ĐTC GPII Tông Du Thụy Sĩ

 

“Đã tới thời điểm sửa soạn cho các thể hệ tông đồ trẻ,

thành phần không sợ loan báo Phúc Âm”

 



 

     

      Bối Cảnh Thụy Sĩ và Lịch Trình Viếng Thăm

 

      ĐTC GPII lần thứ ba đã  tới thăm Thụy Sĩ, một trong những trung tâm của Tin Lành như Đức Quốc, một cuộc viếng thăm ngắn ngủi với thời gian chỉ vỏn vẹn có 32 tiếng đồng hồ, vào Thứ Bảy Đầu Tháng 5/6/2004. Sau chuyến tông du 102 đến Tiệp Khắc 11-14/9/2003, thế giới đã tưởng rằng Ngài không thể mừng kỷ niệm Ngân Khánh Giáo Hoàng của Ngài vào tháng 10 sau đó. Thế nhưng, vì nhu cầu mục vụ, nhất là đối với giới trẻ, như ở Thụy Sĩ lần này, Ngài vẫn tiếp tục thực hiện những cuộc tông du.

Như được thông báo trước, không một đài truyền hình công cộng nào quay chiếu cảnh Ngài được khênh từ máy bay xuống xe lăn, mà chỉ được quay chiếu từ lúc Tổng Thống Thụy Sĩ Joseph Deiss ngỏ lời chào mừng Ngài mà thôi. Ngài sẽ ở qua đêm Thứ Bảy ở Trú Viện Viktoriaheim Residence chứ không ở dinh khâm sứ tòa thánh
giống như ở hầu hết các nơi khác.

 

       Thụy Sĩ là một quốc gia có 7.3 triệu dân nói 4 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có 42.8% là Tin Lành và 41.2% Công Giáo hay 3.5 triệu. Người Hồi Giáo chiếm 5%, và chừng 11% tuyên bố chẳng tin tưởng gì cả.


Ở Thụy Sĩ bầu khí hơi ngột ngạt giữa anh em Tin Lành và Công Giáo. Liên Hiệp Các Giáo Hội Tin Lành Thụy Sĩ đã không chấp nhận lời mời đến tham dự lễ Đức Thánh Cha cử hành vì cho rằng chỉ có người Công Giáo mới được phép rước lễ.

Năm 1848 các nhà lập pháp đã theo hiến pháp giới hạn việc thành lập các tu viện mới của Công Giáo và cấm các linh mục Dòng Tên sống ở Thụy Sĩ. Năm 1874 những nhà lập pháp lại nói tòa thánh Vatican chỉ có thể bổ nhiệm giám mục với phép của chính quyền. Những khoản luật năm 1848 đã bị loại bỏ vào thập niên 1970, còn luật định năm 1874 đã được loại bỏ bởi cuộc trưng cầu dân ý mới 3 năm trước đây. Thụy Sĩ đã cắt đứt những liên hệ ngoại giao lỏng lẻo của mình với Tòa Thánh Vatican sau cuộc chiến năm 1847 và chỉ tái thiết lập sau đó 73 năm. Ngay cả cho đến ngày nay Thụy Sĩ cũng không hoàn toàn có lãnh sự ở Tòa Thánh Vatican, mà chỉ có một thứ liên hệ ngoại giao ở cấp độ “biệt vụ” từ năm 1991. Chính phủ Thụy Sĩ đã dự tính tặng cho vị Giáo Hoàng này một món quà tặng, đó là tiến đến chỗ thiết lập ngoại giao hoàn toàn với Tòa Thánh nhân dịp chuyến viếng thăm này của Ngài.


Những người Công Giáo trung dung tỏ ra giận dữ về vụ bổ nhiệm một giám mục phụ tá bảo thủ ở Thụy Sĩ năm 1988, một việc bổ nhiệm không đúng với truyền thống chọn giám mục của họ. Chính phủ Thụy Sĩ đã nói với Tòa Thánh Vatican là hãy tôn trọng đường lối dân chủ trực tiếp của Thụy Sĩ, nhưng đã mất cả thập niên để giải quyết vấn đề này. Người Công Giáo cũng phân ly nhau. Họ có thể cấp tiến như thần học gia Hans Kung, người đã mất quyền dạy cho một đại học Công Giáo ở Đức vì quan điểm cấp tiến bất đồng của ông ta, cho đến những người cực bảo thủ theo ĐTGM Pháp Quốc Marcel Lefebvre, vị đã chống đối việc canh tân của Công Đồng Chung Vaticanô II và bị tuyệt thông năm 1988 khi bất chấp lời kêu gọi của ĐTC cứ tấn phong 4 vị giám mục.


Tháng vừa rồi, một nhóm những thần học gia Công Giáo đã nói các vị giáo hoàng cũng phải rút lui khi tới tuổi 75 như các vị giám mục. Theo kết quả cuộc thăm dò, tờ nguyệt san mới L’Hebdo cho biết những người được phỏng vấn nói rằng Ngài cần phải thoái vị về hưu vì vấn đề tuổi tác. Nghiệp đoàn lao động Thụy Sĩ đã có dự tính diễn hành vào đúng ngày thăm viếng của ĐTC, song đã đồng ý bãi bỏ vì biến cố tông du này. Tuy nhiên, có một nhóm xưng mình là “Liên Minh Chống Giáo Hoàng” đã cho biết họ phản đối giáo hoàng về những quan điểm “cực đoan” của Ngài về Hội Chứng Liệt Kháng AIDS và
vấn đề đồng tính luyến ái.

 

      Theo lịch trình, Ngài sẽ gặp gỡ trên 10 ngàn giới trẻ Thụy Sĩ ở vận động trường chơi hockey vào tối Thứ Bảy 5/6. Ngài cũng gặp các vị giám mục Thụy Sĩ và 200 cựu Vệ Binh Thụy Sĩ đã từng bảo vệ cho Đức Giáo Hoàng ở Tòa Thánh Vatican. Vào sáng Chúa Nhật, lúc 10 giờ 30, Ngài cử hành Thánh Lễ ở Công Trường Allmend ngoài thành phố, sau đó gặp hàng giáo phẩm Thụy Sĩ lúc 1 giờ 45 ở Trú Viện Viktoriaheim Residence, tới 5 giờ 15 Ngài gặp các Cưu Vệ Binh Thụy Sĩ tại Công Viên trước Trú Viện Viktoriaheim Residence, 6 giờ 45 lễ nghi từ biệt ở phi trường Payerne, 7 giờ máy bay cất cánh và Ngài đã trở về tới Vatican vào lúc 8 giờ 45 tối cùng ngày.

 
 ĐTC GPII đã đến Thụy Sĩ vào lúc 11 giờ 30 sáng ngày Thứ Bảy 5/6/2004 ở phi trường quân đội Payern, khoảng 50 dặm cách thủ đô Bern. Tại phi trường, Ngài đã được Tổng Thống Thụy Sĩ Joseph Deiss đón tiếp. Nhiều vị chức sắc đạo đời, bao gồm cả ĐTGM Giacomo De Nicolo, khâm sứ tòa thánh, và Đức Giám Mục Grab giáo phận Chur, chủ tịch hội đồng Giám Mục Thụy Sĩ, đã có mặt trong buổi nghênh đón đầu tiên này.

 

      Trong bài diễn văn chào mừng của mình, tổng thống Thụy Sĩ đã loan báo rằng Thụy Sĩ, một quốc gia đã chấm dứt liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh từ năm 1873, sẽ bình thường hóa liên hệ lại với tòa thánh và sẽ gửi tân lãnh sự tới làm việc với Tòa Thánh. Vị tân lãnh sự này sẽ là ông Hansrudolf Hoffman, người đang thi hành “sứ vụ đặc biệt” từ tháng 12/2001 với Tòa Thánh nhưng lại ở Prague. Bởi thế mà Tòa Thánh cũng không có tòa khâm sứ ở Thụy Sĩ. Vị đại diện đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo được gửi đến Lucerne vào năm 1597.

Trong bài khai từ của mình tại phi trường, ĐTC đã gọi Thụy Sĩ là “một giao điểm về ngôn ngữ và văn hóa”, với nhận định rằng người Thụy Sĩ “bảo trì những truyền thống cũ song lại hướng về những ý nghĩ tân tiến”. Ngài cho biết “mục đích của chuyến đi của Tôi là để gặp gỡ những Người Công Giáo Thụy Sĩ trẻ vào dịp đại hội toàn quốc của họ. Tôi sẽ đến với họ tối hôm nay ở Trung Tâm Phô Triển Bern và sẽ là một buổi tối hân hoan mừng rỡ đối với họ và đối với cả Tôi nữa.


“Chính nhiệm vụ loan báo Phúc Âm của Chúa Kitô đã thúc đẩy Tôi đi khắp thế giới để nhắc nhở Phúc Âm này cho con người nam nữ của đệ tam thiên niên này, nhất là cho các thế hệ trẻ. Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc nhân loại! Ai tin vào Người và đi theo Người thì trở thành một con người xây dựng văn minh yêu thương và hòa bình”. Ngài xin nhân dân Thụy Sĩ hãy để cho tâm tưởng của Người đi vào lòng của họ cũng như vào gia đình của họ, “sửa soạn một lần nữa cho việc hân hoan loan báo Chúa Kitô Cứu Thế, Đấng nói với mỗi người trong anh chị em lòng Người mong muốn ban hòa bình!”


Sau lễ nghi nghênh đón, ĐTC đã lên một chiếc xe Van đặc biệt để tới Trú Viện Viktoriaheim ở
Bern dùng bữa trưa. Trú viện này là nhà ở cho Chị Em Bác Ái Thánh Giá và chứa chừng 75 tu sĩ và 80 người già.

 

      Vào lúc 6 giờ chiều, trước khi đi đến với giới trẻ, ông thị trưởng thu đô Bern cùng với 6 phần tử trong hội đồng thành phố đã đến chào mừng Ngài. Buổi gặp gỡ ĐTC vào buổi tối tại Trung Tâm Phô Diễn Bern được sử dụng cho các cuộc thể thao, nơi chứa được 16 ngàn người, là tột đỉnh của Đại Hội Giới Trẻ Thụy Sĩ được bắt đầu từ 11 giờ sáng. Tổng số giới trẻ tham dự vào buổi tối có sự hiện diện của ĐTC cũng gần đầy vận động trường này. ĐGM Amedee Grab đã đọc diễn văn chào mừng ĐTC, sau đó là vũ điệu theo Thánh Vịnh 8, và mục chia sẻ chứng từ của 3 người trẻ nói bằng tiếng Đức, Pháp và Ý. Sau khi nghe ĐTC huấn dụ, giới trẻ hát bài Chúng Ta Hãy Chỗi Dậy “Levons-nous”, bài thánh ca cho cuộc hội ngộ toàn quốc của Giới Trẻ Thụy Sĩ, cuối cùng đọc Kinh lạy Cha và lĩnh phép lành của ĐTC.

 

 

    

      ĐTC huấn dụ giới trẻ Thụy Sĩ: “Đừng sợ gặp gỡ Chúa Giêsu”

1.     Hãy chỗi dậy! (Lk 7:14).


Lời này của Chúa nói với người thanh niên Nain mãnh liệt vang vọng giữa cuộc họp của chúng ta hôm nay đây, và lời này được ngỏ cùng với các bạn trẻ thân mến, những người trẻ nam nữ Công Giáo Thụy Sĩ.


Vị Giáo Hoàng này từ Rôma đến đây để cùng với các bạn nghe lại lời này một lần nữa đưọc phát ra từ cửa miệng Chúa Kitô và để làm cho lời ấy âm vang lên. Tôi thân ái chào tất cả các bạn thân mến, và Tôi cám ơn về việc nồng hậu tiếp đón của các bạn. Tôi cũng xin chào các vị giám mục, linh mục, tu sĩ cũng như các vị lãnh đạo đang đồng hành bên các bạn.


Tôi xin trân trọng chào Tổng Thống Joseph Deiss; Mục Sư Samuel Lutz, chủ tịch Hội Đồng Các Giáo Hội Cải Cách ở Bern-Jura-Soleure; cũng như các thân hữu của các bạn thuộc các niềm tin khác muốn tham dự vào biến cố này.


2.     Phúc Âm Thánh Luca thuật lại một cuộc gặp gỡ: một bên là một đoàn người buồn thảm theo nhau đưa ra nghĩa trang một người con trai của một bà mẹ góa; còn bên kia là một nhóm môn đệ vui tươi theo Chúa Giêsu và lắng nghe lời Người. Cả ở ngày nay nữa, hỡi các bạn trẻ, chúng ta có thể thuộc về đoàn người buồn thảm trên con đường làng Nain. Điều này có thể xẩy ra nếu các bạn để cho mình rơi vào tình trạng thất vọng, nếu các bạn bị thu hút bởi những ảo ảnh của một xã hội hưởng thụ khiến bạn bị mất đi niềm vui chân thật và chìm ngập vào những khoái lạc mau qua, nếu các bạn sống trong dưng dửng và nông nổi, nếu các bạn ngờ vực sự hiện diện của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài đối với mỗi người khi gặp sự dữ và khổ đau, nếu các bạn tìm kiếm thỏa mãn khát vọng nội tâm yêu thương chân thật và tinh tuyền của các bạn theo những đẩy đưa của một thứ tình cảm lệch lạc.


Chính trong những lúc như vậy mà Chúa Kitô đã đến gần với từng người trong các bạn, và, như với con người trẻ thành Nain, nói với các bạn lời phấn chấn và lay động: “Hãy chỗi dậy!” “Hãy chấp nhận lời mời gọi khiến các bạn đứng lên!”


Đây không phải là vấn đề của lời lẽ suông: Đó là chính Chúa Giêsu, Đấng có trước các bạn, Lời Chúa hòa thành nhục thể. Người là “ánh sáng thật chiếu soi hết mọi người” (Jn 1:9), là sự thật giải thoát chúng ta (x Jn 14:6), là sự sống Chúa Cha dồi dào ban cho chúng ta (x Jn 10:10). Kitô Giáo không phải là một cuốn sách thuần túy về văn hóa hay là một ý thức hệ, Kitô Giáo cũng không phải chỉ là một hệ thống giá trị và nguyên tắc, cho dù có cao quí chăng nữa. Kitô Giáo là một con người, một hiện diện, một dung nhan: đó là Chúa Giêsu, Đấng làm cho đời sống con người có ý nghĩa và viên trọn.


3.     Bởi thế, các bạn trẻ thân mến, Tôi muốn nói cùng các bạn rằng: Xin các bạn đừng sợ gặp gỡ Chúa Giêsu. Hãy tìm kiếm Người nơi cả việc cẩn thận và hăng hái đọc Thánh Kinh cũng như nơi việc nguyện cầu chung riêng; hãy tìm kiếm Người trong việc tích cực dự phần Thánh Thể; hãy tìm kiếm Người trong việc gặp gỡ linh mục để lãnh nhận bí tích hòa giải; hãy tìm kiếm Người nơi Giáo Hội, một Giáo Hội hiện lộ trước các bạn nơi những nhóm trong giáo xứ, những phòng trào và hội đoàn, hãy tìm kiếm Người nơi gương mặt của người anh em đau khổ, thiếu thốn và xa lạ.


Việc tìm kiếm này đang đánh dấu đời sống của rất nhiều bạn trẻ đồng thời với các bạn hướng về Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ được tổ chức ở Cologne vào mùa hè năm tới. Giờ đây tôi thành thực kêu gọi các bạn cũng hãy hướng về đại biến cố đức tin và chứng từ này.


Như các bạn, Tôi đã từng ở vào tuổi 20. Tôi yêu chuộng thể thao, trượt tuyết, ngâm thơ. Tôi đã học hành và làm việc. Tôi đã có những niềm hy vọng và những nỗi âu lo. Trong những tháng năm xa xưa ấy, vào thời gian nơi mảnh đất sinh trưởng của Tôi bị tổn thương gây ra bởi chiến tranh rồi bởi một chế độ chuyên chế, Tôi đã tìm kiếm ý nghĩa cho đời sống của Tôi. Tôi đã thấy nó nơi việc bước theo chân Chúa Giêsu.


4.     Tuổi trẻ cũng là thời gian, các bạn trẻ nam nữ thân mến, các bạn tự hỏi mình các bạn cần phải làm gì cho đời sống của mình, phải làm sao để có thể làm cho thế giới nên tốt hơn, làm sao để cổ võ công lý và kiến tạo hòa bình.


Bởi thế, đây là lời mời gọi thứ hai Tôi muốn ngỏ cùng các bạn đó là “Xin hãy lắng nghe!” Các bạn đừng ngại ép mình chịu khó lắng nghe. Hãy lắng nghe tiếng Chúa là Đấng nói với các bạn qua những biến cố đời sống thường nhật của các bạn, qua những niềm vui và đau khổ xẩy ra cho các bạn, qua những con người gần gũi với các bạn, qua tiếng lương tâm khao khát chân lý, hạnh phúc, thiện hảo và mỹ lệ.


Nếu các bạn biết sẵn sàng cởi mở lòng trí của mình thì các bạn sẽ nhận ra “ơn gọi của mình”, một dự án Thiên Chúa đã yêu thương ấn định cho các bạn từ đời đời.


5.     Có thế các bạn mới có thể kiến tạo nên một gia đình được xây dựng trên hôn nhân như là một liên hệ yêu thương giữa một người nam và nữ dấn thân cho mối hiệp thông của cuộc sống vững vàng thủy chung. Các bạn mới có thể khẳng định bằng chứng từ của mình là, bất chấp tất cả mọi khó khăn và trở ngại, vẫn có thể sống đời hôn nhân Kitô Giáo một cách trọn vẹn, như là một cảm nghiệm đầy ý nghĩa và là “Tin Mừng” cho tất cả mọi gia đình.


Các bạn mới có thể, nếu đây là ơn gọi của các bạn, linh mục hay tu sĩ, hiến đời sống của mình với một con tim nguyên tuyền cho Chúa Kitô cũng như cho Giáo Hội, nhờ đó trở thành sự hiện diện ưu ái của Thiên Chúa trong thế giới ngày nay. Các con có thể là, như rất nhiều người trước các bạn, những vị tông đồ hiên ngang và nhiệt thành, chuyên tâm cầu nguyện, hân hoan và hăng hái phục vụ cộng đồng.


Phải, các bạn có thể là một trong những vị tông đồ ấy. Tôi quá biết rằng các bạn cảm thấy lưỡng lự trước một đề nghị như thế! Sau gần 60 năm làm linh mục, Tôi lấy làm sung sướng để chứng thực trước tất cả các bạn ở đây rằng: Thật là tuyệt vời khi được hiến dâng tất cả mọi sự của mình cho Nước Chúa!


6.     Tôi còn lời mời thứ ba nữa, hỡi giới trẻ Thụy Sĩ, đó là “Hãy lên đường!” Các bạn đừng cảm thấy mãn nguyện về việc bàn luận; đừng chờ cơ hội để làm lành có thể sẽ không bao giờ xẩy ra. Đã đến lúc cần phải ra tay hành động!


Vào lúc mở màn cho đệ tam thiên niên kỷ này, cả các bạn nữa, hỡi giới trẻ, được kêu gọi để loan báo sứ điệp Phúc Âm bằng chứng từ đời sống của các bạn. Giáo Hội cần nghị lực của các bạn, lòng nhiệt thành của các bạn, những mộng tưởng trẻ trung của các bạn trong việc làm cho Phúc Âm thấm nhuần vào cơ cấu xã hội và hiện thực một nền văn minh công lý thực sự và yêu thương phi kỳ thị. Giờ đây, hơn bao giờ hết, trong một thế giới thường thiếu ánh sáng và thiếu can đảm sống cho những lý tưởng cao quí, thì đây không phải là lúc cảm thấy xấu hổ vì Phúc Âm (x Rm
1:16). Trái lại, nó là thời điểm rao giảng Phúc Âm trên mái nhà (x Mt 10:27).


Vị Giáo Hoàng này, các vị giám mục của các bạn, toàn thể cộng đồng Kitô hữu đều tin tưởng vào việc dấn thân của các bạn: Hỡi giới trẻ Thụy Sĩ, xin hãy bắt đầu lên đường. Chúa bước đi cùng với anh em.


Các bạn hãy cầm thâp giá Chúa Kitô trong tay. Hãy rao giảng lời Sự Sống. Hãy ấp ủ ơn cứu độ của Chúa Phục Sinh trong lòng các bạn!

     

      Hãy chỗi dậy! Chính Chúa Kitô là Đấng đang nói với các bạn vậy. Các bạn hãy lắng nghe lời.

 


    

    

      ĐTC GPII Giảng Lễ Chúa Nhật Ba Ngôi ở Bern về Linh Đạo Hiệp Thông
 

     “Chúc tụng Thiên Chúa Cha/ và Con duy nhất của Thiên Chúa/ và Thánh Linh:/ vì tình yêu cao cả của Ngài đối với chúng ta” (Ca Nhập Lễ).


1.     Trong Chúa Nhật thứ nhất sau Lễ Hiện Xuống, Giáo Hội mời gọi chúng ta cử hành mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Anh chị em thân mến, chúng ta đang làm điều này ở một khung cảnh tuyệt vời với những đỉnh núi phủ tuyết, những thung lũng xanh sặc sỡ hoa trái, đầy những hồ nước và thác nước làm cho mảnh đất của anh chị em mỹ lệ. Chúng ta được Bài Đọc Thứ Nhất gợi ý suy tư, một bài đọc dẫn chúng ta tới chỗ chiêm ngưỡng Đức Khôn Ngoan Thần Linh, khi “Ngài thiết lập các tầng trời… củng cố bầu trời bên trên… thiết lập những suối nước sâu… ấn định giới hạn biển khơi… đặt nền móng cho trái đất” (Cách Ngôn 8:27-29).


Tuy nhiên, ánh mắt của chúng ta không chỉ chú ý tới thiên nhiên tạo vật mà thôi, “công cuộc bởi tay Chúa làm ra” (Bài Đáp Ca); nó chú trọng đặc biệt tới những sự hiện diện của loài người ở chung quanh chúng ta. Tôi thân ái chào anh chị em thân mến của miền đất tuyệt vời tạo lạc ngay tâm điểm của Âu Châu. Tôi xin bắt tay từng người để chào mỗi người và nói cùng quí vị rằng: “Chúa ở cùng quí vị và yêu thương quí vị!”


(Lời chào các chức sắc đạo đời).


Tôi muốn gửi lời chào đặc biệt đầy cảm mến đến giới trẻ Công Giáo Thụy Sĩ là những người tối hôm qua Tôi đã gặp gỡ ở Vận Động Trường Bern, nơi chúng tôi đã cùng nhau nghe lại lời mời gọi “Hãy chỗi dậy!” mãnh liệt và thôi thúc của Chúa Giêsu. Các bạn trẻ thân mến, các bạn hãy biết rằng vị Giáo Hoàng này yêu thương các bạn, Ngài hỗ trợ các bạn bằng lời cầu nguyện hằng ngày của mình, Ngài tin tưởng vào sự hợp tác của các bạn cho việc phục vụ Phúc Âm và khuyến khích các bạn tin tưởng tiến bước trong cuộc hành trình sống đời Kitô hữu.


2.     Trong Kinh Tiền Tụng chúng ta sẽ thân thưa: “Chúng tôi tin tưởng tất cả những gì Chúa đã mạc khải về vinh quang của Chúa”. Cuộc tập trung để cử hành Thánh Thể của chúng ta đây là một chứng từ và là việc công bố vinh quang của Đấng Tối Cao cũng như của việc Ngài chủ động hiện diện trong lịch sử. Được nâng đỡ bởi Thần Linh là Đấng Chúa Cha đã sai đến với chúng ta qua Con Ngài, “Chúng tôi hân hoan trong những khổ đau của mình, với ý thức rằng khổ đau sinh nhẫn nại, nhẫn nại sinh tính chất, và tính chất sinh hy vọng” (Rm 5:3-4).


Anh chị em thân mến, Tôi cầu xin Chúa để Tôi ở giữa anh chị em như là một chứng nhân hy vọng, của một niềm hy vọng “không làm thất vọng”, bởi niềm hy vọng này được bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa, một thứ tình yêu “nhờ Thánh Linh đã được tuôn đổ vào lòng chúng ta” (Rm 5:5). Chính vì niềm hy vọng không thất vọng được bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa như thế mà thế giới ngày nay đặc biệt cần đến một thứ bổ khuyết cho niềm hy vọng!


3.     “Chúa là Thiên Chúa duy nhất, Vị Chúa duy nhất” (Kinh Tiền Tụng). Ba Ngôi bằng nhau và biệt phân chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Tính chất biệt phân thực sự này của Ba Ngôi không chia rẽ mối hiệp nhất của bản tính thần linh.


Chúa Kitô đã cho chúng ta là các môn đệ của Người thấy được mối hiệp thông sâu xa như là một khuôn thức như thế này: “Như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng được ở trong Chúng Ta, hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Jn 17:21). Việc cử hành mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh hằng năm đối với Kitô hữu là một lơiụi kêu gọi mạnh mẽ trong việc dấn thân nhận thức trách nhiệm của mình nơi Giáo Hội là Hiền Thê của Chúa Kitô. Trước những lời lẽ ấy của Chúa Kitô, làm sao chúng ta lại không bị thôi thúc hoạt động cho vấn đề đại kết? Nhân dịp này đây, Tôi muốn lập lại ý muốn tiến bước trên con đường khó khăn nhưng lại tràn đầy niềm vui tới mối hiệp thông trọn vẹn của tất cả mọi tín hữu ấy.


Tuy nhiên, thật sự là việc góp phần mãnh liệt cho vấn đề đại kết này bắt nguồn từ việc người Công Giáo dấn thân sống hiệp nhất nơi nội tâm của mình. Trong bức tông thư “Novo Milennio Ineunte”, Tôi đã nhấn mạnh đến nhu cầu “biến Giáo Hội thành một gia đình và là một học đường hiệp thông” (đoạn 43), khi biết “hướng lòng chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi ở nơi chúng ta, Đấng có một thứ ánh sáng chúng ta có thể thấy được chiếu tỏa trên dung nhan của anh chị em chung quanh chúng ta” (ibid). “Linh đạo hiệp thông” được nuôi dưỡng như thế, một thứ linh đạo hiệp thông, được bắt đầu từ những nơi con người và Kitô hữu qui tụ lại với nhau, vươn tới các giáo xứ, hiệp hội và phong trào. Giáo Hội địa phương, nơi linh đạo hiệp thông phát triển, sẽ biết liên lỉ thanh tẩy bản thân mình khỏi “những độc chất” của cái tôi là những gì làm phát sinh ghen tương, nhút nhát, những thứ tham vọng chủ quan, những chống đối tai hại.


4.     Những thứ nguy hại được gọi lên cho thấy ấy khiến chúng ta tự động thốt lên lời nguyện cầu cùng Chúa Thánh Thần là Đấng Chúa Giêsu hứa sai đến với chúng ta: “Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dẫn các con vào tất cả sự thật” (Jn 16:13).


Sự thật là gì? Đó là những gì Chúa Giêsu đã có lần nói: “Thày là đường, là sự thật và là sự sống” (Jn 14:6). Bởi thế, công thức xác đáng của vấn nạn này không phải “Sự thật là gì?” mà “Sự thật là ai?”


Đây là vấn nạn con người của đệ tam thiên niên kỷ cũng tự hỏi chính mình. Anh chị em thân mến, chúng ta không thể câm nín về câu giải đáp này, vì chúng ta biết câu giải đáp ấy! Sự thật đó là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến thế gian để tỏ mình ra cũng như để ban cho chúng ta tình yêu của Chúa Cha. Chúng ta được kêu gọi để làm chứng cho sự thật này bằng Lơiụi Chúa nhất là bằng đời sống của chúng ta!


5.     Anh chị em thân mến, Giáo Hội là truyền giáo. Giáo Hội ngày nay cũng cần đến “những vị ngôn sứ” có thể làm tái thức tỉnh nơi các cộng đồng niềm tin tưởng vào Lời mạc khải của vị Thiên Chúa giầu lòng xót thương (x Eph 2:4). Đã dến lúc cần phải sửa soạn cho các thế hệ tông đồ trẻ là thành phần không sợ loan báo Phúc Âm. Vì hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa cần phải đi từ một thứ đức tin thói quen đến trưởng thành, một đức tin được thể hiện nơi những chọn lựa rõ ràng, ý thức và can đảm.


Chỉ có một niềm tin như thế, một niềm tin được cử hành và chia sẻ nơi phụng vụ cũng như nơi tình bác ái huynh đệ, mới có thể nuôi dưỡng và củng cố cộng đồng các môn đệ của Chúa, cũng như mới làm cho một Giáo Hội truyền giáo tin tưởng không có những thứ sợ hãi bâng quơ, nhờ tin tưởng vào tình yêu của Chúa Cha.


6.     “Tình yêu của Thiên Chúa đã tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần” (Rm 5:5). Điều này không phải là bởi công lao của chúng ta; mà là một tặng ân nhưng không. Bất chấp gánh nặng tội lỗi của chúng ta, Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta và đã cứu chuộc chúng ta bằng máu của Chúa Kitô. Ân sủng của Ngài đã chữa lành thâm tâm của chúng ta.


Nhờ đó, chúng ta có thể cùng với tác giả Thánh Vịnh than lên rằng: “Lạy Chúa, cao cả biết bao tình Chúa yêu thương trên khắp địa cầu!”. Tình yêu này cao cả biết bao nơi tôi, nơi những người khác, nơi tất cả mọi con người!


Đó thực sự là nguồn mạch cao cả của con người, đó là căn cội của phẩm giá bất khả tiêu diệt của họ. Hình ảnh Thiên Chúa được phản ảnh nơi hết mọi con người. Đó là “sự thật” sâu xa nhất về con người là một sự thật không bao giờ được che đậy hay vi phạm.


Hết mọi thứ xúc phạm con người thực hiện đều là những gì xúc phạm tới Đấng Tạo Thành của họ, Đấng đã yêu thương họ bằng tình yêu của một Người Cha.


Thụy Sĩ có một truyền thống cao cả đối với vấn đề tôn trọng con người. Đó là một truyền thống mang dấu hiệu của cây thập tự giá: Cây Thập Tự Giá Đỏ!


Hỡi Kitô hữu của xứ sở cao quí này, hãy luôn luôn sống hết mình với quá khứ rạng ngời của mình! Hãy biết nhìn nhận và tôn kính hinh ảnh Thiên Chúa nơi hết mọi con người! Nơi con người được Thiên Chúa dựng nên phản ảnh vinh hiển của Ba Ngôi Chí Thánh.


Bởi thế, chúng ta hãy thân thưa: “Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần: Sáng danh Thiên Chúa là Đấng đang có, đã có và sẽ đến” (Bài Hát Phúc Âm”. Amen.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 7/6/2004.
 

    

      Nhận Định Về Chuyến Tông Du 103 của ĐTC GPII ở Thụy Sĩ

ĐTC GPII đã đến Thụy Sĩ vào lúc 11 giờ 30 sáng ngày Thứ Bảy 5/6/2004 ở phi trường quân đội Payern, khoảng 50 dặm cách thủ đô Bern. Tại phi trường, Ngài đã được Tổng Thống Thụy Sĩ Joseph Deiss đón tiếp. Nhiều vị chức sắc đạo đời, bao gồm cả ĐTGM Giacomo De Nicolo, khâm sứ tòa thánh, và Đức Giám Mục Grab giáo phận Chur, chủ tịch hội đồng Giám Mục Thụy Sĩ, đã có mặt trong buổi nghênh đón đầu tiên này.

Trong bài diễn văn chào mừng của mình, tổng thống Thụy Sĩ đã loan báo rằng Thụy Sĩ, một quốc gia đã chấm dứt liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh từ năm 1873, sẽ bình thường hóa liên hệ lại với tòa thánh và sẽ gửi tân lãnh sự tới làm việc với Tòa Thánh. Vị tân lãnh sự này sẽ là ông Hansrudolf Hoffman, người đang thi hành “sứ vụ đặc biệt” từ tháng 12/2001 với Tòa Thánh nhưng lại ở Prague. Bởi thế mà Tòa Thánh cũng không có tòa khâm sứ ở Thụy Sĩ. Vị đại diện đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo được gửi đến Lucerne vào năm 1597.

Trong bài khai từ của mình tại phi trường, ĐTC đã gọi Thụy Sĩ là “một giao điểm về ngôn ngữ và văn hóa”, với nhận định rằng người Thụy Sĩ “bảo trì những truyền thống cũ song lại hướng về những ý nghĩ tân tiến”. Ngài cho biết “mục đích của chuyến đi của Tôi là để gặp gỡ những Người Công Giáo Thụy Sĩ trẻ vào dịp đại hội toàn quốc của họ. Tôi sẽ đến với họ tối hôm nay ở Trung Tâm Phô Triển Bern và sẽ là một buổi tối hân hoan mừng rỡ đối với họ và đối với cả Tôi nữa.

“Chính nhiệm vụ loan báo Phúc Âm của Chúa Kitô đã thúc đẩy Tôi đi khắp thế giới để nhắc nhở Phúc Âm này cho con người nam nữ của đệ tam thiên niên này, nhất là cho các thế hệ trẻ. Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc nhân loại! Ai tin vào Người và đi theo Người thì trở thành một con người xây dựng văn minh yêu thương và hòa bình”. Ngài xin nhân dân Thụy Sĩ hãy để cho tâm tưởng của Người đi vào lòng của họ cũng như vào gia đình của họ, “sửa soạn một lần nữa cho việc hân hoan loan báo Chúa Kitô Cứu Thế, Đấng nói với mỗi người trong anh chị em lòng Người mong muốn ban hòa bình!”

Sau lễ nghi nghênh đón, ĐTC đã lên một chiếc xe Van đặc biệt để tới Trú Viện Viktoriaheim ở Bern dùng bữa trưa. Trú viện này là nhà ở cho Chị Em Bác Ái Thánh Giá và chứa chừng 75 tu sĩ và 80 người già.

Vào lúc 6 giờ chiều, trước khi đi đến với giới trẻ, ông thị trưởng thu đô Bern cùng với 6 phần tử trong hội đồng thành phố đã đến chào mừng Ngài. Buổi gặp gỡ ĐTC vào buổi tối tại Trung Tâm Phô Diễn Bern được sử dụng cho các cuộc thể thao, nơi chứa được 16 ngàn người, là tột đỉnh của Đại Hội Giới Trẻ Thụy Sĩ được bắt đầu từ 11 giờ sáng. Tổng số giới trẻ tham dự vào buổi tối có sự hiện diện của ĐTC cũng gần đầy vận động trường này. ĐGM Amedee Grab đã đọc diễn văn chào mừng ĐTC, sau đó là vũ điệu theo Thánh Vịnh 8, và mục chia sẻ chứng từ của 3 người trẻ nói bằng tiếng Đức, Pháp và Ý. Sau khi nghe ĐTC huấn dụ, giới trẻ hát bài Chúng Ta Hãy Chỗi Dậy “Levons-nous”, bài thánh ca cho cuộc hội ngộ toàn quốc của Giới Trẻ Thụy Sĩ, cuối cùng đọc Kinh lạy Cha và lĩnh phép lành của ĐTC.

Trước khi ĐTC GPII tới thì truyền thông Thụy Sĩ có những giọng điệu phê bình và bi quan, chẳng khác nào như đã xẩy ra ở Hoa Kỳ vào tháng 8/1993 ở Hoa Kỳ dịp Ngài sang chủ toạ Ngày Giới Trẻ Thế Giới VIII ở Denver Colorado. Thế mà, đang khi Ngài ở đó và sau khi Ngài trở về Rôma, dư luận đã thay đổi hẳn giọng điệu.

Hôm Thứ Bảy, ngày ĐTC đến Thụy Sĩ, tờ Thời Điểm Le Temps đã phổ biến bài viết có nhan đề “Gioan Phaolô II ở Thụy Sĩ, Một Bầu Khí Dửng Dưng Lạnh Lùng”. Hai ngày sau, cũng tờ báo này, phổ biến bài viết nóng bỏng với nhan đề: “Xảo Thuật Lại Xẩy Ra. Một Tình Yêu Bền Chặt Thực Sự Được Xuất Phát Từ Thứ Đức Tin Thần Hiệu Giữa Vị Giáo Hoàng Và Giới Trẻ”.

Báo chí Thụy Sĩ cũng nhấn mạnh đến những lời nhận định về biến cố này của Marc Aellen, một phát ngôn viên của hội đồng giám mục Công Giáo, người đã thấy biến cố ấy như là “một thành đạt lớn lao, về cả phẩm chất lẫn số lượng”.

“Từ ban đầu, đối với cuộc hội họp ở Vận Động Trường BernArena, chúng tôi không mong ước trên 3 hay 4 ngàn giới trẻ; song con số đã lên tới 14 ngàn. Vào ngày Chúa Nhật, chúng tôi không dám hy vọng tới con số 40 ngàn người, mà lại tới 70 ngàn người tham dự Thánh Lễ. 41 nhân vật Công Giáo mới lên tiếng trong một bức thư công khai kêu gọi ĐTC GPII từ nhiệm hãy tự hỏi mình về sự thành đạt của biến cố này”.

Thật vậy, Xavier Pfister, nhân vật cổ động thực hiện việc phổ biến bức thư công khai này cũng là nhân vật phục vụ Văn Phòng Tín Liệu Giáo Hội Công Giáo ở Basel, nhìn nhận nỗi ngạc nhiên của mình với tờ nhật báo NZZ am Sonntag và đã có những nhận định tích cực về các bài diễn từ của ĐTC.

Cũng thế, tờ Thời Điểm hôm Thứ Hai 7/6/2004 đã đặt vấn đề là: “Liệu cuộc viếng thăm này có hóa giải được những người Công Giáo Thụy Sĩ thường mất tin tưởng và dè dặt về chiều hướng tập trung của Rôma với vị Giáo Hoàng của họ hay chăng?

“Chứng kiến thấy một bầu không khí nồng hậu, đầy cảm xúc, chi phối cánh đồng Allmend, người ta có thể nghĩ rằng được. Việc tham dự thật là ngoại thường. Vào ngày 17/6/1984, tức vào cuộc tông du thứ nhất của vị Giáo Hoàng này đến Thụy Sĩ, ‘chỉ có ‘ 45 ngàn ngườio tham dự Thánh Lễ bế mạc ở Sion”.

Ông Marc Aellen đã nói với Đài Phát Thanh Vatican về một vị giám mục Thụy Sĩ nói tiếng Pháp đến bảo ông ta rằng: “Kìa, anh có nhận ra bao nhiêu giới trẻ hay chăng, tất cả đều cảm thấy một tinh thần an bình!”.

 

     

      ĐTC GPII chia sẻ Cảm Nhận về Chuyến Tông Du 103 ở Thụy Sĩ


Bao giờ cũng thế, sau mỗi một chuyến tông du, ĐTC thường dùng buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần để tường trình, đúng hơn để chia sẻ cảm nhận của mình về biến cố mới xẩy ra liên quan đến vai trò mục vụ toàn cầu của Ngài. Đó là lý do Ngài đã tạm ngưng loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh, đến bài thứ 109 (2/6/2004) về Thánh Vịnh 40 (41). Sau đây là nguyên văn những gì Ngài chia sẻ.


1.     Tôi đang lưu giữ trong tâm hồn mình những hình ảnh của những giây phút khác nhau trong cuộc viếng thăm ngắn ngủi nhưng đầy đặn Đấng Quan Phòng Thần Linh đã cho Tôi lại được cảm nghiệm thấy ở Thụy Sĩ vào ngày Thứ Bảy và Chúa Nhật vừa qua.


Tôi muốn lập lại lòng biết ơn của Tôi đối với quí huynh giám mục cũng như với các vị hữu trách dân sự, nhất là tổng thống Đồng Liên Hiệp Helvetia, về việc tiếp đón Tôi và về tất cả những việc sửa soạn cho biến cố này. Tôi cũng cám ơn Hội Đồng Liên Bang đã quyết định nâng Thụy Sĩ lên hàng đại diện ngoại giao với Tòa Thánh.


Ngoài ra, Tôi hết sức cám ơn Chị Em Bác Ái Thánh Giá đã tiếp đón Tôi tại Trú Viện Viktoriaheim của mình. Sau hết, Tôi cám ơn tất cả những ai đã lo đến các khía cạnh khác nhau cho chuyến tông du của Tôi.


2.     Lý do chính cho chuyến hành trình tông đồ đến quốc gia thân yêu ấy là việc gặp gỡ giới trẻ Công Giáo ở Thụy Sĩ, thành phần Thứ Bảy vừa rồi mới thực hiện cuộc gặp gỡ lần đầu tiên. Tôi cám ơn Chúa đã cho tôi được cơ hội để sống với họ giây phút hết sức nhiệt tình về tâm linh, cũng như để đề ra cho các thế hệ mới Thụy Sĩ một sứ điệp Tôi muốn gửi đến tất cả thành phần trẻ ở Âu Châu và trên thế giới.


Sứ điệp rất thân thương của tôi ấy được tóm gọn trong ba động từ: “Hãy chỗi dậy!”, “Hãy Lắng Nghe!”, “Hãy Theo Người!” Chính Chúa Kitô, Đấng đã phục sinh và hiện sinh, lập lại lời này cho hết mọi con người nam nữ trẻ tuổi của thời đại chúng ta đây. Chính Người mời gọi giới trẻ của ngàn năm thứ ba “hãy chỗi dậy”, tức là hãy làm cho đời sống của họ được trọn vẹn ý nghĩa. Tôi muốn làm âm vang lời kêu gọi này một cách xác tín rằng chỉ có Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc của con người, mới có thể giúp cho giới trẻ “chỗi dậy” khỏi những cảm nghiệm và ý hệ tiêu cực mà lớn lên cho tới tầm vóc nhân bản trọn vẹn, một tầm vóc thiêng liêng và luân lý.


3.     Sáng Chúa Nhật, Lễ Trọng Kính Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, Tôi đã cử hành Thánh Thể với các vị linh mục cùng nhiều linh mục đổ về từ mọi phần đất ở Thụy Sĩ. Nghi thức của ngày lễ được diễn ra ở Công Viên Allmend, một nơi dạo mát rộng ở trước Dinh Phô Diễn Thành Phố Bern BEA. Đồng thanh, chúng tôi đã dâng lên Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất lời chúc tụng và tạ ơn về vẻ đẹp của thiên nhiên tạo vật đầy giẫy ở Thụy Sĩ, nhất là về mối hiệp thông trong Tình Yêu bắt nguồn từ Ngài.


Với ý nghĩa của mầu nhiệm cốt yếu thuộc đức tin Kitô giáo này, Tôi đã lập lại lời Tôi kêu gọi thực hiện mối hiệp nhất Kitô giáo, trước hết là mời gọi những người Công Giáo hãy sống mối hiệp nhất này nơi họ, biến Giáo Hội thành “gia cư và học đường của mối hiệp thông” (Novo Millennio Ineunte, 43). Thánh Thần, Đấng kiến tạo nên mối hiệp nhất, thúc đẩy chúng ta truyền giáo, để sự thật về Thiên Chúa và loài người hiện tỏ nơi Chúa Kitô được chứng thực và loan báo cho tất cả mọi người. Thật thế, hết mọi người mang nơi bản thân mình hình ảnh của vị Thiên Chúa duy nhất ba ngôi và chỉ có thể tìm thấy bình an nơi Ngài mà thôi.


4.     Trước khi rời thủ đô Bern, Tôi muốn gặp gỡ hiệp hội cựu Vệ Binh Thụy Sĩ. Đó là một cơ hội thuận tiện để cám ơn họ về việc phục vụ cao quí mà gần 5 thế kỷ nay Đoàn Vệ Binh Thụy Sĩ đã thực hiện đối với Tòa Thánh. Hàng bao nhiêu ngàn người trẻ thuộc các gia đình vcà giáo xứ của Thụy Sĩ đã cống hiến việc góp phần chuyên nhất của họ cho Vị Thừa Kế Thánh Phêrô qua giòng thời gian của những thế kỷ này! Những người trẻ như tất cả những người trẻ khác, đầy sinh lực và mộng ước, đã bày tỏ qua việc phục vụ ấy tình yêu chân thành của họ đối với Chúa Kitô và Giáo Hội. Chớ gì giới trẻ Thụy Sĩ và toàn thế giới biết khám phá ra mối hiệp nhất tuyệt vời giữa đức tin và đời sống, để sửa soạn cho họ nhiệt thành thi hành sứ vụ Thiên Chúa kêu gọi họ!


Xin Mẹ Maria Rất Thánh, vị Tôi thành thực cám ơn về việc hiện thực chuyến tông du 103 này, xin cho tất cả mọi người được tặng ân cao cả và quí giá này, đó là bí mật của niềm vui chân thực.

 

     Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch từ tài liệu của VIS, Zenit và CNN