“HÃY TRUYỀN ĐẠT ĐỨC TIN TRONG GIA ĐÌNH”

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI với Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình V,

Ngày 8-9/2006, ở Valencia Tây Ban Nha

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/travels/2006/index_valencia_en.htm

 

 

Theo VIS của Tòa Thánh phổ biến ngày 12 và 13/6/2006 thì đại quan về Chuyến Tông Du Mục Vụ thứ ba của Giáo Hoàng Biển Đức XVI đến Tây Ban Nha nhân dịp Ngày Họp Các Gia Đình Thế Giới lần V ở Valencia 8-9/7/2006 được diễn tiến như sau:

 

Ngài rời phi trường Fiumicino ở Rôma lúc 9 giờ 30 sáng Thứ Bảy 8/7, và sau 2 giờ bày ngài đến Manises ở Valencia. Sau lễ nghi nghênh đón, ngài viếng vương cung thánh đường Valencia và đền thờ ‘Virgen de los Desamparados’. Sau Kinh Truyền Tin ở ‘Plaza de la Virgen’, ngài ngỏ lời chào những người hiện diện, đoạn ngài đi bộ đến tòa tổng giám mục dùng bữa trưa.

 

Vào lúc 5:15 chiều, ngài đến thăm Vua Juan Carlos và Nữ Hoàng Sofia ở điện ‘Generalitat de Valencia’. Sau đó ngài trở về tòa tổng giám mục để gặp thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero.

 

Vào lúc 8 giờ 30 tối, bằng chiếc giáo hoàng xa, ngài đến Thành Phố Nghệ Thuật Và Khoa Học của Valencia. Và vào lúc 9 giờ tối một họp kết thúc biến cố gia đình lần V này. Ngài ban huấn từ vào lúc ấy. Sau đó ngài về lại tòa tổng giám mục nghỉ đêm.

 

Vào lúc 9 giờ 30 sáng Chúa Nhật, 9/7, ngài chủ tế Thánh Lễ bế mạc cũng ở ngay địa điểm của tối hôm trước, sau đó nguyện Kinh Truyền Tin. Vào lúc 12 giờ 30 trưa, ngài được chở tới phi trường Manises, sau nghi thức tạ từ, ngài trở về Rôma và đến Rôma vào lúc 3 giờ 30 chiều.

 

Về tình hình Giáo Hội tại Tây Ban Nha, theo thống kê từ ngày 31/12/2004 thì nước này có tổng số dân là 41.9 triệu, trong đó có 39.4 (tức 94.1%) là Công Giáo, có 70 giáo phận, 22.599 giáo xứ và 4.428 trung tâm mục vụ đủ loại; có 132 vị giám mục, 26.330 linh mục, 60.079 tu sĩ nam nữ, 3.229 giáo dân thuộc các tu hội đời và 102.973 giáo lý viên, có 2.483 tiểu chủng sinh và 2.259 đại chủng sinh, có 1.578.609 giới trẻ tham dự 5.882 trung tâm giáo dục Công Giáo, từ mẫu giáo tới đại học, sau hết là có các cơ quan thuộc Giáo Hội Công Giáo được các tu sĩ hay linh mục tổ chức và điều hành bao gồm 97 bệnh viện, 113 y viện, 943 nhà cho người già hay tàn tật, 549 viện mồ côi và dưỡng nhi, 108 trung tâm cố vấn gia đình và các trung tâm phò sự sống khác, và 2.405 trung tâm giáo dục và phục hồi xã hội.

 

Trong 8 bài cho chuyến tông du lần thứ ba này, bài 1 - khai từ ở phi trường, bài 2 - thư ngỏ cùng các vị giám mục Tây Ban Nha ở Vương Cung Thánh Đường Virgen de los Desamparados, bài 3 - ở Đền Thờ Vương Cung Thánh Đường Virgen de los Desamparados, bài 4 - trước Kinh Truyền Tin ở Plaza de la Virgen, bài 5 - huấn từ cho đêm canh thức nguyện cầu ở City of Arts and Sciences, bài 6 - giảng Lễ Bế Mạc ở City of Arts and Sciences, bài 7 - trước Kinh Truyền Tin ở City of Arts and Sciences, và bài 8 - tạ từ ở phi trường, chỉ có bài 5 và 6 là dài nhất và theo chủ đề của Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình V.

 

 

 

 

“Ngôn ngữ của đức tin được học biết tại các gia đình là nơi đức tin này phá triển và được củng cố bằng việc nguyện cầu và sống đời Kitô hữu”

 

Huấn Từ Đêm Canh Thức Cầu Nguyện Thứ Bảy 8/7/2006 tại City of Arts and Sciences

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Tôi hết sức vui mừng tham dự vào buổi gặp gỡ nguyện cầu này để hoan hỉ cử hành tặng ân gia đình  Thiên Chúa ban. Tôi cảm thấy rất gần gũi trong lời cầu nguyện với tất cả những ai mới cảm nghiệm thấy nỗi buồn thương của thành phố này, cũng như trong niềm hy vọng vào Chúa Kitô Phục Sinh là Đấng ban ánh sáng và sức mạnh ngay cả những lúc thảm thương nhất của nhân loại.

 

Hiệp nhất bằng cùng một niềm tin nơi Chúa Kitô, chúng ta qui tụ lại nơi đây từ rất nhiều phần đất trên thế giới như là một cộng đồng mang chứng từ một cách tri ân và hân hoan là con người được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa để yêu thương, và việc con người được hoàn toàn viên trọn chỉ xẩy ra khi chúng ta chân thành hiến mình cho nhau mà thôi. Gia đình là một môi trường đặc biệt để mọi người học biết ban phát và lãnh nhận yêu thương. Đó là lý do tại sao Giáo Hội liên lỉ muốn chứng tỏ mối quan tâm mục vụ của mình đối với thực tại ấy, một thực tại rất căn bản đối với con người. Đó là những gì Giáo Hội truyền dạy nơi Giáo Huấn của mình: ‘Thiên Chúa, Đấng là tình yêu và vì yêu đã tạo dựng nên người nam và người nữ, đã kêu gọi họ yêu thương. Bằng việc tạo dựng nên con người nam và nữ, Ngài đã kêu gọi họ đến với cuộc hiệp thông thân mật của sự sống và yêu thương trong Hôn Nhân. ‘Bởi vậy họ không còn là hai mà là một xác thịt’ (Mt 19:6)” (Cuốn Tóm Lược Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 337).

 

Đó là một sự thật Giáo Hội không ngừng loan truyền cho thế giới. Vị tiền nhiệm yêu dấu của tôi là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng “con người được dựng nên ‘theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa chẳng những vì họ là con người mà còn vì mối hiệp thông giữa các ngôi vị mà con người nam nữ được hình thành từ ban đầu. Họ trở thành hình ảnh của Thiên Chúa, không phải ở sự cô độc của họ cho bằng ở mối hiệp thông của họ’ (Bài Giáo Lý ngày 14/11/1979). Đó là lý do tại sao tôi muốn khẳng định lời mời gọi của Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình lần thứ năm ở Tây Ban Nha, và nhất là ở Valencia đây, một thành phố phong phú về truyền thống và hãnh diện về một đức tin Kitô Giáo đã được sống và nuôi dưỡng nơi rất nhiều gia đình của mình.

 

Gia đình là một cơ cấu trung gian giữa các cá nhân và xã hội, và không gì có thể hoàn toàn thay được nó. Gia đình được đặt nền tảng chính yếu trên mối quan hệ liên ngôi vị sâu xa giữa vợ chồng, một mối quan hệ được bảo trì bởi lòng cảm mến và sự tương kiến. Để có thể thực hiện được điều này, nó cần lãnh nhận dồi dào ơn trợ giúp của Thiên Chúa nơi bí tích Hôn Phối, một bí tích chất chứa ơn gọi nên thánh thực sự. Nhờ đó con cái mới có thể cảm nghiệm hơn mối hòa hợp và lòng cảm mến nơi cha mẹ của chúng, hơn là những bất đồng và bất hòa, vì tình yêu thương giữa cha mẹ là nguồn an toàn cả thể cho con cái và dạy cho chúng biết vẻ đẹp của một tình yêu thương trung thành và bền bỉ.

 

Gia đình là một sự thiện cần thiết cho các dân tộc, là một nền tảng bất khả châm chước đối với xã hội và là một kho tàng cao cả trọn đời đối với các đôi phối ngẫu. Nó là một sự thiện đặc biệt đối với con cái, thành phần được sinh ra như là hoa trái của yêu thương, của việc hoàn toàn quảng đại ban tặng bản thân mình cho nhau của cha mẹ chúng. Việc loan truyền tất cả sự thật về gia đình, một gia đình được đặt nền tảng trên hôn nhân như một Giáo Hội tại gia và là cung thánh của sự sống, là trách nhiệm lớn lao đối với tất cả mọi người.

 

Người cha và người mẹ đã hoàn toàn ‘chấp nhận’ nhau trước nhan Thiên Chúa, Đấng thiết lập nền tảng của bí tích liên kết họ lại với nhau này. Cũng thế, để mối liên hệ nội tại của gia đình được hoàn trọn, họ cũng cần phải ‘ưng thuận’ chấp nhận con cái là thành phần họ hạ sinh hay nhận nuôi, và chấp nhận mỗi người trong chúng có nhân cách và cá tính riêng. Nhờ đó, con cái mới phát triển trong một bầu khí chấp nhận và yêu thương, và về phần mình, khi tiến tới chỗ trưởng thành trọn vẹn, chúng mới muốn ‘chấp nhận’ những ai đã ban sự sống cho chúng.

 

Những khó khăn thách đố của xã hội ngày nay, mộït xã hội được đánh dấu bằng các lực ly tâm xuất phát đặc biệt nơi những mội trường phố thị, là những gì cần phải làm sao để bảo đảm rằng các gia đình không cảm thấy lẻ loi một mình. Một gia đình nhỏ bé có thể đụng đầu với những trở ngại khó khăn khi nó bị cô lập khỏi họ hàng thân thuộc và bạn hữu. Bởi thế cộng đồng giáo hội có trách nhiệm cống hiến sự nâng đỡ, phấn khích và việc nuôi dưỡng thiêng liêng là những gì có thể củng cố mối liên kết gắn bó gia đình, nhất là trong những lúc thử thách hay khó khăn. Ở đây các giáo xứ đóng một vai trò quan trọng, cũng như các đoàn thể khác nhau trong giáo hội, những đoàn thể được kêu gọi để hợp tác như những cấu kết nâng đỡ và là những bàn tay cứu trợ cho việc các gia đình phát triển trong đức tin. 

 

Chúa Kitô đã tỏ cho chúng ta những gì bao giờ cũng là nguồn mạch tuyệt đỉnh cho đời sống của chúng ta, nên do đó cũng là nguồn mạch tuyệt đỉnh cho đời sống của các gia đình nữa: ‘Đây là giới huấn của Thày, đó là các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con. Không ai có tình yêu lớn lao hơn người hiến mạng cho bạn hữu của mình’ (Jn 15:12-13). Tình yêu của chính Thiên Chúa đã tuôn đổ trên chúng ta nơi Phép Rửa. Bởi thế các gia đình được kêu gọi cảm nghiệm cùng một thứ tình yêu này, vì Chúa Kitô đã làm cho nó thành khả dĩ để qua tình yêu thương của nhân loại chúng ta có thể cảm nhận, yêu thương và xót thương như Chúa Kitô.

 

Cùng với việc truyền đạt đức tin và tình yêu Thiên Chúa, một trong những trách nhiệm lớn nhất của các gia đình đó là trách nhiệm đào luyện những con người tự do và hữu trách. Đó là lý do cha mẹ cần phải dần dần làm cho con cái mình được tự do hơn nữa, trong khi đó có những lúc vẫn phải canh chừng cái tự do này. Nếu con cái thấy rằng cha mẹ của chúng, nói một cách tổng quát hơn, nếu chúng thấy tất cả những người lớn chung quanh chúng, sống một cuộc đời hân hoan và nhiệt thành, bất chấp tất cả mọi khó khăn, thì tự chúng sẽ phát triển cái ‘niềm vui của cuộc đời’ ấy, một niềm vui có thể giúp chúng khôn ngoan thắng vượt những trở ngại và trục trặc bất khả tránh vốn xẩy ra trong cuộc đời. Ngoài ra, khi các gia đình không sống co kín thì con cái mới tiến đến chỗ nhận thấy rằng hết mọi người đều đáng yêu thương, và tình yêu thương huynh đệ đại đồng nồng cốt là những gì bao gồm hết mọi con người. 

 

Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình lần thứ năm này kêu gọi chúng ta hãy suy nghĩ về một đề tài đặc biệt quan trọng, một đề tài đầy trách nhiệm, đó là đề tài việc truyền đạt đức tin trong gia đình. Đề tài này được diễn tả một cách đẹp đẽ trong Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: ‘Như một người mẹ dạy cho con cái mình nói năng và nhờ đó chúng hiểu biết và biết thông đạt, Giáo Hội là Người Mẹ của chúng ta cũng dạy cho chúng ta biết thứ ngôn ngữ của đức tin để dẫn chúng ta đến chỗ hiểu biết và sống đức tin’ (số 171).

 

Điều này được biểu hiệu nơi phụng vụ Phép Rửa, ở chỗ, qua việc trao cây nến sáng, thành phần cha mẹ thuộc về mầu nhiệm của sự sống mới, khi con cái nam nữ của họ được trở thành con cái của Thiên Chúa qua nước rửa tội.

 

Việc truyền đạt đức tin cho con cái, với sự trợ giúp của các cá nhân cũng như những tổ chức, như giáo xứ, học đường hay các hội đoàn Công Giáo, là một trách nhiệm cha mẹ không thể coi thường, bỏ bê hoặc hoàn toàn phó mặc cho kẻ khác. ‘Gia đình Kitô hữu được gọi là giáo hội tại gia vì gia đình biểu lộ và sống bản chất hiệp thông và thân tình của Giáo Hội như gia đình của Thiên Chúa. Mỗi phần tử gia đình, theo vai trò nam hay nữ của mình, đều thực hiện thiên chức tư tế của phép rửa và góp phần vào việc làm cho gia đình thành một cộng đồng ân sủng và nguyện cầu, thành một học đường của các nhân đức nhân bản và Kitô Giáo, và thành một nơi đầu tiên loan truyền đức tin cho con cái’ (Cuốn Tổng Tắt Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 350). Chưa hết, ‘Cha mẹ, vì việc tham dự của họ vào vai trò thân phụ của Thiên Chúa, có trách nhiệm trước hết đối với việc giáo dục con cái mình, và họ là những người đầu tiên loan báo tin mừng đức tin cho con cái. Họ có nhiệm vụ yêu thương và tôn trọng con cái của họ như là những con người và như là những người con cái của Thiên Chúa… họ đặc biệt có sứ vụ giáo dục con cái mình theo đức tin Kitô Giáo’ (Sách Vừa Dẫn, 460).

 

Ngôn ngữ của đức tin được học biết tại các gia đình là nơi đức tin này phát triển và được củng cố bằng việc nguyện cầu và sống đời Kitô hữu. Trong bài đọc theo Sách Nhị Luật chúng ta đã nghe lời cầu nguyện được Dân Chúa liên lỉ lập lại, đó là lời nguyện ‘Shema Israel’, một lời nguyện cầu được chính Chúa Giêsu đã nghe và đọc trong gia đình Người ở Nazarét. Chính Người cũng nhắc đến nó trong cuộc đời công khai của mình, như chúng ta thấy trong Phúc Âm Thánh Marcô (12:29). Đó là đức  tin của Giáo Hội, một đức tin được xuất phát từ mối tình yêu thương của Thiên Chúa là những gì thể hiện qua gia đình của anh chị em. Việc sống trọn vẹn đức tin này, nơi tất cả tính chất mới mẻ lạ lùng của nó, là một tặng ân cao cả. Cũng thế, vào những lúc Thiên Chúa dường như ẩn mặt đi, thì việc tin tưởng có thể trở thành khó khăn và đòi hỏi nhiều cố gắng.

 

Cuộc họp này cống hiến một động lực mới cho việc loan truyền Phúc Âm gia đình, cho việc tái khẳng định sức mạnh và căn tính của gia đình được thiết lập trên hôn nhân và hướng về việc quảng đại ban phát tặng ân sự sống, nơi con cái được giúp phát triển cả về thể lý lẫn thiêng liêng. Đó là đường lối hay nhất trong việc đương đầu với chủ nghĩa khoái lạc đang tràn lan là những gì biến những mối liên hệ con người thành tầm thường và làm trống rỗng giá trị đích thực cùng với vẻ đẹp của những mối liên hệ ấy. Việc cổ võ các giá trị về hôn nhân không cản trở việc hoàn toàn cảm nghiệm được niềm hạnh phúc con người nam nữ gặp được nơi tình yêu thương nhau của họ. Đức tin và đạo lý Kitô Giáo không phải là những gì để dập tắt yêu thương mà là làm cho nó lành mạnh hơn, mãnh liệt hơn và thực sự thanh thoát hơn. Tình yêu của con người cần phải được thanh tẩy và chín mùi một khi nó trở thành hoàn toàn nhân bản và là nguyên lý cho một niềm vui chân thực bền bỉ (x Huấn Từ ở Đền Thờ Gioan Latêranô ngày 5/6/2006).

 

Bởi vậy tôi mời gọi các vị lãnh đạo chính quyền và các lập pháp gia hãy suy nghĩ về những thiện ích hiển nhiên mà các gia đình sống trong an bình và hòa hợp có thể bảo đảm mang đến cho các cá nhân và gia đình là trọng tâm của xã hội, như Tòa Thánh đã phát biểu trong Hiến Chương Các Quyền Lợi của Gia Đình. Mục đích của luật lệ là sự thiện nguyên vẹn của con người, đáp ứng các thứ nhu cầu và các nguyện vọng của họ. Sự thiện này còn mang lại ích lợi đáng kể cho xã hội, một xã hội không thể thiếu nó, và đối với các dân tộc sự thiện ấy là một sự bảo toàn và là một cuộc thanh luyện. Gia đình cũng là một học đường giúp cho con người nam nữ có thể phát triển đến tầm vóc viên trọn của nhân tính mình. Cảm nghiệm được cha mẹ yêu thương giúp cho con cái nhận thức được phẩm vị làm con cái của chúng.

 

Con cái cần phải được dưỡng dục trong đức tin, được yêu thương và được bảo vệ. Cùng với quyền được sinh ra và được dưỡng dục trong đức tin, con cái cũng có quyền được có một gia đình sống theo gương mẫu của gia đình Nazarét, và được chở che cho khỏi tất cả mọi hiểm nguy và đe dọa. Chúng ta đã nghe đọc là tôi có một người ông trên thế gian này.

 

Giờ đây tôi muốn nói với thành phần làm ông bà, những người rất quan trọng đối với hết mọi gia đình. Họ có thể là – và rất thường là – những người bảo đảm cho lòng cảm mến và dịu dàng mà hết mọi người cần trao ban và lãnh nhận. Họ cống hiến cho thành phần bé nhỏ cái phối cảnh về thời gian, họ là ký ức và là sự phong phú của các gia đình. Họ không thể nào bị loại trừ khỏi liên hệ gia đình. Họ là kho tàng mà thế hệ trẻ không được chối bỏ, nhất là khi họ làm chứng cho đức tin của họ vào giờ lâm chung của họ.

 

Giờ đây tôi muốn đọc lại một phần của kinh nguyện được anh chị em sử dụng để xin cho Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình này thành công.

 

Ôi Thiên Chúa, Đấng trong Thánh Gia

Đã để lại cho chúng con mẫu gương tuyệt vời về một đời sống gia đình

biết sống trong đức tin và tuân theo ý Chúa.

Xin giúp chúng con trở thành gương mẫu sống đức tin và yêu thương đối với các huấn giới của Chúa.

Xin giúp cho chúng con thực hiện sứ vụ truyền đạt đức tin chúng con đã lãnh nhận từ cha mẹ của mình.

Xin mở lòng con cái của chúng con ra

để hạt giống đức tin chúng đã lãnh nhận nơi Phép Rửa được tăng trưởng nơi chúng.

Xin hãy củng cố đức tin cho giới trẻ của chúng con,

để họ được lớn lên trong việc nhận biết Chúa Giêsu.

Xin hãy gia tăng yêu thương và lòng trung thành cho tất cả mọi cuộc hôn nhân,

nhất là những ai trải qua những lúc khổ đau hay khốn khó.

(…)

Liên kết với Thánh Giuse và Mẹ Maria,

chúng con xin điều này nhờ Chúa Giêsu Kitô Con Chúa, Chúa chúng con. Amen.

 

 

 

 

“Cần phải làm sao bảo đảm được rằng tiếng gọi của Thiên Chúa và tin mừng của Chúa Kitô tiến tới được với con cái của mình một cách rõ ràng nhất và trung thực nhất”

 

Bài Giảng Thánh Lễ Bế Mạc ngày 9/7/2006 tại City of Arts and Sciences

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Trong Thánh Lễ tôi hết sức vui mừng cử hành này, cùng với nhiều Quí Huynh của tôi trong hành Giáo Phẩm và rất nhiều vị linh mục, tôi tạ ơn Chúa cho tất cả anh chị em, một đám đông các gia đình yêu dấu hân hoan qui tụ lại nơi này, cùng với nhiều người khác ở các mảnh đất xa xôi đang theo dõi việc cử hành này qua truyền thanh và truyền hình. Tôi hết lòng ưu ái chào tất cả anh chị em.

 

Cả Bà Esther và Thánh Phaolô, như chúng ta đã nghe qua các bài đọc hôm nay, chứng thực rằng gia đình được kêu gọi để thực hiện việc truyền đạt đức tin. Bà Esther công nhận rằng: ‘Ngay từ khi tôi được sinh ra, tôi đã nghe nói trong chi tộc của gia đình tôi rằng Chúa, Ôi Chúa, đã mang Yến Duyên ra khỏi tất cả mọi dân nước’ (14:5). Thánh Phaolô đã tuân giữ truyền thống tổ tiên Do Thái của mình nơi việc tôn thờ Thiên Chúa bằng một lương tâm tinh tuyền. Ngài ca ngợi niềm tin chân thành của Timôthêu và nói với anh về ‘một đức tin trước hết được sống động nơi bà của anh là Lois và mẹ của anh là Eunice, mà giờ đây tôi tin rằng đang sống động nơi con’ (2Tim 1:15). Nơi những chứng từ thánh kinh ấy, gia đình bao gồm chẳng những cha mẹ và con cái, mà còn cả ông và và tổ tiên nữa. Bởi vậy gia đình đối với chúng ta như là một cộng đồng của các thế hệ và là một bảo đảm cho một gia sản của các truyền thống.

 

Không ai trong chúng ta ban cho chính mình sự sống hay tự mình biết cách sống động. Tất cả chúng ta đều lãnh nhận từ người khác cả chính sự sống lẫn những sự thật nồng cốt của sự sống, và chúng ta được kêu gọi để đạt tới tấm mức trọn hảo nơi mối liên hệ và niềm hiệp thông yêu thương với kẻ khác. Gia đình, được xây dựng trên hôn nhân bất khả tháo gỡ giữa người nam và người nữ, là biểu hiện cho khía cạnh sự sống liên hệ, con cái và hiệp thông này. Nó là một môi trường giúp cho con người nam nữ có thể được sinh ra cách xứng đáng, và tăng trưởng cùng phát triển một cách toàn vẹn.

 

Khi con cái được sinh ra, qua việc liên hệ của chúng với cha mẹ mình, chúng bắt đầu tham phần vào một thứ truyền thống gia đình có những cội gốc thậm chí còn cổ kính hơn nữa. Cùng với tặng ân sự sống, chúng còn lãønh nhận cả một gia sản kinh nghiệm. Cha mẹ có quyền và nhiệm vụ bất khả chuyển nhượng trong việc truyền đạt gia sản ấy cho con cái mình, ở chỗ giúp chúng thấy được căn tính của chúng, đưa chúng vào cuộc sống xã hội, nuôi dưỡng việc thực hành một cách hữu trách quyền tự do về luân lý của chúng cùng với khả năng của chúng trong việc yêu thương dựa trên căn bản chúng được yêu thương, nhất là giúp cho chúng có thể gặp gỡ Thiên Chúa. Con cái cảm nghiệm được sự tăng trưởng và chín chắn về nhân bản cho tới độ chúng tin tưởng chấp nhận cái gia sản này cùng với việc đào luyện làm cho chúng dần dần biến thành của chúng. Bởi thế chúng có thể thực hiện một thứ tổng hợp riêng tư cho chúng giữa những gì là được truyền đạt với những gì là mới mẻ, một tổng hợp mà mọi người và thế hệ được mời gọi để thực hiện.

 

Ở nguồn gốc của hết mọi con người nam nữ, do đó, cũng ở nơi tất cả mọi vai trò làm cha và làm mẹ của con người, chúng ta thấy Thiên Chúa Hóa Công. Đó là lý do, các cặp phối ngẫu cần phải chấp nhận người con được sinh ra cho họ, chẳng những như là đứa con riêng của họ còn là một người con của Thiên Chúa nữa, một người con tự chúng đáng được yêu thương và được kêu gọi để trở thành một người con trai hay con gái của Thiên Chúa. Chưa hết, mỗi một thế hệ, tất cả mọi vai trò làm thân phụ mẫu và hết mọi gia đình đều được bắt nguồn từ Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần.

 

Người cha của Bà Esther đã truyền đạt cho bà, cùng với những hồi niệm về những gì bà chịu đựng cùng với nhân dân của bà, hồi niệm về một vị Thiên Chúa là nguồn mạch của tất cả mọi sự và là Đấng tất cả được kêu gọi để đáp ứng. Hồi niệm về Thiên Chúa là Cha, Đấng đã chọn một dân tộc cho mình và là Đấng tác hành trong lịch sử vì phần rỗi của chúng ta. Hồi niệm về Người Cha này chiếu sáng căn tính sâu xa nhất của loài người chúng ta: chúng ta từ đâu đến, chúng ta là ai, và phẩm vị của chúng ta cao cả là chừng nào. Chắc chắn chúng ta từ cha mẹ của mình mà có và chúng ta là con cái của các vị, thế nhưng chúng ta cũng xuất phát từ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên chúng ta theo hình ảnh Ngài và kêu gọi chúng ta trở nên con cái của Ngài. Bởi thế, ở nguồn gốc của hết mọi con người không có gì là ngẫu nhiên hay tình cờ cả, mà là một dự án yêu thương của Thiên Chúa. Điều này đã được Chúa Giêsu Kitô tỏ cho chúng ta biết, một Người Con đích thực của Thiên Chúa và là một con người toàn hảo. Người biết Người từ đâu tới và biết tất cả chúng ta đến từ đâu: từ tình yêu của Cha của Người và là Cha của chúng ta.

 

Bởi thế, đức tin không phải chỉ là một gia sản văn hóa, mà là một tác động liên tục giữa ân sủng Thiên Chúa là Đấng đang kêu gọi với quyền tự do của con người chúng ta là những gì có thể đáp lại hay chăng tiếng gọi của Ngài. Mặc dù không ai có thể đáp ứng thay cho kẻ khác, cha mẹ Kitô hữu vẫn được kêu gọi để thực hiện một chứng từ khả tín cho thấy niềm tin tưởng và hy vọng của họ. Cần phải làm sao bảo đảm được rằng tiếng gọi của Thiên Chúa và tin mừng của Chúa Kitô tiến tới được với con cái của mình một cách rõ ràng nhất và trung thực nhất.

 

Qua năm tháng, tặng ân này của Thiên Chúa được cha mẹ nêu lên trước mắt những con người nhỏ bé ấy cũng cần phải được vun trồng một cách khôn ngoan và dịu dàng, để làm thấm nhập nơi chúng một khả năng nhận thức. Nhờ đó, với chứng từ liên tục của tình yêu phối ngẫu nơi cha mẹ mình, được thấm nhiễm một đức tin sống động, và với sự phụ họa ưu ái của cộng đồng Kitô hữu, thành phần con cái được hỗ trợ hơn nữa trong việc sống xứng đáng với tặng ân đức tin của mình, trong việc khám phá ra ý nghĩa sâu xa nhất của đời sống chúng, cũng như trong việc đáp ứng với lòng hân hoan cảm tạ.

 

Gia đình Kitô hữu truyền đạt đức tin khi cha mẹ dạy cho con cái mình biết nguyện cầu, và khi họ cầu nguyện với chúng (x Tông Huấn Familiaris Consortio, 60); khi họ dẫn chúng đến với các phép bí tích và dần dần đưa chúng vào đời sống của Giáo Hội; khi tất cả hợp nhau đọc Thánh Kinh, để cho ánh sáng đức tin chiếu soi đời sống gia đình và chúc tụng Thiên Chúa như Người Cha của chúng ta.

 

Trong nền văn hóa hiện đại, chúng ta thường thấy một thứ tôn sùng thái quá quyền tự do của cá nhân như là một chủ thể tự lập, như thể chúng ta là thành phần tự tạo và tự mãn, không dính dáng gì tới mối liên hệ giữa chúng ta với người khác cũng như tới trách nhiệm của chúng ta đối với họ. Hiện đang có những nỗ lực muốn tổ chức đời sống của xã hội theo chiều hướng thuần túy theo các ước muốn chủ quan và phù phiếm, tách biệt khỏi những chân lý ưu tiên khách quan, như phẩm vị của mỗi một con người và những quyền lợi cùng nhiệm vụ bất khả chuyển nhượng của họ là những gì hết mọi nhóm xã hội được kêu gọi để phục vụ.

 

Giáo Hội không thôi nhắc nhở chúng ta rằng cái tự do đích thật của con người xuất phát từ việc chúng ta được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa. Bởi thế việc giáo dục của Kitô Giáo là một thứ giáo dục trong tự do và cho tự do. ‘Chúng ta không thực hiện sự thiện như là thành phần nô lệ, thành phần không được quyền làm khác đi, thế nhưng chúng ta làm như thế là vì bản thân chúng ta có trách nhiệm với thế giới; vì chúng ta yêu mến sự thật và sự thiện, vì chúng ta yêu mến chính Thiên Chúa nên yêu thương cả các tạo vật của Ngài nữa. Đó là cái tự do thật sự mà Thánh Thần muốn chúng ta theo’ (Bài Giảng Lễ Vọng Hiện Xuống, 9/6/2006).

 

Chúa Giêsu Kitô là con người hoàn hảo, là mẫu gương của quyền tự do con cái, Đấng dạy chúng ta hãy chia sẻ với kẻ khác tình yêu của Người: ‘Như Cha đã yêu mến Thày thế nào Thày cũng yêu thương các con như vậy; các con hãy ở trong tình yêu của Thày’ (Jn 15:9). Và vì thế Công Đồng Chung Vatican II cũng dạy chúng ta rằng: ‘Các đôi phối ngẫu và cha mẹ Kitô hữu, tùy theo đường lối của mình, cần phải nhờ ân sủng nâng đỡ nhau suốt đời bằng một tình yêu thủy chung, và cần phải đào luyện con cái của mình là thành phần họ ưu ái lãnh nhận từ Thiên Chúa theo giáo huấn Kitô Giáo và các nhân đức phúc âm. Vì nhờ thế họ mới cho tất cả mọi người thấy được một mẫu gương của tình yêu thương bền bỉ và quảng đại, họ xây đắp mối tình huynh đệ bác ái, và họ sống như những chứng nhân và cộng tác viên cho việc trổ sinh hoa trái của Mẹ Giáo Hội, như một dấu hiệu của và như một sự tham phần vào tình yêu Chúa Kitô giành cho Vị Hôn Thê của Người và hiến thân cho vị hôn thê này’ (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, 41).

 

Mối tình yêu thương hoan lạc nhờ đó cha mẹ của chúng ta đã đón nhận chúng ta và giúp chúng ta những bước tập tễnh vào đời giống như một dấu bí tích và là việc kéo dài của mối tình Thiên Chúa nhân ái  yêu thương tạo dựng nên chúng ta. Cảm nghiệm được đón nhận và yêu thương bởi Thiên Chúa và bởi cha mẹ của chúng ta bao giờ cũng là nền tảng vững chắc cho việc tăng trưởng chân thực về nhân bản và việc phát triển chân thực, giúp chúng ta trưởng thành trên con đường tiến tới chân lý và yêu thương, và giúp chúng ta vượt ra khỏi bản thân mình để tiến vào mối hiệp thông với người khác cũng như với Thiên Chúa.

 

Để giúp chúng ta tiến bước trên con đường trưởng thành về nhân bản, Giáo Hội dạy chúng ta hãy tôn trọng và nuôi dưỡng cái thực tại diệu kỳ của cuộc hôn nhân bất khả tháo gỡ giữa người nam và người nữ đồng thời cũng là nguồn gốc của gia đình. Việc nhìn nhận và nâng đỡ cơ cấu hôn nhân này là một trong những dịch vụ cao cả nhất ngày nay có thể cống hiến cho công ích cũng như cho việc phát triển chân thực của các cá nhân cũng như các xã hội, và là phương tiện tốt nhất để bảo đảm phẩm vị, sự bình đẳng và quyền tự do thực sự của con người.

 

Trong trường hợp này, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng và vai trò tích cực của các đoàn thể khác nhau trong Giáo Hội đang thực hiện để nâng đỡ đời sống hôn nhân và gia đình. Bởi thế, ‘tôi muốn kêu gọi tất cả mọi Kitô hữu hãy thân ái và can đảm hợp tác với tất cả mọi người thiện chí đang phục vụ gia đình theo trách nhiệm của họ’ (Tông Huấn Familiaris Consortio, 86), nhờ đó, bằng việc chung sức hợp lực một cách đa dạng thích đáng về các hoạt động, họ sẽ góp phần vào việc cổ võ sự thiện đích thực của gia đình trong xã hội hiện đại.

 

Chúng ta hãy trở lại trong chốc lát với bài đọc một của Thánh Lễ hôm nay, được trích từ Sách Esther. Giáo Hội khi nguyện cầu thấy được nơi vị nữ hoàng khiêm hạ này trong việc hết lòng chuyển cầu cho đám dân đau khổ của bà một tiền thân của Mẹ Maria, Vị đã được Con Mẹ ban cho tất cả chúng ta như Mẹ của chúng ta; một tiền thân về Người Mẹ vì yêu thương bảo vệ gia đình của Thiên Chúa trong cuộc lữ hành trần gian của gia đình này. Mẹ Maria là hình ảnh và là mô phạm cho tất cả mọi người mẹ, cho sứ vụ cao cả của họ trong việc làm bảo quản viên của sự sống, cho sứ vụ của họ trong việ clàm thày dạy nghệ thuật sống và nghệ thuật yêu.

 

Gia đình Kitô hữu – gồm có người cha, người mẹ và con cái – bởi thế, được kêu gọi để thực hiện tất cả những điều ấy, không phải như llà một công việc bị áp đặt từ bên ngoài, trái lại, như một tặng ân của ân sủng bí tích hôn nhân được tuôn đổ xuống trên đôi phối ngẫu. Nếu họ tiếp tục cởi mở trước Thần Linh và van nài ơn trợ giúp của Ngài thì Ngài sẽ không ngừng ban cho họ tình yêu của Thiên Chúa là Cha được biểu lộ và hiện thân nơi Chúa Kitô. Sự hiện diện của Thần Linh sẽ giúp cho các đôi phối ngẫu không bị lạc mất cái mạch nguồn và tiêu chuẩn của việc họ yêu thương cùng tự hiến, và sẽ giúp họ hợp tác với Ngài để làm sự hiện diện ấy trở thành hữu hình cùng hiện thực nơi mọi khía cạnh của cuộc sống họ. Thần Linh cũng sẽ làm bừng lên nơi họ một khát vọng được hội ngộ vĩnh viễn với Chúa Kitô nơi nhà Cha của Người cũng là Cha của chúng ta. Và đó là sứ điệp hy vọng mà, từ Valencia, tôi muốn chia sẻ với tất cả mọi gia đình trên thế giới. Amen.