GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 12/9/2007

TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

 

?  “Trong việc cử hành Thánh Thể hôm nay, Con Thiên Chúa cũng được ban tặng cho chúng ta”

?  "Thái độ thoái bộ liên quan tới sự thật là cốt lõi cuộc khủng hoảng của Tây Phương, cuộc khủng hoảng của Âu Châu"

?  “Trái đất này sẽ bị hụt hẫng tương lai … khi dung nhan của Thiên Chúa không còn chiếu tỏa trên mặt đất nữa”

 

 

 

?  “Trong việc cử hành Thánh Thể hôm nay, Con Thiên Chúa cũng được ban tặng cho chúng ta”

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Tông Du Áo Quốc 7-9/9/2007: Huấn Từ Truyền Tin sau Thánh Lễ Chúa Nhật 9/9 tại Quảng Trường trước Vương Cung Thánh Đường Thánh Stêphanô

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Thật là một cảm nghiệm đặc biệt tuyệt vời vào buổi sáng hôm nay khi có thể cử hành Ngày của Chúa với tất cả anh chị em một cách xứng đáng và long trọng trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Stêphanô đây. Việc cử hành Thánh Thể, được cử hành một cách xứng đáng, giúp chúng ta hiện thực sự cao cả khôn lường của tặng ân Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Thánh Lễ. Nhờ đó, chúng ta có thể xích lại gần nhau và cảm thấy được niềm vui của Thiên Chúa. Bởi vậy tôi xin cám ơn tất cả những ai, bằng việc chủ động góp phần vào việc sửa soạn cho phụng vụ hay bằng việc ý thức tham dự vào các mầu nhiệm linh thánh, đã tạo nên một bầu không khí làm cho chúng ta thực sự cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Xin chân thành đa tạ và Vergelt’s Gott cho tất cả mọi người!

 

Trong bài giảng của mình, tôi đã muốn nói tới một chút về ý nghĩa của Chúa Nhật và về Phúc Âm hôm nay, và tôi nghĩ rằng điều này dẫn chúng ta đến chỗ nhận thức được rằng tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã phó chính mình vào bàn tay của chúng ta vì phần rỗi của chúng ta, ban cho chúng ta niềm tự do nội tâm để chúng ta sống cuộc đời của mình, để tìm được sự sống chân thực. Việc tham dự của Mẹ Maria vào tình yêu này đã cống hiến  cho Mẹ sức mạnh để thưa “xin vâng” một cách vô tư. Trong việc Mẹ gặp gỡ tình yêu dịu dàng trân trọng của tình yêu Thiên Chúa, Đấng đời chờ sự hợp tác tự do nơi tạo vật của mình để thực hiện dự án cứu độ của Ngài, Đức Trinh Nữ mới có thể thắng vượt được tất cả những e ngại, và trước dự án cao cả chưa từng có ấy, đã phó mình cho bàn tay của Ngài. Bằng việc hoàn toàn sẵn sàng, bằng việc cởi mở và tự do nội tâm,  Mẹ đã để cho Thiên Chúa làm cho Mẹ được tràn đầy yêu thương, tràn đầy Thánh Thần của Ngài. Mẹ Maria, một người đàn bà tầm thường, nhờ đó đã có thể lãnh nhận nơi mình Con Thiên Chúa, và ban cho thế giới Đấng Cứu Độ là Đấng trước tiên đã ban mình cho Mẹ.

 

Trong việc cử hành Thánh Thể hôm nay, Con Thiên Chúa cũng được ban tặng cho chúng ta. Những ai Hiệp Lễ cách đặc biệt, đều mang vị Chúa Phục Sinh này trong bản thân họ. Như Mẹ Maria đã cưu mang Người trong cung dạ của Mẹ thế nào – một con trẻ bé nhỏ bất lực, hoàn toàn lệ thuộc vào tình yêu của Mẹ mình – Chúa Giêsu Kitô cũng thế, dưới hình bánh, cũng phó mình cho chúng ta, hỡi anh chị em thân mến. Chúng ta hãy yêu mến Chúa Giêsu này, Đấng đã hiến mình một cách hết sức trọn vẹn cho bàn tay của chúng ta! Chúng ta hãy mến yêu Người như Mẹ Maria đã yêu mến Người! Và chúng ta hãy mang Người đến cho kẻ khác, như Mẹ Maria đã mang Người đến cho bà Isave như là một mạch nguồn hân hoan vui thú! Vị Trinh Nữ này đã hiến ban cho Lời Thiên Chúa một xác thân loài người, nhờ đó, giúp cho Người có thể đến thế gian như là một con người. Chúng ta hãy hiến dâng thân xác của chúng ta cho Chúa, và hãy để cho thân xác của mình trở nên những dụng cụ trọn vẹn hơn bao giờ hết của tình yêu của Thiên Chúa, trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần! Chúng ta hãy mang Chúa Nhật cùng với tặng ân bao la của Chúa Nhật đến cho thế giới!

 

Chúng ta hãy xin Mẹ Maria dạy cho chúng ta làm sao được tự do nội tâm như Mẹ, để với sự cởi mở trước Thiên Chúa, chúng ta có thể cảm nghiệm thấy được tự do thực sự, sự sống thực sự, niềm vui đích thực và lâu bền.

 

Angelus Domini

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/angelus/2007/documents/hf_ben-xvi_ang_20070909_wien_en.html  

 

 

TOP

 

?    "Thái độ thoái bộ liên quan tới sự thật là cốt lõi cuộc khủng hoảng của Tây Phương, cuộc khủng hoảng của Âu Châu"

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Tông Du Áo Quốc 7-9/9/2007: Bài Giảng Thánh Lễ Mừng 850 Năm Đền Thánh Mariazell Thứ Bảy 8/9

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Bằng cuộc hành hương long trọng tới Mariazell, chúng ta đang cử hảnh lễ quan thày của Đền Thánh này, lễ Sinh Nhật Đức  Mẹ. Qua 850 năm, khách hành hương đã tuốn đến đây từ các dân tộc và quốc gia khác nhau; họ đến để nguyện cầu cho những ý chỉ của họ và cho quê hương của họ, mang theo những niềm hy vọng cùng với những mối quan tâm sâu xa nhất. Như thế, Mariazell đã trở nên  một nơi chốn của hòa bình và của mối hiệp nhất được hòa giải, chẳng những cho Áo quốc, mà còn ở cả bên ngoài biên cường bờ cõi của nó nữa. Ở nơi đây chúng ta cảm nghiệm được sự từ ái êm đềm của Đức Mẹ. Ở nơi đây chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô là Đấng Thiên Chúa ở với chúng ta, như Phúc Âm hôm nay đã nhắc nhở – Chúa Giêsu, Đấng chúng ta vừa nghe thấy trong bài đọc trích từ tiên tri Mica: ‘Chính Người là hòa bình’ (5:4). Hôm nay, chúng ta liên kết với cuộc hành hương kéo dài nhiều thế kỷ. Chúng ta nghỉ ngơi đôi chút với Người Mẹ của Chúa để n guyện cầu cùng Mẹ rằng xin hãy tỏ cho chúng con Chúa Giêsu. Xin hãy tỏ cho thành phần hành hương chúng con Đấng vừa là đường vừa là đích điểm: là sự thật và là sự sống.

 

Đoạn Phúc Âm chúng ta vừa nghe đã mở rộng tầm mắt của chúng ta. Nó cho chúng ta thấy lịch sử của Yến  Duyên từ Abraham trở đi như là một cuộc hành trình, một cuộc hành trình, qua những thăng trầm của nó, những với những bước  đi và lối quẹo của nó, cuối cùng đã dẫn chúng ta tới với Chúa Kitô. Cái gia phả có những nhân vật sáng và tối, những thành công và thất bại của nó, cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa có thể viết một cách ngay ngắn trên những giòng lịch sử quanh co khúc khuỷu của chúng ta. Thiên Chúa đã để cho chúng ta được tự do, tuy nhiên, nơi những thất bại của chúng ta, bao giờ Ngài cũng thấy được những bước đường mới cho tình yêu thương của Ngài. Thiên Chúa không thất bại. Bởi thế, cái giả phả này là một thứ bảo đảm cho lòng trung thành của Thiên Chúa; một bảo đảm là Thiên Chúa không để cho chúng ta sa ngã, và là một lời mời gọi hãy hướng cuộc sống của chúng ta về Ngài một cách mới mẻ, hãy bước đi một cách mới mẻ đến với Chúa Giêsu Kitô.  

 

Thực hiện một cuộc hành trình có nghĩa là bắt đầu theo một chiều hướng đặc biệt, tiến tới một đích điểm nào đó. Điều này cống hiến vẻ đẹp của nó thậm chí cho cuộc hành trình ấy cũng như cho việc nỗ lực kèm theo. Trong số những con người hành trình thuộc gia phả của Chúa Giêsu có nhiều con người đã quên mất đích nhắm và muốn  biến mình trở thành đích điểm. Tuy nhiên, Chúa vẫn cứ kêu gọi con người khát vọng cái đích điểm thu hút họ tiến tới, con người hướng cả đời sống mình về đó. Việc thức tỉnh của niềm tin Kitô Giáo, việc hiện tỏ Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô là những gì trở thành khả dĩ, vì có những con người trong dân Yến Duyên đã có lòng tìm kiếm – những con người không thỏa mãn với tập tục nên hướng tới phía trước, tìm kiếm một cái gì đó cao cả hơn, như Zechariah, Elizabeth, Simeon, Anna, Mary và Joseph, 12 Tông Đồ và nhiều người khác. Vì tâm can của họ đã trông đợi mà họ đã có thể nhận ra nơi Chúa Giêsu Đấng được Thiên Chúa sai đến, nhờ đó họ có thể trở thành khởi điểm của gia đình hoàn vũ của Người. Giáo Hội của thành phần Chư Dân Ngoại đã trở thành khả dĩ, vì ở miền Địa Trung Hải và ở những phần đất ấy của Á Châu là nơi những vị sứ giả của Chúa Giêsu đã hành trình tới, có những con người mong đợi không thỏa mãn với những gì được mọi người quanh họ đang làm và đang nghỉ tưởng, nên họ tìm kiếm ngôi sao có thể chỉ cho họ con đường tiến tới với chính Chân Lý, tới vị Thiên Chúa hằng sống.

 

Chúng ta cũng cần có một tấm lòng cởi mở và bồn chồn như của họ. Đó là tất cả ý nghĩa của việc hành hương. Ngày nay cũng như trong quá khứ, việc không nhiều thì ít giống như mọi người khác và nghĩ như mọi người khác chưa đủ. Đời sống của chúng ta cần phải có một mục đích sâu xa hơn. Chúng ta cần Thiên Chúa, Vị Thiên Chúa đã tỏ dung nhan của Ngài cho chúng ta và mở lòng ra cho chúng ta đó là Chúa Giêsu Kitô. Thánh Gioan đã có lý nói về Người rằng Người là Thiên Chúa và ở ngay trong lòng Cha (x Jn 1:18); bởi thế chỉ có Người, từ thẳm cung nơi chính Thiên Chúa, mới có thể mạc  khải Thiên Chúa ra cho chúng ta thôi – tỏ cho chúng ta thấy chúng ta là ai, chúng ta từ đâu tới và chúng ta sẽ đi về đâu. Thật sự có nhiều nhân vật cao cả trong lịch sử đã có những cảm nghiệm tuyệt vời và cảm kích về Thiên Chúa. Tuy nhiên, những cảm nghiệm này dầu sao vẫn là cảm nghiệm loài người, bởi đó hữu hạn. Chỉ có NGƯỜI là Thiên Chúa nên chỉ có NGÀI là chiếc cầu nối thực sự mang Thiên Chúa và con người lại với nhau. Bởi vậy, nếu Kitô hữu chúng ta gọi Người là Vị Trung Gian chung duy nhất của ơn cứu độ, xứng hợp với mọi người và tuyệt đối cần cho mọi người, thì điều này không có nghĩa là chúng ta coi thường các tôn giáo khác, hay chúng ta ngạo mạn tuyệt đối hóa tư tưởng của mình; trái lại, nó có nghĩa là chúng ta được Người nắm bắt, Đấng đã chạm đến lòng của chúng ta và đã tuôn đổ các tặng ân xuống trên chúng ta, nhờ đó, về phần mình, chúng ta có thể cống hiến những tặng ân cho người khác. Thật vậy, đức tin của chúng ta hoàn toàn ngược lại với thái độ thoái bộ cho rằng con người bất khả đối với sự thật – như thể đó là những gì vượt quá tầm tay với của họ. Thái độ thoái bộ liên quan tới sự thật này, tôi tin rằng, là cốt lõi cuộc khủng hoảng của Tây Phương, cuộc khủng hoảng của Âu Châu. Nếu sự thật không hiện hữu đối với con người thì cuối cùng họ đi đến chỗ không thể phân biệt  được giữa lành và dữ. Để rồi, những khám phá lớn lao và tuyệt diệu của khoa học trở thành con dao hai lưỡi, ở chỗ, chúng có thể cống hiến những cơ hội quan trọng cho sự thiện, cho lợi ích của nhân loại, nhưng đồng thời, như chúng ta thấy quá rõ ràng, chúng có thể gây ra một thứ đe dọa kinh hoàng, bao gồm việc hủy diệt con người và thế giới. Chúng ta cần sự thật. Tuy nhiên, phải công nhận là, theo chiều hướng lịch sử của mình, chúng ta cảm thấy lo sợ rằng niềm tin tưởng vào sự thật có thể bao gồm cả việc khoan dung. Nếu chúng ta bị nỗi hãi sợ này cầm giữ, một nỗi sợ hãi hằn sâu trong lịch sử, thì đã tới lúc chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu như chúng ta thấy Người nơi đền thánh ở Mariazell. Chúng ta thấy Người ở đây qua hai hình ảnh: như là một con trẻ trong tay Mẹ của Người, và ở bên trên bàn thờ của Đền Thờ như là một Đấng Tử Giá. Hai hình ảnh này ở Đền Thờ đây nói với chúng ta thế này: sự thật thắng thế không phải bằng quyền lực bên ngoài, nhưng là những gì khiêm hạ và nhường bước cho con người bằng nguyên quyền lực chân thực nội tại của nó. Chân lý tỏ mình ra nơi tình yêu. Nó không bao giờ là sở hữu của chúng ta, không bao giờ là sản phẩm của chúng ta, vì tình yêu không bao giờ trở thành một cái gì có thể được sản xuất, mà chỉ được lãnh nhận và trao ban như là một tặng ân thôi. Chúng ta cần cái quyền lực nội tại này của chân lý. Là Kitô hữu, chúng ta tin tưởng vào quyền  lực này của chân lý. Chúng ta là chúng nhân của nó. Chúng ta cần phải trao ban nó như là một tặng ân cùng một cách chúng ta lãnh nhận nó, như nó đã ban mình cho chúng ta.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2007/documents/hf_ben-xvi_hom_20070908_mariazell_en.html

 

(xin xem tiếp dưới đây)

 

TOP

 

? “Trái đất này sẽ bị hụt hẫng tương lai … khi dung nhan của Thiên Chúa không còn chiếu tỏa trên mặt đất nữa”

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Tông Du Áo Quốc 7-9/9/2007: Bài Giảng Thánh Lễ Mừng 850 Năm Đền Thánh Mariazell Thứ Bảy 8/9

 

“Nhìn lên Chúa Kitô” là câu tâm niệm của ngày hôm nay. Vì kẻ nào đang tìm kiếm thì câu tâm niệm này tiếp tục biến thành một lời cầu khẩn bộc phát, một lời khẩn cầu được đặc biệt ngỏ cùng Mẹ Maria, Vị đã ban cho chúng ta Chúa Kitô Con Mẹ: “Xin tỏ Chúa Giêsu cho chúng con!” Chúng ta hãy hết lòng dâng lời nguyện cầu này hôm nay; chúng ta hãy làm cho lời nguyện cầu này vượt lên trên và bên ngoài giây phút hiện tại đây, khi nội tâm chúng ta tìm kiếm Dung Nhan của Đấng Cứu Chuộc. “Hãy tỏ cho chúng con Chúa Giêsu!” Mẹ Maria đáp ứng, khi tỏ Người cho chúng ta ở trường hợp đầu tiên như là một con trẻ. Thiên Chúa đã biến mình thành nhỏ bé đối với chúng ta. Thiên Chúa đã đến không phải bằng quyền năng bên ngoài, mà bằng nỗi bất lực của tình Người yêu thương là nơi chất chứa sức mạnh thực sự của Người. Người đặt mình trong bàn tay của chúng ta. Người xin tình yêu của chúng ta. Người mời chúng ta hãy biến mình thành nhỏ bé, hãy rời bỏ những ngai tòa cao của mình và hãy học trở nên  như trẻ n hỏ trước nhan Thiên Chúa. Người nói với chúng ta một cách bình dân. Người xin chúng ta hãy tin tưởng Người để biết sống trong chân lý và yêu thương. Con trẻ Giêsu tự nhiên cũng nhắc nhở chúng ta về tất cả mọi con trẻ trên thế giới này, nơi chúng Người muốn đến với chúng ta. Những trẻ em sống trong nghèo khổ; những trẻ em bị khai thác làm lính tráng; những trẻ em không bao giờ cảm nghiệm thấy tình yêu của mẹ cha; những trẻ em bệnh nạn và khổ đau cũng như những trẻ em vui tươi và làn h mạnh. Âu Châu đã trở thành một con trẻ nghèo nàn, ở chỗ, chúng tôi muốn hết mọi sự cho bản thân mình và ít tin tưởng vào tương lai. Tuy nhiên, trái đất này sẽ bị hụt hẫng tương lai chỉ khi nào những quyền  lực  của tâm can con người và của lý trí được con tim soi dẫn bị tắt lịm đi – khi dung nhan của Thiên Chúa không còn chiếu tỏa trên mặt đất nữa. Thiên Chúa ở đâu thì tương lai ở đó.

 

“Hãy nhìn lên Chúa Kitô”: giờ đây chúng ta hãy nhìn một chút xíu vào Chúa Kitô Tử Giá ở bên trên bàn thờ. Thiên Chúa đã cứu thế giới không phải bằng gươm giáo mà là bằng Thập Giá. Khi chết đi, Chúa Giêsu giang hai cánh tay của Người ra. Trước hết, đây là cử chỉ của Cuộc Khổ Nạn, một cuộc khổ nạn Người để mình bị đóng đanh vào Thập Giá vì chúng ta, để ban cho chúng ta sự sống của Người. Tuy nhiên, những cánh tay giang ra đó cũng là cử chỉ của một con người đang nguyện cầu, một tư thế của vị linh mục khi giang tay của mình ra kđể nguyện cầu: Chúa Giêsu đã biến đổi Cuộc Khổ Nạn, nỗi khổ đau và cái chết của Người, thành việc nguyện cầu, nhờ đó Người đã biến đổi nó thành một tác động yêu thương đối với Thiên Chúa và nhân loại. Sau cùng, đó là lý do tại sao những cánh tay giang rộng của Đấng Tử Giá còn là một cử chỉ ôm ấp, nhờ đó Người kèo chúng ta lại với Người, muốn ấp ủ chúng ta trong bàn tay yêu thương của Người. Bởi thế, Người là một hình ảnh của Vị Thiên Chúa hằng sống, Người là chính Thiên Chúa, và chúng ta có thể phó mình cho Người.

 

“Hãy nhìn lên Chúa Kitô!” Nếu chúng ta làm điều này, chúng ta nhận ra rằng Kitô Giáo còn hơn là và không phải là một thứ qui tắc về luân lý, một chuỗi đòi hỏi và lề luật. Nó là tặng ân bằng hữu tồn tại qua cả sự sống và sự chết: “Thày không còn gọi các con là tôi tớ n ữa mà là bạn hữu” (Jn 15:15), Chúa Kitô đã nói với các môn đệ của Người như thế. Chúng ta hãy phó mình cho tình thân hữu này. Tuy nhiên chính vì Kitô Giáo còn hơn là một hệ thống về luân lý, vì nó là tặng ân bằng hữu, mà nó cũng chất chứa nơi nó quyền lực luân lý mãnh liệt, một quyền lực rất cần thiết ngày nay đối với những thách đố của thời đại chúng ta. Nếu cùng với Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội của Người, chúng ta liên lỉ lập lại 10 Điều Răn ở Núi Sinai, đi sâu vào ý nghĩa của chúng, chúng ta sẽ thấy được một thứ giáo huấn cao cả, hiệu lực và tồn tại. Mười Điều Răn là một tiếng “xin vâng” trước hết và trên hết ngỏ cùng Thiên Chúa, cùng một Vị Thiên Chúa yêu thương chúng ta và dẫn dắt chúng ta, Đấng ôm ẵm chúng ta song để cho chúng ta được quyền tự do: thật vậy, chính Ngài làm cho tự do của chúng ta nên  đích thực (3 điều răn đầu). Nó là một tiếng “xin vâng” với gia đình (điều răn thứ tư), một tiếng “xin vâng” với sự sống (điều răn thứ 5), một tiếng “xin vâng” với tinh yêu trách nhiệm (điều răn thứ 6), một tiếng “xin vâng” với tình đoàn kết, với trách nhiệm xã hội và với công lý (điều răn thứ 7), một tiếng “xin vâng” với sự thật (điều răn thứ 8), và một tiếng “xin vâng” với việc tôn trọng người khác và những gì thuộc về họ (điều răn thứ 9 và 10). Nhờ sức mạnh của tình nghĩa giữa chúng ta với Vị Thiên Chúa hằng sống mà chúng ta sống tiếng “xin vâng” đa diện  này và đồng thời chúng ta thi hành nó như là một dấu hiệu chỉ đường trong thế giới của chúng ta hôm nay đây.

 

“Hãy chỉ cho chúng con Chúa Giêsu!” Với lời khẩn cầu này ngỏ cùng Người Mẹ của Chúa Kitô chúng ta khởi hành cuộc hành trình của chúng ta nơi đây. Cũng lời khẩn cầu này sẽ  đồng hành với chúng ta khi chúng ta trở về với cuộc sống hằng ngày của mình. Chúng ta biết rằng Mẹ Maria lắng nghe lời nguyện cầu của chúng ta: phải, bất cứ khi nào chúng ta hướng về Mẹ Maria, thì Mẹ tỏ Chúa Giêsu cho chúng ta. Nhờ đó, chúng ta mới thấy được đường ngay nẻo chính, chúng ta có thể từng bước đi trên  con đường này, tràn đầy tin tưởng là con đường ấy dẫn vào ánh sáng – vào niềm vui của Tình yêu hằng hữu. Amen.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2007/documents/hf_ben-xvi_hom_20070908_mariazell_en.html

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ