GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
CHÚA NHẬT 30/9/2007 TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN |
? Giáo Dân: “Hãy Nhìn Lên Chúa Kitô”
? Đan Sĩ: “Hãy Nhìn Lên Chúa Kitô”
? Thiện Nguyện Viên: “Hãy Nhìn Lên Chúa Kitô”
Giáo Dân: “Hãy Nhìn Lên Chúa Kitô”
Bài Giảng cho Thánh Lễ Chúa Nhật 9/9 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Stêphanô ở Vienna
“Since dominico non possumus!” Chúng tôi không thể sống nếu không có tặng ân này của Chúa, không có ngày của Chúa: Đó là câu trả lời vào năm 304 được Kitô hữu ở Abitene là Tunisia ngày nay, khi họ bị bắt đang cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật bị cấm đoán và bị mang ra trước quan tòa. Họ bị tra hỏi tại sao họ đã cử hành Thánh Thể Chúa Nhật Kitô Giáo, cho dù họ biết rằng đó là một trọng phạm. “Sine dominico non possumus”: nơi chữ dominicum/dominico có hai ý nghĩa quyện chặt lấy nhau, và chúng ta một lần nữa cần phải biết được mối hiệp nhất của chúng. Trước hết, là tặng ân của Chúa – tặng ân là là chính Chúa: Đấng Phục Sinh, Đấng Kitô hữu cần được gần gũi và có thể đến gần để họ sống đúng căn tính của họ. Tuy nhiên, khả năng có thể đến gần này không phải chỉ là một cái gì đó linh thiêng, nội tại và chủ quan: cuộc gặp gỡ với vị Chúa này được ghi khắc trong thời gian vào một ngày đặc biệt. Bởi thế nó được ghi khắc nơi cuộc sống hằng ngày, về thể lý và chung nhau của chúng ta, một cách tạm thời. Nó cống hiến cho thời đại của chúng ta một trọng tâm, một trật tự nội tại mà từ đó cho tất cả đời sống của chúng ta nữa. Đối với những Kitô hữu này thì Thánh Thể Chúa Nhật không phải là một giới răn mà là một nhu cầu nội tâm. Không có Ngài là Đấng bảo trì đời sống của chúng ta thì chính sự sống trở thành trống rỗng. Làm việc mà thiếu mất hay phản lại cái trọng tâm ấy sẽ làm cho đời sống hụt hẫng chính cái nền tảng của nó, sẽ lấy đi mất cái phẩm giá và vẻ đẹp nội tại của nó.
Phải chăng thái độ của thành phần Kitô hữu thời ấy cũng áp dụng cho cả chúng ta là thành phần Kitô hữu ngày nay nữa? Phải, đúng thế, chúng ta cũng cần một thứ liên hệ để nâng đỡ duy trì chúng ta, cống hiến cho chúng ta hướng đi và chất liệu cho đời sống của chúng ta. Cả chúng ta nữa cũng cần đường lối đến với Đấng Phục Sinh, Đấng bảo trì chúng ta vượt qua và vượt trên sự chết. Chúng ta cần cuộc gặp gỡ mang chúng ta lại với nhau ấy, một cuộc gặp gỡ cống hiến cho chúng ta khoảng trống tự do, một cuộc gặp gỡ cho chúng ta thấy được những gì vượt ra ngoài cái hối hả ồn ào của cuộc sống hằng ngày trước tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa là khởi điểm và là đích điểm cho cuộc hành trình của chúng ta. …
“Sine dominico non possumus!” Đời sống không phát triển nếu không có Chúa và không có ngày thuộc về Người. Chúa Nhật đã từng được biến đổi trong các xã hội Tây phương của chúng ta thành một thứ cuối tuần, thành thời gian giải trí tiêu khiển. Thời gian giải trí tiêu khiển là điều tốt và cần, nhất là giữa cái vội vã kinh khủng của thế giới tân tiến này; mỗi một người trong chúng ta đều biết điều ấy. Tuy nhiên, nếu thời gian tiêu khiển giải trí này thiếu tính cách tập trung nội tại, thiếu một cảm quan chung chung về đường hướng, thì cuối cùng nó trở thành thời gian bị phí phạm không củng cố cũng chẳng xây dựng chúng ta. Thời gian giải trí tiêu khiển đòi hỏi một thứ tập trung – một cuộc hôi ngộ với Đấng là nguồn gốc và đích điểm của chúng ta. Vị đại tiền nhiệm của tôi ở tòa giám mục Munich và Freising, Đức Hồng Y Faulhaber , có lần đã nói như thế này: Hãy cống hiến cho linh hồn ngày Chúa Nhật của nó, và hãy cống hiến cho ngày Chúa Nhật linh hồn của nó.
Vì Chúa Nhật tối hậu là việc hội ngộ Chúa Kitô Phục Sinh nơi lời Chúa và một cách bí tích mà phạm vi của cuộc hội ngộ này trải dọc suốt toàn thể thực tại. Các Kitô hữu sơ khai đã cử hành ngàu đầu tiên trong tuần này như là ngày của Chúa, vì nó là ngày của sự phục sinh. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, Giáo Hội cũng tiến tới chỗ ý thức được rằng ngày đầu tiên trong tuần là ngày bình minh của việc tạo thành, ngày được Thiên Chúa phán: “Hãy có ánh sáng” (Gen 1:3). Bởi thế, Chúa Nhật cũng là ngày lễ tạo sinh hằng tuần của Giáo Hội nữa – ngày lễ tạ ơn và hân hoan về việc tạo thành của Thiên Chúa. Ở vào lúc khi mà thiên nhiên tạo vật đang bị đe dọa bằng rất nhiều cách thức qua hoạt động của con người, chúng ta cần phải phát động một cách ý thức về khía cạnh này của Chúa Nhật nữa. Bởi thế, đối với Giáo Hội sơ khai, ngày thứ nhất càng ngày càng được đồng hóa với ý nghĩa truyền thống của ngày thứ bảy, Ngày Hưu Lễ. Chúng ta tham dự vào việc nghỉ ngơi của Thiên Chúa, một sự nghỉ ngơi bào gồm toàn thể nhân loại. Như thế, chúng ta cảm nhận về ngày nay một cái gì đó tự do và bình đẳng nơi tất cả mọi tạo vật của Thiên Chúa.
Trong Lời Nguyện Nhập Lễ của Chúa Nhật tuần này, chúng ta trước hết nhớ rằng qua Người Con của mình, Thiên Chúa đã cứu chuộc chúng ta và đã làm cho chúng ta thành con cái yêu dấu của Ngài. Thế rồi chúng ta xin Ngài hãy âu yếm nhìn xuống trên tất cả những ai tin tưởng vào Chúa Kitô để ban cho chúng ta tự do đích thực và sự sống vĩnh hằng. Chúng ta xin Thiên Chúa hãy thương đoái nhìn xuống. Chính chúng ta cần đến cái nhìn đoán thương này chẳng những vào Chúa Nhật mà còn hơn thế nữa, vươn tới cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Như chúng ta xin, chúng ta biết rằng cái nhìn âu yếm ấy đã được ban cho chúng ta rồi. Ngoài ra, chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã thừa nhận chúng ta làm con cái của Ngài, Ngài đã thực sự đón nhận chúng ta vào hiệp thông với chính mình Ngài. Làm con của một người nghĩa là, như Giáo Hội sơ khai đã ý thức, trở thành một con người tự do, chứ không phải là một nô lệ, song là một phần tử trong gia đình. Nó còn có nghĩa là thành phần thừa hưởng nữa. Nếu chúng ta thuộc về Thiên Chúa, Đấng quyền năng trên hết mọi quyền năng, thì chúng ta không hãi sợ gì và được tự do. Để rồi chúng ta là những người thừa tự. Gia sản Ngài đã để lại cho chúng ta là chính bản thân Ngài, là tình yêu của Ngài. Vâng, lạy Chúa, chớ gì gia sản này được ăn sâu vào linh hồn của chúng con, để chúng ta ý thức được niềm vui được cứu chuộc. Amen.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch và tổng hợp
? Đan Sĩ: “Hãy Nhìn Lên Chúa Kitô”
Huấn Từ tại Đan Viện Heiligenkreuz chiều Chúa Nhật 9/9/2007
….. Ở một đan viện sống theo tinh thần Thánh Biển Đức, thì việc ca ngợi Thiên Chúa được các đan sĩ xướng lên như một lời long trọng đồng nguyện cầu, bao giờ cũng là những gì ưu tiên. Các đan sĩ – cảm tạ Chúa! – chắc chắn không phải chỉ là những con người nguyện cầu; những người khác cũng cầu nguyện nữa: trẻ em, giới trẻ và người già, nam nhân và nữ giới, có gia đình và độc thân – tất cả mọi Kitô hữu đều cầu nguyện, hay ít là họ phải nguyện cầu!
Tuy nhiên, nơi đời sống của các đan sĩ, cầu nguyện có một tầm vóc đặc biệt quan trọng, ở chỗ nó là tâm điểm ơn gọi của họ. Ơn gọi của họ là trở thành những con người nguyện cầu. Trong thời kỳ của các vị giáo phụ, đời sống đan viện được ví như đời sống của các thần trời. Dấu hiệu được coi là chính yếu của các thiên thần đó ở chỗ các vị là thành phần tôn thờ. Chính sự sống của họ là việc tôn thờ. Điều này cũng đúng với các đan sĩ nữa. Các đan sĩ cầu nguyện, trước hết và trên hết, không cho một ý chỉ đặc biệt nào, mà chỉ vì Thiên Chúa là Đấng đáng ca ngợi chúc tụng. “Confitemini Domino, quoniam bonus! – Hãy chúc tụng Chúa, vì Ngài thiện hảo, vì đức từ bi của Ngài muôn thuở!”: chúng ta được thôi thúc như vậy bởi một số bài Thánh Vịnh (e.g. 106:1). Việc nguyện cầu theo đúng bản chất của mình như thế, với mục đích thuần túy là việc phục vụ thần linh, mới đáng được gọi là officium – thần vụ. Nó chính là “phục vụ” đích thực nhất, là “việc phục vụ linh thánh” của các đan sĩ. Nó được hiến dâng lên Thiên Chúa ba ngôi, Đấng, hơn hết mọi sự, đáng “được tôn vinh, vinh dự và quyền năng” (Rev 4:11), vì Ngài đã tuyệt vời tạo dựng nên thế giới và thậm chí còn tuyệt diệu hơn nữa đã canh tân tái tạo nó.
Đồng thời, thần vụ của những con người tận hiến cũng là một việc phục vụ linh thánh cho con người nam nữ, một chứng từ được cống hiến cho họ. Tất cả mọi người đều có trong tâm tâm của mình, dù họ biết hay không, một nỗi khát mong được hoàn toàn viên trọn, được hạnh phúc tối hậu, nhờ đó cuối cùng được chính Thiên Chúa. Một đan viện, trong đó, cộng đồng qui tụ lại mấy lần một ngày để ca ngợi Thiên Chúa, chứng thực cho sự kiện là nỗi khát mong căn bản của con người này không tiến tới chỗ bất thỏa nguyện: Thiên Chúa Hóa Công đã không đặt chúng ta vào một vùng tối tăm rùng rợn là nơi, khi chúng ta dò dẫm trong thất vọng, chúng ta tìm kiếm một ý nghĩa tối hậu nào đó (x Acts 17:27); Thiên Chúa đã không bỏ rơi chúng ta trong một vùng trống không hoang vắng, chẳng có ý nghĩa gì, nơi mà cuối cùng chỉ có chết chóc đang đợi chờ chúng ta. Không! Thiên Chúa đã chiếu soi vào tình trạng tăm tối của chúng ta bằng ánh sáng của Ngài, bằng Người Con Giêsu Kitô của Ngài. Nơi Người, Thiên Chúa đã tiến vào thế giới với tất cả “sự viên mãn” của Ngài (x Col 1:19); nơi Người, tất cả sự thật, sự thật chúng ta mong mỏi, được bắt nguồn và đạt đích (Cf. SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Gaudium et Spes, 22)….
Cốt lõi của đời sống đan viện là việc thờ phượng – sống như các thần trời. Thế nhưng, vì các đan sĩ là con người có huyết nhục trên mặt đất này nên Thánh Biển Đức đã thêm vào giới luật chính yếu “cầu nguyện” một giới luật thứ hai là “làm việc”. Trong óc của Thánh Biển Đức, và Thánh Bênađô nữa, một phần của đời sống đan viện, cùng với việc cầu nguyện, là làm việc, ở chỗ vun trồng đất đai theo ý muốn của Đấng Hóa Công. Bởi thế, ở mọi thời đại, các vị đan sĩ, bắt đầu từ việc nhìn lên Thiên Chúa, đã từng làm cho trái đất này thành nơi ban phát sự sống và đáng yêu. Việc họ bảo vệ và canh tân thiên nhiên tạo vật được xuất phát từ chính cái nhìn lên Thiên Chúa của họ. Trong tiết điệu nguyện cầu và làm việc - ora et labora này, cộng đồng của thành phần tận hiến làm chứng cho vị Thiên Chúa là Đấng, nơi Chúa Giêsu Kitô, nhìn xuống chúng ta, trong khi con người và thế giới trở nên tốt đẹp bởi được Thiên Chúa nhìn đến….
Mặc dù khoa thần học cần phải là một phần của kiến thức universitas nhờ sự hiện diện của các phân khoa thần học Công Giáo ở các đại học quốc gia, cũng cần phải có những cơ cấu hàn lâm như của anh chị em đây, để làm nơi giao hưởng sâu xa hơn giữa thần học có tính cách khoa học và ngành linh đạo thực dụng. Thiên Chúa không bao giờ chỉ là “đối tượng” của khoa thần học; Ngài luôn là “chủ thể” của khoa học này nữa. Thần học Kitô Giáo, bởi thế, không bao giờ chỉ là một khóa học thuần túy nhân bản, song luôn luôn, và bất khả phân ly, là logos và “lý lẽ - logic” về việc Thiên Chúa tỏ mình ra. Do đó, lý lẽ tính theo khoa học và việc sống đạo là hai khía cạnh học hỏi có tính cách hỗ tương và liên thuộc cần thiết.
Vị cha ông của Dòng Xi-Tô là Thánh Bênađô, vào thời của ngài, đã chiến đấu chống lại việc tách lìa lý lẽ tính được khách quan hóa khỏi trào lưu chính của linh đạo theo Giáo Hội. Trường hợp của chúng ta ngày nay, dù khác nhau, nhưng cũng có những cái tương tự đáng kể. Theo ước mong của mình trong việc được nhìn nhận như là một phân khoa triệt để theo nghĩa tân tiến, thì thần học có thể mất đi cái hồn sống xuất phát từ đức tin của nó. Tuy nhiên, như một thứ phụng vụ không còn nhìn lên Thiên Chúa nữa đã quằn quại giẫy chết thế nào thì một khoa thần học không còn sức sống từ đức tin cũng không còn là thần học như vậy; nó đi tới chỗ trở thành như là một dàn dựng của những phân khoa lỏng lẻo liên kết với nhau không nhiều thì ít. Nhưng ở đâu thần học được thực hành “trên gối quì”, như thần học gia Hans Urs von Balthasar (Theologie und Heiligkeit, an essay written in 1948, in Verbum Caro. Schriften zur Theologie I, Einsiedeln, 1960, 195-224) đã kêu gọi, nó mới cho thấy tác dụng của mình đối với Giáo Hội ở Áo quốc cũng như ở các nơi khác….
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch và tổng hợp
Thiện Nguyện Viên: “Hãy Nhìn Lên Chúa Kitô”
Huấn Từ cho Thành Phần Đại Diện Các Cơ Quan Thiện Nguyện ở Wiener Konzerthaus, Vienna chiều Chúa Nhật 9/9/2007
…. Quí Vị Nữ Nam Thiện Nguyện thân mến. Công việc thiện nguyện là những gì phản ảnh lòng biết ơn đối với người khác, và niềm ước mong được chia sẻ với họ, phản ảnh tình yêu mà chính chúng ta đã lãnh nhận. Theo lời của nhà thần học gia thế kỷ 14 là Duns Scotus thì Deus vult condiligentes – Thiên Chúa muốn con người cùng yêu thương với Ngài” (Opus Oxoniense III d. 32 q. 1 n. 6). Như thế, việc phục vụ không công này có liên quan nhiều tới ơn Chúa. Một nền văn hóa tính toán tốn kém về hết mọi sự, đẩy những mối liên hệ của con người vào trong một chiếc áo khoác quyền lợi và nhiệm vụ, thì mới nhận thấy, nhờ vô số con người tự nguyện cống hiến giờ giấc và việc phục vụ của mình cho người khác, rằng sự sống là một tặng ân nhưng không. Vì đối với tất cả những lý do khác nhau hay thậm chí nghịch nhau thúc đẩy con người tình nguyện phục vụ, thì thật ra tất cả đều xuất phát từ một tình đoàn kết sâu xa xuất phát từ một “thứ cho không biếu không”. Chúng ta đã được lãnh nhận sự sống như một tặng ân nhưng không từ Đấng Hóa Công của chúng ta, chúng ta đã được giải phóng khỏi con đường mù tối của tôi lỗi và sự dữ như là một tặng ân nhưng không, chúng ta đã được ban tặng Thần Linh cùng với nhiều linh ân của Ngài như là một tặng ân nhưng không. … Nhờ chúng ta dấn thân cho việc thiện nguyện, mà chúng ta truyền đạt những gì chính chúng ta đã lãnh nhận. “Cái lý lẻ sâu xa” về sự cho không này là những gì vượt ra ngoài trách nhiệm ngặt nghèo về luân lý.
Thiếu việc phục vụ thiện nguyện, xã hội và công ích khó có thể, không thể và sẽ không tồn tại. Việc sẵn sàng phục vụ người khác là một điều gì đó vượt trên những tính toán chi thu: nó đánh tan những qui luật của một thứ kinh tế thị trường. Giá trị của con người ta không thể được thẩm định bằng những qui chuẩn thuần túy kinh tế. Bởi thế, không có thành phần thiện nguyện viên thì cũng chẳng có quốc gia nào được thiết dựng. Sự tiến bộ và cái giá trị của một xã hội liên lỉ tùy thuộc vào thành phần thực hiện những gì ngoài nhiệm vụ buộc làm của họ.
Qúi Bà Quí Ông! Công việc thiện nguyện là việc phục vụ cho phẩm vị của con người, vì con người nam nữ được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa. Như Thánh Irenaneus thánh Lyons, ở thế kỷ thứ hai, đã nói: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống động, và sự sống của con người là nhãn quan của Thiên Chúa” (Adversus Haereses IV, 20, 7). Và Nocholas ở Cusa, trong luận đề của mình về nhãn quan của Thiên Chúa đã tiếp tục khai triển cái minh thức này như sau: “Vì con mắt là nơi phản ảnh yêu thương mà con biết rằng Chúa yêu thương con… Ôi Chúa, ánh mắt của Chúa thì yêu thương… Bằng việc nhìn đến con, Chúa, Vị Thiên Chúa kín ẩn, giúp cho con có thể thoáng nhìn thấy Chúa… Ánh mắt của Chúa ban sự sống… Ánh mắt của Chúa sáng tạo” (De visione Dei / Die Gottesschau, in Philosophisch-Theologische Schriften, hg. und endgef. von Leo Gabriel, übersetzt von Dietlind und Wilhelm Dupré, Wien, 1967, Bd. III, 105-111). Ánh mắt của Thiên Chúa – ánh mắt của Chúa Giêsu làm cho chúng ta tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa. Có những cách nhìn người khác có thể là vô nghĩa hay thậm chí coi thường. Có những cái nhìn tỏ ra trân trọng và bày tỏ yêu thương. Thành phần nhân viên thiện nguyện tỏ ra tôn trọng người khác; họ nhắc nhở chúng ta về phẩm vị của hết mọi con người và họ làm bừng lên trong chúng ta lòng nhiệt thành và niềm hy vọng. Các nhân viên thiện nguyện là những người canh giữ và biện hộ cho nhân quyền và nhân phẩm.
Ánh mắt của Chúa Giêsu còn liên hệ với một cách nhìn nữa về người khác. Trong Phúc Âm, những lời “họ đã nhìn thấy người ấy và đã bỏ đi” chỉ về vị tư tế và thày Lêvi thấy một con người nửa sống nửa chết nằm trên lề đường, nhưng không ra tay giúp đáp người ấy (Lk 10:31-32). Có những con người thấy mà giả đò như chẳng thấy, thành phần đối diện với những nhu cầu của con người mà vẫn tỏ ra dửng dưng lạnh lùng. Đó là những gì thuộc về sự lạnh lùng của thời đại hiện tại của chúng ta đây. Nơi ánh mắt của người khác, đặc biệt của người đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta, chúng ta cảm nghiệm được những đòi hỏi cụ thể của tình yêu thương Kitô Giáo. Chúa Giêsu Kitô không dạy chúng ta một thứ linh đạo “nhắm mắt”, mà là “mở mắt”, một linh đạo bao gồm một thứ trách nhiệm hết sức chú trọng tới những nhu cầu của kẻ khác và tới những trường hợp liên quan đến những ai được Phúc Âm cho chúng ta biết là tha nhân của chúng ta.
Ánh mắt của Chúa Giêsu, những gì “con mắt” của Người dạy chúng ta, dẫn đến việc con người thân cận, đến tình đoàn kết, đến việc cống hiến thời giờ, đến việc chia sẻ các tặng ân và thậm chí cả những sản vật thể chất của chúng ta nữa. Đó là lý do, “những ai hoạt động cho các tổ chức bác ái của Giáo Hội cần phải được khác biệt ở sự kiện là họ không chỉ đáp ứng các nhu cầu ở vào lúc bấy giờ – theo tầm quan trọng của nó – song họ hiến thân cho người khác với một mối quan tâm chân thành… Tấm lòng này thấy được nơi đâu cần đến yêu thương để theo đó tác hành (BENEDICT XVI, Deus Caritas Est, 31). Phải, “tôi cần phải trở nên như một ai đó trong yêu thương, một ai đó có tấm lòng rộng mở cảm thấy rung động trước nhu cầu của người khác. Bấy giờ tôi thấy được tha nhân của tôi hay – nói đúng hơn – họ mới nhận ra tôi” (JOSEPH RATZINGER / BENEDICT XVI, Jesus of Nazareth, New York, 2007, p. 194)….
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch và tổng hợp