GIÁO HỘI HIỆN THẾ
_______
THỨ NĂM 6/9/2007 TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN |
? Mẹ Têrêsa Calcutta: Cuộc Đời và Sứ Vụ
? Mẹ Têrêsa Calcutta: Huân Công và Sự Nghiệp
? Mẹ Têrêsa Calcutta: Danh Ngôn của Mẹ Têrêsa và Nhận định của ĐTC Gioan Phaolô II
Mẹ Têrêsa Calcutta: Cuộc Đời và Sứ Vụ
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
Trích Dịch Từ Màn Điện Toán Của Văn Phòng Tín Liệu Phong Chân Phước Cho Mẹ
Têrêsa Calcutta
HTTP://WWW.MOTHERTERESACAUSE.INFO/
Agnes Gonxha Bojaxhiu, sau này là Mẹ Têrêsa, vào đời ngày 26/8/1910 ở Skopje, Macedonia, theo huyết tộc Alnania. Cha của bé là một thương gia được trọng vọng ở địa phương, qua đời khi bé mới được 8 tuổi, để lại mẹ của bé, một người phụ nữ sốt sắng đạo hạnh, làm nghề thêu thùa như kế sinh nhai cho gia đình. Sau thời gian niên thiếu hiết sức tham gia các hoạt động giáo xứ, Agnes đã rời gia đình vào tháng 9/1928 để nhập Nữ Tu Viện Loreto ở Rathfarnam (Dublin), Ái Nhĩ Lan, nơi cô đã được trở thành thử sinh ngày 12/10 và mang tên Têrêsa, tên của vị thánh quan thày là Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.
Thử sinh Agnes đã được nhà dòng Loreto sai đến Ấn Độ, tới Calcutta ngày 6/1/1929. Khi đến nơi, chị thử sinh này nhập tập viện ở Darjeeling. Chị tập sinh này đã khấn trọn đời như là một sơ dòng Loreto ngày 24/5/1937, và sau đó sơ được gọi là Mẹ Têrêsa. Trong thời gian sống ở Calcutta vào thập niên 1930 và 1940, sơ đã dạy ở Trường Trung Học đệ nhất cấp Bengali Thánh Mary.
Vào ngày 10/9/1946, trên chuyến xe lửa từ Calcutta đến Darjeeling, Mẹ Têrêsa đã nhận được điều Mẹ gọi là “ơn gọi trong ơn gọi”, một ơn gọi làm phát sinh ra gia đình Thừa Sai Bác Ái của các Sư Muội, Sư Huynh, Linh Mục và Cộng Tác Viên. Nội dung của ơn soi động này được thể hiện nơi mục đích và sứ vụ Mẹ phác họa cho cơ cấu mới của Mẹ, đó là “làm giản cơn khát vô cùng của Chúa Giêsu trên thập giá vì yêu thương vì các linh hồn”, bằng “việc tận lực hoạt động cho phần rỗi và sự thánh hóa của thành phần nghèo nhất trong các người nghèo”. Vào ngày 7/10/1950, hội dòng mới Thừa Sai Bác Ái được chính thức thành lập như là một tổ chức tu trì đối với Tổng Giáo Phận Calcutta.
Suốt thập niên 1950 và 1960, Mẹ Têrêsa đã phát triển công cuộc của hội dòng Thừa Sai Bác Ái cả ở Calcutta lẫn khắp Ấn quốc. Ngày 1/2/1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã ban Sắc Lệnh Khen Tặng cho Hội Dòng này bằng việc nâng hội dòng này lên cấp trực thuộc Tòa Thánh. Cơ sở đầu tiên được thành lập ngoài Ấn Độ ở Cocorote, Venezuela năm 1965. Hội dòng này lan tới Âu Châu (ở Tor Fiscale ngoại ô Rôma) và Phi Châu (Tabora, Tanzania) năm 1968.
Từ hậu bán thập niên 1960 cho đến năm 1980, hội dòng Thừa Sai Bác Ái phát triển cả về địa dư khắp thế giới lẫn về nhân số phần tử. Mẹ Têrêsa đã thành lập những nhà ở Úc Đại Lợi, ở Trung Đông và Bắc Mỹ Châu, cũng như mở nhà tập đầu tiên ở Luân Đôn ngoài Calcutta. Năm 1979, Mẹ được giải thưởng Nobel Hòa Bình. Cũng trong năm nay đã có tới 158 cơ sở của hội dòng Thừa Sai Bác Ái.
Hội dòng Thừa Sai Bác Ái lan tới các nước Cộng sản vào năm 1979, với một nhà ở Zagreb, Croatia, và vào năm 1980 một nhà ở Đông Bá Linh, cứ thể tiếp tục phát triển suốt thập niên 1980 và 1990 với những nhà ở hầu như tất cả mọi quốc gia Cộng sản, kể cả 15 cơ sở ở Liên Sô trước đây. Tuy nhiên, cho dù đã nhiều lần cố gắng, Mẹ Têrêsa cũng không thể thiết lập một cơ sở nào ở Trung Hoa.
Mẹ Têrêsa đã nói trước Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 10/1985, dịp kỷ niệm thành lập 40 năm của tổ chức này. Vào ngày áp Lễ Giáng Sinh cùng năm, Mẹ đã mở “Món Quà Yêu Thương” ở Nữu Ước, nhà đầu tiên Mẹ đã thiết lập cho các bệnh nhân bị chứng liệt kháng AIDS. Những năm sau đó các nhà khác theo nhau xuất hiện, ở Hiệp Chủng Quốc cũng như ở các nơi khác, đặc biệt dấn thân cho những ai mắc hội chứng liệt kháng này.
Từ cuối thập niên 1980 tới hết thập niên 1990, mặc dù tăng phát vấn đề sức khỏe, Mẹ Têrêsa cũng du hành khắp thế giới về vấn đề khấn hứa của các tập sinh, vấn đề mở các nhà mới, cũng như vấn đề phục vụ thành phần nghèo khổ và gặp tai ương hoạn nạn. Những cộng đồng mới được thành lập ở Nam Phi Châu, ở Albania, Cuba và Iraq tàn khốc chiến tranh. Cho tới năm 1997, con số Nữ Tu lên đến gần 4 ngàn phần tử, và được thiết lập ở hầu hết 600 cơ sở ở 123 quốc gia trên thế giới.
Sau một mùa thu đi đến Rôma, Nữu Ước và Washington, với tình trạng sức khỏe suy yếu, Mẹ Têrêsa trở lại Calcutta vào tháng 7/1997. Vào lúc 9 giờ 30 tối ngày 5/9, Mẹ Têrêsa qua đời ở Nhà Mẹ của Hội Dòng. Thân thể của Mẹ được chuyển đến Nhà Thờ Thánh Tôma, gần nữ tu viện Loreto, nơi đầu tiên Mẹ đã đến Ấn Độ gần 69 năm trước. Hằng trăm ngàn người thuộc tất cả mọi tầng lớp và mọi tôn giáo, từ Ấn Độ cũng như ngoại quốc đã tỏ lòng ngưỡng mộ Mẹ. Mẹ đã được quốc táng vào Ngày Thứ Bảy 13/9/1997, thi thể của Mẹ đã được rước trên chiếc xe đã từng chở thi thể của Mahandas K. Gandhi và Jawaharlal Nehru, qua các đường phố Calcutta. Các vị tổng thống, thủ tướng, nữ hoàng và đặc sứ thay mặt quốc gia trên khắp thế giới đã hiện diện trong cuộc lễ an táng Mẹ.
|
Ngay còn tại thế, Mẹ Têrêsa Calcutta đã được tiếng là thánh thiện, là một vị thánh sống, một con người phi thường đối với con mắt của tín đồ Ấn giáo, một con người cứu nhân độ thế trước con mắt của tín đồ Phật giáo. Vì đời sống thánh thiện quá hiển nhiên của Mẹ như thế, đến nỗi, văn kiện tuyên phong chân phước cho Mẹ đã gọi Mẹ là “biểu hiệu của Đức Bác Ái Kitô giáo”, trường hợp của Mẹ đã không cần phải chờ đợi cho đến sau 5 năm qua đời theo qui định của Giáo Hội Công giáo. Sau đây là tiến trình phong thánh cho Mẹ, khởi đầu là bậc chân phước.
23/10/1997, tức mới có gần 2 tuần Mẹ qua đời, hay 10 ngày sau khi Mẹ được an táng, ĐTGM Henry D’Souza đã thỉnh nguyện Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh chuẩn chước cho trường hợp của Mẹ qui định thời hạn 5 năm sau khi qua đời, để ngài có thể bắt đầu những bước đòi hỏi đầu tiên ở giáo phận của ngài.
12/12/1998, Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh ban chuẩn chước cho vị TGM này.
19/3/1999, Các vị bề trên tổng quyền của dòng Các Thừa Sai Bác Ái chỉ định linh mục Brian Kolodiejchuk, MC, làm Cáo Thỉnh Viên thay họ làm việc trong tiến trình tuyên phong này.
8/4/1999, các ĐGM thuộc miền Tây Bengal Ấn Độ đồng ý Hồ Sơ Tuyên Phong trước hạn kỳ 5 năm.
21/4/1999, Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh chứng nhận không gì ngăn trở “Nihil Obstat” cho hồ sơ tuyên phong.
6/6/1999, Sơ M. Lynn Mascarenhas, MC, được chỉ định làm phó cáo thỉnh viên.
11/6/1999, vị cáo thỉnh viên nộp thỉnh nguyện lên ĐTGM Calcutta xin bắt đầu việc điều tra ở cấp giáo phận, đồng thời ngài cũng gửi kèm theo tiểu sử của Mẹ và danh sách các nhân chứng.
12/6/1999, ĐTGM công khai công bố thỉnh nguyện thư tuyên phong của cáo thỉnh viên và tuyên bố việc ngài bắt đầu Hồ Sơ Phong Chân Phước và Hiển Thánh cho Tôi Tớ Chúa là Mẹ Têrêsa Calcutta.
26/7/1999, Thánh Lễ Chính Thức Tiến Trình Tuyên Phong tại Nhà Thờ Thánh Maria ở Calcutta. ĐTGM đã ban hành lời thề cho 12 phần tử thuộc Nhóm Tìm Hiểu Của Giáo Phận. Thánh Lễ này mở màn cho giai đoạn nghiên cứu, phỏng vấn với những nhân chứng và xem xét các văn kiện và tài liệu liên quan đến đời sống và hoạt động của Mẹ Têrêsa. Công việc này được kết thúc vào tháng 8/2001, với 80 tập tài liệu, mỗi tập dầy khoảng 450 trang, để trình bày cho Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh.
15/8/2001, buổi kết thúc ở Nhà Thờ Thánh Maria về Việc Giáo Phận Tìm Hiểu Đời Sống, Nhân Đức và Tiếng Tăm Thánh Thiện của Mẹ Têrêsa Calcutta Đầy Tớ Chúa. Vị cáo thỉnh viên mang Các Việc Tìm Hiểu Của Giáo Phận đến Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh ở Rôma.
29/8/2001, Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh mở Hồ Sơ Các Việc Giáo Phận Tìm Hiểu Đời Sống, Nhân Đức và Tiếng Tăm Thánh Thiện của Mẹ Têrêsa Calcutta.
22/9/2001, Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh tuyên bố hiệu thành Việỉc Tìm Hiểu của Giáo Phận Calcutta và Những Lời Khai Nhân Chứng. Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh chỉ định Đức Ông José Luis Gutiérrez Gómez làm Tường Trình Viên.
26/4/2002, Điều Kiện Phong Thánh được hoàn tất và đệ trình lên Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh để cứu xét.
20/12/2002, tại Điện Vatican của Tòa Thánh, trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha, ĐHY Saraiva Martins đã công bố 17 sắc lệnh về 7 vị tân chân phước, 7 vị thánh mới và 3 vị đáng kính. Trong 7 vị tân chân phước có Mẹ Têrêsa Calcutta. Giáo Hội đã xác nhận việc khỏi chứng xưng bướu bao tử của chị Monika Besra, một chứng bệnh không thể mổ như các vị bác sĩ của chị cho biết, là một phép lạ do Mẹ Têrêsa làm để đáp lại lời cầu của chị phụ nữ Ấn Giáo này đã tin tưởng đặt bức ảnh của Mẹ lên chỗ dạ dầy của chị.
Mẹ Têrêsa Calcutta: Huân Công và Sự Nghiệp
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, Trích Dịch Từ Màn Điện Toán Của Văn Phòng Tín Liệu Phong Chân Phước Cho Mẹ Têrêsa Calcutta HTTP://WWW.MOTHERTERESACAUSE.INFO/
|
Trong số 124 Bằng Tưởng Thưởng Mẹ nhận được, trong đó có 10 bằng đặc biệt là:
1. Padmashree Award (từ Tổng
Thống Ấn Độ) 8/1962;
2. Pope John XXIII Peace Prize 1/1971;
3. John F. Kennedy International Award 9/1971;
4. Jawahalal Nehru Award for International Understanding 11/1972;
5. Templeton Prize for "Progress in Religion" 4/1973;
6. Nobel Peace Prize 12/1979;
7. Bharat Ratna (Jewel of India) 3/1980;
8. Order of Merit (từ Nữ Hoàng Elizabeth) 11/1983;
9. Gold Medal of the Soviet Peace Committee 8/1987;
10. United States Congressional Gold Medal 6/1997.
7/10/1950: Hội dòng Thừa Sai Bác Ái được chính thức hình thành trước Giáo quyền.
(Bấy giờ hội dòng mới có 12 người. Người đầu tiên theo Mẹ vào tháng 3/1949.
Người thừa kế đầu tiên thay Mẹ làm bề trên tổng quyền của cả hai ngành hoạt động
và chiêm niệm là Sơ M. Nirmala, MC).
25/3/1963: Ngành NamThừa Sai Bác Ái được chính thức thành hình ở Calcutta. (Cha
Ian Travers-Ball, SJ, dòng Tên đã gia nhập ngành này năm 1965, với tên gọi là Sư
Huynh Andrew, MC, và là bề trên tiên khởi của ngành nam. Bề trên tổng quyền của
ngành nam được gọi là Tổng Phục Vụ [The Servant General] và vị Tổng Phục Vụ hiện
nay là Sư Huynh Yesudas, MC)
3/1969: Ngành Cộng Tác Viên của Mẹ Têrêsa được chính thức bắt đầu. (Ngành này
bao gồm tất cả mọi giáo dân, thuộc đủ mọi tôn giáo, quốc gia và nếp sống, muốn
cùng với Mẹ Têrêsa làm giãn cơn khát yêu thương và các linh hồn của Thiên Chúa,
bằng việc hiến dâng cho Ngài tình yêu của họ và làm cho tình yêu của Ngài được
cảm nhận, cách riêng nơi thành phần nghèo nhất trong các người nghèo, nhất là
nơi những ai thuộc gia đình riêng của các phần tử ngành này. Ngành Cộng Tác Viên
giáo dân đây còn có thể được thực hiện bởi một người “Cộng Sự Viên Bệnh Nhân và
Đau Khổ” với một vị Thừa Sai Bác Ái).
25/6/1976: Ngành chiêm niệm Nữ được thành hình ở Nữu Ước. (Sứ vụ của các nữ tu
MC ngành chiêm niệm này là tìm kiếm các linh hồn nghèo nhất trong các người
nghèo qua việc tông đồ cầu nguyện, nhất là việc tôn thờ Thánh Thể, cũng như qua
các hoạt động tình thương về tinh thần)
19/3/1979: Ngành chiêm niệm Nam được thành hình ở Rôma. (Dưới sự hướng dẫn của
Cha Sebastian Vazhakala, MC, ngành nam chiêm niệm đã chính thức cộng nhận như
một hội dòng thuộc giáo phận ở Rôma vào năm 1993).
1980: Thành lập Phong Trào Thân Thể Chúa Kitô Cho Linh Mục (Corpus Christi
Movement for Priests) cho các vị linh mục muốn thông dự vào linh đạo của Mẹ.
(Cha Joseph Langford đã cộng tác vào việc này. Phong trào này đã tiếp tục lan
rộng nơi các linh mục triều trên khắp thế giới dưới sự lãnh đạo hiện nay của Cha
Pascual Cervera ở Nữu Ước. Ngoài ra, Mẹ Têrêsa còn muốn hỗ trợ các vị linh mục
hơn nữa bằng chương trình Veronica Intercessors For Priests - Verônica Chuyển
Cầu Cho Các Vị Linh Mục, một chương trình thừa nhận thiêng liêng giữa một vị
linh mục với một nữ tu hy sinh cầu nguyện cho ngài, theo chiều hướng của Chị
Thánh Têrêsa Nhỏ trước đây. Chương trình này đã được các vị giám mục cổ võ và
lan truyền đến nhiều dòng tu khác nhau).
16/4/1984: Ngành Thừa Sai Bác Ái Giáo Dân được thành hình. (Mục đích là để giáo
dân sống đời sống thiêng liêng được tổ chức theo đặc sủng của Mẹ Têrêsa).
|
13/10/1984: Ngành Thừa Sai Bác Ái Linh Mục được thành hình ở Bronx, Nữu Ước. (Cha Joseph Langford đã cộng tác vào việc thành lập ngành này. Mục đích của ngành này là để tạo cơ hội cho các vị linh mục phục vụ người nghèo nhất trong các người nghèo, giúp vào việc thiêng liêng cho gia đình Thừa Sai Bác Ái, cũng như để truyền bá linh đạo cùng sứ vụ của Mẹ Têrêsa. Ngành này đã trở thành một hội dòng thuộc giáo phận ở Tijuana, Mễ Tây Cơ năm 1992. Như thế, ngành nữ chiêm niệm và hoạt động chỉ là một dòng, thì ngành nam, kể cả Sư Huynh và Linh Mục, lại có ba dòng (ngành chiêm niệm Nam MC, ngành Sư Huynh MC và ngành Linh Mục MC). Nhưng tất cả đều có một mục đích duy nhất là thực hiện đặc sủng của Mẹ Têrêsa, người “Mẹ” duy nhất của tất cả các ngành, trong việc làm giãn cơn khát của Thiên Chúa, bằng đời sống thánh thiện cũng như bằng việc phục vụ phần rỗi và thánh hóa thành phần nghèo nhất trong các người nghèo).
Khi Mẹ Têrêsa qua đời 5/9/1997, tổng số Chị Em Thừa Sai Bác Ái là 3.914 ở 594 cộng đồng tại 123 quốc gia trên khắp thế giới. (Có thể vì nhiều ngành khác nhau như được kể đến trên đây mà con số này hơi khác với con số được Zenit phổ biến ngày 29/8/2003 như sau: “Vào năm 1997, năm đấng sáng lập qua đời, dòng này có 456 nhà ở 101 quốc gia, giờ đây, kể cả 10 nhà nguyên trong năm 2003 này, tất cả số nhà lên đến 710 ở 132 quốc gia. Theo niên giám 2003 của Tòa Thánh dòng này có 4.690 nữ tu kể cả tập sinh”).
Mẹ Têrêsa Calcutta: Danh Ngôn của Mẹ Têrêsa và Nhận định của ĐTC Gioan Phaolô II
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, Trích Dịch Từ Màn Điện Toán Của Văn Phòng Tín Liệu Phong Chân Phước Cho Mẹ Têrêsa Calcutta HTTP://WWW.MOTHERTERESACAUSE.INFO/
Danh Ngôn của Mẹ Têrêsa
Về Đức Bác Ái:
• “Hãy làm những sự bình thường với một tình yêu phi thường”.
• “Chúng ta hãy thương yêu nhau như Thiên Chúa đã yêu thương mỗi một người chúng
ta. Mà tình yêu này được bắt đầu ở đâu? Ở ngay gia đình của chúng ta. Nó được
bắt đầu ra sao? Ở việc cùng nhau cầu nguyện”.
• “Thiên Chúa đã bảo chúng ta rằng ‘Hãy yêu thương tha nhân như bản thân mình’.
Bởi vậy trước hết tôi phải yêu bản thân tôi một cách thích đáng, rồi yêu thương
tha nhân của mình như bản thân mình. Thế nhưng làm sao tôi có thể yêu bản thân
mình trừ phi tôi chấp nhận bản thân tôi như Thiên Chúa đã dựng nên tôi?”
• “Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta để yêu thương và được thương yêu, và đây
là khởi đầu của việc cầu nguyện, đó là biết rằng Ngài yêu thương tôi, tôi được
dựng nên cho những gì là cao cả”.
• “Những việc làm yêu thương bao giờ cũng là những việc làm hòa bình”.
Về gia đình
• “Gia đình cùng nhau cầu nguyện là gia đình cùng nhau chung sống, và nếu họ
cùng nhau chung sống họ sẽ yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương mỗi một
người trong họ”.
• “Con trẻ là quà tặng của Thiên Chúa ban cho gia đình. Mỗi một con trẻ được
dựng nên theo hình ảnh đặc biệt và tương tự như Thiên Chúa cho những sự cao cả,
đó là yêu thương và được thương yêu”.
Về tình đoàn kết
• “Điều tôi làm được quí vị lại không làm được. Điều quí vị có thể làm thì tôi
lại bất lực. Thế nhưng, cùng nhau chúng ta vẫn có thể làm một điều gì tuyệt vời
cho Thiên Chúa”.
Về hoạt động và chiêm niệm
• “Chúng ta không phải là những cán sự xã hội. Trước mắt một số người chúng ta
đang làm việc xã hội, nhưng chúng ta cần phải là những con người chiêm niệm giữa
lòng thế giới”.
Về sự thánh thiện
• “Thánh thiện không phải là vấn đề hào nhoáng của một số người; thánh thiện
chẳng qua chỉ là một nhiệm vụ đối với quí vị và đối với tôi mà thôi”.
Về cảm nghiệm phục vụ
“Vào một buổi tối kia, chúng tôi ra đường và thấy được 4 người. Một người trong
họ hết sức thê thảm. Tôi nói với các chị em rằng: ‘Các con hãy chăm sóc 3 người
kia; còn mẹ lo cho người tệ nhất ấy’. Thế là tôi đã làm tất cả những gì tình yêu
của tôi có thể làm cho người phụ nữ này. Tôi đặt người phụ nữ ấy lên giường và
chị đã nở ra một nụ cười tuyệt vời. Chị đã nắm lấy tay tôi nói lời duy nhất ‘cám
ơn Mẹ’, rồi chị qua đời. Tôi không thể nào không xét mình trước chị phụ nữ ấy.
Tôi ngẫm nghĩ: ‘Tôi sẽ nói gì nếu ở vào trường hợp của chị?’ Câu trả lời của tôi
rất dễ thôi. Tôi sẽ nói rằng: ‘Tôi đói khát, tôi chết mất, tôi lạnh lẽo, tôi đau
đớn’ hay một câu nào đó. Thế nhưng, chị đã cho tôi còn hơn thế nữa. Chị đã cho
tôi tấm lòng ưu ái tri ân của chị. Và chị đã chết với một nụ cười trên khuôn mặt.
“Sau đó chúng tôi đã nhặt được một người đàn ông ở một cái cống rãnh, một nửa
thân mình đã bị sâu bọ rúc rỉa, và sau khi chúng tôi đã mang ông ta vào nhà, ông
chỉ nói rằng: ‘tôi đã sống như một con thú trên đường phố, nhưng tôi sắp chết
như một thiên thần, được yêu thương và chăm sóc’. Đoạn, sau khi chúng tôi đã lấy
hết mọi thứ sâu bọ khỏi mình mẩy của ông, tất cả những gì ông nói với chúng tôi
kèm theo nụ cười tươi là ‘Sơ ơi, tôi sắp về cùng Thiên Chúa’, rồi ông tắt thở.
Thật là tuyệt vời khi chứng kiến thấy sự cao cả của con người đàn ông đã có thể
nói như thế mà không trách cứ bất cứ một ai, không so sánh bất cứ sự gì. Như một
thiên thần, đó là sự cao cả của con người phong phú về tinh thần ngay cả trong
lúc nghèo khổ về vật chất”.
Nhận định
(của ĐTC Gioan Phaolô
II)
|
• “Nơi nụ cười, lời nói và việc làm của Mẹ Têrêsa, Chúa Giêsu lại bước đi trên các nẻo đường thế giới như người Samaritanô Nhân Lành”.
• “Hành trình khắp các nẻo đường thế giới, Mẹ Têrêsa đã ghi dấu vết lịch sử thế kỷ của chúng ta: Mẹ đã can đảm bênh vực sự sống; Mẹ đã phục vụ tất cả mọi người, bao giờ cũng đề cao phẩm giá của họ và lòng trọng kính đối với họ; Mẹ làm cho ‘những ai bị mát mát sự sống’ cảm thấy sự êm ái dịu dàng của Thiên Chúa, cảm thấy Người Cha yêu thương tất cả mọi tạo vật của Ngài. Mẹ đã làm chứng cho Phúc Âm bác ái, một Phúc Âm được nuôi dưỡng bằng việc tự nguyện ban phát bản thân mình cho đến chết… Chớ gì gương sáng bác ái của Mẹ trở thành nguồn an ủi và đổi thay cho gia đình thiêng liêng của Mẹ, cho Giáo Hội cũng như cho toàn thể nhân loại”.
• “Chúng ta đã quá rõ đâu là bí mật của Mẹ, đó là Mẹ được tràn đầy Chúa Kitô, nhờ đó, Mẹ đã nhìn thấy mọi người với con mắt và bằng trái tim của Chúa Kitô… Bởi thế Mẹ đã không ngần ngại ‘thừa nhận’ người nghèo như con cái của Mẹ”.
• “Dân chúng thời đại chúng ta khâm phục Mẹ là điều không có gì lạ cả. Mẹ đã làm hiện thực một thứ tình yêu được Chúa Giêsu khẳng định như dấu hiệu làm nên thành phần môn đệ của Người: ‘Cứ dấu này mà mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thày, nếu các con yêu thương nhau’ (Jn 13:35)”.
• “Chúng ta đừng bao giờ quên tấm gương cao cả Mẹ Têrêsa để lại cho chúng ta, chúng ta đừng nhớ đến tấm gương này chỉ bằng lời nói mà thôi! Chúng ta hãy luôn can đảm lấy con người làm ưu tiên”.
|
“Mẹ Têrêsa đã sống cho người nghèo. Thế nhưng, giờ đây thế giới đã trở nên nghèo hơn nữa từ đó, từ tối ngày Thứ Sáu 5/9, tối Mẹ đã không thể chống trả nổi cuộc tấn cống cuối cùng của bệnh tim và đã chết tại nhà mà Mẹ và chị em của Mẹ đã sống ở Calcutta từ thập niên 1940. Mẹ hưởng thọ 87 tuổi và dung nhan của Mẹ, nhỏ nhắn như toàn thân của Mẹ, và hết sức nhăn nheo, đã trở thành một thứ tuyệt phẩm của đức bác ái cũng như của việc Mẹ hoàn toàn hiến thân cho kẻ khác. Mẹ được gọi là Mẹ của kẻ nghèo. Thế nhưng, ngay trong số các hình thức khác nhau của bần cùng, Mẹ Têrêsa đã sống đến mức độ tận cùng, như tình của Mẹ đã triệt để và hoàn toàn yêu Chúa Kitô. Mẹ đã muốn sống với thành phần nghèo nhất trong các người nghèo, và trong cuộc tìm kiếm này Mẹ đã làm cho thế giới, kẻ có tín ngưỡng cũng như vô tín ngưỡng, đọc được những trang Phúc Âm sống, một thứ Phúc Âm tác động giữa những chiếm đạt và mẫu thuẫn của thời đại chúng ta. Cái chết của Mẹ Têrêsa đã gây xúc động và đau buồn sâu xa khắp thế giới. Đức bác ái của Mẹ đã lưu dấu vết ở hết mọi lục địa” (câu cuối cùng này là của ĐTGM Angelo Comastri, TGP Loreto).