GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 30/8/2007

TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN

 

?  Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: Di Sản của Năm Thánh và Mẹ Maria: Sao Sáng Cho Việc Truyền Bá Phúc Âm Hóa (81-82)

?  Thông Điệp Redemptoris Missio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: VIII - LINH ĐẠO TRUYỀN GIÁO (87-91)

?  Ánh Sáng Thế Gian - Bóng Tối không át được Ánh Sáng”

 

 

 

?  Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: Di Sản của Năm Thánh và Mẹ Maria: Sao Sáng Cho Việc Truyền Bá Phúc Âm Hóa (81-82)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch  

81.  Di Sản của Năm Thánh

 

Hỡi quí huynh và con cái nam nữ, đó là lời yêu cầu tha thiết của Chúng Tôi. Nó vang vọng tiếng nói của anh em Chúng Tôi tụ họp trong Thượng Hội Giám Mục Thế Giới Lần Thứ Ba. Đây là công việc Chúng Tôi muốn trao cho quí huynh và con cái nam nữ vào lúc kết thúc Năm Thánh, một năm cho chúng ta thấy rõ hơn các nhu cầu và những lời kêu gọi của đông đảo anh em mình, cả thành phần Kitô hữu lẫn không phải Kitô hữu, những người mong chờ Lời cứu độ từ nơi Giáo Hội.

 

Chớ gì ánh sáng của Năm Thánh, ánh sáng đã chiếu sáng ở các Giáo Hội địa phương cũng như ở Rôma, làm cho hàng triệu lương tâm được hòa giải với Thiên Chúa, tiếp tục chiếu sáng như vậy sau Năm Thánh, bằng một chương trình hoạt động mục vụ lấy việc truyền bá phúc âm hóa làm đặc tính căn bản, vì những năm này đánh dấu thời điểm kế cận một thế kỷ mới, kế cận cả một thiên niên mới của Kitô giáo.

 

82.  Mẹ Maria: Sao Sáng Cho Việc Truyền Bá Phúc Âm Hóa

 

Chúng Tôi hân hoan xin ký thác vào bàn tay và trái tim của Đức Maria Nữ Trinh Vô Nhiễm trong ngày hôm nay, một ngày đặc biệt kính Mẹ và cũng là ngày kỷ niệm mười năm kết thúc Công Đồng Chung Vaticanô II. Vào buổi sáng ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, với lời cầu nguyện của mình, Mẹ đã trông coi thuở ban đầu của việc truyền bá phúc âm hóa được Chúa Thánh Thần tác động: chớ gì Mẹ là sao sáng cho việc truyền bá phúc âm hóa được canh tân hơn bao giờ hết, một việc truyền bá phúc âm hóa mà Giáo Hội vâng lệnh Chúa truyền phải cổ động và hoàn thành, nhất là trong những lúc khó khăn song đầy hy vọng này!

 

Nhân danh Chúa Kitô, Chúng Tôi chúc lành cho các con, cho cộng đồng của các con, cho gia đình của các con, cho tất cả những người thân yêu của các con, bằng những lời Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Philiphê: “Cha tạ ơn Thiên Chúa mỗi khi cha nghĩ đến các con – những người cha luôn nhớ đến trong lời cầu nguyện – cha vui mừng cầu cho các con, vì tất cả các con tiếp tục giúp vào việc phổ biến phúc âm... Cha quí mến tất cả các con - các con là thành phần những người thừa hưởng thân phận ân phúc của cha... trong việc bảo vệ những nền móng vững chắc của phúc âm. Chính Thiên Chúa làm chứng là cha trông mong mỗi một người các con là chừng nào bằng lòng cảm mến của Chúa Giêsu Kitô!” (Phil.1:3-4, 7-8).

 

Giáo Hoàng Phaolô VI

 (chuyển dịch từ tập tài liệu của Saint Paul Books and Media)

(còn tiếp)

 

TOP

 

?  Thông Điệp Redemptoris Missio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: VIII - LINH ĐẠO TRUYỀN GIÁO (87-91)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

Hoạt động truyền giáo đòi phải có một linh đạo đặc biệt, một linh đạo áp dụng riêng cho tất cả những ai được Thiên Chúa kêu gọi để trở thành những nhà truyền giáo.

 

Được Thần Linh Dẫn Dắt

 

Linh đạo này trước hết được thể hiện nơi một đời sống hoàn toàn dễ dạy đối với Thần Linh. Thần Linh sẽ uốn nắn đời sống được chúng ta phó thác cho Ngài, để nhờ đó chúng ta càng ngày càng trở nên giống Chúa Kitô hơn. Chúng ta không thể nào làm chứng cho Chúa Kitô mà lại không phản chiếu hình ảnh của Người, một hình ảnh được làm cho sống động trong chúng ta, nhờ ân sủng và quyền năng của Thần Linh. Như thế, tấm lòng dễ dạy này làm cho chúng ta nhận được các ơn mạnh bạo và khôn ngoan là những yếu tố thiết yếu cho linh đạo truyền giáo.

 

Điển hình cho linh đạo này là gương của các vị Tông Đồ trong đời sống công khai của Chúa Kitô. Mặc dù các vị yêu mến Người và quảng đại đáp lại lời Người kêu gọi, các vị vẫn tỏ ra cho thấy các vị không thể nào hiểu được những lời của Người và tỏ ra lưỡng lự theo Người trên con đường khổ đau và hèn hạ. Thần Linh đã biến đổi các vị thành những chứng nhân can trường của Chúa Kitô, cũng như thành những con người khôn ngoan loan truyền lời của Chúa Kitô. Chính Thần Linh là Đấng đã hướng dẫn các vị qua khó khăn thử thách và theo những đường lối mới của việc truyền giáo.

 

Ngày nay, cũng như trong quá khứ, việc truyền giáo vẫn gặp khó khăn thử thách và phức tạp, đòi phải có lòng can đảm và ánh sáng của Thần Linh. Chúng ta thường cảm nghiệm thấy tình trạng thảm thương của cộng đồng Kitô giáo tiên khởi, một cộng đồng đã chứng kiến thấy những lực lượng không chịu tin tưởng và hận thù “hợp nhau chống lại Chúa và Đấng Xức Dầu của Ngài” (Acts 4:26). Giờ đây, cũng như hồi ấy, chúng ta phải cầu nguyện để Thiên Chúa ban cho chúng ta lòng mạnh dạn rao giảng Phúc Âm; chúng ta phải chú ý tới những đường lối nhiệm mầu của Thần Linh và để cho Ngài dẫn dắt mình vào tất cả sự thật (x. Jn 16:13).

 

Sống Mầu Nhiệm Chúa Kitô, “Đấng được sai đi”

 

88-       Một đặc tính thiết yếu của linh đạo truyền giáo là sống hiệp thông thân mật với Chúa Kitô. Chúng ta không thể hiểu biết và thi hành việc truyền giáo được, trừ phi chúng ta đối chiếu nó với Chúa Kitô là Đấng đã được sai đi truyền bá phúc âm hóa. Thánh Phaolô đã diễn tả thái độ của Chúa Kitô như sau: “Tác hành của anh em phải giống như của Chúa Giêsu Kitô, Đấng mặc dù mang danh phận là Thiên Chúa song cũng không cho mình cứ phải ngang hàng với Thiên Chúa mới được, trái lại, Người đã hủy mình ra hư không, mặc lấy thân phận tôi đòi, sinh ra giống như con người. Và trong hình dạng làm người, Người đã tự hạ và đã vâng lời cho đến chết, cho dù có phải chết trên Thập Giá” (Phil 2:5-8).

 

Như thế, Mầu Nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc được cho thấy như là một việc hoàn toàn tự hư không hóa bản thân mình, nhờ đó Chúa Kitô có thể sống trọn vẹn thân phận con người, trong việc chấp nhận làm theo tất cả dự án của Cha. Cuộc tự hủy bản thân mình ra hư không này là một cuộc tự hủy bản thân mình chan hòa những yêu thương và nói lên lòng yêu thương. Việc truyền giáo đi theo cùng một đường lối như vậy, và là việc truyền giáo dẫn đến chân Thập Giá.

 

Nhà truyền giáo cần phải “từ bỏ chính mình và mọi sự cho đến bấy giờ họ cho là của mình, để làm cho mình nên mọi sự cho mọi người” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 24). Họ làm điều này bằng một đức khó nghèo khiến họ thanh thoát sống cho Phúc Âm, bằng việc thắng vượt lòng dính bén với con người cũng như sự vật bao quanh họ, để họ có thể trở nên anh chị em cho những ai họ được sai tới và nhờ đó họ mang Chúa Kitô Cứu Thế đến cho những người đó. Đó là mục tiêu của linh đạo truyền giáo: “Đối với người yếu đuối tôi trở nên người yếu đuối...; tôi trở nên mọi sự cho mọi người để bằng mọi cách có thể cứu được một số nào đó. Tôi làm tất cả những điều này là vì Phúc Âm...” (1Cor 9:22-23).

Chính vì được “sai” mà nhà truyền giáo nghiệm thấy sự hiện diện an ủi của Chúa Kitô, Đấng ở với họ mọi giây phút trong cuộc sống – “Đừng sợ... vì Ta ở với con” (Acts 18:9-10) – và là Đấng chờ đợi họ nơi cõi lòng của mọi người.

 

Yêu Mến Giáo Hội và Nhân Loại như Chúa Kitô

 

89-       Linh đạo truyền giáo cũng được đánh dấu bằng đức ái tông đồ, đức ái của Chúa Kitô, Đấng đã đến “để tụ họp con cái Thiên Chúa bị phân tán khắp nơi về một mối” (Jn 11:52), đức ái của Vị Mục Tử Nhân Lành biết chiên của mình, tìm kiếm chúng và hiến mạng sống mình cho chúng (x. Jn 10). Những ai có tinh thần truyền giáo cảm thấy tình yêu khát khao các linh hồn của Chúa Kitô và tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo Hội.

 

Nhà truyền giáo bị thôi thúc bởi “lòng nhiệt thành đối với các linh hồn”, một lòng nhiệt thành do đức ái của Chúa Kitô thúc đẩy, dưới hình thức quan tâm, dịu dàng, thương cảm, cởi mở, sẵn sàng và chú trọng tới các vấn đề của con người. Tình yêu của Chúa Kitô rất sâu xa: Ngài là Đấng “biết những gì nơi con người” (Jn 2:25), đã yêu thương mọi người bằng việc hiến cho họ ơn cứu chuộc và chịu đựng khổ đau khi bị ruồng bỏ.

 

Nhà truyền giáo là một con người của đức ái. Để loan truyền cho tất cả mọi anh chị em của mình là những người anh chị em ấy được Thiên Chúa yêu thương và có khả năng yêu thương, nhà truyền giáo phải chứng tỏ tình yêu đối với tất cả mọi người, bằng việc hiến cuộc sống mình cho tha nhân. Nhà truyền giáo là “anh chị em của hết mọi người”, khi mang nơi bản thân mình tinh thần của Giáo Hội, tấm lòng cởi mở và nỗi quan tâm của Giáo Hội đối với tất cả mọi dân tộc và mọi người, nhất là đối với những anh chị em thấp kém và nghèo hèn nhất. Sống như vậy, nhà truyền giáo mới thắng vượt được những trở ngại và phân rẽ về chủng tộc, giai cấp hay ý thức hệ. Nhà truyền giáo là dấu chứng của tình yêu Thiên Chúa trên thế giới này – một tình yêu không phân biệt hay thiên vị.

 

Sau hết, như Chúa Kitô, nhà truyền giáo phải yêu mến Giáo Hội: “Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội và đã hiến mạng sống mình cho Giáo Hội” (Eph 5:25). Tình yêu thương này, cho đến độ hiến mạng sống mình, là đích điểm họ nhắm đến. Chỉ có tình yêu sâu xa đối với Giáo Hội mới có thể bảo trì lòng nhiệt thành của nhà truyền giáo mà thôi. Cái thôi thúc hằng ngày của nhà truyền giáo, như Thánh Phaolô nói, đó là “mối quan tâm lo cho tất cả mọi Giáo Hội” (2Cor 11:28). Đối với hết mọi nhà truyền giáo, “lòng trung thành với Chúa Kitô không thể nào tách lìa khỏi lòng trung thành với Giáo Hội” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Thừa Tác Vụ và Đời Sống của Các Linh Mục Presbyterorum Ordinis, 14).

 

Nhà Thừa Sai Đích Thực là Một Vị Thánh

 

90-       Ơn gọi hoạt động truyền giáo, tự bản chất của mình, là một ơn gọi phát xuất từ ơn gọi nên thánh. Một nhà truyền giáo thực sự như vậy chỉ khi nào họ dấn thân sống theo con đường thánh thiện: “Thánh Thiện phải được gọi là một tiên quyết căn bản và là một điều kiện không thể thay thế đối với mọi người trong việc hoàn tất sứ mệnh cứu độ trong Giáo Hội” (Tông Huấn Christifideles Laici, 17: loc. cit., 419).

 

Ơn gọi phổ quát nên thánh gắn liền với ơn gọi phổ quát truyền giáo. Mọi phần tử tín hữu đều được kêu gọi nên thánh và truyền giáo. Đây là điều Công Đồng hết sức tha thiết ước mong, một Công Đồng hy vọng có thể “soi sáng cho tất cả mọi dân nước bằng ánh quang của Chúa Kitô, một ánh quang phát tỏa trên khuôn mặt của Giáo Hội, bằng việc rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 1). Linh đạo truyền giáo của Giáo Hội là một cuộc hành trình tiến đến sự thánh thiện.

 

Việc canh tân động lực cho việc truyền giáo ad gentes đòi phải có những nhà truyền giáo thánh đức. Việc cập nhật hóa những kỹ thuật mục vụ, tổ chức và điều hành các nguồn lực của giáo hội, hay nghiên cứu sâu xa vào nền tảng thánh kinh và thần học về đức tin, cũng chưa đủ. Điều cần là lòng phấn khởi cho “việc hăng say nên thánh” mới mẻ nơi các nhà truyền giáo, cũng như nơi khắp các cộng đồng Kitô giáo, đặc biệt nơi những ai làm việc gần gũi nhất với các nhà truyền giáo (xem Bài Diễn Từ ở Cuộc Họp CELAM, tại Port-au-Prince, ngày 9/3/1983: AAS 75 năm 1983, 771-779; Bài Giảng Khai Mạc cho “Novena of  Years” do CELAM phat động, Santo Domingo, ngày 12/10/1984: Insegnamenti VII/2 năm 1984, 885-897).

 

Anh Chị Em thân mến: chúng ta hãy nhớ đến lòng nhiệt thành truyền giáo của các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi. Bất chấp phương tiện di chuyển và truyền thông hạn hẹp vào những thời ấy, việc loan truyền Phúc Âm vẫn nhanh chóng tiến đến tận cùng trái đất. Đó là tôn giáo của một Con Người chết trên thập giá, của “một viên đá vấp phạm cho người Do Thái và ngu xuẩn cho Dân Ngoại” (1Cor 1:23)! Bên dưới cái năng động truyền giáo này chính là đời sống thánh thiện của các Kitô hữu và các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi vậy.

 

91-       Thế nên, Tôi muốn ngỏ lời với những phần tử mới được rửa tội nơi các cộng đồng trẻ cũng như nơi các Giáo Hội trẻ. Hôm nay, các con là niềm hy vọng của Giáo Hội hai ngàn tuổi của chúng ta đây: là con người trẻ trung về đức tin, các con phải như những Kitô hữu tiên khởi, chiếu tỏa nhiệt tình và lòng can đảm, trong việc quảng đại hiến thân cho Thiên Chúa và tha nhân. Tóm lại, các con phải dấn thân trên con đường thánh thiện. Chỉ có thế các con mới là dấu chứng của Thiên Chúa trên thế giới này, và mới làm sống lại nơi quê hương xứ sở của các con truyền sử của Giáo Hội sơ khai. Các con cũng mới là men tinh thần truyền giáo cho các Giáo Hội lâu đời.

 

Về phần mình, các nhà truyền giáo phải phản chiếu tặng ân được mời gọi của mình nơi nhiệm vụ nên thánh cần phải có nơi họ, phải lập lại trong tâm trí mỗi ngày, và cố gắng cập nhật hóa việc huấn luyện về tín lý cũng như về mục vụ. Nhà truyền giáo phải là một “nhà chiêm niệm trong hoạt động”. Họ tìm thấy những giải đáp cho các vấn đề theo ánh sáng của lời Chúa, cũng như trong lời cầu nguyện chung riêng. Việc Tôi tiếp xúc với các vị đại biểu của các truyền thống linh đạo ngoài Kitô giáo, nhất là những vị ở Á Châu, đã làm cho Tôi tin tưởng theo chiều hướng là, tương lai của việc truyền giáo phần lớn lệ thuộc vào việc chiêm niệm. Nhà truyền giáo nếu không phải là một người chiêm niệm thì họ không thể nào loan truyền Chúa Kitô một cách khả tín được. Họ là chứng nhân cho cảm nghiệm về Thiên Chúa, và họ phải nói được như các vị Tông Đồ: “những gì chúng tôi trông thấy... liên quan đến lời sự sống, ... thì chúng tôi cũng đem loan truyền cho anh em” (1Jn 1:1-3).

 

Nhà truyền giáo là một người của các Phúc Đức. Trước khi sai 12 Vị đi truyền bá phúc âm hóa, Chúa Giêsu, trong “bài nói về truyền giáo” (x. Mt 10), đã dạy cho các vị biết những đường lối hoạt động truyền giáo: đó là nghèo khó, khiêm nhu, chấp nhận khổ đau và bách hại, mong ước công lý và hòa bình, đức ái – tức là, các Phúc Đức được thực hành trong đời sống tông đồ (x. Mt 5: 1-12). Khi sống các Phúc Đức, nhà truyền giáo cảm thấy và chứng tỏ cho thấy một cách cụ thể rằng, Vương Quốc của Thiên Chúa đã trị đến, và họ đã chấp nhận Vương Quốc này. Đặc tính của hết mọi cuộc sống truyền giáo chân chính đó là niềm vui nội tâm do đức tin mà có. Trong một thế giới bị quằn quại và dập dụi bởi quá nhiều rối ren, một thế giới có xu hướng bi quan, thì con người loan truyền “Tin Mừng” phải là một con người tìm được niềm hy vọng thực sự nơi Chúa Kitô.

 

(còn tiếp)

 

TOP

 

 

? Ánh Sáng Thế Gian - Bóng Tối không át được Ánh Sáng

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

“C

ó thể nói, Chúa Kitô không tử nạn không thực là Chúa Kitô thế nào, thì Kitô giáo không bị bắt bớ không là Kitô giáo như vậy” (Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, Mùa Xuân Gieo Tin Mừng Cứu Độ, Diễn Đàn Kitô Hữu, 1999, trang 17-18).

 

Chính vì thấy trước được thân phận của thành phần chứng nhân tiên khởi là các Tông Đồ của mình như thế, Chúa Giêsu đã khẳng định và tiên báo cho các vị biết trong Bữa Tiệc Ly rằng:

 

·        Các con hãy nhớ lại những gì Thày đã nói với các con, đó là không tôi tớ nào hơn được chủ của mình. Họ sẽ bắt bớ các con như họ đã bắt bớ Thày. Họ sẽ tôn trọng lời của các con bởi họ tôn trọng lời của Thày. Họ làm cho các con tất cả những điều này vì danh Thày, vì họ không biết Đấng đã sai Thày” (Jn 15:20-21).

 

Đối với riêng Phêrô, sau khi báo trước thân phận sẽ bị bắt bớ của vị tông đồ trưởng này, Chúa Giêsu liền kêu gọi: “Hãy theo Thày” (Jn 21:19). Tức là hãy theo Chúa Kitô cho tới cùng, cho tới chỗ “đứng bên thập giá” (Jn 19:25) như Mẹ Maria, Đấng “có phúc vì đã tin” (Lk 1:45). Bởi vì, Kitô hữu là ai, nếu không phải là thành phần “chấp nhận Người” (Jn 1:12) và trung thành với đức tin của mình vào Người, được thể hiện qua việc theo Người cho tới cùng, như Sách Khải Huyền diễn tả về thành phần Kitô hữu đích thực: “Họ tinh tuyền và theo Con Chiên đi đến nơi nào Con Chiên tới” (Rev 13:4), đến nỗi “giặt áo mình cho tinh trắng trong máu của Con Chiên” (Rev 7:14).

 

Thế nhưng, tại sao thân phận Kitô hữu môn đệ của Chúa Kitô lại gắn liền với “những cuộc thử thách kinh hoàng” (Rev 7:14) đến độ phải “giặt áo mình” (một cách hùng hồn và hiển nhiên nhất là tử đạo) như vậy mới được? Chúa Giêsu cũng đã cho các người môn đệ đầu tiên thân tín nhất của Người, thành phần làm nên nền tảng của Giáo Hội Người (x. Eph 2:20) sau này, biết căn nguyên như sau:

 

·        Nếu các con thấy rằng thế gian thù ghét các con thì hãy biết rằng họ đã thù ghét Thày trước các con rồi. Nếu các con thuộc về thế gian ắt hẳn thế gian đã yêu thương các con như của riêng nó; lý do thế gian thù ghét các con là vì các con không thuộc về thế gian. Mà Thày đã chọn các con ra khỏi thế gian” (Jn 15:18-19)

 

Đúng thế, lý do chính yếu của tất cả mọi cuộc bắt đạo và tử đạo ở khắp mọi nơi từ trước đến nay xẩy ra cho thành phần Kitô hữu là chỉ vì Kitô hữu “các con không thuộc về thế gian”, thế thôi. Thực tế đã hùng hồn chứng minh chân lý hết sức xác đáng này. Ở chỗ, không phải hễ chỗ nào trên thế giới ra tay bắt đạo Kitô giáo cũng giống như trường hợp ở Việt Nam thời phong kiến hồi thế kỷ XVII và XVIII, hay thời Nhà Nguyễn hồi thế kỷ XIX, tức bao giờ cũng liên quan đến tình hình chính trị, đến chủ nghĩa tư bản và đến mưu đồ thực dân. Thật ra, ngay từ thế kỷ đầu của lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, từ năm 1533 tới 1630, không hề có một cuộc bắt đạo nào. Thêm vào đó, việc bắt đạo và sát đạo ở Việt Nam không phải do bởi dân chúng gây ra cho nhau, mà hoàn toàn do bởi chính quyền (phong kiến Trịnh-Nguyễn và triều đình Nhà Nguyễn); cho dù có do bởi dân chúng đi nữa, như bởi một số cá nhân thuộc Phong Trào Văn Thân, thì cũng chỉ vì họ dính dáng đến tình hình chính trị bấy giờ.

 

Thế nên, có thể kết luận là chính trị chỉ là cái cớ bắt đạo và sát đạo ở Việt Nam trước đây mà thôi, căn nguyên sâu xa của những cuộc bắt đạo và sát đạo ở Việt Nam chính là đạo lý Kitô giáo không hợp với văn hóa Khổng giáo ở Việt Nam bấy giờ; vấn đề đường lối truyền giáo thất sách của các vị thừa sai, hay Kitô giáo là đạo của Tây phương cũng chỉ là những cái cớ mạnh khác. Thật ra, nếu Kitô giáo được thành phần thuần túy Việt Nam, như Nho gia Nguyễn Trường Tộ theo đạo Công Giáo từ nhỏ, truyền bá đi nữa, cũng vẫn không thoát được những trang sử đẫm máu. Như trường hợp ở Triều Tiên là nơi ngay từ đầu được chính dân bản xứ truyền giáo lấy, thế mà, trong một xã hội theo văn hóa Khổng giáo bấy giờ họ vẫn bị bắt và sát đạo khủng khiếp vào những năm 1827, 1839, 1846, nhất là vào thời đoạn 1860-1873, kết quả 103 Vị Tử Đạo năm 1866 đã được Giáo Hội phong thánh năm 1984. Trường hợp các Tông Đồ người Do Thái giảng đạo cho dân mình cũng không ngoại lệ. Vị Tông Đồ Dân Ngoại lừng danh Phaolô, với phương pháp giảng đạo rất hợp với ý hệ dân Hy Lạp bấy giờ, song vẫn không thành công ở Công Nghị Nhã Điển (x. Acts 17:32).

 

Thật vậy, lịch sử đã tỏ tường cho thấy chính vì đạo lý của Kitô giáo, chứ không phải căn nguyên do bởi bất cứ một lý do ngoại tại (được gọi là cái cớ) nào khác. Bởi thế, ngay từ đầu cho tới hiện nay (trước ngưỡng cửa của Ngàn Năm Thứ Ba là năm 1999 đây), Kitô giáo nói chung và Giáo Hội Công giáo nói riêng vẫn là mục tiêu chống đối của một số thành phần thuộc các tôn giáo khác.

 

Về Do Thái giáo, hầu hết đã tỏ ra chống đối Kitô giáo. Ngay từ đầu, họ đã đặt vấn đề Kitô hữu phải chịu phép cắt bì theo luật Moisen nữa mới được cứu rỗi (xem Tông Vụ 15:1)? Trước đó, chính các Vị Tông Đồ cũng đã bị giáo quyền Do Thái bắt bớ và cấm cách gắt gao không cho giảng đạo (xem Tông Vụ 4:1-23; 5:17-42). Chính giáo quyền và dân chúng Do Thái đã ném đá Thày Sáu Stêphanô, Vị Tử Đạo tiên khởi của Kitô giáo (xem Tông Vụ 6:8-15; 7:1-60). Cả chính quyền Do Thái là Hêrôđê bấy giờ cũng nhúng tay vào việc sát đạo, qua việc lấy đầu Tông Đồ Giacôbê anh em của Tông Đồ Gioan, rồi bắt giam Vị Trưởng Tông Đồ Đoàn Phêrô (xem Tông Vụ 12:1-23). Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, một con người sùng mộ Do Thái giáo trước kia, đến nỗi đã hăng say xung phong đi diệt trừ những người theo Kitô giáo (xem Tông Vụ 8:3; 9:1-4), cũng đã bị chính dân mình chống đối và hãm hại ở khắp mọi nơi (xem Tông Vụ 18:12-13; 21:27-40; 22:1-30; 23:1-35; 24:1-27; 25:1-27; 26:1-32).

 

Việc Do Thái giáo chống đối Kitô giáo như thế hoàn toàn là do bởi họ “không chấp nhận Người” (Jn 1:11), “Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Jn 1:14), tức là họ đã không chấp nhận nhân vật Giêsu Nazarét là Đấng Thiên Sai hay là Đức Kitô. Thế nhưng, chính việc tín đồ Do Thái giáo “không chấp nhận” Đức Kitô như thế đã là một bằng cớ hiển nhiên nhất chứng thực là đã có một nhân vật lịch sử mang danh Giêsu, Đấng đã xưng mình “chính là” (Mk 14:62) Con Thiên Chúa, nên đã bị họ dùng tay dân ngoại đóng đanh trên thập giá, song Người cũng chính là Đấng tự mình sống lại từ trong kẻ chết, cho dù họ có lo sợ cho người canh gác cẩn thận mồ của Người (xem Mt 27:62-66, 28:11-15).

 

Hậu quả của việc dân Do Thái giáo “không chấp nhận” Chúa Kitô đã xẩy ra đúng như lời Người báo cho các môn đệ của Người biết trước khi Người tiến vào thành Giêrusalem lần cuối cùng để vĩnh viễn hoàn tất sứ vụ cứu thế của Người:

 

·        Khi tiến đến chỗ thấy được cảnh trí của thành, Người đã khóc thương thành mà nói: ‘Giá mà hôm nay ngươi biết được những gì mang lại cho người an bình; song ngươi lại hoàn toàn bị che khuất không thấy được gì hết! Sẽ có những ngày xẩy ra cho ngươi là ngươi bị quân thù đắp lũy bủa vây, phong tỏa ngươi và công hãm ngươi tứ phía. Họ sẽ loại trừ ngươi, ngươi và cả con cháu ngươi trong thành, và không còn để một hòn đá nào trên hòn đá nào nơi ngươi, vì ngươi đã không nhận ra thời điểm ngươi được viếng thăm” (Lk 19:41-44).

 

Những lời tiên báo trên đây của Chúa Kitô đã được Phúc Âm Thánh Luca ghi lại từ hậu bán thập niên 60 AD của thế kỷ thứ nhất, cũng là những lời đã thực sự xẩy ra vào năm 70 AD, khi tướng Titô thuộc đế quốc Rôma đến chiếm phá và hoàn toàn thiêu rụi đền thờ này.

 

Về Hồi giáo, cho đến ngày nay, nhất là thành phần lãnh đạo có thẩm quyền về tôn giáo, vẫn còn có thái độ hết sức ác cảm với Kitô hữu. Một nghị phụ tham dự Thượng Hội Giám Mục Âu Châu lần hai (1-23/10/1999), đó là Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Germano Bernardini, OFM.Cap, vị cho biết mình “đã từng sống ở Thổ Nhĩ Kỳ 42 năm qua, một xứ sở có 99.9% Hồi giáo, và đã làm Tổng Giám Mục ở Izmir, Tiểu Á, 16 năm”, tiết lộ về “ba trường hợp” điển hình như sau: “Trong một cuộc họp đối thoại liên tôn chính thức giữa Hồi giáo và Kitô giáo, một vị thẩm quyền Hồi giáo nói một cách rất lạnh lùng và cương quyết với tham dự viên Kitô giáo rằng:

 

·        Nhờ các khoản luật dân chủ của các người, chúng tôi sẽ xâm chiếm các người; nhờ các luật lệ tôn giáo của các người, chúng tôi sẽ thống trị các người’

 

Điều này đáng tin vì ‘việc thống trị’ đã được bắt đầu bằng ‘những đồng mỹ kim bơm xăng rồ máy’ không phải để thực hiện công việc tại các xứ sở nghèo ở Bắc Phi Châu hay Trung Đông mà là để xây cất những đền thờ và trung tâm văn hóa ở các xứ sở Kitô giáo có di dân Hồi giáo, kể cả ở Rôma, trung tâm Kitô giáo. Trong một cuộc họp đối thoại khác giữa Hồi giáo và Kitô giáo, một cuộc họp bao giờ cũng do Kitô giáo đứng ra tổ chức, một tham dự viên Kitô giáo công khai hỏi những người Hồi giáo hiện diện bấy giờ là tại sao họ không tổ chức ít là một buổi họp như thế. Một vị có thẩm quyền Hồi giáo ở đó đã đáp lại bằng những lời lẽ sau đây:

 

·        Tại sao chúng tôi lại phải làm điều này chứ? Các người chẳng có gì dạy chúng tôi cả và chúng tôi cũng không cần phải học hỏi chi hết’

 

Tại một đan viện Công giáo ở Giêrusalem có một nhân công người Ả Rập theo Hồi giáo – có lẽ vẫn còn ở đó – Ông ta là một người tốt lành và đáng kính, được các tu sĩ ở đó hết sức kính trọng, cũng tỏ ra kính trọng các vị ấy. Một ngày kia anh ta đã buồn lòng nói với các vị ấy là:

 

·        Các vị lãnh đạo của chúng tôi đã hội nhau và quyết định là tất cả những kẻ bất trung đều phải bị giết chết hết, thế nhưng, quí vị đừng sợ, tôi sẽ giết quí vị mà không làm cho quí vị phải đau đớn gì hết’…”

 

(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 17/11/1999, trang 15).

 

Về Ấn giáo, gần đây một số cũng đã bắt đầu tỏ ra lo sợ đến nỗi có thái độ kỳ thị và phản kháng Giáo Hội Công giáo một cách kịch liệt công khai ra mặt. Trong số báo 84 tháng 12/1999, tờ Nguyệt San Hiệp Nhất của Cộng Đồng Công Giáo Giáo Phận Orange, qua bài “Thành Quả Chuyến Đi Ấn Độ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II” của tác giả Lữ Giang, đã cho biết như sau:

 

·        Theo bản báo cáo sau cùng của ‘Diễn Đàn Thống Nhất Kitô về Nhân Quyền’ (United Christian Forum for Human Rights), trong năm 1998 đã có 139 vụ bạo hành chống lại các tín hữu Kitô, trong số này có 84 trường hợp xẩy ra trong miền Gujarat. 5 Nữ Tu bị cưỡng hiếp; 9 bị giết và 25 bị đánh đập; 16 Linh Mục hoặc Mục Sư bị sát hại; 11 nhà thờ bị phá hủy. Hôm thứ Tư 1/09/1999 vừa qua, Linh Mục Arul Doss đã bị 6 người lạ mặt mang cung tên tấn công tại quận Mayurbhanj, nằm cách thủ phủ Bhuhaneshwar của bang Orissa khoảng 120 kilômét về phía Bắc. Cảnh sát địa phương nói rằng Linh Mục Arul Doss đã chết vì những thương tích do những kẻ lạ mặt gây ra. Hai nhà thờ tại làng Lapdung, một tại Lingjong, một tại Simle và một tại Tipling đã bị triệt hạ trong hai đêm cuối tháng 8 tại khu vực Tamang đông Kitô hữu người sắc tộc. Những người Kitô hữu sắc tộc tại làng Tipling và chung quanh làng này ở quận Dhading, miền tây bắc thung lũng Kathmandu, đã nhóm họp ngoài đồng để cầu nguyện, vì năm nhà thờ ở đây đã bị phá hủy

 

“Ông Tamang, một nhân chứng của các vụ khủng bố người Công Giáo cho biết tình hình căng thẳng bắt đầu nổi lên hồi tháng 5/1999 khi một vị lãnh đạo dân làng địa phương kêu gọi người dân từ bỏ Kitô Giáo bằng cách đe dọa không cung cấp thuốc men và các tiện ích khác của chính phủ cho những ai không nghe theo lời họ. Tuy nhiên, theo Tamang, các Kitô hữu nói ‘họ thà chết còn hơn từ bỏ đức tin’. Khi nghe những lời đe dọa trên, những Kitô hữu cao tuổi cũng rời khỏi một trung tâm y tế trong vùng. Họ bảo rằng họ phải cầu nguyện để được chữa lành hơn là đến trung tâm xin thuốc. Tamang ghi nhận có tin cho biết những trường hợp được chữa lành nhờ lòng tin đã giúp người dân làng theo Kitô Giáo.

 

“Các tổ chức của Giáo Hội và giáo dân thường nhận được những lời đe dọa như: ‘Chúng ta sẽ giết các Linh Mục, bắt cóc và hãm hiếp các Nữ Tu; chúng ta sẽ làm cho tất cả trở lại Ấn Giáo’. Nhưng Đức Tổng Giám Mục Alan de Lastic lưu ý rằng những hành động này chỉ do một số người quá khích muốn áp đặt ý thức hệ của họ, một tôn giáo duy nhất cho toàn nước, bằng việc lạm dụng danh nghĩa ‘Ấn Độ giáo’”.

 

Về Phật giáo, một tôn giáo đã bị lợi dụng trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam để tấn công cá nhân Vị Tổng Thống Công Giáo Ngô Đình Diệm nói riêng và khối Công Giáo nói chung. Tình hình bấy giờ căng thẳng đến nỗi, thậm chí sau khi Tổng Thống Diệm đã bị hạ màn rồi mà khối dân Công Giáo các nơi, như người viết được chứng kiến ở Thủ Đức vào năm 1964-1965, vẫn còn phải thành lập những lực lượng tự vệ để phòng hờ thảm kịch Văn Thân tái diễn. Tác giả của bài báo trên đây cũng đã trình bày cho thấy “Những Bí Ẩn Đàng Sau Các Cuộc Thánh Chiến Tại Việt Nam” (nhan đề của cuốn sách được xuất bản năm 1994 ở những trang 461, 466, 464, 466-467, 468-469, 471) này như sau:

 

·        Sau khi trình bày diễn tiến của bốn cuộc thánh chiến do nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung phát động và những bí ẩn đàng sau các cuộc thánh chiến đó, chúng ta nhận thấy những điểm sau đây:

 

“Nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung luôn nói rằng họ chỉ tranh đấu cho quyền tự do và bình đẳng về tôn giáo chứ không nhắm các mục tiêu chính trị. Nhưng nhìn qua các cuộc thánh chiến do nhóm này phát động từ năm 1963 đến nay, chúng ta thấy mục tiêu mà nhóm đưa ra đã thay đổi mỗi khi chuyển từ giai đoạn này qua giai đoạn khác. Dưới thời chính phủ Ngô Đình Diệm, mục tiêu được dựng nên là chống đàn áp Phật Giáo, đòi tự do và bình đẳng tôn giáo. Khi chính phủ Ngô Đình Diệm vừa sụp dổ, mục tiêu quay sang diệt ‘dư đảng Cần Lao’. Tiếp theo là đòi tự do dân chủ, rồi đến đòi bảo vệ Hiến Chương Phật Giáo. Sau khi Công Sản chiếm được miền Nam, mục tiêu lúc đầu là đòi được ‘cải tạo theo chủ nghĩa cộng sản’, để thống nhất Phật Giáo toàn quốc, sau đó biến qua đòi quyền tự do tôn giáo.

 

“Các cuộc khảo sát cho thấy những mục tiêu được nêu trên chỉ là những mục tiêu biểu kiến, những mục tiêu giả định, hay nói đúng hơn, chỉ là những chiêu bài…

 

“Nhìn chung, tuy gọi là bốn cuộc ‘thánh chiến’, nhưng các cuộc chiến này đều nhắm vào mục tiêu chính trị, tôn giáo chỉ là một chiêu bài. Chúng ta hãy nghe cựu Tổng Thống Nixon nói về điều này trong cuốn No More Vietnams (Arbor House, 1985):

 

·        ‘Việc cho rằng có sự đàn áp Phật Giáo là hoàn toàn bịa đặt. Ông Diệm đã cử nhiệm những viên chức cao cấp không căn cứ vào tín ngưỡng của họ. Trong số 18 vị Bộ Trưởng có 5 theo Công Giáo, 5 theo Khổng Giáo, và 8 theo Phật Giáo, kể cả Phó Tổng Thống và Bộ Trưởng Ngoại Giao. Trong 38 Tỉnh Trưởng thì có 12 người theo Công Giáo, 26 người theo Phật Giáo hay Khổng Giáo. Trong 19 tướng lãnh, có 3 theo Công Giáo và 16 theo Cao Đài, Khổng Giáo hay Phật Giáo. Ông Diệm đã miễn nghĩa vụ quân sự cho các tăng sĩ Phật Giáo, trong khi người Công Giáo và các tín đồ khác phải thi hành nghĩa vụ này. Không một Phật tử nào đã bị bắt vì hành đạo và không một bằng chứng đáng tin cậy nào có thể minh chứng ông Diệm đã đàn áp Phật Giáo’ (trang 65)…

 

‘Trong đầu óc của họ, đàng sau cơn biến động là chính trị chứ không phải tôn giáo. Một ít người có tham vọng chính trị đã cạo đầu, mặc áo thày tu và điều khiển cuộc biến động tiến lên theo đúng lịch trình của họ. Lãnh tụ của họ là Thích Trí Quang, họ điều hành công việc từ chùa Xá Lợi ở Saigon…

 

Thích Trí Quang vừa tìm cách lừa đảo thế giới vừa lừa đảo các nạn nhân của ông để đạt tới mục tiêu chính trị cuối cùng của ông. Khi ông Diệm đã nhượng bộ tất cả các mục tiêu hợp lý, Thích Trí Quang lại đưa ra những đòi hỏi không hợp lý để duy trì cuộc biến động tồn tại. Ông ta không quan tâm đến sự đồng thuận mà quan tâm đến sự bất đồng. Một tăng sĩ ở chùa Xá Lợi đã hỏi một ký giả: ‘Cần bao nhiêu người tự thiêu nữa để loại bỏ ông Diệm?’… (trang 65-67)

 

Trong thời gian Liên Hiệp Quốc điều tra những sự cáo buộc ông Diệm, hai thanh niên Phật Giáo được ngăn chặn không cho tự thiêu đã khai Tổng Hội Phật Giáo của Thích Trí Quang đã tuyển mộ họ như thế nào. Cả hai được nghe kể những chuyện kinh khủng về chính phủ Ngô Đình Diệm đốt chùa, đánh đập, tra tấn và mổ bụng moi ruột Phật tử. Một người nói người đi tuyển mộ đã nói cho anh ta biết ‘Hội Phật Giáo hoạt động cho Cộng Sản’ và Hội cần 10 người tình nguyện tự thiêu. Sau khi anh ta tình nguyện, người tuyển mộ nói rằng ‘nhóm phát động tự thiêu sẽ sắp xếp mọi sự’. Công việc này gồm có việc cung cấp cho anh ta một cái áo có tẩm xăng, lái anh ta đến một nơi công cộng, viết cho anh ta những lá thư phản kháng để đưa cho các báo chí đang chờ đợi.

 

‘Người kia từ một tỉnh xa xôi tới đã nói anh ta rất giận dữ khi nghe kể chuyện ông Diệm đã đốt các chùa ở Saigon. Anh ta tình nguyện chết khi anh ta được thuyết phục rằng hành động như vậy anh ta có thể được đầu thai thành Phật. Anh ta được đưa vào thành phố và được cẩn thận dẫn đi những đường không đi ngang qua các chùa để đến nơi tự thiêu. Khi họ đổi lộ trình vì đường bị chặn, anh ta bất chợt gặp một ngôi chùa ở đó các Phật tử đang niệm Phật một cách bình an vô sự. Lúc đó anh ta tự động đến nộp mình cho cảnh sát’ (trang 65-67, 33-38

 

·        “Trong Bạch Thư công bố ngày 31.12.1993, Hòa Thượng Thích Tâm Châu kết luận:

 

‘Sự việc rõ ràng như thiên thanh bạch nhật, mà nhóm tranh đấu của Ấn Quang, được sự hỗ trợ ngầm của Cộng Sản nằm vùng, lải nhải vu khống cho Việt Nam Quốc Tự chia rẽ Giáo Hội…

 

‘Cho đến nỗi những vị Tăng không biết chút gì về việc tranh đấu, việc xây dựng Giáo Hội, cũng như các vị Tăng, Ni, Phật tử ở xa, hay sau này, cũng a dua, hùa theo sự tuyên truyền nhồi sọ của nhóm tranh đấu Ấn Quang và Cộng Sản nằm vùng trong suốt 30 năm nay. Thực tội nghiệp’”.

 

Về Khổng Giáo, việc đụng độ giữa các Nho gia với Thiên Chúa giáo trong thời phong kiến thứ kỷ XVII và XVIII, cũng như dưới triều đại Nhà Nguyễn thế kỷ XIX, đã được nhắc đến ở chương trước, hay tại Triều Tiên vào thế kỷ XVIII cũng đã như được nhắc đến ở trang 200.

 

Đạo lý Kitô giáo, hay Phúc Âm của Chúa Kitô do Giáo Hội Người tuân giữ và truyền dạy cũng vậy, không phải là mục tiêu chống đối cho một số tín đồ của các đạo giáo khác mà thôi, mà còn là mục tiêu chống đối của chính con cái trong lòng Giáo Hội nữa. Không kể 92 lạc giáo trong Giáo Hội qua 20 thế kỷ, cùng với những sai lầm của chủ xướng Cải Cách ở thế kỷ XVI (41 điều), của Hội Kín Tam Điểm (12 điều), của Trào Lưu Cấp Tiến (80 điều) cũng như của Chủ Nghĩa Tân Tiến cận đại (65 điều) v.v. (xin xem chi tiết của tất cả các liệt kê này trong cuốn Giáo Lý Cẩm Nang của Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, Cao- Bùi, 1999), ngày nay, trong hầu hết các văn kiện chính thức của Giáo Hội, trong cả các cuộc họp hoàn vũ của Giáo Hội, như năm Cuộc Thượng Hội Giám Mục Địa Lục, Phi Châu (10/4-8/5/1994), Mỹ Châu (16/11-12/12/1997), Á Châu (19/4-14/5/1998), Đại Dương Châu (21/11-12/12/1998), Âu Châu lần hai (1-23/10/1999), đều nhắc đến tình trạng khô đạo (indifferentism) và tục hóa (secularization), một tình trạng làm cho Kitô hữu sống theo theo tinh thần duy nhân bản (secular humanism), đến nỗi, đòi hỏi Giáo Hội tự bản chất là một mầu nhiệm phải trở nên hợp thời hơn theo thể chế dân chủ như các quốc gia trên thế giới, trong đó, đàn bà cũng có quyền làm linh mục như nam giới.

 

Trong cuộc gặp gỡ Hội Đồng Giám Mục Đức ngày 20/11/1999, dịp ad limina đợt ba của một số các vị sang Rôma, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thẳng thắn nhận định và mạnh mẽ thúc giục các vị chủ chiên địa phương này về những vấn đề căng thẳng nhức nhối ấy:

 

·        “Chúng ta không được quên rằng chính Giáo Hội, một ‘dấu hiệu và dụng cụ hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp nhất toàn thể loài người’, là một mầu nhiệm. Đó là lý do chương đầu tiên của Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân mang tựa đề ‘Mầu Nhiệm Giáo Hội”. Bởi thế, Giáo Hội không thể nào được đổi mới thực sự trừ phi chúng ta bắt đầu từ bản tính mầu nhiệm của Giáo Hội. Điều Công Đồng minh nhiên nói lên ấy đã được Thượng Hội Giám Mục Thế Giới Ngoại Lệ nhóm họp 20 năm sau khi kết thúc công đồng này nhắc lại: ‘Vì Giáo Hội hiệp thông với Thiên Chúa là Cha và Con Thánh Thần mà Giáo Hội, trong Chúa Kitô, là ‘mầu nhiệm’ của tình yêu Thiên Chúa nơi lịch sử loài người’ (Sứ Điệp, II). Sự thật này phải nói lên giáo huấn, thừa tác vụ và hoạt động mục vụ của toàn thể Giáo Hội. Niềm xác tín này cũng là nền tảng của tất cả mọi văn kiện thuộc Huấn Quyền giáo hoàng hậu công đồng, những văn kiện nhắm đến việc bảo trì việc canh tân theo các nhu cầu hiện đại. (đoạn 2)

 

“Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý, Thượng Hội Giám Mục Ngoại Lệ 1985 này đã buộc lòng phải lên tiếng cảnh giác là: các vị Giám Mục tham dự cuộc họp công nhận rằngviệc đọc Công Đồng không trọn vẹn và tùy ý, việc trình bày Giáo Hội một chiều như là một cơ cấu thuần túy làm mất đi tính cách mầu nhiệm của Giáo Hội’, đã đưa đến những thiếu sót trầm trọng, nhất là nơi một số tổ chức giáo dân ‘coi Giáo Hội chỉ là một cơ cấu’ (Văn Kiện Đúc Kết, I, 4). Do đó, nhiều người cho mình có quyền tổ chức Giáo Hội như là một tổ hợp đa quốc và như thế hoàn toàn lệ thuộc vào một thứ quyền bính loài người. Thực ra, Giáo Hội với tính cách mầu nhiệm không phải là ‘của chúng ta’ mà là ‘của Người’, tức Giáo Hội là Dân của Thiên Chúa, là Nhiệm Thể của Chúa Kitô và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. (đoạn 3)

·        “Chúng ta đang ở vào thời điểm cuối của việc sửa soạn cho Cuộc Mừng Long Trọng Năm 2000. Năm nay được dâng kính ngôi thứ nhất trong Ba Ngôi thần linh. Việc suy niệm về Thiên Chúa Ngôi Cha đã đưa Giáo Hội đến chỗ, như Thánh Cyprianô tóm tắt trong một câu nẩy lửa: ‘Ai không có Thiên Chúa là Cha thì người đó cũng không có Giáo Hội là Mẹ’ (De ecclesiae catholicae unitate, 6). (đoạn 4)

 

Con cái nam nữ của Giáo Hội phải đáp lại cảm xúc từ mẫu của Giáo Hội bằng đức tuân phục thật tình. Vào lúc mà ở ngoài xã hội, nhất là ở bên trong Giáo Hội, thường hay nhắc đến việc trưởng thành thì càng ngày càng thấy có một thái độ tỏ ra cho thấy tự do thực sự có thể chiếm được bằng ‘việc cắt cuống rốn tách lìa khỏi Giáo Hội’. Là Giám Mục, Quí Huynh đang cố gắng sửa chữa những khuynh hướng lầm lạc ấy, bằng việc rao giảng một cách rõ ràng và không mập mờ, cũng như bằng việc sống những gì bao giờ cũng là qui luật sống đối với các vị đại thánh, nghĩa là cho dù bản thân các vị có gặp những trường hợp khó khăn, các vị cũng không bao giờ lìa xa lòng Giáo Hội. Tôi xin trở lại với việc so sánh của Thánh Cyprianô với kết luận thế này: chỉ có những ai nghe Mẹ Giáo Hội mới là người tuân phục Thiên Chúa là Cha. Vị Giám Mục Thành Căn-Thạc này đã khai triển tư tưởng ấy bằng việc vạch ra cho thấy những hậu quả trầm trọng vẫn còn có thể xẩy ra từ thời của thánh nhân: “Bất cứ cái gì tách khỏi lòng mẹ thì không thể nào tự mình sống động hay hít thở được, trái lại, nó sẽ bị mất đi cơ hội được cứu độ” (De ecclesiae catholicae unitate, số 23). (đoạn 6)

 

(còn tiếp)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ