THỨ NĂM 19/6/2008

 

   TIN Tưởng Giáo Hội  

ĐTC Biển Đức XVI Bài Giảng Lễ Các Thánh 1/11/2006 tại Đền Thờ Thánh Phêrô

"Khi ngước mắt nhìn lên gương của các vị thánh chúng ta cảm thấy bừng lên trong mình đầy ước vọng trở thành những thánh nhân"

 Mừng Kỷ Niệm 117 Chứng Nhân Tử Đạo Trên Đất Việt 20 Năm Phong Thánh (19/6/1988-2008)

   CẬY Nhờ Thánh Mẫu  

Hiếu Trung, OP

Kính Yêu Đức Trinh Nữ Maria

 Mừng Kỷ Niệm 117 Chứng Nhân Tử Đạo Trên Đất Việt 20 Năm Phong Thánh (19/6/1988-2008)

   MẾN Yêu Thánh Thể  

Hiếu Trung, OP

Như Một Thánh Lễ Cuộc Đời

 Mừng Kỷ Niệm 117 Chứng Nhân Tử Đạo Trên Đất Việt 20 Năm Phong Thánh (19/6/1988-2008)

  YÊU Thương Tha Nhân  

Hiếu Trung, OP

Đức Ái Trọn Hảo

 Mừng Kỷ Niệm 117 Chứng Nhân Tử Đạo Trên Đất Việt 20 Năm Phong Thánh (19/6/1988-2008)

 

    

 

TIN TƯỞNG GIÁO HỘI
 

 

 

ĐTC Biển Đức XVI Bài Giảng Lễ Các Thánh 1/11/2006 tại Đền Thờ Thánh Phêrô

 

"Khi ngước mắt nhìn lên gương của các vị thánh chúng ta cảm thấy bừng lên trong mình đầy ước vọng trở thành những thánh nhân"

 

Mừng Kỷ Niệm 117 Chứng Nhân Tử Đạo Trên Đất Việt 20 Năm Phong Thánh (19/6/1988-2008)

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Việc chúng ta cử hành Thánh Thể hôm nay được bắt đầu bằng lời kêu gọi: “Chúng ta hãy hân hoan trong Chúa”. Phụng vụ kêu mời chúng ta chia sẻ niềm hân hoan thiên đình của các thánh nhân, mời chúng ta nếm hưởng niềm vui. Các vị thánh không phải là một giai cấp hạn hữu của thành phần được tuyển chọn mà là một đám đông vô số được phụng vụ kêu gọi chúng ta hãy ngước mắt lên nhìn các ngài.

 

Trong đám đông này không phải chỉ có những vị thánh được chính thức công nhận mà còn là thành phần đã lãnh nhận phép rửa thuộc mọi lứa tuổi và tên gọi chúng ta chưa biết tới, nhưng với con mắt đức tin chúng ta thấy họ rạng ngời như các vì tinh tú đầy vinh quang trên bầu trời thần linh.

 

Hôm nay, Giáo Hội mừng phẩm vị của mình với vai trò làm “mẹ của các thánh, hình ảnh của thành đô trường tồn” (Alessandro Manzoni), và biểu lộ nhan sắc của mình ra như vị hôn thê tinh tuyền của Chúa Kitô, nguồn mạch và là mô phạm của tất cả mọi sự thánh đức. Giáo Hội không phải là không có những đứa con cái phóng túng, những đứa con cái thực sự là phản loạn, thế nhưng, chính ở nơi các vị thánh Giáo Hội nhận thấy những đặc tính nổi bật của mình, và chính ở nơi các vị Giáo Hội tỏa ra niềm vui sâu thẳm nhất của mình.

 

Trong bài đọc thứ nhất, tác giả của Sách Khải Huyền đã diễn tả “một đám rất đông không ai có thể đếm xuể thuộc hết mọi quốc gia, chủng tộc, dân chúng và ngôn ngữ” (7:9). Thành phần dân chúng này bao gồm những vị thánh thuộc Cựu Ước, bắt đầu từ Abel là con người công chính và tổ phụ Abraham, rồi tới những vị tháng Tân Ước, nhiều vị tử đạo khi Kitô Giáo mới bắt đầu, các vị chân phước và thánh nhân thuộc các thế hệ sau đó, và cuối cùng là những chứng vị chứng nhân của Chúa Kitô trong thời đại của chúng ta. Những gì các vị có chung vo1ơ nhau đó là ý muốn hiện thực hóa Phúc Âm trong đời sống của mình theo tác động của Thánh Linh, Đấng là Đấng vĩnh hằng ban sự sống cho dân Thiên Chúa.

 

Thế nhưng, “việc chúng ta ca ngợi các thánh, việc chúng ta tỏ lòng tôn vinh, việc chúng ta long trọng cử hành có ích gì chứ?” Bài giảng nổi tiếng của Thánh Bênađô cho lễ Chư Thánh đã được bắt đầu bằng câu hỏi này. Nó là một câu hỏi chúng ta có thể tự hỏi mình ngay cả đến ngày hôm nay đây. Câu giải đáp được Thánh Bênađô cống hiến cũng liên quan tới chúng ta nữa. Ngài nói: “Các thánh nhân không cần việc tôn vinh của chúng ta, và các ngài chẳng chiếm được gì nơi việc tưởng niệm của chúng ta. Đối với chính mình, tôi cần phải tuyên xưng rằng khi tôi nghĩ đến các vị thánh thì tôi cảm thấy bừng lên những ước muốn cao cả” (Homily 2, "Opera Omnia," ed. Cisterc, 5, 364 ff.).

 

Vậy ý nghĩa của việc long trọng cử hành hôm nay đây là ở chỗ: Khi ngước mắt nhìn lên gương sáng của các vị thánh chúng ta cảm thấy bừng lên trong mình đầy lòng ước vọng trở thành những thánh nhân; chúng ta cảm thấy sung sướng được sống gần Thiên Chúa, được sống trong ánh sáng của Ngài, trong một đại gia đình các bạn hữu của Thiên Chúa. Là một vị thánh nghĩa là sống gần gũi với Thiên Chúa, sống trong gia đình của Ngài. Và đó là ơn gọi của tất cả chúng ta, được Công Đồng Chung Vaticanô II mạnh mẽ tái khẳng định, và cần chúng ta đặc biệt chú ý tới vào ngày này.

 

Thế nhưng, làm sao chúng ta có thể trở thành những vị thánh, thành bạn hữu của Thiên Chúa đây? Câu trả lời đầu tiên cho vấn nạn này đó là: Để làm thánh không cần phải thi hành những công việc và những hoạt động phi thường, cũng không cần phải có được những đặc sủng ngoại thường. Song câu trả lời này mới nói cho chúng ta biết những gì không phải là sự thánh thiện. Câu giải đáp tích cực cho việc trở thành một vị thánh đó là trước hết cần phải lắng nghe Chúa Giêsu để rồi theo Người và đừng nản lòng trước những khốn khó.

 

Người phán: “Nếu ai muốn phụng sự Tôi thì họ cần phải theo Tôi, và Tôi ở đâu thì tôi tớ của Tôi cũng ở đó. Nếu ai phụng sự Tôi thì Cha sẽ tôn vinh họ” (Jn 12:26). Ai ký thác mình cho Người và chân thành mến yêu Người thì sẽ chết cho Người như hạt lúa miến mục nát đi trong lòng đất vậy.

 

Người thực sự biết rằng ai cố gắng giữ lấy sự sống mình thì sẽ làm nó mất đi, và ai hiến sự sống mình như thế thì lại giữ được nó (x Jn 12:24-25). Kinh nghiệm của Giáo Hội chứng tỏ rằng, mặc dù có những đường lối khác nhau, tất cả mọi hình thức thánh thiện bao giờ cũng trải qua con đường thập giá, con đường từ bỏ chính mình.

 

Các câu truyện tiểu sử về các vị thánh cho thấy những con người nam nữ, thành phần luôn dễ dạy đối với ý định thần linh, đôi khi đã trải qua những khổ đau khôn xiết tả, đã bị bách hại và tử đạo. Các vị kiên trì với nhiệm vụ của mình. Chúng ta đọc thấy trong Sách Khải Huyền “Đó là những người đã sống sót trong thời kỳ đầy những đau thương, họ giặt áo mình nên tinh trắng trong máu của Con Chiên” (7:14).

 

Danh tính của họ được ghi trong sách sự sống (x Rev 20:12); thiên đàng là nơi cư ngụ đời đời của họ. Mẫu gương của các thánh nhân là những gì phấn khích chúng ta hãy theo bước chân của các vị, cảm nghiệm niềm vui của những ai tin tưởng phó mình cho Thiên Chúa, vì lý do buồn khổ duy nhất đó là sống xa cách Ngài.

 

Thánh thiện đòi hỏi phải liên lỉ cố gắng, nhưng thánh thiện là những gì khả dĩ đối với tất cả mọi người, vì nó không phải chỉ là công việc của loài người mà trước hết là một tặng ân của Thiên Chúa, Đấng ba lần thánh (x Is 6:3). Trong bài đọc thứ hai, Thánh Tông Đồ Gioan nhận định rằng: “Hãy xem tình yêu thương của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên chúng ta biết là chừng nào, để chúng ta được gọi là con cái của Thiên Chúa. Mà thật sự chúng ta là như thế” (1Jn 3:1).

 

Bởi thế, chính Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương chúng ta trước, và nơi Chúa Giêsu Ngài đã làm cho chúng ta trở thành những người con được Ngài thừa nhận làm dưỡng tử. Trong cuộc sống của chúng ta, tất cả đều là tặng ân yêu thương của Ngài. Làm sao chúng ta có thể tỏ ra dửng dưng lãnh đạm trước một mầu nhiệm cao cả như thế chứ? Làm sao chúng ta không đáp ứng tình yêu thương của Cha trên trời bằng việc sống một cuộc đời con cái với lòng tri ân cảm tạ chứ?

 

Nơi Chúa Kitô Ngài đã hoàn toàn ban mình cho chúng ta và đã kêu gọi chúng ta sống mối liên hệ riêng tư và sâu xa với Ngài. Bởi thế, chúng ta càng bắt chước Chúa Kitô và liên kết với Người, chúng ta càng tiến vào mầu nhiệm thánh thiện thần linh. Chúng ta khám phá ra rằng chúng ta được Ngài vô cùng yêu thương và điều khám phá này thúc đẩy chúng ta yêu thương anh chị em mình. Yêu thương bao giờ cũng là một hành động từ mình, “đánh mất bản thân mình”, và chính nhờ đó mà chúng ta mới cảm thấy hạnh phúc.

 

Bởi thế chúng ta sang bài Phúc Âm của thánh lễ này, sang với lời công bố các phúc đức chúng ta vừa nghe vang vọng chốc lát trước đây trong đền thờ này.

 

Chúa Giêsu phán rằng: Phúc cho ai nghèo khó trong tinh thần, phúc cho ai khóc lóc, cho ai hiền lành, phúc cho ai đói khát công lý, cho ai biết xót thương, phúc cho ai có tấm lòng thanh sạch, cho kẻ xây dựng hòa bình; kẻ bị bách hại vì sự công chính (x Mt 5:3-10).

 

Thật vậy, phúc đức trên hết là chính Người, là Chúa Giêsu. Thật vậy, Người thực sự nghèo trong tinh thần, là người khóc lóc, là người hiền lành, là người đói khát công lý, là người xót thương, có lòng tinh khiết, là người kiến thiết hòa bình; Người là vị bị bắt bớ vì sự công chính.

 

Các phúc đức cho chúng ta thấy dung mạo thiêng liêng của Chúa Giêsu, nhờ đó cho thấy mầu nhiệm của Người, mầu nhiệm của tử nạn và phục sinh, của cuộc khổ nạn và niềm vui phục sinh. Mầu nhiệm này, một mầu nhiệm của những gì thực sự phúc đức, mời gọi chúng ta hãy bước theo Chúa Giêsu, nhờ đó theo con đường dẫn đến hạnh phúc.

 

Tùy theo cách thức chúng ta chấp nhận lời Người mời gọi và bước theo Người – tùy theo hoàn cảnh của hết mọi người – cả chúng ta nữa cũng được tham dự vào phúc đức của Người. Với Người những gì bất khả đều trở thành khả dĩ cho đến độ con lạc đà có thể chui qua lỗ kim (x Mk 10:25); với ơn trợ giúp của Người, chúng ta có thể nên trọn hảo như Cha trên trời là Đấng trọn hảo (x Mt 5:48).

 

Anh chị em thân mến, giờ đây chúng ta tiến vào tâm điểm của việc cử hành Thánh Thể là những gì phấn khích và nuôi dưỡng sự thánh thiện. Chẳng bao lâu nữa Chúa Kitô sẽ hiện diện một cách cao cả, Người là cây nho thật mà tín hữu trên thế gian và các thánh trên trời liên kết lại như là những cành nho.

 

Mối hiệp thông của Giáo Hội lữ hành trên thế giới này với Giáo Hội khải hoàn trong vinh quang sẽ được kiên cường. Trong Kinh Tiền Tụng chúng ta sẽ loan báo rằng các vị thánh là bạn hữu và là mẫu sống cho chúng ta. Chúng ta sẽ xin các vị hãy giúp đỡ chúng ta trong việc bắt chước các vị và thực hiện việc quảng đại đáp ứng tiếng gọi thần linh như các vị đã làm. Chúng ta đặc biệt kêu xin Mẹ Maria, mẹ của Chúa Kitô và là gương soi thánh đức. Chớ gì Mẹ là vị toàn thánh làm cho chúng ta trở thành những người môn đệ trung thực của Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ! Amen.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 1/11/2006


 

  TOP

 

 

 

CẬY NHỜ THÁNH MẪU

 

 Hiếu Trung, OP

Kính Yêu Đức Trinh Nữ Maria

 

Mừng Kỷ Niệm 117 Chứng Nhân Tử Đạo Trên Đất Việt 20 Năm Phong Thánh (19/6/1988-2008)

 

 

Nếu nói đến đời sống các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta không thể bỏ qua lòng tôn sùng Đức Maria của các vị. Lòng tôn kính đó thể hiện qua các thứ Bảy đầu tháng, với những cuộc rước long trọng, qua tháng Hoa và tháng Mân Côi mỗi năm, đặc biệt qua việc siêng năng lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Nhiều người đọc kinh trên đường đi và lấy chuỗi để làm đơn vị tính đường dài. Một niềm an ủi lớn cho giai đoạn thời tử đạo, là việc Đức Mẹ hiện ra an ủi tại rừng La Vang (Quảng Trị) năm 1798: Mẹ vẫn hiện diện để nâng đỡ khích lệ con cái mình trong những lúc khó khăn. ƠŒ đây chúng ta lưu tâm đến một số sự kiện tiêu biểu:

 

Ông Năm Thuông bỏ tiền dựng một nhà nguyện kính Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ; Ông Lý Mỹ mỗi tối tụ tập các phu tuần đọc năm mươi kinh trước khi đi công tác; Linh mục Néron Bắc ăn chay các lễ vọng kính Đức Mẹ; Linh mục Dụ khi biết mình sắp bị bắt đã mang theo hành trang duy nhất là một tràng hạt Mân Côi; Rồi linh mục Federich Tế tự nhận là con điên Đức Mẹ. Khi dừng bước ở Macao đợi tàu đến Việt Nam, ngài đã cầu nguyện:

 

“Lạy Thánh Mẫu cao vời nhân ái,

Tấm lòng con điên dại đáng thương,

Ngày đêm nung nấu can trường,

Lòng bao la Mẹ đâu phương đáp đền.

Trong tâm trưởng con hằng mơ ước,

Khắp muôn phương loan báo Tin Mừng,

Giờ con gặp cảnh sầu thương,

Như thuyền neo bến trùng dương xa vời” (17).

 

Như vậy đó, các ngài đã trao phó cho Mẹ những ước vọng thầm kín của mình để xin Mẹ trợ giúp. Thừa sai Borie Cao ghi lại trong nhật ký lời nguyện ngày tận hiến cho Mẹ tại chủng viện:

 

“Lạy Mẹ của con, xin hãy tin nơi con, khi con trưởng thành, con sẽ hiến toàn thân cho việc cải hóa các người chưa tin. Xin Mẹ giúp con theo con đường và tinh thần của ơn kêu gọi đó. Xin cho con được đau khổ vì Đức Kitô, được đón nhận ngành lá tử đạo và về đến bến vinh quang”.

 

Đức cha Valentino Vinh trong thư gửi cho mẫu thân (thư 61) đã nói lên suy nghĩ của mình, tuy có vẻ hơi hài hước nhưng cũng tràn đầy tin tưởng:

 

“Mẹ ạ, với tràng hạt Mân Côi trong tay, với lời kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng Maria tươi nở trên môi, với tư tưởng thánh thiện trong tâm trí, hỏi thế giới còn chi đẹp đẽ hơn? Mẹ hãy thưa với Đức Maria về con. Lời cầu nguyện sốt sắng ấy sẽ đánh gẫy răng quỷ dữ...”.

 

Đến khi đã bị bắt, kinh Mân Côi vẫn là lời kinh hằng ngày của các chứng nhân đức tin. Có khi các vị chia hai bè để đọc lớn tiếng trong tù. Giám mục Cao, hai linh mục Điểm và Khoa hát vang bài “Ave Maria Stella” (Kính chào Mẹ sao Bắc Đẩu...) và cầu nguyện: “Như xưa Mẹ đã dâng Con yêu quý trong đền thờ, nay xin cũng hiến dâng chúng con trong cuộc tử đạo hồng phúc”.

 

Linh mục Hạnh thay vì dày đạp, đã hôn kính ảnh Đức Mẹ dù bị đánh đúng một trăm roi. Bà Lê thị Thành tâm sự: “Nhờ ơn Đức Mẹ giúp sức, tôi không thấy đau đớn”. Ngoài ra linh mục Schoeffler Đông trong thư tỏ ra mừng rỡ khi biết tin mình tử đạo ngày 1.5, ngày đầu tháng Hoa kính Đức Maria. Linh mục Hoan luôn đeo trên cổ áo Đức Bà cho đến giờ xử tử, ngài nói: “AŒnh này tôi không thể cho ai được. Đây là hình ảnh Đức Nữ Vương và là Bà Chúa của tôi”. Linh mục Cornay Tân khi bị giam trong cũi, vẫn cất tiếng hát, lính nghe hay nên báo với quan, thế là quan bắt hát mới cho ăn, ngài kể lại trong thư rằng: “Mỗi bữa ăn tôi lại có dịp hát thánh ca chúc tụng Đức Mẹ”.

 

Cuối cùng, ngay giờ phút hành hình, các vị tử đạo vẫn cậy nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria. Linh mục Tân cầu nguyện: “Xin Đức Maria chứng giám cho việc sám hối của con...”. Hai linh mục Gia và Liêm từ trại tù ra pháp trường đã hát vang lời kinh Salve Regina (Lạy Nữ Vương) để chạy đến “Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống được vui được cậy... Xin cho chúng con được thấy Đức Giêsu Con lòng Mẹ...”. Bởi vì thực ra trong thâm tâm của các vị cuộc tử đạo quả là một hiến tế cần nhờ Mẹ làm trung gian để dâng lên Thiên Chúa, như linh mục Théophane Vénard Ven đã ghi lại lời nguyện trong thư gởi Đức cha Theurel:

 

“Lạy Mẹ Vô Nhiễm, khi đầu con rơi xuống dưới lưỡi gươm của lý hình, xin nhận lấy tôi tớ nhỏ bé như trái nho chín được hái, như bông hồng nở rộ được ngắt về dâng kính trên bàn thờ. Ave Maria”.

 

TOP

 

 

 

MẾN YÊU THÁNH THỂ

 


Hiếu Trung, OP

Như Một Thánh Lễ Cuộc Đời

 

Mừng Kỷ Niệm 117 Chứng Nhân Tử Đạo Trên Đất Việt 20 Năm Phong Thánh (19/6/1988-2008)

 

 

Thế nhưng, các vị tử đạo đã không chết chỉ vì một lý tưởng, một ý thức hệ hay một tham vọng nào cả. Đối với các ngài, sự hiến dâng chính vì một Đấng mà các ngài yêu mến là Đức Giêsu. Ông Năm Quỳnh khi bị xử giảo, nằm giang tay trên đất còn nói: “Xưa Chúa cũng giang tay thế này để chịu đóng đinh”. Đức cha Sanjurjo An viết: “Chớ gì máu tôi hòa với máu Đức Kitô trên đồi Canvê tẩy rửa tôi sạch muôn vàn tội lỗi”. Linh mục Gagelin Kính nói: “Tôi ước mơ trở thành tro bụi để kết hợp với Chúa Kitô. Tôi giã từ cõi đời này, không hề thương tiếc điều gì, chỉ nhìn lên Chúa Kitô chịu đóng đinh, đủ an ủi tôi về mọi đau khổ và cả cái chết nữa”.

 

Linh mục Dụ tâm sự với người vào tù thăm rằng: “Sức tôi tuy đã giảm, nhưng còn chịu đựng được. Chúa chúng ta đã chịu bao hình khổ để cứu độ nhân loại. Tôi cũng sẵn lòng chịu những sự khó này để nên giống Chúa Kitô phần nào”. Linh mục Hiển lại nói: “Tôi sẵn sàng chết vì Đấng đã chết cho tôi”. Ngoài ra, tất cả các vị tử đạo đều thấy cái chết của mình như một hiến tế, tất cả đều cầu nguyện, hiến dâng đời mình trong những giây phút cuối cùng, và khi biết chính xác ngày xử, các vị thường chuẩn bị tinh thần bằng những hy sinh tự nguyện, hoặc bằng ăn chay hãm mình, hoặc bằng những thời gian dài suy niệm.

 

Có hai hình ảnh đáng ghi nhớ đặc biệt:

 

Ông Tống viết Bường, trường hợp đặc biệt xử về đêm, đã tìm cách đi chậm để xin được chết trên nền cũ nhà thờ Thợ Đúc, Huế. Chính nơi đã từng bao năm tháng các tín hữu tụ họp dâng lên Chúa Hiến lễ tối cao là Đức Giêsu, thì cũng tại đây, ông đã hiến dâng chính mạng sống mình.

 

Hình ảnh thứ hai là giám mục Henares Minh, sau khi người học trò yêu quý là thầy Chiểu bị xử trảm, ngài kính cẩn đón lấy thủ cấp của thầy, rồi dâng lên cao như một lễ vật tinh tuyền kính dâng Thiên Chúa. Cả pháp trường đều thinh lặng ngất ngây trong giây phút có một không hai đó, giây phút kết tinh trọn vẹn cuộc đời dâng hiến của một con người con cái Chúa.

 

Như vậy, tử đạo chính là một thánh lễ cuộc đời. Lá thư linh mục Hương ngày áp cuộc tử đạo nói rõ lên điều đó: “Giờ long trọng đã điểm, xin chào tất cả mọi người đã thương mến và nhớ đến tôi... Trông cậy vào lòng Đức Giêsu nhân từ, tôi tin Ngài tha thứ muôn vàn tội lỗi cho tôi. Tôi tự nguyện hiến dâng máu và mạng sống vì yêu mến Ngài, và vì những linh hồn yêu dấu mà tôi muốn phục vụ hết mình... Ngày mai sẽ là ngày hiến tế của tôi. Xin cho ý Chúa được thể hiện”. Và như Đức Giêsu xưa trên đồi Canvê, ngài kết thúc bằng lời nguyện: “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con phó thác hồn con”.

 

Tóm lại, tử đạo chính là Hiến tế Tình Yêu. Đoạn thư sau đây của Đức cha Retord Liêu gởi cho linh mục Hương ở trong tù, tuy là một suy niệm dựa vào danh xưng vị thừa sai, nhưng tiềm ẩn bên trong ý nghĩa sâu xa của tất cả cuộc tử đạo:

 

“Tôi đã chúc lành cho cha khi đặt cho cha danh xưng đẹp đẽ Cố Hương, nghĩa là người cha của quê hương, là hương trầm và là hương thơm. Chính lúc này đây, quê hương yêu dấu đó đang xuất hiện cho cha trong ánh huy hoàng, vì cha sắp là một trong những công dân hạnh phúc. Chính lúc này đây, hương trầm quý giá chuẩn bị đốt lên trên bàn thờ tử đạo và bay đến tận ngai Đấng Vĩnh Cửu. Chính lúc này đây, hương thơm đáng ca tụng sẽ làm hài lòng Đức Giêsu như bình hương của cô Mađalena, sẽ làm cho thiên thần và loài người, trời và đất hân hoan vì hương vị ngọt ngào của nó”.

 

Vậy đó, mỗi cuộc tử đạo đều là cuộc tự hiến. Đức cha Cuénot Thể tâm sự: “Nhìn các bạn từng người bước lên bàn thờ tử đạo, tôi thấy cô đơn quá, ngày đẹp nhất đời tôi là ngày được hiến tế trên bàn thờ tử đạo”.

 

Cuộc đời các chứng nhân đức tin chịu đốt cháy trong lao khổ, trong ngục hình, và cả cái chết đều như trầm hương dâng lên Thiên Chúa, sẽ tỏa hương thơm ngát cho ngàn muôn thế hệ.

 

TOP

 

 

YÊU THƯƠNG THA NHÂN

 

 

Hiếu Trung, OP

 

Đức Ái Trọn Hảo

 

Mừng Kỷ Niệm 117 Chứng Nhân Tử Đạo Trên Đất Việt 20 Năm Phong Thánh (19/6/1988-2008)

 

Không Để Ai Liên Lụy

 

Như Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu đưa tay cho quân lính bắt, nhưng yêu cầu cho các môn đệ được tự do, các vị tử đạo tuyệt đối không để ai bị liên lụy. Một người duy nhất khai tên năm sáu tín hữu vì tưởng những người này đã trốn là quan Hồ đình Hy, lời khai của ông làm liên lụy đến hai mươi chín người. Ông hết sức hối hận và nói: “Tôi cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô, để đền bù tội lỗi của tôi”.

 

Linh mục Nghi đi đâu cũng mang theo vài nén bạc, có ý giao cho lính để chủ nhà nơi ngài trọ được bình an. Linh mục Federich Tế khi bị bắt đã yêu cầu, và lính nghe ngài thả những giáo hữu đang bị trói. Đức cha Cao dù bị đánh đập, không khai tên bất cứ ai, sau quan cho lôi thầy Tự ra đánh và nói họ sẽ đánh thầy mãi nếu ngài không khai. Thế là cha liền kê tên vài người đã qua đời, quan vui vẻ tha cho thầy Tự, nhưng khi kiểm tra lại mới biết những người đó đã chết. Quan hỏi: “Sao ông cứng đầu thế?”. Cha đáp: “Thưa, câu hỏi của quan tôi không thể trả lời khác hơn được”.

 

Bốn linh mục âm thầm bỏ giáo xứ để các tín hữu được an toàn. Các vị đi mà chẳng biết sẽ đến đâu, đó là linh mục Đỗ Yến, Vinh Sơn Điểm, Borie Cao và Néron Bắc. Trường hợp thừa sai Schoeffler Đông bị bắt chung với một linh mục Việt và hai chú giúp lễ, khi quân lính đòi tiền chuộc, cha yêu cầu thả những người kia ra, lấy cớ chỉ có họ mới biết chỗ để tiền, đến khi họ đã đi xa, cha nói rõ ý muốn chỉ một mình bị bắt. Ngoài ra ta phải kể đến ông Năm Quỳnh, vì làm trùm họ nên giữ sổ các tín hữu, khi thấy quân lính giữ cuốn sổ đó, ông nhắn con trai đưa năm mươi quan tiền đến để chuộc lại.

 

Một hình ảnh tiêu biểu nhất của việc không để ai liên lụy là linh mục Tự. Khi bị bắt giam giữ, cha thấy trong sổ sách bị tịch thu có cuốn sổ ghi tên các tín hữu xứ Kẻ Mốt, cha lén đem về trại giam, rồi tìm cách chuyển ra ngoài. Nhưng vì quân lính canh giữ quá kỹ không thể làm gì được, cha liền bầy kế xin một các chiếu đắp cho đỡ muỗi, rồi nằm trong chiếu ngài nhẩn nha nhai và nuốt từng tờ cuốn sổ ấy. Dĩ nhiên “món ăn” này không hợp khẩu vị chút nào, nên mới được hai phần cuốn, cha đã thấy rát cổ không nuốt nổi nữa. Phần còn lại cha đành nhai nát rồi giấu dưới gầm phản.

 

Thái Độ Với Quan

 

Nói chung tất cả các anh hùng tử đạo đều tỏ vẻ kính trọng giới quan quyền, các vị nói năng lịch sự, hòa nhã, thưa bẩm đúng quy cách. Dường như đối với các vị, phải tìm mọi cách để giúp quan quân gặp được Chân lý của Tin Mừng. Có khi các vị nói rõ rệt ý tưởng đó như trường hợp linh mục Trạch: “Nếu quan muốn sự sống đời đời, hãy thờ lạy thánh giá này”. Còn bình thường, các vị ôn tồn, tế nhị giải đáp những thắc mắc, biện bác những dư luận sai lầm. Vì thế các quan đôi lần biểu lộ tấm lòng mến thương cảm phục như trong vụ án linh mục Hưởng, viên quan thấy tử tội có dáng dấp một đạo sư, nên hứa hẹn nếu chịu bỏ đạo, sẽ thu xếp cho ngài đến trụ trì chùa Non Nước ở Ninh Bình.

 

Thừa sai Bonnard Hương tâm sự: “Trước mặt vua quan, tôi có kinh nghiệm cụ thể lời Đức Kitô: Chúa Thánh Linh sẽ nói thay các con. Thực vậy, chưa bao giờ tôi nói tiếng Việt lưu loát và dễ dàng như thế”. Trường hợp Đức cha Cao cho ta thấy các vị tử đạo có lẽ còn coi quan quyền như những tác nhân trong chương trình quan phòng của Chúa. Khi viên quan vừa đọc xong bản án tử hình, ngài nói: “Thưa quan, kính trọng chỉ dành cho Đấng Tối Cao. Nhưng điều tôi vừa nghe làm tôi quá vui mừng, xin được bày tỏ lòng tri ân của tôi theo lối Đông phương”. Rồi ngài quỳ xuống định lạy, nhưng viên quan đã kịp thời cản lại.

 

Hai đoạn thơ sau đây cho ta thấy rõ thái độ bất bạo động của các vị tử đạo. Một đàng cương quyết đấu tranh cho tự do lương tâm của con người, đàng khác vẫn luôn luôn muốn là trung thần của nhà vua.

 

Bài thơ thứ nhất của ông Lý Mỹ:

 

“Gông đóng xiềng mang, dạ nguyện kinh, 

Những say về đạo hả về tình, 

Vai mang bốn điệp tai thêm ấm, 

Xổng xểnh ba vòng cổ lại thanh. 

Phép nước đành lòng không oán thán, 

Nghĩa thầy để dạ vẫn đinh ninh, 

Khiến sao nên vậy nào lo nghĩ, 

Phó mặc Hoàng Thiên sự tử sinh”.

 

Đoạn thơ thứ hai của linh mục Đoàn công Quý gởi cho mẫu thân:

 

“... Dầu trăng trói gông cùm tù rạc 

Chén ngục hình xiềng tỏa chi nề 

Miễn vui lòng cam chịu một bề 

Cho trọn đạo trung thần hiếu tử...”.

 

Liên Đới Tập Thể

 

Một chứng từ khá đặc biệt các tín hữu thời tử đạo nêu lên với quần chúng là việc họ luôn gắn bó, thông cảm và sẵn sàng san sẻ những khó khăn, cũng như liên đới với nhau để tuyên xưng niềm tin của mình. Không cảm động sao được, hình ảnh cô bé cháu năm tuổi ở Tây Ban Nha mỗi ngày cầu nguyện cho bác giám mục Henares Minh: “... Trung thành phục vụ Chúa suốt đời, và nếu cần để tôn vinh và làm hiển danh Chúa hơn, xin cho bác được dâng mạng sống vì yêu Ngài”. Ấy thế mà em chỉ biết: “Bác tên Đaminh, tu dòng Đaminh, đang truyền giáo ở xa thật xa, nơi người ta đang bách hại các Kitô hữu”.

 

Không cảm động sao được, một linh mục Tuần đang ở nơi yên hàn, khi hay tin vị thừa sai Fernandez Hiền không có nơi ẩn trú, đã đến gặp để cùng nhau trên đường lưu lạc, cùng phơi nắng phơi sương nhiều ngày trong đồng lầy, cùng bị bắt và cùng bị kết án, có điều cha Tuân chết rũ tù mấy ngày trước buổi hành quyết.

 

Không cảm động cao được, cụ Án Khảm vốn là tiên chỉ làng Quần Cống, đang khi quân lính bao vây làng, cho mõ đi rao: “Trình quan viên làng nước, có lệnh cụ Án truyền rằng: “ai mà quá khóa phải phạt ba roi và bị đuổi khỏi làng”. Và ngay trước mặt quân lính, cụ Án đứng ra ngăn cản một tín hữu nhát sợ định đạp lên thánh giá.

 

Khi các vị tử đạo bị bắt, các vị vẫn tìm được nguồn khích lệ từ bên ngoài qua thư từ, thăm viếng, tiếp tế. Các linh mục tìm đủ mọi cách vào thăm các chứng nhân đức tin để đưa Thánh Thể và giải tội cho họ. Linh mục Lựu đã bị bắt khi làm mục vụ cho các tín hữu trong ngục tù Mỹ Tho. Đọc đoạn thơ sau đây của Đức cha Retord Liêu gởi linh mục Khoan trong tù, chúng ta thấy phần nào nội dung những mối liên đới đó:

 

“Sách có câu: Chết vinh hơn sống nhục. Hãy coi những kẻ bội giáo, cuộc đời họ đáng tủi hổ biết bao. Ngược lại khắp bốn phương thiên hạ đều vang lời ngợi khen những ai chết cho đức tin. Các vị tử đạo như tiếng kèn thiên quốc với âm điệu vang lừng muôn người lắng nghe. Những kẻ chối đạo, ở lại trần gian chỉ chờ lưỡi rìu chặt đem về tiếp lửa cho hỏa ngục... Tôi viết cho cha những lời vắn tắt vội vã này. Ước mong nó thành ngọn gió đưa cha lướt êm đến bến bờ Quê Hương. Ước mong nó thành bó hoa rực rỡ với làn hương thơm ngát tỏa niềm vui tô thắm tâm hồn cha trong cuộc chiến cuối cùng. Xin kính cẩn tạm biệt cha, xin kính cẩn hôn lên gông cùm xiềng xích của cha. Trong lúc cầu nguyện xin đừng quên tôi nhé”.

 

Như vậy, chúng ta thấy cuộc tử đạo của mỗi người không chỉ một mình mình biết, nhưng thường mang tầm vóc tập thể. Sự bền vững của một người có tác động khích lệ đến nhiều người. Đức cha An xin quân lính đừng chém mình chết sớm, nhưng ngài yêu cầu họ chém ba nhát: Một tạ ơn Thiên Chúa cho làm người và đến Việt Nam rao giảng Tin Mừng; Một cám ơn công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha; Và một để làm gương cho các tín hữu. Linh mục Tuần khẳng định: “Sao tôi lại phải bắt chước những kẻ bội giáo, mẫu gương tôi coi là hai giám mục (Y và Minh) của tôi”.

 

Với những chứng nhân đức tin cùng bị giam, tình liên đới của họ còn cụ thể hơn. Một người ra tòa trở về, các người khác xúm vào chăm sóc những vết thương, hỏi han về cuộc điều tra và thuật lại cho nhau những lời đáp khẳng khái khi phải đối diện với quan quyền. Rồi họ cùng nhau tạ ơn Chúa đã cho anh em mình vượt qua cơn thử thách. Đẹp làm sao hình ảnh linh mục Hoan tuy tuổi già tóc bạc, cổ mang gông, tay đeo xiềng xích, mỗi ngày đi từ phòng giam này qua phòng giam khác để khích lệ các tín hữu. Đẹp làm sao hình ảnh hai ông Thọ và Cỏn, sẵn sàng quỳ xuống liếm từng vết thương ba vị linh mục Ngân, Nghi, và Thịnh theo đòi hỏi của quan. Đẹp làm sao linh mục Vinh Sơn Liêm đã bênh vực cho bạn (cha Castaneda Gia) bằng cái giá chính mạng sống mình, khi nói: “Xin quan nếu tha thì tha cả, nếu giết thì giết cả”.

 

Nhóm năm người: hai thầy Mậu, Úy và ba anh Mới, Đệ, và Vinh khi thấy linh mục Tự, chỗ dựa tinh thần của nhóm đã bị xử tử, cả năm người đã thất vọng chán nản. Nhưng khi họ ngồi lại với nhau, ôn lại những lời khuyên của thầy mến yêu, năm người đã tìm được can đảm. Họ gởi thư cho cha Chính dòng Đaminh để xin khấn dòng Ba ngay trong ngục, rồi hợp lực với nhau làm tông đồ tại nhà giam. Chỉ một thời gian ngắn, thầy Mậu đã viết thư loan tin mình đã rửa tội được bốn mươi bốn người.

 

Lòng Bao Dung Thứ Tha

 

Nếu lòng anh dũng giúp các vị tử đạo bình thản đón nhận cái chết không run rẩy, không quÿ lụy khóc than, thì lòng bao dung thứ tha mới là đặc tính phân biệt vị tử đạo với những vị anh hùng vì lý do khác.

 

Các tín hữu chỉ thực sự chết vì đạo nếu biểu lộ được tình yêu, lòng nhân ái, sự bao dung của Tin Mừng. Các vị chắc chắn không đồng ý với bản án bất công của triều đình, nhưng như Đức Giêsu trên thánh giá vẫn cầu nguyện cho quân lính giết hại mình, các chứng nhân tử đạo vẫn tiếp tục yêu thương vua quan và chính những người hành xử mình.

 

Thừa sai Gagelin Kính gửi thư cho bạn bè: “Tôi sẵn lòng tha thứ cho những kẻ áp bức tôi”.

 

Chuyện linh mục Théophane Vénard Ven, khi viên quan nói: “Tôi phải theo lệnh vua, đừng giận tôi nhé”, ngài đáp: “Tôi chẳng ghét gì ai cả, tôi sẽ cầu nguyện nhiều cho quan”.

 

Cụ Hoàng lương Cảnh làm cho quan quân phá lên cười, vì khi họ yêu cầu cụ đọc kinh đạo cho nghe, cụ đã đọc: “Cầu Chúa Giêsu, xin cho các quan trị nước cho yên càng ngày càng thịnh”.

 

Linh mục Minh trong tù đã giải tội cho bếp Nhẫn, kẻ dẫn lối cho quan quân bắt ngài. Cũng vậy, linh mục Viên, trên đường ra pháp trường, ban phép xá giải cho hai phụ nữ tố giác nơi cha trú ẩn.

 

Ông Lê văn Phụng tại pháp trường nhắn nhủ con trai mình: “Con ơi, hãy tha thứ, đừng tìm báo thù kẻ tố giác ba nhé”. Và dặn dò thân hữu: “Hãy tha thứ các bạn ơi. Hãy tha thứ, vì chính tôi đã thứ tha”.

 

Linh mục Khoan và hai thầy Thành, Hiếu trước lúc bị xử chém đã giơ tay lên trời cùng cầu nguyện: “Vinh danh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa, Chúa trời đất, chúng con hiến dâng mạng sống cho Ngài. Xin Chúa chúc phúc cho nhà vua được cai trị lâu dài trong an bình. Xin biến đổi trái tim vua, để vua tin theo đạo thật, đạo duy nhất đem lại cho con người hạnh phúc đích thực”.

 

Việc chiêm ngưỡng lòng bao dung thứ tha của các vị tử đạo cho phép chúng ta mường tượng ra khuôn mặt của các ngài: Không một chút bất mãn tức tối, không một chút oán ghét hận thù; ánh mắt và nụ cười của các ngài toát lên nét dịu hiền thông cảm. Thế nhưng, còn hơn thế nữa, các ngài tràn trề hân hoan ngước nhìn về trời cao vì trong thâm tâm, các ngài tin tưởng rằng: Cái chết tử đạo là cái chết vinh quang, sẽ khai mở cho các ngài vào cuộc sống mới muôn đời bất diệt.

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

TRONG THỜI ÐIỂM MARIA

MẸ MARIA XUẤT HIỆN NHƯ BÌNH MINH 

BÁO HIỆU MẶT TRỜI CÔNG CHÍNH RẠNG NGỜI TỎ HIỆN...

 

“Là đường nhờ đó Chúa Giêsu đã đến với chúng ta lần thứ nhất

thì Mẹ cũng sẽ là đường nhờ đó Người đến với chúng ta lần thứ hai,

cho dù không cùng một kiểu cách -

  Being the way by which Jesus came to us the first time,

    she will also be the way by which He will come the second time,  

 though not in the same manner

      (Thánh Marie Grignion de Montfort: Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn 50.4)

 

"Ma quỉ đang thực hiện một cuộc quyết chiến với Trinh Nữ Maria.

Hắn thấy rằng thời gian của mình không còn dài,

nên hắn tận dụng mọi nỗ lực để chiếm đoạt nhiều linh hồn bao nhiêu có thể...

the devil is carrying on a decisive battle with the Virgin Mary,

He sees that his time is getting short,

and he is making every effort to gain as many souls as possible..."

(Nữ Tu Lucia với linh mục Fuentes  ngày 26/12/1957, trích Joaquin Maria Alonso, C.M.F,

The Secret of Fatima - Fact and Legend, The Ravengate Press, Cambridge 1990, page 109)

 

"Mẹ Maria cần phải trở thành một đạo binh dàn trận kinh hoàng đối với ma quỉ và thành phần theo hắn, nhất là vào những thời buổi sau này. Đối với Satan, vì biết rằng mình không còn bao nhiêu thời gian – hiện nay còn ít hơn bao giờ hết – để hủy hoại các linh hồn, đã gia tăng các nỗ lực của hắn và những cuộc công kích của hắn hằng ngày. Hắn sẽ không ngần ngại khuấy động lên những cuộc bách hại tàn ác và đặt các thứ cạm bẫy xảo quyệt đối với thành phần tôi tớ trung thành và con cái của Mẹ Maria, thành phần hắn thấy khó chế ngự hơn những kẻ khác".

"Mary must become as terrible as an army in
battle array to the devil and his followers, especially in
these latter times. For Satan, knowing that he has little time
- even less now than ever - to destroy souls, intensifies his
efforts and his onslaughts every day.
He will not hesitate to
stir up savage persecutions and set treacherous snares for
Mary's faithful servants and children whom he finds more
difficult to overcome than others".

     (Thánh Marie Grignion de Montfort: Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn 50.7)

 

Trước khi Chúa Kitô đến lần thứ hai, Giáo Hội phải trải qua một cuộc

thử thách sau cùng, một cuộc thử thách sẽ làm lay chuyển đức tin của

nhiều tín hữu (x Lk 18:8; Mt 24:12). Bách hại đi kèm theo cuộc lữ hành

của Giáo Hội trên mặt đất (x Lk 21:12; Jn 15:19-20) sẽ tỏ ra cho thấy

‘mầu nhiệm của gian tà’ nơi hình thức lừa bịp về đạo giáo, ở chỗ nó

cống hiến con người một giải đáp trước mắt cho những vấn nạn của họ

với giá họ phải trả là chối bỏ sự thật. Cái lừa bịp về đạo giáo thượng

hạng là cái lừa bịp Phản Kitô, một chủ trương ngụy kitô làm cho con

người tôn vinh mình hơn Thiên Chúa và hơn Đấng Thiên Sai đến

trong xác thịt của Ngài (x 2Thess 2:4-12; 1Thess 5:2-3; 2Jn 7; 1Jn 2:18,22)”. (Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 675)

"Before Christ's second coming the Church must pass through a final trial that will shake the faith of many believers. The persecution that accompanies her pilgrimage on earth will unveil the 'mystery of iniquity' in the form of a religious deception offering men an apparent solution to their problems at the price of apostasy from the truth. The supreme religious deception is that of the Antichrist, a pseudo-messianism by which man glorifies himself in place of God and of his Messiah coming in the flesh"

 

"Ngày 25/3/1936. Ban sáng, trong lúc suy niệm, tôi được bao bọc bởi việc hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa, khi tôi thấy sự cao cả khôn lường của Thiên Chúa, đồng thời cả việc Ngài hạ mình xuống với các loài tạo vật của Ngài. Bấy giờ tôi thấy Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã đã nói với tôi rằng: ‘Ôi, linh hồn trung thành đáp ứng tác động ân sủng của Ngài thì làm hài lòng Ngài biết bao. Mẹ đã ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại; còn phần con, con phải nói cho thế giới về tình thương cao cả của Người và sửa soạn thế giới cho Lần Đến Thứ Hai của Đấng sẽ đến không phải như một Đấng Cứu Thế nhân hậu nữa mà là một Thẩm Phán công minh. Ôi, khủng khiếp thay cái ngày ấy! Quyết liệt thay ngày công minh ấy, ngày giận dữ thần linh ấy. Các Thần Trời rùng mình trước ngày này. Hãy nói cho các linh hồn biết về tình thương cao cả này trong khi còn thời gian ban phát tình thương. Nếu giờ đây con câm nín thì con sẽ phải trả lẽ về rất nhiều linh hồn vào ngày kinh khiếp ấy. Đừng sợ chi. Hãy trung thành cho đến cùng. Mẹ thương mến con’”

March 25, 1936. In the morning, during meditation, God's presence enveloped me in a special way, as I saw the immeasurable greatness of God and, at the same time, His condescension to His creatures. Then I saw the Mother of God, who said to me, Oh, how pleasing to God is the soul that follows faithfully the inspirations of His grace! I gave the Savior to the world; as for you, you have to speak to the world about His great mercy and prepare the world for the Second Coming of Him who will come, not as a merciful Savior, but as a just Judge. Oh, how terrible is that day! Determined is the day of justice, the day of divine wrath. The Angels tremble before it. Speak to souls about this great mercy while it is still the time for [granting] mercy. If you keep silent now, you will be answering for a great number of souls on that terrible day. Fear nothing. Be faithful to the end. I sympathize with you.     

(Mẹ Maria với Chị Thánh Faustina: Nhật Ký, đoạn 635)

 

"Hãy nói cho thế giới biết về tình thương của Cha;

tất cả loài người hãy nhân biết tình thương khôn dò của Cha.

Đó là dấu hiệu cho ngày cùng tháng tận;

sau đó sẽ là ngày của công lý.

Speak to the world about My mercy;

let all mankind recognize My unfathomable mercy.

It is a sign for the end times;

after it will come the day of justice.

(Chúa Giêsu với chị Thánh Maria Faustina: Nhật Ký, 848)

 

"Con hãy viết xuống như sau: trước khi Cha đến như một quan phán công chính, trước hết Cha mở rộng cửa tình thương của Cha. Ai không chiu qua cửa tình thương của Cha thì phải qua cửa công lý của Cha...

Write: before I come as a just Judge, I first open wide the door of My mercy. He who refuses to pass through the door of My mercy must pass through the door of My justice..."  

(Chúa Giêsu với chị Thánh Maria Faustina: Nhật Ký, 1146)

 

“Hôm nay Cha sai con đem tình thương của Cha đến với các dân tộc trên khắp thế giới. Cha không muốn trừng phạt một nhân loại đang bị nhức nhối, mà là muốn chữa lành cho nó, ghì lấy nó vào Trái Tim Nhân Hậu của Cha. Cha sử dụng việc trừng phạt khi nào họ buộc Cha phải làm như thế mà thôi; bàn tay của Cha lưỡng lự chần chờ nắm lấy thanh gươm công lý. Trước Ngày Công Lý Cha đang ban cho họ Ngày Tình Thương -

Today I am sending you with My mercy to the people of the whole world. I do not want to punish aching mankind, but I desire to heal it, pressing it to My Merciful Heart. I use punishment when they themselves force Me to do so; My hand is reluctant to take hold of the sword of justice. Before the Day of Justice I am sending the Day of Mercy.

(Chúa Giêsu với chị Thánh Maria Faustina: Nhật Ký, 1588)

 

"Từ Balan sẽ phát ra một tia sáng

(ĐTC GPII cho 'tia sáng' này là lòng thương xót Chúa;

nhưng chúng ta cũng có thể cho là chính bản thân ngài,

vị giáo hoàng đột xuất từ Balan với khẩu hiệu thánh mẫu 'totus tuus',

vị giáo hoàng của thông điệp 'Redemptor Hominis',

là dạo khúc hướng Giáo Hội và thế giới về 'Đấng là trung tâm vũ trụ và lịch sử',

qua việc dọn mừng Đại Năm Thánh 2000,

vị giáo hoàng đã đóng vai trò chủ chốt trong việc lấy đầu cộng sản là khối Đông Âu và Nga Sô,

một chủ nghĩa và là một chế độ vốn được gọi là tiền hô của qủi vương)

để sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha -

From her will come forth the spark

that will prepare the world for My final coming”

(Chúa Giêsu với chị Thánh Maria Faustina: Nhật Ký, 1732)

 

 Tất cả chúng ta đang sống trong Mùa Vọng của những ngày lịch sử cuối cùng,

và tất cả chúng ta đang nỗ lực sửa soạn đón Chúa Kitô đến

để thiết dựng vương quốc của Thiên Chúa đã được Người loan báo -

We are all living in the Advent of the last days of history,

and all trying to prepare for the coming of Christ,

to build the kingdom of God which he proclaimed”

(ĐTCGPII tại Lebanon ngày 11/5/1997:L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 14/5/1997, trang 2).

 

 

 

Thời Điểm Maria ra mắt ngày 8/12/2001. Từ ngày tân trang 21/9/2003, cho tới 27/3/2006 được 30.224 lần viếng thăm. Bị trục trặc kỹ thuật gây ra bởi server từ ngày Chúa Nhật 14/5/2006. Tạm nghỉ cho tới khi chuyển sang server mới ngày Thứ Bảy 10/6/2006.
 Từ đó TĐM tiếp tục được thêm Hit Counter lần viếng thăm. Đa tạ.

Webmaster@ThoiDiemMaria.Net