GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ BẢY 1/9/2007 TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN |
? Sứ Điệp Fatima - Linh Đạo Thánh Mẫu: giai đoạn tu đức thứ nhất khởi sinh
? Sứ Điệp Fatima - Linh Đạo Thánh Mẫu: giai đoạn tu đức thứ hai tiến sinh
? Sứ Điệp Fatima - Linh Đạo Thánh Mẫu: giai đoạn tu đức thứ ba thần hiệp
Sứ Điệp Fatima - Linh Đạo Thánh Mẫu: "Tột đỉnh của đời sống Kitô hữu trên đời này là được nên một với Chúa Kitô"
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
M |
ục đích của đời sống con người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Ngài đó là được vĩnh viễn hiệp thông với Thiên Chúa. Bởi thế, tột đỉnh của đời sống Kitô hữu trên đời này là được nên một với Chúa Kitô, Đấng đã tái sinh con người bởi nước và Thần Linh nơi Bí Tích Rửa Tội (xem John 3:5).
Thật ra, khi lãnh nhận Phép Rửa là người Kitô hữu đã được nên một với Chúa Kitô rồi. Vì họ được sống sự sống thần linh của Người, được thông phần bản tính thần linh với Người, được trở nên con cái Thiên Chúa như Người, (tất nhiên thân phận làm con cái Thiên Chúa của chúng ta là “thân phận dưỡng tử” - Gal 4:5 - chứ không như Người “là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa”, “ngang hàng với Thiên Chúa” – Phil 2:6), nên chính chi thể của Chúa Kitô và nên đền thờ của Chúa Thánh Thần.
Tuy được thánh hóa, được ơn nghĩa với Chúa, nhờ Phép Rửa như thế, con người vẫn sống với bản tính đầy yếu đuối đã bị hư hoại bởi nguyên tội của mình. Do đó, Kitô hữu vẫn có thể làm mất đi hay giảm bớt mối hiệp thông thần linh này, bằng tội trọng, tội nhẹ hay lầm lỗi, dù là vô tình. Đó là lý do đời sống Kitô hữu là một hành trình tu đức liên lỉ của việc hoán cải nội tâm, tức là một cuộc hành trình hướng về chính Thiên Chúa, cho đến khi được hoàn toàn kết hiệp với Ngài trong Chúa Giêsu Kitô, hay cho đến độ đạt đến tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô là Đầu (x Eph 4:13,15), Đấng sống trong họ (xem Jn 17:23; Gal 2:20), chứ không phải chỉ thụ động ở trong họ. Nhờ đó, nhờ được hiệp thông sâu xa với Người họ có thể yêu nhau như Thày yêu (xem Jn 13:34, 15:12), bằng chính nhựa thần linh của Cây Nho (x Jn 15:5). Và bởi đó, bởi được Chúa Kitô làm chủ, họ mới xứng đáng trở thành chứng nhân trung thực và sống động của Người và cho Người, theo đúng ơn gọi và sứ vụ của người Kitô hữu, thành phần môn đệ đích thực được Người tuyển chọn để ở với Người và ra đi sinh hoa kết trái thần linh (x Mk 3:14-15; Jn 15:16).
Việc kết hiệp với Chúa Kitô được thực hiện chẳng những bởi yếu tố chính yếu là Thánh Sủng, tức bởi tình yêu của Thiên Chúa, bởi Thánh Linh ngự trong linh hồn, mà còn bởi cả một yếu tố bất khả thiếu nữa là chính ý muốn đầy tin cậy mến của con người, chứ không phải bởi cảm giác cảm tình, hay thậm chí bởi cả lý trí đầy khôn ngoan sáng suốt của họ theo kiểu khôn như rắn mà không chân thật như bồ câu (x Lk 10:21; Mt 10:16).
Đúng thế, “Thiên Chúa là Thần Linh, những ai tôn thờ Ngài đều phải tôn thờ trong Thần Linh và chân lý” (Jn 4:24), tức phải sống chẳng những theo Thần Linh là “Thần Chân Lý” (x Jn 16:13), “Đấng thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu nhiệm nơi Thiên Chúa” (1Cor 2:10), mà còn phải sống bằng ý muốn cởi mở trước và đáp ứng lại tất cả mọi tác động thần linh ở mọi nơi và trong mọi lúc. Bằng không, linh hồn, dù tốt lành mấy đi nữa, ngay lành mấy chăng nữa, cũng liều mình sống theo xác thịt, không thể đẹp lòng Ngài (x Rm 8:4-9). Điển hình là trường hợp của vị trưởng tông đồ đoàn Phêrô, vị vừa được Thày hứa sẽ sử dụng như Đá để xây Giáo Hội của Người và trao chìa khóa Nước Trời cho, lại bị Người nguyền rủa thậm tệ, chỉ vì yêu mến quan tâm cho Thày theo kiểu thế gian chứ không theo chiều hướng của Thiên Chúa (x Mt 16:21-23).
Đó là lý do, Chúa Kitô, sau khi đã nặng lời khiển trách Thánh Phêrô là người môn đệ hết sức chân thành tỏ ra quan tâm đến tình trạng sinh tồn của Người, đã khẳng định và dứt khoát với thành phần muốn theo Người rằng: “Ai muốn theo Thày thì họ phải từ bỏ chính bản thân mình và vác thập giá của mình mà bắt đầu theo Thày” (Mt 16:24).
(xin xem tiếp dưới đây)
? Sứ Điệp Fatima - Linh Đạo Thánh Mẫu: “Thành phần tôn thờ đích thực là thành phần tôn thờ Cha trong Thần Linh và chân lý”
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Thực tế quả cho thấy, ý muốn của con người tự nhiên luôn có những khuynh hướng, thái độ, hành động và phản ứng chẳng những sợ sệt và tránh né ý muốn của Thiên Chúa, (điển hình là trường hợp nhất định không dám hay không chịu nhận lỗi bởi sợ phải sửa lỗi, phải bỏ cái mình yêu thích như sự sống của mình), mà thậm chí còn phản nghịch và chống cự lại với ý muốn của Thiên Chúa nữa, (mỗi khi thấy bất lợi cho mình).
Cái mâu thuẫn ở đây là, để an tâm, chúng ta luôn tìm hiểu xem đâu là Thánh Ý Chúa, thế nhưng, khi biết được ý của Ngài rồi, chúng ta lại không dám làm, lại phũ phàng chối bỏ, cho rằng không phải là ý Chúa, chỉ vì không hợp với ý của mình, bất lợi cho mình. Đó là trường hợp của dân Do Thái xưa, những người rất muốn biết Chúa Giêsu là ai, từ đâu đến, có phải thực sự là Đấng Thiên Sai họ trông chờ hay chăng (x Jn 10:24; Mk 11:28-33), song họ đã chẳng những phủ nhận Người mà còn sát hại Người nữa, ngay khi Người chính thức tỏ tất cả sự thật về Người ra cho họ, đến nỗi, Người đã báo trước cho họ biết rằng: “Các người sẽ tìm Tôi, song các người sẽ chết trong tội lỗi của mình” (Jn 8:21, 24). Họ đã không “chết trong tội lỗi của mình” là gì, khi Chúa Giêsu vừa tỏ mình ra cho họ trước Hội Đồng Đầu Mục Do Thái trong cuộc Khổ Nạn của Người, thì họ đã xé áo mình ra đòi giết chết Người (x Mt 26:63-66; Lk 66:71).
Cho dù con người có sợ Chúa, sợ làm theo ý Chúa, vì không biết ý của Ngài, hay sợ không muốn biết, hoặc tìm biết mà không muốn làm theo, Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình ra cho họ. Thậm chí, chính vì họ còn “ngồi trong tối tăm và bóng tử thần” (x Lk 2:79) như thế mà họ mới cần đến Ngài, mới cần đến “ánh sáng thế gian… ánh sáng sự sống” (Jn 8:12). Điển hình nhất là trường hợp của người phụ nữ Samaritano ngoại lai, đã từng sống với 6 đời chồng, đến kín nước ở giếng Giacóp vào giờ trưa nắng vắng người như để lánh mặt mọi người ấy, vẫn được Chúa quan tâm như con chiên thứ 100, và Người đã chủ ý đón gặp chị một cách riêng tư, để tỏ mình ra cho riêng chị, để rồi, nhờ cuộc hội ngộ thần linh bất ngờ này, cho dù còn đang sống trong tội lỗi, chị cũng đã trở thành thừa sai của Người và cho Người, khi chị loan truyền về Người và mang dân làng của chị ra gặp gỡ Đấng mà nhờ Người một mạch nước Thần Linh đã thực sự vọt lên từ lòng chị (x Jn 4:6-7, 14-20, 28-30).
Phải, kinh nghiệm tu đức cũng cho thấy rõ đường lối tỏ mình này, đường lối mạc khải và chiếu soi này của Thiên Chúa nơi Con Ngài là “ánh sáng đã chiếu trong tăm tối” (Jn 1:5), Chúa phải kêu gọi Kitô hữu chúng ta trước, bằng những ơn đánh động hay ơn an ủi, nhờ đó chúng ta có thể dễ dàng từ bỏ mình mà theo Chúa. Đó là lý do Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Người trong Bữa Tiệc Ly rằng: “Không phải các con đã chọn Thày, song Thày đã chọn các con” (Jn 15:16), và đó còn là cảm nghiệm thần linh được vị Tông Đồ được Chúa Giêsu thương chia sẻ: “Tình yêu là như thế này, không phải là chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa mà là Ngài đã yêu thương chúng ta” (1Jn 4:10), bởi thế, “về phần mình, chúng ta mến yêu vì Ngài đã yêu thương chúng ta trước” (1Jn 4:19).
Thật thế, Thiên Chúa đã không “chọn” chúng ta hay sao, đã không “yêu chúng ta trước” hay sao, trong khi chúng ta chưa biết Ngài, thậm chí còn là kẻ thù của Ngài, còn là thành phần tội nhân đáng bị muôn đời trừng phạt, thì Ngài đã yêu thương chúng ta rồi: “Thiên Chúa đã chứng tỏ tình Ngài yêu thương chúng ta ở chỗ đang khi chúng ta còn là những tội nhân thì Chúa Kitô đã chết cho chúng ta” (Rm 5:8), đến nỗi, “Ngài đã không dung tha cho Con mình, song phú nạp Người vì tất cả chúng ta” (Rm 8:32).
Trong trường hợp của Kitô hữu, thành phần đã được Chúa ở cùng, khi lãnh nhận Phép Rửa, thì Thiên Chúa tỏ mình ra cho họ từ bên trong. Thánh Sủng được ban cho họ qua Bí Tích Rửa Tội, ở nơi họ, như một hạt cải nhỏ bé nhất trong các thứ hạt (x Mt 13:31-32), nhỏ nhất vì nó chính là hạt giống mạc khải thần linh, cần phải có đức tin mới thấy được, một hạt giống mạc khải thần linh sẽ từ từ nẩy mầm và lớn lên trong họ bằng chính quyền lực của mình, chứ không phải của chủ thể Kitô hữu. Tuy nhiên, hạt giống mạc khải thần linh này cần một mảnh đất tốt để triển nở là tâm hồn “như trẻ nhỏ“ (x Mt 18:3) của Kitô hữu, cho đến khi nó đạt đến tầm vóc trọn vẹn của mình là Chúa Giêsu Kitô. Tức cho tới khi Chúa Kitô hoàn toàn làm chủ và sống động nơi Kitô hữu, nhờ đó và cho tới khi đó, tất cả mọi lời Kitô hữu nói và việc họ làm mới tạo nên được một tác dụng thần linh và có một giá trị cứu độ hiệu nghiệm hơn bao giờ hết.
Về cách thức Chúa bắt đầu “tỏ tình” với linh hồn, bắt đầu thỏ thẻ hết sức êm ái trong tâm hồn của người Kitô hữu, theo kinh nghiệm tu đức, Chúa thường ban ơn an ủi cho họ, như thể Người muốn thu hút họ và lôi kéo họ đến cùng Người. Những ơn an ủi này thường xẩy ra vào những cuộc tĩnh tâm, hay những thuở ban đầu mới theo Chúa trong cuộc sống tu trì, hoặc khi mới lãnh chức thánh v.v. Tuy nhiên, để linh hồn có thể tiến tới chỗ được Chúa bắt đầu cho cảm thấy “ham” Chúa, “phải lòng” Chúa, có trường hợp Người đã phải giang thẳng cánh tay uy quyền của Người ra, như đã thực hiện trong cuộc Xuất Hành của Dân Yến Duyên ra khỏi tình trạng làm tôi Ai Cập, hay với chàng thanh niên Pharisiêu tên Saulê, một con người hết sức nhiệt thành với Lề Luật Moisen, đang hung hăng trên đoạn đường Đamascô để bắt bớ thành phần môn đệ tiên khởi của Chúa Kitô (x Acts 9:1-9). Đó là lý do, có những tâm hồn bắt đầu dứt khoát theo Chúa chỉ sau khi bị thất tình, sau khi vĩnh viễn mất đi những gì thân yêu nhất trên đời của mình v.v.
Về phần mình, sau khi cảm thấy Chúa quá ư dịu ngọt và dễ thương, linh hồn bắt đầu tìm Chúa qua việc sốt sắng kinh nguyện và chịu khó hy sinh hãm mình, thậm chí bấy giờ họ còn dám tử đạo nếu cần, chứng tỏ linh hồn họ hết sức khao khát thần linh. Ngoài ơn an ủi dồi dào chất ngất liên quan tới cảm tình của con người, họ còn được nhiều ơn soi sáng đặc biệt, liên quan tới trí khôn của họ nữa, để nhờ đó họ có thể hiểu được những gì họ chưa từng biết, những gì “mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe” (1Cor 2:9) như thể họ được mang lên tới tầng trời thứ ba của vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô (2Cor 12:2).
Trong giai đoạn tu đức thứ hai hướng về nội tâm này, linh hồn xem ra ít phạm tội hơn trước. Thế nhưng, tình trạng dường như “công chính” này có được là do ơn an ủi của Chúa. Nếu mất đi ơn an ủi, linh hồn sẽ trở về với nguyên thực trạng của mình, vẫn có thể dễ dàng phạm tội mất lòng Chúa như thường, thậm chí hơn thường. Vì các mầm mống tội lỗi là đam mê nhục dục cùng với đủ mọi tính hư nết xấu vẫn còn đó, vẫn chờ dịp là vùng dậy, nhiều khi còn dữ dội hơn trước nữa. Chúa Giêsu đã chẳng nói tới tình trạng này hay sao (?), nơi dụ ngôn (x. Mt 12:43-45) về một căn nhà đã được dọn dẹp sạch sẽ (có thể hiểu là tâm trạng sốt sắng một thời), nhưng sau đó lại bị thần ô uế (có thể hiểu là tính mê nết xấu và đam mê nhục dục) trở về với 7 tên quỉ khác (có thể hiểu là bảy mối tội đầu) còn dữ hơn nó nữa tàn phá, để rồi trở nên khốn nạn hơn trước, sau khi thần ô uế xuất ra khỏi căn nhà ấy, đi lang thang trong hoang địa, không tìm thấy nơi cư trú (có thể hiểu là tâm trạng khô khan).
Tuy nhiên, ngay trong khi sốt sắng, trong khi làm được những việc có thể được xếp vào hạng nhân đức anh hùng, linh hồn dù ít phạm tội hơn trước đó song lại mắc phải một tâm trạng lưỡng diện rất nguy hiểm, phản với yếu tính của sự thánh thiện. Tâm trạng nguy hiểm lưỡng diện này đó là tâm trạng ảo tưởng về mình và về Chúa.
Tâm trạng ảo tưởng về mình là tâm trạng tự cao tự đại, khi thấy mình sốt sắng và đạo đức tốt lành, đến độ khinh khi người khác, nhất là những người tội lỗi, như trường hợp của người Pharisiêu lên đền thờ cầu nguyện đã tự cho mình là công chính trước mặt Chúa rồi tỏ ra khinh bỉ người thuê thuế tội lỗi vậy (Lk 18:9-14). Chưa hết, cũng chính tâm trạng ảo tưởng về mình này, ngược lại, còn làm cho họ khinh thường cả những ai có vẻ đạo đức thánh thiện hơn họ nữa, như thành phần kinh sư Pharisiêu đối với vị Sư Phụ Giêsu được dân chúng cảm phục và mến chuộng hơn họ.
Tâm trạng ảo tưởng về Chúa là tâm trạng có mầu sắc ngẫu tượng của linh hồn và nơi linh hồn, cho Chúa là những gì họ cảm thấy được và nghĩ ra được, một tâm trạng làm như họ thực sự nắm bắt được Chúa trong tay, thế mà vẫn chưa thấu triệt được Người, giống như một tông đồ Phêrô ở trên Núi Biến Hình Tabor với Chúa, nói mà không biết rằng mình nói gì (x Mk 9:6). Ở giai đoạn này, họ thích đọc kinh nguyện đấy, nhưng việc cầu nguyện của họ có tính cách lải nhải nhiều lời (x Mt 6:7) hơn là lắng nghe, hơn là đối thoại theo đúng bản chất của việc nguyện cầu. Họ cần phải đọc đủ kinh này kinh kia, thầm thĩ và than thở đủ những câu này câu nọ mới yên trí. Đối với Chúa của họ bấy giờ, họ là một Matta chủ nhà lo lắng nhiều chuyện để tiếp khách, hơn là một Maria để Chúa chủ sự và coi Người như bạn chứ không phải khách khứa, ở chỗ thảnh thơi ngồi im lắng nghe Lời Chúa và thân tình trao đổi tâm sự với Người (x Lk 10:39,41-42).
Chính vì “thành phần tôn thờ đích thực là thành phần tôn thờ Cha trong Thần Linh và chân lý” (Jn 4:23) mà linh hồn đang ở trong giai đoạn tu đức thứ hai, giai đoạn đi sâu vào nội tâm với đầy những ảo tưởng như thế, mà họ cần phải được “Thần Chân Lý … vào tất cả sự thật” (Jn 16:13). Bằng không, họ sẽ không bao giờ có được một cảm nghiệm thần linh và đạt tới cuộc hiệp thông thần linh là giai đoạn tu đức thứ ba, giai đoạn tu đức cao nhất, giai đoạn tu đức được gọi là thần hiệp, hiệp nhất giữa Thiên Chúa và linh hồn, đến độ “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Nghĩa là tới độ con người không sống cho mình nữa mà là cho Thiên Chúa (x Gal 2:20), được thể hiện qua ý muốn của họ hoàn toàn thuận phục ý muốn của Chúa, vì họ chẳng muốn gì hơn Người, Đấng duy nhất và trên hết được họ yêu mến hết lòng muốn, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực (x Mk 12:30). Kết quả đó là mọi việc họ làm đều có tính cách và tác dụng thần linh, vì Thiên Chúa thực hiện ý muốn của Ngài nơi họ và qua họ. Đến độ họ có thể làm được của Chúa, như Chúa, thậm chí “còn hơn thế nữa” (xem John 12:12).
Và chính vì lòng muốn của con người là yếu tố chủ chốt cho cuộc hiệp thông thần linh ở giai đoạn tu đức thần hiệp mà Thần Chân Lý sẽ thanh tẩy nó cho khỏi mọi dính bén và tì vết trần tục, dù là nhỏ mọn mấy đi nữa, nếu không hoàn toàn phản ảnh thần linh, để nó được hoàn toàn siêu thoát và xứng đáng hiệp thông thần linh, hiệp thông với vị Thiên Chúa chân thật duy nhất vô cùng toàn thiện và khả ái.
(xin xem tiếp dưới đây)
? Sứ Điệp Fatima - Linh Đạo Thánh Mẫu: giai đoạn tu đức thứ ba thần hiệp
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Đó là lý do, theo tiến trình tu đức, để tiến từ giai đoạn tu đức thứ nhất là từ bỏ tội lỗi cùng với những tính hư nết xấu có tính cách tiêu cực không thể quyến luyến hay luyến tiếc ấy, ngoài vị Thiên Chúa chân thật duy nhất tối cao, và giai đoạn tu đức thứ hai là giai đoạn đi vào nội tâm, giai đoạn linh hồn cảm thấy khao khát thần linh, đến giai đoạn kết hiệp với Chúa, linh hồn thường phải trải qua một cuộc thử thách đức tin gọi là đêm tối tăm, để họ hoàn toàn thoát ly tất cả những gì không phải là Chúa, nhờ đó họ mới được Chúa chiếm đoạt, biến họ thành chứng nhân cho tình yêu toàn hảo của Người, vì Người sống trong họ. Ở vào bậc tu đức thứ ba thần hiệp, linh hồn sẽ nói năng và hành động như Chúa Kitô, với tinh thần “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11:29), “đến không phải để phục vụ mà là phục vụ, để hiến mạng sống mình cho nhiều người” (Mt 20:28).
Ở vào giai đoạn tu đức thứ ba thần hiệp này, linh hồn cảm thấy khao khát Thiên Chúa thực sự, một khát khao không phải vì được hoan hưởng dồi dào ơn an ủi, đến nỗi linh hồn khao khát ơn an ủi hơn là chính Đấng ban ơn an ủi (nên nhiều trường hợp linh hồn đã bỏ Chúa khi hết ơn an ủi). Nỗi khát khao thần linh chân thực và sâu xa này được chứng tỏ ở chỗ linh hồn lúc nào cũng hướng về Chúa bằng việc liên lỉ lắng nghe Chúa và cởi mở trước mọi tác động thần linh để có thể mau mắn đáp ứng một cách trọn vẹn hết mọi ý định thần linh. Chính vì lòng của linh hồn bấy giờ đã được Thiên Chúa chẳng những thanh tẩy cho khỏi mọi tì vết phạm tục trần gian, mà còn được Ngài hoàn toàn chiếm đoạt và làm chủ, linh hồn được liên lỉ kết hiệp với Chúa, đến độ, như Thánh Phaolô cảm nhận: không một sự gì trên trời dưới đất hay hiện tại và tương lai “có thể làm họ tách ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8:35).
Đó là lý do, cuộc đời của họ là một cuộc sống thiết tha nguyện cầu và liên lỉ hiệp thông thần linh, bằng một tấm lòng khao khát thần linh khôn tả, và họ dễ dàng nhận ra hết mọi dấu chỉ thời đại trong cuộc đời được Đấng Quan Phòng Thần Linh tỏ hiện cho họ, nhờ đó, họ có thể “đi đến bất cứ nơi nào Con Chiên tới” (Rev 14:4), để “Thày ở đâu các con cũng được ở đó với Thày” (Jn 14:3). Đức Thánh Cha Biển Đức XVI thường kêu gọi Kitô hữu nói chung và thành phần linh mục cũng như tận hiến tu trì nói riêng hãy sống bậc tu đức thần hiệp để có thể làm chứng cho Chúa Kitô như sau:
□ “Tình thân hữu là để chia sẻ tâm tư và ước muốn. Trong mối hiệp thông này, Thánh Phaolô nói với chúng ta ở Thư gửi giáo đoàn Philiphê (x 2:2-5), chúng ta cần phải làm cho mình tưởng nghĩ như Chúa Giêsu. Và mối hiệp thông về tâm tưởng này không phải chỉ là những gì về tri thức, mà là một thứ chia sẻ về những cảm thức cùng ý muốn nên cũng chia sẻ về cả hành động nữa”. (Bài giảng trong Thánh Lễ Truyền Dầu Sáng Thứ Năm Tuần Thánh 13/4/2006 tại Đền Thờ Thánh Phêrô)
“Chúa Kitô nói: ‘Nếu các con yêu mến Thày…’. Đức tin không phải chỉ là việc chấp nhận một số các chân lý trừu tượng liên quan tới những mầu nhiệm về Thiên Chúa, về con người, về sự sống và về sự chết, về các thực tại tương lai. Đức tin là ở chỗ sống liên hệ thân mật với Chúa Kitô, một liên hệ được xuất phát từ lòng mến yêu Đấng đã yêu thương chúng ta trước (x 1Jn 4:11), thậm chí cho đến chỗ hoàn toàn hiến trọn bản thân mình. ‘Thiên Chúa chứng tỏ tình Ngài yêu thương chúng ta ở chỗ trong khi chúng ta còn là những tội nhân thì Chúa Kitô đã chết vì chúng ta’ (Rm 5:8). Còn đáp ứng nào chúng ta có thể tỏ ra cho một tình yêu thật cao cả như thế nếu không phải là đáp ứng của một con tim cởi mở và tỏ ra sẵn sàng yêu thương hay sao? Thế nhưng, việc yêu mến Chúa Kitô đây nghĩa là gì? Nghĩa là tỏ ra tin tưởng nơi Người cho dù trong những con thử thách, trung thành theo Người cho dù trên Đường Thập Giá Via Crucis, hy vọng rằng chẳng bao lâu sẽ xuất hiện bình minh Phục Sinh. Khi ký thác bản thân mình cho Chúa Kitô, chúng ta chẳng mất mất một sự gì hết, trái lại, chúng ta còn chiếm được mọi sự. Nơi bàn tay của Người cuộc sống của chúng ta đạt được ý nghĩa thực sự của nó. Tình yêu giành cho Chúa Kitô là ở chỗ tỏ ra hòa hợp đời sống của mình với những tư tưởng và cảm thức của Trái Tim Người. Điều này được đạt tới bằng mối hiệp nhất nội tâm nhờ ân sủng của các Bí Tích, được củng cố bằng việc liên lỉ nguyện cầu, chúc tụng, tạ ơn và thống hối. Chúng ta cần phải chuyên chú lắng nghe những tác động Người gợi lên qua Lời của Người, qua thành phần chúng ta gặp gỡ, qua những hoàn cảnh của cuộc sống thường nhật của mình. Yêu mến Người là tiếp tục đối thoại trao đổi với Người, để biết được ý Người muốn và thực hiện ý muốn ấy một cách mau chóng hiệu nghiệm”. (ĐTCBĐXVI: Bài Giảng cho Thánh Lễ ở Quảng Trường Pilsudzki tại Warsaw Sáng Thứ Sáu 26/5/2006)