TAM NHẬT VƯỢT QUA
THỨ BẢY 22/3/2008
Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II Ý NGHĨA TAM NHẬT THÁNH Bài Giáo Lý cho Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 27/3/2002 ĐTC Gioan Phaolô II Mẹ Maria Là Mô Phạm của Chúng Ta và Là Vị Dẫn Dắt Chúng Ta trong Đức Tin Bài Giáo Lý cho Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 6/5/1998 Lòng Thương Xót Chúa Tuần Chín dọn mừng Lễ Kính Chúa Tình Thương Chúa Nhật II Phục Sinh: Ngày 2 Nhật Ký của Chị Thánh Faustina Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL Sự Chết Ơn Gọi Làm Người
Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II
Ý NGHĨA TAM NHẬT THÁNH
Bài Giáo Lý
cho Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 27/3/2002
1.- Ngày mai chúng ta bắt đầu Tam Nhật Vượt Qua, một thời đoạn sẽ giúp cho chúng ta sống lại biến cố cứu độ chính yếu của chúng ta. Những ngày này sẽ là những ngày cầu nguyện và suy niệm thiết tha hơn, nhờ đó, cùng với những lễ nghi cảm động của Tuần Thánh, chúng ta sẽ suy nghĩ về cuộc khổ nạn, tử giá và phục sinh của Chúa Kitô. Ý nghĩa và tầm vóc viên trọn của lịch sử loài người ở nơi mầu nhiệm vượt qua. “Bởi thế”, theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, “Lễ Phục Sinh không phải là một lễ như mọi lễ, mà là một ‘Lễ của các lễ’, ‘Trọng thể hơn hết’, như Bí Tích Thánh Thể là ‘Bí Tích trên hết mọi bí tích’ (là một Đại Bí Tích). Thánh Athanasiô đã gọi Lễ Phục Sinh là ‘Đại Chúa Nhật’ (Ep. Fest. 329), và các Giáo Hội Đông Phương gọi Tuần Thánh là ‘Tuần Trọng Đại’. Mầu nhiệm Phục Sinh, một mầu nhiệm Chúa Kitô tiêu diệt sự chết, đã thấm vào thời gian cũ kỹ của chúng ta một sinh lực quyền năng của mình, cho đến khi tất cả mọi sự qui phục Người” (số 1169). 2.- Ngày mai, Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta sẽ chiêm ngưỡng Chúa Kitô, Đấng nơi Nhà Tiệc Ly, vào ngày áp cuộc khổ nạn của mình, đã ban tặng chính mình cho Giáo Hội, đã thiết lập chức linh mục thừa tác, và đã để lại cho các môn đệ của mình một giới răn mới, giới răn yêu thương. Như thế là Người muốn ở cùng chúng ta nơi bí tích Thánh Thể, biến mình làm lương thực cứu độ cho chúng ta. Sau Thánh Lễ cảm động cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô, chúng ta sẽ canh thức chầu Chúa, theo như Người muốn, như Người đã ngỏ ý các tông đồ trong Vườn Cây Dầu: “Các con hãy ở lại đây mà canh thức với Thày” (Mt 26:38). Sang Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta sẽ sống lại những diễn tiến của việc Đấng Cứu Chuộc chịu khổ nạn cho đến khi Người bị đóng đanh trên núi Golgota. Việc tôn thờ thập giá sẽ giúp cho chúng ta hiểu được sâu xa hơn nữa tình thương vô biên của Thiên Chúa. Cảm nghiệm một cách ý thức nỗi vô cùng khổ sầu ấy, Người Con Một của Chúa Cha đã trở thành một lời công bố về việc loài người được cứu độ. Thập giá bao giờ cũng là một đường lối khó đi. Thế nhưng, chỉ có thập giá chúng ta mới có mầu nhiệm sự chết phát sinh sự sống. Thế rồi, bầu không khí hồi tâm và thinh lặng của Ngày Thứ Bảy sẽ giúp chúng ta có cơ hội, bằng việc cùng với Mẹ Maria cầu nguyện, đợi chờ biến cố Phục Sinh vinh hiển, để bắt đầu cảm nghiệm được một niềm vui nội tâm. Khi hát Kinh “Vinh Danh” trong Đêm Lễ Vọng Phục Sinh, ánh quang rạng ngời của thân mệnh loài người chúng ta được tỏ hiện, ở chỗ, một nhân tính mới đã được hình thành nhờ Chúa Kitô cứu chuộc, Đấng đã chết đi và sống lại vì chúng ta. Vào ngày Lễ Phục Sinh, khi mà ở các Giáo Hội khắp nơi trên trái đất hát len rằng “Dux vitae mortuus regnat vivus”, “Chúa của sự sống đã chết; nhưng nay vẫn sống, Người đã chiến thắng” (Ca Tiếp Liên), chúng ta mới có thể thấu hiểu và yêu mến hết cỡ thập giá của Chúa Kitô: Chúa Kitô đã vĩnh viễn chiến thằng tội lỗi và sự chết trên thập giá! 3.- Trong Tam Nhật Vượt Qua, chúng ta sẽ chăm chú hơn nữa nhìn lên dung nhan của Chúa Kitô, một dung nhan đau thương sầu khổ, một dung nhan khiến cho chúng ta hiểu được hơn nữa cái bản chất thê thảm của những biến cố và những tình hình ảnh hưởng tới nhân loại trong những ngày này đây. Một dung nhan tỏa rạng ánh sáng mang lại cho chúng ta niềm hy vọng mới mẻ. Trong tông thư “Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ”, Tôi đã viết: “Hai ngàn năm sau các biến cố này, Giáo Hội đã sống lại các biến cố ấy như thể mới xẩy ra hôm nay đây. Nhìn lên dung nhan của Chúa Kitô, vị Hôn Thê chiêm ngưỡng thấy kho tàng của mình cũng như niềm vui của mình. ‘Dulcis Iesus memoria, dans vera cordis gaudia’: ‘ngọt ngào biết bào khi tưởng nhớ đến Chúa Giêsu, nguồn mạch của niềm vui chân thật của cõi lòng!’” (đoạn 28). Tại Vườn Gethsemane, chúng ta sẽ đặc biệt cảm thấy thông cảm với những ai đang bị đè dưới gánh nặng khổ sầu và cô độc. Suy niệm về diễn tiến Người bị bắt nộp, chúng ta sẽ nhớ đến tất cả những ai bị bách hại vì đức tin của mình cũng như vì công lý. Khi theo Chúa Kitô đến Golgota, trên con đường sầu khổ, chúng ta dâng lời cầu nguyện tin tưởng cho những ai đang bị đè dưới gành nặng của sự dữ và tội lỗi nơi thân xác và tinh thần. Trong giờ phút tột cùng hy tế của Con Thiên Chúa, chúng ta hãy tin tưởng đặt dưới chân thập giá lòng mong ước nơi cõi lòng của hết mọi người, đó là lòng mong ước hòa bình! Hỡi Mẹ Maria Rất Thánh, Đấng đã trung thành theo Con Mẹ cho đến khi đứng dưới chân thập giá của Người, xin dẫn chúng con, sau khi đã cùng nhau chiêm ngắm dung nhan khổ đau của Chúa Kitô, đến cuộc hoan hưởng ánh sáng và niềm vui được chiếu tỏa từ ánh quang rạng ngời của dung nhan Đấng Phục Sinh. Tôi mong rằng chớ gì đây là Tam Nhật Thánh thực sự, để sống một Lễ Phục Sinh hạnh phúc và an ủi!.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 27/3/2002
ĐTC Gioan Phaolô II
Mẹ Maria Là Mô Phạm của Chúng Ta và Là Vị Dẫn Dắt Chúng Ta trong Đức Tin Bài Giáo Lý Triều Kiến Chung Thứ Tư ngày 6-5-1998
ối phúc thứ nhất được Phúc Âm kể đến là mối phúc về đức tin và mối phúc này được qui về trường hợp Mẹ Maria: “Phúc cho Người là vị đã tin” (Lk.1:45). Bà Isave đã nói những lời này để nhấn mạnh đến sự tương phản giữa việc không tin tưởng của ông Zacaria và lòng tin của Mẹ Maria. Khi được tin về việc con mình sẽ hạ sinh, ông Zacaria đã cảm thấy khó tin, cho rằng không thể nào xẩy ra được, vì cả ông lẫn vợ ông đều đã luống tuổi rồi. Khi được Truyền Tin, Mẹ Maria đã phải đối diện với một sứ điệp còn lạ lùng hơn nữa, đó là một dự định muốn Mẹ làm mẹ của Đấng Thiên Sai. Tuy không tỏ ra hồ nghi gì về điều này, Mẹ vẫn cảm thấy cần phải hỏi xem làm thế nào đức đồng trinh mà Mẹ cảm thấy được kêu gọi để sống có thể dung hợp được với ơn gọi làm mẹ. Để trả lời cho thiên thần, vị cho Mẹ thấy rằng thần năng sẽ thực hiện qua Thần Linh, Mẹ Maria đã khiêm tốn và quảng đại nhận lời. Ở vào giây phút độc nhất vô nhị này của lịch sử loài người, đức tin đã đóng một vai trò quyết liệt. Thánh Augustinô đã có lý nói rằng: “Đức Kitô được tin nhận và thụ thai bởi đức tin. Trước hết là đức tin phải thể hiện nơi cõi lòng Đức Trinh Nữ, rồi sau đó mới tới việc sinh hoa trái nơi cung dạ của người mẹ này” (Sermo 293, PL 38, 1327). 2- Nếu chúng ta muốn chiêm ngưỡng chiều sâu nơi đức tin của Mẹ Maria thì đoạn Phúc Aâm về tiệc cưới Cana rất thích hợp. Thấy việc thiếu rượu xẩy ra, Mẹ Maria đã có thể tìm một cách giải quyết vấn đề theo kiểu loài người nào đó trong tầm tay của mình, thế nhưng, Mẹ đã không ngần ngại quay ngay sang Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi” (Jn.2:3). Mẹ biết rằng Chúa Giêsu không có sẵn rượu; do đó, có thể nói rằng Mẹ đang xin một phép lạ. Và lời yêu cầu của Mẹ lại càng táo bạo hơn nữa vì cho tới bấy giờ Chúa Giêsu vẫn chưa làm một phép lạ nào. Tác hành như thế, chắc chắn Mẹ đã tuân theo một thúc động bên trong, vì, theo dự án thần linh, đức tin của Mẹ phải đến trước việc Chúa Giêsu bắt đầu tỏ hiện quyền năng thiên sai của mình, như nó đã tới trước việc Người đến trần gian vậy. Mẹ đã là hiện thân cho thái độ được Chúa Giêsu khen ngợi đối với các tín hữu đích thực trong mọi thời là “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Jn.20:29). 3- Đức tin mà Mẹ Maria được kêu gọi sống không phải là một đức tin dễ dàng. Ngay cả trước bữa tiệc cưới Cana, khi suy niệm về những lời và hành động của Con, Mẹ đã phải vận dụng đến một đức tin sâu xa. Đoạn kể về việc Chúa Giêsu bị thất lạc ở trong đền thờ là một điển hình, khi Mẹ và thánh Giuse đang sầu muộn thì nghe thấy câu trả lời: “Các người tìm kiếm Tôi làm gì? Các người không biết rằng Tôi phải ở trong nhà của Cha Tôi hay sao?” (Lk.2:49). Thế nhưng, ở đây, tại tiệc cưới Cana, câu Chúa Giêsu trả lời cho điều Mẹ yêu cầu có vẻ rõ hơn và nản hơn: “Bà ơi, điều ấy có liên quan chi đến Tôi và bà? Giờ Tôi chưa đến?” (Jn.2:4). Theo ý hướng của Phúc Aâm Thứ Bốn, lúc ấy chưa phải là giờ Chúa Giêsu công khai tỏ mình ra, càng không phải là giờ cho rằng đã đến lúc hệ trọng nơi thời giờ tối hậu của Chúa Giêsu (x.7:30,12:23,13:1,17:1), thời giờ mà hoa trái thiên sai của ơn cứu chuộc và của Thần Linh được tiêu biểu thực sự nơi rượu như là một biểu hiệu cho sự phong phú và niềm vui. Thế nhưng, vấn đề ở đây là thời giờ đó, theo ý muốn tối thượng của Chúa Cha, chưa đến được theo thứ tự thời gian, đã gây nên một trở ngại hình như không thể nào thắng vượt. Tuy nhiên, Mẹ Maria vẫn không rút lại lời yêu cầu của mình, đến nỗi Mẹ đã kéo theo cả một nhóm hầu tiệc vào việc làm hoàn tất phép lạ cầu mong: “Hãy làm những gì Người bảo làm” (Jn.2:5). Bằng tấm lòng đơn thành và mức độ đức tin sâu xa của Mẹ, Mẹ đã phóng tầm mắt ra ngoài ý nghĩa hẹp hòi của những lời của Chúa Giêsu. Mẹ đã trực giác được vực thẳm khôn cùng và mạch nguồn vô tận của tình thương thần linh và không nghi ngờ việc đáp ứng ưu ái của Con Mẹ. Phép lạ đã thực sự đáp lại đức tin kiên trì của Mẹ. Thế nên Mẹ Maria đã tỏ ra như một mẫu gương tin tưởng vào Chúa Giêsu, một đức tin vượt trên tất cả mọi trở ngại. 4- Cuộc sống công khai của Chúa Giêsu cũng là một thử thách đối với đức tin của Mẹ Maria. Một mặt, cuộc sống của Người hiến cho Mẹ niềm vui trong việc nhận biết rằng việc Chúa Giêsu rao giảng và làm phép lạ đã khiến cho rất nhiều người ca ngợi và tin nhận. Mặt khác, Mẹ cũng buồn phiền nhận thấy rằng việc chống đối càng dữ dội hơn nơi người Pharisiêu, nơi những vị tiến sĩ luật cũng như nơi hàng giáo sĩ. Người ta có thể mường tượng thấy được Mẹ Maria đã khổ sở biết bao bởi việc không tin tưởng này, một việc tin tưởng mà Mẹ cũng thấy nơi cả các thân thuộc của Mẹ: thành phần được gọi là “anh em của Chúa Giêsu”, tức là thành phần thân thuộc của Người, thành phần không tin vào Người và cắt nghĩa hành vi cử chỉ của Người như bởi tham vọng mà ra (x.Jn.7:2-5). Mặc dầu Mẹ Maria buồn khi nghe thấy những bất hòa nơi thân thuộc của mình, Mẹ cũng không dứt tình nghĩa với họ, thành phần chúng ta thấy ở với Mẹ nơi cộng đồng tiên khởi đợi chờ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (x.Acts 1:14). Mẹ Maria đã lấy lòng nhân hậu và yêu thương để làm cho kẻ khác thông phần với đức tin của Mẹ. 5- Trong thảm kịch Canvê, đức tin của Mẹ Maria cũng không hề xao xuyến. Đối với đức tin của các môn đệ thì thảm cảnh này thật là qúa sức. Chỉ nhờ có tác dụng của lời Chúa Giêsu cầu nguyện mà Phêrô, cùng với các tông đồ khác cũng bị thử thách, đã có thể tiếp tục theo con đường đức tin để trở nên các chứng nhân cho việc Chúa Phục Sinh. Khi viết rằng Mẹ Maria đứng dưới chân Thập Giá, Thánh ký Gioan (x.19:25) cho chúng ta thấy rằng Mẹ Maria vẫn đầy can đảm trong giây phút khẩn trương nhất. Giây phút khẩn trương này thực là giai đoạn khó vượt nhất trong “cuộc hành trình đức tin” của Mẹ (x.Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 58). Thế nhưng, vì Mẹ vẫn vững mạnh đức tin nên Me đãï có thể đứng đó. Bị thử thách, Mẹ Maria vẫn tiếp tục tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và tin rằng, bằng hy hiến của Người, Người sẽ biến đổi định mệnh con người. Việc Chúa Phục Sinh là một xác nhận tối hậu cho đức tin của Mẹ Maria. Đức tin vào Chúa Kitô phục sinh nơi tấm lòng của Mẹ, hơn hết mọi tấm lòng khác, đã chiếm được một niềm vui mừng trọn vẹn và đích thực nhất. (Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 13/5/1998)
Tuần Chín dọn mừng Lễ Kính Chúa Tình Thương Chúa Nhật II Phục Sinh
Nhật Ký của Chị Thánh Fuastina Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh chuyển dịch
Chúa Giêsu chỉ cho con viết xuống và thực hiện trước Lễ Kính Tình Thương tuần chính ngày này. Nó bắt đầu vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.
Cha mong ước là trong chín ngày này, con đem các linh hồn đến mạch nguồn của tình thương Cha, để họ có thể kín múc từ đó sức mạnh mà hồi sinh, cùng với những ơn cần thiết cho họ trước những khó khăn của cuộc đời, nhất là trong giờ lâm tử.
Mỗi ngày con mang về cho Trái Tim Cha một nhóm các linh hồn khác nhau, rồi con hãy dìm họ vào trong đại dương này của tình thương Cha, phần Cha sẽ đưa tất cả những linh hồn này về nhà Cha Cha. Con sẽ làm như thế ở cả đời này lẫn đời sau. Cha sẽ không từ chối một sự gì cho linh hồn mà con mang về mạch nguồn của tình thương Cha. Mỗi ngày, con hãy van xin Cha Cha các ơn lành cho những linh hồn này, dựa vào công lực của cuộc Khổ Nạn đắng cay của Cha.
Con đã đáp lại: "Chúa Giêsu ơi, con đâu có biết làm tuần chín ngày này, hay phải mang những linh hồn nào trước vào Trái Tim Rất Xót Thương của Chúa đây". Chúa Giêsu trả lời là Người sẽ nói cho con biết những linh hồn nào mỗi ngày cần phải mang vào trong Trái Tim Người.
Ngày 2 Hôm nay, con hãy mang về cho Cha linh hồn những linh mục và tu sĩ mà dìm họ trong tình thương vô hạn của Cha. Chính họ đã cho cha sức mạnh để chịu đựng cuộc Khổ Nạn cay cực của Cha. Qua họ như qua các cái máng mà tình thương của Cha tuôn xuống trên nhân loại. Lạy Chúa Giêsu Rất Xót Thương, nhờ Chúa mà có mọi sự tốt lành, xin gia tăng ơn Chúa nơi chúng con, để chúng con có thể xứng đáng thể hiện những việc làm tình thương, cũng như để tất cả những ai nhìn thấy chúng con có thể tôn vinh Cha Tình Thương, Đấng ở trên trời. Suối nguồn của tình yêu Thiên Chúa Ở trong những tấm lòng tinh khiết, Được tắm gội trong Biển Cả Tình Thương, Phát quang như các vì tinh tú, sáng tỏ như hừng đông. Lạy Chúa Cha Hằng Sống, xin hãy ghé mắt tình thương của Cha xuống trên cộng đoàn những linh hồn được tuyển chọn làm vườn nho cho Cha, trên linh hồn các linh mục và tu sĩ, cùng cho họ được mặc lấy mãnh lực của phúc lành Cha. Vì tình yêu Trái Tim Con Cha mà họ được ủ ấp, xin Cha thông ban cho họ quyền lực và ánh sáng của Cha, để họ có thể dẫn dắt những linh hồn khác vào con đường cứu rỗi, và hợp tiếng chúc tụng tình thương vô hạn của Cha đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Sự Chết
Ơn Gọi Làm Người
Sự Kiện Chết
gày nay, hơn bao giờ hết, con người văn minh tuyệt vời về vật chất và tột độ về nhân bản lại đang thực sự sống trong một bầu khí được Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi là “văn hóa sự chết”. Bởi vì, theo vị lãnh đạo thế giới Công Giáo hơn cả tỉ người này, con người ngày nay đang chủ trương sát hại sự sống, một chủ trương đã trở thành pháp lý và quyền lợi, quyền được sát hại lẫn nhau, điển hình nhất là quyền phá thai và quyền trợ an tử. Phải công nhận là, trong suốt giòng lịch sử của mình, chỉ có thể kỷ 20 là một thế kỷ con người đã sát hại nhau chưa từng thấy, gây ra bởi các cuộc chiến tranh và hiện tượng sát chủng.
Về những cuộc chiến tranh, nguyên với hai Trận Thế Chiến mà thôi, con số tử vong đã kinh hoàng lắm rồi: Thế Chiến I (1914-1919) gây tử thương cho 10 triệu binh sĩ, và Thế Chiến II (1939-1945) gây tử thương cho 17 triệu người lính, 20 triệu mạng người dân Nga, 10 triệu mạng người dân Tầu, chưa kể đến 150 ngàn mạng dân Nhật bị chết vì bom nguyên tử của Mỹ, và 6 triệu dân Do Thái bởi cuộc diệt chủng của Hitler Đức Quốc Xa. Cuộc chiến tranh chia đất giữa Nigeria và Biafra chưa đầy ba năm (6/1967-1/1970) cũng đã gây tử thương cho 2 triệu người. Cuộc chiến tranh về lãnh địa giữa Iraq và Iran (9/1980) đã gây tử vong cho nửa triệu nhân mạng. Cuộc chiến tranh Việt Nam (1960-1975) với con số tử vong là 1 triệu lính, 2 triệu dân và 58.132 mạng người Mỹ. Đấy là chưa kể đến những cuộc chiến nổi tiếng khác, như Chiến Tranh chống cộng ở Đại Hàn từ năm 1950, Chiến Tranh Vùng Vịnh (1990-1991), Chiến Tranh Chủng Tộc 3 năm ở Bosnia (1992-1995), Chiến Tranh Chính Thể ở các nước Phi Châu từ năm 1990, nhất là Chiến Tranh Trung Đông giữa khối Do Thái và Palestine từ năm 1948 tới nay hầu như không thể chấm dứt, càng ngày càng khủng khiếp và đẫm máu hận thù.
Về hiện tượng sát chủng, ngoài 6 triệu dân Do Thái đã bị tiêu diệt thời Thế Chiến Thứ II như được kể đến trên đây, còn có thể kể đến, theo thứ tự thời gian, năm 1915 có 1.5 người Armenia đã bị thảm sát ở Thổ Nhĩ Kỳ; năm 1933 có 6 triệu người Ukraine bị chết đói dưới thời bạo quyền Cộng Sản Stalin ở Liên Sô; năm 1945 có 2 triệu người Việt Nam bị chết đói vì quân phiệt Nhật Bản nhúng tay vào lịch sử Việt Nam trong thời Thế Chiến II bấy giờ; từ năm 1945 đến 1961 có 30 triệu người Trung Hoa dưới thời bạo Chúa Mao Trạch Đông ở Trung Cộng, riêng cuộc Cách Mạng Văn Hóa năm 1967 đã có 500 ngàn người thiệt mạng; từ năm 1975 đến 1979 có 1.5 triệu người bị Khờ Me Đỏ của Pol Pot thảm sát ở Cambốt v.v. Chưa kể đến 60 triệu thai nhi hằng năm bị chính cha mẹ mình thảm sát trên thế giới. Vụ thảm sát mới nhất vừa xẩy ra hôm Thứ Bảy 7/12/2002 ở Monoko-Zohi, Ivory Coast, một vụ thảm sát gây tử thương cho 120 mạng người, được những nạn nhân sống sót qui tội cho lực lượng chính phủ.
Chưa hết, để mở màn cho một tân thiên niên kỷ, thiên niên kỷ thứ ba cũng là đầu thế kỷ 21, lịch sử loài người, qua phương tiện truyền thông tối tân tiến, đã tận mắt chứng kiến thấy một hiện tượng “văn hóa sự chết” mới, khủng khiếp hơn nữa, dã man hơn nữa, đó là hiện tượng tự sát khủng bố, như đã bùng lên từ biến cố 911 ở Hoa Kỳ với trên 3 ngàn mạng người chết, rồi ở Bali Nam Dương vào đêm 12/10/2002 với 180 người bị thiệt mạng. Vụ khủng bố tấn công thảm thương nhất sau biến cố 911 của Hoa Kỳ đã xẩy ra ở chính thủ đô Moscow Nga vào 9 giờ 5 phút đêm Thứ Tư 23/10/2002, và kết thúc vào 5 giờ 30 sáng Ngày Thứ Bảy 26/10/2002, gây thiệt hại cho với 67 sinh mạng con tin và 50 kẻ liều mạng khủng bố, chưa kể đến gần 118 mạng con tin bị chết sau đó vì hơi lạ của lực lượng giải cứu.
Về con số người chết trên thế giới, từ năm 2000 và trước đó mấy năm nay, con số luôn đứng ở mức .9%, tức cứ 111 người thì có 1 người chết. Căn cứ vào dân số trên thế giới thì trung bình về thời gian có 1.76 người chết trong vòng 1 giây, 106 người chết trong vòng 1 phút, 6340 người chết trong vòng 1 giờ, 152 ngàn người chết trong vòng 1 ngày, 55.5 triệu người chết trong vòng 1 năm.
Về những căn nguyên chính yếu thường đưa con người đến chỗ chết nhiều nhất, cho cả nam lẫn nữ, theo thứ tự, là bệnh ung thư, bệnh kinh mạch, bệnh tim, tai nạn và bệnh gan. Xét đến tuổi tác, từ 30 trở xuống chết vì tai nạn nhiều nhất, rồi mới tới bị bệnh ung thư, trong khi đó, từ 40 trở lên chết vì bị bệnh ung thư nhiều nhất rồi tới bệnh kinh mạch.
Về tôn giáo, thực tế cho thấy, nói đến Hồi Giáo là nói đến một cái chết khủng bố, tức một cái chết hy sinh liều mạng để cải tổ xã hội loài người tội lỗi, tội đàn áp của thế giới kinh tế tư bản, cũng như tội ăn chơi hoang đàng của thế giới văn minh hưởng thụ; nói đến Phật Giáo là nói đến một cái chết tự thiêu, một cái chết cũng là một cách chết để có thể được hoàn toàn siêu độ, tức cái chết làm cho con người không còn lục côn là ngũ quan và tri thức nữa, những gì làm cho con người luôn bị chi phối bởi lục trần là ngoại vật bên ngoài nữa, những gì khiến con người không thể tránh được nghiệp báo nên cứ phải đầu thai luân hồi; nói đến Khổng Giáo là nói đến một cái chết tuẫn tiết, một cái chết của thành phần chính nhân quân tử, thà chết vinh chứ không chịu sống nhục, một cái chết vẻ vang như cái chết của những cảm tử quân Nhật Bản thời Thế Chiến Thứ Hai; nói đến Kitô giáo là nói đến một cái chết tử đạo, tức một cái chết vì đức tin, chết để làm chứng cho sự thật của đạo mình, nhưng lại là một cái chết không phải bị thúc đẩy bởi tự ái đoàn thể, mà là một cái chết hoàn toàn nhân ái thứ tha cho chính kẻ sát hại mình, một cái chết yêu thương chiến thắng sự dữ.
Hiện Tượng Chết
Thế nhưng, tự bản chất của mình, sự chết không thể nào và không bao giờ có thể tiêu diệt được chính sự sống. Bởi vì, thực tế cho thấy, sự chết chỉ xẩy ra nơi loài sinh vật mà thôi, và sự chết chỉ có khả năng tiêu hủy được cơ sở chất chứa sự sống (như cơ thể vật chất) của sinh vật mà thôi, chứ không làm gì được chính sự sống. Do đó, sự chết chỉ là một hiện tượng chứ không phải là một thực tại như sự sống, và vì tự bản chất của mình chỉ là một hiện tượng, mà sự chết sẽ không vĩnh viễn tồn tại, tức chắc chắn sẽ qua đi, sẽ bị tiêu diệt bởi thực tại, bởi sự sống, chẳng khác gì như màn đêm tăm tối dù tạm thời có lấn át được ánh sáng, nhưng cuối cùng cũng vẫn bị biến khuất trước ánh sáng rực rỡ của hừng đông lên và ban ngày tới.
Nếu chết là một hiện tượng thì tất cả những gì là hình thức, là vật chất, là hữu hạn, đều mang sẵn trong mình mầm mống sự chết. Dù loài “nhân linh ư vạn vật” là con người có hồn thiêng cao cả giống như thần thiêng bất tử đi nữa, nhưng với thân xác hữu hình và hữu hạn, làm sao họ có thể vĩnh viễn tồn tại với những gì là vật chất cấu tạo nên thân xác của họ được. Mà nếu chết là tột đỉnh và là tận cùng của khổ đau, và đã là một con người mang xác chất không ai có thể thoát chết, thì con người sống trên trần gian này cũng không thể nào thoát được khổ đau, tức sẽ phải chịu những gì có thể đưa họ đến sự chết, như bị bệnh hoạn, già nua, tai nạn v.v. Thế nhưng, theo bản năng và tâm lý tự nhiên, con người không bao giờ muốn chết và tự nhiên rất sợ chết. Bởi vì, với hồn thiêng giống như thần linh, con người, dù có sống như không có đời sau, sống hoàn toàn vô thần, bao giờ cũng hướng về cõi trường sinh bất tử, hướng về một thực tại siêu việt bất biến, ở chỗ, họ mong mỏi và hết sức tìm kiếm một thứ hạnh phúc vững chắc vô cùng bất tận. Đó là lý do, con người cảm thấy cuộc đời của mình trên trần gian này như bị đầy ải, hay chỉ là một cuộc hành trình đi về vĩnh cửu, hoặc một cuộc trở về với nguồn cội của mình. Với cảm thức đó, nhân gian mới có câu “sống gửi thác về”!
Đó là lý do không phải ngẫu nhiên mà con người khác với con vật ở cung cách nằm ngủ, một tác động ngủ biểu hiệu cho sự chết, một trạng thái hoàn toàn không còn biết gì nữa. Nếu đối với con vật, chết là hết, thực sự và tuyệt đối là hết, thì cung cách nằm ngủ của chúng là sấp mặt xuống đất, xuống những gì hạ giới, trong khi con người ngủ nằm ngửa mặt lên trời, như hướng về trời cao, về cõi siêu hình, cõi trường sinh bất tử, như mong mỏi một cái gì vĩnh viễn không qua đi.
Thế nhưng, thực tế cho thấy, cuộc sống của con người trên trần gian này không phải chỉ đơn giản là một cuộc sống gửi thác về, một cuộc hành trình đi về vĩnh cửu vậy thôi, mà thực sự còn là một cuộc vượt qua sự chết mà vào sự sống. Bởi vì, tự bản chất hữu hình và hữu hạn, con người tự bản chất chẳng những đã chất chứa sự chết và bị sự chết chi phối, mà còn mang sẵn mầm mống sự chết nơi bản thân mình, nơi bản tính mình. Nếu một xác chết nằm trong quan tài mở nắp trong nhà quàn, được trang điểm xinh đẹp như đang thiếp ngủ, thực sự đã hoàn toàn trở thành một thi thể, một thây ma vô hồn, không còn biết gì nữa, với ba đặc tính nói lên hiện tượng chết chóc sau đây: hết sức nặng nề, hoàn toàn lạnh ngắt và cứng ngơ cứng ngắc thế nào, thì nơi tất cả mọi con người còn đang sống cũng có đủ ba tử tính này ở cả xác thể lẫn hồn thiêng của họ nữa. Ngoài ra, hậu quả của sự chết còn được thể hiện qua hiện tượng băng hoại, rữa nát của thi thể vô hồn, một hiện tượng cũng thực sự phản ảnh văn hóa sự chết của con người văn minh ngày nay.
Trạng Thái Chết
Trước hết, về tính chất đầu tiên của sự chết là “hết sức nặng nề”, một tử tính liên quan đến xác thịt của con người. Ở chỗ, sau một đêm dài mê ngủ, con người rất khó chỗi dạy khi tới giờ của mình. Có những người ngủ say đến nỗi đồng hồ báo thức cũng chẳng nghe thấy gì. Thậm chí có nghe thấy cũng tắt nó đi để ngủ tiếp. Chỉ có một cái gì đó hết sức khẩn trương, chẳng hạn gần tới giờ đi làm, hay đang hào hứng một cái gì đó, như sắp sửa đi chơi hoặc sắp tới ngày thành hôn, mới có thể giúp họ bật dậy một cách dễ dàng và nhanh chóng mà thôi. Con người quả thực mang sẵn tử tính “hết sức nặng nề” nơi thân xác của mình vậy.
Sau nữa, về tính chất thứ hai của sự chết là “hoàn toàn lạnh ngắt”, một tử tính liên quan đến tình cảm của con người. Ở chỗ, con người không biết thông cảm với tha nhân, thậm chí họ chỉ biết sống cho mình và lo cho mình, đến nỗi không còn biết gì chung quanh họ nữa, “bay chết mặc bay”. Ai đói cũng mặc, tiền bạc vất vả làm ra cần phải hưởng thụ, chẳng những tiêu vào những thứ cần thiết mà còn cả vào những thứ xa xỉ, chơi bời, cờ bạc v.v., không hề biết giúp đỡ anh chị em bất hạnh thiếu thốn cả những thứ tối cần nhất để sống xứng với nhân phẩm làm người. Hiện tượng ly dị giữa cha mẹ, bất chấp hạnh phúc và thiện ích về tinh thần của con cái không phải là thái độ “hoàn toàn lạnh ngắt”, “bay chết mặc bay”, sặc mùi tử khí xông ra từ tình cảm của con người hay sao? Hiện tượng phá thai, chỉ biết có thân thể của mình, chỉ biết làm sao cho đời sống của mình thoải mái theo bản năng nhục dục mà không bị gánh nặng con cái chi phối, không phải là “hoàn toàn lạnh ngắt”, “bay chết mặc bay”, đầy những tử chất trong tình cảm của con người hay sao?
Sau hết, về tử tính thứ ba của sự chết là “cưng ngơ cứng ngắc”, một tử tính liên quan đến lòng muốn của con người. Đây là vấn đề “cứng lòng” trước tiếng lương tâm, trước sự thiện, trước sự thật, biết được đâu là chân thiện mỹ những không chấp nhận, không làm theo. Một trong những lý do con người tỏ ra “cứng đầu cứng cổ” không chịu làm theo tiếng lương tâm, không chấp nhận sự thật, không chịu nhận lỗi, là vì họ sợ đối diện với sự thật. Bởi vì, nếu chấp nhận sự thật, họ phải làm theo sự thật, phải bỏ mình, không còn được làm theo ý nghĩ, ý thích, ý muốn của họ nữa. Nghĩa là “con người chuộng tối tăm hơn ánh sáng, vì họ làm những sự gian ác” (xem Phúc Âm Gioan 3:19), đúng như lời Vị Sáng Lập Kitô Giáo nhận định về họ. Nếu không sống trong sự thật không phải là sống trong sự chết hay sao, vì sự chết là tất cả những gì tăm tối, vô minh, huyền hoặc. Đó là lý do bản chất của sự chết chính là tình trạng hoàn toàn vô tri không còn biết gì nữa.
Thật vậy, bản chất của sự chết chính là trạng thái hoàn toàn vô tri, vô thức. Chính vì thế, những khoáng chất hay khoáng vật như kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, dù nó có trước sinh vật và tồn tại lâu hơn sinh vật về thời gian, nhưng chúng vẫn không phải là loài sinh vật, tức đều là những vật vô tri, vô giác, không phải là một loài có hồn, có nguyên lý sự sống được gọi là hồn sống như nơi các loài sinh vật. Như loài thực vật cỏ cây có sinh hồn, loài động vật chim trời cá biển cầm thú có giác hồn, và loài nhân vật có linh hồn. Chính nhờ có hồn sống là “tri thức” bẩm sinh của mình, sinh vật mới “biết” hoạt động và phát triển về hình hài theo bản tính tự nhiên của chúng, cho tới khi sinh vật đạt đến tầm vóc đặc thù hoàn toàn của chúng, một tầm vóc mà, vì ở trong không gian hữu hình và thời gian hữu hạn, cuối cùng cũng sẽ qua đi khi hết thời của nó, tức cho đến khi hồn sống không còn ở trong sinh vật nữa. Như thế, nếu tự bản chất sự chết là trạng thái hoàn toàn vô tri, vô thức nơi sinh vật, thì về thực tại, sự chết chính là trạng thái phân ly giữa xác thể và hồn sống.
Nếu thực tại của sự chết là trạng thái phân ly giữa xác thể và hồn sống, thì quả thực con người dù đang sống đây cũng đã mang sẵn mầm mống sự chết nơi bản thân của họ rồi vậy. Ở chỗ, không ai trong họ có thể chối cãi được một trận chiến vô cùng gay go liên tục xẩy ra trong nội tâm của họ, từ khi họ có trí khôn, biết suy nghĩ, cho tới khi họ nhắm mắt lìa đời. Đó là trận chiến giữa phần thượng và phần hạ, giữa tinh thần và xác thịt, giữa lương tâm và tà tâm, giữa nhân đức và tội lỗi, giữa hy sinh và lợi lộc v.v. Thế nhưng, kinh nghiệm phũ phàng vẫn cho thấy, phần hạ thường nắm được ưu thế, đến nỗi lấn át và làm chủ phần thượng, và con người, dù lúc nào cũng hướng về và tìm kiếm chân thiện mỹ, thực tế lại cứ nghĩ tưởng, phát ngôn, tác hành và phản ứng hoàn toàn ngược chiều, hoàn toàn mù quáng đâm đầu vào những cái làm hại cho chẳng những nhân phẩm và sự sống của mình mà còn cả của nhau nữa.
Sự chết còn được thể hiện qua hậu quả của nó là tình trạng băng rữa của xác thể sinh vật sau khi chúng chết, chúng trở thành một xác thể vô hồn. Hiện tượng rữa nát này thật sự đang xẩy ra nơi con người hiện đại nói riêng và nền văn hóa phi luân của con người ngày nay nói chung. Ở chỗ, con người chẳng những ly dị, tình trạng chia rẽ tình nghĩa vợ chồng, tức tình trạng chết nơi đời sống hôn nhân, và phá thai, tình trạng chia rẽ giữa mẹ con, tức tình trạng chết nơi tình nghĩa mẫu tử, mà còn từ chỗ chết nơi đời sống hôn nhân và gia đình này đã đi đến chỗ băng hoại nữa, đó là đi tới chỗ đồng tính hôn nhân và tạo sinh ngoại nhiên (trong ống nghiệm, bằng phương pháp cloning phi tính dục v.v.), những việc làm quái gở, chứng tỏ con người đang bị phá sản về luân lý và khủng hoảng về văn hóa, làm cho họ thực sự đang ở vào một giai đoạn lịch sử mùa đông đầy tối tăm và sặc mùi chết chóc về cả tinh thần lẫn việc làm.
Đó là lý do sự sống thể lý nơi con người có liên quan hết sức mật thiết đến sự sống tâm linh của họ, và cuộc đời của con người trên trần gian thực sự là một cuộc vượt qua sự chết mà vào sự sống vậy.
“Là đường nhờ đó Chúa Giêsu đã đến với chúng ta lần thứ nhất thì Mẹ cũng sẽ là đường nhờ đó Người đến với chúng ta lần thứ hai, cho dù không cùng một kiểu cách - Being the way by which Jesus came to us the first time, she will also be the way by which He will come the second time, though not in the same manner” (Thánh Marie Grignion de Montfort: Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn 50.4)
"Ma quỉ đang thực hiện một cuộc quyết chiến với Trinh Nữ Maria. Hắn thấy rằng thời gian của mình không còn dài, nên hắn tận dụng mọi nỗ lực để chiếm đoạt nhiều linh hồn bao nhiêu có thể... the devil is carrying on a decisive battle with the Virgin Mary, He sees that his time is getting short, and he is making every effort to gain as many souls as possible..." (Nữ Tu Lucia với linh mục Fuentes ngày 26/12/1957, trích Joaquin Maria Alonso, C.M.F, The Secret of Fatima - Fact and Legend, The Ravengate Press, Cambridge 1990, page 109)
"Mẹ Maria cần phải trở thành một đạo binh dàn trận kinh hoàng đối với ma quỉ và thành phần theo hắn, nhất là vào những thời buổi sau này. Đối với Satan, vì biết rằng mình không còn bao nhiêu thời gian – hiện nay còn ít hơn bao giờ hết – để hủy hoại các linh hồn, đã gia tăng các nỗ lực của hắn và những cuộc công kích của hắn hằng ngày. Hắn sẽ không ngần ngại khuấy động lên những cuộc bách hại tàn ác và đặt các thứ cạm bẫy xảo quyệt đối với thành phần tôi tớ trung thành và con cái của Mẹ Maria, thành phần hắn thấy khó chế ngự hơn những kẻ khác".
"Mary must become as terrible as an army in (Thánh Marie Grignion de Montfort: Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn 50.7)
"Before Christ's second coming the Church must pass through a final trial that will shake the faith of many believers. The persecution that accompanies her pilgrimage on earth will unveil the 'mystery of iniquity' in the form of a religious deception offering men an apparent solution to their problems at the price of apostasy from the truth. The supreme religious deception is that of the Antichrist, a pseudo-messianism by which man glorifies himself in place of God and of his Messiah coming in the flesh"
"Ngày 25/3/1936. Ban sáng, trong lúc suy niệm, tôi được bao bọc bởi việc hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa, khi tôi thấy sự cao cả khôn lường của Thiên Chúa, đồng thời cả việc Ngài hạ mình xuống với các loài tạo vật của Ngài. Bấy giờ tôi thấy Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã đã nói với tôi rằng: ‘Ôi, linh hồn trung thành đáp ứng tác động ân sủng của Ngài thì làm hài lòng Ngài biết bao. Mẹ đã ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại; còn phần con, con phải nói cho thế giới về tình thương cao cả của Người và sửa soạn thế giới cho Lần Đến Thứ Hai của Đấng sẽ đến không phải như một Đấng Cứu Thế nhân hậu nữa mà là một Thẩm Phán công minh. Ôi, khủng khiếp thay cái ngày ấy! Quyết liệt thay ngày công minh ấy, ngày giận dữ thần linh ấy. Các Thần Trời rùng mình trước ngày này. Hãy nói cho các linh hồn biết về tình thương cao cả này trong khi còn thời gian ban phát tình thương. Nếu giờ đây con câm nín thì con sẽ phải trả lẽ về rất nhiều linh hồn vào ngày kinh khiếp ấy. Đừng sợ chi. Hãy trung thành cho đến cùng. Mẹ thương mến con’” March 25, 1936. In the morning, during meditation, God's presence enveloped me in a special way, as I saw the immeasurable greatness of God and, at the same time, His condescension to His creatures. Then I saw the Mother of God, who said to me, Oh, how pleasing to God is the soul that follows faithfully the inspirations of His grace! I gave the Savior to the world; as for you, you have to speak to the world about His great mercy and prepare the world for the Second Coming of Him who will come, not as a merciful Savior, but as a just Judge. Oh, how terrible is that day! Determined is the day of justice, the day of divine wrath. The Angels tremble before it. Speak to souls about this great mercy while it is still the time for [granting] mercy. If you keep silent now, you will be answering for a great number of souls on that terrible day. Fear nothing. Be faithful to the end. I sympathize with you. (Mẹ Maria với Chị Thánh Faustina: Nhật Ký, đoạn 635)
"Hãy nói cho thế giới biết về tình thương của Cha; tất cả loài người hãy nhân biết tình thương khôn dò của Cha. Đó là dấu hiệu cho ngày cùng tháng tận; sau đó sẽ là ngày của công lý. Speak to the world about My mercy; let all mankind recognize My unfathomable mercy. It is a sign for the end times; after it will come the day of justice. (Chúa Giêsu với chị Thánh Maria Faustina: Nhật Ký, 848)
"Con hãy viết xuống như sau: trước khi Cha đến như một quan phán công chính, trước hết Cha mở rộng cửa tình thương của Cha. Ai không chiu qua cửa tình thương của Cha thì phải qua cửa công lý của Cha... Write: before I come as a just Judge, I first open wide the door of My mercy. He who refuses to pass through the door of My mercy must pass through the door of My justice..." (Chúa Giêsu với chị Thánh Maria Faustina: Nhật Ký, 1146)
“Hôm nay Cha sai con đem tình thương của Cha đến với các dân tộc trên khắp thế giới. Cha không muốn trừng phạt một nhân loại đang bị nhức nhối, mà là muốn chữa lành cho nó, ghì lấy nó vào Trái Tim Nhân Hậu của Cha. Cha sử dụng việc trừng phạt khi nào họ buộc Cha phải làm như thế mà thôi; bàn tay của Cha lưỡng lự chần chờ nắm lấy thanh gươm công lý. Trước Ngày Công Lý Cha đang ban cho họ Ngày Tình Thương - Today I am sending you with My mercy to the people of the whole world. I do not want to punish aching mankind, but I desire to heal it, pressing it to My Merciful Heart. I use punishment when they themselves force Me to do so; My hand is reluctant to take hold of the sword of justice. Before the Day of Justice I am sending the Day of Mercy. (Chúa Giêsu với chị Thánh Maria Faustina: Nhật Ký, 1588)
"Từ Balan sẽ phát ra một tia sáng (ĐTC GPII cho 'tia sáng' này là lòng thương xót Chúa; nhưng chúng ta cũng có thể cho là chính bản thân ngài, vị giáo hoàng đột xuất từ Balan với khẩu hiệu thánh mẫu 'totus tuus', vị giáo hoàng của thông điệp 'Redemptor Hominis', là dạo khúc hướng Giáo Hội và thế giới về 'Đấng là trung tâm vũ trụ và lịch sử', qua việc dọn mừng Đại Năm Thánh 2000, vị giáo hoàng đã đóng vai trò chủ chốt trong việc lấy đầu cộng sản là khối Đông Âu và Nga Sô, một chủ nghĩa và là một chế độ vốn được gọi là tiền hô của qủi vương) để sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha - From her will come forth the spark that will prepare the world for My final coming” (Chúa Giêsu với chị Thánh Maria Faustina: Nhật Ký, 1732)
“Tất cả chúng ta đang sống trong Mùa Vọng của những ngày lịch sử cuối cùng, và tất cả chúng ta đang nỗ lực sửa soạn đón Chúa Kitô đến để thiết dựng vương quốc của Thiên Chúa đã được Người loan báo - We are all living in the Advent of the last days of history, and all trying to prepare for the coming of Christ, to build the kingdom of God which he proclaimed” (ĐTCGPII tại Lebanon ngày 11/5/1997:L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 14/5/1997, trang 2).
|
|||
Thời Điểm Maria ra mắt ngày
8/12/2001. Từ ngày tân trang 21/9/2003, cho tới 27/3/2006 được
30.224 lần viếng thăm.
Bị trục trặc kỹ thuật gây ra bởi server từ ngày Chúa Nhật 14/5/2006.
Tạm nghỉ cho tới khi chuyển sang server mới ngày Thứ Bảy 10/6/2006. |