|
||||
|
||||
CHÚC MỪNG TÂN NIÊN 2008 Quí Đức Cha, Quí Đức Ông, Quí Cha, Quí Phó Tế, Quí Nam Nữ Tu Sĩ và toàn thể Cộng Đồng Dân Chúa được HỒN AN, XÁC MẠNH, ĐỜI VUI, SỐNG THÁNH trong MÙA XUÂN MUÔN THUỞ MARIA.
ĐTC Biển Đức XVI "Một năm nữa đang khép lại" (tiếp)Thánh Long Mộng Phố Bí Mật Maria - Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria (22-25)Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích Bản Hướng Dẫn Cử Hành Phụng Vụ (14-18)
"Một năm nữa đang khép lại" ĐTC Biển Đức XVI – Chúc Mừng Giáng Sinh 2007 Giáo Triều Rôma tại Sảnh Đường Clementine ngày Thứ Sáu 21/12/2007 (tiếp) 1.3 Viếng thăm Trại Cải Huấn Fazenda da Esperanca Tôi nhớ một cách sống động nhất ngày tôi ở Fazenda da Esperanca là nơi con người nghiện ngập tái khám phá ra được tự do và niềm hy vọng. Khi tới đó, điều đầu tiên đã xẩy ra là tôi thấy được quyền năng chữa lành của việc Thiên Chúa tạo dựng một cách mới mẻ. Những đồi núi xanh tươi bao quanh thung lũng rộng lớn; chúng hướng mắt lên trời và đồng thời cũng có nghĩa bảo vệ. Từ nhà tạm của ngôi nhà thờ nhỏ thuộc Dòng Carmêlô tuôn chảy ra một giòng nước trong gợi nhớ tới lời tiên tri của Êzêkiên về giòng nước chảy ra từ Đền Thờ tẩy đi chất mặn của mặt đất, giúp vào việc tăng trưởng của những loại cây cối mang lại sự sống. Chúng ta cần phải bênh vực thiên nhiên tạo vật chẳng những vì nó ích lợi cho chúng ta mà còn vì chính nó nữa – ở chỗ nó như là một sứ điệp từ Đấng Hóa Công, một tặng ân của sự mỹ là những gì hứa hẹn và hy vọng. Phải, con người cần siêu việt thể. Chỉ một mình Thiên Chúa là đủ, Thánh nữ Têrêsa Avilla đã nói thế. Nếu vắng bóng Thiên Chúa, con người cần phải tự mình tìm kiếm ở ngoài biên cương bờ cõi của thế giới này, hiện lên trước mắt họ một không gian vô tận được Người tạo dựng nên. Bởi thế mà thuốc phiện thực sự trở thành một nhu cầu đối với họ. Tuy nhiên, chẳng bao lâu họ khám phá ra rằng họ đang bị ảo ảnh khôn cùng – người ta có thể nói, một thứ lừa đảo được ma quỉ lợi dụng để phá con người. Ở đó, ở Fazenda da Esperanca, những biên cương của thế giới này thực sự được siêu việt hóa, ánh mắt hướng về Thiên Chúa, hướng tới tầm vóc viên trọn nơi sự sống của chúng ta, nhờ đó mới xẩy ra vấn đề chữa lành. Tôi ngỏ lời chân thành cảm tạ với tất cả những ai làm việc ở đó và tôi gửi lời chúc thân ái tốt đẹp của tôi cùng Phép Lành đến tất cả những ai đang tìm kiếm việc chữa lành ở đó. 1.4 Gặp gỡ với các Vị Giám Mục Ba Tây Thế rồi tôi muốn nhắc lại cuộc gặp gỡ với các Vị Giám Mục Ba Tây ở Vương Cung Thánh Đường São Paulo. Điệu nhạc long trọng đã giúp chúng tôi cảm thấy sống động không thể nào quên nổi. Những gì làm cho nó trở thành đặc biệt mỹ miều đó là sự kiện nó được thực hiện bởi một ca đoàn và dàn nhạc bao gồm toàn là thành phần giới trẻ nghèo của thành phố đó. Bởi thế những con người này đã cống hiến cho chúng tôi cảm nghiệm về vẻ đẹp là một trong những tặng ân nhờ đó có thể vượt ra ngoài những giới hạn của bản chất thường nhật của thế giới mà nhận thấy được những thực tại cao quí hơn bảo đảm với chúng ta về vẻ đẹp của Thiên Chúa. Thế rồi cái cảm nghiệm về “đoàn tính hiệu năng và cảm năng”, về mối hiệp thông huynh đệ nơi thừa tác vụ chung của chúng tôi, làm cho chúng tôi cảm thấy niềm vui của công giáo tính. Vượt ra ngoài tất cả mọi biên giới về địa dư và văn hóa, chúng ta là anh chị em với nhau, cùng với Chúa Ktô Phục Sinh là Đấng đã kêu gọi chúng ta phục vụ Người. 1.5 Đề tài “Thành Phần Môn Đệ và Thừa Sai của Chúa Giêsu Kitô…” Sau hết là Aparecida. Tôi đã thấy tấm hình Đức Mẹ nhỏ đặc biệt cảm động hết sức. Một số người chài lưới đã thả lưới mấy lần mà chẳng kéo được tí nào từ giòng nước của con sông, để rồi, cuối cùng, đã bắt được một mẻ cá thật nhiều. Mẹ là Đức Bà của thành phần nghèo khổ, chính Mẹ đã trở nên nghèo khó và thấp hèn. Bởi thế, chính nhờ đức tin và đức mến của thành phần nghèo khổ, mà ngôi đại Đền Thờ này đã trở thành hiện hữu chung quanh tấm hình ấy, và vì vẫn còn phản ảnh cái nghèo khổ của Thiên Chúa và lòng khiêm hạ của Người Mẹ này mà ngày qua ngày tạo nên một ngôi nhà và chỗ nương trú cho người nguyện cầu và hy vọng. Thật là tốt đẹp cho chúng ta khi qui tụ lại ở nơi đây và chính ở nơi này chúng tôi đã soạn thảo bản văn kiện về đề tài “Thành Phần Môn Đệ và Thừa Sai của Chúa Giêsu Kitô, để chúng ta có sự sống trong Người”. Dĩ nhiên có người liền hỏi: thế nhưng phải chăng đó là đề tài xác đáng vào lúc này đây của thời điểm lịch sử chúng ta đang sống? Không phải là quá đột ngột khi thực hiện một cuộc quay về với nội tâm vào lúc đang diễn ra những thử thách cả thể trong lịch sử hay sao, vào lúc đang có những vấn nạn khẩn trương về công lý, hòa bình và tự do, lúc đòi phải thực hiện việc hoàn toàn dấn thân của tất cả mọi con người thiện chí, nhất là Kitô Giáo và Giáo Hội? Chúng ta há lại chẳng phải giải quyết những vấn đề ấy hơn là rút lui vào thế giới nội tại của đức tin hay sao? 1.6 Vấn đề đạt tới vai trò làm môn đệ của Chúa Giêsu Kitô Chúng ta tạm thời hãy bỏ qua một bên những chống đối ấy. Thật vậy, trước khi đáp lại chúng, cần phải nắm bắt được một cách thích đáng ý nghĩa đích thực của chính vấn đề; một khi vấn đề được hiểu ra thì việc đáp ứng cho vấn đề chống đối trở thành sáng tỏ thôi. Chữ chính của đề tài này đó là việc tìm kiếm sự sống, một sự sống đích thực. Về vấn đề này thì đề tài ấy ngụ ý nói rằng mục tiêu này, một mục tiêu có lẽ hết mọi người đều đồng ý, đó là vấn đề đạt tới vai trò làm môn đệ của Chúa Giêsu Kitô cũng như trong việc dấn thân sống Lời của Người và Sự Hiện Diện của Người. Bởi thế mà Kitô hữu ở Mỹ Châu Latinh, và cùng với họ những Kitô hữu trên khắp thế giới, là những người đầu tiên được kêu gọi một lần nữa trở thành “những người môn đệ của Chúa Giêsu Kitô” tốt đẹp hơn – một điều thật sự chúng ta đã là rồi, nhờ ở Phép Rửa, một điều không có nghĩa là chúng ta không được thôi tiếp tục trở nên bằng việc chủ động thích dụng tặng ân của Bí Tích này. Là môn đệ của Chúa Kitô – điều này nghĩa là gì? Trước hết nó có nghĩa là có thể nhìn nhận Người. Làm sao điều ấy có thể xẩy ra? Đó là lời mời gọi hãy lắng nghe Người như Người nói với chúng ta trong bản văn Kinh Thánh, khi Người ngỏ lời cùng chúng ta và đến gặp gỡ chúng ta nơi việc cầu nguyện chung của Giáo Hội, nơi các phép bí tích cũng như nơi chứng từ của các vị thánh nhân. Người ta không thể bao giờ biết Chúa Kitô chỉ bằng lý thuyết. Qua việc giảng dạy cả thể của mình, người ta có thể biết được hết mọi sự về Thánh Kinh mà lại chưa hề được gặp gỡ Người. Cuộc hành trình với Người là một yếu tố toàn diện của việc nhận biết Người, thấm nhập cảm tính của Người, như Thư gửi giáo đoàn Philiphê (2:5) viết. Thánh Phaolô vắn gọn diễn tả những cảm tính này là có cùng một tình yêu thương, có cùng một tâm trí (sýmpsychoi), hoàn toàn hòa hợp, không làm gì vì tranh giành và kiêu hãnh, mỗi người chẳng những không tập trung vào những thiện ích riêng của mình mà còn cả những ích lợi của người khác nữa (2:2-4). Giáo lý không bao giờ chỉ là việc hướng dẫn trí khôn; nó bao giờ cũng phải trở thành một việc thực hành mối hiệp thông sự sống với Chúa Kitô, một thực hành trong khiêm tốn, công lý và yêu thương. Chỉ có thế chúng ta mới bước đi với Chúa Giêsu Kitô trên đường nẻo của Người, chỉ có thế những con mắt tâm can của chúng ta mới mở ra; chỉ có thế chúng ta mới học biết để hiểu được Thánh Kinh và gặp gỡ Người. Cuộc hội ngộ này với Chúa Giêsu Kitô đòi phải lắng nghe, đòi phải đáp ứng bằng việc nguyện cầu cũng như bằng việc thực hành những gì Người nói với chúng ta. Khi trở nên quen biết Chúa Kitô là chúng ta trở nên quen biết Thiên Chúa, và chính nhờ việc chỉ bắt đầu từ Thiên Chúa chúng ta mới hiểu được con người và thế giới, một thế giới bằng không vẫn là một vấn đề vô nghĩa. (còn tiếp) Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2007/december/documents/hf_ben-xvi_spe_20071221_curia-romana_en.html
Bí Mật Maria - Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria
Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort)
Bản Dịch của Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Chương Một: Tôn Sùng Mẹ Maria - Cần Thiết
II. Mẹ Maria tham dự vào việc thánh hóa các linh hồn
22. Dự án được Ba Ngôi Thiên Chúa thỏa thuận nơi Việc Nhập Thể, lần đến thứ nhất của Chúa Giêsu Kitô, đó là những gì có liên hệ một cách vô hình đến từng ngày ở khắp Giáo Hội, và là những gì Ba Ngôi sẽ thực hiện cho đến khi Chúa Kitô đến lần thứ hai vào lúc ngày cùng tháng tận.
23. Thiên Chúa Ngôi Cha đã tập trung tất cả mọi giòng nước lại với nhau, và gọi chúng là biển cả (maria). Ngài cũng qui tụ tất cả mọi ân sủng của Ngài lại với nhau, và gọi hết mọi ân sủng ấy là Maria (Maria). Vị Thiên Chúa cao cả này có một kho tàng hay một kho chứa đầy những báu vật được Ngài cất giữ toàn là những gì đẹp đẽ, sang trọng, hiếm có và quí giá, kể cả Con riêng của Ngài. Kho tàng lớn lao này chính là Mẹ Maria là vị được các thánh gọi là “kho tàng của Chúa”. Tất cả mọi người được giầu có nhờ ở mức độ tràn đầy của Mẹ.
24. Thiên Chúa Ngôi Con đã ban cho Mẹ của Người tất cả những gì Người có được nơi đời sống cũng như nơi cuộc tử nạn của Người, tức là những công nghiệp vô cùng của Người cùng với những nhân đức siêu việt của Người. Người đã làm cho Mẹ trở thành kho tàng của tất cả những gì Cha Người đã ban cho Người làm gia sản. Qua Mẹ, Người đã áp dụng công nghiệp của Người cho các chi thể của Người, và nhờ Mẹ Người truyền đạt các nhân đức của mình và phân phối các ân sủng của Người. Mẹ là con kênh đào huyền nhiệm của Người, là máng nước của Người, nhờ đó Người có thể làm tràn lan tình thương của Người ra một cách êm ái và dạt dào.
25. Thiên Chúa Thánh Linh ký thác các tặng ân diệu kỳ của Ngài cho Mẹ Maria, vị hiền thê thủy chung của Ngài, và đã chọn Mẹ làm bình chứa đựng tất cả những gì Ngài có, nhờ đó, Mẹ phân phối tất cả những tặng ân của Ngài và những ân sủng của Ngài cho ai Mẹ muốn, bao nhiêu Mẹ muốn, cách nào Mẹ muốn và khi nào Mẹ muốn. Không có một tặng ân thiên đình nào được ban cho con người mà lại không qua bàn tay trinh nguyên của Mẹ. Điều này thực sự là ý muốn của Thiên Chúa, Đấng đã muốn rằng chúng ta cần phải có tất cả mọi sự qua Mẹ Maria, để, khi làm cho mình trở nên nghèo khó và thấp hèn, và ẩn mình đi trong thẳm sâu của hư không suốt cuộc đời của mình, Mẹ được Thiên Chúa toàn năng làm cho nên phong phú, được tôn tụng và vinh danh. Đó là quan điểm của Giáo Hội cũng như của các vị Giáo Phụ từ thời ban đầu
(còn tiếp)
Bản Hướng Dẫn Cử Hành Phụng Vụ
Bản Dịch của Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/ccdds/documents/rc_con_ccdds_doc_20040423_redemptionis-sacramentum_en.html
Chương I
( còn tiếp)
|