CHÚC MỪNG TÂN NIÊN 2008

 

Quí  Đức Cha, Quí Đức Ông, Quí Cha, Quí Phó Tế, Quí Nam Nữ Tu Sĩ

và toàn thể Cộng Đồng Dân Chúa  

được hồn an, xác mạnh, đời vui, sống thánh.

trong Mùa Xuân Muôn Thuở  Maria     

 

 

 THỨ BA 1/1/2008

  BÁT NHẬT GIÁNG SINH

 

TIN Tưởng Giáo Hội

 ĐTC Biển Đức XVI:

Gia Đình Nhân Loại là một Cộng Đồng của Hòa Bình

 CẬY Nhờ Thánh Mẫu

  Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort):

Bí Mật Maria (78) - Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria

MẾN Yêu Thánh Thể

Cảm Nghiệm Tâm Linh

                  Hòa Bình Thế Giới                       

 

TIN TƯỞNG GIÁO HỘI

 

 

Gia Đình Nhân Loại là một Cộng Đồng của Hòa Bình

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI – Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2007

 

 

1.       Mở đầu cho một Tân Niên, tôi muốn gửi đến con người nam nữ khắp thế giới những lời chúc tốt đẹp nồng nhiệt của tôi, cùng với sứ điệp chân  thành về niềm hy vọng. Tôi làm thế bằng việc cống hiến cho việc chúng ta cùng nhau suy nghĩ về đề tài tôi đã nêu lên ở đầu sứ điệp này. Nó là một đề tài mà tôi cho là đặc biệt quan trọng: gia đình nhân loại là một cộng đồng của hòa bình. Hình thức đầu tiên của mối hiệp thông giữa các ngôi vị con người với nhau được xuất phát từ tình yêu thương của một người nam và một người nữ quyết định tiến đến mối hiệp nhất bền vững để cùng nhau xây dựng một gia đình mới. Thế nhưng, cả các dân tộc tr ên  trái đất này nữa cũng được kêu gọi dựng xây những mối liên hệ của tình đoàn kết và hợp tác với nhau, như những phần tử của một gia đình nhân loại duy nhất: “Tất cả mọi dân tộc – như Công Đồng Chung Vaticanô II tuyên dạy – đều là một cộng đồng duy nhất và đều có một nguồn gốc duy nhất, vì Thiên Chúa đã dựng nên toàn thể nhân loại để cư ngụ trên mặt trái đất này (x Acts 17:26); họ cũng chỉ có một cùng đích duy nhất mà thôi là Thiên Chúa” (Declaration Nostra Aetate, 1.)

 

Gia đình, xã hội và hòa bình

 

2.       Gia đình tự nhiên, như là một cuộc hiệp thông sâu xa về sự sống và yêu thương, được xây dựng trên đời sống hôn nhân của một người nam và một người nữ (Cf. Second Vatican Council, Pastoral Constitution Gaudium et Spes, 48.), tạo nên “một nơi căn bản của vấn đề nhân bản hóa cho con người và xã hội” (John Paul II, Apostolic Exhortation Christifideles Laici, 40: AAS 81 (1989), 469.), và là “một cái nôi của sự sống và yêu thương” (ibid). Bởi thế mới có lý định nghĩa gia đình là xã hội tự nhên tiên khởi, “một cơ cấu thần linh làm nên nền tảng cho sự sống của con người như là một nguyên mẫu cho mọi thứ trật tự xã hội” (Pontifical Council for Justice and Peace, Compendium of the Social Doctrine of the Church, No. 211.).

 

3.       Thật vậy, trong một đời sống gia đình lành mạnh thì chúng ta cảm nghiệm thấy một số những yếu tố căn   bản như công bình và yêu thương giữa anh chị em, vai trò cha mẹ hành sử thẩm quyền, ưu ái quan tâm đến các phần tử yếu kém hơn vì trẻ tuổi, bệnh hoạn hay già nua, giúp đỡ lẫn nhau nơi nhữn g nhu cầu của cuộc sống, sẵn sàng chấp nhận nhau, và, nếu cần, thứ tha cho nhau. Đó là lý do, gia đình là thày dạy hòa bình tiên khởi và bất khả thiếu. Thế nên, không lạ gì khi bạo động, nếu xẩy ra trong gia đình, được coi là những gì đặc biệt bất khả chấp. Do đó, khi nói rằng gia đình là “tế bào sống căn bản của xã hội” (Second Vatican Council, Decree Apostolicam Actuositatem, 11.), là nói về một cái gì đó có tính cách thiết yếu. Gia đình là nền tảng của xã hội cả vì lý do này nữa, vì nó giúp cho các phần tử của mình cảm nghiệm được hòa bình một cách quyết liệt. Thế  nên cộng đồng nhân loại không thể không việc phục vụ này của gia đình. Còn nơi nào khác giới trẻ có thể dần dần học biết nếm hưởng cái “mùi vị” thực sự của hòa bình hơn là “cái tổ” đầu tiên được thiên nhiên dọn sẵn cho họ này chứ? Ngôn ngữ của gia đình là một thứ ngôn ngữ của hòa bình; chúng ta cần phải sử dụng nó kẻo chúng ta đánh mất đi thứ “ngữ vựng” về hòa bình này. Nơi sự tăng phát về việc phát ngôn của mình, xã hội không thể nào thôi không căn cứ vào cái “văn phạm” mà tất cả mọi con trẻ học biết được từ những dáng vẻ cùng với các hành động của cha mẹ chúng, thậm chí ngay cả trước khi chúng học được từ những lời lẽ của họ nữa.

 

4.       Gia đình, vì có nhiệm vụ giáo dục các phần tử của mình, là chủ thể của các quyền lợi đặc biệt. Bản  Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền, một văn kiện đánh dấu cho nền văn minh về pháp lý về giá trị phổ quát thực sự, nói rằng “gia đình là một đơn vị nhóm tự nhiên và nồng cốt của xã hội và nó được hưởng quyền bảo vệ của xã hội và Quốc Gia” (Khoản 16/3). Về phần  mình, Tòa Thánh đã tỏ ra công nhận cái phẩm vị về pháp lý đặc biệt thích đáng với gia đình khi phổ biến Bản Hiến Chương về Các Quyền Lợi của Gia Đình. Nơi Lời Mở Đầu của văn kiện này, chúng ta đọc thấy rằng: “các quyền lợi của con người, cho dù chúng được thể hiện như là các quyền lợi của cá nhân con người, vẫn có một chiều kích nền tảng về xã hội là chiều kích được chất chứa qua những gì sâu xa và sống động thể hiện nơi gia đình”(Holy See, Charter of the Rights of the Family, 24 November 1983, Preamble, A.). Những quyền lợi được nêu lên trong Bản Hiến Chương này là việc bày tỏ và bạch hóa lề luật tự nhiên được viết nơi tâm can của con người và họ có thể biết được nó bằng lý trí. Việc chối bỏ hay thậm chí hạn chế các quyền lợi của gia đình, bằng cách làm lu mờ đi sự thật về con người, là những gì đe dọa chính nền tảng của hòa bình vậy.

 

5.       Như thế, bất cứ ai, cho dù là vô thức, âm mưu phá hủy cơ cấu gia đình là kẻ tác hại tới hòa bình nơi toàn thể cộng đồng, quốc gia và quốc tế, vị họ làm suy yếu đi những gì thực sự là tác nhân căn bản của hòa bình. Vấn đề này đáng được đặc biệt suy nghĩ, ở chỗ, hết tất cả mọi sự góp phần vào việc làm suy yếu đi gia đình được xây dựng trên hôn nhân của một người nam và một người nữ, hết những gì trực tiếp hay gián tiếp ngăn chặn việc gia đình hướng tới việc ý thức chấp nhận sự sống mới, hết những gì gây ngăn trở cho quyền lợi của gia đình đối với trách nhiệm chính yếu của nó đối với việc giáo dục con cái mình, đều trở thành một chướng ngại khách quan trên con đường tiến tới hòa bình. Gia đình cần phải có một ngôi nhà, có công ăn việc làm và được nhìn nhận hoạt động tại gia của thành phần làm cha làm mẹ, cơ hội cho con cái học hành, và việc chăm sóc sức khỏe căn bản cho mọi người. Khi nào xã hội và chính sách công cộng không quyết tâm hỗ trợ gia đình về những lãnh vực ấy, là chúng làm cho gia đình bị hụt hẫng đi một nguồn mạch thiết yếu trong việc phục vụ cho hòa bình. Cách riêng các phương tiện truyền thông xã hội, bởi khả năng giáo dục của mình, có nhiệm vụ đặc biệt trong vấn đề cổ võ việc tôn trọng gia đình, trong việc làm sáng tỏ những niềm trông đời và quyền lợi của gia đình, cũng như trong việc trình bày cho thấy tất cả vẻ đẹp của gia đình.

 

Nhân loại là một đại gia đình duy nhất

 

6.       Cộng đồng xã hội, để sống trong hòa bình, cũng được kêu gọi để lấy hứng khởi từ các giá trị làm nên cộng đồng gia đình. Điều này cũng đúng đối với các cộng đồng địa phương cũng như các cộng đồng quốc gia: nó cũng đúng với cả chính cộng đồng quốc tế nữa, vì gia đình nhân loại ở trong ngôi nhà chung là trái đất này. Tuy nhiên, ở đây chúng ta không thể quên rằng gia đình hiện hữu từ việc “chấp thuận” một cách ý thức và trọn vẹn của một con người nam và con người nữ, và nó tiếp tục sống bởi việc ý thức “chấp nhận” của con cái là thành phần dần dần góp mặt trong gia đình. Cộng đồng gia đình, để triển nở, cần đến việc quảng đại chấp thuận của tất cả mọi phần tử của nó. Việc hiện thực này cũng cần phải trở thành một niềm xác tín chung nơi tất cả những ai được kêu gọi để làm nên một gia đình nhân loại chung. Chúng ta cần tỏ ra “ưng thuận” với ơn gọi này, một ơn gọi đã được Thiên Chúa ghi ấn nơi chính bản tính của chúng ta. Chúng ta không sống bên cạnh nhau hoàn toàn chỉ vì tình cờ; tất cả chúng ta đều đang tiến bước dọc theo một con đường chung như những con người nam nữ, và bởi thế như là những người anh chị em. Do đó, vấn đề thiết yếu ở đây là chúng ta tất cả cần phải dấn thân sống cuộc đời của mình bằng một thái độ hữu trách đối với Thiên Chúa, nhìn nhận Ngài là nguồn mạch sâu thẳm nhất cho việc hiện hữu của chúng ta và của những người khác. Nhờ trở về với nguyên lý tối hậu này chúng ta mới có thể nhận thấy cái giá trị tuyệt đối của mỗi một con người, nhờ đó, đặt nền móng cho việc dựng xây một nhân loại hòa bình. Không có cái nền tảng siêu việt này, xã hội chỉ thuần túy là một thứ tập hợp thành phần tha nhân lại với nhau, chứ không phải là một cộng đồng của những người anh chị em với nhau được kêu gọi để làm nên một đại gia đình duy nhất.

 

Gia đình, cộng đồng nhân loại và môi trường

 

7.       Gia đình cần nhà ở, một môi trường xứng hợp để nhờ đó phát triển  những mối liên hệ thích đáng của nó. Đối với gia đình nhân loại thì ngôi nhà này là trái đất đây, một môi trường được Thiên Chúa Hóa Công ban cho chúng ta để cư ngụ một cách sáng tạo và hữu trách. Chúng ta cần chăm sóc cái môi trường ấy: nó đã được trao phó cho con người nam nữ để bảo vệ và phát triển bằng quyền tự do hữu trách, bằng thiện ích cho tất cả mọi người như qui chuẩn hướng dẫn liên lỉ. Hiển nhiên là nhân loại có một giá trị cao cả đối với toàn thể tạo vật. Việc tôn trọng môi trường không có nghĩa là coi thiên nhiên khoáng vật hay động vật quan trọng hơn con người. Trái lại, nó không có nghĩa là vị kỷ, coi thiên nhiên tạo vật hoàn toàn tùy nghi sử dụng cho các lợi ích riêng tư của chúng ta, vì các thế hệ mai hậu cũng có quyền gặt hái được những thiện ích của nó và tỏ ra cùng một quyền tự do hữu trách đối với thiên nhiên tạo vật như chính chúng ta đòi phải thực thi. Chúng ta cũng không được bỏ qua thành phần nghèo khổ, những con người trong nhiều trường hợp không được hưởng những thiện ích của thiên nhiên tạo vật được ấn định giành để cho tất cả mọi người. Ngày nay nhân loại có lý trong việc tỏ ra quan tâm về mức quân bình của môi sinh cho mai hậu. Cần phải thực hiện những thẩm định cách khôn ngoan về vấn đề này, trao đổi với thành phần chuyên  viên và các vị khôn ngoan, những thẩm định không bị chi phối bởi áp lực về ý hệ trong việc tiến đến  những kết luận hấp tấp, nhất là nhắm đến chỗ tiến tới việc thỏa thuận về một thứ kiểu mẫu phát triển khả trợ có khả năng bảo đảm phúc hạnh của tất cả mọi người mà vẫn tỏ ra tôn trọng những mức quân bình về môi trường. Nếu việc bảo vệ môi trường bị tốn phí thì những thứ tốn kém ấy cần phải được phân phối công bình, căn cứ vào những mức độ khác nhau về phát triển của các quốc gia khác nhau cũng như nhu cầu liên đới với các thế hệ mai hậu. Sự khôn ngoan không có nghĩa là không chấp nhận các thứ trách nhiệm cùng với những quyết định bị đình trệ; nó có nghĩa là quyết tâm cùng nhau quyết định sau khi đã suy tư một cách ý thức con đường cần phải đi, những quyết định nhắm vào việc kiên cường mối giao ước giữa con người và môi trường, một mọi trường phải phản ánh tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa là Đấng là nguồn gốc và là cùng đích cho cuộc hành trình của chúng ta.

 

8.       Về vấn đề này, cần phải “cảm nhận” rằng trái đất này là “ngôi nhà chung của chúng ta”, và theo vai trò chúng ta làm quản lý và phục vụ tất cả mọi người, cần phải chọn đường lối đối thoại hơn là đường lối quyết định đơn phương. Những cơ quan quốc tế khác cũng cần được thiết lập để cùng nhau đảm trách vai trò quản lý này cho “ngôi nhà” của chúng ta; tuy nhiên, quan trọng hơn nữa là việc cần phải ý thức về nhu cầu hợp tác một cách có trách nhiệm. Những vấn đề trụ ctrặc đang bao phủ chân trời là những gì phức tạp và thời gian thì ngắn ngủi. Để đương đầu với tình trạng này một cách hiệu nghiệm, cần phải tác hành hòa hợp với nhau. Một lãnh vực đặc biệt cần phải gia tăng vấn đề đối thoại giữa các quốc gia đó là lãnh vực về vai trò làm quản lý trông coi các nguồn nhiệt năng của trái đất này. Các quốc gia tân tiến về kỹ thuật đang phải đối diện với hai nhu cầu khẩn trương về vấn đề này: một đàng cần phải tái thẩm định mức tiêu thụ cao cần cho mẫu thức phát triển hiện tại, đàng khác, lại cần phải đầu tư các nguồn lợi thích đáng vào việc tìm kiếm những nguồn năng lượng thay thế và tính cách hiệu nghiệm hơn nữa về năng lượng. Các quốc gia đang phát triển đang đói khát năng lượng, thế nhưng, có những lúc cơn đói khát này được đáp ứng một cách tai hại cho n hững xứ sở nghèo, những xứ sở mà, vì thiếu thốn hạ tầng cơ sở, bao gồm cả các hạ tầng cơ sở về kỹ thuật, bị buộc phải bán rẻ đi những nguồn năng lượng họ có được. Có những lúc, quyền tự do về chính trị của họ bị tổn thương bởi những hình thức bảo hộ, hay, một cách nào đó bởi những hình thức điều kiện hóa vẫn hiển nhiên cho thấy những gì là ô nhục.

 

Gia đình, cộng đồng nhân loại và kinh tế

 

9.       Một điều kiện thiết yếu cho hòa bình trong các gia đình riêng đó là việc các gia đình cần phải được xây dựng trên một nền tảng vững chắc của các thứ giá trị về thiêng liêng và đạo lý. Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng gia đình cảm nghiệm thấy hòa bình thực sự khi không gia đình không bị thiếu thốn những gì cần thiết, và khi gia sản của gia đình – là hoa trái lao công của người này, những dành dụm của người kia, và việc tích cực hợp tác của tất cả mọi người – được điều hành một cách khéo léo theo tinh thần liên đới kết đoàn, không quá độ và không hoang phí. Bởi vậy, hòa bình của gia đình đòi phải hướng tới một gia sản siêu việt các thứ giá trị, đồng thời đòi phải quan tâm tới việc điều hành khôn khéo cả những sản vật về vật chất cũng như các mối tương quan liên vị. Không có được các mối tương quan liên vị này sẽ gây ra đổ vỡ niềm tin tưởng hỗ tương trước tình trạng bất ổn đe dọa tương lai của đơn vị gia đình.

 

10.     Cần phải nói một cách tương tự như thế về một gia đình khác đó là toàn thể nhân loại. Gia đình nhân loại, một gia đình ngày nay càng ngày càng liên kết với nhau như thành quả của việc toàn cầu hóa, cũng cần đến, ngoài nền tảng có chung các thứ giá trị, một nền kinh tế có khả năng hiệu nghiệm đáp ứng những đòi hỏi của công ích là những gì hiện nay đang tập trung vào trái đất. Cả ở đây nữa, thật là hữu ích khi so sánh với gia đình tự nhiên. Những mối liên hệ chân thần và thẳng thắn cần phải được cổ võ giữa những cá thể với nhau cũng như giữa các dân tộc với nhau, nhờ đó, giúp cho hết mọi người có thể hợp tác một cách chính đáng và bình đẳng. Cần phải thực hiện những nỗ lực để bảo đảm việc sử dụng khôn ngoan các nguồn lợi cùng với việc phân phối đồng đều sự dồi dào. Đặc biệt là việc viện trợ cho các xứ sở nghèo cần phải được hướng dẫn bởi những nguyên tắc lành mạnh về kinh tế, tránh đi những hình thức hoang phí là những gì theo nguyên tắc gắn liền với việc duy trì những thứ quan liêu đắt giá. Cũng cần phải chú ý tới trách nhiệm về luân lý để bảo đảm rằng nền kinh tế không bị chi phối nguyên bởi những thứ luật lệ tàn nhẫn của lợi lộc nhất thời, những luật lệ tỏ ra phi nhân.

 

Gia đình, cộng đồng nhân loại và luật luân lý  

 

11.     Một gia đình sống trong hòa bình nếu tất cả mọi phần tử của gia đình tuân theo cùng một tiêu chuẩn chung: đó là những gì  ngăn ngừa chủ nghĩa cá nhân vị kỷ và mang các cá nhân lại với nhau, duy trì việc họ thuận hòa chung sống và hướng dẫn hoạt động của họ. Nguyên tắc này hiển nhiên là cũng đúng với các cộng đồng rộng lớn hơn nữa: từ các cộng đồng địa phương và quốc gia đến  chính cộng đồng quốc tế. Vì hòa bình mà cần phải có một luật lệ chung, một thứ luật lệ sẽ duy trì quyền tự do chân thực hơn là hứng khởi mù quáng, và bảo vệ thành phần  yếu kém khỏi bị đàn áp bởi kẻ mạnh. Gia đình của các dân tộc đang trải qua nhiều trường hợp tác hành độc đoán, cả nơi từng Quốc Gia cũng như ở ngay những mối liên hệ của Chư Quốc. Trong nhiều trường hợp kẻ yếu cần phải cúi đầu không phải là trước những đòi hỏi của công lý mà là trước quyền lực trắng trợn của những ai mạnh hơn họ. Cần phải lập lại là quyền lực bao giờ cũng cần phải được chi phối bởi luật lệ, và điều này áp dụng cho cả những mối liên hệ giữa những Quốc Gia chủ quyền nữa.  

 

12.     Giáo Hội thường nói về vấn đề bản chất và phận vụ của luật lệ: ở chỗ, qui tắc về pháp lý này, những gì chi phối các mối liên hệ giữa cá nhân với nhau, những gì qui định tác hành bề ngoài và là những gì đưa ra các thứ trừng phạt đối với những kẻ vi phạm, được căn cứ vào tiêu chuẩn của mình là qui tắc về luân lý được bắt nguồn  từ chính thiên nhiên. Lý trí con người có khả năng nhận ra qui tắc về luân lý này, ít là nơi những đòi hỏi căn bản của nó, nhờ đó tiến tới lý trí sáng tạo của Thiên Chúa là nguồn gốc của tất cả mọi sự. Qui tắc luân lý này cần phải là nguyên tắc cho những quyết định của lương tâm và là hướng đạo viên cho tất cả mọi tác hành của con người. Có hay chăng những qui tắc về pháp lý cho những mối liên hệ giữa các quốc gia làm nên gia đình nhân loại? Nếu có thì chúng có hoạt động không? Câu trả lời là có, những qui tắc ấy có hiện hữu, thế nhưng để bảo đảm là chúng thực sự tác dụng thì cần phải trở về với qui tắc luân lý tự nhiên như là nền tảng của qui tắc pháp lý; bằng không qui tắc pháp lý vẫn liên lỉ vẫn là hậu quả của một thứ thỏa thuận mong manh mỏng dòn và tạm bợ nhất thời mà thôi.   

 

13.     Kiến thức về qui tắc luân lý tự nhiên này không phải là những gì bất khả đạt đối với những ai, trong khi suy nghĩ về bản thân họ và định mệnh của họ, cố gắng hiểu được cái lý lẽ nội tại của những hướng chiều sâu xa nhất nơi con người của họ. Mặc dù không phải là không cảm thấy do dự và ngờ vực, họ vẫn có thể khám phá ra, ít là nơi những gì chính yếu, cái thứ luật lệ luân lý chung này, một thứ luật ở trên và vượt trên những khác biệt về văn hóa, giúp con người có thể tiến đến chỗ cùng có một kiến thức liên quan tới những khía cạnh quan trọng nhất của sự thiện và sự dữ, của công lý và bất công. Cần phải trở về với lệ luật nồng cốt này, dốc mọi nỗ lực hảo hạng nhất về lý trí cho việc tìm cầu này, và đừng để mình bị thất đảm trước những sai lỗi và hiểu lầm. Các thứ giá trị bắt nguồn từ luật tự nhiên thực sự cũng hiện hữu nữa, cho dù một cách phân mảnh và không luôn nhất trí, nơi những thỏa ước quốc tế, nơi những hình thức về thẩm quyền đưoơc đại đồng nhìn nhận, nơi những nguyên tắc về luật lệ nhân đạo được đưa vào luật lệ của mỗi Quốc Gia hay vào những khoản luật quốc tế.  Nhân loại không phải là loài “phi luật lệ”. Cũng thế, cần phải kiên trì trong việc đối thoại về những vấn đề này và phấn khích luật lệ của mỗi Quốc Gia trong việc hướng tới chỗ nhìn nhận các thứ nhân  quyền căn bản của con người. Tình trạng gia tăng một thứ văn hóa toàn cầu về pháp lý vì thế lệ thuộc vào một cuộc liên lỉ dấn thân để củng cố cái nội dung sâu xa nhân bản của những qui tắc quốc tế, kẻo những qui tắc này bị biến thành những gì thuần túy phương thức, dễ dàng bị khai thác cho vị kỷ hay những lý do về ý hệ.     

 

Việc thắng vượt những xung khắc và vấn đề giải giới   

 

14.     Nhân loại ngày nay, bất hạnh thay, đang cảm nghiệm thấy tình trạng hết sức chia rẽ và dữ dội xung khắc là những gì đang làm âm u tương lai của nó. Có những miền đất rộng lớn trên thế giới đang bị giẫy dụa trong những tình trạng gia tăng căng thẳng, trong khi đó cái nguy hiểm của một thứ gia tăng con số các quốc gia sở hữu những thứ vũ khí nguyên tử đã gây ra một nỗi lo âu sợ hãi thực sự nơi hết tất cả những ai hữu trách. Nhiều cuộc nội chiến vẫn đang diễn ra ở Phi Châu, cho dù có một số quốc gia đang tiến bộ trên con đường tiến đến tự do và dân chủ. Trung Đông vẫn còn là một khấu trường của xung đột và bạo động, một tình trạng cũng ảnh hưởng cả những quốc gia cùng miền đất chung quanh và có cơ nguy lôi họ vào trận lốc bạo động. Nhìn bao rộng hơn nữa người ta không thể không xót xa nhận thấy con số gia tăng các Quốc Gia dính dáng tới cuộc đấu đua vũ khí: thậm chí có cả một số những quốc gia đang phát triển cũng phân định một phần đáng kể trong sản phẩm nội địa hiếm hoi của mình để mua các thứ vũ khí. Trách nhiệm đối với cuộc bán buôn tai hại này không có giới hạn, ở chỗ, các quốc gia thuộc thế giới phát triển về kỹ nghệ chiếm được rất nhiều lợi nhuận từ việc bán các thứ vũ khí, trong khi đó thì các tập đoàn cai trị ở nhiều quốc gia nghèo lại muốn củng cố thành trì của mình bằng việc chiếm hữu loại vũ khí tinh chế hơn  bao giờ hết. Trong những thời điểm khó khăn như thế này, thật sự là cần đến tất cả những con người thành tâm thiện chí cùng nhau họp lại đển tiến đến những thỏa thuận cụ thể nhắm đến chỗ thực sự phi quân sự hóa, nhất là ở những miền có các thứ vũ khí nguyên tử. Trong lúc tiến trình vê 2 vấn  đề không leo thang nguyên tử vẫn còn dậm chân tại chỗ, tôi cảm thấy cần phải nài xin những ai có thẩm quyền hãy cương quyết tái diễn những cuộc thương thuyết về một cuộc giải giới đang tiến triển và thỏa thuận với nhau các thứ vũ khí nguyên tử hiện nay. Khi lập lại lời kêu gọi này, tôi biết rằng tôi đang làm âm vang ước muốn của tất cả những ai quan tâm tới tương lai của nhân loại này vậy.

 

15.     Sáu mươi năm trước đây, Tổ Chức Liên Hiệp Quốc đã long trọng ban hành Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền (1948-2008). Qua bản văn kiện này, gia đình nhân loại đã tỏ ra phản ứng lại trước những thứ kinh hoàng gây ra bởi Thế Chiến Thứ II, bằng việc nhìn nhận mối hiệp nhất riêng của mình, căn cứ vào phẩm vị bình đẳng của tất cả mọi con người nam nữ, cũng như bằng việc đề cao việc tôn trọng các thứ nhân quyền căn bản của cá nhân cũng như của các dân tộc như là tâm điểm của việc con người chung sống. Đó là một bước tiến quan trọng cùng với sự khốn khó và đường lối gay go để tiến tới tình trạng hòa hợp và hòa bình. Năm nay cũng đánh dấu 25 năm mừng kỷ niệm việc Tòa Thánh thừa nhận Bản Hiến Chương Các Quyền Lợi của Gia Đình (1983-2008), và kỷ niệm 40 năm việc cử hành Ngày Hòa Bình Thế Giới đầu tiên (1968-2008). Được xuất phát từ trực giác thức thời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và được thực hiện bằng một niềm xác tín cao cả của vị tiền nhiệm yêu dấu và khả kính của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, việc cử hành Ngày Hòa Bình này đã làm cho Giáo Hội, qua giòng thời gian, có thể trình bày qua những Sứ Điệp này một bộ giáo huấn hướng dẫn liên quan tới sự thiện nền  tảng này của nhân loại. Theo chiều hướng của những việc mừng kỷ niệm quan trọng ấy, tôi mời gọi hết mọi con người nam nữ hãy có được một cảm quan sống động hơn nữa trong việc thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất, và nỗ lực làm cho việc chung sống của nhân loại càng ngày càng phản ảnh niềm xác tín này, một niềm xác tín thiết yếu cho việc thiết lập một nền hòa bình thực sự và vững bền. Tôi cũng mời gọi các tín hữu hãy liên lỉ nài xin Thiên Chúa ban cho đại tặng ân hòa bình này. Về phần  mình, Kitô hữu biết rằng có thể tin tưởng vào việc chuyển cầu của Mẹ Maria, là Mẹ của Con Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể để cứu độ nhân loại và là Mẹ chung của chúng ta.

 

Chúc cho tất cả mọi người một Tân Niên vui tươi!

 

Tại Vatican ngày 8/12/2007

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/peace/documents/hf_ben-xvi_mes_20071208_xli-world-day-peace_en.html

 

 

  TOP

 

 

 

CẬY NHỜ THÁNH MẪU

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bí Mật Maria - Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria

 

Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort)

 

Lời Mở Đầu của người dịch

Đaminh Maria Cao Tấn  Tĩnh,  BVL

 

Thánh Long Mộng Phố  (Louis Montfort) đã viết một số tác phẩm về Mẹ tuy mỏng nhưng rất hay. Chẳng hạn cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria (đã được Lm Nguyễn Tri Ân, OP, dịch năm 1957 và nguyệt san Dân Chúa Mỹ Châu xuất bản ở hải ngoại năm 1980), Bí Mật Kinh Mân Côi (đã được người dịch này chuyển ngữ và xuất bản từ năm 1994 và đã tái bản năm 1997 và 2002) và Bí Mật Maria. Sở dĩ những tác phẩm Thánh Mẫu của thánh Long Mộng Phố rất hay là vì thánh nhân viết với tất cả tâm huyết của mình, với tất cả kinh nghiệm sống của Mẹ. Sở dĩ rất hay là vì thánh nhân viết theo thần hứng, đôi khi đã nói tiên tri, như trong cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria. Sở dĩ rất hay là vì ý tưởng của thánh nhân hết sức xuất sắc và chuyên biệt có một không hai. Sở dĩ rất hay là vì chẳng những vẫn còn hợp thời và càng ngày càng cần thiết. Một trong những hoa trái trổ sinh từ một trong những tác phẩm Thánh Mẫu của thánh nhân là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị đã đọc, thực hành và lấy khẩu hiệu Giáo Hoàng “tất cả của con là của Mẹ” từ tác phẩm Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria. Đó là lý do Màn Điện Toán Thời Điểm Maria, kể từ Lễ Trái Tim Mẹ, 8/6/2002, Quan Thày của Nhóm Hiệp Sĩ Trái Tim Mẹ (năm thứ 5), bắt đầu phổ biến tác phẩm Bí Mật Maria của thánh nhân, một tác phẩm, như được biết, chưa hề được dịch sang Việt Ngữ. Tuy nhiên, vì ngăn trở, tác phẩm này và tác phẩm Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria đã không được liên tục phổ biến. Cho đến nay, nhân dịp vừa khai mạc thời điểm mừng kỷ niệm Biến Cố Lộ Đức 150 năm, 1858-2008, được bắt đầu từ Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2007 đến 8/12/2008, Thời Điểm Maria tái phổ biến lại từ đầu và (lần này) liên tục cho tới hết hai tác phẩm Thánh Mẫu thời danh và khẩn trương hơn bao giờ hết hiện nay. Xin kính mời Quí Thân Hữu của Màn Điện Toán Thời Điểm Maria theo dõi.
 

(IV)    Việc Chăm Sóc và Tăng Trưởng của Cây Sự Sống (hay nói cách khác)  Cách Hay Nhất Để Mẹ Maria Sống Động và Hiển Trị nơi Linh Hồn Mình

  

C- Hoa trái của Cây Sự Sống là Chúa Giêsu Kitô

 

78.          Hỡi linh hồn ưu tuyển, nếu bạn cẩn thận thực hiện việc vun tưới chp Cây Sự Sống như thế, một cây đã được Chúa Thánh Thần cấy trồng tươi tắn nơi linh hồn của bạn, thì tôi có thể bảo đảm với bạn rằng trong vòng một thời gian ngắn, nó sẽ tăng triển rất cao lớn tới độ các loại chim  trời sẽ làm tổ nơi nó. Nó sẽ trở thành một cây tốt lành đến nỗi trổ sinh đúng mùa Hoa Trái hiển vinh và ân phúc đầy ngọt ngào đáng khen đó là Chúa Giêsu, Đấng đã mãi là và sẽ luôn là hoa trái duy nhất của Mẹ Maria.

 

Phúc cho linh hồn nào được gieo trồng Mẹ Maria là Cây Sự Sống. Phúc hơn cho linh hồn nào Mẹ có thể tăng trưởng và nở hoa nơi họ. Nhưng hạnh phúc nhất là linh hồn nếm hưởng được vị ngọt ngào hoa trái của Mẹ Maria và bảo trì hoa trái ấy cho đến khi qua đời và cho đến  vô cùng bất tận. Amen.

 

“Ai đang nắm được nó thì hãy giữ nó cho kỹ”. 

 

(còn tiếp)

 

TOP

 

 

 

MẾN YÊU THÁNH THỂ

 

 

 

 

HÒA BÌNH THẾ GIỚI
 

Tại sao chiến tranh xẩy ra?
Chúng ta nghĩ sao về cuộc khủng bố tấn công Hoa Kỳ ngày 911?
Nguyên nhân nào đã xẩy ra biến cố khủng bố tấn công Hoa Kỳ này?
Muốn chặn đứng chiến tranh khủng bố thế giới phải làm gì?
Hòa bình là gì? Chúng ta phải làm gì để xây dựng hòa bình chân chính cho nhân loại?

 


1) Tại sao chiến tranh xẩy ra?

Về phương diện đạo lý, căn cứ vào chủ trương của một số tôn giáo tiêu biểu, chúng ta có thể tìm ra được căn nguyên gây ra chiến tranh như sau:

Trước hết, đối với Khổng Giáo, một đạo chủ trương “nhập thế” giúp đời, hoàn toàn ngược lại với chủ trương của Lão Giáo là đạo chỉ tìm cách “xuất thế” để có thể hoàn toàn sống vô vi thanh thoát, nếu đường lối “nhập thế” của Khổng Giáo theo tiến trình là “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, thì sở dĩ “thiên hạ” chiến tranh loạn lạc, chưa được an vui thái “bình”, là vì mỗi đất nước chưa biết “trị quốc”, mỗi gia đình chưa biết “tề gia” và mỗi cá nhân chưa biết “tu thân”. Thế nhưng, trong tiến trình “nhập thế” này, Khổng Giáo có ý nhấn mạnh đến con người cá nhân chủ thể hơn là đến chung nhân quần xã hội. Bởi vì, tiến trình “nhập thế” này đi từ cá nhân đến tập thể, tức là, nói ngược lại, nếu mỗi cá nhân trong xã hội biết “tu thân” thì họ sẽ biết “tề gia”, có biết “tề gia”, họ mới có thể “trị quốc”, biết “trị quốc” rồi họ mới có thể “bình thiên hạ”. Vậy, căn cứ vào ý nghĩa và đường lối “nhập thế” này, theo Khổng Giáo, căn nguyên gây ra chiến tranh là do cá nhân con người không biết “tu thân”.

Sau nữa, đối với Phật Giáo, nếu đạo này chủ trương “đời là bể khổ”, và “khổ” là do con người còn “tham, sân, si”, vậy nếu chiến tranh là một trong những cái “khổ” của con người, thì cái “khổ” chiến tranh này gây ra bởi căn nguyên “tham, sân, si” nơi con người: “Tham” là tham lam ham muốn, “sân” là thù hằn giận dữ, “si” là ngu si đần độn. Thực tế cũng cho thấy r điều này. Chính vì con người còn sống theo lòng “tham” vô đáy của mình, nên mới đi đến chỗ hà hiếp cướp giật của nhau. Chính vì hành động bất chính này của kẻ tham lam đã làm cho nạn nhân bị họ hà hiếp cướp giật cảm thấy hết sức uất hận, đâm ra giận dữ thù hằn, đến nỗi có thể đi đến chỗ tìm cách trả đũa họ. Sở dĩ người có hành động “tham” lam cướp giật lẫn người có phản ứng giận dữ thù hằn như thế là vì cả hai còn ngu “si” đần độn, tức còn sống trong “vô minh”. Đó là lý do Phật Giáo chủ trương “giác ngộ” để nhận ra “chân ngã” của mình, nhận ra con người thực của mình. Vậy, theo Phật Giáo, chiến tranh xẩy ra là do con người còn sống trong “vô minh”.

Sau hết, đối với Kitô Giáo, một đạo chủ trương “yêu thương kẻ thù mình” (Mt 5:44), “bị tổn thương không chống cự lại” (Mt 5:39), thậm chí, “bị tát má này hãy chìa cả má kia” (Mt 5:39). Vậy chiến tranh xẩy ra là vì con người không biết quảng đại thứ tha, chỉ biết phản ứng theo “công lý” là “mắt đền mắt, răng đền răng” (Mt 5:38), chứ không biết sống theo tinh thần “chế ngự sự dữ bằng sự lành” (Rm 12:21): “Hòa bình không thể thiếu công lý, công lý không thể thiếu thứ tha” là như thế, một chủ trương cũng là một lời kêu gọi của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vị Lãnh Đạo Tối Cao của Giáo Hội Công Giáo, trong Sứ Điệp Hòa Bình gửi thế giới Ngày Tân Niên 1/1/2002. Đúng thế, nếu “nhân vô thập toàn” thì làm sao con người tránh khỏi vô tình hay hữu ý xúc phạm đến nhau. Do đó, nếu không “một nhịn chín lành” thì làm sao tránh khỏi chiến tranh. Vậy, theo Kitô Giáo, căn nguyên của chiến tranh là do con người sống hẹp lượng.

Tóm lại, theo Khổng Giáo, chiến tranh xẩy ra là do con người chưa biết “tu thân”, theo Phật Giáo là do con người còn sống trong “vô minh”, và theo Kitô Giáo là do con người không biết “thứ tha”.

2) Chúng ta nghĩ sao về cuộc khủng bố tấn công Hoa Kỳ ngày 911?

Trước hết, theo nghĩa giao chiến, nếu chiến tranh là một cuộc đánh nhau, một cuộc đụng độ giữa hai bên bất bình nhau và kình địch nhau, thì nguyên hành động khủng bố mà thôi không phải là chiến tranh, đúng hơn, khủng bố là hành động trực tiếp vi phạm công lý một cách trắng trợn và dã mãn, nếu không muốn nói khủng bố còn là một hành động gián tiếp khiêu chiến hay gây chiến, như trường hợp sau khi bị khủng bố tấn công ngày 11/9/2001, Hoa Kỳ đã tấn công khủng bố ngày 7/10/2001.

Sau nữa, theo nghĩa nghênh chiến, nếu chiến tranh có thể xẩy ra bất cứ lúc nào giữa hai bên kình địch nhau, thì mưu đồ và tổ chức khủng bố có chiến lược nhắm vào một đối tượng đặc biệt nào đó, thật sự là hành động nghênh chiến, bởi thế khủng bố cũng là hành động chiến tranh, nhất là khi nó bất ngờ bùng nổ ở chỗ tấn công trước, và nếu bị trả đữa thì hành động khủng bố chính là hành động khai chiến vậy. Thật vậy, nếu giao chiến là loại chiến tranh nóng, thì nghênh chiến là loại chiến tranh lạnh, như đã xẩy ra giữa hai khối tư bản và cộng sản, một thứ chiến tranh không đánh nhau nhưng lúc nào cũng có thể xẩy ra chiến tranh, một thứ chiến tranh nguyên tử còn khủng khiếp và tàn phá hơn cả hai Thế Chiến I và II, một thứ chiến tranh thi đua vũ trang để tranh giành và cân bằng quyền lực chính trị của mình trên thế giới.

Thật ra không phải cho tới thế kỷ 20 vừa rồi con người mới có thứ chiến tranh lạnh và hành động khủng bố. Thánh Kinh của Do Thái Giáo cho thấy ngay từ đầu chiến tranh lạnh và khủng bố đã xẩy ra rồi. Theo Sách Khởi Nguyên là cuốn đầu tiên trong bộ Sách Thánh của Do Thái Giáo thì chiến tranh lạnh xẩy ra khi hai ông bà nguyên tổ ăn “trái cấm” trái với ý muốn của Thiên Chúa, và ngay đi đó hai người đã trở thành kình địch của nhau, ở chỗ ông đổ lỗi cho bà khi bị Thiên Chúa Hóa Công hạch hỏi. Để rồi, từ cuộc chiến tranh lạnh này, một thứ chiến tranh ly thân, không còn ở trong tình trạng đầm ấm tình người, tình trạng trọn vẹn hiệp thông “trần truồng không biết xấu hổ” nữa, chiến tranh nóng đã bùng nổ. Ở chỗ, giữa hai đứa con trai đầu tiên của ông bà, Cain đã ra tay khủng bố sát hại Abel, đứa em lành thánh của mình, chỉ vì ghen hận với nó, thấy nó được Thiên Chúa yêu thương hơn. Như thế, xét về căn nguyên chiến tranh, theo Do Thái Giáo, qua câu truyện thuật lại bốn nhân vật loài người đầu tiên này của Sách Khởi Nguyên, có thể nói là do con người đã lìa bỏ Thiên Chúa, đã đi ngược lại với ý định thần linh của Ngài.

Riêng về cuộc khủng bố tấn công Hoa Kỳ Ngày 911, nhiều cái còn rất mập mờ. Chẳng hạn, Hoa Kỳ có biết trước mình sẽ bị khủng bố như thế chăng, vào ngày giờ ấy, tại địa điểm ấy và bằng cách ấy? Chẳng lẽ hệ thống tình báo CIA và FBI của Hoa Kỳ như màng nhện bao trùm khắp thế giới mà lại không hề biết gì về chuyện động trời này xẩy ra hay sao, trong khi đó, tin tức sau này tiết lộ, có 4 ngàn người Do Thái làm tại Cao Ốc Trung Tâm Thương Vụ Thế Giới hôm đó nghỉ hết không ai đi làm? Thế nhưng, vấn đề Hoa Kỳ thực sự không biết gì về cuộc khủng bố tấn công này thì còn có thể chấp nhận được, vì dù sao Hoa Kỳ cũng không phải là thần thánh, biết hết mọi sự và có thể kiểm soát hết mọi sự, bằng không Hoa Kỳ đã không rút quân khỏi Việt Nam! Trái lại, nếu đây là một khổ nhục kế của Hoa Kỳ, ở chỗ, dù biết trước mình sẽ bị khủng bố tấn công như thế, mà vẫn để cho xẩy ra, để chết bao nhiêu là dân lành vô tội của mình, với mục đích muốn thực hiện một mưu đồ lịch sử nào đó, chẳng hạn để lợi dụng cơ hội này mới có đủ lý do chính đáng trước mặt thế giới mà tống đi những vũ khí cũ và thí nghiệm các vũ khí mới, hay để có lý xâm nhập vùng mỏ dầu hỏa của thế giới, thì, một khi lịch sử phanh phui ra sự thật, liệu Hoa Kỳ còn chỗ đứng trên thế giới nữa không? Còn nước nào tin tưởng Hoa Kỳ nữa không? Không biết Hoa Kỳ có dám cả gan đánh lừa cả thế giới như thế hay chăng và có dám chấp nhận cái giá phải trả sau này cho khổ nhục kế này của mình hay chăng? Bởi thế mới nói “riêng về cuộc khủng bố tấn công Hoa Kỳ Ngày 911, nhiều cái còn rất mập mờ”.

Tuy nhiên, trong Biến Cố Ngày 911 này có một điều hết sức sáng tỏ, đó là Hoa Kỳ đã thực sự bị khủng bố tấn công, nhưng không phải là lần đầu mà, theo lịch sử ghi nhận, là lần thứ 17 từ năm 1984 đến Ngày 911 vừa rồi. Biên niên những cuộc khủng bố tấn công nhắm vào Hoa Kỳ này có thể tóm gọn theo thứ tự như sau: ngày 18/04/1983 tại Beirut, Lebanon; 23/10/1983 - Beirut, Lebanon; 12/12/1983 - Kuwait City; 20/09/1984 - Beirut, Lebanon; 27/12/1985 - Rome, Italy; 02/04/1986 trên phản lực cơ từ Rôma đến Nhã Điển; 09/1986 - Karachi, Pakistan; 14/11/1987 - Beirut, Lebanon; 21/12/1988 tại Lockefbie, Scotland; 13/11/1995 - Riyadh, Saudi Arabia; 26/02/1996 - New York; 25/06/1996 - Dhahran, Saudi Arabia; 7/08/1998 - Nairobi, Kenya; 7/08/1998 - Dar es Sallaam, Tanzania; 02/1999 – do quân du kích Columbia; và 12/10/2000 - Aden, Yemen
Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Hoa Kỳ lại bị khủng bố tấn công tới tấp như vậy?

3) Nguyên nhân nào đã xẩy ra biến cố khủng bố tấn công Hoa Kỳ này?

Tin “Tổng hợp từ Asia Times, Iran Online và Newyork Times” được Màn Điện Toán Vietcatholic phổ biến ngày 3/11/2001, đã cho biết những nhận định và tiết lộ những sự kiện lịch sử về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ như sau:


”Người Mỹ ở bên ngoài lãnh thổ của họ cư xử với các dân tộc khác một cách không nhất quán với những lý tưởng mà Hoa Kỳ thường nêu cao trong nước. Người ta có cảm tưởng khác  là dưới mắt người Mỹ, phẩm giá của người Hoa Kỳ cao hơn, sang hơn người dân của các nước khác gấp nhiều lần.


“Thành ra, ở các nước mà người Mỹ đặt chân đến: Năm đầu thì U.S. Welcome, năm thứ hai thì Yankee! Go Home và năm thứ ba trở đi thì chống Mỹ cứu nước".


”Tháng 8/1953, CIA lật đổ chính phủ dân chủ Iran do tiến sĩ Mossadeq thành lập vì hành động theo những lợi ích quốc gia đi ngược với quyền lợi kinh tế Hoa Kỳ. Cuộc đảo chánh này đã dìm Iran vào trong những khủng hoảng trầm kha và dẫn dắt đất nước này theo đuổi một chính sách Hồi Giáo quá khích kéo dài mãi tận đến bây giờ. Đúng một thập niên sau đó, ngày 1/11/1963, Hoa Kỳ trực tiếp tham gia vào cuộc thảm sát tổng thống Ngô Đình Diệm của miền Nam Việt Nam, một người bạn và là một đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng, chỉ vì ông đã cư xử không theo ý muốn và không phù hợp với quyền lợi Mỹ. Người ta cảm nhận hình ảnh Hoa Kỳ như một thế lực vô đạo, với một quyền uy vô biên có thể làm bất cứ chuyện gì bất chấp bạn hay thù. Cảm nhận này càng ngày càng sâu sắc hơn qua việc thay thế Sukarno bởi Suharto vào năm 1965 tại Indonesia; lật đổ chính phủ tả phái Salvador Allende của Chilê và giết ông này trong cuộc chính biến 1973, và vô số những cuộc lật đổ tại các nước Á, Phi và Mỹ Châu La Tinh khác. Nhiều đại sứ Hoa Kỳ được khoác cho những danh hiệu như ‘chuyên viên đảo chánh’, chẳng hạn như Cabot Lodge, là một bằng chứng hiển nhiên cho thấy Hoa Kỳ coi thường quyền tự quyết của các dân tộc.


“Chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ có thể tóm gọn trong nhận xét của Henry Kissinger: "to be an enemy of America can be dangerous, but to be a friend is fatal (làm kẻ thù của Mỹ thì có thể bị nguy hiểm, nhưng làm bạn với Mỹ thì đã tới số rồi)".


Nếu quả thực những sự kiện trên đây là một sự thật, thì căn nguyên gây ra khủng bố Hoa Kỳ là vì chính sách tân thực dân của Hoa Kỳ trong vấn đề ngoại giao kinh tế và chính trị với các nước đang tiến.

4) Muốn chặn đứng chiến tranh khủng bố thế giới phải làm gì?

Trước hết, về phía những kẻ trong cuộc, nếu “không có lửa làm sao có khói” thì chỉ cần dập tắt lửa đi là hết khói. Cũng vậy, nếu thành phần khủng bố là nạn nhân của một chế độ tân thực dân, thì chỉ cần dập tắt lửa tân thực dân đi thì tự nhiên sẽ hết khói khủng bố. Nếu không dập tắt lửa tân thực dân đi thì việc tấn công khủng bố để dập tắt khủng bố sẽ chẳng khác gì như lửa thêm dầu, để rồi lửa càng bốc lên cao khói càng đen càng khét. Đó là lý do trong diễn từ ngỏ cùng 172 vị lãnh sự của những quốc gia có liên hệ với Thành Quốc Vatican hôm 6/12/2001, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định như sau: “Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng những bất công mà con người đương thời của chúng ta trải qua, tất cả những tình trạng nghèo khổ, tình trạng thiếu giáo dục đối với giới trẻ, phần lớn đã gây ra tình trạng bạo động trên thế giới”.

Sau nữa, về phía thế giới nói chung, nếu quả thực “phần lớn tình trạng bạo động trên thế giới” gây ra bởi “những bất công, những tình trạng nghèo khổ, tình trạng thiếu giáo dục đối với giới trẻ”, đúng như nhận định của Vị Lãnh Đạo Thế Giới Công Giáo trên một tỉ tín đồ như thế, thì thế giới cần phải lắng nghe và thực hiện những gì Ngài đề nghị trong cùng một đoạn ngỏ với 172 vị lãnh sự trên đây như sau: “Công lý, hòa bình, việc chống lại cùng khổ và thiếu tu luyện về tâm linh, về luân lý cũng như về tri thức nơi giới trẻ là những khía cạnh thiết yếu của những giải quyết Tôi đã kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia, các nhà ngoại giao cũng như tất cả mọi con người nam nữ thiện chí thực hiện”.

Tóm lại, muốn chặn đứng chiến tranh khủng bố thế giới phải, về phần tiêu cực, tránh đi những bất công, và về phần tích cực, phải thực hiện công lý và hòa bình, phục vụ người nghèo và giáo dục giới trẻ.

5) Hòa bình là gì? Chúng ta phải làm sao để xây dựng hòa bình chân chính cho nhân loại?

Nếu hòa bình không phải là một cuộc đình chiến, là tình trạng không xẩy ra chiến tranh, là tình trạng cân bằng lực lượng vũ khí như thời chiến tranh lạnh, mà là tình trạng toàn cầu hóa của tình đoàn kết nhân loại trong công lý và tình thương, thì chúng ta quả thực chỉ có thể xây dựng hòa bình chân chính cho nhân loại khi nào mỗi người chúng ta nói riêng và các quốc gia nói chung thực hiện được vấn đề Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định trong Sứ Điệp Hòa Bình gửi thế giới Ngày Tân Niên 1/1/2002: “Không thể có hòa bình nếu thiếu công lý, không thể có công lý nếu không biết thứ tha”.

Đúng vậy, “không thể có hòa bình nếu thiếu công lý, không thể có công lý nếu không biết thứ tha”, bởi vì, như trên đã định nghĩa: “hòa bình… là tình trạng toàn cầu hóa của tình đoàn kết nhân loại trong công lý và tình thương”.

Như thế, nếu hòa bình là sống tình đồng loại, sống gia đình nhân loại, sống hiệp thông nhân loại thì sống hòa bình là sống văn minh yêu thương, là truyền đạt văn hóa sự sống vậy!

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ