Chuyến Tông Du 104

 

 

Lịch trình chuyến Tông Du 104 của ĐTC GPII đến Đền Thánh Mẫu Lộ Đức


Để kỷ niệm đúng 150 năm Đức Piô IX tuyên bố tín điều Mẹ Maria hoài thai vô nhiễm tội 8/12/1854, ĐTC GPII sẽ tông du đến nơi Mẹ đã hiện ra với chị thánh Bernadette 18 lần, từ ngày 11/2 đến 25/3/1858, lần cuối cùng Mẹ công nhận (như để xác nhận tín điều được Giáo Hội công bố gần 4 năm trước): “Ta hoài thai vô nhiễm tội”.


ĐTC sẽ đến Đền Thánh Mẫu Lộ Đức hết sức thơ mộng ở miền Nam Nước Pháp này vào dịp Lễ Đức Mẹ Mông Triệu 14-15/8/2004. Ngài đến Đền Thánh Mẫu lần này là lần thứ hai (lần đầu vào năm 1983, trong Năm Thánh Cứu Chuộc – Năm Thánh Mừng Kỷ Niệm 1950 năm sau khi Chúa Kitô Cứu Chuộc nhân loại), và đến Nước Pháp lần này là lần thứ 7 (lần cuối cùng vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới 8/1997.


Hội Đồng Giám Mục Pháp, trong tờ Thông Tin 7/2004, đã phổ biến lịch trình của chuyến tông du Lộ Đức này của Đức Thánh Cha như sau:


Thứ Bảy 14/8


11:30 sáng, Ngài sẽ xuống phi trường Tarbes-Ousson, và sẽ được chính Tổng Thống Pháp Jacques Chirac nghênh đón tại đây.


1:00 chiều, Ngài tới Đền Thánh Mẫu, nơi Ngài sẽ cùng phái đoàn hành hương cử hành Mầu Nhiệm Mân Côi Ánh Sáng, với chục thứ năm được kết thúc ở công trường cuối đền thờ Đức Mẹ Mân Côi, sau đó ĐTC sẽ ban huấn từ.


Chúa Nhật 15/8


10:00 sáng, ĐTC cử hành Lễ Trọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Buổi chiều Ngài sẽ giành một ít thời gian cầu nguyện riêng tại Hang Động Đức Mẹ hiện ra.

 

6:00 chiều, ĐTC trở về lại Rôma.


Theo các vị giám mục Pháp, sẽ có hơn 300 ngàn người, bao gồm 2 ngàn ký giả đã ghi danh tham dự biến cố này. Khi thiết lập Ngày Thế Giới Bệnh Nhân vào năm 1992, ĐTC GPII đã chọn ngày 11/2 hằng năm, Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, để cử hành ngày này hằng năm, cho tới nay. Ngày Thế Giới Bệnh Nhân đầu tiên được bắt đầu vào năm 1993, với chủ đề “Để Bệnh Nhân và Khuyết Tật Nhân được một chỗ đứng xứng đáng trong xã hội và Giáo Hội”, năm 2004 này, Ngày Thế Giới Bệnh Nhân cũng được cử hành tại Đền Thánh Mẫu Lộ Đức (vì mỗi năm được cử hành ở một Đền Thánh mẫu khác nhau trên thế giới), chủ đề là “Đặc Ân Vô Nhiễm Nguyên Tội và Sức Khỏe theo Những Căn Gốc Kitô Giáo ở Âu Châu”.

 

 

Khai Từ tại Phi Trường Tarbes


Ngài Tổng Thống,
Chư Huynh đáng kính trong hàng Giáo Phẩm,
Quí Tôn Vị Nam Nữ!

1.     Cám ơn Chúa đã cho Tôi được dịp trở lại mảnh đất Pháp quốc yêu dấu một lần nữa và được cơ hội gửi lời chào đến tất cả mọi người bằng một sứ điệp chân thành của ân sủng và bằng an. Mục đích của việc Tôi viếng thăm hôm nay đây là để cử hành 150 năm việc công bố tín điều Hoài Thai Vô Nhiễm của Đức Trinh Nữ Maria.

Tôi hết lòng cảm kích muốn hợp với hằng triệu triệu người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến Lộ Đức mỗi năm để ký thác cho Người Mẹ của Chúa đây những ý hướng họ ấp ủ trong lòng và kêu cầu Mẹ giúp đỡ cùng chuyển cầu cho họ.

2.     Trên con đường đến nơi thánh này, trước hết Tôi muốn gửi lời chào thân ái đến ngài Tổng Thống, và qua ngài, đến tát cả mọi người con nam nữ của xứ sở cao quí này, xứ sở đang tưởng niệm mừng 60 năm biến cố “landing in Provence”. Chớ gì những cuộc cử hành này góp phần vào việc xây dựng mối hòa hợp giữa con người với nhau và nuôi dưỡng việc dấn thân mới của tất cả mọi người trong việc theo đuổi hòa bình.

Tôi hân hoan nhớ lại những cuộc viếng thăm Pháp quốc trước đây của Tôi, và nhân cơ hội lần này Tôi lấy làm hân hạnh được ngưỡng phục trước đại gia sản về văn hóa và đức tin làm nên lịch sử của nó. Tôi không thể nào không đề cập tới những vị đại Thánh phát xuất từ mảnh đất này, những vị thày dạỵ nổi nang về tư tưởng Kitô Giáo, những trường phái linh đạo và nhiều nhà thừa sai đã bỏ quê hương để đi rao giảng sứ điệp của Chúa Kitô cho khắp thế giới. Tôi cũng tin tưởng vào cộng đồng Kitô Hữu ngày nay, một cộng đồng dấn thân tiếp tục ơn gọi làm phong phú thời điểm của chúng ta bằng đức khôn ngoan và niềm hy vọng của Phúc Âm.

3.     Trong khi tỏ ra tôn trọng các trách nhiệm và quyền hạn của tất cả mọi người, Giáo Hội Công Giáo cũng muốn cống hiến cho xã hội một đóng góp đặc biệt vào việc xây dựng một thế giới ôm ấp những lý tưởng cao cả về tự do, bình đẳng và huynh đệ là những gì có thể trở thành nền móng cho đời sống xã hội, bằng cách không ngừng theo đuổi và cổ võ công ích.

Tôi xin ký thác những ước mong tốt đẹp đầy nguyện cầu này cho việc chuyển cầu của thiếu niên Bernadette Soubirous, một đứa nhỏ khiêm hạ ở thôn Bigorre, và qua lời chuyển cầu từ mẫu của Trinh Nữ Maria, Tôi xin Thiên Chúa ban cho xứ sở này những phúc ân tốt đẹp nhất, như là một bảo chứng cho thịnh vượng và bình an, trong hiện tại cũng như trong tương lai.


Dẫn Nhập cho việc Lần Hạt Mân Côi tại Động Massabiella


Anh Chị Em thân mến!


1.     Qùi ở nơi đây, trước động Massabielle, Tôi sâu xa cảm thấy rằng Tôi đã tiến đến đích điểm của cuộc Tôi hành hương. Hang động này, nơi Mẹ Maria đã hiện ra, là tâm điểm của Lộ Đức. Nó nhắc nhở chúng ta về hang Núi Horeb, nơi tiên tri Êlia gặp gỡ Chúa, Đấng đã nói với ông bằng “một giọng nhỏ nhẹ” (1Kgs 19:12).
Nơi đây Đức Trinh Nữ đã xin Bernadette đọc Kinh Mân Côi, như chính Mẹ cũng lần hạt. Bởi thế hang động này đã trở thành một học đường nguyện cầu chuyên biệt, nơi Mẹ Maria dạy cho hết mọi người biết nhìn ngắm dung nhan Chúa Kitô bằng tình yêu bừng nóng.


Như thế, Lộ Đức là nơi Kitô hữu Pháp quốc, cũng như các Kitô hữu thuộc rất nhiều quốc gia Âu Châu khác và trên thế giới, quì xuống nguyện cầu.


2.     Là những người hành hương tới Lộ Đức, chúng ta cũng muốn buổi tối hôm nay, cùng với Maria Mẹ của chúng ta, tái diễn trong nguyện cầu những “mầu nhiệm” được Chúa Giêsu tỏ mình ra cho thấy rằng Người là “ánh sáng thế gian”. Chúng ta nhớ lại lời Người hứa: “Ai theo Tôi sẽ không đi trong tăm tối, song sẽ được ánh sáng sự sống” (Jn 8:12).


Chúng ta muốn học từ nơi người nữ tỳ khiêm hạ này của Chúa thái độ đơn sơ và cởi mở trước lời Chúa, cũng như thái độ quảng đại dấn thân đón nhận giáo huấn của Chúa Kitô trong đời sống của chúng ta.


Nhất là, khi suy niệm về việc Mẹ Chúa thông phần vào sứ mệnh cứu chuộc của Con Mẹ, Tôi xin anh chị em hãy nguyện cầu cho các ơn gọi linh mục và sống đồng trinh vì Nước Trời, để tất cả những ai được kêu gọi biết đáp ứng một cách quảng đại và kiên trì.


3.     Trong lúc hướng lòng về Mẹ Maria Rất Thánh, chúng ta hãy cùng với Thánh Bernadette nguyện cầu rằng: “Lạy Mẹ nhân lành, xin thương đến con; con xin hoàn toàn hiến dâng bản thân mình cho Mẹ, để Mẹ dâng con cho Con yêu dấu của Mẹ, Đấng con muốn yêu mến bằng cả tấm lòng của con. Lạy Mẹ nhân lành, xin ban cho con trái tim hoàn toàn bừng cháy tình yêu mến Chúa Giêsu”.


(Đức Thánh Cha bị mất thăng bằng khi quì cầu nguyện ở hang động Đức Mẹ hiện ra, khiến các vị hộ tống vội đỡ lấy Ngài cho khỏi ngã trước khi đặt Ngài vào xe lăn. Sau mấy phút cầu nguyện, Ngài đã chỉ định một vị hồng y đọc bài diễn từ của Ngài).


Lời Nguyện Kết Thúc Buổi Lần Hạt Mân Côi tại khuôn viên cuối Đền Thờ Mân Côi


Kính mừng Maria, Người Nữ nghèo khó và khiêm hạ,
Đấng diễm phúc trước Đấng Tối Cao!
Vị Trinh Nữ của niềm hy vọng, rạng đông của một tân kỷ nguyên,
Chúng con xin hợp với bài ca chúc tụng của Mẹ,
để cử hành tình thương của Chúa,
để loan truyền Nước Chúa trị đến
và việc con người được hoàn toàn giải thoát.

Kính mừng Maria, vị nữ tỳ thấp hèn của Chúa,
Người Mẹ hiển vinh của Chúa Kitô!
Vị Trinh Nữ trung thành, nơi cư ngụ thánh thiện của Lời Chúa,
Xin hãy dạy chúng con biết kiên trì lắng nghe Lời Chúa,
và đơn sơ dễ dạy trước tiếng nói của Thần Linh,
chú ý tới những tác động của Ngài nơi thâm cung lương tâm của chúng con
cũng như tới những hiện lộ của Ngài qua các biến cố lịch sử.

Kính mừng Maria, Người Nữ của các niềm đau,
Mẹ của sinh linh!
Vị hiền thê trinh nguyên dưới chân Thập Tự Giá, tân Evà.
Xin hãy là vị hướng đạo của chúng con qua các nẻo đường dương thế.
Xin hãy dạy chúng con biết cảm nghiệm và truyền bá tình yêu Chúa Kitô,
biết cùng với Mẹ đứng trước muôn vàn thập giá
mà Con Mẹ vẫn bị đóng đanh ở đó.

Kính mừng Maria, người nữ sống đức tin,
Người đệ nhất môn đệ!
Người Mẹ Trinh Nguyên của Giáo Hội, xin hãy giúp chúng con luôn
biết chứng tỏ niềm hy vọng ở nơi chúng con,
bằng một lòng tin tưởng vào sự lành thánh của loài người cũng như vào tình yêu của Cha.
Xin hãy dạy chúng con biết xây dựng thế giới bắt đầu từ bên trong:
trong sâu xa thinh lặng và nguyện cầu,
trong niềm vui của tình yêu thương huynh đệ,
trong sinh sôi nẩy nở cá biệt của Thập Tự Giá.

Thánh Maria, Người Mẹ của các tín hữu,
Đức Mẹ Lộ Đức,
cầu cho chúng con.
Amen.
 


Dẫn Nhập cho Cuộc Rước Đuốc ở Accuiel Notre-Dame


Anh Chị Em thân mến!


1.     Khi Trinh Nữ Maria hiện ra với Bernadette ở hang động Massabielle, Mẹ đã mở màn cho một cuộc đối thoại giữa Trời và đất là một cuộc đối thoại đã kéo dài qua thời gian và tiếp tục cho tới ngày hôm nay. Khi nói với cô gái trẻ tuổi này, Mẹ Maria đã xin dân chúng hãy đoàn lũ kéo tới đây, như thể nói lên rằng cuộc đối thoại này không thể chỉ được giới hạn ở ngôn từ mà còn phải trở thành một cuộc hành trình bên Mẹ dọc suốt con đường lữ hành đức tin, đức cậy và đức mến nữa.


Ở Lộ Đức đây, hơn một thế kỷ qua, dân Kitô giáo đã trung thành đáp ứng những lời hiệu triệu từ mẫu ấy, hằng ngày bước đi theo Chúa Kitô nơi Bí Tích Thánh cũng như mỗi đêm rước kiệu bằng những bài hát và những lời nguyện cầu để tôn kính Người Mẹ của Chúa.


Năm nay, vị Giáo Hoàng này cũng tham gia với anh chị em nơi hành động tôn sùng và mến yêu đối với Đức Nữ Trinh Rất Thánh này, người nữ hiển vinh của Sách Khải Huyền, được đội triều thiên 12 ngôi sao (x Rev 12:1). Cầm trong tay cây đuốc sáng, chúng ta nhớ lại và tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Chúa Kitô Phục Sinh. Nơi Người toàn thể đời sống của chúng ta được chiếu soi và hy vọng.


2.     Anh chị em thân mến, Tôi xin gửi gấm cho anh chị em ý chỉ đặc biệt của việc chúng ta nguyện cầu tối hôm nay: đó là hãy cùng Tôi nài xin Trinh Nữ Maria xin cho thế giới của chúng ta đây tặng ân hòa bình hằng được mong mỏi.


Chớ gì thứ tha và tình yêu huynh đệ cắm rễ vào lòng người. Chớ gì hết mọi thứ vũ khí đều được buông xuống, và tất cả mọi thứ hận thù ghen ghét và bạo lực đều được loại trừ.


Chớ gì hết mọi người đều thấy nơi tha nhân của mình không phải là kẻ thù cần phải đánh đấm, mà là người anh em cần phải được chấp nhận và yêu thương, nhờ đó chúng ta mới có thể hợp nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.


3.     Cùng nhau chúng ta hãy kêu cầu Vị Nữ Vương Hòa Bình này và hãy lập lại việc chúng ta dấn thân phục vụ cho mối hòa giải, đối thoại và đoàn kết. Có thế chúng ta mới chiếm được thứ hạnh phúc được Chúa hứa cho thành phần kiến tạo hòa bình (Mt 5:9).


Tôi theo anh chị em bằng lời nguyện cầu và phép lành của Tôi.

 

 

Bài Giảng ở Prairie de la Ribère


1.     "Que soy era Immaculada Councepciou”. Những lời Mẹ Maria nói với Bernadette vào ngày 25 tháng 3 năm 1858 đặc biệt vang dội trong năm nay là năm Giáo Hội cử hành 150 năm tuyên bố tín điều Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội được Giáo Hoàng Chân Phước Piô IX thực hiện bằng Tông Hiến Ineffabilis Deus.


Tôi hết sức muốn thực hiện cuộc hành hương tới Lộ Đức để cử hành một biến cố tiếp tục tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi. Việc Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria là dấu hiệu tỏ ra tình yêu nhưng không của Chúa Cha, là biểu hiệu hoàn toàn của việc cứu chuộc được Chúa Con hoàn tất, và là khởi nguyên của một sự sống hoàn toàn cởi mở trước hoạt động của Thần Linh.


2.     Dưới ánh mắt từ mẫu của Đức Trinh Nữ, Tôi gửi lời chào chân thành đến tất cả anh chị em, hỡi anh chị em thân mến, khi chúng ta cùng nhau qui tụ lại đây trước Hang Massabielle để cất tiếng chúc tụng Đấng muôn thế hệ khen rằng diễm phúc (x Lk 1:48).


Tôi đặc biệt gửi lời chào phái đoàn hành hương Pháp quốc cùng các vị Giám Mục của họ, nhất là Vị Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục và Đức Ông Jacques Perrier, Giám Mục giáo phận Tarbes và Lộ Đức, vị Tôi xin cám ơn về những lời tốt lành mở đầu cho cuộc cử hành này.


Tôi cũng xin chào ông Bộ Trưởng Nội Vụ đại diện cho Chính Phủ Pháp trong cuộc cử hành hôm nay, cũng như các viên chức thẩm quyền về dân sự và quân sự có mặt hôm nay.


Tôi cũng nghĩ đến và cầu nguyện cho những người hành hương qui tụ lại đây từ các phần đất khác nhau ở Âu Châu cũng như từ khắp nơi trên thế giới, cùng với tất cả những ai liên kết một cách thiêng liêng với chúng ta qua truyền thanh và truyền hình. Tôi đặc biệt ưu ái chào thành phần bệnh nhân và tất cả những ai đến nơi thánh này để tìm kiếm niềm an ủi và hy vọng. Chớ gì Đức Trinh Nữ giúp cho anh chị em có thể cảm nhận được sự hiện diện của Mẹ và được an ủi cõi lòng!


3.     “Trong những ngày ấy Maria đã chỗi dậy vội vã lên miền đồi núi…” (Lk 1:39). Những lời của câu truyện Phúc Âm này một lần nữa làm hiện lên trước con mắt cõi lòng của chúng ta một người thiếu nữ thôn Nazarét khi cô lên đường tới “thành Giuđa” đó, nơi bà chị Isave của cô sinh sống, để giúp đỡ bà chị này.


Cái đánh động chúng ta nhất về cô thiếu nữ Maria này là mối quan tâm ưu ái của cô đối với người thân thuộc luống tuổi của cô. Mối quan tâm ưu ái của cô là một mối tình yêu thương cụ thể, một mối tình không chỉ giới hạn vào những lời nói cảm thông mà còn bao gồm cả việc ra tay giúp đỡ một cách tận tình và đích thân nữa. Đức Trinh Nữ này không chỉ ban tặng cho người chị họ một cái gì đó của mình; Người đã ban tặng tất cả con người mình, không đòi lại gì hết. Mẹ Maria đã hoàn toàn hiểu được rằng tặng ân Mẹ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa còn hơn là một đặc ân nữa kìa; bởi thế Mẹ có nhiệm vụ phải phục vụ người khác một cách vô vị kỷ xứng với yêu thương.


4.     “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa…” (Lk 1:46). Những cảm tình của Mẹ Maria trong cuộc Mẹ gặp gỡ bà chị Isave được mãnh liệt bộc lộ nơi bài ca vịnh Ngợi Khen Magnificat. Những lời của Mẹ nói lên niềm mong đợi đầy hy vọng của “thành phần nghèo của Chúa”, đồng thời nói lên cả việc nhận thức rằng Thiên Chúa đã hoàn tất những gì Ngài hứa, vì Ngài “đã nhớ lại lòng thương xót của Ngài” (cf. Lk 1:54).


Việc nhận thức ấy cũng là nguồn mạch của một niềm hân hoan vui mừng của Vị Trinh Nữ thấm nhập toàn thể bài ca vịnh: niềm vui khi nhận biết rằng Mẹ đã được Thiên Chúa “đoái hoài” bất chấp tình trạng “thấp hèn” (cf. Lk 1:48) của Mẹ; niềm vui trong việc phục vụ Mẹ có thể cống hiến bởi “những sự cao cả” Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ (cf. Lk 1:49); niềm vui nơi việc Mẹ được nếm hưởng trước hạnh phúc cánh chung được hứa cho “những ai thấp kém” và “thành phần đói khát” (cf. Lk 1:52-53).


Sau Ca Vịnh Magnificat là tình trạng thinh lặng: chúng ta không biết gì về 3 tháng Mẹ Maria ở với bà chị họ Isave của Mẹ. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta học được một điều hết sức quan trọng đó là việc thiện thì hoạt động một cách âm thầm, quyền lực của tình yêu thương được bày tỏ một cách lặng lẽ khiêm tốn của việc phục vụ hằng ngày.


5.     Bằng lời nói và sự thinh lặng của mình, Vị Trinh Nữ Maria này xuất hiện trước mắt chúng ta như là một mẫu gương cho con đường hành trình của chúng ta. Nó không phải là một con đường dễ đi, vì hậu quả của việc hai vị nguyên tổ phụ mẫu của chúng ta sa ngã, nhân loại bị mang những thương tích tội lỗi là những gì vẫn còn cảm thấy cái nhức nhối của nó nơi thành phần được cứu chuộc. Thế nhưng, sự dữ và sự chết sẽ không phải là phán quyết cuối cùng! Mẹ Maria khẳng định điều này bằng cả cuộc sống của Mẹ, vì Mẹ là một chứng nhân sống động cho cuộc chiến thắng của Chúa Kitô Đấng là Cuộc Vượt Qua của chúng ta.


Thành phần tín hữu cũng đã hiểu được như thế. Đó là lý do tại sao họ tuốn về hang động này để nghe nghe những huấn dụ từ mẫu của Vị Trinh Nữ đây. Nơi Mẹ, họ nhận thấy được “người nữ mặc áo mặt trời” (Rev 12:1), Vị Nữ Hoàng sáng láng trước ngai tòa Thiên Chúa (cf. Đáp Ca), vẫn hằng chuyển cầu cho họ.


6.     Hôm nay, Giáo Hội cử hành việc Mẹ Maria Mông Triệu hiển vinh cả hồn lẫn xác về Trời. Hai tín điều Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội và Mông Triệu có một liên hệ hết sức chặt chẽ với nhau. Cả hai đều công bố vinh hiển của Chúa Kitô Cứu Chuộc và thánh đức của Mẹ Maria, vị mà định mệnh loại người của mình thậm chí ngay lúc này đây đã được trọn vẹn và vĩnh viễn hiện thực nơi Thiên Chúa.


“Khi Thày đi dọn chỗ cho các con, Tôi sẽ trở lại đem các con đi với Thày, để Thày ở đâu các con cũng được ở đó” (Jn 14:3). Mẹ Maria là bảo chứng của việc hoàn tất những gì Chúa Kitô hứa hẹn ấy. Việc Mẹ Mông Triệu bởi thế mới trở thành cho chúng ta “một dấu hiệu của niềm hy vọng và ủi an vững chắc” (cf. Lumen Gentium, 68).


7.     Anh chị em thân mến! Từ động Massabielle này, Vị Trinh Nữ Maria đây nói với cả chúng ta nữa, thành phần Kitô hữu của ngàn năm thứ ba. Chúng ta hãy lắng nghe Mẹ!


Hãng lắng nghe Mẹ, hỡi giới trẻ là thành phần tìm kiếm một câu đáp có thể cống hiến cho cuộc đời của các bạn ý nghĩa; Ở nơi đây, các bạn có thể tìm thấy câu giải đáp ấy. Nó là một câu giải đáp gay go, tuy nhiên nó lại là câu trả lời duy nhất thực sự làm thỏa mãn. Vì nó chất chứa cái bí mật của niềm vui và an bình thực sự.


Từ hang động này, Tôi đặc biệt kêu gọi nữ giới. Hiện ra ở nơi đây, Mẹ Maria đã ký thác sứ điệp của Mẹ cho một em gái trẻ tuổi, như thể Mẹ muốn nhấn mạnh đến sứ vụ đặc biệt của nữ giới trong thời đại của chúng ta đây, một sứ vụ thực sự đang bị lôi cuốn bởi chiều hướng duy vật và trần tục: một sứ vụ trong xã hội ngày nay phải trở thành một chứng nhân cho những giá trị thiết yếu chỉ được thấy bằng con mắt tâm hồn. Hỡi nữ giới, chị em là thành phần mang trách nhiệm là những lính canh của Đấng Vô Hình! Tôi thiết tha kêu gọi hết mọi anh chị em, anh chị em thân mến, hãy làm mọi sự có thể để bảo đảm rằng sự sống, mỗi một sự sống và mọi sự sống, được tôn trọng từ khi được thụ thai cho đến khi tự nhiên qua đi. Sự sống là một tặng ân thánh hảo, không ai có thể cho mình có quyền làm chủ nó.


Sau hết, Đức Mẹ Lộ Đức gửi một sứ điệp cho hết mọi người. Đó là hãy trở thành những con người nam nữ của tự do! Thế nhưng, xin nhớ rằng: niềm tự do của con người là một niềm tự do đã bị tội lỗi làm tổn thương. Nó là một niềm tự do tự bản chất cũng cần phải được giải thoát. Chúa Kitô là vị giải phóng của nó; Người là Đấng “vì tự do đã giải phóng chúng ta” (cf. Gal 5:1). Hãy bênh vực niềm tự do ấy!


Quí bạn thân mến, về vấn đề này chúng ta biết rằng chúng ta có thể tin tưởng vào Mẹ Maria, vị mà, vì không bao giờ nhường bước cho tội lỗi, là tạo vật duy nhất hoàn toàn tự do. Tôi xin trao phó quí bạn cho Mẹ. Hãy bước đi bên Mẹ Maria khi quí bạn hành trình tiến tới chỗ hoàn toàn làm trọn nhân tính của mình!


(Trong khi đang đọc bài giảng bằng tiếng Pháp, ĐTC đột nhiên nói bằng tiếng Balan: “giúp Tôi với”. Sau khi uống nước do các vị hộ tống trao cho, Ngài nói tiếp: “Tôi phải làm cho xong việc này”. Quả thực Ngài đã đọc xong bài giảng nhưng bỏ một số đoạn. Ngài đã lên giọng để bày tỏ mối quan tâm với thành phần bệnh nhân).



Huấn Từ Truyền Tin ở Prairie de la Ribère


1.     Để kết thúc việc cử hành Phụng Vụ trọng thể này, Tôi muốn đặc biệt gửi lời chào đến những ai tham dự Cuộc Hành Hương Toàn Nước Pháp do “Famille de l’Assomption” tổ chức.


Tôi gửi lời chào riêng giới trẻ, thành phần đông đảo ở Lộ Đức và đã phục vụ một cách tận tình anh chị em bệnh nạn của mình như là những tiếp vụ viên. Tôi cảm thấy quí mến nhớ lại những lần gặp gỡ giới trẻ ở Paris, rồi những giới trẻ ở Lyons, ở Strasbourg và một lần nữa ở Paris vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Quí bạn giới trẻ thân mến: Những cuộc gặp gỡ này đã cống hiến cho Tôi một niềm hy vọng rất nhiều là những gì Tôi muốn chia sẻ với các bạn hôm nay đây. Chớ gì Mẹ Maria là thày dạy của các bạn, và các bạn sẽ mang hơi thở tươi mới của niềm lạc quan đến cho thế giới, khi các bạn loan báo cho tất cả mọi người “tin mừng” của Vương Quốc Chúa Kitô.


2.     Từ tảng đá ở động Massabielle, Vị Trinh Nữ này đã hiện ra với Bernadette. Tỏ mình ra như Đấng đầy ơn phúc của Thiên Chúa, Mẹ đã kêu gọi thống hối và nguyện cầu. Mẹ đã chỉ cho Bernadette một mạch nước, và xin em uống mạch nước này. Mạch nước mới mẻ ấy đã trở thành một trong những biểu hiệu của Lộ Đức: một biểu hiệu của sư ỉ sống mới được Chúa Kitô ban cho tất cả những ai hướng về Người.


Kitô Giáo thực sự là một suối nước sự sống, và Mẹ Maria là bảo quản viên đầu tiên của suối nước này. Mẹ chỉ nó cho tất cả mọi người thấy, bằng cách kêu mời họ từ bỏ cái kiêu hãnh của mình mà học sống khiêm hạ, nhờ đó họ mới có thể kín múc được tình thương của Con Mẹ và từ đó mới cùng nhau hoạt động cho bừng lên một nền văn minh yêu thương.


3.     Khi suy niệm về mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu, giờ đây chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria Rất Thánh, nài xin Mẹ ra tay bảo vệ mỗi người chúng ta, Giáo Hội và thế giới.


(Sau Kinh Truyền Tin:)


Anh chị em thân mến, chớ gì biến cố Mông Triệu của Đức Trinh Nữ Maria nhắc nhở anh chị em rằng nước trời mới là nhà thật sự của chúng ta và là đích điểm cho cuộc hành trình đời sống của chúng ta. Tôi xin Thiên Chúa ban tràn đầy phúc lành của Ngài cho anh chị em và gia đình của anh chị em.

 

 

Ý Nghĩa Chuyến Tông Du 104 của ĐTC GPII đến Lộ Đức 14-15/8/2004


Đức Giám Mục Renato Boccardo, bí thư của Hội Đồng Tòa Thánh Về Truyền Thông Xã Hội đã cho biết trong cuộc phỏng vấn của Zenit về chuyến tông du của ĐTC đến Lộ Đức tới đây không phải chỉ một chuyến hành hương theo cá nhân vậy thôi.


Vấn:     Tại sao Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến Lộ Đức?


Đáp:     Là để đáp lời mời của các vị Giám Mục Pháp trong việc cử hành 150 năm mừng kỷ niệm tín điều Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội ở đền thánh mẫu này.


Giáo Hội nhớ đến việc công bố này của Đức Giáo Hoàng Piô IX vào năm đó. Lạ lùng thay, 4 năm sau đó, trong cuộc hiện ra ở Lộ Đức Vị Trinh Nữ này đã xác nhận những gì Vị Giáo Hoàng ấy và Giáo Hội đã công bố. Theo chiều hướng ấy, Đức Giáo Hoàng sẽ đến Lộ Đức như là một người hành hương để ca ngợi dự án của Thiên Chúa được hiện thực nơi một con người là Đức Maria.


Vấn:     Những đặc tính đặc biệt của chuyến đi này là gì?


Đáp:     Nó có tính chất hành hương. Đức Giáo Hoàng muốn tôn kính Vị Trinh Nữ và thực hiện nhữnmg cử chỉ xứng hợp với những khách hành hương, tái lập lại sứ điệp của Vị Trinh Nữ đã để lại ở Lộ Đức, đó là ăn năn thống hối, cải thiện đơiụi sống và nguyện cầu.


Đó là lý do tại sao Ngài sẽ uống nước chảy ra từ hang động Massabielle là nơi đã diễn tiến những lần hiện ra, nước được vị giám đốc đền thánh mẫu này dâng cho Ngài.


Chiều Thứ Bảy, Ngài sẽ chỉ sự buổi lần hạt mân côi và rước kiệu từ hang động này đến công trường Đền Thờ Lộ Đức. Sau đó, trong đêm khua sẽ có một cuộc rước đuốc, một tính chất của Lộ Đức, một cuộc rước đuốc được Đức Thánh Cha theo dõi từ nơi trú ngụ của Ngài là the Notre Dame Accueil.


Sáng Chúa Nhật Ngài sẽ chủ tế một Thánh Lễ ở những bãi có rộng của đền thánh mẫu này.


Chuyến đi này cũng được đánh dấu bởi những giây phút nguyện cầu do Đức Thánh Cha thực hiện trong thinh lặng ở tại hang động hiện ra như tất cả mọi khách hành hương vẫn làm.


Đó là những cử chỉ truyền thống của việc hành hương được Đức Thánh Cha thực hiện hiệp với thánh lễ không cùng của những người hành hương suốt giòng lịch sử. Thấy chương trình và những ý hướng của Đức Thánh Cha như thế, người ta mới nghĩ đến những lời của Mẹ Maria: “Muôn đời sẽ khen tôi diễm phúc”.

Vấn:     Như thế thì chúng ta đang ở trước một biến cố của giáo hội hoàn vũ chứ không phải chỉ ở trước một cuộc hành hương theo cá nhân của vị giáo hoàng này.


Đáp:     Tôi lấy làm ngạc nhiên khi mới đây đọc thấy rằng Đức Giáo Hoàng sẽ ra đi như một “bệnh nhân trong số thành phần bệnh nhân”. Tôi nghĩ rằng đó là một lời giải thích suy diễn từ biến cố quan trọng này.


Con người đến Lộ Đức như một con người hành hương này là Đức Gioan Phaolô II, Vị Chủ Chiên của Giáo Hội hoàn vũ. Đó không phải là vấn đề của một con người nữa bị bệnh.


Đi đến Lộ Đức, Vị Giám Mục Rôma này, ở một nghĩa nào đó, mang theo mình tất cả các Giáo Hội Ngài đã viếng thăm khắp thế giới. Bởi thế, toàn thể Giáo Hội sẽ qui tụ lại nguyện cầu chung quanh vị Giáo Hoàng tại hang động Massabielle.


Đức Giáo Hoàng sẽ lưu ngụ tại Notre Dame Accueil, nhà cho thành phần bệnh nhân ở Lộ Đức, vì đây là nơi được trang bị khá nhất hợp vơiùi Ngài. Thế nhưng, Đức Giáo Hoàng không cần phải ở một nơi cho bệnh nhân mới thể hiện việc Ngài gần gũi với những ai chịu khổ đau.


Chúng ta đừng quên rằng chính Ngài là vị đã thiết lập Ngày Thế Giơiùi Bệnh Nhân, và trong 26 năm giáo triều của mình, Ngài đã bày tỏ bằng mọi cách cho thấy Ngài gần gũi với những ai chịu khổ đau.


Vấn:     Đức Giám Mục đang theo dõi những việc sửa soạn cho chuyến đi thiết tha này của Đức Giáo Hoàng. Đức Giáo Hoàng mong gì nơi cuộc viếng thăm ấy?


Đáp:     Đức Giáo Hoàng rất phấn khởi. Như tôi đã nói đến trước đây, Ngài muốn chú trọng đến những cử chỉ truyền thống của một cuộc hành hương là những gì bộc lộ cho thấy đức tin chân thực của dân chúng.


Trong việc cử hành kỷ niệm mừng tìn điều Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội, Ngài muốn nhắc nhở toàn thể Giáo Hội về tầm quan trọng của ân sủng nơi đời sống con người. Đó cũng là một cách đặc biệt nhấn mạnh đến mầu nhiệm tội lỗi và ân sủng nơi cuộc sống của loài người.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 20/7/2004.



Lịch Sử và Ý Nghĩa của Tín Điều Hoài Thai Vô Nhiễm


Tín điều Hoài Thai Vô Nhiễm, được tuyên bố 150 năm trước đây, tái khám phá ra nơi tính cách sâu xa của nó lời diễn tả “đầy ơn phúc”. Cha Giêsu Castellano Cervera, dòng Carmêlô, một chuyên gia nghiên cứu Thánh Mẫu, chia sẻ với Zenit về nguồn gốc và tầm quan trọng của tín điều này như sau.


Vấn:     Lịch sử và tầm quan trọng của tín điều này như thế nào?


Đáp:     Nó là một lịch sử dài dòng và phức tạp. Cần phải trở về với sự hiểu biết mầu nhiệm của Đức Matia trong mối liên hệ đặc biệt của Mẹ với Thiên Chúa cũng như với mầu nhiệm cứu độ, một mầu nhiệm Mẹ đã liên kết ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc đời Mẹ, như một con người đầy ân phúc và tình yêu của Thiên Chúa.


Vấn:     Cha có thể cắt nghĩa tín điều này đã được khai triển từ đầu ra sao chăng?


Đáp:     Việc ý thức này đầu tiên được khai triển ở mức độ dân chúng tin tưởng, với ý thức rằng việc Mẹ được hoài thai là giây phút ân sủng; trước hết là những ngụy thư Phúc Âm kể lại cuộc hạnh ngộ của cha mẹ Người là Thánh Joachim và Anne. Từ câu truyện này mới có lễ bà Thánh Anna thụ thai Mẹ maria theo phụng vụ lễ nghi Byzantine, được cử hành vào ngày 9/12 từ thế kỷ thứ VIII.


Lễ này đã sang bên Tây vào khoảng thế kỷ thứ 10, và được cử hành hoàn toàn về Việc Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria. Lễ này được nới rộng cho niên lịch hoàn vũ bởi Đức Sixtus IV năm 1476 với một thể thức rất tuyệt vời, nhưng đáng tiếc thay đã bị giảm xuống bậc lễ nhớ “Việc Hoài Thai của Đức Maria” theo Sách Lễ năm 1570.


Lòng đạo đức tôn sùng của dân chúng và việc cử hành phụng vụ đã làm bùng lên một cuộc tranh luận lớn giữa các nhà thần học có những khuynh hướng đối nghịch nhau. Một bên là những thần học gia bênh vực việc hoài thai vô nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria, còn bên kia là những vị chối bỏ điều này để khẳng định là Mẹ Maria cũng được hưởng ơn cứu chuộc từ Chúa Kitô.


Duns Scotus đã cống hiến cái then chốt về thần học để hiểu được mầu nhiệm này, khi tin tưởng rằng Mẹ Maria được gìn giữ khỏi nguyên tội bởi công nghiệp của Chúa Kitô.


Cảm thức của tín hữu, của phụng vụ và của thần học cuối cùng đã được xác nhận bởi huấn quyền của Giáo Hội, một thẩm quyền mà sau khi trải qua những diễn tiến khác nhau, đã tiến tới chỗ Đức Piô IX đã tuyên bố tin điều Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 8/12/1854, bằng tự sắc “Ineffabilis Deus”.


Vấn:     Đâu là những lý do tiến đến chỗ công bố tín điều này?


Đáp:     Trước hết là việc hiểu biết hơn nữa về những sự kiện mạc khải, trong Thánh Kinh cũng như theo Truyền Thống của Giáo Hội, nền tảng của tất cả mọi vấn đề tuyên tín, với sự hỗ trợ của Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn Giáo Hội vào tất cả sự thật.


Đặc biệt là lời diễn tả “đầy ơn phúc” đã được tái nhận thức một cách sâu xa, những lời thiên thần nói cùng Mẹ Maria khi truyền tin cho Mẹ như tỏ cho thấy thân phận của Mẹ Maria trước Thiên Chúa Ba Ngôi từ giây phút mở màn cuộc sống của Mẹ, và như Mẹ đã được ấn định từ đời đời trong dư ỉ án của Thiên Chúa: “Mẹ là vị đang và lúc nào cũng đầy ơn Chúa”.


Theo ý nghĩa của lời nói chính yếu ấy thì ngươiụi ta cũng thấy được tất cả thực tại về Mẹ Maria như là vị hợp tác của Chúa Kitô trong công cuộc Cứu Chuộc. Mẹ là vị được kêu gọi hợp tác với vai trò làm Mẹ Đấng Cứu Chuộc không thể nào, cho dù chỉ một giây lát, ở ngoài ân sủng của Chúa trong việc Ngài chiến thắng tội lỗi và sự chết.


Tuy nhiên, ngoài khía cạnh tiêu cực này, tức khía cạnh không có nguyên tội, Mẹ Maria, ngay từ giây phút ban đầu cuộc đời của Mẹ, còn đóng vai trò là nữ tử dấu yêu của Chúa Cha, Mẹ của Chúa Con Cứu Chuộc, đền thờ của Thánh Thần, của Đấng Toàn Thánh, được Thánh Linh ấn định và làm nên một tạo vật mới, hết sức được Thiên Chúa yêu thương.


Đó là mức độ hiểu biết trọn vẹn về tín điều này, như đã được hiển nhiên bày tỏ trong Hiến Chế “Ánh Sáng Muôn Dân” cũng như trong Kinh Nguyện Thánh Thể tuyệt vời hiện nay về lễ trọng Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội, một kinh nguyện nói về Mẹ như là một Người Mẹ của Con Chiên vô tì tích, cũng như về nguồn gốc và hình ảnh của Giáo Hội là Vị Hiền Thê không vết nhăn và vô tì vết.


Như thế rõ ràng Mẹ Maria là trường hợp được miễn nhiễm nguyên tội, và nơi Mẹ là tất cả trọn vẹn dự án nguyên thủy của Thiên Chúa và là định mệnh mai hậu của Giáo Hội, một Giáo Hội được kêu gọi mãi mãi trở nên “thánh hảo và vô nhiễm trong yêu thương”.


Như Max Thurian đã tuyên nhận, việc hoài thai vô nhiễm nguyên tội nghĩa là nơi Mẹ Maria hết mọi sự đều là ân sủng ngay từ lúc ban đầu và Mẹ là chứng từ cho thấy mọi sự từ Thiên Chúa mà có. Và Đức Maria ấy đã đáp ứng đặc ân này bằng một tình yêu hoàn toàn tự do, không bị ô nhiễm tội tình.


Vấn:     Đức Thánh Cha sẽ đi đến Lộ Đức. Đâu là ý nghĩa của chuyến đi này?


Đáp:     Lộ Đức là nơi Mẹ Maria, khi hiện ra với Bernadette năm 1858, đã xác nhận sự thật về việc hoài thai vô nhiễm nguyên tội của Mẹ được huấn quyền công bố. Ngay từ ban đầu, Lộ Đức đã trở thành một địa điểm lôi cuốn, được vây bọc bởi sự hiện diện đặc biệt của mầu nhiệm cũng như của vai trò làm mẹ thiêng liêng của Mẹ Maria Vô Nhiễm như là phương dược chữa trị bệnh tật về phần xác cũng như phần hồn.


Nó là một địa điểm trị liệu theo nghĩa tuyệt vời nhất của từ ngữ này, tức là nơi Mẹ Maria tiếp tục thực hiện việc bảo vệ của mẹ và phận sự từ mẫu đặc thù của Mẹ đối với thành phần anh em của Chúa Kitô, thành phần bị bệnh tật nơi thần xác và tinh thần bởi tội lỗi đã đem vào thế giới này bệnh nạn và chết chóc, tình trạng yếu nhược về thể lý và luân lý.


Bằng sự hiện diện của mình, Đức Giáo Hoàng đề cao những khía cạnh ấy; Ngài đến để cử hành mừng 150 năm việc tuyên bố tín điều Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội ở địa điểm đã được chính bản thân Trinh Nữ Maria đặc biệt xác nhận, và là một khách hành hương, Ngài mang nơi bản thân mình nỗi yếu hèn của thế giới này để khẩn cầu sự hiện diện linh thiêng của Mẹ Maria chữa lành những thương tích của xã hội chúng ta đang sống là nơi cần đến Phúc Âm của niềm hy vọng.


Vấn:     Mẹ Maria là biểu hiệu của đức ái Thiên Chúa đối với loài người. Phải chăng đó là lý do Mẹ đã hiện ra ở Lộ Đức? Và Mẹ sẽ tiếp tục là Đấng Bầu Cử của chúng ta?


Đáp:     Việc hiện diện từ mẫu của Mẹ Maria bao giờ cũng phù trợ đời sống của Giáo Hội cũng như của hết mọi tín hữu; chưa hết, hết mọi con người, đã được Chúa Kitô trao phó cho Mẹ trên Cây Thập Tự Giá.


Tuy nhiên, việc hiện diện này, trong những hoàn cảnh đặc biệt, trở thành một “cuộc hiển linh”, một cuộc biểu lộ hữu hình và long trọng, để trong trường hợp này người ta thấy được rằng Việc Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội là một mầu nhiệm đức tin và ơn cứu độ, một biểu lộ tình yêu Thiên Chúa chiến thắng tội lỗi và sự chết, và là một dấu hy vọng cho tất cả mọi người.


Có bao nhiêu người ở Lộ Đức đã cảm thấy được việc chữa lành các bệnh nạn thể xác và tâm hồn, nhiều thứ bệnh hoạn của nhân loại chúng ta, trở thành chứng nhân cho sự hiện diện đặc biệt của Mẹ Maria, một sự hiện diện kêu gọi hoán cải và sống một đời sống mới, một sự hiện diện là nguồn mạch giao hòa với Thiên Chúa và anh chị em mình.


Mẹ Maria, hiệp với Thánh Linh là Đấng Bầu Cử của chúng ta, tiếp tục là, như chúng ta kêu cầu Mẹ trong Kinh Lạy Nữ Vương, là “Chữa Bầu chúng tôi”, vị cầu xin cho chúng ta, đấng bênh vực chúng ta khỏi sự dữ và Tên Gian Ác, nhưng cũng là Đấng thôi thúc chúng ta sống trong Chúa Kitô nữa.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 18/7/2004.