GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ TƯ 5/9/2007 TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN |
? "Mẹ Têrêsa loan báo Phúc Âm bằng đời sống Mẹ hoàn toàn dấn thân cho người nghèo, nhưng đồng thời cũng sâu xa cầu nguyện"
? Mẹ Têrêsa Calcutta: Tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu
? ”Như Mẹ, chúng ta cũng có thể là những vị thánh”
"Mẹ Têrêsa loan báo Phúc Âm bằng đời sống Mẹ hoàn toàn dấn thân cho người nghèo, nhưng đồng thời cũng sâu xa cầu nguyện".
Bài Giảng của ÐTC Gioan Phaolô II trong Lễ Phong Chân Phước cho Mẹ Têrêsa Calcutta
1.- Ai muốn làm đầu trong các con phải làm đầy tớ của mọi người” (Mk 10:44). Những lời này của Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người lại vang vọng nơi công trường này mới cách đây ít lâu cho thấy con đường dẫn đến “mức độ cao cả” phúc âm. Đó là con đường chính Chúa Kitô đã theo cho tới cây thập giá; một cuộc hành trình yêu thương và phục vụ là nhũng gì đi ngược lại với tất cả mọi lý lẽ của con người. Trở thành nô lệ cho tất cả mọi người!
Mẹ Têrêsa Calcutta, vị sáng lập dòng Chư Thừa Sai Bác Ái, vị mà hôm nay đây Tôi hân hoan ghi danh vào sổ bộ chân phước, vị đã đi theo lý lẽ tôi tớ phục vụ này. Bản thân Tôi lấy làm biết ơn người phụ nữ can trường này, người phụ nữ Tôi cảm thấy lúc nào cũng kề cận bên Tôi. Là hình ảnh của một người Samaritanô Nhân Lành, Mẹ đã đi khắp nơi để phục vụ Chúa Kitô nơi thành phần nghèo khổ nhất trong những người nghèo. Chẳng có một thứ xung đột nào và một thứ chiến tranh nào có thể cản ngăn bước tiến của Mẹ.
Từ đó đến nay, Mẹ vẫn hằng nói với Tôi về các cảm nghiệm của Mẹ trong việc phục vụ các giá trị của phúc âm. Chẳng hạn Tôi nhớ đến những gì Mẹ nói khi Mẹ lãnh Giải Thưởng Hòa Bình Nobel: “Nếu quí vị nghe thấy có người đàn bà nào không muốn sinh con và muốn phá thai, xin hãy cố thuyết phục chị ta mang đến cho tôi đứa bé ấy. Tôi sẽ yêu thương bé, vì thấy nơi bé dấu hiệu hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa” (Oslo, Dec. 10, 1979).
2. Không phải ý nghĩa hay sao việc tuyên phong chân phước cho Mẹ đang được thực hiện vào chính ngày Giáo Hội cử hành Ngày Thế Giới Truyền Giáo? Bằng chứng từ phúc âm của cuộc sống mình, Mẹ Têrêsa nhắc nhở cho tất cả mọi người sứ vụ truyền bá phúc âm của Giáo Hội được thể hiện qua đức bác ái, một đức bác ái được bồi dưỡng bằng nguyện cầu và lắng nghe Lời Chúa. Biểu hiệu cho đường lối truyền giáo này là bức ảnh họa vị tân chân phước, một tay nắm tay của một thơ nhi và một tay cầm cỗ tràng hạt.
Chiêm niệm và hoạt động, truyền bá phúc âm hóa và cổ võ nhân bản: Mẹ Têrêsa loan báo Phúc Âm bằng đời sống Mẹ hoàn toàn dấn thân cho người nghèo, nhưng đồng thời cũng sâu xa cầu nguyện.
3. “Ai muốn làm lớn trong các con thì phải làm tôi tớ của các con” (Mk 10:43). Chúng ta hôm nay nhớ đến Mẹ Têrêsa với một cảm xúc đặc biệt, nhớ đến một người đại tôi tớ của người nghèo, của Giáo Hội và của toàn thể thế giới. Đời sống của Mẹ là một chứng từ cho phẩm giá và đặc ân của việc khiêm hạ phục vụ. Mẹ đã muốn chẳng những là người hèn mọn nhất mà còn là người tôi tớ của thành phần hèn mọn nhất nữa. Là người mẹ thực sự của người nghèo, Mẹ đã cuí mình xuống trên những ai chịu đựng các thứ hình thức nghèo khổ. Cái cao cả của Mẹ là ở khả năng Mẹ cho đi mà không tính đến cái giá phải trả, ban phát “cho đến độ đau đớn”. Đời sống của Mẹ là một cuộc sống Phúc Âm hết mình và là cuộc hiên ngang loan báo Phúc Âm.
Tiếng kêu của Chúa Giêsu trên cây thập giá “Ta khát” (Jn 19:28), một lời kêu than bộc lộ cho thấy Thiên Chúa hết sức khát mong con người, đã thấm nhập vào tâm hồn Mẹ Têrêsa và gặp được một mảnh đất phì nhiêu nơi lòng trí của Mẹ. Việc làm giãn cơn khát yêu thương và các linh hồn của Chúa Giêsu trong sự liên hợp với Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, đã trở thành mục đích duy nhất của cuộc sống Mẹ Têrêsa và là động lực nội tâm thúc đẩy Mẹ bung mình ra, khiến Mẹ “vội vã” bôn ba khắp thế giới hoạt động cho phần rỗi và sự thánh hóa của thành phần nghèo khổ nhất trong các người nghèo.
4. “Khi các ngươi làm cho một trong thành phần hèn mọn nhất trong anh em Ta là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 25:40). Sứ điệp Phúc Âm này, một sứ điệp rất quan trọng để hiểu được việc Mẹ Têrêsa phục vụ người nghèo, là nền tảng cho niềm xác tín đầy tin tưởng của Mẹ đến nỗi khi đụng chạm đến những thân xác tan nát của người nghèo là Mẹ sờ chạm tới thân mình của Chúa Kitô. Chính Chúa Giêsu, ẩn mình dưới bộ mặt buồn thảm của thành phần nghèo nhất trong các người nghèo là mục tiêu cho việc phục vụ của Mẹ nhắm đến. Mẹ Têrêsa đã làm sáng tỏ ý nghĩa sâu xa nhất của việc phục vụ, một tác động yêu thương, một hành động làm cho người đói, kẻ khát, người lạ, kẻ trần trụi, người bệnh, kẻ tù phạm (x Mt 25:34-36) là làm cho chính Chúa Giêsu.
Vì nhìn nhận thấy Người như thế, Mẹ đã thi hành bằng cả tấm lòng mộ mến của Mẹ đối với Người, bộc lộ cho thấy tính cách âu yếm nơi tình yêu phu thê của Mẹ. Như thế, bằng việc hoàn toàn hy hiến bản thân mình cho Thiên Chúa cũng như cho tha nhân, Mẹ Têrêsa đạt được mức độ thành toàn cao cả nhất và đã sống những tính chất quí giá nhất về nữ tính của Mẹ. Mẹ muốn là dấu chứng cho “tình yêu của Thiên Chúa, sự hiện diện của Thiên Chúa, lòng cảm thương của Thiên Chúa”, nhờ đó nhắc nhở tất cả mọi người giá trị và phẩm vị của mỗi một người con Chúa “được dựng nên để yêu thương và được yêu thương”. Bởi vậy Mẹ Têrêsa đã “mang các linh hồn về cho Thiên Chúa và đưa Thiên Chúa đến cho các linh hồn”, cũng như đã làm giãn cơn khát của Chúa Kitô, nhất là con khát đối với những người khẩn thiết nhất, những người có nhãn quan về Thiên Chúa đã bị lu mờ bởi khổ đau và đớn đau.
5. “Con Người đến để hiến mạng sống mìng làm giá chuộc cho nhiều người” (Mk 10:45). Mẹ Têrêsa đã thông phần cuộc khổ nạn của Đấng Chịu Đóng Đanh, một cách đặc biệt trong những năm dài sống trong “tăm tối nội tâm”. Cuộc thử thách này có những lúc rất gắt gao mà Mẹ đã chấp nhận như ‘tặng ân và đặc ân” chuyên biệt.
Trong những giờ phút tối tăm nhất, Mẹ đã thiết tha nguyện cầu hơn nữa trước Thánh Thể. Cuộc thử thách dữ dội này đã khiến Mẹ nhận thấy mình hơn bao giờ hết giống hệt như thành phần Mẹ phục vụ hằng ngày, bằng cảm nghiệm đớn đau và có những lúc bị loại trừ. Mẹ thích lập đi lập lại rằng tình trạng bần cùng nhất là tình trạng bị bỏ rơi, tình trạng không được ai chú ý chăm sóc cho anh chị em.
6. “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ân sủng của Chúa, chúng con hy vọng nơi Chúa!”. Như tác giả Thánh Vịnh, biết bao nhiều lần, trong những giây phút lẻ loi cô quạnh nội tâm, Mẹ Têrêsa cũng đã lập lại cùng Chúa của Mẹ rằng: “Lạy Chúa Trời con, con trông cậy nơi Chúa, con cậy trông nơi Ngài!”.
Chúng ta hãy ca ngợi người phụ nữ nhỏ bé phải lòng Thiên Chúa này, vị sứ giả khiêm hạ của Phúc Âm đây, và là một vị ân nhân không ngừng của nhân loại. Chúng ta tôn kính nơi Mẹ một con người nổi bật nhất trong thời đại của chúng ta. Chúng ta hãy chấp nhận sứ điệp của con người này và hãy noi theo gương của con người ấy.
Hỡi Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các Thánh, xin giúp chúng con biết hiền lành và khiêm nhượng trong lòng như vị sứ giả can đảm của Tình Yêu này. Xin Mẹ giúp chúng con biết phục vụ một cách vui tương và tươi cười hết mọi người chúng con gặp gỡ. Xin Mẹ giúp chúng con được trở thành những nhà thừa sai của Chúa Kitô, của hòa bình và của niềm hy vọng của chúng con. Amen!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 19/10/2003
? Mẹ Têrêsa Calcutta: Tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu
Nhân dịp lễ phong chân phước cho Mẹ Têrêsa Calcutta, Văn Phòng Cử Hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha đã công bố tiểu sử sau đây về vị tân chân phước.
“Về huyết nhục thì tôi là người Albany. Theo tính cách công dân thì tôi là một người Ấn Độ. Với đức tin thì tôi là một nữ tu Công Giáo. Theo ơn gọi của mình thì tôi thuộc về thế giới. Với tâm hồn của mình thì tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu”. Với một thân mình nhỏ con, một đức tin sắt đá, Mẹ Têrêsa Calcutta được úy thác cho sứ mạng truyền bá tình yêu khát khao của Thiên Chúa cho nhân loại, nhất là cho thành phần nghèo nhất trong thành phần nghèo khổ. “Thiên Chúa vẫn yêu thương thế gian và Ngài gửi anh chị em và tôi đến làm tình yêu của Ngài và lòng xót thương của Ngài đối với người nghèo”. Mẹ là một tâm hồn đầy tràn ánh sáng Chúa Kitô, cháy lửa mến yêu Người và bừng bừng một ước mong duy nhất đó là “làm giãn cơn khát yêu thương và các linh hồn của Người”.
Vị sứ giả ánh sáng này của tình yêu Thiên Chúa được sinh vào đời ngày 26/8/1910 ở Skopje, Albania, một thành phố tọa lạc ở giao điểm lịch sử Balkan. Người con trẻ nhất này được sinh ra bởi hai vị thân sinh Nikola và Drane Bojaxhiu này được rửa tội với tên là Gonxha Agnes, được Rước Lễ Lần Đầu lúc 5 tuổi rưỡi và chịu phép Thêm Sức vào tháng 11/1916. Từ ngày Rước Lễ Lần Đầu, tình yêu các linh hồn đã triển nở trong tâm hồn bé. Bé mất cha bất ngờ khi mới lên tám. Bà mẹ góa kiên cường nuôi con cái, và đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính nết cùng ơn gọi của bé. Ngoài ra, đời sống đạo của bé cũng được nâng đỡ bởi cả vị linh mục Dòng Tên coi xứ Thánh Tâm là nơi bé sinh hoạt nữa.
Vào năm 18 tuổi, được thúc đẩy bởi ý định trở thành một nhà truyền giáo, cô Gonxha đã bỏ gia đình vào tháng 9/1928 để dâng mình cho Chúa trong Dòng Trinh Nữ Maria, tức tu hội Nữ Tu Loreto ở Ái Nhĩ Lan. Tại đây chị được đặt tên là Nữ Tu Maria Têrêsa theo Thánh Nữ Therese Hài Đồng Giêsu. Vào tháng 12 cùng năm, chị này lên đường đi Ấn Độ, tới Calcutta ngày 6/1/1929. Sau khi khấn lần đầu vào tháng 5/1931, Nữ Tư Têrêsa được chỉ định đến cộng đồng Loreto Entally ở Calcutta và dạy học ở Trường Thánh Maria phái nữ. Vào ngày 24/5/1937 Nữ Tu này khấn trọn, để trở thành, như chị nói, “hôn thê của Chúa Giêsu” cho “đến muôn đời bất tận”. Từ đó trở đi, chị được gọi là Mẹ Têrêsa. Mẹ tiếp tục dạy học ở Trường Thánh Maria và làm hiệu trưởng của trường này vào năm 1944. Là một con người sâu xa cầu nguyện và hết sức yêu thương chị em dòng cũng như học sinh của mình, 20 năm sống trong dòng Loreto Mẹ cảm thấy thật là hạnh phúc. Nổi tiếng là bác ái, vị tha và can đảm, khả năng chịu khó và có óc tổ chức, Mẹ đã sống trọn cuộc sống tận hiến của mình cho Chúa Giêsu, giữa chị em đồng tu, một cách trung thành và vui vẻ.
Vào ngày 10/9/1946, trên chuyến xe lửa từ Calcutta tới Darjeeling để dự tuần phòng hằng năm, Mẹ Têrêsa đã được “ơn soi động”, một “ơn gọi trong ơn gọi” của Mẹ. Hôm ấy, Mẹ đã ở trong một trạng thái mà Mẹ không bao giờ giải thích, cơn khát yêu thương và các linh hồn của Chúa Giêsu chiám đoạt tâm hồn Mẹ, và ước muốn làm giãn cơn khát của Người trở thành mãnh lực chi phối cuộc sống của Mẹ. Những tháng ngày sau đó, bằng những ngôn xướng và thị kiến nội tâm, Chúa Giêsu đã tỏ cho Mẹ biết ý của Trái Tim Người muốn có “những mồi ngon của tình yêu”, thành phần “chiếu tỏa tình yêu của Người trên các linh hồn”. Người đã nài xin Mẹ: “Hãy đến để làm ánh sáng của Cha. Cha không thể đi một mình”.
Người đã tỏ cho Mẹ biết cái đau đớn của Người nơi thành phần nghèo khổ bị bỏ rơi, niềm sầu thương của Người ở chỗ vô tri của họ và niềm khát vọng được họ yêu mến. Người đã xin Mẹ Têrêsa hãy thành lập một cộng đoàn tu trì, Dòng Thừa Sai Bác Ái, dấn thân phục vụ thành phần nghèo nhất trong các người nghèo. Gần hai năm trời bị thử thách và nhận thức qua đi trước khi Mẹ được phép bắt đầu khởi sự. Vào ngày 17/8/1948, lần đầu tiên Mẹ mặc bộ sari trắng viền xanh dương và bước qua cổng tu viện Loreto thân yêu để tiến vào thế giới người nghèo.
Sau một khóa huấn luyện ngắn với Các Nữ Tu Thừa Sai Y Khoa ở Patna, Mẹ Têrêsa trở về Calcutta và tìm một trú cư tạm thời với Các Sư Tỷ Nghèo. Vào ngày 21/12 lần đầu tiên Mẹ đi đến những khu nhà ổ chuột. Mẹ đã viếng thăm các gia đình, rửa các vết ghẻ lở cho một số trẻ em, chăm sóc cho một người già nằm bệnh trên đường phố và thuốc men cho một người đàn bà đang chết đói và bị lao phổi. Mẹ bắt đầu mỗi ngày bằng việc rước lấy Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể và rồi lên đường, tay cầm tràng hạt, để tìm kiếm và phục vụ Ngài nơi “thành phần không được chú ý tới, không được yêu thương, không được chăm sóc“. Sau mấy tháng, Mẹ được những học sinh của Mẹ trước đó, từng người một, đến tham gia cộng tác với Mẹ.
Ngày 7/10/1950, hội dòng mới Chư Thừa Sai Bác Ái đã được chính thức thành lập tại TGP Calcutta. Vào đầu thập niên 1960, Mẹ Têrêsa bắt đầu gửi các Nữ Tu dòng của Mẹ đi đến các vùng khác ở Ấn Độ. Sắc Lệnh Ca Ngợi do Đức Thánh Cha Phaolô VI ban gửi cho hội dòng của Mẹ đã khuyến khích Mẹ mở một nhà ở Venezuela. Chẳng bao lâu sau những nhà khác được thành hình ở Rôma và Tanzania, rồi dần dần ở hết mọi lục địa. Bắt đầu từ năm1980 và liên tục qua thập niên 1990, Mẹ Têrêsa đã mở những nhà ở hầu hết mọi quốc gia cộng sản, bao gồm cả ở Khối Hiệp Nhất Sô Viết trước đây, Albania và Cuba.
Để đáp ứng hơn nữa cho cả nhu cầu về thể lý cũng như thiêng liêng, năm 1963 Mẹ Têrêsa đã lập hội dòng Thừa Sai Chư Huynh Bác Ái, năm 1976 ngành chiêm niệm cho các Nữ Tu, năm 1979 ngành Chư Huynh Chiêm Niệm, và năm 1984 Thừa Sai Chư Phụ Bác Ái. Tuy nhiên, ơn soi động của Mẹ không giới hạn vào những ai theo đuổi ơn gọi tu trì mà thôi. Mẹ đã thành lập tổ chức Đồng Cán Sự của Mẹ Têrêsa cũng như Đồng Cán Sự Phục Vụ Bệnh Nhân và Đau Khổ, những người thuộc nhiều tín ngưỡng và quốc tịch được Mẹ chia sẻ tinh thần cầu nguyện của Mẹ, tinh thần giản dị đơn sơ của Mẹ, tinh thần hy sinh của Mẹ và tinh thần tông đồ thực hiện những việc làm yêu thương khiêm tốn của Mẹ. Tinh thần này sau đó đã tác động nên Chư Thừa Sai Giáo Dân Bác Ái. Để đáp lại những lời yêu cầu của nhiều linh mục, vào năm 1981, Mẹ Têrêsa cũng đã bắt đầu Phong Trào Chúa Kitô cho Các Linh Mục như là một “đường lối thánh thiện nhỏ bé” cho những vị muốn tham dự vào đặc sủng và tinh thần của Mẹ.
Trong những năm phát triển nhanh này, thế giới bắt đầu chú ý tới Mẹ Têrêsa và công việc Mẹ đã khởi công thực hiện. Nhiều bằng tưởng thưởng, bắt đầu là Bằng Tưởng Thưởng Padmashiri Ấn Độ vào năm 1962, nhất là Giải Hòa Bình Nobelnăm 1979, đã tôn vinh công cuộc của Mẹ, khiến cho giới truyền thông lưu ý và bắt đầu theo dõi các sinh hoạt của Mẹ. Mẹ đã lãnh nhận cả các thứ giải thưởng và sự chú trọng “vì vinh quang Thiên Chúa và nhân danh kẻ nghèo”.
Suốt cuộc đời và lao nhọc của Mẹ Têrêsa đều chứng tỏ cho thấy niềm vui của yêu thương, sự cao cả và phẩm giá của hết mọi con người, giá trị của những điều nhỏ mọn được trung thành thực hiện vì yêu mến, và giá trị siêu việt của tình bằng hữu với Thiên Chúa. Thế nhưng còn một phương diện anh hùng khác về người nữ cao cả này đã được tỏ lộ chỉ sau khi người nữ ấy qua đời. Khuất kín trước mắt của tất cả mọi người, ngay cả với những người thân cận nhất với Mẹ, đó là đời sống nội tâm của Mẹ, đầy những cảm nghiệm đau thương sâu đậm liên lỉ của tình trạng bị xa lìa Thiên Chúa, thậm chí bị Ngài loại bỏ, mà lại cứ càng khát vọng tình yêu của Ngài. Mẹ đã gọi cảm nghiệm nội tâm này là “bóng tối tăm”. “Đêm tối đau thương” của linh hồn Mẹ ấy, được bắt đầu vào khoảng thời gian Mẹ khởi sự hoạt động cho người nghèo và đã tiếp tụccho đến hết đời của Mẹ, đã khiến Mẹ tiến đến chỗ được hiệp nhất sâu xa với Thiên Chúa hơn bao giờ hết. Nhờ bóng tối tăm Mẹ đã tham dự một cách lạ lùng vào cơn khát của Chúa Giêsu, vào khát vọng đau thương bừng cháy yêu thương của Người, và Mẹ đã tham dự vào nỗi cô đơn hiu quạnh nội tâm của thành phần nghèo khổ.
Trong những năm cuối đời của mình, mặc dù có những trục trặc trầm trọng về sức khỏe, Mẹ Têrêsa vẫn tiếp tục coi sóc Hội Dòng của Mẹ và đáp ứng các nhu cầu của người nghèo cũng như của Giáo Hội. Vào năm 1997, con số nữ tu dòng của Mẹ gần 4 ngàn và đã thiết lập được 610 nhà ở 123 quốc gia trên thế giới. Vào 3/1997, Mẹ đã chúc lành cho vị thừa kế mới được tuyển bầu của mình làm Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Chư Thừa Sai Bác Ái, để rồi thực hiện nhiều chuyến xuất ngoại hơn. Sau khi gặp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lần cuối cùng, Mẹ đã trở về Calcutta và sống những tuần lễ cuối cùng của mình tiếp đón các khách viếng thăm và chỉ dẫn cho các Nữ Tu của Mẹ. Vào ngày 5/9, Mẹ đã chấm dứt cuộc sống trần gian. Mẹ đã được vinh dự chôn cất theo quốc táng do chính quyền Ấn Độ thực hiện, và thi thể của Mẹ được an táng tại Nhà Mẹ Dòng Thừa Sai Bác Ái. Mộ của Mẹ trở thành một địa điểm hành hương mau chóng và là nơi cầu nguyện cho dân chúng thuộc đủ mọi tín ngưỡng, giầu cũng như nghèo. Mẹ Têrêsa đã để lại chứng từ của một đức tin bất khả chuyển lay, một niềm hy vọng bất khuất và một đức ái phi thường. Việc Mẹ đáp lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu “hãy đến làm ánh sáng của Cha”, làm Mẹ trở thành một vị Thừa Sai Bác Ái, thành “mẹ của người nghèo”, làm biểu hiện của lòng xót thương trước thế giới, và là một chứng từ sống động cho tình yêu khát khao của Thiên Chúa.
Không đầy hai năm sau khi qua đời, căn cứ vào tiếng tăm thánh đức lẫy lừng của Mẹ cùng với những thuận lợi xẩy ra, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho phép tiến hành việc phong thánh cho Mẹ. Ngày 20/12/2002, Ngài đã chuẩn nhận sắc lệnh về các nhân đức anh hùng và phép lạ của Mẹ.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 17/10/2003
”Như Mẹ, chúng ta cũng có thể là những vị thánh”
Phỏng vấn với Mẹ Bề Trên Tổng Quyền thừa kế Mẹ Têrêsa Calcutta
Sau đây là tâm tình của vị nữ tu thừa nhiệm của vị tân chân phước Têrêsa Calcutta trong dịp Giáo Hội tuyên phong vị sáng lập của nữ bề trên này. Theo nữ bề trên tổng quyền đây thì việc phong chân phước cho Mẹ Têrêsa Calcutta là “dấu chứng tỏ là chúng ta tất cả đều có thể làm thánh”.
Nữ Bề Trên Tổng Quyền Dòng Chư Thừa Sai Bác Ái Nirmala Joshi này được sinh ra ở Ranchi năm 1934 từ một gia đình thuộc giai cấp Brahmin (tư tế) di dân từ Nepal. Người nữ tu thừa nhiệm này đã bỏ Ấn Giáo theo Kitô Giáo vào năm 24 tuổi, và đã theo chân người nữ đã giúp cho chị khám phá ra được Chúa Kitô. Chị là một trong những người đầu tiên của dòng Chư Thừa Sai Bác Ái thành lập những nhà cho hội dòng này ở hải ngoại, ngoài Ấn Độ, đó là ở Panama. Sau đó, chị đã hướng việc truyền giáo đến Âu Châu và Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Khi Mẹ Têrêsa thành lập ngành chiêm niệm cho hội dòng năm 1976, chị đã được Mẹ ủy thác cho việc trông coi ngành này. Vào tháng 3/1997, tức 6 tháng trước khi vị sáng lập qua đời, chị nữ tu Nirmala đã được tuyển bầu kế nhiệm lãnh đạo toàn hội dòng Chư Thừa Sai Bác Ái.
Vấn Mẹ bề trên đã gặp Mẹ Têrêsa như thế nào?
Đáp Vào tháng 3/1958. Tôi đến gõ cửa và một chị đã ra nhìn tôi. Tôi nói với chị rằng tôi muốn nói chuyện với Mẹ Têrêsa. Nhìn Mẹ, điều đầu tiên in vào lòng tôi là đôi mắt của Mẹ. Tôi nghĩ “con người này không thuộc về trái đất này; bà thuộc về trời cao”.
Vấn Việc Mẹ Têrêsa được phong chân phước mang lại cho Mẹ Bề Trên một ý nghĩa ra sao?
Đáp Nó là một xác quyết rằng cuộc đời Mẹ đã sống được Thiên Chúa hài lòng và Mẹ đáng được nâng lên bàn thờ của thành phần chân phước. Ngoài ra, nó còn là một động lực phấn khởi cho tất cả chúng ta: Như Mẹ, chúng ta cũng có thể là những vị thánh; tất cả chúng ta đều có thể làm thánh. Chúng ta có một vị ở trên cao chúng ta có thể nhìn ngắm, vị có những nhân đức đáng bắt chước.
Vấn Mẹ Têrêsa đã gọi Mẹ Bề Trên là “người biện hộ cho người nghèo”, vì Mẹ Bề Trên có bằng cấp về luật.
Đáp Chính Mẹ Têrêsa bảo tôi học luật. Khi tôi đến Calcutta, tôi đã xong việc học đại học của mình. Tôi cần đi về ngành chuyên môn. Sau khi khấn lần đầu, Mẹ Têrêsa bảo tôi học về luật khoa. Mặc dù có bằng cấp những tôi chua7 thực tập. Ngay kia tôi hỏi Mẹ: ‘Tại sao Mẹ muốn con học luật?’ Mẹ đáp: ‘Con muốn học luật, nhưng con đến đây gặp Mẹ và con đã bỏ việc học vấn của con. Mẹ muốn phục hồi lại cho con những gì con đã từ bỏ’. Mẹ còn nói với tôi rằng: ‘Con đang thực tập luật con theo học, nhưng không phải nơi tòa án trần gian mà là ở Tối Cao Pháp Viện của Thiên Chúa, ở trên trời, bằng việc áp dụng lề luật tối cao là đức bác ái. Nhờ đó, khi bênh vực quyền lợi của thành phần nghèo nhất trong các người nghèo trước nhan Chúa là con đang áp dụng luật bác ái này vậy’.
Vấn Mẹ Bề Trên đã từng lãnh đạo ngành chiêm niệm của hội dòng. Theo Mẹ Bề Trên thì giữa chiêm niệm và hoạt động khác nhau như thế nào?
Đáp Hoạt động là hoa trái của chiêm niệm. Khi chúng ta kết hợp với Thiên Chúa trong chiêm niệm là chúng ta lãnh nhận một thứ ánh sáng và tình yêu chúng ta cần và là những gì chúng ta có thể sử dụng để phục vụ những người khác.
Vấn Những giây phút cuối cùng của cuộc đời Mẹ Têrêsa còn in ấn gì nơi Mẹ Bề Trên hay chăng?
Đáp Khi Mẹ Têrêsa đang chiến đấu với tử thần thì tôi đến gặp Mẹ ở phòng của Mẹ, và Mẹ đã nói với tôi rằng: ‘Mẹ không thở được!’ Bấy giờ tôi kêu các chị khác đến giúp: ‘Mẹ không thở được rồi!’ Họ tới và tôi rời căn phòng ấy. Thế rồi tôi trở lại, Mẹ đã nhìn tôi bằng một cái nhìn van nài, như thể muốn nói với tôi rằng ‘Hãy cứu Mẹ!’ Nó giống như một lời năn nỉ. Con có hiểu chăng? Tôi nghĩ: ‘Cái đầu tiên in ấn vào tâm khảm tôi là đôi mắt của Mẹ, là cái nhìn của Mẹ’. Chính vào lần cuối cùng này mà chúng tôi nhìn nhau khi Mẹ còn sống.
Vấn Mẹ Bề Trên có nhớ một đoạn đặc biệt nào trong ngày an táng Mẹ hay chăng?
Đáp Không phải là một đoạn mà cả biến cố này. Cách thức cuộc an táng này đã thu hút hết mọi dân nước, văn hóa và tầng lớp xã hội. Mẹ đã chết, nhưng Mẹ còn sống hơn bao giờ hết. Mẹ đã mang tất cả những dân tộc này lại với nhau! Thật là tuyệt vời. Tôi cũng hết sức ngạc nhiên trước dân chúng ở Calcutta. Đám đông dân chúng đi qua đi lại … cuối cùng, khi chúng tôi trở về nhà mẹ, dân chúng theo đám tang kêu lên: ‘Mẹ Têrêsa, Mẹ muôn năm! Chúng con sẽ không bao giờ quên Mẹ đâu!” Thật là cảm động.
Vấn Mẹ Têrêsa có trăn trối gì cho Mẹ Bề Trên khi Bà ủy thác việc lãnh đạo hội dòng này cho Mẹ?
Đáp Không, không có gì đặc biệt cả. Lời khuyên nhủ liên lỉ của Mẹ là: ‘Hãy vun trồng tình thân mật với Thiên Chúa; hãy vun trồng sự thánh thiện của các con, và hãy yêu thương nhau’.
Vấn Cái khác nhau của việc làm bề trên của hội dòng này khi Mẹ Têrêsa còn sống và hiện nay như thế nào?
Đáp Hiển nhiên là khi Mẹ Têrêsa còn sống về thân xác với chúng tôi thì dễ dàng hơn, tôi lúc nào cũng có thể dựa vào Mẹ. Tuy nhiên, mặc dù Mẹ không còn ở với chúng tôi nữa về thể lý, tất cả chúng tôi đều tin tưởng về sự hiện diện của Mẹ giữa chúng tôi. Đây không còn là vấn đề hiện diện thể lý mà là thiêng liêng; chúng tôi lại có thể chạy đến với Mẹ, xin Mẹ giúp chúng tôi giải quyết các thứ vấn đề. Ở một nghĩa nào đó, Mẹ giờ đây còn có thể giúp chúng tôi hơn trước nữa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo Zenit ngày 19/10/2003