GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 20/9/2007

TUẦN XXIV  THƯỜNG NIÊN

 

 

?  “Nhờ dấn thân cho việc thiện  nguyện, chúng ta truyền đạt những gì chính chúng ta đã lãnh nhận”

?  "Chúa Giêsu Kitô không dạy chúng ta một thứ linh đạo 'mắt nhắm', mà là 'mở mắt'

?  “Chúng ta muốn nhìn lên Chúa Kitô, là sự sống của chúng ta và là niềm hy vọng của chúng ta”

 

 

? “Nhờ dấn thân cho việc thiện  nguyện, chúng ta truyền đạt những gì chính chúng ta đã lãnh nhận”

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Tông Du Áo Quốc 7-9/9/2007: Huấn Từ cho Thành Phần Đại Diện Các Cơ Quan Thiện  Nguyện ở Wiener Konzerthaus, Vienna chiều Chúa Nhật 9/9/2007

 

Cùng Ông Tổng Thống,

Đức Tổng Giám Mục Kothgasser,

Quí Thiện Nguyện Viên và Quí Phần Tử Danh Dự thuộc các Cơ Quan Bác Ái khác nhau ở Áo quốc,

Quí Vị Nữ Nam,

Và nhất là Quí Bạn Trẻ,

 

Tôi đặc biệt hân hoan hướng tới cuộc gặp gỡ này, một cuộc gặp gỡ được diễn ra vào lúc gần kết thúc chuyến tôi viếng thăm Áo quốc. Và dĩ nhiên là còn vui hơn nữa khi nghe thấy chẳng những một bản tuyệt vời của nhạc sĩ Mozart mà còn bất ngờ được nghe cả  “Ca Đoàn Con Trai Vienna” hát nữa. Xin chân thành cám ơn! Thật là tốt đẹp được gặp gỡ thành phần đang cố gắng để hiện thực hóa sứ điệp Phúc Âm trong các cộng đồng của chúng ta;  để nhìn thấy, trẻ cũng như già, thành phần đang cụ thể bày tỏ trong Giáo Hội và xã hội tình yêu mà chúng ta là những Kitô hữu cần phải được xâm chiếm: ở chỗ, tình yêu của Thiên Chúa giúp chúng ta có thể thấy người khác như là tha nhân của chúng ta, là anh chị em của chúng ta! Tôi hết lòng tri ân và ca ngợi khi tôi nghĩ đến hoạt động quảng đại thiện nguyện được thực hiện ở xứ sở này bởi rất nhiều người thuộc tất cả mọi lứa tuổi. Hôm nay tôi xin bày tỏ niềm cảm nhận của tôi với tất cả anh chị em cũng như với những ai giữ những vị thể danh dự và không công ở Áo quốc. Tôi cám ơn Ông Tổng Thống, cám ơn Đức Tổng Giám Mục Kothgasser, và nhất là giới trẻ đại diện  cho những nhân viên thiện nguyện ở Áo quốc, về những lời chào đón đẹp đẽ và thâm thúy của anh chị em.

 

Tạ ơn Chúa, nhiều người lấy làm hân hạnh được tham gia vào việc thiện nguyện với những cá nhân, những nhóm hội và những tổ chức, hay để đáp ứng những nhu cầu đặc biệt liên quan tới công ích. Loại tham gia này trước hết là một cơ hội cho việc tăng trưởng bản thân cũng như cho việc dự phần một cách chủ động và hữu trách vào sinh hoạt xã hội. Vấn đề tự nguyện chấp nhận hoạt động thiện nguyện có thể xuất phát từ một số những động lực khác nhau. Thường thường nó chỉ xuất phát từ một thứ ước ao thực hiện một cái gì đó nghĩa lý và hữu ích, cũng như từ ước muốn có được những thứ kinh nghiệm mới. Giới trẻ thực sự và tự nhiên cũng khám phá thấy nơi hoạt động thiện nguyện một nguồn mạch vui tươi, những kinh nghiệm tích cực và tình bạn chân thực trong việc thi hành một dự án xứng đáng với những người khác. Những ý nghĩa và hoạt động riêng tư này liên hệ với tình yêu thương tha nhân cụ thể; nhờ đó, cá nhân trở thành một phần của một cộng đồng hỗ trợ rộng lớn hơn. Tôi muốn bày tỏ niềm tri ân và chân thành cảm tạ đối với “nền văn hóa thiện nguyện” đáng kể đang có ở Áo quốc. Tôi muốn cám ơn mọi con người nam nữ, tất cả mọi thành phần giới trẻ và tất cả mọi em nhỏ – hoạt động thiện nguyện được thực hiện bởi trẻ em có những lúc đáng phục; chúng ta chỉ cần nghĩ về hoạt động của Sternsinger ở Mùa Giáng Sinh thôi; Đức Tổng Giám Mục đã nhắc tới điều này. Tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn về các nỗ lực lớn nhỏ thường không được nhận thấy. Cám ơn anh chị em và Vergelt’s Gott (Xin Chúa trả công cho anh chị em!) về việc anh chị em góp phần  xây dựng một “nền văn minh yêu thương” khi phục vụ mọi người cũng như góp phần vào việc làm đẹp quốc gia đất nước. Tình yêu thương tha nhân không phải là một cái gì đó có thể được ủy nhiệm; Quốc Gia và lãnh vực chính trị, cho dù cần phải quan tâm tới việc cung cấp các dịch vụ xã hội, - như Ông Tổng Thống đã nói – cũng không thể thay được chỗ của nó. Tình yêu thương tha nhân bao giờ cũng đòi hỏi một thứ tình nguyện dấn thân theo cá nhân, và Quốc Gia, dĩ nhiên, có thể và cần phải cung cấp những điều kiện để khả dĩ hóa tình yêu ấy. Nhờ việc dấn thân như vậy mà vấn đề trợ giúp vẫn có một khía cạnh nhân bản và không bị tha hóa. Bởi vậy, thành phần thiện nguyện viên như anh chị em đây không phải là “những gì điều vào chỗ trống” nơi cơ cấu xã hội, song là thành phần thực sự  góp phần cống hiến cho xã hội của chúng ta một khuôn mặt nhân bản và Kitô giáo.

 

Giới trẻ đặc biệt mong có những khả năng và tài năng của mình “được bừng lên và khám phá thấy”. Thành phần tình nguyện viên muốn được yêu cầu, họ muốn được nghe bảo rằng: “tôi cần đến anh chị em” – “Anh chị em có thể làm điều ấy!” Mãn nguyện biết bao khi nghe được những lời lẽ như thế! Theo tính chất đơn thành của loài người thì những lời lẽ ấy vô tình hướng chúng ta về vị Thiên Chúa là Đấng đã gọi mỗi người chúng ta vào trần gian và đã trao cho chúng ta một công việc riêng, Vị Thiên Chúa cần mỗi một người chúng ta và đợi chờ chúng ta đáp ứng. Chúa Giêsu đã kêu gọi những con người nam nữ, và đã ban cho họ lòng can đảm cần thiết để dấn thân đảm trách một việc làm cao cả, một trong những việc mà tự mình họ không bao giờ dám ước mong. Để cho mình được kêu gọi, để thực hiện một quyết định rồi bắt đầu tiến bước – không thiếu những thắc mắc bình thường về tính cách hữu dụng hay lợi ích – thì thái độ này tự nhiên sẽ kéo theo cả sự hàn gắn chữa lành. Các thánh nhân đã tỏ cho chúng ta thấy con đường này bằng đời sống của các vị. Nó là một con đường hấp dẫn và li kỳ, một con đường của lòng quảng đại và ngày nay là một con đường hết sức cần thiết. Việc ‘chấp nhận’ tình nguyện giúp đỡ kẻ khác là một quyết định có tính cách giải phóng; nó mở tâm can của chúng ta ra trước các nhu cầu của người khác, trước những đòi hỏi của công lý, trước việc bênh vực sự sống và việc bảo vệ thiên nhiên. Hoạt động thiện nguyện thực sự liên quan tới tâm điểm hình ảnh Thiên Chúa và con người của Kitô Giáo: đó là lòng mến yêu Thiên Chúa và tình thương yêu tha nhân.  

 

Quí Vị Nữ Nam Thiện Nguyện thân mến. Công việc thiện nguyện là những gì phản ảnh lòng biết ơn đối với, và niềm ước mong được chia sẻ với người khác, phản ảnh tình yêu mà chính chúng ta đã lãnh nhận. Theo lời của nhà thần học gia thế kỷ 14 là Duns Scotus thì Deus vult condiligentes – Thiên Chúa muốn con người cùng yêu thương với Ngài (Opus Oxoniense III d. 32 q. 1 n. 6). Như thế, việc phục vụ không công này có liên quan nhiều tới ơn Chúa. Một nền văn hóa tính toán tốn kém về hết mọi sự, đẩy những mối liên hệ của con người vào trong một chiếc áo khoác quyền lợi và nhiệm vụ, thì mới nhận thấy, nhờ vô số con người tự nguyện cống hiến giờ giấc và việc phục vụ của mình cho người khác, rằng sự sống là một tặng ân nhưng không. Vì đối với tất cả những lý do khác nhau hay thậm chí nghịch nhau thúc đẩy con người tình nguyện phục vụ, thì thật ra tất cả đều xuất phát từ một tình đoàn kết sâu xa xuất phát từ một “thứ cho không biếu không”. Chúng ta đã được lãnh nhận sự sống như một tặng ân nhưng không từ Đấng Hóa Công của chúng ta, chúng ta đã được giải phóng khỏi con đường mù tối của tôi lỗi và sự dữ như là một tặng ân nhưng không, chúng ta đã được ban tặng Thần  Linh cùng với nhiều linh ân của Ngài như là một tặng ân nhưng không. Tôi đã viết trong Bức Thông Điệp của mình là: “Tình yêu là những gì nhưng không; nó không được áp dụng như là một cách thức để chiếm đạt những đích điểm của nó” (Thiên Chúa Là Tình Yêu, 31). “Những ai có trách nhiệm giúp đỡ người khác sẽ nhận thức rằng khi làm như thế là chính họ lãnh nhận được sự trợ giúp; việc có thể giúp đỡ người khác không phải là do công lênh của họ hay do họ chiếm đạt được. Nhiệm vụ này là một ơn ban” (cùng nguồn vừa dẫn, 35). Nhờ chúng ta dấn thân cho việc thiện  nguyện, mà chúng ta truyền đạt những gì chính chúng ta đã lãnh nhận. “Cái lý lẻ sâu xa” về sự cho không này là những gì vượt ra ngoài trách nhiệm ngặt nghèo về luân lý. 

 

Thiếu việc phục vụ thiện nguyện, xã hội và công ích khó có thể, không thể và sẽ không tồn tại. Việc sẵn sàng phục vụ người khác là một điều gì đó vượt trên  những tính toán chi thu: nó đánh tan những qui luật của một thứ kinh tế thị trường. Giá trị của con người ta không thể được thẩm định bằng những qui chuẩn thuần túy kinh tế. Bởi thế, không có thành phần thiện nguyện viên thì cũng chẳng có quốc gia nào được thiết dựng. Sự tiến bộ và cái giá trị của một xã hội liên lỉ tùy thuộc vào thành phần thực hiện những gì ngoài nhiệm vụ buộc làm của họ.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2007/september/documents/hf_ben-xvi_spe_20070909_volontariato-austria_en.html

 

            (xem tiếp dưới đây)

 

 

TOP

 

?  "Chúa Giêsu Kitô không dạy chúng ta một thứ linh đạo 'mắt nhắm', mà là 'mở mắt'

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Tông Du Áo Quốc 7-9/9/2007: Huấn Từ cho Thành Phần Đại Diện Các Cơ Quan Thiện  Nguyện ở Wiener Konzerthaus, Vienna chiều Chúa Nhật 9/9/2007

 

Qúi Bà Quí Ông! Công việc thiện  nguyện là việc phục vụ cho phẩm vị của con người, vì con người nam nữ được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa. Như Thánh  Irenaneus thánh Lyons, ở thế kỷ thứ hai, đã nói: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống động, và sự sống của con người là nhãn quan của Thiên Chúa” (Adversus Haereses IV, 20, 7). Và Nocholas ở Cusa, trong luận đề của mình về nhãn quan của Thiên Chúa đã tiếp tục khai triển cái minh thức này như sau: “Vì con mắt là nơi phản ảnh yêu thương mà con biết rằng Chúa yêu thương con… Ôi Chúa, ánh mắt của Chúa thì yêu thương… Bằng việc nhìn đến con, Chúa, Vị Thiên Chúa kín ẩn, giúp cho con có thể thoáng nhìn thấy Chúa… Ánh mắt của Chúa ban sự sống… Ánh mắt của Chúa sáng tạo” (De visione Dei / Die Gottesschau, in Philosophisch-Theologische Schriften, hg. und endgef. von Leo Gabriel, übersetzt von Dietlind und Wilhelm Dupré, Wien, 1967, Bd. III, 105-111). Ánh mắt của Thiên Chúa – ánh mắt của Chúa Giêsu làm cho chúng ta tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa. Có những cách nhìn người khác có thể là vô nghĩa hay thậm chí coi thường. Có những cái nhìn tỏ ra trân trọng và bày tỏ yêu thương. Thành phần nhân viên thiện nguyện tỏ ra tôn trọng người khác; họ nhắc nhở chúng ta về phẩm vị của hết mọi con người và họ làm bừng lên trong chúng ta lòng nhiệt thành và niềm hy vọng. Các nhân viên thiện nguyện là những người canh giữ và biện hộ nhân quyền và nhân phẩm.

 

Ánh mắt của Chúa Giêsu còn liên hệ với một cách nhìn nữa về người khác. Trong Phúc Âm, những lời “họ đã nhìn thấy người ấy và đã bỏ đi” chỉ về vị tư tế và thày Lêvi thấy một con người nửa sống nửa chết nằm trên lề đường, nhưng không ra tay giúp đáp người ấy (Lk 10:31-32). Có những con người thấy mà giả đò như chẳng thấy, thành phần đối diện với những nhu cầu của con người mà vẫn tỏ ra dửng dưng lạnh lùng. Đó là những gì thuộc về sự lạnh lùng của thời đại hiện tại của chúng ta đây. Nơi ánh mắt của người khác, đặc biệt của người đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta, chúng ta cảm nghiệm được những đòi hỏi cụ thể của tình yêu thương Kitô Giáo. Chúa Giêsu Kitô không dạy chúng ta một thứ linh đạo “mắt nhắm”, mà là “mở mắt”, một linh đạo bao gồm một thứ trách nhiệm hết sức chú trọng tới những nhu cầu của kẻ khác và tới những trường hợp liên quan đến những ai được Phúc Âm cho chúng ta biết là tha nhân của chúng ta.

 

Ánh mắt của Chúa Giêsu, những gì “con mắt” của Người dạy chúng ta, dẫn đến việc con người thân cận, đến tình đoàn kết, đến việc cống hiến thời giờ, đến việc chia sẻ các tặng ân và thậm chí cả những sản vật thể chất của chúng ta nữa. Đó là lý do, “những ai hoạt động cho các tổ chức bác ái của Giáo Hội cần phải được khác biệt ở sự kiện là họ không chỉ đáp ứng các nhu cầu ở vào lúc bấy giờ – theo tầm quan trọng của nó – song họ hiến thân cho người khác với một mối quan tâm chân thành… Tấm lòng này thấy được nơi đâu cần đến yêu thương để theo đó tác hành (BENEDICT XVI, Deus Caritas Est, 31). Phải, “tôi cần phải trở nên như một ai đó trong yêu thương, một ai đó có tấm lòng rộng mở cảm thấy rung động trước nhu cầu của người khác. Bấy giờ tôi thấy được tha nhân của tôi hay – nói đúng hơn – họ mới nhận ra tôi” (JOSEPH RATZINGER / BENEDICT XVI, Jesus of Nazareth, New York, 2007, p. 194).

 

Sau hết, giới răn mến Chúa yêu người (x Mt 22:37-40; Lk 10:27) nhắc nhở chúng ta rằng nhờ tình yêu thương tha nhân Kitô hữu chúng ta tôn kính chính Thiên Chúa. Đức Tổng Giám Mục Kothgasser đã trích lời của Chúa Giêsu nói “khi các người làm điều ấy cho một trong những người anh chị em hèn mọn nhất của Ta là các người làm điều ấy cho Ta” (Mt 25:40). Nếu chính Chúa Giêsu hiện diện nơi một con người nam hay nữ cụ thể mà chúng ta gặp gỡ, thì việc phục vụ không công có thể mang lại cho chúng ta một cảm nghiệm về Thiên Chúa. Việc thông phần vào các hoàn cảnh và nhu cầu của con người dẫn đến một thứ cảm giác hữu nghị “mới mẻ” và ý nghĩa. Nhờ đó, công việc thiện nguyện có thể giúp dân chúng thoát khỏi cảnh cô lập và giúp họ thuộc về cộng đồng.

 

Để kết luận, tôi muốn đề cập tới quyền năng của việc cầu nguyện và tầm quan trọng của nó đối với hết mọi người tham gia vào hoạt động bác ái. Việc nguyện cầu cùng Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi những ý hệ hay khỏi một thứ cảm giác thất vọng trước những nhu cầu khôn cùng. “Ngay cả trong tình trạng hoang mang bối rối và thất bại của mình để hiểu được thế giới chung quanh, Kitô hữu vẫn tiếp tục tin tưởng vào ‘sự tốt lành và yêu thương nhân ái của Thiên Chúa’ (Tit 3:4). Bị chìm ngập như mọi người trong tình trạng phức tạp thê thảm của các biến cố lịch sử, họ vẫn vững vàng tin tưởng rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta và yêu thương chúng ta, cho dù có những lúc Ngài tỏ ra nín lặng không thể nào hiểu nổi” (Thiên  Chúa Là Tình Yêu, 38).

 

Quí Vị Nữ Nam, quí phần tử và quí nhân viên thiện nguyện của các tổ chức bác ái ở Áo quốc! Bất cứ khi nào con người thực hiện hơn cả nhiệm vụ bình thường của họ nơi sinh hoạt nghề nghiệp và nơi gia đình – thậm chí làm điều này tốt đẹp nữa, đều cần đến nhiều nghị lực và nhiều yêu thương – và, bất cứ khi nào họ dấn thân giúp đáp người khác, bỏ thời giờ quí báu của mình phục vụ con người và phẩm vị của con người thì lòng của họ mở rộng ra. Thành phần thiện nguyện không hiểu chữ “tha nhân” theo nghĩa đen của từ ngữ này; đối với họ, nó bao gồm cả những người ở xa, những người được Thiên Chúa yêu thương, và những người, với sự giúp đỡ của chúng ta, cần cảm nghiệm thấy công cuộc cứu chuộc được Chúa Kitô hoàn tất. Người khác, thành phần được Phúc Âm gọi là “tha nhân” của chúng ta, như thế, trở thành đồng bạn đặc biệt của chúng ta khi chúng ta đương đầu với những ap1 lực và kềm kẹp của thế giới chúng ta đang sống. Ai muốn nghiêm chỉnh lấy tha nhân của mình làm “ưu tiên” thì sống động và tác hành theo Phúc Âm và dự phần vào sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, một sứ vụ truyền giáo luôn nhìn đến toàn thể con người và muốn hết mọi người cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa. Quí thiện nguyện viên thân mến, Giáo Hội hoàn toàn ủng hộ việc phục vụ của anh chị em. Tôi tin rằng thành phần thiện nguyện viên ở Áo quốc sẽ tiếp tục là nguồn ân phúc dồi dào và tôi hứa nguyện cầu cho anh chị em. Tôi nguyện xin niềm vui của Chúa là sức mạnh của chúng ta (x Neh 8:10) xuống trên tất cả anh chị em. Nguyện xin Thiên Chúa nhân lành luôn ở bên anh chị em và liên lỉ hướng dẫn anh chị em bằng sự trợ giúp của ân sủng Ngài ban.  

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2007/september/documents/hf_ben-xvi_spe_20070909_volontariato-austria_en.html

 

TOP

 

? “Chúng ta muốn nhìn lên Chúa Kitô, là sự sống của chúng ta và là niềm hy vọng của chúng ta”

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Tông Du Áo Quốc 7-9/9/2007: Lời Tạ Từ tại Phi Trường Quốc Tế  Vienna/Schwechat tối Chúa Nhật 9/9/2007

 

Cùng Ông Tổng Thống, vào lúc tôi đang sửa soạn rời Áo quốc để kết thúc cuộc hành hương kỷ niệm 850 mừng Đền Thánh Quớc Gia Mariazell, tôi tri ân nghĩ về những ngày đầy những cảm  nghiệm nhung nhớ này. Tôi cảm thấy rằng tôi đã được hiểu biết hơn nữa xứ sở tuyệt vời này và dân dân của nó. 

 

Tôi xin chân thành gửi lời cám ơn đến Chư Huynh Giám Mục của tôi, đến Chính Quyền, đến các thẩm quyền quần chúng, cũng như không ít đến nhiều tình nguyện viên đã giúp vào việc tổ chức cho chuyến viếng thăm này. Tôi nguyện cầu để anh chị em cũng được chia sẻ dồi dào vào các ơn chúng ta đã lãnh nhận trong những ngày này. Tôi ân cần gửi lời cám ơn riêng đến đặc biệt Ông Tổng Thống, về những lời lẽ tốt đẹp tạ từ của ông, về việc đã theo tôi trong cuộc hành hương này, cũng như về tất cả mọi chú trọng ông đã giành cho tôi. Xin cám ơn ông!

 

Một lần nữa, tôi đã có thể cảm nghiệm Mariazell như là một nơi chốn đặc biệt tràn đầy ân sủng, một nơi chốn mà trong những ngày này đã tiếp đón tất cả chúng tôi và đã cống hiến cho chúng tôi sức mạnh nội tâm để tiến bước trên con đường trước mắt. Những đám đông dân chúng đã tham dự việc chúng tôi cử hành ở Đền Thờ, ở chính Mariazell cũng như ở khắp Áo quốc là những gì tác động chúng tôi, cùng với Mẹ Maria, nhìn lên Chúa Kitô, và như những con người được Thiên Chúa âu yếm đoái nhìn, tin tưởng đối diện với con đường hướng tới tương lai. Thật là đẹp đẽ khi mà gió và khi hậu xấu cũng không thể ngăn trở chúng ta, song, cuối cùng, thậm chí lại còn tăng thêm niềm vui cho chúng ta hơn nữa.

 

Vào lúc mở đầu cho cuộc hành hương của tôi, buổi cầu nguyện chung của chúng ta ở Quảng Trường “Am Hof” đã mang chúng ta lại với nhau một cách vượt ra ngoài ranh giới quốc gia và trực tiếp cho chúng tôi thấy tính cách cởi mở hiếu khách của Áo quốc, một trong những phẩm tính tốt đẹp nhất của xứ sở này.

 

Chớ gì việc tìm cầu vấn đề tương kiến, và việc phát triển sáng tạo những đường lối mới mẻ  trong việc xây dựng lòng tin tưởng giữa cá nhân và dân tộc, tiếp tục chi phối những chính sách quốc gia và quốc tế của quốc gia này. Vienna, trung thành với lịch sử phong phú của mình và ở vị trí tâm điểm quan trọng của Âu Châu, có thể cống hiến một đóng góp đặc biệt về phương diện này, bằng việc nhất trí bảo trì những giá trị truyền thống của châu lục đây, những thứ giá trị được đức tin Kitô Giáo khuôn đúc, cho các tổ chức Âu Châu cũng như cho công việc cổ võ những liên hệ liên quốc gia, liên văn hóa và liên tôn giáo.

 

Nơi cuộc hành trình của cuộc sống, chúng ta thường dừng lại để tri ân coi xem những gì tiến bộ đã được thực hiện, và với niềm hy vọng nguyện cầu nhìn vào con đường vẫn ở trước mắt chúng ta. Tôi vừa dừng chân tại đan viện ở Heiligenkreuz. Truyền thống được các đan sĩ Xi-Tô vun trồng ở đó khiến cho chúng ta giao chạm tới những căn gốc của chúng ta, những căn gốc có quyền lực và vẻ đẹp tối hậu được xuất phát từ chính Thiên Chúa. 

 

Hôm nay, tôi đã cử hành Chúa Nhật, ngày của Chúa với anh chị em – thành phần đại diện cho tất cả mọi giáo xứ ở Áo quốc – tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Stêphanô. Việc cử hành này đã cho tôi cơ hội để liên kết đặc biệt với tín hữu của tất cả mọi giáo xứ ở Áo quốc.

 

Sau hết, giây phút rất cảm động đối với tôi là cuộc tôi gặp gỡ thành phần tình nguyện viên thuộc các tổ chức bác ái rất nhiều và khác nhau ở Áo quốc. Tôi đã thấy được cả hằng ngàn ngàn tình nguyện viên đại diện cho nhiều ngàn người nữa, thành phần mà ở khắp xứ sở đây, qua việc sẵn sàng giúp đỡ người khác, cho thấy những tính chất cao quí nhất của nhân loại, và giúp cho các tín hữu nhìn nhận ra tình yêu của Chúa Kitô.

 

Niềm tri ân và nỗi vui mừng đang tràn đầy lòng tôi trong lúc này đây. Một lần nữa, tôi xin bày tỏ lòng tri ân cảm tạ sâu xa của tôi với tất cả mọi anh chị em đã ở với tôi trong những ngày này, với tất cả những ai hết sức nỗ lực và vất vả để làm cho chương trình rất trọn vẹn này được tiến hành hết sức xuôi thuận, cũng như với tất cả những ai liên kết vào cuộc hành hương của tôi và thông phần vào những việc cử hành của chúng tôi. Trong lúc tôi từ biệt anh chị em đây, tôi xin  ký thác hiện tại và tương lai của xứ sở này cho việc chuyển cầu của Người Mẹ Nhân Ái ở Mariazell, Magna Mater Austiae, cũng như cho tất cả các thánh nhân và chân phước của Áo quốc. Cùng với các vị, chúng ta muốn nhìn lên Chúa Kitô, là sự sống của chúng ta và là niềm hy vọng của chúng ta. Đầy lòng cảm mến, tôi xin  gửi đến mỗi người và mọi người lời chào chân thành “Vergelt’s Gott”!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2007/september/documents/hf_ben-xvi_spe_20070909_farewell-austria_en.html

    

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ