(xin xem từ đầu đến cuối, cũ trước mới sau theo ngày tháng)
22/7/2013
Trên chiếc phản lực bay từ Rôma sang Ba Tây Thứ Hai 22/7/2013 cho cuộc tông du dài 8 ngày đầu tiên của giáo triều mình, Đức Thánh Cha Phanxicô không muốn thành phần phóng viên ký giả phỏng vấn ngài như thông lệ của hai vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI. Bởi thế, theo sự điều hành của vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh là Cha Lombardi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ thành phần truyền thông tháp tùng và chỉ có một đại diện của họ ngỏ lời cùng ngài và ngài đáp từ lại, thế thôi.
Con số thành phần truyền thông (phóng viên, ký giả v.v.) tất cả trên 70 người, thuộc nhiều lãnh vực truyền thông khác nhau, truyền thanh, truyền hình, báo chí, điện toán toàn cầu v.v., bao gồm Ý quốc đông nhất, rồi tới Ba Tây 10, Hoa Kỳ 10, Pháp 9, Tây Ban Nha 6, chưa kể Đức, Tây Ban Nha, Nhật, Á Căn Đình, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Nga. Đại diện cho thành phần truyền thông này là một nữ lão thành Tây Ban Nha, đã từng theo các vị giáo hoàng tông du nhiều nhất, kể từ chuyến tông du đầu tiên của ĐTC Gioan Phaolô II đến Mễ Tây Cơ 34 năm rưỡi trước. Kèm theo lời ngỏ cùng Đức Thánh Cha Phanxicô, nữ đại diện người Mễ Tây Cơ là bà Valentina Alazraki này đã biếu ĐTC một tượng Đức Mẹ Guadalupe là quan thày của chung Mỹ Châu.
Trong lời đáp từ của mình, nội dung có những điểm chính yếu được ngài lập lại trong bài đáp từ khi ngài được long trọng nghênh đón (Video), trước hết, ngài cho biết: "Tôi thực sự không cho phỏng vấn, nhưng tôi không biết tại sao, tôi không thể, thế thôi". Sau đây là những lời ngài ngỏ cùng họ về nội dung và chiều hướng của chung chuyến tông du đầu tiên này của ngài, một chiều hướng chẳng những bao gồm riêng giới trẻ mà còn cả giới già nữa, nguyên văn như sau:
"Chuyến đi đầu tiên này thực sự là để gặp gỡ giới trẻ, thế nhưng để gặp họ không phải ở trong tình trạng bị cô lập nơi đời sống của họ. Thật thế, tôi muốn gặp gỡ họ trong cơ cấu xã hội, trong xã hội. Vì khi chúng ta cô lập giới trẻ là chúng ta thực hiện một việc làm bất công, ở chỗ, chúng ta ấy đi cái thuộc về họ. Giới trẻ được quyền thuộc về, thuộc về một gia đình, thuộc về một quê hương đất nước, thuộc về một nền văn hóa, thuộc về một đức tin. Họ được quyền thuộc về và chúng ta không được cô lập họ! Thế nhưng, trước hết, chúng ta không được cô lập họ khỏi toàn thể xã hội! Họ thực sự là tương lai của một dân tộc: đó là điều chân thực! Tuy nhiên không phải chỉ có họ thôi: họ là tương lai vì họ có sức lực, họ trẻ trung, họ sẽ tiến liên. Nhưng, ở một thái cực khác của cuộc sống còn bao gồm cả thành phần lão thành nữa, cũng là tương lai của một dân tộc. Một dân tộc có tương lai nếu nó tiến bước ở cả hai đầu: với giới trẻ, với sức mạnh, vì họ dẫn nó tiến lên; và với giới già, vị họ là những người cống hiến sự khôn ngoan về cuộc sống. Tôi thường nghĩ rằng chúng ta thực hiện những điều bất công với giới già, chúng ta cho họ ra rìa như thể họ chẳng có gì cống hiến cho chúng ta hết; họ có sự khôn ngoan, sự khôn ngoan về cuộc đời, sự khôn ngoan về lịch sử, sự khôn ngoan về quê hương đất nước, sự khôn ngoan về gia đình. Chúng ta thực sự cần sự khôn ngoan ấy! Đó là lý do tại sao tôi nói rằng tôi đi gặp gỡ giới trẻ, thế nhưng gặp gỡ họ ở trong cơ cấu xã hội của họ, chính yếu là mối liên hệ với giới già. Đúng là cuộc khủng hoảng toàn cầu không mang lại những gì là tốt đẹp cho giới trẻ hết. Tuần vừa qua tôi đọc thấy tỉ lệ giới trẻ không có việc làm. Hãy nghĩ về sự kiện là chúng ta đang có nguy cơ về tình trạng một thế hệ chưa từng làm việc, và việc làm mang lại con người cái giá trị kiếm được bát cơm manh áo. Hiện nay giới trẻ đang gặp khủng hoảng. Chúng ta quen thuộc một cách nào đó với nền văn hóa thải hồi này rồi. Chúng ta cần phải ngưng cái thói quen thải hồi ấy đi! Không được như vậy nữa. Chúng ta cần phải có một nền văn hóa bao hàm, một nền văn hóa hội ngộ, cần phải nỗ lực mang hết mọi người vào trong xã hội...".
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tóm lược và chuyển dịch phần tin trên đây từ Zenit ngày 22/7/2013, và đoạn tin dưới đây từ VIS - Vatican Information Service ngày 24/7/2013 - những chỗ in nghiêng và đậm là do ngượi dịch tự ý nhấn mạnh, và có một số chi tiết in nghiêng nhưng không đậm do người viết thêm vào vì đã từng nghiên cứu về Ngày Giới Trẻ Thế Giới từ đầu).
23/7/2013
Chiều Thứ Ba 23/7/2013 là thời điểm khai mạc Ngày giới Trẻ Thế Giới lần thứ XXVIII, theo thông lệ, không có sự hiện diện của Đức Thánh Cha. Ngài chính thức gặp chung họ vào Đêm Canh Thức Thứ Bảy mà thôi. Ngoài ra, ngài còn có thể gặp riêng một số giới trẻ đại diện ở một nơi đặc biệt nào đó, chẳng hạn lần này ngài gặp riêng giới trẻ Á Căn Đình tại Vương Cung Thánh Đường ở Rio de Janeiro. Tuy nhiên, ngài đã theo dõi qua truyền hình thánh lễ khai mạc và cảm thấy rất cảm kích trước sự tham dự của giới trẻ.
Hơn nửa triệu giới trẻ từ khắp nơi trên thế giới tuốn về, (trong đó có đứa con trai đầu lòng 29 tuổi của người viết), đã tham dự Thánh Lễ khai mạc được cử hành ở bờ biển Copacabana. Trước Thánh Lễ có những lời nguyện, trong đó có lời nguyện cầu cho giới trẻ không có việc làm (theo ý hướng của Đức Thánh Cha nói với thành phần truyền thông), và lời nguyện cầu cho một nữ giới trẻ người Pháp sang tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Ba Tây đã bị tai nạn xe buýt trên đường đến Rio và đã chết ở French Guiana. Đức Tổng Giám Mục Tempesta đã giảng về chủ đề của Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXVIII: "Các con hãy đi tuyển một môn đồ nơi tất cả mọi dân nước".
Mục đích chính yếu của và cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới theo ý của vị khởi xướng là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đó là tạo cơ hội cho giới trẻ gặp gỡ Chúa Kitô và theo Chúa Kitô. Đó là lý do cấu trúc của Ngày Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức ở các quốc gia thuộc đủ năm châu lục, nhất là các quốc gia có đông tín hữu Công giáo, bao giờ cũng bao gồm 3 yếu tố bất khả thiếu, đó là 1- gặp gỡ chính bản thân Đức Giáo Hoàng là vị đại diện Chúa Kitô trên trần gian (chính thức bao giờ cũng vào Đêm Canh Thứ Thứ Bảy), 2- học hỏi giáo lý bởi hàng giáo phẩm thế giới (chứ không phải bởi các vị linh mục) vì các vị giám mục mới là thành phần thừa kế các tông đồ (Thứ Tư, Thứ Năm và Thứ Sáu), nhờ đó giới trẻ được hướng dẫn một cách tông truyền theo Chúa Kitô, và 3- Đi Đường Thánh Giá (bao giờ cũng vào Chiều Thứ Sáu), như một bày tỏ ý thức và ước nguyện muốn dấn thân theo Chúa Kitô bất chấp mọi đau khổ thử thách để làm chứng cho Người trên thế giới này.
Tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXVII ở Ba Tây 2013, vấn đề học hỏi giáo lý được ấn định từ ngày 24 đến ngày 26/7/2013, và có 250 vị giám mục thuộc các châu lục sẽ giúp giới trẻ học hỏi giáo lý vào 3 buổi sáng với các đề tài chính yếu sau đây: "khát niềm hy vọng, khát khao Thiên Chúa" (Thứ Tư 24), "là môn đệ của Chúa Kitô" (Thứ Năm 25), và "là một thừa sai: vậy hãy lên đường!" (Thứ Sáu 26). Các buổi học hỏi giáo lý này sẽ diễn ra ở 300 địa điểm khác nhau cùng một lúc: 133 nơi bằng tiếng Bồ Đào Nha, 50 bằng tiếng Tây Ban Nha, 25 nơi bằng Anh ngữ, 15 bằng tiếng Ý và Pháp, 8 nơi bằng tiếng Đức, 5 nơi bằng tiếng Ba Lan, tất cả là 20 ngôn ngữ khác nhau, bao gồm cả tiếng Ả Rập, Croatian, Danish, Slovenian, Czech, Hy Lạp và Nga.
24/7/2013 (Video)
Vì khí hậu không được tốt, Đức Thánh Cha di chuyển hầu hết bằng máy bay (aeroplane) thay vì bằng trực thăng (helicopter) như đã dự tính, và nơi ngài đến đầu tiên là Đền Thánh Mẫu Aparecida để kính viếng bức tượng "Black Mary - Đức Maria Đen" và dâng Thánh Lễ đầu tiên cho chuyến tông du tiên khởi của ngài, vị giáo hoàng đã mở màn giáo triều của mình bằng việc kính viếng Đền Thờ Đức Bà Cả ở Rôma hôm Thứ Tư 14/3/2013, ngay sau ngày ngài được tuyển bầu làm giáo hoàng 13/3/2013 để hiến dâng giáo triều của mình cho Mẹ Maria, cũng là vị giáo hoàng đã xin Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha hiến dâng giáo triều của ngài cho Thánh Mẫu Fatima. Đền Thánh Mẫu Aparecida là nơi Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu Latinh nhóm họp vào năm 2007, sau đó ban hành một văn kiện dài về việc truyền giáo của Giáo Hội trong thế giới ngày nay, một bản văn được soạn thảo dưới sự hướng dẫn của vị tân giáo hoàng tương lai là Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio.
Sau đây là một số ý tưởng chính tiêu biểu cho những gì ngài muốn huấn dụ trong bài giảng của mình cho Thánh Lễ dưới trời vừa mưa vừa lạnh những không thể ngăn cản được lòng tín hữu muốn lắng nghe lời của vị đại diện Chúa Kitô trên trần gian đương kim của mình này. Ở đầu bài giảng, ngài nhắc đến việc ngài đến Đền Thờ Đức Bà Cả ở Rôma để hiến dâng giáo triều của ngài cho Đức Mẹ, giờ đây ngài đến Đền Thánh Aparecida "để đặt dưới chân Mẹ đời sống của dân chúng Châu Mỹ Latinh". Sau đó, ngài cũng nhắc đến biến cố của Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu La Tinh họp năm 2007 "dưới sự chở che bảo hộ từ mẫu của Mẹ". Ở phần thân bài, ngài đã diễn giải 3 ý tưởng chính: 1- niềm hy vọng chan chứa; 2- thái độ sẵn sàng ngỡ ngàng trước việc Chúa làm; 3- sống trong niềm vui.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh - những chỗ in nghiêng và đậm là do người dịch tự ý nhấn mạnh http://www.vatican.va/holy_father/francesco/homilies/2013/documents/papa-francesco_20130724_gmg-omelia-aparecida_en.html
24/7/2013 (Video)
Huấn Dụ tại Nhà Thương Thánh Phanxicô Assisi Thiên Chúa Quan Phòng
ĐTGM Tempesta, Chư Huynh Giám Mục thân mến,
Chư Vị Thẩm Quyền
Quí Phần Tử Dòng Ba Đáng Kính của Thánh Phanxicô Thống Hối
Quí Vị Bác Sĩ, Y Tá và Cán Sự Chăm Sóc Sức Khỏe
Giới Trẻ cùng Các Phần Tử Gia Đình thân mến
Thiên Chúa định liệu cho cuộc hành trình của tôi, sau Đền Thánh Mẫu Aparecida, tới một ngôi đền khổ đau của nhân loại đặc biệt này - đó là Bệ nh Viện Thánh Phanxicô Assisi. Con người trẻ Phanxicô đã từ bỏ giầu sang phú quí và tiện nghi thoải mái của thế gian để trở thành một con người nghèo giữa các người nghèo. Ngài đã hiểu rằng niềm vui chân thực và giầu sang đích thật không xuất phát từ những thứ ngẫu tượng của thế giới này - những thứ vật chất và quyền sở hữu chúng - mà chỉ được tìm thấy nơi việc theo Chúa Kitô và phục vụ người khác thôi. Có lẽ người ta ít biết đến giây phút khi mà thái độ này xẩy ra một cách cụ thể trong đời sống của ngài. Đó là lúc Thánh Phanxicô ôm lấy một người phong hủi. Người anh em đau khổ này là 'dàn xếp viên của ánh sáng... đối với Thánh Phanxicô Assisi' (Thông Điệp Ánh Sáng Niềm Tin, đoạn 57), vì nơi hết mọi người anh chị em đau khổ chúng ta gắn bó ấp ủ là chúng ta ôm lấy Thân Mình khổ đau của Chúa Kitô. Ngày nay, ở nơi chốn mà con người ta đang phải vật lộn với tình trạng nghiện ngập ma túy này, tôi muốn ôm lấy từng người và hết mọi người anh chị em, những người anh chị em là xác thịt của Chúa Kitô, và xin Thiên Chúa hãy canh tân cuộc hành trình của anh chị em cũng như của tôi một cách có ý nghĩa và vững vàng hy vọng.
Hãy ôm lấy, hãy ôm lấy - tất cả chúng ta cần phải biết ôm lấy người anh chị em đang cần giúp đỡ, như Thánh Phanxicô đã làm. Có rất nhiều trường hợp ở Ba Tây. và trên khắp thế giới, cần phải lưu ý tới, cần được chăm sóc và yêu thương, như việc vượt thoát khỏi tình trạng lệ thuộc vào hóa chất. Thế nhưng, chính tính vị kỷ thường là những gì làm chủ xã hội của chúng ta. Biết bao nhiêu là 'thành phần buôn bán chết chóc - dealers of death' theo đuổi lý lẽ của quyền lực và tiền bạc bất chấp mọi giá! Nạn buôn thuốc phiện, một hoạn nạn thiên về bạo động và gieo rắc mầm mống khổ đau và chết chóc, đòi buộc toàn thể xã hội phải can đảm tác hành. Việc giảm bớt tình trạng lan tràn và ảnh hưởng của vấn đề nghiện ngập thuốc phiện sẽ không thể nào đạt được bằng việc giải phóng việc sử dụng thuốc phiện, như đang được đề ra ở những phần đất khác nhau ở Châu Mỹ La Tinh. Trái lại, cần phải đối diện với vấn đề ở bên trong việc sử dụng các thứ thuốc phiện ấy, bằng việc phát động sự công chính hơn nữa, bằng việc giáo dục giới trẻ theo những thứ giá trị xây dựng đời sống trong xã hội, bằng việc hỗ trợ những ai gặp khó khăn và cống hiến cho họ niềm hy vọng hướng về tương lai. Tất cả chúng ta cần phải nhìn vào nhau bằng con mắt của Chúa Kitô, và làm sao biết gắn bó với những ai đang cần thiết, để cho họ thấy việc chúng ta gần gũi với họ, trìu mến họ và yêu thương họ.
Tuy nhiên, việc ấp ủ gắn bó của chúng ta một ai đó vẫn chưa đủ. Chúng ta cần phải nắm lấy tay của những ai đang cần giúp đỡ, tay của những ai đã bị rơi vào tình trạng tăm tối của nghiện ngập mà có lẽ chính họ cũng không biết tại sao, và chúng ta cần phải nói cùng họ rằng: Anh chị có thể chỗi dậy, anh chị có thể đứng lên. Khó đấy nhưng không phải là bất khả nếu anh chị muốn. Các bạn thân mến, tôi muốn nói cùng từng người trong anh chị em rằng, nhất là với tất cả những ai không đủ can đảm để bắt đầu cuộc hành trình của chúng ta, đó là anh chị cần phải muốn đứng lên; đó là điều kiện bất khả thiếu! Anh chị sẽ thấy bàn tay giơ ra sẵn sàng hỗ trợ anh chị, chứ không ai có thể thay cho anh chị được. Tuy nhiên, anh chị không bao giờ lẻ loi một mình! Giáo Hội và bao nhiêu người đang gần kề với anh chị. Hãy tin tưởng nhìn về phía trước. Cuộc hành trình của anh chị em là một cuộc hành trình dài và khó khăn, thế nhưng hãy nhìn về phía trước, ở đó có 'một tương lai vững chắc, một chân trời khác với những thứ hấp dẫn hão huyền của ngẫu tượng trên thế giới này, nhưng lại là một tương lai mang lại cái động lực và năng lực mới cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta' (Thông Điệp Ánh Sáng Niềm Tin, đoạn 57). Đừng để mình bị cướp mất niềm hy vọng! Chẳng những thế, tôi muốn nói cùng anh chị em rằng: chúng ta đừng lấy mất niềm hy vọng của người khác, chúng ta hãy trở nên thành phần cưu mang niềm hy vọng!
Trong Phúc Âm chúng ta đọc dụ ngôn về Người Samaritanô Nhân Lành, nói về một con người bị những tay trộm cướp tấn công và bỏ nằm ngấp ngoái chết trên vệ đường. Người ta qua lại nơi anh ta và nhìn thấy anh ta. Nhưng họ không dừng lại, họ chỉ tiếp tục cuoọc hành trình của họ, tỏ ra dưng dưng với anh ta: đó không phải là chuyện của họ! Biết bao nhiêu lần chúng ta nói rằng: đó không phải là vấn đề của tôi! Biết bao nhiêu lần chúng ta quay mặt đi giả bộ như chẳng trông thấy gì vậy! Chỉ có duy một người Samaritanô, một kẻ lạ mặt, thấy anh ta, thì dừng lại, nâng anh ta lên, lấy tay ôm lấy anh ta và chăm sóc cho anh ta (cf Lk 10:29-35). Các bạn thân mến, tôi tin rằng ở nơi đây, nơi nhà thương này, dụ ngôn Người Samaritanô Nhân Lành được trở thành hiển nhiên. Ở đây không có vấn đề dửng dưng lạnh lùng mà là quan tâm chăm sóc. Không có vấn đề thờ ơ hờ hững mà là yêu thương. Hiệp Hội Thánh Phanxicô và Tổ Chức Chữa Trị Cai Nghiện Ma Túy đang cho thấy họ vươn tới ra sao với những ai gặp khó khăn, vì nơi họ chúng ta thấy dung nhan của Chúa Kitô, vì nơi những con người ấy chúng ta thấy xác thịt của Chúa Kitô chịu khổ đau. Xin cám ơn tất cả mọi chuyên viên y khoa và cộng sự viên của họ, những người làm việc tại nơi đây. Việc phục vụ của anh chị em là những gì quí báu; hãy thực hiện việc này bằng tấm lòng yêu thương. Nó là việc phục vụ cống hiến cho Chúa Kitô đang hiện diện nơi những người anh chị em của chúng ta. Như Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: 'Khi các người làm điều ấy cho một trong những người anh chị em hèn mọn nhất của Ta là các người làm cho Ta" (Mt 25:40).
Tôi muốn lập lại cùng tất cả anh chị em đang đối chọi với tình trạng nghiện ma túy, cũng như với các phần tử gia đình tham dự vào những nỗi khó khăn của anh chị em, đó là Giáo Hội không cách xa tình trạng trục trặc khốn khó của anh chị em, mà trìu mến hỗ trợ anh chị em. Chúa ở gần với anh chị em và Ngài nắm lấy tay của anh chị em. Hãy nhìn lên Ngài trong những lúc khó khăn nhất của anh chị em và Ngài sẽ ban cho anh chị em niềm an ủi và hy vọng. Hãy tin tưởng vào tình yêu từ mẫu của Mẹ Maria. Sáng hôm nay, tại Đền Thánh Mẫu Aparecida, tôi đã ký thác từng anh chị em cho trái tim của Mẹ. Ở đâu cần vác thập giá thì Mẹ, Người Mẹ của chúng ta, bao giờ cũng ở đó với chúng ta. Tôi xin đặt anh chị em vào bàn tay của Mẹ, và ưu ái ban phép lành cho tất cả anh chị em. Xin cám ơn anh chị em.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh http://www.vatican.va/holy_father/francesco/travels/2013/papa-francesco-gmg-rio-de-janeiro-2013_en.htm, những chỗ in nghiêng và đậm là do người dịch tự ý nhấn mạnh
Theo VIS ngày 25/7/2013 thì Nhà Thương Thánh Phanxicô Assisi Thiên Chúa Quan Phòng - the Hospital Sao Francisco de Assis na Providencia de Deus là một trung tâm phục vụ thành phần anh chị em nghiện ngập rượu chè hay ma túy, ở chỗ cung cấp dịch vụ miễn phí cho những người anh chị em nghèo, với 500 giường nằm cho bệnh nhân và được thành lập bởi Thày Phanxicô từ năm 1985.
25/7/2013:
Huấn Dụ Giới Trẻ Á Căn Đình tại Vương Cung Thánh Đường Rio de Janeiro Thứ Năm 25/7/2013 Video
Cám ơn các bạn, cám ơn các bạn đang hiện hiện nơi đây, cám ơn các bạn đã đến đây... cám ơn những bạn đang ở bên trong, và nhất là cám ơn những ai còn ở bên ngoài. Tôi được cho biết là có 30 ngàn đang ở bên ngoài. Tôi gửi lời chào họ từ nơi đây. Họ đang ở dưới trời mưa... cám ơn các bạn về dấu hiệu gắn bó này của các bạn, cám ơn các bạn đến với Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Tôi đề nghị với Dr. Gasbarri, người sắp xếp chuyến đi của tôi, tìm cho tôi một nơi để gặp gỡ các bạn, và ông đã mất cả nửa ngày để lo đủ thứ. Tôi muốn công khai cám ơn Dr Gasbarri về tất cả những gì ông điều hành hôm nay.
Để tôi nói cho các bạn biết tôi hy vọng về thành quả của Ngày Giới Trẻ Thế Giới: tôi hy vọng rằng sẽ có một tiếng ồn ào. Tôi dám chắc rằng sẽ có một tiếng ồn ào ở nơi đây. Ở Rio này sẽ có nhiều tiếng ồn ào, chắc chắn là thế. Thế nhưng tôi muốn các bạn nghe thấy nơi các giáo phận của các bạn, tôi muốn tiếng ồn ào này vang ra, tôi muốn Giáo Hội ra ngoài đường phố, tôi muốn cự lại hết mọi thứ trần tục, hết mọi thứ bất động, hết mọi thứ thoải mái dễ chịu, hết mọi thứ liên quan đến chủ nghĩa quan lại giáo sĩ, hết mọi thứ có thể làm cho chúng ta khép kín. Các giáo xứ, các học đường, các cơ cấu tổ chức được tạo nên để vươn mình ra... nếu không, chúng trở thành một thứ NGO (biệt chú của người dịch, ở đây có lẽ ĐTC có ý nói về Non-Government Organization - Tổ Chức Phi Chính Phủ), và Giáo Hội không thể nào là một thứ NGO. Xin các vị giám mục và linh mục tha cho tôi nếu một số trong quí huynh sau này có tạo nên một chút hiểu lầm nào đó. Đó là lời khuyên của tôi. Cám ơn quí huynh về những gì quí huynh có thể làm.
Vào lúc này đây, hãy nhìn mà coi, tôi nghĩ rằng văn minh thế giới của chúng ta đã vượt ra ngoài giới hạn của nó, nó đã vượt ra ngoài giới hạn của nó vì nó đã biến tiền bạc trở thành như một thứ thần linh tới độ giờ đây chúng ta đang phải đối diện với một thứ triết lý và một hành xử loại trừ hai đầu của đời sống là những gì hầu như đầy hứa hẹn cho dân chúng. Họ hiển nhiên loại trừ đi thành phần lão thành. Các bạn có thể dễ dàng nghĩ đến một loại chết êm dịu kín đáo nào đó, tức là chúng ta không chăm sóc cho bậc lão thành; nhưng cũng có một thứ văn hóa êm tử nào đó vì chúng ta không để cho các vị nói, chúng ta không để cho các vị hành động. Rồi việc loại trừ giới trẻ nữa. Tỉ lệ giới trẻ của chúng ta không có việc làm, không làm việc, rất cao và chúng ta có cả một thế hệ thiếu mất cảm nghiệm về phẩm vị có được nhờ làm việc. Nói cách khác, thứ văn minh này đã đẫn chúng ta đến chỗ loại trừ hai cực làm nên tương lai của chúng ta. Vì đối với giới trẻ, họ cần phải vươn lên, họ cần phải hội nhập, giới trẻ cần phải tiến lên chiến đấu cho những thứ giá trị, chiến đấu cho những thứ giá trị này; và người già cần phải lên tiếng nói, người già cần phải lên tiếng nói mà dạy dỗ chúng ta! Truyền sang cho chúng ta sự khôn ngoan của các dân tộc!
Nơi nhân dân Á Căn Đình, tận đáy lòng tôi xin các vị lão thành là đừng thôi trở thành một thứ vựa văn hóa của dân tộc chúng ta, một vựa chứa truyền đạt sự công chính, truyền đạt lịch sử, truyền đạt các thứ giá trị, truyền đạt ký ức của con người. Còn phần các bạn, xin đừng chống lại người già: hãy để cho họ nói, hãy lắng nghe họ và tiến bước. Thế nhưng, hãy biết điều này, hãy biết rằng vào lúc này đây, cả giới trẻ các bạn lẫn giới giá các bạn đều chịu chung một án phận, đó là bị loại trừ. Đừng để cho mình bị loại trừ. Đó là điều hiển nhiên! Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng các bạn cần phải hoạt động. Đức tin vào Chúa Giêsu Kitô không phải là một trò cười, mà là những gì hệ trọng. Việc Thiên Chúa đã đến với chúng ta là một thứ bê bối (scandal). Người đã chết cho chúng ta trên cây thập tự giá là một thứ bê bối. Đó là những gì bê bối: thứ bê bối của Thánh Giá. Thánh Giá tiếp tục gây ra bê bối. Thế nhưng đó là con đường chắc chắn duy nhất, con đường Thánh Giá, con đường của Chúa Giêsu, con đường Nhập Thể của Chúa Giêsu. Xin đừng coi nhẹ đức tin của các bạn nơi Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta pha loãng các thứ nước trái cây - nước ép cam, táo hay chuối, nhưng đừng uống một thứ đức tin pha loãng. Đức tin là những gì tất cả và toàn vẹn, chứ không phải là là một cái gì các bạn có thể gia giảm. Đó là đức tin vào Chúa Giêsu. Đó là đức tin vào Con Thiên Chúa làm người, Đấng đã yêu thương tôi và đã chết vì tôi. Bởi vậy cho nên các bạn hãy làm cho mình được nghe thấy; hãy lưu ý tới hai đầu của dân số, đó là giới già và giới trẻ; đừng để mình bị loại trừ và đừng để các vị lão thành bị loại trừ. Sau nữa, đừng 'suy yếu' đức tin của các bạn nơi Chúa Giêsu Kitô. Các Mối Phúc Thật: Thưa Cha, chúng con cần phải làm gì? Này, hãy đọc các Mối Phúc Thật là những gì sẽ giúp cho các bạn. Nếu các bạn muốn biết những gì các bạn thực sự cần phải làm, hãy đọc Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 25, một đoạn là tiêu chuẩn về những gì chúng ta sẽ bị xét xử. Căn cứ vào hai điều này, các bạn có được một dự án tác hành, đó là các Mối Phúc Thật và Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 25. Các bạn không cần phải đọc bất cứ một cái gì khác. Với tất cả tấm lòng tôi xin các bạn điều ấy....
(ĐTC kết thúc bằng lời cầu nguyện cùng Đức Mẹ)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toàn toàn cầu của Tòa Thánh http://www.vatican.va/holy_father/francesco/speeches/2013/july/documents/papa-francesco_20130725_gmg-argentini-rio_en.html - những chỗ in nghiêng và đậm là do người dịch tự ý nhấn mạnh.
Bài Giảng Thánh Lễ cho Giới Trẻ ở bờ biển Copacabana Rio de Janeiro tối Thứ Năm 25/7/2013 Video
Lời Ngỏ (trước Thánh Lễ, trong đó có mấy câu đặc biệt như sau):
"Tôi nhớ lại Ngày Giới Trẻ Thế Giới thứ nhất ở tầm cấp quốc tế. Nó đã được cử hành vào năm 1987 ở Á Căn Đình, tại phố nhà của tôi là Buenos Aires..."
"Năm nay, Ngày Giới Trẻ Thế Giới đến với Châu Mỹ Latinh lần thứ hai... Trước khi đến Ba Tây, tôi đã nói chuyện với ĐGH Biển Đức XVI và đã xin ngài đồng hành với chuyến đi của tôi trong nguyện cầu. Và được ngài nói rằng: tôi sẽ đồng hành với tất cả anh chị em trong nguyện cầu và tôi sẽ theo dõi anh chị em trên TV. Vậy, vào lúc này đây, ngài đang nhìn thấy chúng ta... Tuần lễ này Rio trở thành tâm điểm của Giáo Hội... "
"Hôm nay, tôi muốn đến đây để củng cố anh chị em trong đức tin, đức tin vào Đức Kitô sống động là Đấng đang ngự trong anh chị em, thế nhưng tôi cũng đến để được củng cố đức tin nữa bởi lòng nhiệt tình của đức tin anh chị em!..."
Bài giảng (trong Thánh Lễ):
Các Bạn thân mến,
'Chúng ta ở đây thì tốt quá!', Thánh Phêrô đã kêu lên sau khi thấy Chúa Giêsu biến hình vinh hiển. Chúng ta có thể cùng với ngài lập lại lời này hay chăng? Tôi nghĩ rằng câu trả lời là được, vì ở nơi đây hôm nay, thật là tốt đẹp cho chúng ta cùng nhau quây quần bên Chúa Giêsu! Chính Người là Đấng nghênh đón chúng ta và là Đấng hiện diện giữa chúng ta ở tại Rio này đây. Trong Phúc Âm chúng ta đã nghe Thiên Chúa Cha phán rằng: 'Đây là Con Ta, vị Ta tuyển chọn; hãy lắng nghe Người!" (Lk 9:35). Nếu chính Chúa Giêsu nghênh đón chúng ta, chúng ta cũng phải nghênh đón Người và lắng nghe lời của Người; chính nhờ việc nghênh đón chúng ta cống hiến cho Chúa Giêsu Kitô, Lời đã hóa thành nhục thể, mà Thánh Thần biến đổi chúng ta, soi dẫn đường đi nước bước của chúng ta tiến về tương lai, nhờ đó chúng ta có thể hân hoan tiến bước theo con đường này bằng đôi cánh hy vọng (cf. Thông Điệp Ánh Sáng Niềm Tin, khoản 7).
Thế nhưng chúng ta có thể làm gì đây? 'Bonta fé - put on faith'. Cây Thánh Giá của Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã loan báo những lời này suốt cuộc hành trình của mình ở Ba Tây. 'Hãy mặc lấy đức tin - put on faith' nghĩa là gì? Khi chúng ta dọn một đĩa đồ ăn và chúng ta thấy rằng nó cần muối thì chúng ta 'rắc - put on' muối vào; khi nó cần dầu, các bạn 'tưới - put on' dầu vô. 'Hãy mặc lấy' nghĩa là hãy để lên trên, hãy đổ xuống. Cuộc đời của chúng ta cũng thế các bạn trẻ thân mến: nếu chúng ta muốn nó có được ý nghĩa và viên trọn thực sự, như các bạn mong muốn và như các bạn xứng đáng, thì tôi xin nói cùng mỗi người trong các bạn rằng 'hãy mặc lấy đức tin - put on faith' và đời sống sẽ có một hương vị mới mẻ, đời sống sẽ có được một địa bàn cho các bạn thấy được đường đi nước bước; 'hãy mặc lấy đức cậy - put on hope' thì hết mọi ngày trong đời sống của các bạn sẽ được chiếu sáng và chân trời của các bạn sẽ không còn tăm tối mà là rạng ngời; 'hãy mặc lấy đức mến - put on love' thì đời sống của các bạn sẽ giống như một ngôi nhà xây trên đá, cuộc hành trình của các bạn sẽ cảm thấy hân hoan, vì các bạn sẽ tìm thấy nhiều bạn hữu hành trình với các bạn. Hãy mặc lấy đức tin, hãy mặc lấy đức cậy, hãy mặc lấy đức mến! Tất cả cùng nhau 'mặc lấy đức tin', 'mặc lấy đức cậy', 'mặc lấy đức mến'.
Thế nhưng, ai có thể cống hiến cho chúng ta tất cả những điều ấy? Trong Phúc Âm chúng ta nghe thấy câu trả lời, đó là Chúa Kitô. 'Đây là Con Ta, vị Ta tuyển chọn: Hãy lắng nghe Người!' Chúa Giêsu mang Thiên Chúa đến cho chúng ta và chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Nhờ Người, cuộc đời của chúng ta được biến đổi và canh tân, rồi chúng ta có thể thấy được thực tại bằng đôi mắt mới, theo quan điểm của Chúa Giêsu, bằng chính đôi mắt của Người (cf Thông Điệp Ánh Sáng Niềm Tin, khoản 18). Đó là lý do tôi muốn nói cùng các bạn hôm nay rằng: 'Hãy mặc lấy Chúa Kitô - Put on Christ!' trong cuộc đời của mình, và các bạn sẽ thấy được một người bạn các bạn có thể luôn tin tưởng; 'hãy mặc lấy Chúa Kitô' và các bạn sẽ thấy được đôi cánh hy vọng giang ra đưa cuộc hành trình của các bạn đến tương lai một cách hân hoan; 'hãy mặc lấy Chúa Kitô' và đời sống của các bạn sẽ tràn đầy tình yêu thương của Người; nó sẽ là một đời sống sinh hoa kết trái. Vì tất cả chúng ta đều muốn có được một đời sống sinh hoa kết trái, một đời sống cống hiến sự sống cho người khác.
Hôm nay, thật là hữu ích khi tất cả chúng ta thành thực tự hỏi rằng: chúng ta đặt niềm tin tưởng của chúng ta vào ai? Vào bản thân mình, vào các thứ vật chất, hay vào Chúa Giêsu? Tất cả chúng ta đều có xu hướng lấy mình làm tâm điểm, tin rằng chúng ta là cái rốn của vũ trụ này, tin rằng tự mình chúng ta có thể xây dựng cuộc đời của mình hay nghĩ rằng cuộc đời của chúng ta chỉ có thể hạnh phúc nếu nó được xây dựng trên các thứ sở hữu, tiền bạc, hay quyền lực. Thế nhưng, tất cả chúng ta đều biết rằng không phải thế. Thực sự thì các thứ sở hữu, tiền tài và quyền lực có thể cống hiến một cảm xúc thoáng qua, một ảo tưởng được hạnh phúc, thế nhưng kết cục là chúng chiếm hữu chúng ta và khiến chúng ta cứ muốn có hơn nữa, không bao giờ thỏa mãn. Rồi chúng ta đi đến chỗ 'đầy', thế nhưng chẳng bổ béo, và thảm thay khi thấy giới trẻ 'đầy' mà lại yếu. Giới trẻ cần phải mạnh mẽ, được bổ béo bởi đức tin chứ không đầy những thứ khác! 'Hãy sống Chúa Kitô' trong cuộc đời của các bạn, hãy đặt lòng tin tưởng của các bạn vào Người và các bạn sẽ không bao giờ bị bẽ bàng! Các bạn thấy đức tin hoàn thành một cuộc cách mạng ra sao nơi chúng ta, một cuộc cách mạng chúng ta có thể gọi là cuộc cách mạng Corpernicus; ở chỗ nó đẩy chúng ta ra khỏi tâm điểm và đặt Thiên Chúa vào tâm điểm này; đức tin dìm chúng ta vào tình yêu của Ngài và cống hiến cho chúng ta sự an toàn, sức mạnh và hy vọng. Dường như chẳng có gì thay đổi cả; thế mà trong thẳm cung bản thân mình, mọi sự đã ra khác. Với Thiên Chúa, bình an, niềm an ủi, tính dịu dàng, lòng can đảm, sự thảnh thơi và niềm hân hoan, tất cả đều là hoa trái của Thánh Linh (cf Gal 5:22), tìm thấy nơi trú ẩn trong trái tim của chúng ta; thế rồi chính con người của chúng ta được biến đổi; cách thức suy tư và tác hành của chúng ta trở nên mới mẻ, nó trở nên của Chúa Giêsu, của Thiên Chúa, cách thức suy tư và tác hành. Các bạn thân mến, đức tin là một cuộc cách mạng và hôm nay tôi xin hỏi các bạn là các bạn có sẵn sàng tiến vào làn sống cách mạng của đức tin này hay chăng? Chỉ khi nào tiến vào làn sóng này thì cuộc đời trẻ trung của các bạn mới có ý nghĩa và nhờ đó sinh hoa kết trái!
Giới trẻ thân mến: 'Hãy mặc lấy Chúa Kitô' trong cuộc đời của các bạn. Trong những ngày này, Chúa Kitô đang đời chờ các bạn nơi lời của Người; hãy cẩn thận lắng nghe Người và sự hiện diện của Người sẽ làm cho lòng các bạn rộn ràng; 'Hãy mặc lấy Chúa Kitô': Người đang đợi chờ các bạn nơi bí tích Thống Hối, với tình thương của mình, Người sẽ chữa lành tất cả mọi thương tích do tội lỗi gây ra. Đừng sợ xin Thiên Chúa thứ tha, vì Ngài không bao giờ ngừng tha thứ cho chúng ta, như một người cha yêu thương chúng ta. Thiên Chúa là tình thương thuần túy! 'Hãy mặc lấy Chúa Kitô': Người cũng đang chờ đợi chúng ta trong Thánh Thể, bí tích hiện diện của Người và hy tế yêu thương của Người, và Người còn chờ đợi các bạn nơi nhân tính của nhiều giới trẻ là thành phần làm cho các bạn nên phong phú bằng tình bằng hữu của họ, phấn khích các bạn bằng chứng từ đức tin của họ, và dạy các bạn thứ ngôn từ yêu thương, thiện hảo và phục vụ.
Cả các bạn nữa, giới trẻ thân mến, có thể trở thành những nhân chứng hân hoan của tình yêu Người, những nhân chứng can trường của Phúc Âm Người, mang đến cho thế giới một tia ánh sáng của Người. Các bạn hãy để cho Chúa Kitô yêu thương, Người là một người bạn không bao giờ lỗi hẹn.
'Chúng ta được ở đây thật là tốt quá', bằng việc sống Chúa Kitô trong cuộc đời của mình, bằng việc sống đức tin, đức cậy và đức mến được Người ban cho chúng ta. Các bạn thân mến, trong cuộc cử hành này chúng ta đã nghênh đón hình ảnh Đức Mẹ Aparecida. Trong lời nguyện cầu cùng Mẹ Maria, chúng ta xin Mẹ dạy chúng ta bước theo Chúa Giêsu, xin Mẹ dạy chúng ta trở thành những người môn đệ và những người thừa sai. Như Mẹ, chúng ta chớ gì thưa 'Vâng' với Thiên Chúa. Chúng ta hãy xin trái tim từ mẫu của Mẹ chuyển cầu cho chúng ta, để nhờ đó lòng chúng ta mở ra trong việc yêu mến Chúa Giêsu và làm cho người khác mến yêu Người. Giới trẻ thân mến, Chúa Giêsu đang đợi chờ chúng ta. Chúa Giêsu tin cậy nơi chúng ta. Amen.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toàn toàn cầu của Tòa Thánh http://www.vatican.va/holy_father/francesco/speeches/2013/july/documents/papa-francesco_20130725_gmg-giovani-rio_en.html - những chỗ in nghiêng và đậm là do người dịch tự ý nhấn mạnh.
26/7/2013
Sáng: ĐTC Phanxicô từ nơi trú ngụ trong chuyến tông du Ba Tây của ngài là Sumare đã đến công trường “Quinta da Boa Vista”, cách xa 19 cây số, nơi có nhiều tòa giải tội đã được dọn sẵn cho giời trẻ đến hòa giải, trong đó có một tòa được giành cho ngài để ngài giải tội cho 5 giới trẻ bằng tiếng Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Trưa: từ công viên trên ngài đi xe đến gặp ĐTGM TGP Rio ở tư dinh của vị này. Vào lúc 11 giờ 30, ngài đã gặp 8 giới trẻ bị giam giữ, 6 nam và 2 nữ, và ngài được các em tặng cho một cỗ tràng hạt lớn làm bằng nhựa. Ngay sau đó ngài đến Nguyện Đường và nguyện Kinh Truyền Tin với tín hữu, với lời nhắn nhủ về 3 lần một ngày nguyện Kinh Truyền Tin để "nhắc nhở chúng ta về một biến cố rạng ngời làm biến đổi lịch sử, đó là biến cố Nhập Thể, giây phút Con Thiên Chúa làm người nơi Đức Giêsu Nazarét". Ngài đồng thời cũng nói về hai vị thánh thân sinh của Đức Mẹ là Thánh Gioakim và Anna. Sau đó ngài đến gặp ĐTGM Tempesta và 12 giới trẻ thuộc các quốc tịch khác nhau, đại diện cho từng châu lục. Sau trưa, ngài trở về nơi ngài cư trú nghỉ ngơi trước khi đến chủ sự Đường Thánh Giá của Giới Trẻ.
Chiều: ĐTC đến bãi biển Copacabana là nơi cử hành các biến cố chính của Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXVIII, bao gồm cả cuộc Đi Đường Thánh Giá chiều tối Thứ Sáu, 26/7/2013.
Trước khi Đi Đường Thánh Giá, ĐTC xin 35 giới trẻ Á Căn Đình thất nghiệp, thành phần đã có việc làm trước cuộc khủng hoảng năm 2001, lên khán đài với ngài và ngài đã thân ái chào họ. Họ đang phải sống khổ sở ở những khu gọi là "villas miserias", như là một trong cả 100 ngàn người ở Á Căn Đình, thành phần được gọi là "cartoneros", hằng đêm đi làm nghề thu lượm giấy tờ, chai lọ, đồ ăn để recycle kiếm sống.
Đường Thánh Giá được bắt đầu vào lúc 6 giờ. Có tất cả là 14 chặng. 13 chặng đầu được kéo dài gần 1 cây số (900 mét), và kéo dài 1 tiếng 15 phút.
Chặng 14 ở ngay trên khán đài là nơi ĐTC chủ sự và được trình chiếu qua các màn hình. Bài suy niệm được soạn dọn bởi hai vị linh mục được tiếng là phục vụ giới trẻ.
Kết thúc, ĐTC đã ban huấn dụ giới trẻ như sau:
Giới Trẻ thân mến,
Chúng ta đã đến đây hôm nay để hộ tống Chúa Giêsu trong cuộc hành trình sầu thương và yêu thương của Người, đó là Đường Thánh Giá, một trong những giây phút cao điểm nhất của Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Vào cuối Năm Thánh Cứu Chuộc, Chân Phước Gioan Phaolô II đã muốn trao phó Cây Thánh Giá này cho các bạn giới trẻ, xin các bạn 'hãy vác đi khắp thế giới như là một biểu hiệu của tình yêu Chúa Kitô đối với nhân loại, và loan báo cho hết mọi người rằng chỉ có ở nơi cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô chúng ta mới gặp được ơn cứu độ và cứu chuộc' (Address to Young People, 22 April 1984). Từ đó, Cây Thánh Giá của Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã du hành đến khắp châu lục và qua những cảnh đời khác nhau của nhân loại. Thật sự Cây Thánh Giá này hầu như đã 'gắn sâu' vào kinh nghiệm đời sống của vô số giới trẻ là thành phần đã từng trông thấy và vác lấy. Anh chị em thân mến, không ai có thể tiến đến và chạm vào Thánh Giá của Chúa Giêsu mà lại không để lại ở đó một cái gì đó của chính bản thân họ, và không mang một cái gì đó từ Thánh Giá của Chúa Giêsu vào đời sống của mình. Tôi có 3 câu hỏi hy vọng là sẽ âm vang trong trái tim của các bạn tối hôm nay khi các bạn bước đi bên cạnh Chúa Giêsu: giới trẻ Ba Tây thân mến, trong hai năm vừa rồi, Thánh Giá được băng qua xứ sở to lớn của mình, các bạn đã lưu lại gì nơi Cây Thánh Giá này? Thánh Giá của Chúa Giêsu đã lưu lại những gì cho các bạn, nơi từng người các bạn? Sau hết, Cây Thánh Giá này dạy cho chúng ta những gì?
1- Theo một câu truyện cổ Rôma thì khi tẩu thoát khỏi thành phố này trong cuộc bách hại của Nero, Thánh Phêrô đã trông thấy Chúa Giêsu đang đi ngược chiều, tức là về phía thành phố, nên đã ngạc nhiên hỏi Người rằng: 'Chúa ơi, Chúa đi đâu vậy?' Chúa Giêsu trả lời rằng: 'Thày đi đến Rôma để tái tử giá'. Bấy giờ Thánh Phêrô hiểu được rằng ngài cần phải can đảm theo Chúa cho đến cùng. Thế nhưng, ngài cũng nhận thấy rằng ngài không bao giờ lẻ loi cô độc trong cuộc hành trình ấy; Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương ngài cho đến chết, bao giờ cũng ở với ngài. Chúa Giêsu, bằng Thánh Giá của Người, bước đi với chúng ta và nhận lấy các nỗi sợ hãi của chúng ta, các thứ trục trặc của chnúg ta, và các thứ khổ đau của chúng ta, cho dù là những gì sâu xa nhất và đớn đau nhất. Bằng Thánh Giá của mình, Chúa Giêsu liên kết bản thân mình với sự thinh lặng của thành phần nạn nhân của bạo động, với những ai không còn kêu gào, nhất là thành phần vô tội và bất khả tự vệ; với Thánh Giá của mình, Người liên kết với các gia đình đang gặp khốn khó và với những ai đang than van khóc lóc trước tình trạng mất mát thê thảm con cái của họ, như trong trường hợp của 242 nạn nhân trẻ gây ra bởi cuộc hỏa hoạn ở Thành Phố Santa Maria vào đầu năm nay. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ. Trên Cây Thánh Giá, Chúa Giêsu liên kết với hết mọi người đang chịu đói khổ trên thế giới, một thế giới mà đồng thời lại cũng đang xẩy ra tình trạng xa xỉ hoang phí bao nhiêu là tấn thực phẩm mỗi ngày; trên Thánh Giá, Chúa Giêsu liên kết mình với nhiều người mẹ và người cha đang chịu khổ khi thấy con cái của mình trở thành nạn nhân của ngất ngây ma túy; trên Thánh Giá, Chúa Giêsu liên kết mình với những ai đang bị bách hại vì tôn giáo, vì niềm tin của họ hay chỉ vì mầu da của họ; trên Thánh Giá, Chúa Giêsu liên kết mình với rất nhiều giới trẻ đang bị lạc mất đức tin nơi các cơ cấu chính trị, vì họ thấy nơi các cơ cấu này chỉ toàn là vị kỷ và băng hoại; Người liên kết mình với những thành phần giới trẻ đã đánh mất niềm tin nơi Giáo Hội, hay thậm chí nơi Thiên Chúa vì tình trạng phản chứng của Kitô hữu và các vị thừa tác viên của Phúc Âm. Những thứ bất nhất của chúng ta làm cho Chúa Giêsu chịu khổ biết bao! Thánh Giá của Chúa Kitô mang lấy khổ đau và tội lỗi của loài người, bao gồm cả của chúng ta. Chúa Giêsu chấp nhận tất cả những điều ấy bằng đôi tay rộng mở, vác trên vai những cây thập giá của chúng ta và nói cùng chúng ta rằng: 'Con hãy can đảm lên! Con không vác thập giá của mình một mnìh đâu! Cha vác với con. Cha đã chiên thắng sự chết và Cha đã đến để ban cho con niềm hy vọng, để ban cho con sự sống' (cf Jn 3:16).
2- Giờ đây chúng ta có thể trả lời câu hỏi thứ hai: Cây Thánh Giá đã cống hiến gì cho những ai gắn mắt vào đó và cho những ai đã chạm đến đó? Thánh Giá đã lưu lại gì nơi mỗi người chúng ta? Các bạn thấy đó, Cây Thánh Giá cống hiến cho chúng ta một kho tàng không ai có thể ban cho chúng ta được: đó là niềm tin tưởng vào tình yêu thương trung thành Thiên Chúa giành cho chúng ta. Một tình yêu cao cả lớn lao đến độ chấp nhận tội lỗi của chúng ta và tha thứ tội lỗi của chúng ta, nhận lấy khổ đau của chúng ta và cống hiến cho chúng ta sức mạnh để vác lấy. Đó là một tình yêu chấp nhận cái chết để chiến thắng tử thần mà cứu độ chúng ta. Thánh Giá của Chúa Kitô chất chứa tất cả tình yêu thương của Thiên Chúa; ở đó chúng ta thấy được tình thương khôn lường của Ngài. Đó là một tình yêu chúng ta có thể đặt trọn niềm tin tưởng của chúng ta, có thể tin tưởng. Giới trẻ thân mến, chúng ta hãy ký thác bản thân mình cho Chúa Giêsu, chúng ta hãy hiến bản thân mình cho Người (cf. Thông Điệp Ánh Sáng Niềm Tin, khoản 16), vì Người không bao giờ làm cho ai bị bẽ bàng! Chỉ ở nơi một mình Chúa Kitô tử giá và phục sinh chúng ta mới tìm thấy ơn cứu độ và cứu chuộc. Với Người, sự dữ, khổ đau, và sự chết không phải là phán quyết cuối cùng, vì Người ban cho chúng ta niềm hy vọng và sự sống: Người đã biến đổi Thập Giá từ phương tiện của hận ghét, thua bại và chết chóc thành một dấu hiệu yêu thương, chiến thắng, khải hoàn và sự sống.
Cái tên đầu tiên được gán cho Ba Tây là 'Mảnh Đất của Thánh Giá'. Thánh Giá của Chúa Kitô được dựng lên 5 thế kỷ trước đây, chẳng những trên các bờ biển của xứ sở này, mà còn trong giòng lịch sử, trong tâm can và đời sống của nhân dân Ba Tây cũng như các nơi khác. Chúa Kitô khổ đau là Đấng được thấm thía cảm thấy ở nơi đây, như là một người trong chúng ta để thông phần vào cuộc hành trình của chúng ta cho tới cùng. Không có một thập giá nào, lớn hay nhỏ, trong cuộc đời của chúng ta mà Chúa không chia sẻ với chúng ta.
3- Thế nhưng, Thánh Giá của Chúa Kitô cũng kêu mời chúng ta hãy để cho mình được tình yêu của Người tác động, dạy chúng ta luôn nhìn đến người khác một cách xót thương và trìu mến, nhất là những ai đau khổ, những ai đang cần giúp đáp, những ai cần đến một lời nói hay một hành động cụ thể nào đó; Thánh Giá mời gọi chúng ta hãy ra khỏi bản thân mình để gặp gỡ họ và giang tay ra cho họ. Biết bao nhiêu lần chúng ta đã thấy họ trên Con Đường Thánh Giá, biết bao nhiêu lần họ đã hộ tống Chúa Giêsu trên đường lên Canvê: Philatô, Simon thành Cyrene, Maria, thành phần phụ nữ... Hôm nay tôi xin hỏi các bạn: các bạn muốn là ai trong số những nhân vật đó? Các bạn có muốn như Philatô, người đã không có can đảm để chống lại với triều sóng để cứu sống Chúa Giêsu, thay vào đó đã phủi tay vô trách nhiệm? Hãy cho tôi biết đi: phải chăng các bạn là một trong những người phủi tay mình, những người giả vờ chẳng biết gì và nhìn đi chỗ khác? Hay các bạn như Simon thành Cyrene, người đã giúp Chúa Giêsu vác cây gỗ nặng ấy, hay như Maria và các phụ nữ khác, những người đã không sợ đi cho đến cùng suốt đoạn đường này để hộ tống Chúa Giêsu với lòng mến yêu và dịu dàng? Phần các bạn, các bạn muốn là ai? Như Philatô? Như Simon? Như Maria? Chúa Giêsu giờ đây đang nhìn các bạn và hỏi các bạn rằng: các con có muốn giúp Cha vác Thánh Giá hay chăng? Anh chị em ơi, với tất cả sức mạnh tuổi trẻ của mình, các bạn sẽ đáp lại Người ra sao?
Các bạn thân mến, chúng ta hãy mang đến cho Thánh Giá của Chúa Kitô các niềm vui của chúng ta, các nỗi khổ đau của chuúg ta và các lầm lỗi của chúng ta. Ở đó chúng ta sẽ thấy một Con Tim mở ra cho chúng ta và thông cảm với chúng ta, tha thứ cho chúng ta, yêu thương chúng ta và kêu gọi chúng ta hãy cưu mang tình yêu này trong đời sống của chúng ta, hãy yêu thương mỗi một con người, từng người anh chị em, bằng cùng một tình yêu thương.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, phần tin tức lấy từ VIS ngày 27/7/2013, hình ảnh của hãng thông tín AP từ google, và phần bài nói từ http://www.vatican.va/holy_father/francesco/speeches/2013/july/documents/papa-francesco_20130726_gmg-via-crucis-rio_en.html - những chỗ in nghiêng và đậm là do người dịch tự ý muốn nhấn mạnh
27/7/2013
Lời mở đầu của người dịch:
Từ ngày lên làm giáo hoàng đến nay, tức cho đến chuyến tông du đầu tiên cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXVIII ở Ba Tây 22-29/7/2013 này, không kể bức Thông Điệp Ánh sáng Niềm Tin - Lumen Fidei vừa được ký ban hành ngày 29/6/2013 vừa qua, lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói một bài dài nhất của ngài, một bài dài chưa từng có, một bài rất hay về cả nội dung lẫn văn từ, vừa có tính cách chia sẻ cảm nghiệm vừa có tính cách huấn dụ huynh đệ, liên quan đến chung tình hình Giáo Hội ở Ba Tây cũng như đến riêng sứ vụ chủ chiên của hàng giáo phẩm ở xứ sở này, đặc biệt là đến hiện tượng đã và đang xẩy ra ở Ba Tây liên quan đến tình trạng Kitô hữu Công giáo tập thể bỏ đạo sang Tin Lành, một hiện tượng cần phải cấp thời giải quyết bằng đường lối hiệu nghiệm nhất, bao gồm cả thành phần đang 'xuất hành' lên đường về đất hứa Giêrusalem - Giáo Hội.
Nội dung bài nói của ngài về chung tình hình Giáo Hội ở Ba Tây và riêng sứ vụ của Giáo Hội qua hàng giáo phẩm nước này được Đức Thánh Cha khai triển và diễn giải theo chiều hướng Biến Cố Aparecida từ đầu thế kỷ 18 và Hành Trình Emmau ở cuối Phúc Âm Thánh Luca. Bố cục của bài nói bao gồm 4 phần:
1- Aparecida là chìa khóa cho sứ vụ của Giáo Hội;
2- Đường lối đã được Giáo Hội Ba Tây thực hiện;
3- Hình ảnh Emmau liên quan tới hiện tại và tương lai;
4- Những thách đố Giáo Hội ở Ba Tây cần phải đương đầu: a. việc ưu tiên đào luyện nhân sự, b. mối liên kết trong hàng giáo phẩm, c. tình hình truyền giáo và mục vụ, d. công tác của Giáo Hội trong xã hội.
Nói chung phần thứ 1 và 3 của bài nói này rất quan trọng về nội dung, chẳng những cần thiết cho Giáo Hội ở Ba Tây mà còn cho chung Giáo Hội hoàn vũ và riêng các Giáo Hội địa phương trên thế giới, bao gồm cả Giáo Hội ở Việt Nam chúng ta. Bởi thế, xin chuyển ngữ 2 phần này, kèm theo những câu mở đầu và kết thúc cần thiết. Nếu ai cần đọc nguyên văn bài nói bằng Anh ngữ, xin bấm vào cái link dưới đây từ chính mạng điện toán toàn cầu của Toà Thánh Vatican http://www.vatican.va/holy_father/francesco/speeches/2013/july/documents/papa-francesco_20130727_gmg-episcopato-brasile_en.html
Chư Huynh thân mến,
Tốt đẹp biết bao được ở đây với Quí Huynh Giám Mục Ba Tây!
Xin cám ơn quí huynh đã đến và xin cho tôi nói cùng quí huynh như là một trong những người bạn của quí huynh nhé. Đó là lý do tại sao tôi thích nói với quí huynh bằng tiếng Tây Ban Nha, để bày tỏ rõ ràng hơn những gì tôi ấp ủ trong lòng tôi. Xin quí huynh tha lỗi cho tôi.
Chúng ta gặp gỡ nhau đây, một cách nào đó tách biệt hẳn ra, ở đây là một nơi đã được vị anh em của chúng ta là ĐTGM Orani Tempesta sửa soạn cho chúng ta, nhờ đó chúng ta có thể một mình nói với nhau tận đáy lòng mình như là thành phần mục tử được Thiên Chúa ký thác đàn chiên của Ngài cho. Trên đường phố ở Rio, giới trẻ từ khắp mọi nơi trên thế giới và vô số những người khác đang đợi chờ chúng ta, cần được vươn tới bằng ánh mắt xót thương của Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành, Đấng chúng ta được kêu gọi để hiện diện hóa Người. Vậy chúng ta hãy hoan hưởng giây phút nghỉ ngơi này để trao đổi với nhau những ý nghĩ và tình huynh đệ chân thực.
Bắt đầu từ Vị Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục và ĐTGM Rio de Janeiro, tôi muốn ôm hôn mỗi người và mọi người trong chư huynh, nhất là các vị Giám Mục Hưu Trí.
Tôi xin trân trọng chia sẻ cùng chư huynh một vài suy tư.
Trước hết là âm hưởng của việc tôi viếng thăm Đền Thánh Mẫu Aparecida. Ở đó, dưới chân tượng của Đấng Hoài Thai Vô Nhiễm, tôi đã cầu nguyện cho chư huynh, cho Giáo Hội của chư huynh, cho các linh mục của chư huynh, cho thành phần tu sĩ nam nữ, cho các chủng sinh, cho giáo dân và gia đình họ, nhất là cho giới trẻ và giới già là hai thành phần hy vọng của một quốc gia; giới trẻ là vì họ mang lại sức mạnh, lý tưởng và hy vọng cho tương lai; giới già là vì họ tiêu biểu cho ký ức, cho khôn ngoan của con người (The Aparecida Document stresses how children, young people and the elderly build the future of peoples [cf. No. 447]).
1- Aparecida là chìa khóa cho sứ vụ của Giáo Hội
Ở Aparecida Thiên Chúa đã cống hiến cho Ba Tây Mẹ của Ngài. Thế nhưng, ở Ba Tây, Thiên Chúa cũng ban cho Ba Tây một bài học về chính Ngài, về đường lối hiện hữu và tác hành của Ngài. Một bài học về sự khiêm nhượng là một trong những đặc tính thiết yếu của Thiên Chúa, và thuộc về di truyền thể (DNA) của Thiên Chúa. Aparecida cống hiến cho chúng ta một giáo huấn trường tồn về Thiên Chúa cũng như về Giáo Hội; một giáo huấn mà cả Giáo Hội ở Ba Tây lẫn chính quốc gia này không được lãng quên.
Mở đầu biến cố Apacerida là có những người đánh cá nghèo kiếm sống. Quá nhiều người đói mà lại quá ít tài nguyên. Dân chúng bao giờ cũng cần bánh ăn. Dân chúng bao giờ cũng bắt đầu bằng các nhu cầu của mình, bao gồm cả ngày hôm nay đây.
Họ chỉ có một con thuyền mong manh ọp ẹp; lưới của họ thì cũ và có lẽ thủng lỗ, rách đầu này hở đầu kia.
Trước tiên là nỗ lực có lẽ mệt mỏi của họ trong việc đánh cá mà thành quả đã hiện lên hiển nhiên trước mắt đó là thất bại, là mất giờ. Bởi tất cả việc họ làm chỉ là cái lưỡi trống rỗng.
Thế rồi, vào thời điểm ấn định, Thiên Chúa đã mầu nhiệm nhúng tay vào sự việc. Nước thì sâu nhưng nó bao giờ cũng che giấu cái cơ hội cho việc tỏ mình ra của Thiên Chúa. Ngài đã xuất hiện từ mầu xanh, ai biết được là bao lâu, khi Ngài không còn được chờ mong nữa. Sự nhẫn nại của những ai đợi chờ Ngài bao giờ cũng bị thử thách. Và Thiên Chúa đã đến một cách mới mẻ, vì Thiên Chúa thì thần diệu, ở chỗ như một bức tượng bằng đất xét mỏng dòn, đã trở nên đen đủi bởi giòng nước của con sông và đã trải qua lâu đời theo giòng thời gian trôi qua. Thiên Chúa luôn ẩn mình dưới dạng thức nghèo khổ, nhỏ mọn.
Bấy giờ có một bức tượng Đấng Hoài Thai Vô Nhiễm. Đầu tiên là thân mình, rồi đến cái đầu được gắn vào thân mình ấy, trở thành hiệp nhất. Những gì là đổ vỡ được phục hồi và nên một. Ba Tây thuộc địa đã bị phân chia bởi bức tường nô lệ đáng xấu hổ. Đức Mẹ Aparecida xuất hiện với một gương mặt đen đủi, đầu tiên là tách biệt rồi nên một trong bàn tay của những tay chài lưới.
Ở đây Thiên Chúa muốn dạy chúng ta một sứ điệp. Vẻ đẹp của Ngài, được phản ảnh nơi Mẹ của Ngài là người được thụ thai vô nhiễm nguyên tội, hiện lên từ cái tăm tối của giòng sông. Ở Aparecida, từ ban đầu, sứ điệp của Thiên Chúa là một sứ điệp phục hồi những gì bị đổ vỡ, tái hiệp những gì bị phân chia. Những bức tường, những rạn nứt, những khác biệt là những gì vẫn còn cho tới ngày nay đều cần phải tiến đến chỗ biến khuất. Giáo Hội không thể bỏ qua bài học này: Giáo Hội được kêu gọi trở thành phương tiện của việc hòa giải.
Những người chài lưới không bỏ qua mầu nhiệm thấy được trong giòng sông, cho dù nó là một huyền nhiệm dường như không trọn vẹn. Họ không quẳng đi những mảnh của huyền nhiệm này. Họ chờ đợi việc hoàn trọn của nó. Và điều này đã không cần phải chờ đợi lâu. Chúng ta cần phải học ở đây một sự khôn ngoan. Có những mảnh huyền nhiệm, như các vụn đá trong một bức thạch họa chúng ta trông thấy. Chúng ta bất nhẫn, háo hức muốn thấy được toàn thể bức hình, thế nhưng Thiên Chúa để cho chúng ta thấy sự việc xẩy ra một cách chầm chậm, lặng lẽ. Giáo Hội cũng cần phải biết phải chờ đợi như thế nào.
Thế rồi những người đánh cá mang huyền nhiệm này về nhà. Thành phần dân thường bao giờ cũng có chỗ để chấp nhận huyền nhiệm. Có lẽ chúng ta đã biến cách thức nói về huyền nhiệm thành những thứ giải thích theo lý lẽ; thế nhưng đối với thành phần dân thường thì huyền nhiệm thấm nhập vào tấm lòng của họ. Nơi các ngôi nhà của người nghèo Thiên Chúa bao giờ cũng có được một chỗ nào đó.
Những người đánh cá 'bó lấy' huyền nhiệm, họ mặc cho Vị Trinh Nữ được vớt từ nước lên như thể Người bị lạnh và cần được ấm áp. Thiên Chúa muốn trú ngụ nơi phần ấm áp nhất của bản thân chúng ta đó là con tim. Chính Thiên Chúa tỏa ra một thứ nhiệt năng chúng ta cần đến, thế nhưng trước hết Ngài tiến vào như là một kẻ ăn mày rét mướt. Những người chài lưới gói huyền nhiệm về Vị Trinh Nữ bằng tấm áo choàng đức tin hèn mọn của họ. Họ gọi hàng xóm láng giềng của họ đến nhìn vẻ đẹp được phục hồi của huyền nhiệm này; mọi người họ qui tụ lại với nhau và thuật lại những trục trặc của mình trước sự hiện diện của huyền nhiệm ấy và họ phó mình cho huyền nhiệm này. Nhờ đó họ giúp cho dự án của Thiên Chúa được hoàn thành: trước hết là ơn này, rồi đến ơn khác; từ ơn này đến ơn khác; từ ơn này mở đường cho ơn khác. Thiên Chúa dần dần mở ra cái khiêm hạ huyền diệu quyền năng của Ngài.
Chúng ta cần phải học nhiều nơi đường lối việc làm của thành phần chài lưới này. Về một Giáo Hội làm sao để có chỗ cho mầu nhiệm của Thiên Chúa; về một Giáo Hội ấp ủ lấy mầu nhiệm ấy đến độ mầu nhiệm này có thể lôi kéo quần chúng, thu hút quần chúng. Chỉ có vẻ đẹp của Thiên Chúa mới là những gì thu hút mà thôi. Đường lối của Thiên Chúa qua việc lôi kéo thu hút chúng ta. Thiên Chúa để cho Ngài được mang về nhà. Ngài làm bừng lên trong chúng ta ước muốn giữ lấy Ngài và sự sống của Ngài trong nhà của chúng ta, trong lòng của chúng ta. Ngài làm tái phát trong chúng ta ước muốn kêu gọi hàng xóm láng giềng của chúng ta đến để cho họ thấy vẻ đẹp của Ngài. Việc truyền giáo được xuất phát chính từ cái hấp lực thần linh này, bởi cảm nghiệm ngỡ ngàng hội ngộ này. Chúng ta nói về truyền giáo, về một Giáo Hội truyền giáo. Tôi nghĩ về những con người đánh cá kêu gọi hàng xóm láng giềng của họ đến để thấy mầu nhiệm về Vị Trinh Nữ. Thiếu vắng tính chất đơn sơ giản dị của họ, việc truyền giáo của chúng ta sẽ đi đến chỗ thất bại thôi.
Giáo Hội liên lỉ cần học lại bài học Aparecida; Giáo Hội không được quên bài học ấy. Các thứ lưới của Giáo Hội thì mong manh, có lẽ vá víu; con thuyền của Giáo Hội không to lớn hùng hậu như những chiếc tầu lớn xuyên đại tây dương băng qua biển cả. Tuy nhiên, Thiên Chúa lại muốn được nhìn thấy chỉ ở nơi những gì chúng ta có được, những cái chúng ta có hạn hẹp thiếu sót, vì Ngài bao giờ cũng là Đấng chủ động.
Chư huynh thân mến, các thành quả trong công việc mục vụ của chúng ta không lệ thuộc vào một thứ dồi dào phong phú về những gì chúng ta có được mà vào tính chất sáng tạo của tình yêu thương. Thật vậy, lòng kiên trì, sự nỗ lực, công khó nhọc, dự án phác họa và việc tổ chức tất cả đều cần đấy, nhưng trước hết và trên hết chúng ta cần ý thức rằng quyền năng của Giáo Hội không ở nơi chính Giáo Hội; quyền năng này được ẩn kín trong lòng nước sâu của Thiên Chúa là nơi Giáo Hội được kêu gọi để thả lưới xuống.
(Biệt chú của người dịch: ở đây ĐTC Phanxicô không hẹn mà hò đã khai triển một cách sâu xa và rõ ràng thêm về chiều hướng 'thả lưới ở chỗ nước sâu - Duc in altum' [Lk 5:4] là những gì đã được chính ĐTC GP II đề ra trong Tông Thư 'Novo Millennio Ineunte - Mở màn cho ngàn năm mới" ban hành ngày 6/1/2001 để chẳng những vừa bế mạc Đại Năm Thánh 2000 mà còn để gợi ý cho Giáo Hội cần phải thực hiện trong một tân thiên niên kỷ Kitô giáo).
Một bài học nữa
Giáo Hội cần phải liên lỉ nhớ đến đó là
không được bỏ qua tính chất đơn sơ giản dị; bằng không Giáo Hội đã quên đi cách
thức nói thứ ngôn từ của Mầu Nhiệm, và chính Giáo Hội vẫn ở ngoài ngưỡng cửa của
mầu nhiệm, và hiển nhiên là Giáo Hội chứng tỏ cho thấy Giáo Hội không thể nào
vươn tới những ai tìm kiếm nơi Giáo Hội một cái gì đó tự mình họ không thể nào
có được đó là chính Thiên Chúa. Có những lúc chúng ta đánh mất đi quần chúng vì
họ không hiểu được những gì chúng ta đang nói, vì chúng ta quên đi thứ ngôn từ
đơn sơ giản dị và nhập nhiễm một thứ duy lý trí xa lạ với quần chúng của chúng
ta. Thiếu vắng thứ văn phạm đơn sơ giản dị này, Giáo Hội đánh mất đi chính những
điều kiện làm cho Giáo Hội có thể 'bắt cá' cho Thiên Chúa ở chỗ nước sâu nơi Mầu
Nhiệm của Ngài.
....
2- Đường lối đã được Giáo Hội Ba Tây thực hiện
...
Giáo Hội ở Ba Tây đã đón nhận và linh động áp dụng Công Đồng Chung Vaticanô II, và trong thời gian qua, mặc dù cần phải thắng vượt một số những vấn đề nhức nhối, cũng đã đưa đến một Giáo Hội dần dần trưởng thành hơn, cởi mở, quảng đại và truyền giáo.
Ngày nay, thời gian đã đổi thay. Như văn kiện Aparecida đã khéo diễn tả: thời đại của chúng ta không phải là một thời đại của đổi thay mà là một thứ đổi thay của thời đại. Bởi thế, hôm nay đây, chúng ta cần khẩn trương đặt vấn đề: Thiên Chúa đang muốn chúng ta làm gì? Giờ đây tôi muốn chấm phá vài tư tưởng để đáp ứng.
3- Hình ảnh Emmau là then chốt cho thấy hiện tại và tương lai
Trước hết, chúng ta không được cảm thấy lo âu sợ hãi trước lời diễn tả được Chân Phước John Henry Newman có lần bày tỏ như sau: '... Thế giới Kitô giáo đang dần dần trở nên khô cằn và kiệt quệ, như mảnh đất đã từng được vun trồng nay trở thành cát bụi' (Letter of 26 January 1833 to his mother, The Letters and Diaries of John Henry Newman, vol. III [Oxford, 1979], p. 204). Chúng ta không được chiều theo những gì là vỡ mộng, thất đảm và than van trách móc. Chúng ta đã nỗ lực rất nhiều và có những lúc chúng ta thấy dường như bị thất bại. Chúng ta cảm thấy mình như là những người kiểm điểm lại một vụ mùa thua bại, khi chúng ta quan tâm tới những người đã lìa bỏ chúng ta hay không còn coi chúng ta khả tín hoặc thích hợp nữa.
Theo chiều hướng này, chúng ta hãy đọc lại một lần nữa câu truyện Emmau (cf. Lk 24:13-15). Hai môn đệ rời Giêrusalem. Họ bỏ lại sau lưng 'cái trần truồng' của Thiên Chúa. Họ cảm thấy hổ ngươi trước cái thua bại của Đấng Thiên Sai là Đấng họ đã hy vọng và là Đấng bấy giờ đã trở thành hoàn toàn thảm bại, ô nhục, thậm chí sau ngày thứ ba (các câu 17-21).
Ở đây chúng ta cần phải đối diện với mầu nhiệm khó khăn của những con người lìa bỏ Giáo Hội, thành phần, bị ảo tưởng bởi những ý nghĩ khác biệt, giờ đây nghĩ rằng Giáo Hội - Giêrusalem của họ - không còn cống hiến cho họ một cái gì đó ý nghĩa và quan trọng nữa. Thế là họ bắt đầu một mình lên đường mang theo nỗi thất vọng của họ. Giáo Hội có lẽ đã trở thành quá yếu kém, có lẽ quá xa cách với những nhu cầu của họ, có lẽ quá nghèo để có thể đáp ứng với những quan tâm của họ, có lẽ quá lạnh lùng, có lẽ quá bận tâm với chính mình, có lẽ là một tù nhân của những công thức riêng tư cứng ngắc, có lẽ thế giới dường như đã biến Giáo Hội thành một thứ di tích cổ kính xa xưa, không còn thích hợp với những vấn đề mới mẻ; có lẽ Giáo Hội chỉ có thể nói với dân chúng ở độ tuổi ấu thơ của họ mà không nói với những ai đã khôn lớn. (Văn Kiện Aparecida cống hiến một đã trình bày một cách tổng hợp về những lý do sâu xa ở đằng sau hiện tượng này, số 225). Đó là một sự kiện mà ngày nay có nhiều người như hai môn đệ đi Emmau; họ chẳng những là những người tìm kiếm những giải đáp nơi các nhóm đạo giáo mới đang bung tỏa, mà còn là những người dường như vô thần cả về lý thuyết lẫn thực hành.
Chúng ta phải làm gì đây trước tình trạng ấy?
Chúng ta cần một Giáo Hội không sợ dấn thân vào trong đêm tối. Chúng ta cần một Giáo Hội có khả năng gặp gỡ họ trên đường đi của họ. Chúng ta cần một Giáo Hội có khả năng đối thoại với họ. Chúng ta cần một Giáo Hội có khả năng đối thoại với thành phần môn đệ, sau khi quay lưng lại với Giêrusalem, đang lang thang vô định, lẻ loi một mình, mang theo nỗi chán chường thất vọng của họ, vỡ mộng trước một thứ Kitô giáo giờ đây đã trở nên cằn cỗi, trở thành một mảnh đất trơ trụi không hoa trái, không thể mang lại ý nghĩa cuộc đời.
Thứ tiến trình liên tục toàn cầu hóa, một tiến trình thường bất khả kiểm soát được tình trạng gia tăng thành thị hóa, đã hứa hẹn nhiều điều to lớn. Nhiều người đã say đắm về khả năng của những thứ vĩ đại ấy, một khả năng dĩ nhiên cũng có những yếu tố tích cực, chẳng hạn như vấn đề thu hẹp khoảng cách, kéo các dân tộc và các nền văn hóa lại gần nhau hơn, vấn đề phát tán tín liệu và dịch vụ. Tuy nhiên, ở phương diện khác, nhiều người đang hứng chịu những tác hiệu tiêu cực của những thực tại ấy mà không nhận ra rằng những thực tại này đã ảnh hưởng đến nhãn quan thích đáng về con người và về thế giới ra sao. Tình trạng này gây ra sự nhầm lẫn cả thể và một thứ trống rỗng mà con người không thể giải thích được, liên quan đến mục đích của đời sống, đến vấn đề phân mảnh bản thân, đến cái mất mát nơi cảm nghiệm thuộc về một 'ngôi nhà' và đến sự vắng bóng của khoảng không gian riêng tư cùng với những liên hệ sâu đậm tư riêng.
Và vì không có ai hộ tống họ hay tỏ cho họ thấy, bằng đời sống của riêng mình, đường lối chân thực mà nhiều người đã tìm cách đốt giai đoạn, vì các tiêu chuẩn được Mẹ Giáo Hội đặt ra dường như đòi hỏi quá đáng. Cũng có nhiều người nhìn nhận lý tưởng của con người và đời sống được Giáo Hội nêu lên nhưng họ không có đủ can đảm để theo đuổi nó. Họ nghĩ rằng lý tưởng này quá cao cả đối với họ, vượt ngoài khả năng của họ, và mục tiêu được Giáo Hội đặt ra là những gì bất khả đạt. Tuy nhiên, họ không thể sống mà lại không có tối thiểu một điều gì đó, ngay cả một mô phỏng tầm thường cũng dường như quá vĩ đại và xa cách. Với tâm can thất vọng, họ lao mình đi tìm kiếm một cái gì đó lại càng dẫn họ đến một tình trạng xa lạc hơn nữa, hay những gì mang họ đến một thứ thuộc về tạm thời để rồi cuối cùng không làm viên trọn cuộc đời của họ.
Cảm giác trầm trọng về tình trạng buông thả và cô độc, cảm giác thậm chí không thuộc về bản thân mình, cái cảm giác thường xuất phát từ tình trạng này, là những gì quá đau thương để mà che đậy. Cần có một cái gì đó để xả ra. Bao giờ cũng là cách chọn lựa phán nàn than trách. Thế nhưng, ngay cả việc phàn nàn than trách cũng trở thành một thứ đòn bật; nó bật trở lại và đi đến chỗ gia tăng nỗi bất hạnh của con người. Có một ít người vẫn còn khả năng nghe được tiếng của đớn đau; cách tốt nhất chúng ta có thể làm đó là tê liệt hóa nó.
Theo quan điểm này thì chúng ta cần một Giáo Hội có khả năng bước đi bên cạnh quần chúng, dấn thân hơn là chỉ biết lắng nghe họ; một Giáo Hội hỗ trợ họ trong cuộc hành trình của họ; một Giáo Hội có thể hiểu được bóng 'đêm tối' đang bao phủ trong cuộc thoát thân khỏi Giêrusalem của rất nhiều anh chị em chúng ta; một Giáo Hội ý thức rằng những lý do tại sao dân chúng bỏ đi cũng bao gồm cả những lý do tại sao họ có thể từ từ quay đầu trở lại. Thế nhưng chúng ta cần biết can đảm dẫn giải bức tranh bao quát hơn. Chúa Giêsu đã làm ấm lòng các môn đệ trên đường đi Emmau.
Tôi xin tất cả chúng ta hôm nay hãy tự hỏi mình rằng: chúng ta vẫn đang còn là một Giáo Hội có khả năng làm ấm lòng người hay chăng? Một Giáo Hội có khả năng dẫn quần chúng trở về lại Giêrusalem hay chăng? Có khả năng mang họ về nhà hay chăng? Giêrusalem là xuất phát ra các thứ gốc gác của chúng ta: Thánh kinh, giáo lý, các bí tích, cộng đồng, tình thân với Chúa, Mẹ Maria và các tông dồ... Chúng ta vẫn còn có thể nói về các thứ gốc gác này một cách có thể làm sống lại cảm quan lạ lùng về vẻ đẹp của những thứ gốc gác ấy hay chăng?
Nhiều người đã bỏ đi vì họ đã được hứa hẹn một điều gì đó cao quí hơn, mãnh liệt hơn và mau chóng hơn.
Thế nhưng, cái gì cao quí hơn là tình yêu được mạc khải ở Giêrusalem chứ? Không gì cao quí hơn cái hèn hạ của Thập Giá, vì ở đó chúng ta mới thực sự tiến tới tầm mức cao cả của tình yêu! Chúng ta vẫn có thể chứng tỏ cho thấy sự thật này hay chăng cho những ai nghĩ rằng tột đỉnh của đời sống cần phải tìm kiếm ở một nơi nào khác kìa?
Chúng ta có biết được bất cứ sự gì mãnh lực hơn là sức mạnh được ẩn kín bên trong cái yếu kém của tình yêu, của sự thiện, sự thật và sự mỹ hay chăng?
Dân chúng ngày nay gắn bó với những gì là mau chóng hơn và mau chóng hơn: những thứ nối kết mau chóng về điện toán toàn cầu, những chiếc xe và máy bay tốc độ, những mối liên hệ ngay tức khắc. Thế nhưng, đồng thời chúng ta cũng thấy hết sức cần đến sự trầm tĩnh, thậm chí tôi muốn nói là cần đến sự chậm rãi. Phải chăng Giáo Hội vẫn có thể di chuyển một cách chậm rãi, ở chỗ bỏ giờ ra lắng nghe, nhẫn nại may vá và lắp ráp? Hay chính Giáo Hội lại bị chộp bắt vào một cuộc theo đuổi cuồng loạn của tính chất hiệu năng? Chư huynh thân mến, chúng ta hãy phục hồi tính chất trầm tĩnh để có thể bước đi cùng một khoảng không gian như những con người hành hương của chúng ta, ở bên họ, gần gũi họ, giúp họ có thể nói ra những thất vọng ở trong lòng họ và để cho chúng ta giải tỏa chúng. Họ muốn quên đi Giêrusalem, nơi họ có các thứ gốc gác của họ, thế nhưng dần dần họ sẽ cảm thấy khát. Chúng ta cần một Giáo Hội có khả năng hộ tống họ trên đường trở về Giêrusalem! Một Giáo Hội có khả năng giúp cho họ tái khám phá ra những gì là rạng ngời và hoan lạc đã từng nói về Giêrusalem, và hiểu được rằng Giáo Hội là Mẹ của tôi, Mẹ của chúng ta, và chúng ta không phải là những đứa trẻ mồ côi! Chúng ta được sinh ra ở nơi Giáo Hội. Không phải là Giêrusalem ở đâu thì chúng ta được sinh ra ở đó hay sao? Ở Phép Rửa, ở cuộc hội ngộ yêu thương đầu tiên, ở nơi ơn gọi của chúng ta, ở nơi phần vụ của chúng ta (Cf. also the four points mentioned by Aparecida [No. 226]). Chúng ta cần một Giáo Hội có thể thắp lên lòng người và sưởi ấm lòng người.
Chúng ta cần một Giáo Hội có khả năng phục hồi quyền công dân cho nhiều con cái của mình là thành phần đang thực sự hành trình trong 'cuộc xuất hành'.
4- Những thách đố Giáo Hội ở Ba Tây cần phải đương đầu
....
Về vấn đề truyền giáo, chúng ta cần nhớ rằng tính chất khẩn trương của nó xuất phát từ động lực nội tại của nó; nói cách khác, đó là về việc truyền đạt một thứ di sản. Đối với vấn đề về phương pháp, cần phải ý thức rằng di sản liên quan đến chứng từ, nó giống như cái thanh cầm trong một cuộc chạy đua tiếp sức, ở chỗ, quí huynh không tung nó lên trời cho ai có thể chộp được nó thì chộp lấy, để ai không chụp được nó thì không cần làm gì nữa. Để truyền đạt một thứ di sản, người ta cần truyền nó đi một cách tư riêng, cần chạm đến con người mà người ta muốn trao cho, muốn tiếp sức cái gia sản ấy.
Về vấn đề hoán cải mục vụ, tôi xin nhắc lại rằng 'việc chăm sóc mục vụ' không là gì khác hơn là việc thực thi vai trò làm mẹ của Giáo Hội. Giáo Hội hạ sinh, bú mớm, nuôi lớn, sửa dạy, dưỡng nuôi và dẫn dắt bằng bàn tay của mình.... Bởi vậy chúng ta cần một Giáo Hội có thể tái nhận thức tấm lòng xót thương từ mẫu. Không có tình thương ngày nay chúng ta ít có cơ hội trở thành yếu tố cho một thế giới của những con người 'thương tích' đang cần cảm thông, tha thứ, yêu thương.
(Kết)
Chư huynh Giám Mục thân mến, tôi đã cố gắng cống hiến cho chư huynh trong tinh thần huynh đệ một vài suy tư và đường lối cho một Giáo Hội như Giáo Hội ở Ba Tây đây, một Giáo Hội giống như một bức họa vi thạch được làm nên bởi những vụn đá nho nhỏ, những hình ảnh, những hình thức, những vấn đề và những thách đố, thế nhưng cũng chính vì thế mà nó trở thành một kho tàng khổng lồ. Giáo Hội không bao giờ đồng loạt mà là những khác biệt được hòa hợp trong hiệp nhất, và đó là điều đúng cho hết mọi thực tại về giáo hội.
Xin Đức Mẹ Aparecida trở nên ánh sao soi chiếu công việc của chư huynh và cuộc hành trình của chư huynh trong việc mang Chúa Kitô, như Mẹ đã làm, đến cho tất cả mọi con người nam nữ nơi xứ sở rộng lớn của chư huynh. Như Chúa Kitô đã làm cho hai người môn đệ chán nản và vỡ mộng trên đường Emmau, Người cũng sưởi ấm tâm hồn của chư huynh và ban cho chư huynh niềm hy vọng mới mẻ và vững vàng.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Toà Thánh http://www.vatican.va/holy_father/francesco/speeches/2013/july/documents/papa-francesco_20130727_gmg-episcopato-brasile_en.html - những chỗ in nghiêng và đậm là do người dịch tự ý nhấn mạnh.
Đêm Canh Thức với Giới Trẻ (Video)
Chúng ta vừa nhắc lại câu truyện của Thánh Phanxicô Assisi. Trước cây thập tự giá, ngài đã nghe thấy tiếng Chúa Giêsu nói cùng ngài rằng: 'Phanxicô, con hãy đi tái thiết ngôi nhà của Cha'. Chàng thanh niên Phanxicô đã sẵn sàng và quảng đại đáp lại tiếng Chúa gọi mời trong việc tái thiết ngôi nhà của Người. Mà là ngôi nhà nào đây? Chàng Phanxicô dần dần mới nhận ra một cách rõ ràng là không phải vấn đề sửa sang một ngôi nhà bằng đá song về chuyện chàng cần phải góp phần vào đời sống của Giáo Hội. Đó là vấn đề phục vụ Giáo Hội, yêu mến Giáo Hội và làm cho dung nhan của Chúa Kitô rạng ngời hơn bao giờ hết nơi Giáo Hội.
Cả ngày nay nữa, cũng như luôn mãi, hỡi các bạn trẻ, Chúa đang cần đến các bạn cho Giáo Hội của Người. Cả ngày nay nữa, Người đang kêu gọi mỗi một người trong các bạn hãy theo Người trong Giáo Hội của Người và hãy trở thành những nhà truyền giáo. Tại sao? Bằng cách nào? Này nhé, tôi nghĩ chúng ta đã có thể rút tỉa được một cái gì đó từ những gì đã xẩy ra trong những ngày này, đó là tại sao chúng ta cần phải chuyển đêm canh thức này từ Campus Fidei ở Guaratiba vì thời tiết xấu. Không phải Chúa muốn nói với chúng ta rằng cái lãnh vực thật sự của đức tin (the real area of faith), cái khu vực đức tin (campus fidei), không phải là một nơi về địa dư mà chúng ta là chính nơi đó hay sao? Phải, mỗi một người chúng ta, mỗi một người trong các bạn. Và vai trò của một người môn đệ thừa sai là ở chỗ nhìn nhận rằng chúng ta là một Khu Vực Đức Tin (Campus Fidei) của Thiên Chúa! Từ cái địa danh là nơi chúng ta là Campus Fidei này, là đồng ruộng đức tin này, tôi đã nghĩ đến 3 hình ảnh có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa của việc trở thành một người môn đệ và một nhà truyền giáo. Trước hết, đồng ruộng là một nơi để gieo hát giống; sau nữa, đồng ruộng là một cơ sở đào luyện; và sau hết đồng ruộng là một địa điểm kiến tạo.
Đồng ruộng là một nơi gieo hạt giống. Tất cả chúng ta đều biết dụ ngôn Chúa Giêsu nói về một người gieo giống đi gieo hạt giống trong thửa ruộng của mình; có một số hạt rơi trên vệ đường, một số trên mảnh đất sỏi đá, một số vào bụi gai, nên không thể mọc lên; hạt khác rơi trên đất tốt nên sinh nhiều hoa trái (cf Mt 13:1-9). Chính Chúa Giêsu đã dẫn giải ý nghĩa của dụ ngôn này: hạt giống là lời của Thiên Chúa được gieo trong lòng của chúng ta (cf Mt 13:18-23). Các bạn trẻ thân mến, điều này có nghĩa là Khu Vực Đức Tin (Campus Fidei) thực sự, thửa ruộng đức tin (the field of faith), là tâm hồn của các bạn, là đời sống của các bạn. Chính ở nơi đời sống của các bạn mà Chúa Giêsu muốn tiến vào bằng lời của Người, bằng sự hiện diện của Người. Xin hãy để cho Chúa Kitô và lời của Người đi vào đời sống của các bạn, nẩy mầm và triển nở.
Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng hạt giống rơi ở vệ đường hay trên khoảng đất sỏi đá hoặc vào bụi gai chẳng sinh hoa kết trái gì hết. Chúng ta là loại mảnh đất nào đây? Chúng ta muốn trở thành thứ đất nào vậy? Có lẽ đôi khi chúng ta giống như vệ đường, ở chỗ, chúng ta nghe lời Chúa đó nhưng lời của Người chẳng làm thay đổi gì trong đời sống của chúng ta, vì chúng ta để cho mình bị tê cứng bởi tất cả những tiếng nói phù du lấn át đi sự chú tâm của chúng ta; hay chúng ta giống như mảnh đất sỏi đá, ở chỗ chúng ta nhiệt liệt đón nhận Chúa Giêsu nhưng chúng ta nhùng nhằng nản chí, và khi phải đối diện với khó khăn, chúng ta không đủ can đảm để lội ngược giòng; hay chúng ta giống như mảnh đất gai góc, ở tính chất tiêu cực, ở những cảm giác tiêu cực làm chết nghẹt lời Chúa trong chúng ta (cf Mt 13;18-22). Thế nhưng, hôm nay đây, tôi tin rằng hạt giống đang rơi trên mảnh đất tốt, vì các bạn muốn trở thành mảnh đất tốt, không phải là những Kitô hữu nửa vời (part time Christians), không 'sơ cứng' và nông nổi, mà là những Kitô hữu thực sự. Tôi tin rằng các bạn không muốn bị lừa bịp bởi một thứ tự do sai lầm, bao giờ cũng sẵn sàng chiều theo những thứ thời trang và kiểu cách nhất thời. Tôi biết rằng các bạn đang nhắm đến những quyết định cao cả và lâu bền là những gì làm cho đời sống của các bạn có ý nghĩa. Chúa Giêsu có thể giúp các bạn thực hiện điều ấy, vì Người là 'đường, là sự thật và là sự sống' (Jn 14:6). Chúng ta hãy tin tưởng nơi Người. Chúng ta hãy làm cho Người trở thành hướng đạo viên của chúng ta!
Đồng ruộng là một mảnh đất đào luyện. Chúa Giêsu xin chúng ta hãy theo Người suốt đời, Người muốn chúng ta là thành phần môn đệ của Người, muốn chúng ta 'chơi trong đổi tuyển của Người (play on his team)'. Tôi nghĩ rằng hầu hết các bạn yêu thích thể thao! Ở Ba Tây đây cũng như ở các xứ sở khác, loại banh đá (biệt chú của người dịch tiếng Việt: chữ 'football' ở đây, nhất là ở Ba Tây, ĐTC dường như ám chỉ soocer ball vốn được thịnh hành chung trên toàn thế giới, 'ở các xứ sở khác', hơn là football hầu như chỉ thịnh hành ở Mỹ) là một đam mê của chung cả nước. Vậy thì các cầu thủ cần phải làm gì khi họ được yêu cầu tham gia vào một đội tuyển? Họ cần phải huấn luyện và huấn luyện nhiều! Đời sống của chúng như thành phần môn đệ của Chúa Kitô cũng thế. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng: 'các lực sĩ chối từ đủ mọi thứ đối với bản thân mình; họ làm thế để chiếm lấy một thứ triều thiên hoa lá tàn tạ, còn chúng ta với một thứ triều thiên bất hủ' (1Cor 9:25). Chúa Giêsu cống hiến cho chúng ta một thứ còn lớn lao hơn cả Giải Vô Địch Thế Giới (World Cup)! Người cống hiến cho chúng ta khả năng đạt tới một một đời sống viên trọn và dồi dào phong phú; Người cũng cống hiến cho chúng ta một tương lai ở với Người, một tương lai bất tận, đó là sự sống đời đời. Thế nhưng Người xin chúng ta hãy huấn luyện, 'hãy sống khỏe mạnh (to get in shape)', nhờ đó chúng ta có thể can đảm đương đầu với hết mọi trường hợp trong cuộc sống, làm chứng cho đức tin của chúng ta. Chúng ta sống khỏe mạnh bằng cách nào? Bằng việc nói chuyện với người, ở chỗ cầu nguyện là việc chúng ta hằng ngày đối thoại với Thiên Chúa, Đấng luôn lắng nghe chúng ta. Bằng các bí tích là những gì làm cho sự sống của Ngài gia tăng trong chúng ta và làm cho chúng ta nên giống Chúa Kitô. Bằng việc yêu thương nhau, biết lắng nghe, thông cảm, tha thứ, chấp nhận và giúp đáp người khác, hết mọi người, không loại trừ hay tẩy chay một ai. Giới trẻ thân mến, các bạn hãy thực sự là 'thành phần lực sĩ của Chúa Kitô! (athletes of Christ!)'.
Thửa ruộng là một địa điểm kiến tạo. Khi tấm lòng của chúng ta là một mảnh đất tốt ở chỗ lãnh nhận lời của Thiên Chúa, khi 'chúng ta đổ mồ hôi' để nỗ lực sống như là một Kitô hữu, chúng ta cảm nghiệm thấy một điều gì đó phi thường, ở chỗ chúng ta không bao giờ lẻ loi cộ độc một mình, chúng ta thuộc về một gia đình của những người anh chị em chúng ta, tất cả đều hành trình trên cùng một con đường: chúng ta thuộc về Giáo Hội; thật vậy, chúng ta đang xây dựng Giáo Hội và chúng ta đang đi làm lịch sử. Thánh Phêrô nói với chúng ta rằng chúng ta là những tảng đá sống làm nên một lâu đài thiêng liêng (cf 1Pt 2:5). Nhìn vào khán đài này đây, chúng ta thấy rằng nó được kiến tạo theo hình của một ngôi thánh đường, được kiến tạo bằng những tảng đá và những viên gạch. Nơi Giáo Hội của Chúa Giêsu, chính chúng ta là những tảng đá sống. Chúa Giêsu đang xin chúng ta hãy xây dựng Giáo Hội của Người, không phải là một nguyện đường nhỏ bé chỉ chứa được một số ít con người ta. Người xin chúng ta làm cho Giáo Hội sống động của Người lớn rộng đến độ có thể chứa được toàn thể nhân loại, có thể trở thành nhà cho hết mọi người! Người nói với tôi, với các bạn, với từng người chúng ta rằng: 'Các con hãy đi tuyển mộ môn đồ nơi tất cả mọi dân nước' (Mk 16:16). Tối hôm nay đây, chúng ta đã đáp lại Người rằng 'Vâng, con cũng muốn là một tảng đá sống; chúng nhau chúng ta hãy muốn xây dựng Giáo Hội của Chúa Giêsu! Tất cả chúng ta hãy cùng nhau nói rằng: tôi muốn dấn thân xây dựng Giáo Hội của Chúa Kitô!
Trong con tim trẻ trung của mình, các bạn có một ước muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Tôi đã từng thường xuyên theo dõi tin tức về nhiều giới trẻ trên khắp thế giới cũng như ở Ba Tây này đã xuống đường để bày tỏ ước vọng của mình cho một xã hội công chính và huynh đệ hơn. Họ là những con người trẻ muốn trở thành những con người đóng vai chính của việc đổi thay. Tôi phấn khích họ, một cách trật tự, an hòa và hữu trách, theo tác động bởi các thứ giá trị của Phúc Âm, hãy tiếp tục thắng vượt tình trạng thờ ơ lãnh đạm và cống hiến một đáp ứng Kitô giáo cho các thứ quan tâm về xã hội và chính trị đang xẩy ra ở xứ sở của họ.
Thế nhưng, vấn đề vẫn là: Chúng ta bắt đầu từ đâu đây? Đâu là tiêu chuẩn để xây dựng một xã hội công chính hơn? Mẹ Têrêsa Calcutta có lần đã được hỏi đâu là những gì cần thiết để thay đổi trong Giáo Hội. câu trả lời của mẹ là: các bạn và tôi!
Các bạn thân mến, đừng bao giờ quên rằng các bạn là thửa ruộng đức tin! Các bạn là những lực sĩ của Chúa Kitô! Các bạn được kêu gọi để xây dựng một Giáo Hội mỹ miều hơn và một thế giới tốt đẹp hơn. Chúng ta hãy hướng ánh mắt về Đức Mẹ. Mẹ Maria giúp chúng ta theo Chúa Giêsu, Mẹ cống hiến cho chúng ta mẫu gương 'xin vâng' Thiên Chúa của Mẹ: 'Này tôi là tôi tớ của Chúa; xin hãy thực hiện nơi tôi như lời Ngài truyền' (Lk 1:38). Cùng nhau, chúng ta hãy liên kết với Mẹ Maria thưa cùng Thiên Chúa rằng: xin hãy thực hiện nơi con như lời Ngài truyền. Amen!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạnh điện toán toàn cầu của truyền hình muối và ánh sáng http://saltandlighttv.org/blog/world-youth-day/francis-incites-3-million-youth-present-at-prayer-vigil - những chỗ in nghiêng và đậm là do người dịch tự ý nhấn mạnh; hình ảnh được thu lượm rải rác từ Google.
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời phỏng vấn trên chuyến bay từ Ba Tây về lại Giáo Đô Rôma ngày 28/7/2013
Trong vòng khoảng 1 tiếng rưỡi trên chuyến bay tông du cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXVIII ở từ Ba Tây về lại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bất ngờ, (vì trên chuyến đi ngài không làm như thế), sẵn sàng trả lời tất cả những câu phỏng vấn của thành phần truyền thông tháp tùng ngài, bao gồm đủ mọi vấn đề, cho dù tế nhị nhất: 1- về chuyến tông du đầu tiên của ngài; 2- về vấn đề an toàn sinh mạng; 3- về cái bị đen ngài mang theo chuyến tông du; 4- về các ủy ban ngài thiết lập để cải cách Nhà Băng Vatican được gọi là IOR (Institute for Religious Works); 5- về chuyện vận động đồng tính (gay lobby) trong tòa thánh vatican; 6- về vấn đề lãnh nhận các bí tích liên quan đến những trường hợp ly dị và tái hôn; 7- về chuyện nữ giới làm linh mục trong Giáo Hội Công giáo; 8- về mối liên hệ giữa ngài và vị giáo hoàng hưu trí Biển Đức XVI hiện nay.
1- Về chuyến tông du đầu tiên của mình, ngài cho biết ngài cảm thấy hân hoan vui mừng với chuyến tông du quốc tế đầu tiên này của ngài. Ngài nhận thấy nhân dân Ba Tây "là một dân tộc vui vẻ đã chịu nhiều đau khổ... Chuyến đi này rất hay; về tinh thần nó làm tôi cảm thấy tốt đẹp... việc gặp gỡ dân chúng bao giờ cũng tốt, vì khi làm như thế chúng ta nhận được nhiều điều tốt đẹp từ những người khác".
2- Về vấn đề an toàn sinh mạng, ngài nhận thấy không có gì đáng tiếc xẩy ra trong chuyến tông du vừa rồi và hết mọi sự đã được bộc phát. Theo ngài thì "nhờ ít vấn đề an toàn mà tôi đã có thể đến với dân chúng, ôm lấy họ, chào hỏi họ, không cần có những chiếc xe bọc sắt... nó là một thứ an toàn tin tưởng vào dân chúng... đúng thế, bao giờ cũng nguy hiểm khi gặp người điên, thế nhưng lúc nào Chúa cũng bảo vệ chúng ta không phải hay sao? Đồng thời cũng điên khùng khi vị giám mục tách mình ra khỏi dân chúng, và tôi thích cái khùng này hơn".
Ngài cũng lập lại cho biết ý định của ngài thích tiếp tục ở lại nhà trọ Thánh Matta hơn là về tông dinh giáo hoàng ở Vatican: "Tôi không thể sống một mình hay với một nhóm nhỏ. Tôi cần ở giữa dân chúng, gặp gỡ và nói chuyện với dân chúng... Hết mọi người cần phải sống như Chúa muốn họ sống. Thế nhưng, vấn đề khổ hạnh - một thứ khổ hạnh tổng quát - tôi nghĩ rằng là những gì cần thiết cho tất cả những ai hoạt động phục vụ Giáo Hội".
3- Về cái bị đen ngài mang theo chuyến tông du, ngài cho biết trong đó "chẳng có cái chốt bom nguyên tử! Có một cái cạo râu, một cuốn sách nguyện, cuốn nhật ký của tôi, một cuốn sách để đọc - Tôi mang theo cuốn về Thánh Thérèse of Lisieux là vị tôi sùng kính... Bao giờ tôi cũng mang cái túi này đi khi du hành. Đó là chuyện bình thường thôi. Chúng ta cần phải sống bình thường".
4- Về các ủy ban ngài thiết lập để cải cách IOR (Institute for Religious Works), cũng như về trường hợp Đức Ông Scarano, vị giám đốc dịch vụ phân tích kế toán của APSA (the Administration of the Patrimony of the Apostolic See - Văn Phòng Quản Trị Tài Sản của Tòa Thánh), bị cính quyền Ý bắt giam liên quan đến vụ điều tra về gian lận, ngài cho biết: "Tôi tin tưởng vào công việc của các phần tử thuộc ủy ban này. Tính chất thanh liêm và chân thực cần phải trở thành các qui chuẩn chi phối thực thể này". Ngài cảm thấy buồn về trường hợp ấy: "Tôi cảm thấy đớn đau trước những biến cố ấy vì chúng gây gương mù... thế nhưng ở Tòa Thánh cũng có những người thánh nữa... và thậm chí chỉ cần một số không thánh thiện thôi thì họ cũng là thành phần gây ầm ĩ nhất, ở chỗ, ai cũng biết đó, chỉ cần một cây đổ xuống thôi cũng làm ầm lên hơn là cả một cánh rừng vươn lên".
5- Về chuyện vận động đồng tính (gay lobby) trong tòa thánh Vatican, ngài cũng đề cập đến trường hợp của Đức Ông Ricca, một viên chức cao cấp của IOR, một nhân vật bị báo chí Ý quốc phanh phui ra những gì liên quan đến đời tư của vị này với vấn đề được họ gọi là "vận động đồng tính" ở trong Tòa Thánh Vatican. Ngài cho biết: "Về Đức Ông Ricca thì vấn đề điều tra trước khi bổ nhiệm (investigatio previa) đã được thực hiện mà không khám phá thấy gì hết. Thế nhưng tôi muốn được nói thêm thế này, tôi thấy rằng trong Giáo Hội rất thường hay có khuynh hướng moi móc các thứ tội lỗi xẩy ra từ thời còn trẻ để mà công khai hóa chúng. Tôi không có ý nói về các thứ tội ác, chẳng hạn việc lạm dụng tình dục vị thành niên là một tội ác. Thế nhưng, nếu chẳng may một người giáo dân, hay một vị linh mục, hoặc một chị nữ tu, sa ngã phạm tội thì Chúa đều tha thứ và quên đi. Chúa quên đi - Đó là điều quan trọng. Chúng ta có quyền để quên đi chứ không phải không... Thánh Phêrô đã phạm một trong những tội trầm trọng nhất, tội bội giáo, ấy thế mà ngài lại làm Giáo Hoàng. Nhiều điều đã viết về vấn đề vận động đồng tính... thế nhưng tôi không thấy những dấu vết đồng tính nào ở Vatican hết, mặc dù họ cho rằng có. Tôi nghĩ rằng khi chúng ta gặp một người đồng tính, chúng ta cần phải phân biệt sự kiện là đồng tính với sự kiện trở nên thành phần của một thứ vận động, vì không phải tất cả mọi thứ vận động đều tốt cả. Vấn đề là thế. Vậy nếu một con người đồng tính có thiện chí muốn tìm kiếm Thiên Chúa thì tôi là ai mà dám phán xét họ chứ?"
6- Về vấn đề lãnh nhận các bí tích liên quan đến những trường hợp ly dị và tái hôn, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng không né tránh vấn đề về việc lãnh nhận bí tích đối với thành phần ly dị và tái hôn. Ngài cho biết: "Tôi nghĩ rằng đây là lúc cho tình thương. Thành phần ly dị có thể lãnh nhận các bí tích. Vấn đề liên quan đến những ai đang ở trong tình trạng tái hôn... những người không thể rước lễ. Thế nhưng, xin mở ngoặc ở đây, bên Chính Thống lại có một tập tục khác. Họ theo loại thần học cần kiệm (theology of economic), nên họ cho thêm cơ hội, tức là họ cho phép. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng vấn đề này - ở đây tôi xin đóng ngoặc - cần phải được nghiên cứu trong phạm vị của việc chăm sóc mục vụ về hôn phối. Một trong những đề tài được Hội Đồng Hồng Y sẽ bàn tới trong cuộc gặp gỡ vào ... Tháng 10 đó là làm thế nào để tiến hành vấn đề chăm sóc mục vụ hôn phối... Chúng tôi đang hướng tới vấn đề chăm sóc mục vụ hôn phối một cách sâu xa hơn... Đây là một vấn đề đối với nhiều người".
7- Về chuyện nữ giới làm linh mục trong Giáo Hội Công giáo, ngài nói rằng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đóng cửa về vấn đề phụ nữ thụ phong linh mục này rồi, nhưng ngài đã nhấn mạnh rằng: "Mẹ Maria còn quan trọng hơn cả các Tông Đồ, các giám mục, và vì thế phụ nữ trong Giáo Hội cũng quan trọng hơn cả các vị giám mục và các vị linh mục... thần học rất cần có để khám phá hơn nữa về vai trò của nữ giới trong Giáo Hội".
8- Về mối liên hệ giữa ngài và vị giáo hoàng hưu trí Biển Đức XVI hiện nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xác nhận rằng "Nó giống như có một người ông ở trong nhà, mà là một người ông khôn ngoan. Khi trong nhà có một người ông sống ở đó thì ông được tôn kính, mến yêu và lắng nghe. Ngài là một con người khôn ngoan không xen chuyện. Tôi đã nói với ngài nhiều lần: 'Kính Đức Thánh Cha... xin đến với chúng con... Ngài đã đến khánh thành và làm phép tượng Thánh Micae... Phải, giống như có một người ông trong nhà, một người cha của tôi. Nếu tôi gặp bất cứ một khó khăn nào hay không hiểu điều gì thì tôi gọi điện thoại để hỏi ngài: 'Xin cho con biết con có thể làm thế này hay thế kia hay chăng?' Và khi tôi đến nói chuyện với ngài về vấn đề hệ trọng Vatileaks (vấn đề tiết lộ tài liệu mật của Tóa Thánh), thì ngài đã giải thích tất cả cho tôi một cách rất chân thành".
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Vatican Information Service (VIS) ngày 30/7/2013, những lời Đức Thánh Cha nói do VIS phổ biến này được dịch nguyên văn. Nếu muốn đọc trọn vẹn tất cả những gì ngài nói trong cuộc phỏng vấn đầu tiên đầy bất ngờ này, xin bấm vào cái link sau đây: http://www.vatican.va/holy_father/francesco/speeches/2013/july/documents/papa-francesco_20130728_gmg-conferenza-stampa_it.html