GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BA 21/8/2007 TUẦN XX THƯỜNG NIÊN |
? Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: VI - CÁC NHÂN VIÊN CỦA VIỆC TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA (67-73)
? Thông Điệp Redemptoris Missio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: VI - CÁC VỊ LÃNH ĐẠO VÀ NHÂN VIÊN CỦA VIỆC TÔNG ĐỒ TRUYỀN GIÁO (67-71)
? Ánh Sáng Thế Gian - Ánh Sáng Đã Chiếu Soi ‘Mọi Người’ Các Đạo Giáo
Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: VI - CÁC NHÂN VIÊN CỦA VIỆC TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA (67-73)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
67. Vị Thừa Kế Thánh Phêrô
Như thế, theo ý của Chúa Kitô, Vị Thừa Kế Thánh Phêrô được trao phó thừa tác vụ thượng hạng trong việc rao giảng chân lý mạc khải. Tân Ước thường cho thấy Thánh Phêrô “đầy Thánh Thần” nhân danh mọi người trong nhóm mà nói (x. Acts 4:8; x. 2:14, 3:12). Chính vì lý do này, Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả mới diễn tả mình như một người nắm chủ quyền trong sứ vụ tông đồ (x. Thánh Lêô Cả, Sermo 69.3, Sermo 70, 1-3, Sermo 95, 2: S.C. 200, pp. 50-52, 55-56, 258-260, 268). Đó cũng còn là lý do tại sao Giáo Hội lên tiếng cho thấy Giáo Hoàng “ở chỗ cao nhất – in apice, in specula – trong sứ vụ tông đồ” (xem Công Đồng Chung Lyon I, Hiến Chế Ad Apostocicae Dignitatis: Conciliorum Oecumenicorum Decreta, ed. Istituto per le Scienze Religiose, Bologna 1973, p. 278; Công Đồng Chung Vienne, Hiến Chế Ad Providam Christi, ed. cit., p. 343; Công Đồng Chung Latêranô V, Hiến Chế In Apostolici Culminis, ed. cit., p. 608; Hiến Chế Postquam ad Universalis, ed. cit., 609; Hiến Chế Dupernae Dispositionis, ed. cit., p. 614; Hiến Chế Divina Disponente Clementia, ed. cit., p. 638). Công Đồng Chung Vaticanô II muốn tái xác nhận điều này khi tuyên bố rằng: “Lệnh Chúa Kitô truyền phải rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật (x.Mk.16:15) chính yếu và trực tiếp liên quan đến các vị giám mục hiệp nhất với Phêrô và tùy thuộc vào Phêrô” (Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 38: AAS 58 – 1966 – p. 985)
Như thế, trọn quyền hành tối cao phổ quát (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 22: AAS 57 – 1965 – p. 26) Chúa Kitô đã ban cho Vị Đại Diện của mình để quản trị chăn dắt Giáo Hội của Người, được vị Giáo Hoàng thực thi trong hoạt động rao giảng và thôi thúc rao giảng Tin Mừng cứu độ.
68. Giám Mục và Linh Mục
Hiệp nhất với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, các giám mục thừa kế các tông đồ, nhờ quyền năng truyền chức theo hàng giáo phẩm của mình, đã nhận lãnh thẩm quyền giảng dạy chân lý mạc khải trong Giáo Hội. Các vị là thày dạy đức tin.
Liên kết với các vị giám mục trong thừa tác vụ truyền bá phúc âm hóa và mang trách nhiệm theo danh hiệu đặc biệt là những người, qua việc thụ phong chức thánh, “tác hành thay Chúa Kitô” (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 10, 37: AAS 57 – 1965 – pp. 14, 43; Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 39: AAS 58 – 1966 – p. 986; Sắc Lệnh về Tác Vụ và Đời Sống của Linh Mục Presbyterorum Ordinis, 2, 12, 13: AAS 58 – 1966 – pp. 992, 1010, 1011). Họ là những vị giáo dục Dân Chúa theo đức tin và là những nhà rao giảng, đồng thời cũng là những thừa tác viên Thánh Thể và các bí tích khác.
Bởi thế, mục tử chúng ta được mời gọi để ý đến phận vụ này hơn những phần tử khác trong Giáo Hội. Cái làm nên căn tính tác vụ tư tế của chúng ta, cái làm thành mối hiệp nhất sâu xa cho cả trăm, cả ngàn việc, bắt chúng ta chú ý tới, từ ngày này qua ngày khác và trọn cuộc sống của mình, và cái ban cho đặc tính đặc thù nơi các hoạt động của chúng ta, đó là loan báo Phúc Âm của Thiên Chúa (x.1Thess 2:9), một mục tiêu từng hiện diện trong tất cả mọi hành động của chúng ta
Một dấu cho thấy căn tính của chúng ta, một căn tính chắc chắn phải trổi vượt và không gì ngăn cản được, đó là chúng ta đã được chọn làm những mục tử bởi tình thương của Vị Mục Tử Tối Cao (x.1Pt.5:4), bất chấp nỗi thiếu kém của chúng ta, để dùng quyền loan báo Lời Chúa, để tập hợp Dân Chúa phân tán lại, để chăn nuôi Dân này bằng các bí tích là những dấu Chúa Kitô tác động, để dẫn Dân này trên con đường cứu độ, để bảo tồn họ trong niềm hiệp nhất mà chúng ta đóng vai trò chủ động và là các dụng cụ sống động ở cấp độ khác nhau, cũng như để không ngừng giữ cho cộng đồng tụ họp quanh Chúa Kitô này trung thành với ơn kêu gọi sâu xa nhất của họ. Khi chúng ta làm tất cả những điều ấy, trong giới hạn loài người của mình và nhờ ơn Chúa giúp, thì đó là chúng ta đang thực hiện một công việc của vấn đề truyền bá phúc âm hóa. Công việc này bao gồm cả Chúng Tôi là các mục tử của Giáo Hội hoàn vũ, cả các anh em giám mục lãnh đạo các Giáo Hội riêng, cả các linh mục và phó tế hiệp nhất với giám mục của mình cùng các vị phụ tá của các vị, bằng mối hiệp thông bắt nguồn từ bí tích Truyền Chức Thánh và trong tình bác ái của Giáo Hội.
69. Tu Sĩ Nam Nữ
Về phần mình, tu sĩ thấy đời tận hiến của mình như là một phương tiện thuận lợi cho việc truyền bá phúc âm hóa. Trong thẳm cung con người mình, họ được cuốn hút vào hoạt năng của đời sống Giáo Hội, một đời sống khao khát Tuyệt Đối Thể thần linh và được kêu gọi đến sự thánh thiện. Họ làm chứng cho chính sự thánh thiện này. Họ thể hiện ước muốn của Giáo Hội trong việc hoàn toàn dấn thân cho những đòi hỏi thực sự của các mối phúc đức. Qua đời sống của mình, họ là dấu hiệu hoàn toàn sẵn sàng sống cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội và cho anh em mình.
Như thế, họ giữ một vai trò quan trọng liên quan đến việc làm chứng, một việc làm chứng, như chúng ta đã nói, có tính cách quan trọng bậc nhất trong việc truyền bá phúc âm hóa. Như là một thách đố cho cả thế giới lẫn chính Giáo Hội, việc làm chứng thầm lặng này, bằng đời sống khó nghèo và từ bỏ, thanh sạch và chân thành, hy sinh mình vì đức vâng lời, cũng có thể trở nên một chứng từ sống động có khả năng đánh động cả những người ngoài Kitô giáo, những người thiện tâm và nhậy cảm với các giá trị nào đó.
Theo quan điểm này, người ta thấy được vai trò của người tu sĩ nam nữ tận hiến sống đời cầu nguyện, âm thầm, hãm mình và hy sinh, thực hiện trong việc truyền bá phúc âm hóa. Rất nhiều tu sĩ khác trực tiếp dấn thân cho việc loan báo Chúa Kitô. Hoạt động truyền giáo của họ dĩ nhiên lệ thuộc vào hàng giáo phẩm và phải theo chương trình mục vụ do hàng giáo phẩm phác họa. Thế nhưng, ai mà không thấy việc những tu sĩ này đã và đang đóng góp lớn lao cho việc truyền bá phúc âm hóa? Nhờ việc tận hiến của mình, họ đã hoàn toàn tình nguyện và tự do từ bỏ mọi sự để ra đi loan báo Phúc Âm cho đến tận cùng trái đất. Họ đang đảm nhiệm và việc tông đồ của họ thường có tính cách nguyên tuyền, bằng một năng lực đáng khen ngợi. Họ quảng đại: thường thấy họ ở những thí điểm truyền giáo, và họ dám liều cả sức khỏe và ngay cả mạng sống mình. Giáo Hội quả thực mắc nợ họ rất nhiều.
70. Giáo Dân
Chính vì giáo dân, với ơn gọi riêng trong việc sống giữa lòng thế giới và đảm nhận những công tác trần gian khác nhau nhất, mà họ phải thực hiện một hình thức đặc biệt trong việc truyền bá phúc âm hóa.
Công việc trọng yếu và trực tiếp nhất của họ không phải là thiết lập và phát triển cộng đồng giáo hội – đây là vai trò riêng của các vị mục tử – mà là sử dụng mọi năng lực Kitô hữu và năng lực phúc âm được tiềm ẩn song đã hiện diện và chủ động nơi các sinh hoạt trần thế. Lãnh vực của hoạt động truyền bá phúc âm hóa riêng của họ là một thế giới rộng lớn và phức tạp về chính trị, xã hội và kinh tế, thế nhưng cũng là một thế giới về văn hóa, về khoa học và nghệ thuật, về sinh hoạt quốc tế, về truyền thông xã hội. Lãnh vực của họ cũng bao gồm cả những thực tại khác hướng đến việc truyền bá phúc âm hóa, như tình yêu nhân bản, gia đình, giáo dục con cái và vị thành niên, việc làm nghề nghiệp, chịu đựng khổ đau. Người giáo dân càng được Phúc Âm cảm hứng sẽ càng dấn thân vào các thực tại này, càng đảm trách chúng một cách tỏ tường, càng có khả năng đề cao chúng và càng nhận thức được rằng, chúng phải được thi hành với hết năng lực Kitô hữu của mình, những năng lực thường bị chôn vùi đi hay bị dập tắt mất, thì các thực tại này mới càng giúp cho công cuộc phục vụ nước Chúa, nhờ đó, mới càng phục vụ ơn cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô, không hề làm mất đi tí nào hay làm thiệt hại đến những gì thuộc về nhân bản, mà còn hướng chúng tới chiều kích siêu việt thường bị quên sót.
71. Gia Đình
Người ta cũng không thể không nhấn mạnh đến tác động truyền bá phúc âm hóa của gia đình trong công cuộc tông đồ truyền bá phúc âm hóa của người giáo dân.
Ở vào những lúc khác nhau trong giòng lịch sử của Giáo Hội cũng như ở Công Đồng Chung Vaticanô II, gia đình rất xứng đáng mang danh xưng là một “giáo hội tại gia” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 11: AAS: 57 – 1965 – p.16; Sắc Lệnh về Việc Tông Đồ của Người Giáo Dân Apostolicam Actuositatem, đoạn 11: AAS 58 – 1966 – p. 848; Thánh Gioan Chrysostom, In Genesim Serm. VI, 2; VII, a: PG 54, 607-608). Điều này có nghĩa là, ở nơi mọi gia đình Kitô hữu phải có những khía cạnh khác nhau của toàn thể Giáo Hội. Hơn thế nữa, giống như Giáo Hội, gia đình phải là nơi truyền đạt Phúc Âm và chiếu tỏa Phúc Âm.
Trong một gia đình nhận thức được sứ vụ này, tất cả mọi phần tử cần phải truyền bá phúc âm hóa và cần được truyền bá phúc âm hóa. Cha mẹ chẳng những thông đạt Phúc Âm cho con cái của mình, mà bản thân họ còn nhận được từ con cái mình chính Phúc Âm họ hết sức sống theo nữa.
Một gia đình như vậy trở nên một nhà truyền bá phúc âm hóa cho nhiều gia đình khác, và cho hàng xóm láng giềng chung quanh họ. Các gia đình được làm nên bởi một cuộc hôn nhân lương giáo cũng có nhiệm vụ loan báo Chúa Kitô cho con cái mình, đạt được trọn vẹn hoa trái của Phép Rửa chung; họ còn phải làm một công việc khó khăn hơn nữa để trở nên những nhà đắp xây hiệp nhất.
72. Giới Trẻ
Các hoàn cảnh cũng kêu mời chúng ta phải đặc biệt nhắc đến giới trẻ. Việc họ tăng nhân số và càng ngày càng góp mặt với xã hội, song song với các tệ nạn tấn công họ, phải thức tỉnh nơi mọi người lòng mong ước cung hiến cho chúng, một cách nhiệt tình và khôn ngoan, lý tưởng Phúc Âm như là một điều gì phải được nhận biết và sống theo. Ngoài ra, thành phần giới trẻ được huấn luyện đàng hoàng trong đức tin và cầu nguyện phải càng ngày càng trở nên thành phần tông đồ giới trẻ. Giáo Hội hết sức trông cậy vào việc đóng góp của họ, và chính Chúng Tôi cũng thường bộc lộ cho thấy niềm tin cậy của Chúng Tôi nơi họ nữa.
73. Các Thừa Tác Vụ Đa Dạng
Bởi thế, việc hiện diện chủ động của giáo dân nơi các thực tại trần thế mang lấy tất cả tầm vóc quan trọng của mình. Tuy nhiên, người ta không thể coi thường hay bỏ quên một chiều kích khác, đó là chiều kích giáo dân cũng có thể tự cảm thấy cần phải kêu gọi và được kêu gọi làm việc với các vị mục tử của mình, trong việc phục vụ cộng đồng giáo hội, cho Giáo Hội phát triển và sống động, bằng việc thực thi nhiều thừa tác vụ khác nhau, theo ân sủng và đặc sủng được Chúa cố ý ban cho họ.
Chúng ta không thể không cảm nghiệm thấy một niềm vui trong lòng, khi thấy có rất nhiều vị mục tử, tu sĩ và giáo dân, sốt sắng với sứ mệnh truyền bá phúc âm hóa của mình, bằng việc tìm kiếm những đường lối thích hợp hơn trong việc loan báo Phúc Âm cho có công hiệu. Chúng Tôi khích lệ việc cởi mở này, việc cởi mở Giáo Hội đang tỏ ra cho thấy hôm nay đây, theo chiều hướng ấy và trong mối quan tâm ấy. Đó là một việc cởi mở trước tiên là để suy niệm, sau đó là việc cởi mở đối với những thừa tác vụ của giáo hội có khả năng cải tiến và kiên cường sức lực truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội.
Chắc chắn một điều là, song song với các thừa tác vụ thánh do một số người được bổ nhiệm làm mục tử và hiến mình một cách đặc biệt để phục vụ cộng đồng, Giáo Hội cũng công nhận vai trò của các thừa tác vụ không có chức thánh có thể đặc biệt đóng góp cho Giáo Hội.
Khi nhìn vào gốc tích của Giáo Hội, chúng ta thấy được hết sức rõ ràng lợi ích của kinh nghiệm ban đầu trong vấn đề về các thừa tác vụ. Kinh nghiệm này càng đạt được hết giá trị của mình, nếu nó giúp cho Giáo Hội biết gắn bó lại để phát triển và vươn lên. Tuy nhiên, việc chú ý đến các gốc tích cũng phải được bổ khuyến bởi việc lưu ý tới những nhu cầu hiện tại của con người cũng như của Giáo Hội. Để uống tận nguồn cảm hứng hơn bao giờ hết này, mà không phương hại đến giá trị của chúng một chút nào, đồng thời biết thích nghi mình với các đòi hỏi và nhu cầu hiện đại – những đòi hỏi và nhu cầu này là tiêu chuẩn sẽ giúp vào việc có thể tìm kiếm một cách khôn ngoan và nhận ra những thừa tác vụ Giáo Hội cần, cũng là tiêu chuẩn nhiều phần tử Giáo Hội hết sức nắm giữ để bảo đảm tính cách sống động hơn trong cộng đồng giáo hội. Những thừa tác vụ này sẽ có một giá trị mục vụ thật sự, ở chỗ, chúng được thiết lập với một lòng tuyệt đối hiệp nhất và vâng phục những chỉ dẫn của các vị mục tử, những vị có trách nhiệm đối với việc hiệp nhất của Giáo Hội và là những nhà xây dựng việc hiệp nhất này.
Những thừa tác vụ này, bề ngoài thì mới mẻ song lại gắn liền với kinh nghiệm sống của Giáo Hội qua các thế kỷ – như thừa tác vụ làm giáo lý viên, thừa tác vụ làm người điều khiển cầu nguyện và hát xướng, thừa tác vụ làm các Kitô hữu hiến thân phục vụ Lời Chúa hay trợ giúp anh chị em mình khi cần thiết, thừa tác vụ làm người đầu trong các cộng đoàn nhỏ, hay những người mang trách nhiệm lo cho các phong trào tông đồ – những thừa tác vụ này góp phần vào việc thiết lập, vào đời sống và vào việc phát triển của Giáo Hội, cũng như góp phần vào khả năng của Giáo Hội trong việc gây ảnh hưởng chung quanh mình, và trong việc vươn tới những người ở cách xa mình. Chúng tôi cũng đặc biệt biết ơn tất cả những người giáo dân nào đã chấp nhận hiến một phần thời giờ của mình, năng lực của mình, và đôi khi cả đời sống của mình, cho việc phục vụ những sứ vụ này.
Cần phải có một cuộc sửa soạn nghiêm chỉnh cho tất cả mọi nhân viên hoạt động cho việc truyền bá phúc âm hóa. Việc sửa soạn này càng hết sức cần thiết cho những ai hiến mình cho thừa tác vụ Lời Chúa. Được sinh động bằng niềm xác tín không ngừng sâu xa hơn về tính cách cao cả và phong phú của Lời Chúa, những ai mang sứ mệnh truyền đạt Lời Chúa phải hết sức để ý đến phẩm chất, tính chất chính xác và thích nghi nơi ngôn ngữ của mình. Ai cũng biết rằng, nghệ thuật nói năng hiện nay hết sức quan trọng. Các vị rao giảng và các giáo lý viên làm sao có thể lơ là với nghệ thuật này được?
Chúng tôi tha thiết mong ước là, nơi mỗi một Giáo Hội, các vị giám mục phải khôn ngoan để ý đến việc huấn luyện đầy đủ cho tất cả mọi thừa tác viên Lời Chúa. Việc sửa soạn nghiêm chỉnh này sẽ làm tăng thêm nơi họ tính cách bảo đảm không thể thiếu, cùng với lòng nhiệt thành, trong việc loan báo Chúa Kitô ở ngày hôm nay đây.
(còn tiếp)
Thông Điệp Redemptoris Missio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: VI - CÁC VỊ LÃNH ĐẠO VÀ NHÂN VIÊN CỦA VIỆC TÔNG ĐỒ TRUYỀN GIÁO (67-71)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
Các Linh Mục Giáo Phận với Việc Truyền Giáo Hoàn Vũ
67- Là cộng sự viện của Giám Mục, các linh mục, bởi Bí Tích Truyền Chức Thánh, được kêu gọi để thông phần vào mối quan tâm về sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội: “Tặng ân thiêng liêng các linh mục đã nhận được khi chịu chức, không phải cho việc truyền giáo nhỏ hẹp và giới hạn, mà là cho sứ vụ cứu độ đại đồng và gồm tóm hết mọi sự ‘cho đến tận thế’. Vì hết mọi thừa tác vụ tư tế đều thông phần vào mục tiêu đại đồng của sứ mệnh truyền giáo do Chúa Kitô ủy thác cho các vị Tông Đồ” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Thừa Tác Vụ và Đời Sống của Linh Mục Presbyterorum Ordinis, đoạn 10; xem Sắc Lệnh về Hoạt Đồng Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 39). Bởi lý do này, việc đào luyện các tuyển sinh cho chức linh mục phải nhắm đến việc hiến cho họ “một tinh thần Công Giáo thực sự, nhờ đó, họ sẽ biết làm siêu vượt các giới hạn thuộc giáo phận của họ, xứ sở hay nghi thức, và cộng tác giúp đỡ toàn thể Giáo Hội, sửa soạn cho việc rao giảng Phúc Âm khắp mọi nơi” (Công Đồng Chung vaticanô II, Sắc Lệnh về Việc Đào Luyện Linh Mục Optatem Totius, 20). Tất cả mọi linh mục phải có trí khôn và tâm hồn của các nhà truyền giáo – mở lòng ra trước các nhu cầu của Giáo Hội cũng như của thế giới, chú ý đến những người xa xôi nhất, nhất là với các nhóm người ngoài Kitô Giáo trong miền của mình. Họ phải mang trong lòng mình, trong lời cầu nguyện, nhất là ở Hy Tế Thánh Thể, mối quan tâm của toàn thể Giáo Hội đối với tất cả nhân loại.
Đặc biệt ở những miền Kitô hữu chỉ là một thiểu số thì các linh mục cần phải đầy nhiệt tình và dấn thân truyền giáo hơn nữa. Chúa ủy thác cho họ chẳng những việc mục vụ chăm sóc cộng đồng Kitô hữu, mà còn và trên hết việc truyền bá phúc âm hóa cho đồng bào của họ là thành phần không thuộc về đàn chiên của Chúa Kitô. Các linh mục sẽ “không ngừng làm cho mình lúc nào cũng sẵn sàng đối với Chúa Thánh Thần cũng như đối với vị Giám Mục để được sai đi rao giảng Phúc Âm ở ngoài biên cương đất nước của họ. Điều này chẳng những đòi hỏi họ phải trưởng thành trong ơn gọi của họ, mà còn đòi họ phải đặc biệt sẵn sàng tách lìa quê hương, văn hóa và gia đình của mình, cũng như đòi họ phải có một khả năng đặc biệt để thích nghi với những văn hóa khác, tỏ ra hiểu biết và tôn trọng những nền văn hóa ấy” (Bài Diễn Từ ngỏ với Hội Nghị của Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa cho Các dân Tộc, ngày 14/4/1989, 4: AAS 81 năm 1989, 1140)
68- Trong Bức Thông Điệp Fidei Donum, Đức Giáo Hoàng Piô XII, bằng việc nhìn xa trông rộng, đã khuyến khích các Giám Mục hãy cống hiến một số linh mục của mình để tạm thời phục vụ tại các Giáo Hội Phi Châu, cũng như đã ban phép cho các dự án hiện hành nhắm đến mục tiêu này. Hai mươi lăm năm sau, Tôi đã vạch ra cho thấy cái mới mẻ đáng chú ý của Bức Thông Điệp này, một bức thông điệp “khỏa lấp khía cạnh về lãnh thổ nơi việc linh mục phục vụ để hướng nó về toàn thể Giáo Hội” (Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo, 1982: Insegnamenti V/2 năm 1982, 1879). Ngày nay kinh nghiệm này đã cho thấy nó hiệu nghiệm và thành quả biết bao. Thật vậy, các linh mục của Thông Điệp Fidei Donum là dấu hiệu đặc thù của mối liên kết hiệp thông nơi các Giáo Hội. Họ đã đóng góp một cách sáng giá vào việc phát triển nơi những cộng đồng giáo hội thiếu thốn, trong khi rút lấy từ các cộng đồng này một đức tin tươi mới và linh hoạt. Dĩ nhiên, việc phục vụ truyền giáo của linh mục thuộc địa phận phải hợp với một số tiêu chuẩn và điều kiện nào đó. Các linh mục thừa sai phải được chọn lựa từ những tuyển sinh xứng hợp nhất, và phải được sửa soạn thích hợp cho công việc đặc biệt đang chờ đợi họ (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 38; Thánh Bộ về Giáo Sĩ, Các Qui Tắc Postquam Apostoli, 24-25: loc. cit., 361). Bằng một thái độ cởi mở và huynh đệ, họ phải trở nên một phần nơi khung cảnh mới của Giáo Hội tiếp nhận họ, và nên một hàng giáo sĩ với các linh mục địa phương, dưới quyền của vị Giám Mục (Thánh Bộ về Giáo Sĩ, Các Qui Tắc Postquam Apostoli, 29: loc. cit., 362f; Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 20). Tôi hy vọng là tinh thần phục vụ sẽ được tăng hơn nơi các linh mục thuộc những Giáo Hội thiết lập lâu đời, và sẽ được bảo tồn nơi các linh mục thuộc những Giáo Hội thành lập muộn hơn.
Thành Quả Truyền Giáo của Đời Sống Tận Hiến
69- Từ kho tàng Thần Linh khôn lường và đa diện đã phát sinh ra những ơn gọi của các Tu Hội Tận Hiến có những phần tử, “bởi việc hiến thân phụng sự Giáo Hội do bằng thánh hiến bản thân mình, có phận sự phải đóng một vai trò đặc biệt nơi hoạt động truyền giáo, một cách xứng hợp với Tu Hội của mình” (CIC, c 783). Lịch sử đã chứng tỏ cho thấy các Gia Đình Dòng Tu, từ các cơ cấu đan viện cổ xưa, tới các Dòng Tu thời trung cổ, cho đến các Hội Dòng cận đại hơn, phục vụ Giáo Hội một cách ngoại hạng, bằng việc quảng bá đức tin và thành lập các Giáo Hội.
(a) Theo tiếng vang vọng của Công Đồng, Tôi mời gọi các Tu Hội Chiêm Niệm hãy thiết lập cộng đoàn của mình nơi các Giáo Hội trẻ, để “rạng ngời minh chứng cho những người ngoài Kitô giáo thấy được phẩm tính uy nghi cao cả và tình yêu của Thiên Chúa, cũng như thấy được mối hiệp nhất trong Chúa Kitô” (Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 40). Việc hiện diện này làm ích cho khắp thế giới ngoài Kitô giáo, nhất là ở những miền có các truyền thống tôn giáo coi trọng đời sống chiêm niệm theo chiều hướng khổ chế nhiệm nhặt cũng như theo chiều hướng tìm kiếm Đấng Tối Cao.
(b) Đối với các Tu Hội Hoạt Động, Tôi đề nghị họ hãy lợi dụng rất nhiều cơ hội để làm việc bác ái, để loan truyền Phúc Âm, để thực hiện việc giáo dục Kitô giáo, thực hiện những nỗ lực về văn hóa Kitô giáo và thực hiện tình đoàn kết Kitô giáo với người nghèo khổ và những người bị kỳ thị, bỏ rơi và đàn áp. Dù có triệt để theo đuổi mục đích truyền giáo hay không, những Tu Hội này cũng phải tự hỏi mình phải làm thế nào để tỏ ra và có thể nới rộng hoạt động của họ cho việc phát triển Vương Quốc của Thiên Chúa. Trong những thời gian gần đây, nhiều Tu Hội đã đáp ứng lời yêu cầu này, lời yêu cầu Tôi hy vọng sẽ được để ý tới hơn nữa và được áp dụng hơn nữa, để việc phục vụ càng ngày càng chuyên chính. Giáo Hội cần phải làm sáng tỏ các giá trị cao cả của Phúc Âm mà Giáo Hội là người nắm giữ. Không ai làm chứng một cách công hiệu hơn cho những giá trị Phúc Âm này, cho bằng những người tuyên khấn sống đời tận hiến giữ mình trinh khiết, khó nghèo và tuân phục, hoàn toàn hiến mình cho Thiên Chúa và luôn luôn sẵn sàng phục vụ con người cũng như xã hội theo gương Chúa Kitô (xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 69: loc. cit., 58f).
70- Tôi cũng gửi lời cảm ơn đặc biệt đến các Chị Dòng truyền giáo, những người biến cuộc sống đồng trinh của mình vì Nước Trời thành vai trò làm mẹ thiêng liêng dồi dào sinh lực và hoa trái. Chính việc truyền giáo ad gentes đã hiến cho họ một mục tiêu rộng lớn để “hy hiến thân mình bằng một lòng yêu thương trọn vẹn không phân chia” (Tông Thư Mulieris Dignitatem ngày 15/8/1988, đoạn 20: AAS 80 năm 1988, 1703). Gương mẫu và hoạt động của giới nữ, thành phần, qua việc giữ mình đồng trinh, tận hiến mình cho tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, nhất là chính người nghèo khổ, là một dấu hiệu phúc âm không thể thiếu được nơi những dân tộc và những nền văn hóa mà nữ giới vẫn còn xa vời trên con đường tiến đến tình trạng tiến bộ nhân bản và giải phóng con người. Tôi hy vọng là nhiều nữ Kitô hữu trẻ sẽ được lôi kéo đến việc hiến thân mình cho Chúa Kitô, rồi sẽ lấy được sức mạnh và niềm vui nơi việc thánh hiến của mình để làm chứng cho Người nơi các dân tộc chưa nhận biết Người.
Tất Cả Mọi Giáo Dân là Thừa Sai theo Phép Rửa
71- Các vị Giáo Hoàng mới đây đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vai trò giáo dân trong hoạt động truyền giáo (xem Đức Piô XII, Thông Điệp Evangelii Praecones: loc. cit., 510ff; Thông Điệp Fidei Donum: loc. cit., 228ff; ĐTC Gioan XXIII, Thông Điệp Princeps Pastorum: loc. cit., 855ff; ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, 70-73: loc. cit., 59-63). Trong Tông Huấn Christifideles Laici, Tôi đã nói rõ ràng về việc Giáo Hội “vĩnh viễn truyền giáo để mang Phúc Âm đến cho nhiều người – cả hằng triệu triệu người nam nữ – thành phần chưa biết Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc của nhân loại” (đoạn 35: loc. cit., 457), cũng như nói về trách nhiệm của người tín hữu giáo dân liên quan đến vấn đề này. Việc truyền giáo ad gentes là nhiệm vụ của toàn thể Dân Chúa. Nếu nền tảng của một Giáo Hội mới cần phải có Thánh Thể, và bởi đó cũng cần đến thừa tác vụ linh mục, thì hoạt động truyền giáo, một hoạt động được thực hiện bằng nhiều cách thức khác nhau, là một công việc của tất cả mọi tín hữu Kitô giáo.
Ngay từ những thuở ban đầu của Kitô giáo, rõ ràng là giáo dân – với tư cách cá nhân, gia đình hay toàn thể cộng đồng – đã chia sẻ vào việc quảng bá đức tin. Đức Giáo Hoàng Piô XII nhắc lại sự kiện này trong Thông Điệp đầu tiên về các việc truyền giáo của ngài (xem Evangelii Praecones: loc. cit., 510-514), trong đó ngài đã nêu lên một số trường hợp nơi những việc truyền giáo của giáo dân. Trong những thời tân tiến hiện nay, việc tham gia chủ động này của các nhà truyền giáo giáo dân nam nữ không hề thiếu. Chúng ta làm sao quên được vai trò quan trọng do nữ giới nắm giữ, đó là vai trò làm việc của họ trong gia đình, nơi học đường, nơi sinh hoạt chính trị, xã hội và văn hóa, nhất là nơi việc họ dạy tín lý Kitô giáo? Thật vậy, chúng ta cần phải công nhận – và cần phải tôn vinh – rằng có một số Giáo Hội đã được bắt nguồn từ hoạt động của các nhà truyền giáo giáo dân nam nữ.
Công Đồng Chung Vaticanô II đã xác nhận truyền thống này, qua việc nói đến đặc tính truyền giáo của toàn thể Dân Chúa, nhất là nói đến việc tông đồ giáo dân (xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 17, 33ff), khi nhấn mạnh tới việc đóng góp đặc biệt cho hoạt động truyền giáo mà họ được kêu gọi thực hiện (xem Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 35-36, 41). Nhu cầu đối với tất cả mọi tín hữu trong việc thông phần vào trách nhiệm này không phải chỉ là vấn đề làm cho việc tông đồ tăng thêm hiệu năng; nó còn là một quyền lợi và là một nhiệm vụ bởi phẩm vị thánh tẩy của họ, nhờ đó “tín hữu, về phần mình, tham dự vào sứ vụ tam diện của Chúa Kitô trong vai trò làm Tư Tế, Ngôn Xứ và Vương Đế” (Tông Huấn Christifideles Laici, đoạn 14: loc. cit., 410). Bởi thế, “họ bị bó buộc bởi nhiệm vụ chung và họ có quyền, theo tư cách cá nhân hay đoàn thể, cố gắng để làm cho sứ điệp thần linh được tất cả mọi dân tộc trên thế giới nhận biết và chấp nhận. Phận sự bó buộc này lại càng cần ở những hoàn cảnh mà dân chúng chỉ có thể nghe thấy Phúc Âm và nhận biết Chúa Kitô qua một mình họ mà thôi” (CIC, c. 225; xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Việc Tông Đồ Giáo Dân Apostolicam Actuositatem, 6, 13). Ngoài ra, vì tính cách trần thế của mình, họ được đặc biệt kêu gọi “để tìm kiếm Vương Quốc của Thiên Chúa bằng việc dấn thân vào các việc làm trần thế và qui các việc này về với ý muốn của Thiên Chúa” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 31; xem CIC, c. 225, 2).
(còn tiếp)
Ánh Sáng Thế Gian - Ánh Sáng đã Chiếu Soi ‘Mọi Người’ Các Đạo Giáo
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
“S |
o với Triết lý Hy Lạp bên Tây Phương (xuất hiện cùng thời với Tam Giáo trước Chúa Kitô Giáng Sinh), một khoa học tìm tòi hoàn toàn thiên về lý trí và thuần siêu hình, thì Tam Giáo Phật-Nho-Lão đúng là đạo lý, là khát vọng tìm kiếm siêu độ (siêu thoát và cứu độ)”. (trang 97)
Đúng thế, dù triết lý và đạo lý đồng qui với nhau ở việc cùng truy nguyên Thực Tại Siêu Việt Tối Hậu, một thực tại được triết lý gọi là Nguyên Lý Đệ Nhất và được đạo lý gọi là Đấng Tối Cao, cả hai vẫn khác nhau về đường lối truy nguyên này, ở chỗ, trong khi triết lý dùng lý trí hướng ngoại thì đạo lý theo cõi lòng hướng nội để truy nguyên. Đây là một trong những ý nghĩa và là ý nghĩa trước nhất của thành ngữ “đạo tại tâm”. (Theo ý nghĩa tiên quyết và căn bản “đạo tại tâm” này thì Khổng Giáo và Lão Giáo cũng có thể được liệt kê vào số các Đạo).
Thật vậy, tất cả mọi Đạo Lý chân thực phát xuất bởi các Đạo Giáo từ trước đến nay đều là “đạo tại tâm”, tức đều là tất cả những gì tỏ ra lòng con người hằng khao khát Chân-Thiện-Mỹ, hằng mong muốn được cứu độ và siêu thoát. Nếu niềm “khao khát” và lòng “mong muốn” này nơi con người thực sự cho thấy tính chất “đạo tại tâm”, thì “đạo tại tâm” không phải chỉ là việc giữ đạo theo hình thức bề ngoài để chu toàn những gì Đạo Giáo dạy tuân giữ, mà chính là lòng đạo của con người, tức là mầm mống thần linh nơi lòng người được nẩy mầm và phát triển qua đời sống đạo của con người, cho đến khi con người thành đạo, đắc đạo hay đạt đạo.
Chẳng hạn, đối với Khổng Giáo, để thành đạo làm người, đường lối sống đạo của Nho gia là “khử nhân dục, tồn Thiên lý” (trang 68), “công phu này Nho gia gọi là Chính tâm” (trang 77); đối với Lão Giáo, để đắc đạo “là căn cốt muôn loài” (trang 90), đường lối sống đạo của Lão đồ là “tâm tử thần hoạt” (trang 68), cho đến khi “đắc đạo là Hợp Thiên... Đắc Đạo là Đắc Thiên” (trang 91); đối với Phật Giáo, để đạt đạo là Chân Như hay Chân Tâm (trang 60,ø 61, 66), đường lối sống đạo của Phật tử chính là giác ngộ (trang 67) cho khỏi vọng tâm vọng ngã (trang 66) của mình. Đạo Cao Đài ở Việt Nam chúng ta cũng chủ trương:
“Đạo tại tâm hề, Phật tại tâm,
Vọng cầu bôn ngoại, thị hôn trầm,
Nhân nhân tự hữu Như Lai tánh,
Tánh đắc Như Lai, pháp diệu thâm.”
(Thánh Giáo sưu tập, Cao Đài, 1970-1971)
Đạo tại tâm hề, Phật tại tâm,
Lầm tìm ngoại cảnh, ấy mê lầm,
Người người vốn sẵn Như Lai tánh,
Đạt tánh Như Lai, đạo mới thâm.
(Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ tạm dịch)
Vì là “đạo tại tâm” (theo chiều hướng vừa được bàn giải trên đây), người ta mới thấy được ý nghĩa sâu xa của sự kiện “giao ước” làm nên Do Thái Giáo, một yếu tố độc nhất vô nhị, ngoại trừ Kitô Giáo, không hề có ở nơi một đạo giáo nào khác, kể cả hai tôn giáo độc thần thuộc thời AD chủ trương mạc khải và tiên tri như Do Thái Giáo và Kitô Giáo (xem trang 54) là Hồi Giáo Islam và Thọ Giáo Sikhism.
Nếu “giao ước” là việc nói lên hai tấm lòng hứa hẹn với nhau về một điều gì đó, thì quả thực lòng Thiên Chúa hoàn toàn vì yêu thương một cách nhưng không đã tuyển chọn trong loài người cho mình một “dân riêng” (Jn 1:11) là dân Do Thái. Giao ước của Thiên Chúa với dân Do Thái được bắt đầu bằng việc Ngài kêu gọi tổ phụ của họ là Abraham (xem Gn 12:1-3), cũng như đã thiết lập giao ước với các vị tổ phụ của họ là Abraham (xem Gn 22:15-18), Isaac (xem Gn 26:1-5) và Giacóp (xem Gn 28:10-15, 46:1-4). Hơn thế nữa, Giao Ước Thần Linh này còn được kéo dài suốt giòng lịch sử dân tộc Do Thái, cho đến khi nó được trọn vẹn hoàn thành nơi giòng dõi của các vị (xem Acts 13:32-33) trong Tân Ước, một giao ước được ký kết bằng máu Con Thiên Chúa (xem Lk. 22:20).
Phần dân Do Thái, thành phần đã chấp nhận Giao Ước Thần Linh nơi cha ông của mình, cũng phải tỏ ra xứng đáng với giao ước ấy nữa, bằng cách, như Moisen, nhà giải phóng dân tộc Do Thái cũng là nhà ban hành lề luật cho dân, đã nhận thức và kêu gọi:
· “Hỡi Yến-Duyên, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa của chúng ta, là Chúa duy nhất! Bởi thế, ngươi phải kính mến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi” (Deut 6:4-5).
Tuy nhiên, cả tâm lý lẫn thực tế đều cho thấy, dù cố gắng “hết lòng, hết linh hồn và hết sức mình” đi nữa, con người tự mình cũng không thể nào yêu mến Thiên Chúa như Ngài đáng và như được Ngài yêu. Bởi thế, bởi chính vì tình yêu tự nhiên nơi con người không thể đáp lại Tình Yêu Thần Linh mà, như Sách Thánh của họ ghi lại, lịch sử của họ đã trở thành một màn bi hùng kịch, liên lỉ diễn tiến với những việc họ bất trung song vẫn nỗ lực trở về cùng Thiên Chúa của mình, đến nỗi, cuối cùng, trong cảnh lưu đầy cùng cực của họ ở Babylon, qua miệng tiên tri Êzêkiên, Thiên Chúa đã phải hứa ban cho họ một trái tim mới, trái tim có thể yêu mến Đấng đã tuyển chọn họ cũng là Đấng đã tự động thiết lập giao ước với họ:
· “Ta sẽ ban cho họ một con tim mới và đặt nơi họ một thần trí mới; Ta sẽ cất đi khỏi họ trái tim bằng đá và thay vào đấy một trái tim bằng thịt, để họ có thể sống theo các huấn thị của Ta và tuân giữ cùng thi hành các chỉ thị của Ta; nhờ đó, họ sẽ là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của họ” (Ez 11:19-20)
Phúc Âm Thánh Gioan đã dẫn giải tác động con người “uống” đây là tác động con người “tin tưởng” nơi Người, và “nước” đây là “Thần Linh”:
· “Vào ngày cuối cùng và cũng là ngày trọng đại nhất trong cuộc lễ, Chúa Giêsu đứng lên mà kêu lớn rằng: ‘Ai khát thì hãy đến với Tôi; ai tin tưởng vào Tôi thì hãy uống. Sách Thánh nói: ‘Những con sông chảy nước sự sống từ họ tuôn ra’. (Ở đây Người có ý nói đến Thần Linh mà những ai tin tưởng vào Người được nhận lãnh…)” (Jn 7:37-39)
Như thế, “đạo tại tâm” nơi Kitô Giáo đây chính là Đức Tin, một “đức tin vâng phục” (Rm 1:5, xem cả 16:26), một cuộc sống theo Thần Linh, để có thể trở thành “những kẻ tôn thờ đích thực thì tôn thờ Cha trong Thần Linh và chân lý” (Jn 4:23).
Thật vậy, nếu không có đức tin sống theo Thần Linh, con người dù ngoan đạo, sùng đạo, có lòng đạo đến đâu đi nữa cũng vẫn có thể bị lầm lạc, vẫn có thể tôn thờ ngẫu tượng mà không biết, nghĩa là con người “không sống đức tin không thể nào làm hài lòng Thiên Chúa” (Heb 11:6).
Điển hình nhất là trường hợp của vị Tông Đồ Trưởng Phêrô, một con người rất nhiệt thành và tâm thành, trong việc ngài thật lòng yêu mến Thày mình, khi tỏ ra thân tình can ngăn việc Thày sẽ bị khổ nạn như lời Thày tuyên báo, đã bị chính Người thẳng mặt nguyền rủa:
· “Hỡi tên Satan, hãy xéo đi cho khuất mắt Ta! Ngươi chỉ làm cho Ta vấp phạm thôi. Ngươi chẳng biết phán đoán theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa gì cả mà chỉ theo kiểu cách của loài người thôi” (Mt 16:23)
Cho dù có bị Thày mình quở trách thậm tệ như thế, nhưng ai dám bảo hành động của Tông Đồ Trưởng Phêrô ấy là một hành động bởi tư tâm hay vọng tâm mà ra. Nếu vị tông đồ này đã hoàn toàn tác hành theo lương tâm chứ không phải theo tư tâm của mình thì hành động của ngài phải là một hành động chính tâm (theo Khổng Giáo), và nếu ngài đã tác hành hoàn toàn vì kính mến Thày mình chứ không phải vì vọng tâm thì hành động của ngài cũng là một hành động chân tâm (theo Phật Giáo), nhất là nếu ngài dù bị Thày khiển trách nặng lời như vậy song cũng vẫn không tự ái bỏ Thày mà đi thì hành động của ngài phải là một hành động “thần hoạt tâm tử” (theo Lão Giáo).
Ấy thế mà, khi sự việc thực sự xẩy ra đúng như ngài được Thày tuyên báo cho biết về cuộc khổ nạn, tử giá và phúc sinh của Người, thì một con người chính tâm, chân tâm và tâm tử như Phêrô lại là người duy nhất trong nhóm phạm một lỗi lầm khủng khiếp nhất, đó là việc ngài đã phũ phàng và trắng trợn chối bỏ Thày mình trước mặt nhóm người tiểu tốt của giáo quyền Do Thái (xem Mt 26:69-75; Mk 15:66-71; Lk 22:54-60). Tuy nhiên, ngài đã nhận ra lỗi lầm của mình (xem Mt 26:76; Mk 15:72; Lk 22:61), hoàn toàn không nản chí hay hổ ngươi đến phải thắt cổ tử tự như Giuđa Ích-Ca (xem Mt 27:3-5), một người trong nhóm của ngài đã phản bội bán nộp Thày mình (xem Mt 26:14-16, 26:47-50). Trái lại, ngài đã làm lại cuộc đời, bằng việc tuyên xưng lòng yêu của mình ba lần (xem Jn 21:15-18) đối với Vị Sư Phụ chí tôn chí ái đã bị ngài chối bỏ ba lần, để rồi, cuối cùng, lịch sử cho thấy, cuộc đời ngài quả thật đã xẩy ra đúng như lời Thày tiên báo:
· “Thày bảo thật cho con biết: khi còn trẻ, con tự mình thắt lưng lấy và muốn đi đâu thì tùy ý; nhưng khi già đời rồi, con sẽ phải giang tay mình ra cho người khác trói lại và dẫn con đi trái ngược với ý của con” (Jn 21:18; xem Acts 4:1-3, 5:17-18).
Trường hợp điển hình của vị trưởng tông đồ Phêrô trên đây cho thấy, con người tự bản chất dù tốt lành, “nhân chi sơ tính bản thiện” (trang 82), cũng vẫn cần phải có chính tâm, chân tâm và tâm tử, nhờ đó có thể hoàn toàn giác ngộ để nhận ra chân lý và làm chứng cho chân lý.
Chân lý mà vị tông đồ Phêrô này nhận ra và làm chứng đây không phải là những gì do ngài tưởng nghĩ (nên đã bị Thày quở trách nặng lời), mà chính là những gì bị ngài chối bỏ (nên ngài đã ăn năn thống hối, tức đã trở về với chân lý).
Chân Lý ấy không còn là một Thực Tại Thần Linh Tối Thượng bắt con người phải tốn công tìm kiếm với những suy luận trừu tượng và bằng những quan niệm xác tín khác nhau nữa, trái lại, Chân Lý này “đã trở nên hữu hình cho chúng ta” (1Jn 1:2), trở nên một con người lịch sử mang danh Giêsu, Đấng mà tông đồ Phêrô đã nhận biết và tuyên xưng rằng: “Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16), Đấng cũng đã tự xưng với nhóm tông đồ của mình rằng: “Thày là đường, là sự thật và là sự sống” (Jn 14:6).
Chúa Kitô “là sự thật”, chẳng những ở chính bản thân Người, mà còn ở tất cả những gì Người nói và làm nữa. Bởi thế, Người đã khẳng định với quan tổng trấn Philatô rằng:
· “Lý do Tôi được sinh ra, lý do Tôi đến thế gian là để làm chứng cho chân lý. Ai tìm kiếm chân lý thì sẽ nghe thấy tiếng của Tôi” (Jn 18:37).
Vì chính mình “là chân lý”, do đó, “chân lý” Chúa Kitô “đến để làm chứng” hay minh chứng đây không là gì khác ngoài bản thân Người, nghĩa là Chúa Kitô đến để tỏ mình ra cho “dân riêng Người” (Jn1:11) cũng như cho chung con người biết Người là ai (xem Jn 8:24, 27) và từ đâu đến (xem Jn 8:14, 21), nhờ đó, họ có thể chấp nhận Phúc Âm của Người mà được cứu rỗi (xem Mk 16:16), được sống đời đời (xem Jn 3:16), “được Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa” (Jn 1:12).
(còn tiếp)