GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 26/8/2007 TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN |
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 19/8/2007 về ý nghĩa bài Phúc Âm
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 12/8/2007 về ý nghĩa Phúc Âm
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 5/8/2007 hướng về Lễ Biến Hình
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 19/8/2007 về ý nghĩa bài Phúc Âm
Anh Chị Em thân mến,
Bài Phúc Âm của Chúa Nhật này có một diễn tả về Chúa Giêsu đã luôn làm cho chúng ta thắc mắc và cần phải được hiểu cho đúng.
Trong khi Người đang trên đường lên Giêrusalem, nơi cái chết trên thập tự giá đang đợi chờ Người, thì Chúa Kitô hỏi các môn đệ của Người rằng: “Các con có nghĩ rằng Thày đến để mang lại bình an trên thế gian này hay chăng? Thày bảo cho các con hay, không phải thế, mà là chia rẽ”. Rồi Người thêm rằng: “Bởi thế, trong một nhà có 5 người thì ba chống lại hai và hai chống lại ba; họ sẽ bị chia rẽ, cha nghịch lại con và con nghịch lại cha, mẹ nghịch lại con gái và con gái nghịch lại mẹ mình, mẹ chồng nghịch lại con dâu và con dâu nghịch lại mẹ chồng” (Lk 12:51-53).
Bất cứ ai, cho dù là người có ít kiến thức nhất về Phúc Âm của Chúa Kitô, đều biết rằng đây là một đệ nhất sứ điệp hòa bình; như Thánh Phaolô đã viết chính Chúa Giêsu “là hòa bình của chúng ta” (Eph 2:14), Đấng đã chết đi và sống lại để phá đổ bức tường hận thù và khai mở Vương Quốc của Thiên Chúa là yêu thương, hân hoan và an bình.
Thế thì giải thích thế nào về những lời lẽ của Người đây? Chúa muốn nói gì đây khi Người phán rằng Người đến – theo trình thật của Thánh Luca – là để mang “chia rẽ” hay – theo trình thuật của Thánh Mathêu – là để mang “gươm giáo” (Mt 10:34)?
Những lời của Chúa Kitô có nghĩa là hòa bình được Người đến mang lại cho chúng ta thì không đồng nghĩa với tình trạng thuần túy vắng bóng các cuộc xung đột. Trái lại, hòa bình của Chúa Giêsu là thành quả của một cuộc chiến đấu liên lỉ chống lại sự dữ. Cuộc chiến đấu được Chúa Giêsu cương quyết hỗ trợ không phải là cuộc chiến đấu chống lại con người hay quyền lực con người mà là Satan, kẻ thù của Thiên Chúa và loài người.
Bất cứ ai muốn chống lại kẻ thù này để trung thành với Thiên Chúa và với sự thiện đều cần phải noon g đầu với những thứ hiểu lầm và đôi khi với những cuộc bách hại thực sự nữa.
Bởi thế, tất cả những ai có ý định theo Chúa Giêsu và dấn thân dứt khoát cho chân lý, đều phải biết rằng họ sẽ gặp phải chống đối và bất chấp bản thân mình, họ sẽ trở nên một dấu hiệu chia rẽ giữa dân chúng, thậm chí ngay nơi gia đình của họ. Thật vậy, tình yêu mến đối với cha mẹ là một giới luật thánh, thế nhưng việc sống giới răn này một cách đích thực cũng không bao giờ được vượt trên tình yêu mến đối với Thiên Chúa cũng như đối với Chúa Kitô.
Bởi vậy, việc bước theo chân Chúa Giêsu, theo những lời của Thánh Phanxicô Assisi thì Kitô hữu trở thành “khí cụ bình an”; không phải là một thứ bình an bất nhất và chỉ hời hợt song là một thứ bình an thực sự, được theo đuổi một cách can đảm và kiên trì trong việc dấn thân hằng ngày để thắng vượt sự dữ bằng sự lành (x Rm 12:21) và đích thân phải trả giá cho những gì đòi hỏi bởi đó mà ra.
Trinh Nữ Maria, Vị Nữ Vương Hòa Bình, đã thông dự vào cuộc chiến đấu với Ma Quỉ của Chúa Giêsu Con Mẹ cho đến khi Người tử đạo và tiếp tục tham dự vào cuộc chiến đấu này cho tới tận cùng thời gian. Chúng ta hãy kêu cầu việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ để Mẹ giúp chúng ta luôn luôn là những chứng nhân cho hòa bình của Chúa Kitô và đừng bao giờ chịu giao hảo với sự dữ.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 12/8/2007 về ý nghĩa Phúc Âm
Anh Chị Em thân mến,
Phụng Vụ cho ngày Chúa Nhật 19 Thường Niên giúp chúng ta sửa soạn một cách nào đó cho Lễ Trọng Đức Mẹ Mông Triệu, một lễ chúng ta sẽ cử hành vào ngày 15 tháng 8. Thật vậy, nó hoàn toàn hướng về tương lai, về Trời, nơi Đức Trinh Nữ Maria đã đi trước chúng ta trong niềm vui Thiên Đình.
Đặc biệt là đoạn Phúc Âm, tiếp tục sứ điệp của Chúa Nhật tuần trước, đã xin Kitô hữu đừng dính bén với của cải vật chất là những gì hầu như là hão huyền, và hãy trung thành thực hiện nhiệm vụ của mình, liên lỉ khát vọng Trời Cao. Chớ gì người tín hữu biết tỉnh táo và canh chừng để sẵn sàng nghênh đón Chúa Giêsu khi Người đến trong vinh quang của Người.
Bằng những tỉ dụ trong đời sống hằng ngày, Chúa Giêsu đã huấn dụ các môn đệ của Người, tức là chúng ta, hãy sống với cung cách nội tâm ấy, như những người đầy tớ trong dụ ngôn chờ đợi chủ mình trở về. Người phán: “Phúc cho những người đầy tớ ấy, thành phần mà chủ thấy tỉnh thức khi ông đến” (Lk 12:37). Bởi thế chúng ta cần phải canh chừng, bằng việc nguyện cầu và làm lành.
Thật vậy, tất cả chúng ta đều là lữ khách trên trái đất này, như Bài Đọc Thứ Hai của phụng vụ hôm nay trích từ Thư gửi giáo đoàn Do Thái thích đáng nhắc nhở chúng ta. Bài đọc này cho chúng ta thấy Abraham trong bộ y phục lữ hành, như một người dân du mục sống trong một cái lều và tạm trú ở nơi một mảnh đất xa lạ. Ông được đức tin hướng dẫn cho.
Tác giả sách thánh viết: “Nhờ đức tin, Abraham đã tuân phục khi ông được kêu gọi ra đi đến một nơi ông sẽ lãnh nhận làm gia sản; và ông đã lên đường, không biết rằng mình sẽ đi đâu” (Heb 11:8).
Thật vậy, đích điểm thực sự của Abraham đó là “thành đô có nền tảng được Thiên Chúa là kiến tạo gia và thực hiện gia thiết dựng” (11:10). Thành đô này mà ông hướng về đó không phải ở trên đời này mà là Gia Liêm thiên quốc, là Thiên Đàng.
Điều này là những gì đã quá rõ đối với cộng đồng Kitô hữu sơ khai, một cộng đồng coi mình là “kẻ xa lạ” ở dưới thế này và đã gọi những trung tâm có dân chúng định cư trong các thành phố là “giáo xứ”, có nghĩa thực sự là tập đoàn của thành phần ngoại quốc (theo tiếng Hy Lạp là pároikoi) (x 1Pt 2:11). Như thế, những Kitô hữu tiên khởi đã thể hiện được đặc tính quan trọng nhất của Giáo Hội, đó chính là tình trạng sống vươn lên trên đời này trong ánh sáng của Trời Cao.
Bởi thế, Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi chúng ta hãy nghĩ về “sự sống đời sau”, như chúng ta lập lại mỗi lần chúng ta tuyên xưng đức tin bằng Kinh Tin Kính. Nó là một lời mời gọi hãy sống khôn ngoan và nhìn xa trông rộng, hãy chú ý tới đích điểm của chúng ta, tức là tới những thực tại chúng ta gọi là cùng tận đó là sự chết, phán xét, vĩnh hằng, hỏa ngục và Thiên Đàng. Và chính vì thế mà chúng ta mới đảm nhận trách nhiệm đối với thế giới và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Xin Trinh Nữ Maria, vị từ Trời Cao coi sóc chúng ta, giúp chúng ta đừng quên rằng ở dưới thế này chúng ta chỉ đi ngang qua thôi, và chớ gì Mẹ dạy cho chúng ta biết dọn mình gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng “ngự bên hữu Cha. Đấng sẽ đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 5/8/2007 hướng về Lễ Biến Hình
Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay, Chúa Nhật 18 Thường Niên, Lời Chúa thôi thúc chúng ta suy nghĩ về mối liên hệ cần phải ra sao giữa chúng ta với những thứ vật chất.
Mặc dù giầu có tự nó là điều tốt, nó cũng không được coi như là một sự thiện tuyệt đối. Trước hết, nó không bảo đảm cho phần rỗi; trái lại, nó thậm chí còn trầm trọng nguy hiểm đến phần rỗi nữa.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu thực sự đã cảnh giác các môn đệ của Người về mối nguy cơ này. Khôn ngoan và nhân đức là ở chỗ đừng để lòng mình quyến luyến các thứ sản vật trên đời này, vì tất cả mọi sự đều là những gì chuyển biến, tất cả mọi sự đều có thể đột nhiên tận kết.
Đối với Kitô hữu chúng ta thì kho tàng thực sự chúng ta không ngừng tìm kiếm là ở “những sự trên cao… nơi Chúa Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa”; Thánh Phaolô hôm nay nhắc nhở chúng ta về điều này trong Thư gửi giáo đoàn Colôsê, còn thêm rằng sự sống của chúng ta “được ẩn dấu với Chúa Kitô trong Thiên Chúa” (x 3:1-3).
Lễ trọng Chúa Biến Hình chúng ta sẽ cử hành ngày mai, kêu gọi chúng ta hãy hướng mắt mình “lên cao”, lên Trời. Trong trình thuật Phúc Âm về biến cố Biến Hình trên núi, chúng ta thấy được một dấu báo khiến chúng ta thoáng thấy được Vương Quốc của Chư Thánh, nơi mà cả chúng ta nữa, vào lúc kết thúc cuộc sống trần gian của mình, sẽ được thông phần vào vinh quang của Chúa Kitô, một thứ vinh quang trọn vẹn, hoàn toàn và cuối cùng. Toàn thể vũ trụ bấy giờ sẽ được biến hình và dự án thần linh cứu độ cuối cùng được nên trọn.
Ngày Lễ Trọng Biến Hình vẫn là những gì liên quan tới việc tưởng niệm về vị Tiền Nhiệm của tôi là Người Tôi Tớ Chúa Phaolô VI, vị mà vào năm 1978 đã hoàn tất sứ vụ của mình ở ngay tại chốn này, tại Castel Gandolfo, và được gọi về Nhà Cha Trên Trời. Chớ gì việc tưởng nhớ đến ngài là một lời mời gọi chúng ta hãy nhìn lên cao và trung thành phụng sự Chúa và Giáo Hội, như ngài đã làm trong những năm không dễ dàng gì của thế kỷ vừa qua.
Xin Trinh Nữ Maria, vị chúng ta hôm nay đặc biệt tưởng nhớ khi chúng ta cử hành Lễ Nhớ Đền Thờ Đức Bà Cả, xin cho chúng ta ơn này. Như đã quá rõ, đây là Đền Thờ đầu tiên ở Tây phương được xây lên để tôn kính Mẹ Maria; nó được Đức Giáo Hoàng Sixtus III xây vào năm 432 để mừng vai trò thiên mẫu của vị Trinh Nữ này, một Tín Điều đã được long trọng tuyên bố vào năm trước đó ở Công Đồng Chung Êphêsô.
Chớ gì vị Trinh Nữ này, vị đã được tham dự một cách chặt chẽ vào mầu nhiệm của Chúa Kitô hơn bất cứ một tạo vật nào, bảo trì chúng ta trong cu65c hành trình đức tin của chúng ta, nhờ đó, như phụng vụ kêu mời chúng ta cầu nguyện hôm nay, “chúng ta đừng để mình bị chi phối bởi tham lam hay vị kỷ khi chúng ta vất vả nỗ lực làm chủ trái đất, song luôn luôn tìm kiếm những gì xứng đáng trước nhan Thiên Chúa” (x Ca Nhập Lễ)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh