Chuyến Tông Du 101

của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

ở Bosnia-Herzegovina 22/6/2003

 

Tòa Thánh hôm Thứ Sáu 13/6/2003 đã phổ biến lịch trình chuyến tông du 101 của Đức Thánh Cha đến Bosnia-Herzegovina như sau:

Rời Rôma lúc 8 giờ 15 ngày Chúa Nhật 22/6/2003, đến phi trường quốc tế Banja Luka lúc 9 giờ 40. Sau lễ nghi tiếp đón, Ngài gặp tổng thống đoàn của xứ sở này. 11 giờ 30 Ngài dâng Thánh Lễ phong chân phước cho Người Tôi Tớ Chúa Ivan Merz trước Nữ Tu Viện Chúa Ba Ngôi của Dòng Anh Em Hèn Mọn bên sườn núi ở Petricevac, sau Thánh Lễ Ngài cũng ban huấn từ truyền tin Chúa Nhật hằng tuần như ở Rôma. Ngài dùng bữa trưa với các đức giám mục nước này và đoàn tùy tùng của Ngài ở tư dinh vị giám mục ở Banja Luka. 5 giờ 30 chiều, Ngài gặp tổng thống Cộng Hòa Serbia và tổng thống Liên Bang Bosnia-Herzegoniva; nửa tiếng sau Ngài gặp gỡ hội đồng liên tôn toàn quốc. Vào lúc 6 giờ 30, Ngài đến viếng Vương Cung Thánh Đường Công Giáo ở Banja Luka. 7 giờ 15, sau khi ngỏ lời từ biệt ở phi trường, Ngài trở về tới Rôma lúc 9 giờ tối. Đây là chuyến viếng thăm thứ hai của Ngài. Chuyến lần trước ở Sarajevo vào ngày 12-13/4/1997.

Bosnia-Herzegovina có 4.070.000 triệu dân cư, trong đó có 461 ngàn người Công Giáo, khoảng 11.3% trong tổng số dân. Hiện nay có 4 vị giám mục, 583 linh mục, 523 tu sĩ và 230 chủng sinh. Giáo Hội Công Giáo ở đây có 13 trường trung tiểu học với hơn 3500 học sinh. Ngoài ra còn có một nhà cho người già lão, tật nguyền, một nhà mồ côi, một trung tâm giữ trẻ và 5 trung tâm giáo dục và phục hồi xã hội.

Bối Cảnh Kitô giáo ở Bosnia-Herzegovina, địa điểm của chuyến tông du 101 của ĐTC 22/6/2003

Địa phương của chuyến tông du 101 này đã lãnh nhận Kitô giáo vào thời các thánh Tông Đồ, nhưng hiện nay đang chứng kiến thấy một cuộc xuất hành liên tục của thành phần Công giáo, hầu hết là người Croat, với con số khoảng từ 450 đến 500 ngàn.

Thật vậy, một nửa người Công giáo đã bỏ đi sau cuộc chiến tranh trong thập niên 1990. Trong Thư Thứ Hai gửi cho Timôthêu, Thánh Tông Đồ Phaolô đã viết rằng người môn sinh Titô của mình đã đi đến Dalmatia, một vùng bao gồm phần lớn Bosnia-Herzegovina ngày nay. Có ít là 4 giáo phận ở lãnh thổ này vào thế kỷ thứ VI, thế nhưng khi xuất hiện thành phần man rợ thì Kitô giáo đã thực sự tiêu biến cho đến khi miền này được tái Kitô giáo hóa. Các tòa giám mục đã được tái thiết vào thế kỷ 11.

Dòng Giảng Thuyết (Đaminh) đã đến lãnh thổ này sau khi dòng được thành lập một thời gian ngắn và ở đó cho tới thế kỷ 14. Bắt đầu vào năm 1291, tu sĩ dòng này hợp hợp với tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn (Phansinh), cai quản Giáo Hội này trong thế kỷ 14. Sau cuộc chiếm cứ của người Thổ Nhĩ Kỳ ở Bosnia năm 1463 và Herzegoniva năm 1482, tình hình càng tệ hơn nữa. Bắt đầu vào năm 1735, Bosnia (ngoại trừ Trebinje) đã có một vị đại diện tòa thánh. Từ năm 1846, đã có một vị đại diện cho Bosnia và một vị cho Herzegovina. Dưới quyền đô hộ của đế quốc Ottoman, những người Công giáo thường bị bách hại. Một số nhỏ trong họ đã bỏ đạo theo Hồi giáo, vào thời gian người Ottoman chấp nhận những người thuộc địa Chính Thống ở Đông phương, do đó góp phần vào việc làm thay đổi bản đồ về niềm tin ở miền ấy.

Phải cho tới khi chấm dứt chế độ Thổ Nhĩ Kỳ bằng cuộc nổi lên của Đế Quốc Áo Hung (1878) mới có thể tái thiết hàng giáo phẩm ở Bosnia-Herzegonina. Năm 1881, Đức Lêô XIII đã thiết lập giáo tỉnh Vrhbosna bao gồm TGP Vrhbosna (với tòa TGM ở Sarajevo) và giáo phận Mostar-Duvno (với tòa giám mục ở Mostar), và giáo phận Banja Luka. Năm 1890, Giáo Phận Trebinje đã được thêm vào với các giáo phận ấy và được quản trị bởi giám mục ở Mostar. Từ năm 1994, Bosnia-Herzegonina đã có hội đồng giám mục riêng. Cho đến cuộc chiến tranh vừa qua (1991-1995), xứ sở này đã có được 10 giáo xứ Công Giáo của người Ukrainian với khoảng 5 ngàn tín hữu, thuộc quyền quản trị của Giáo Phận Krizevci ở Croatia.

Giáo phận Banja Luka là nơi Đức Giáo Hoàng đến thăm vào chuyến tông du 101 đã được thành lập vào năm 1881. Vị giám mục của giáo phận này là Franjo Komarica cũng là chủ tịch hội đồng giám mục nước này. Các vị linh mục triều được các tu sĩ Phanxicô và các nữ tu các dòng giúp vào việc mục vụ. Giáo phận này không có chủng viện riêng, nhưng có một Viện Thần Học ở Banja Luka.

Chừng hai phần ba người Công giáo bị phân tán trong cuộc chiến tranh vừa rồi, nhiều người trong họ không thể trở về nữa. Con số còn lại của giáo phận này là 50 ngàn tín hữu. Trong thời gian chiến tranh xẩy ra, nguyên tại giáo phận này thôi đã có 39 nhà thờ bị hủy hoại và 22 nhà thờ khác bị thiệt hại nặng. Chín nguyện đường bị tàn phá và 14 nguyện đường khác bị thiệt hại nặng nề. Chưa hết, có 33 nghĩa trang và hai nữ tu viện bị hư hại, một thiệt hại nặng.

Lược Sử Bosnia-Herzegovina và Diễn Tiến Chuyến Tông Du 101

Đức Thánh Cha đã đến Bosnia-Herzegovina, một nước thuộc vùng biển Balkan, lần thứ nhất, ở thủ đô Sarajevo ngày 12-13/4/1997. Trước đây nước này là một phần của Cộng Hòa Liên Bang Xã Hội Chủ Nghĩa Yugoslavia, nhưng Bosnia đã tuyên bố độc lập vào ngày 9/1/1992. Sau đó ít lâu nội chiến đã bùng nỗ giữa 3 nhóm sắc tộc, Croatia, Bosnian-Muslim và Serb, và chấm dứt nhờ sự can thiệp của lực lượng Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương NATO. Vào ngày 21/11/1995, Các Hòa Ước Dayton đã chấp thuận việc hội nhập và chủ quyền của Cộng Hòa Bosnia-Herzegovina, dù vẫn được chia thành hai thực thể khác nhau, mỗi thực thể có quốc hội và chính quyền riêng, đó là Liên Bang Bosnia-Herzegovina (Croatian-Muslim: 50% lãnh thổ) và Cộng Hòa Serbian hay Srpska (49% còn lại).

Liên bang Bosnia-Herzegovina được lãnh đạo bởi 1 vị tổng thống và 1 vị phó tổng thống luân phiên giữa người Croatian và Hồi giáo. Quyền lập pháp thuộc về Quốc Hội bao gồm một Viện Đại Biểu (140 phần tử) và một Viện Nhân Dân (74 phần tử). Cộng Hòa Serbian cũng được lãnh đạo bởi một vị tổng thống và một vị phó tổng thống cùng với Hội Đồng Quốc Gia (140 phần tử). Brcko là một đơn vị quản trị đặc biệt, không thuộc về cả hai chính phủ trên, nhưng thuộc thẩm quyền tài phán của chính phủ trung ương Bosnia-Herzegovina.

Tổng Thống Đoàn của Cộng Hòa Bosnia-Herzegovina được cấu tạo bởi 3 phần tử do tuyển cử nhiệm kỳ 4 năm, đại diện cho ba nhóm sắc tộc, một vị đại diện sắc tộc Croat, 1 vị Muslim và 1 vị Serb. Mỗi vị tổng thống đóng vai trò chủ tịch của tổng thống đoàn 8 tháng. Quốc hội trung ương được làm nên bởi hai viện, Viện Đại Biểu (42 vị do được trực tiếp tuyển cử, trong đó 2/3 là Croat-Muslim, và 1/3 là Serb), có văn phòng trung ương ở Sarajevo, và Viện Nhân Dân (5 đại biểu được tuyển cử cho mỗi nhóm sắc tộc) hội họp ở Lukavica. Ngành quản trị trung ương được cấu hợp bởi một Hội Đồng Bộ Trưởng do tổng thống đoàn chọn, gồm 6 phần tử, mỗi vị thay nhau giữ vai trò Thủ Tướng 8 tháng.

Thủ đô của Bosnia-Herzegovina là Sarajevo với dân số 360 ngàn người. Banja Luka là thánh phố lớn thứ hai với dân số 143.079 người. Ngôn ngữ của nước này là Serbian-Croatian. Những người Bosnia chiếm 43.7% dân số, Serb 31.4%, Croat 17.3% và các sắc dân khác 7.6%. Những người Hồi giáo thuộc phái Sunni chiếm 43% dân số, Chính Thống 30%, Công giáo 11.3% và các tôn giáo khác 15%.

Sau chuyến bay gần 90 phút, ĐTC đã tới nước này vào lúc 9:40 sáng ở phi trường quốc tế Banja Luka. Ngài đã được cả thẩm quyền đạo đời nghênh đón, sau đó Ngài đã gặp tổng thống đoàn nước này cũng tại phi trường, rồi Ngài dùng chiếc giáo hoàng xa về nữ tu viện Ba Ngôi Cực Thánh ở Petricevac Hill để cử hành Lễ phong chân phước cho Người Tôi Tớ Chúa là Ivan Merz trước sự hiện diện của 50 ngàn người, trong đó có cả tổng thống đoàn Bosnia-Herzegovina, tổng thống Serbian Republic of Bosnia, các vị chức sắc về chính trị và dân sự, ĐHY Vinko Puljic, TGM Vshbosna và các vị giám mục Bosnia. Bài Phúc Âm đã được hát bằng tiếng Ukrainian vì có đông người Công giáo thuộc lễ nghi Byzantine, sinh ở Ukraine, sống ở miền Banja Luka. Sau lễ phong chân phước, ĐTC ban huấn từ và nguyện Kinh Truyền Tin như ở Rôma. Sau đó, Ngài về cư gia giám mục ở Banja Luka để dùng bữa trưa vơiùi các vị giám mục nước này cùng với phái đoàn tùy tùng của Ngài. Vào lúc 5 giờ 30 chiều, tại cư gia giám mục, Ngài đã gặp riêng hai vị Tổng Thống Dragan Cavic thuộc Serb Republic và Niko Lozancic thuộc Federation of Bosnia-Herzegovina. Sau đó Ngài gặp Hội Đồng Liên Tôn Bosnia-Herzegovina bao gồm ĐTGM Chính Thống, ĐTGM Công Giáo, vị lãnh đạo cộng đồng Hồi Giáo và vị chủ tịch cộng đồng Do Thái Giáo. Trong hội đồng liên tôn này, mỗi tôn giáo giữ vai trò chủ tịch một năm, năm 2003 vị chủ tịch là Do Thái giáo. Vào lúc 6 giờ 30 chiều Ngài đã đến thăm Vương Cung Thánh Đường Banja Luka ở trong các khu vườn của cư gia giám mục. Vương cung thánh đường này mang tên Thánh Bonaventura, quan thày của Banja Luka, vương cung thánh đường cũ đã bị hoàn toàn hủy hoại bởi trận động đất năm 1969 và ngôi vương cung thánh đường mơiùi đã được xây lại sau đó 4 năm. Sau đó, Ngài đã ra phi trường, chào giã biệt và về đến Rôma sau 9 giờ tối một chút, hoàn tất chuyến tông du 101.

Sau khi ĐTC rời đất nước được Ngài viếng thăm trong chuyến tông du 101 của Ngài, Tổng Thống Dragan Cavic thuộc Cộng Hòa Srpska nói với Đài Phát Thanh Vatican rằng cuộc viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II cuối tuần vừa qua ở Bosnia-Herzegovina có một “tầm vóc hết sức quan trọng” vì sứ điệp hòa bình và hòa giải của chuyến viếng thăm này: “Có lẽ đây là sứ điệp hòa bình mạnh mẽ nhất từ mảnh đất này gửi cho thế giới. Nơi xứ sở này, sau những năm chiến tranh, rất cần đến những sứ điệp hòa bình mạnh mẽ, dĩ nhiên, những sứ điệp này có thể phát xuất từ các vị lãnh đạo của các giáo hội ở Bosnia-Herzegovina. Dân chúng Serbian đang sống ở miền này có khuynh hướng chán nản sau cuộc xung đột chúng tôi đã trải qua. Tôi tin rằng những người Serbian, cùng với những người Croat và Hồi giáo, sẽ cảm nhận được tầm quan trọng của cuộc viếng thăm này”.
 

Hiện Trường Chuyến Tông Du 101 của ĐTC Gioan Phaolô II ở Banja Luka Bosnia-Herzegovina.

Trước cuộc nội chiến liên quan đến các sắc tộc của nước này thì ở Banja Luka, một thành phố hầu hết là người Serb theo Chính Thống giáo, có chừng 30 ngàn người Công giáo Croat. Ngày nay có chừng 2 ngàn người đã trở về. Những người Serb chống lại chuyến tông du của ĐTC với biểu ngữ “Giáo Hoàng về đi”, vì họ chống lại việc Giáo Hội trong thời Thế Chiến Thứ Hai giải quyết cuộc xung khắc giữa những người Serb theo Chính Thống Giáo và quốc gia của người Croat theo Đức Quốc Xã đang nắm quyền bính trong vùng ấy bấy giờ. Người ta nghĩ rằng vị giáo hoàng này sẽ ngỏ lời xin lỗi vì một vị linh mục Công giáo trong thời chiến đã dâng lễ cho những người lính Ustashe mà vị linh mục này biết rằng họ đã tàn sát các thường dân người Serb. Vào năm 1942 có một vị linh mục ở Petricevac đã dẫn những người Croat theo đức quốc xã trang bị dao phay đến một làng lân cận chém chết 2300 người Serb, trong đó có 500 phụ nữ và trẻ em.

“Từ thành phố này, thành phố đánh dấu giai đoạn lịch sử đầy khổ đau và máu đổ, Tôi xin Thiên Chúa Toàn Năng thương đến các tội lỗi phạm đến nhân loại, đến phẩm giá của nhân loại và đến quyền tự do do con cái Giáo Hội Công Giáo gây ra”.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã được cả các phần tử người Serb, Croat và Hồi Giáo cùng với phái đoàn tổng thống nghênh đón ở phi trường cách Rôma 50 phút bay. Vị Giáo Hoàng này đã mở lời bằng tiếng Serbian với đất nước này như sau: “Tôi biết cuộc thử thách lâu dài anh chị em đã phải chịu đựng, gánh nặng khổ đau đã là phần đời hằng ngày của cuộc sống anh chị em. Anh chị em đừng bỏ cuộc. Chắc chắn là vấn đề bắt đầu lại không dễ dàng gì. Nó đòi phải hy sinh và kiên trì nếu xã hội muốn có một bộ mặt nhân loại thực sự và hết mọi người phải tin tưởng hướng đến tương lai. Cần phải tái thiết con người từ bên trong, chữa lành các vết thương và đạt được cuộc thanh tẩy thực sự ký ức bằng việc thứ tha cho nhau. Căn gốc của mọi sự thiện, và buồn thay, của mọi sự dữ, đều ở tận thâm tâm con người. Chính ở nơi đó mới có đổi thay”.

Địa điểm dâng lễ là đan viện Petriceva. Đan viện này đã bị những tay phá hoại người Serb làm nổ tung vào năm 1995, giai đoạn gần kết thúc cuộc chiến tranh tan hoang 3 năm rưỡi trời, một cuộc chiến đã làm thiệt 250 ngàn mạng người và biến 1.8 triệu dân thành kẻ tị nạn. Đức Giáo Hoàng đã phong chân phước cho Ivan Merz, một thần học gia Công giáo khấn sống độc thân và hiến thân phục vụ Giáo Hội ở thập niên 1900.

Ông Zoran Djeric, bộ trưởng nội vụ Bosnian Serb đã cho AP biết rằng cuộc viếng thăm của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là “một sứ điệp mãnh liệt nói với công chúng ở Bosnia-Herzegovina, cho miền này, cho Âu Châu cũng như cho thế giới là chúng ta đang tiến đến một lộ trình mới. Một làn gió mới thoang thoảng ở nơi đây. Chúng tôi sẵn sàng cho việc hội nhập của chúng tôi sau này để thực sự trở thành một phần của Âu Châu… Những thời gian xấu và con người xấu đã đi vào lịch sử”.

Mặc dù gần 1 triệu người tị nạn chưa trở về chốn cũ của mình trước khi xẩy ra cuộc chiến, nhưng càng có nhiều người Bosnia nói rằng họ cảm thấy an toàn sống như những thành phần thiểu số về sắc tộc. Cụ Stefka Topic 80 tuổi, một người Croat hồi hương đã cho biết: “Đây là niềm hạnh phúc duy nhất trong đời tôi, niềm vui duiy nhất của tôi. Chẳng mấy chốc tôi sẽ ra trước nhan Thiên Chúa. Tôi trở về sung sướng vì tôi biết rằng Banja Luka sau cuộc biến động này sẽ là một nơi thánh”.

Bài Giảng Lễ Phong Chân Phước cho Tôi Tớ Chúa Ivan Merz (1896-1928)

1.     “Các con là ánh sáng thế gian”. Chúa Giêsu lập lại những lời này với chúng ta hôm nay đây, anh chị em thân mến, với cộng đồng phụng vụ chúng ta đây. Những lời ấy không phải chỉ là một lời huấn dụ về luân lý mà thôi. Những lời ấy là một lời công bố về sự kiện cho thấy cái đòi hỏi thiết yếu phát xuất từ việc chấp nhận Phép Rửa.

Nhờ bí tích này, con người được trở nên phần thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô (x Rm 6:3-5). Thánh Tông Đồ Phaolô nói: “Anh em chịu phép rửa trong Chúa Kitô là anh em mặc lấy Chúa Kitô” (Gal 3:27). Thánh Âu-Quốc-Tinh đã than lên một cách thích đáng là: “Chúng ta hãy hân hoan và tạ ơn, vì chúng ta đã chẳng những trở nên Kitô hữu mà còn trở nên chính Chúa Kitô… Hãy ngất ngây và hoan lạc vì chúng ta đã trở nên Chúa Kitô” ("In Ioann. Evang. Tract." 21:8, CCL 36:216).

Chúa Kitô là “ánh sáng thật đã chiếu soi hết mọi người” (Jn 1:9). Về phần mình, Kitô hữu được kêu gọi để phản ánh Ánh Sáng này, bằng việc theo chân và bắt chước Chúa Giêsu. Vì lý do ấy họ sẽ lắng nghe và suy niệm lời Chúa Kitô, ý thức và chủ động tham dự vào đời sống phụng vụ và bí tích của Giáo Hội, cũng như thi hành giới luật yêu thương bằng việc phục vụ anh chị em mình, nhất là thành phần bất lực, nghèo nàn và đau khổ.

2. (Lời chào mọi người)

Từ thành phố này, thành phố đánh dấu giai đoạn lịch sử đầy khổ đau và máu đổ, Tôi xin Thiên Chúa Toàn Năng thương đến các tội lỗi do con cái Giáo Hội Công Giáo gây ra phạm đến nhân loại, đến phẩm giá của nhân loại cũng như đến quyền tự do, và nuôi dưỡng nơi tất cả mọi người ước muốn tha thứ cho nhau. Chỉ trong bầu khí thực sự hòa giải mà ký ức của quá nhiều nạn nhân vô tội cùng với sự hy sinh của họ mới không trở thành vô ích, nhưng thôi thúc mọi người xây dựng những mối liên hệ mới của tình huynh đệ và cảm thông.

Ivan Merz (1896-1928)

3.     Anh chị em thân mến, con người công chính, một con người được ánh sáng thần linh bao bọc đã trở thành một ngọn đèn tỏa sáng và sưởi ấm. Đó là những gì chúng ta học được từ con người Ivan Merz.

Là một con người trẻ trung có thiên tài, ngài đã đạt được những tài năng tự nhiên phong phú và thành đạt nhiều về trần gian, có thể nói rằng ngài rất thành công trong đời sống. Thế nhưng đó không phải là lý do tại sao ngài được tuyên phong chân phước hôm nay đây. Cái làm cho ngài thành một trong ca đoàn các Chân Phước là việc ngài thành đạt trước nhan Thiên Chúa. Niềm khao khát thiết tha của cả cuộc đời ngài là “không bao giờ quên Thiên Chúa, luôn mong được nên một với Ngài”. Trong tất cả mọi hoạt động của mình, Ivan Merz tìm cách “xứng đáng vượt bực trong việc nhận biết Chúa Giêsu Kitô” và để cho Chúa Kitô biến ngài làm của Người (x Phil 3:8,12).

4.     Tại học đường phụng vụ, mạch nguồn và là tuyệt đỉnh của đời sống Giáo Hội (cf. "Sacrosanctum Concilium," 10), Ivan Merz lớn lên cho đến tầm vóc hoàn toàn thành nhân Kitô giáo và trở thành một trong những người cổ động chính về vấn đề canh tân phụng vụ ở tại xứ sở của ngài.

Từ việc tham dự Thánh Lễ và được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể Chúa Kitô cũng như từ Lời Chúa, ngài được cảm hứng trở nên tông đồ giới trẻ. Không phải là tự nhiên ngài đã chọn khẩu hiệu “Hy sinh – Thánh Thể – Tông Đồ”. Ý thức ơn gọi lãnh nhận từ Phép Rửa, ngài đã biến cả cuộc đời của mình thành một ‘cuộc chạy đua” đến đích thánh thiện, đến “mức tiêu chuẩn cao” của đời sống Kitô giáo (x “Novo Millennio Ineunte”, 31). Đó là lý do, như Bài Đọc Một viết: “Ký ức về ngài sẽ không biến mất, và tên tuổi của ngài sẽ tồn tại qua muôn thế hệ” (Sir 39:9).

5.     Tên gọi của Ivan Merz trong quá khứ có nghĩa là một chương trình sống và hoạt động đối với cả một thế hệ trẻ Công Giáo. Cả ngày nay nữa tên tuổi này cũng phải mang cùng một ý nghĩa như thế! Anh chị em thân mến, xứ sở của anh chị em và Giáo Hội của anh chị em, đã trải qua những thời điểm khó khăn và giờ đây cần phải cùng nhau hoạt động để cuộc sống ở mọi lãnh vực được thật sự trở lại bình thường. Bởi thế Tôi kêu gọi mỗi người trong anh em; Tôi mời anh chị em đừng lui bước, đừng chiều theo khuynh hướng thất đảm, nhưng hãy tăng thêm hoạt động để làm cho Bosnia-Herzegovina một lần nữa trở thành một mảnh đất hòa giải, gặp gỡ và hòa bình.

Tương lai của mảnh đất này cũng lệ thuộc vào anh chị em nữa! Anh chị em đừng tìm kiếm một đời sống thoải mái hơn nữa ở một nơi nào khác, anh chị em đừng trốn lánh trách nhiệm của mình và chờ những người khác giải quyết các vấn đề, nhưng hãy cương quyết đối chọi với sự dữ bằng quyền lực sự lành.

Như Chân Phước Ivan, anh chị em hãy cố gắng gặp gỡ riêng tư với Chúa Kitô là Đấng chiếu giãi ánh sáng mới cho đời sống. Chớ gì Phúc Âm trở thành lý tưởng cao cả hướng dẫn những đường lối và quyết định của anh chị em! Có thế anh chị em mới trở nên những tay truyền giáo bằng lời nói và việc làm, những dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa và là những chứng từ khả tín của sự hiện diện nhân hậu Chúa Kitô. Anh chị em đừng bao giờ quên rằng “không ai thắp đèn mà lại để dưới đáy thùng” (x Mt 5:15).

6. (Lời chúc nguyện kết)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch tài liệu của Tòa Thánh do Zenit phổ biến Chúa Nhật 22/6/2003

Huấn Từ cho Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần về Chuyến Tông Du 101

Thứ Tư tuần này, Đức Thánh Cha lại tạm ngừng loạt bài Giáo Lý Thánh Vịnh (đang tới bài 76 tuần vừa rồi) để nói về Đức Phaolô VI nhân dịp kỷ niệm 40 năm (21/6/1963-2003) vị tiền nhiệm của Ngài được bầu làm Giáo Hoàng, cũng như để chia sẻ cảm nhận về chuyến tông du 101 của Ngài hôm Chúa Nhật 22/6/2003 vừa rồi.

ĐTC đã nhắc lại giáo triều của vị tiền nhiệm của Ngài kéo dài 15 năm (1963-6/8/1978) “và được đánh dấu một cách đặc biệt với Công Đồng Chung Vaticanô II cũng như bằng việc hết sức hướng về những nhu cầu của thời đại tân tiến”. Đức Thánh Cha cho biết “Tôi cũng được hồng ân dự phần vào hoạt động của Công Đồng này va ụ sống qua giai đoạn hậu công đồng. Bản thân Tôi cảm nhận được việc dấn thân liên lỉ của Đức Phaolô VI cho vấn đề ‘aggiomamento’ tức vấn đề canh tân Giáo Hội theo những đòi hỏi của việc tân truyền bá phúc âm hóa. Là người thừa kế Ngai Tòa Phêrô của Ngài, Tôi mong muốn được tiếp tục việc mục vụ Ngài đã bắt đầu, vị là một ‘người cha’ hay là một ‘bậc thày’ gợi hứng tác động nơi Tôi. Là một vị tông đồ mạnh mẽ và khiêm tốn, Đức Phaolô VI đã yêu mến Giáo Hội và hoạt động cho việc hiệp nhất của Giáo Hội cũng như đẩy mạnh việc hoạt động truyền giáo của Giáo Hội. Nhờ đó mới thực sự hiểu được vấn đề hoạt động mới mẻ của những chuyến tông du ngày nay đã làm nên một phần trọn vẹn của thừa tác vụ Vị Thừa Kế Thánh Phêrô”.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II còn nhấn mạnh là Đức Phaolô VI “muốn cộng đồng giáo hội phải hướng về thế giới nhưng không chiều theo tinh thần thế gian. Với sự khôn ngoan khéo léo, Ngài biết cách chống lại chiều hướng ‘thoải mái’ của ý hệ tân tiến, bằng việc chịu đựng những khốn khó và hiểu lầm, thậm chí có lúc cả hận thù nữa, bằng sức mạnh của Phúc Âm. Ngay cả trong những lúc khó khăn nhất Ngài cũng không thôi mang lời lẽ ánh sáng của Chúa đến cho Dân Chúa. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa về tặng ân giáo triều của Ngài, một giáo triều đã vững vàng và khôn ngoan hướng dẫn Giáo Hội… Trước ánh sáng của đích điểm đời đời của mình, chúng ta mới hiểu được hơn nữa cần phải yêu mến Chúa Kitô và hân hoan phục vụ Giáo Hội biết bao. Xin Mẹ Maria, Vị đã được Đức Phaolô VI lấy lòng con thảo công bố là Mẹ Giáo Hội, xin cho chúng ta ơn này. Va xin Mẹ là Đấng ôm ấp trong vòng tay của mình người con sùng mến này nơi hạnh phúc trường sinh giành cho những ai trung thành phục vụ Phúc Âm”.

Phần cuối của buổi triều kiến, Đức Thánh Cha đã chia sẻ về chuyến tông du ngoài Rôma ngắn nhất (trong vòng 1 ngày) và nhanh nhất (9 tiếng đồng hồ) của Ngài trong tổng số 101 chuyến tông du, đó là chuyến tông du đến Bosnia-Herzegovina để phong chân phước cho một giáo dân trẻ người bản xứ là Người Tôi Tớ Chúa Ivan Merz, đúng hơn để nhờ hay lợi dụng cuộc phong chân phước này mà đích thân đến tận nơi kêu gọi các sắc tộc của một đất nước hết sức phức tạp về lịch sử và về cơ cấu tổ chức này, một đất nước bởi đó vào thời hầu cộng sản Đông Âu đã trải qua một trận nội chiến “thanh lọc chủng tộc” kéo dài cả nửa thập niên làm tan hoang đất nước nhỏ bé của họ.

“Thiên Chúa quan phòng đã cho phép Tôi thực hiện chuyến tông du mới đến Bosnia-Herzegovina, sáu năm sau cuộc tông du mục vụ của Tôi ở Sarajevo. Đây là một chuyến đi ngắn, nhưng quan trọng và tràn đầy hy vọng cho một xứ sở đã từng trải qua những cuộc xung khắc vừa rồi”. Ngài nhận định là Ngài “cảm thấy được nơi hết mọi người ý muốn thắng vượt những cảm nghiệm đau thương của quá khứ để xây dựng trong chân lý cũng như bằng việc thư tha cho nhau ,ột xã hội xứng đáng với con người và đẹp lòng Thiên Chúa”. Ngài nhấn mạnh là “cao điểm của cuộc hành trình này là Thánh Lễ long trọng để phong chân phước cho Ivan Merz, Vị Tôi đã nêu gương cho người Công giáo, nhất là cho giới trẻ, của đất nước này. Tôi xin Thiên Chúa giúp cho các dân tộc của đất nước ấy, nhờ cộng đồng quốc tế hỗ trợ, có thể tiến đến chỗ giải quyết những vấn đề phức tạp vẫn còn đó và hiện thực niềm khát vọng hợp lý muốn sống trong hòa bình và được trở nên thành phần của một Âu Châu hiệp nhất”.