hội Truyền Giáo mới đã mọc lên nơi các xứ sở trước kia chỉ là nơi tiếp nhận các nhà truyền giáo thì nay lại là chỗ gửi các nhà truyền giáo đi. Đây là một chiều hướng đáng ca ngợi cho thấy hiệu lực liên tục và cần thiết nơi ơn gọi truyền giáo chuyên biệt của các Tu Hội này. Các Tu Hội ấy vẫn “hoàn toàn cần thiết” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 27), chẳng những cho hoạt động truyền giáo ad gentes theo truyền thống của họ, mà còn cho việc khơi động lên lòng sốt mến truyền giáo nơi các Giáo Hội thuộc những xứ sở Kitô giáo lâu đời cũng như nơi các Giáo Hội trẻ.
Ơn gọi chuyên biệt của các nhà “trọn đời” truyền giáo này vẫn còn nguyên hiệu lực của nó: nó là mẫu dấn thân truyền giáo của Giáo Hội, một việc dấn thân truyền giáo cần thực sự và hoàn toàn ban tặng bản thân mình, cần những nỗ lực mới mẻ và vững mạnh. Vì thế, các nhà truyền giáo nam nữ, thành phần hiến cả đời mình vào việc làm chứng cho Chúa Phục Sinh nơi các dân nước, không được để cho mình cảm thấy lung lạc bởi bị ngờ vực, hiểu lầm, loại trừ hay bách hại. Họ phải phục hồi ân sủng thuộc đặc sủng chuyên biệt của mình và phải can đảm dấn bước, bằng việc lưu tâm tìm kiếm – theo tinh thần đức tin, tuân phục và hiệp thông với các vị Chủ Chăn - thành phần hèn kém nhất và những nơi khó khăn nhất.
(còn tiếp)
Ánh Sáng Thế Gian - Ánh Sáng đã Chiếu Soi ‘Dân Riêng’ Do Thái Giáo
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
“T |
rước hết, về phương diện vị thế của mình, ‘ánh sáng thật’ đó là một thứ ánh sáng hiện lên để thực sự làm sáng tỏ các lời tiên tri trong Cựu Ước của dân Do Thái nói riêng: ‘Thày đến không phải để hủy bỏ mà là để làm cho lề luật và các lời tiên tri được nên trọn’ (Mt 5:17), cũng như để hoàn toàn làm sáng tỏ tất cả những đạo lý sẵn có của loài người nói chung: ‘Lý do Tôi đến thế gian là để làm chứng cho chân lý. Ai quyết tâm tìm kiếm chân lý thì nghe thấy tiếng Tôi’ (Jn 18:37)” (trang 96).
Bởi vậy, “hết mọi người” được “ánh sáng thật đã đến trong thế gian chiếu soi” đây sẽ bao gồm cả dân Do Thái cũng như các Dân Ngoại.
Trước hết, đối với dân Do Thái hay với Do Thái Giáo, “ánh sáng thật” đã chiếu soi cho họ ở chỗ Ánh Sáng này làm sáng tỏ Cựu Ước của họ.
Giữa Do Thái Giáo và Kitô Giáo có một vấn đề tương khắc ở chỗ: Nếu người Do Thái nào công nhận nhân vật Giêsu Nazarét là Đấng Thiên Sai, tức là Đức Kitô, họ sẽ bị loại trừ ra khỏi Hội Đường Do Thái, trái lại, nếu Kitô hữu nào không công nhận nhân vật Giêsu lịch sử “là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16), họ liền trở thành một kẻ rối đạo, bị tuyệt thông với Hội Thánh Chúa.
Phần Chúa Kitô, tuy biết trước được rằng “Người đến với dân riêng của Người song dân Người không chấp nhận Người” (Jn 1:11), Chúa Kitô cũng vẫn sinh ra theo giòng dõi Do Thái và sống chết với dân Do Thái, vì dân này đã là đối tượng của Mạc Khải Thần Linh, một mạc khải hướng đến Người là trọng tâm của nó.
Thật vậy, Phúc Âm Thánh Gioan đã cho thấy Chúa Kitô đã tự minh chứng về Người cho dân Do Thái biết Người là ai (xem Gioan 8:24,27) và bởi đâu mà đến (xem Gioan 8:14,21), chẳng những bằng việc căn cứ, trên hết, vào các việc Người làm (xem Gioan 5:36-37), mà còn, trước hết, căn cứ vào Gioan Tẩy Giả đồng thời với Người (xem Gioan 5:31-35), nhất là vào những lời Thánh Kinh Cựu Ước nữa:
· “Quí vị tìm kiếm các Sách Thánh, nơi mà quí vị nghĩ rằng quí vị sẽ tìm được sự sống đời đời, thì các sách ấy cũng làm chứng về Tôi”. (Jn 5:39)
· “Nếu quí vị tin Moisen thì quí vị hẳn tin Tôi, vì Moisen đã viết về Tôi”. (Jn 5:47)
Trong Phúc Âm Thánh Luca (4:16-21), để mở màn cho sứ vụ truyền bá phúc âm hóa của mình, chính Chúa Giêsu cũng đã áp dụng lời của tiên tri Isaia (61:1-2, xin xem cả đoạn 11 từ câu 2 đến câu 5 về bảy thần trí nơi Người liên quan đến quyền hành thế lực của Người) nói về bản thân Người như sau:
· “Trở về Nazarét, nơi sinh trưởng của mình, và vào hội đường trong ngày hưu lễ như vẫn có thói quen, Người đứng lên đọc sách. Được trao cho cuốn sách Isaia, mở ra, Người thấy đoạn viết:
‘Thần linh Chúa ở trên tôi;
bởi thế Ngài đã xức dầu cho tôi.
Ngài đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó,
loan báo tự do cho những kẻ lưu đầy,
phục quang cho kẻ mù lòa và giải cứu các tù nhân,
công bố năm hồng ân của Chúa’.
Người gấp sách lại trao trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Tất cả mọi người trong hội đường chăm chú nhìn Người. Bấy giờ Người mới bắt đầu nói với họ rằng: ‘Hôm nay đoạn Sách Thánh này đã được nên trọn như quí vị nghe thấy đó’”.
Trong Phúc Âm Thánh Mathêu, Chúa Giêsu còn xác nhận với chung dân chúng và với riêng các môn đệ về vai trò của Người liên quan đến Cựu Ước như sau:
· “Đừng tưởng rằng Thày đến để hủy bỏ lề luật và lời các tiên tri. Thày đến không phải là để hủy bỏ song để làm cho chúng được nên trọn” (Mt 5:17).
Chính vì thế mà ba Phúc Âm Nhất Lãm, Mathêu (17:1-3), Marcô (9:2-4) và Luca (9:28-30), đều thuật lại là, trong cuộc biến hình trên núi để tỏ vinh quang phục sinh sau này của mình ra cho ba môn đệ thân tín nhất là Phêrô, Giacôbê và Gioan, thành phần đại diện cho Tân Ước thấy, mới có mặt thành phần đại diện cho Cựu Ước là Moisen, tiêu biểu cho lề luật, và Êlia, tiêu biểu cho các lời tiên tri.
Chúa Giêsu còn làm cho lề luật nên trọn ở chỗ áp dụng những lời Cựu Ước vào đời sống của mình, như trường hợp Người chống trả các chước cám dỗ của Satan trong hoang địa sau khi đã ăn chay suốt 40 đêm ngày:
· “Tên cám dỗ tiến lại mà nói với Người: ‘Nếu ngươi là Con Thiên Chúa thì hãy truyền cho những viên đá này trở thành bánh mà ăn’. Chúa Giêsu trả lời: ‘Có lời Sách Thánh là người ta không sống nguyên bởi bánh mà còn bởi mọi lời Thiên Chúa phán dạy’ (Deut 8:3). Đoạn ma quỉ đem Người vào thành thánh, đặt Người trên nóc đền thờ mà nói: ‘Nếu ngươi là Con Thiên Chúa thì hãy nhào xuống đi. Sách Thánh có câu: Ngài sẽ khiến các thiên thần coi sóc cho ngươi; họ sẽ nâng đỡ ngươi để ngươi không thể nào vấp phải đá’. Chúa Giêsu đáp: ‘Cũng có lời Sách Thánh: Ngươi không được phép thử thách Chúa là Thiên Chúa’ (Deut 6:16). Thế rồi ma qủi đưa Người lên một ngọn núi rất cao và bày ra trước mắt Người tất cả vinh sang của mọi vương quốc thế gian mà hứa hẹn rằng: ‘Ta sẽ ban cho ngươi tất cả những thứ ấy, nếu ngươi quì xuống tôn thờ Ta’. Nghe thế, Chúa Giêsu mới nói cùng hắn: ‘Hỡi Satan, hãy xéo đi! Có lời Sách Thánh là: Ngươi phải tôn thờ Chúa là Thiên Chúa của ngươi; ngươi phải tôn thờ một mình Ngài mà thôi (Deut 6:13)’”. (Mt 4:3-10)
Về thái độ đạo đức giả hình của người Pharisiêu, Chúa Giêsu cũng viện dẫn lời Cựu Ước như sau:
· “Các người là những kẻ giả hình! Isaia đã nói tiên tri về các người đúng lắm thay: ‘Dân này tôn kính Ta bằng môi mép, còn lòng chúng thì lìa xa Ta’”. (Mt 15:7-8; Ps 78:36 và Is 29:13)
Về việc dùng dụ ngôn mà giảng dạy dân chúng, Người cũng làm theo lời Kinh Thánh:
· “Thày dùng dụ ngôn để nói với họ vì họ nhìn xem mà không thấy, lắng tai nghe mà không lọt hay không hiểu. Lời tiên tri Isaia đã nói không sai về họ là: ‘Các ngươi sẽ lắng tai nghe song chẳng hiểu gì, sẽ trố mắt nhìn mà chẳng thấy chi. Lòng dân này thật sự đã ra chai đá. Họ hầu như không nghe thấy, họ nhắm chặt mắt lại, kẻo mắt họ thấy, tai họ nghe, lòng họ hiểu mà trở về để Ta chữa cho họ được lành’” (Mt 13:13-15; Is 6:9).
Về việc các môn đệ sẽ trốn bỏ Người, nhất là Phêrô sẽ chối bỏ Người, sau khi Người bị bắt:
· “Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: ‘Đêm nay lòng các con tin vào Thày sẽ bị kinh động, vì Thánh Kinh đã viết: Ta sẽ đánh chủ chiên làm cho chiên trong đàn bị phân tán’” (Mt 26:31; Zec13:7).
Về thân phận hư mất của một trong số 12 môn đệ của Người:
· “Bao lâu còn ở với họ, Con đã nhân danh mà Cha đã ban cho Con để gìn giữ họ. Con đã cẩn thận coi sóc họ, không để cho một ai trong họ phải bị hư đi, không một ai ngoại trừ người được ấn định hư đi theo đúng như lời Kinh Thánh” (Jn 17:12; Ps 41:10)
Sau khi phục sinh từ trong cõi chết, Chúa Kitô cũng lấy Thánh Kinh Cựu Ước để chứng minh về Người cho các môn đệ tin Người, như Phúc Âm Thánh Luca trình thuật:
· “Bấy giờ Người nói với họ (hai môn đệ đang đi về Emmau): ‘Các người chẳng hiểu gì hết! Sao các người chậm tin tất cả những gì các tiên tri đã loan báo đến thế!..’” (Lk 24:25-26)
· “Đoạn Người nói với họ (11 Vị và nhóm người ở với các vị đang nghe hai môn đệ đi Emmau trở về thuật lại chuyện xẩy ra trên đường): ‘Các con hãy nhớ lại những lời Thày đã nói với các con khi Thày còn ở với các con, đó là mọi sự được viết về Thày trong luật Moisen và các tiên tri cũng như Thánh Vịnh cần phải được nên trọn’” (Lk 24:44)
Phần các tông đồ là những chứng nhân tiên khởi, nhất là Thánh Mathêu, Gioan và Phêrô, khi rao giảng hay viết về Thày của mình, vẫn thường trưng dẫn Thánh Kinh Cựu Ước để chứng minh về Người. Chẳng hạn những đoạn chính yếu tiêu biểu sau đây:
Về Người Mẹ trinh nguyên của Người:
· “Tất cả những điều này xẩy ra (việc Đức Maria thụ thai bởi Chúa Thánh Thần) để lời Chúa dùng vị tiên tri mà phán được nên trọn: ’Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai và sẽ đặt tên cho Người là Emmanuel’, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. (Mt 1:22-23; Is 7:14 xem cả lời tiên tri của Isaia đoạn 11 câu 1 về Vị Emmanuel này thuộc giòng dõi Đavít sẽ xuất hiện như một chồi mọc lên từ gốc Jessê, hợp với lời sứ thần Gabriel truyền tin cho Mẹ Người biết trong Phúc Âm Thánh Luca đoạn 1 câu 32)
Về địa điểm giáng sinh của Người:
· “Triệu tập tất cả các trưởng tế và luật sĩ trong dân lại, vua (Hêrôđê) muốn họ cho biết Đấng Thiên Sai sinh ra ở đâu. Họ trả lời: ‘Ở Bêlem xứ Giuđêa. Có lời tiên tri đã viết: Phần ngươi, hỡi Bêlem, đất Giuđa, ngươi không tầm thường nhất trong hàng khanh tướng của chi tộc Giuđa đâu, vì từ ngươi sẽ xuất hiện một vị lãnh đạo là mục tử chăn dắt Yến-Duyên dân Ta’”. (Mt 2:4-6; Mica 5:1)
Về vị tiền hô Gioan Tẩy Giả của Người:
· “Khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện giảng dạy trong sa mạc xứ Giuđêa với đề tài: ‘Hãy cải thiện đời sống! Nước Thiên Chúa gần đến rồi’. Ông chính là vị được lời tiên tri nói tới là: ‘Có tiếng kêu trong sa mạc; hãy dọn đường cho Chúa, san phẳng đường nẻo của Ngài’” (Mt 1-3:3; Is 40:3)
Về địa điểm Người rao giảng cho dân ngoại:
· “Khi Chúa Giêsu nghe thấy Gioan đã bị tống ngục thì rút về Galilêa. Người bỏ Nazarét xuống ở Caphanaum gần biển giáp địa hạt Zêbulun và Naphtali để hoàn tất các lời tiên tri Isaia: ‘Đất Giêbulun và Neptali, đường dẫn ra biển, bên kia sông Dược-Đăng, xứ Galilêa thuộc dân ngoại, dân chúng còn ngồi trong tối tăm đã nhìn thấy ánh sáng vĩ đại, ánh sáng đã bừng lên trên những kẻ ở trong bóng tối sự chết’”. (Mt 4:12-16; Is 8:23, 9:1).
Về việc Người làm phép lạ cứu chữa bệnh nạn tật nguyền cho dân chúng:
· “Vào buổi chiều tối, họ mang đến cho Người nhiều người bị quỉ ám. Người chỉ cần truyền khiến là các thần bị khử trừ và Người đã chữa tất cả những ai bị bệnh hoạn, làm những lời tiên tri Isaia được nên trọn: ‘Người chữa lành các yếu đau của chúng ta, mang lấy các bệnh hoạn của chúng ta’”. (Mt 8:16-17; Is 53:4)
Về việc Người thường dùng dụ ngôn mà giảng dạy:
· “Tất cả những điều dạy dỗ dân chúng ấy Chúa Giêsu đều dùng dụ ngôn mà nói. Người chỉ dạy họ bằng dụ ngôn mà thôi, cho những lời tiên tri được nên trọn: ‘Ta sẽ mở miệng nói dụ ngôn, ta sẽ loan truyền điều kín mật từ khi thế gian được tạo thành’”. (Mt 13:34-35; Ps 78:2)
Về tình trạng cứng lòng tin của dân Do Thái đối với lời nói và việc làm của Người:
· “Mặc dầu Người đã làm nhiều sự lạ trước mắt họ, họ vẫn không chịu tin vào Người, để lời tiên tri Isaia được nên trọn: ‘Chúa ơi, ai tin vào việc rao giảng của tôi đây, quyền năng của Chúa tỏ ra cho ai đây?’ Vì thế, họ không thể tin được, vì Isaia còn nói: ‘Họ nhắm mắt, họ cứng lòng, để mắt họ không thấy, lòng họ không hiểu kẻo họ phải quay trở lại khiến Ta chữa lành họ’”. (Jn 12:37-40; Is 53:1, 6:9-10)
Về lòng nhân ái vô cùng của Người đối với các kẻ cứng lòng tin:
· “Có nhiều người đi theo Người và Người chữa lành hết mọi người trong họ, tuy nhiên Người nghiêm nghị truyền họ không được tiết lộ ra công cộng những gì Người đã làm. Điều này đã làm trọn lời tiên tri Isaia: ‘Này là người tôi tớ Ta tuyển chọn, con người dấu ái mà Ta hài lòng. Ta sẽ ban cho Người thần trí của Ta và Người sẽ loan truyền đức công minh chính trực cho Dân Ngoại. Người sẽ không cãi lẫy hay lớn tiếng, cũng chẳng bao giờ có ai nghe thấy tiếng Người nơi phố xá. Người không bẻ gẫy cây sậy dập nát, Người không dập tắt ngọn bấc còn đang bốc khói, cho đến khi Người làm cho công chính được vinh thắng’”. (Mt 12:16-20; Is 42:3-4)
Về việc Người khải hoàn vào thành Gialiêm:
· “Khi đến gần thành Gialiêm, tiến vào Bethphage trên Núi Cây Dầu, Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi mà căn dặn rằng: ‘Các con hãy đến khu làng đằng trước thì các con sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang được cột sẵn ở đó cùng với con lừa con, các con hãy cởi chúng ra mà dẫn về đây cho Thày. Nếu có ai hỏi gì thì các con cứ nói rằng ‘Thày đang cần’. Bấy giờ họ sẽ không làm khó dễ các con’. Điều này xẩy ra là để hoàn tất lời tiên tri: ‘Hãy nói cùng nữ tử Sion, này vua ngươi đến với ngươi, dịu dàng cưỡi trên lưng lừa, lưng của một con lừa con, con của một con thú chở đồ’”. (Mt 21:1-5; Is 62:11; Zac 9:9)
Về việc áo xống của Người bị đám lính lấy chia nhau:
· “Sau khi quân lính đã đóng đanh Chúa Giêsu thì họ lấy áo xống của Người mà chia làm bốn phần, mỗi người một phần. Người cũng có cả chiếc áo dài nữa, nhưng chiếc áo này chỉ là một tấm vải liền từ đầu tới cuối không có đường chỉ. Họ mới nói với nhau rằng: ‘Chúng ta không nên xé nó ra. Chúng ta hãy bắt thăm xem ai trúng thì lấy’. (Việc làm này đã làm hoàn tất lời Sách Thánh là: ‘Họ chia nhau áo xống của Ta, còn áo ngoài thì họ bắt thăm’)”. (Jn 19:23-24; Ps 22;19)
Về tình trạng nguyên vẹn xương chân của Người và việc cạnh sườn của Người bị đâm thủng:
· “Vậy quân lính đến đánh gẫy ống chân của người thứ nhất, rối đến người thứ hai, những người cùng bị đóng đanh với Chúa Giêsu. Nhưng đến lượt Chúa Giêsu, thấy Người đã chết, họ không đánh gẫy ống chân của Người nữa, nhưng có một người lính lấy đòng đâm vào cạnh sườn của Người, làm cho máu cùng nước lập tức chảy ra. Điều này xẩy ra để ứng nghiệm lời Sách Thánh: ‘Không một đốt xương chân nào của Người bị gẫy cả’. Lại có lời Kinh Thánh khác là: ‘Họ sẽ nhìn xem đấng họ đã đâm thấu’”. (Gioan 19:32-37; Ps 31:24; Zac 12:10; xin xem cả lời của Isaia đoạn 50 câu 5 và 6 nói về thân xác bị hành khổ và dung nhan bị phỉ nhổ của Người, nhục nhã đến nỗi Người đã trở thành ‘sâu bọ đất chứ không phải là người’ khiến ‘tất cả mọi người nhìn thấy đều khinh dể, họ bỉu môi, họ lắc đầu’ như Thánh Vịnh đoạn 22 câu 7 và 8 tiên diễn, đúng như Ba Phúc Âm Nhất Lãm, Mathêu 27:39-44, Marcô 15:29-32, Luca 25:35-39, trình thuật)
Về việc thân xác của Người phục sinh từ trong kẻ chết:
· “Nhưng Thiên Chúa đã giải thoát khỏi cái chết khổ đau và đã làm cho Người sống lại, vì cái chết không thể nào lại làm chủ Người được. Đavít nói về Người rằng:
‘Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên chẳng nao núng bao giờ.
Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,
thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.
Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ti,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.
Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!’”
(Acts 2:24-28; Ps 16:8-11)
Về việc Người đổ Thần Linh Chúa xuống trên một tân nhân loại được Người cứu chuộc:
· “Anh em phải ý thức được rằng những người này không phải là những người say, như anh em tưởng nghĩ đâu. Mới chín giờ sáng thôi! Không, đó là những gì tiên tri Joel đã nói đến:
‘Sau này Ta sẽ đổ thần khí Ta xuống trên hết thảy phàm nhân.
Con trai con gái của các người sẽ là những ngôn sứ,
người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến.
Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ thần khí Ta trên các tôi nam tớ nữ của Ta.
Ở dưới đất cũng như trên trời,
Ta sẽ cho xuất hiện nhiều điềm lạ là máu, lửa, và cột khói.
Mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng hóa thành máu, trước ngày Chúa xuất hiện.
Ngày vĩ đại, kinh hoàng.
Bấy giờ hết những ai kêu cầu danh Chúa sẽ được ơn cứu độ”.
(Acts 2:15-21; Joel 3:1-5)
Với tất cả chứng từ Cựu Ước như thế, như được toát lược liệt kê và so sánh xác đáng với Tân Ước trên đây, thế mà tại sao dân Do Thái vẫn không tin Người: “Người đã đến với dân riêng của mình, nhưng dân riêng của Người không chấp nhận Người” (Jn 1:11)? Về vấn đề này, người viết đã trình bày quan điểm của mình trong cuốn Ý Thức Kitô Giáo (Cao-Bùi 1998, trang 10-14) như sau:
“Về việc dân Do Thái không công nhận Đức Giêsu Nazarét, giáo tổ Kitô giáo, là Đấng Thiên Sai, là vì vấn đề giải thích Thánh Kinh của họ. Chính Đức Giêsu đã nói cho họ biết sự thật phũ phàng này, như Phúc Aâm Gioan ghi lại ở đoạn 5, câu 39 và 40: ‘Qúi vị tìm kiếm trong các Sách Thánh để được sự sống đời đời, các Sách Thánh cũng chứng tỏ về Tôi. Nhưng qúi vị lại không muốn đến với Tôi để được sự sống’. Tại sao thế? Cũng Phúc Aâm Gioan ghi lại ở đoạn 5, câu 46 và 47, lời Đức Giêsu đã thẳng thắn cho họ biết lý do: ‘Nếu qúi vị tin Moisen thì qúi vị cũng sẽ tin Tôi, vì Moisen đã viết về Tôi. Nhưng nếu qúi vị không tin điều Moisen viết thì làm sao qúi vị có thể tin được điều Tôi nói’.
“Như thế có nghĩa là, sở dĩ dân Do Thái không chịu hay chưa chịu công nhận Đức Giêsu Nazarét là Đấng Thiên Sai, vì họ không tin Moisen, mà là tin chính mình họ, tin vào những gì họ nghĩ, đúng như lời Ngài cho họ biết, cũng được Phúc Aâm Gioan ghi lại ở đoạïn 5, câu 44: ‘Những người như qúi vị làm sao có thể tin được, một khi qúi vị còn tìm chúc tụng nơi nhau mà không tìm kiếm vinh dự từ Thiên Chúa’. Đó mới là lý do tiêu cực cho thấy tại sao dân Do Thái không tin Đức Giêsu, còn lý do thực sự về sự kiện này, cũng chính Ngài đã cho họ biết, được Phúc Aâm Gioan ghi lại ở đoạn 8, câu 46 và 47, như sau: ‘Ai trong qúi vị có thể bắt lỗi được Tôi? Nếu Tôi đang nói sự thật thì tại sao qúi vị lại không tin Tôi? Ai bởi Thiên Chúa mà ra thì nghe thấy mọi lời Người phán. Lý do tại sao qúi vị không nghe được là vì qúi vị không bởi Người mà ra’.
“Phải, căn nguyên sâu xa khiến cho dân Do Thái không chịu hay chưa thể công nhận Đức Giêsu Nazarét là Đấng Thiên Sai đúng như Sách Thánh của họ đã nói đến, là vì họ ‘không bởi Thiên Chúa mà ra’, nên theo tự nhiên họ ‘không tìm kiếm vinh dự từ Thiên Chúa’. ‘Không bởi Thiên Chúa mà ra’ đây, theo ý nghĩa của toàn bộ lời Chúa Giêsu trong Phúc Âm, được hiểu là không ‘được hạ sinh bởi trên cao’, một điều kiện tối yếu để ‘có thể thấy vương quốc Thiên Chúa’, như Chúa Giêsu khẳng định với Nicôđêmô là một phần tử của nhóm Pharisiêu, được Phúc Aâm Gioan ghi nhận ở đoạn 3, câu 3: ‘Tôi nói thật cho ông hay không ai có thể thấy vương quốc của Thiên Chúa nếu không được hạ sinh bởi trên cao’.
“Thật vậy, ‘vương quốc của Thiên Chúa’, theo dự án cứu độ phổ cập của Người, là một vương quốc bao trùm toàn thể đại gia đình nhân loại, chứ không riêng gì một mình dân tộc Do Thái là dân đã được Người tuyển chọn cách riêng để nhờ họ các dân tộc khác có thể nhận biết Người, như Người đã tỏ cho tổ phụ Abraham của họ, được sách Khởi Nguyên ghi nhận ở đoạn 12, câu 3: ‘Tất cả mọi cộng đồng trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi ngươi’, hay ở đoạn 17, câu 4: ‘Giao ước của Ta với ngươi là như thế này: ngươi phải trở nên cha ông của vô số dân tộc’; hoặc ở đoạn 22, câu 18: ‘Tất cả mọi dân tộc trên mặt đất này sẽ được chúc phúc nơi giòng dõi của ngươi’.
“Lịch sử thế giới cho thấy, vào thời điểm Đức Giêsu hạ sinh và hoạt động thì dân tộc Do Thái đang bị đế quốc Rôma đô hộ. Và lịch sử riêng của dân Do Thái cũng cho thấy, vì họ là dân của Ngài, dù họ có lỗi lầm đi nữa, nếu họ còn tin tưởng kêu cầu Người, thì Thiên Chúa vẫn ra tay cứu họ khỏi những bất hạnh trần thế, như khỏi làm tôi nước Ai Cập, như sách Xuất Hành thuật lại, khỏi các dân ngoại lấn át, như sách Quan Aùn thuật lại, khỏi bị dân ngoại tru diệt, như sách Esther thuật lại, khỏi bị lưu đầy bên Babylon, như đoạn kết cuốn Ký Sự 2 và đoạn đầu sách Ezra thuật lại, và khỏi bị dân ngoại đàn áp, như các sách Macabê thuật lại v.v. Bởi thế, không lạ gì, khi bị đế quốc Rôma cai trị, họ cũng mong một Đấng Cứu Thế đến giải phóng dân tộc mình. Trong khi đó, Đức Giêsu Nazarét lại bị chính nhà cầm quyền Rôma đóng đanh vào thập giá mà ‘không thể tự cứu lấy mình’, bằng cách ‘xuống khỏi thập giá’, như họ thách thức để họ tin, như Phúc Âm Mathêu còn ghi lại sự việc này ở đoạn 27, câu 42. Do đó, với xu hướng ‘tìm chúc tụng nơi nhau mà không tìm kiếm vinh dự từ Thiên Chúa’ như thế thì làm sao họ có thể công nhận Đức Giêsu Nazarét là Đấng Thiên Sai, Đấng mà Gioan Tẩy Giả, theo Phúc Aâm Gioan ở đoạn 1, câu 26 ghi lại, đã nói với những người được sai đến với thánh nhân vì tưởng thánh nhân là Đấng Thiên Sai, cho họ biết rằng: ‘Có một vị ở giữa các người mà các người không nhận ra’.
“Phải, dân Do Thái ‘không nhận ra’ Đức Giêsu Nazarét là Đấng Thiên Sai ‘ở giữa’ họ 2000 năm trước đây, vẫn biết, về phương diện tự nhiên, là do họ đã ‘không tìm kiếm vinh hiển từ Thiên Chúa’, song về phương diện siêu nhiên, phải nói là vì họ ‘không bởi Thiên Chúa mà ra’, tức chưa ‘được hạ sinh bởi trên cao’, hay chưa được hạ sinh bởi Thiên Chúa cũng vậy. Nếu ‘xác thịt sinh ra xác thịt, Thần Linh sinh ra Thần Linh’, như lời Chúa Giêsu đã khẳng định với Nicôđêmô, được Phúc Aâm Gioan ghi nhận ở đoạn 3, câu 6, thì tự mình, tức theo tự nhiên, hay theo con mắt phàm nhân của mình, dân Do Thái cũng không thể nào có thể dễ dàng công nhận Chúa Giêsu là Đức Kitô, cho đến khi họ ‘được hạ sinh bởi Thần Linh’, như Chúa Giêsu đã xác nhận với Nicôđêmô ở đoạn 3, câu 8 của Phúc Aâm Gioan. Đó cũng là lý do Chúa Giêsu đã minh định với người Do Thái cũng như với các môn đệ mình ở đoạn 6, câu 44 và 65 của Phúc Aâm Gioan: ‘Đó là lý do Thày đã bảo các con rằng không ai đến được với Thày nếu không được Cha cho phép’, ‘không ai đến được với Tôi, nếu Cha là Đấng đã sai Tôi không lôi kéo’.
“Tóm lại, vấn đề tại sao dân Do Thái không công nhận Đức Giêsu Nazarét, giáo tổ Kitô giáo, là Đấng Thiên Sai, Đấng thực sự là một con người phát xuất từ huyết nhục của họ, mà cũng hoàn toàn là ‘Thiên Chúa ở cùng chúng ta’, như sách tiên tri của họ ghi nhận ở đoạn 7, câu 14, chẳng qua vì họ chưa ‘được hạ sinh bởi trên cao’, tức chưa đến thời điểm Thiên Chúa ấn định cứu họ thế thôi, như chủ trương của vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô trong thư thánh nhân gửi cho giáo đoàn Rôma, đoạn 11, câu 26, chứ không phải chỉ vì việc dân Do Thái không công nhận Chúa Giêsu là Đức Kitô mà Ngài không phải là Đấng Thiên Sai nữa. Việc các dân tộc trên thế giới hiện nay tin vào Đức Giêsu Nazarét, một con người về nhân tính cũng thuộc giòng dõi Do Thái như họ, đã đủ chứng thực cho họ thấy Ngài quả là Đấng Thiên Sai, vì nhờ Ngài mà lời Thiên Chúa hứa với Abraham, tổ phụ của họ, đã được hoàn toàn ứng nghiệm: ‘Tất cả mọi cộng đồng trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi ngươi’; ‘tất cả mọi dân tộc trên mặt đất này sẽ được chúc phúc nơi giòng dõi của ngươi’.”
(còn tiếp)