CHUYẾN TÔNG DU HÀNH HƯƠNG ĐẠI KẾT VÀ LIÊN TÔN 2001

 

  

Ai trong chúng ta cũng biết ĐTC Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng tông du nhiều nhất từ trước đến nay, theo tôi, có thể là vô tiền khoáng hậu, vì không biết sau này có còn vị nào chăn dắt Giáo Hội hoàn vũ lâu như Ngài chăng. Bởi thế, nếu không kể đến vô số lần Ngài đến viếng thăm các giáo xứ ở Rôma hằng tuần với tư cách là Giám Mục Rôma trong 22 năm rưỡi, mà chỉ kể đến các nơi ngoài Nước Ý, thì chuyến tông du của Ngài lần này là chuyến thứ 93. Lần tông du 92 trước lần này là lần Ngài sang Fatima Bồ Đào Nha phong Á Thánh cho hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta ngày 12-13/5/2000.

 

Trong chuyến tông du 93 của ĐTC lần này kéo dài tất cả là 6 ngày trong đầu Tháng Năm 2001, ngày mùng 4 và 5, Ngài ở Hy Lạp, rồi từ mùng 5 đến mùng 8 Ngài ở Syria, và sau cùng ngày mùng 8 và 9 Ngài ở Malta.

 

Ngay trong bức Thông Điệp đầu tiên của ĐTC được ban hành sau khi mới làm giáo hoàng hơn năm tháng, Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay 4/3/1979, bức Thông Điệp nói lên tất cả tinh thần và đường hướng của vị giáo hoàng thứ 264, bức Thông Điệp mang tựa đề Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần Redemptor Hominis, ĐTC đã hướng về việc Mừng Năm Thánh 2000 ngay trong đoạn mở đầu. Thật vậy, Việc Mừng Năm Thánh 2000, như ĐTC đã nói đến ở đoạn 23 trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến,  một văn kiện ban hành ngày 26/11/1995, là việc làm chính yếu của giáo triều Ngài. Việc Mừng Năm Thánh 2000 quan trọng và chính yếu đến nỗi, cũng trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, từ đoạn 18 đến 28, ĐTC đã cho rằng các biến cố quan trọng của Giáo Hội, trong đó có Công Đồng Chung Vaticanô II, các Cuộc Thượng Hội Giám Mục Thế Giới, các Cuộc Tông Du của Đức Thánh Cha, đều là những biến cố dẫn đến việc Mừng Năm Thánh 2000 này. Do đó, chúng ta thấy chưa có một Năm Thánh nào từ trước đến nay được tổ chức kỹ lưỡng và long trọng như vậy. Và việc Mừng Đại Năm Thánh 2000 có ý nghĩa nhất là việc Hành Hương đến những nơi thánh, những nơi ghi dấu vết Lịch Sử Cứu Độ nói chung, nhất là những nơi Thiên Chúa Làm Người đã nhập thể, giáng sinh, truyền giáo, tử nạn và phục sinh. Cũng trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, ở đoạn 24, ĐTC đã ngỏ ý muốn hành hương đến những miền Đất Thánh, liên quan đến Lịch Sử Cứu Độ và Truyền Giáo, như Thành Ur ở nước Irắc, quê hương đầu tiên của tổ phụ đức tin Abraham, như Núi Sinai ở Ai Cập, nơi Thiên Chúa ban Mười Điều Răn cho dân Do Thái qua trung gian Moisen, nhất là Thánh Địa ở Do Thái, nơi Thiên Chúa Giáng Sinh Làm Người và Cứu Thế. Về Thánh Ur ở Irắc, như chúng ta nghe chính Ngài kể lại trong Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ hai tuần trước, vì chưa đến thời điểm Chúa muốn, nên Ngài chỉ có thể kính viếng một cách thiêng liêng tại Rôma vào ngày 22/2 năm 2000 mà thôi. Còn Núi Sinai bên Ai Cập, Ngài đã đến tận nơi ngày 26/2/2000, và Thánh Địa Do Thái, Ngài cũng đã hoàn toàn được toại nguyện qua chuyến tông du 91, từ 20 đến 26 tháng 3 trong năm Thánh 2000. Bởi thế, chuyến tông du 93 này là chuyến tông du tiếp tục cuộc hành hương Năm Thánh của Ngài. Vì ba địa điểm của chuyến tông du hành hương đây liên quan đến lịch sử truyền giáo của Thánh Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô: như Thành Nhã Điển ở Hy Lạp là nơi Thánh Nhân đã đến rao giảng trong Công Đường của họ về Chúa Kitô Phục Sinh, hay Thành Đamascô ở Syria là nơi Thánh Nhân bị quật ngã ngay trên con đường ngài đang hung hăng đi bắt bớ các Kitô hữu tiên khởi, nhờ đó ngài đã nhận biết Đấng Phục Sinh để trở thành Vị Tông Đồ Dân Ngoại của Người, và địa điểm cuối cùng của cuộc tông du 93 của ĐTC là đảo Malta, nơi Thánh Phaolô cùng với các tù nhân khác bị đắm tầu và trôi dạt vào đó trên hải trình ngài bị giải về Rôma.

 

Vì đi tông du với tính cách hành hương đến những nơi liên quan đến Lịch Sử Truyền Giáo của Thánh Phaolô, Vị Tông Đồ Dân Ngoại, như thế, nên ĐTC cũng theo gương Thánh Phaolô thực hiện sứ mệnh Tông Đồ Truyền Giáo của mình. Ở Hy Lạp, Ngài đã thực hiện sứ vụ Tông Đồ của mình bằng việc xin lỗi anh chị em Chính Thống Giáo, và ở Syria, Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên đã bước đào đền thờ của Hồi Giáo như dấu hiệu nói lên việc đẩy mạnh vấn đề đối thoại liên tôn và tôn trọng lẫn nhau.

 

Trước hết, ĐTC đã thực hiện sứ mệnh Tông Đồ của mình tại Hy Lạp, một nước hầu như toàn tòng Chính Thống Giáo, như nguyên tại TGP Nhã Điển có 6 triệu dân chỉ có 30 ngàn người Công Giáo. Việc tông đồ đáng kể nhất của Ngài là việc Ngài lên tiếng xin lỗi họ trong buổi gặp gỡ Hội Đồng Giám Mục Hy Lạp tại dinh Thượng Phụ Christodoulos, Tổng Giám Mục Nhã Điển cũng là vị lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp tại dinh của vị này trưa ngày 4/5, như sau:

 

·        Đối với những trường hợp đã qua hay hiện thời do con cái nam nữ của Giáo Hội Công Giáo đã xúc phạm đến anh chị em Chính Thống, bằng việc hành động hay bỏ không chịu hành động cách nào, thì chúng tôi xin Chúa thương tha thứ cho chúng tôi”.

 

Về lý do tại sao ĐTC đã đại diện Giáo Hội Công Giáo chính thức lên tiếng xin lỗi anh chị em Chính Thống như vậy là vì hành động của Đạo Binh Thánh Chiến Công Giáo lần thứ tư đã chiếm Contantinôpôli là Trung Tâm Chính Thống Giáo hai lần vào năm 1203 và 1204 để thành lập Đế Quốc Latinh. Ngài đã đề cập đến sự kiện đáng tiếc này như sau:

 

·        “Thê thảm thay việc làm của những kẻ ra tay tấn công, những kẻ ra đi để bảo đảm cho Kitô hữu được tự do đến Thánh Địa, lại quay ra phản lại anh chị em cùng đức tin với mình. Chính vì họ là những người Kitô hữu Latinh mà thành phần Công Giáo lấy làm hết sức tiếc xót… Chỉ có một mình Thiên Chúa mới có quyền phân xử, nên chúng tôi xin phó thác cho tình thương vô cùng hải hà của Ngài cái gánh nặng quá khứ này, nài xin Ngài hãy hàn gắn những dấu tích thương đau vẫn còn nhức nhối nơi tâm thần của dân chúng Hy lạp”.

 

 

 

Sau nữa, cùng với sứ vụ Tông Đồ của mình tại Hy Lạp, ĐTC còn thực hiện sứ vụ Truyền Giáo của mình tại Syria, một nước hầu như toàn tòng Hồi Giáo, với 16 triệu mốt dân số, trong đó chỉ có 9 phần trăm Kitô giáo, và trong 9 phần trăm Kitô giáo này có 6% Chính Thống, 2% Công Giáo và 1% Tin Lành. Ngược lại với ở Hy Lạp, tại Syria, ĐTC đã được tổng thống và viên chức cao cấp trong chính phủ đón tiếp ngay khi Ngài tới đất nước của họ. Chuyến Tông Du đến một nước Hồi Giáo Ả Rập này của ĐTC là chuyến Tông Du thứ tám, sau chuyến ở Moroccô năm 1985, ở Tunisia năm 1996, ở Lêbanon năm 1997, ở Ai Cập, Jordan và ở Palestine Đất Thánh vào năm 2000. Tại Syria, lần đầu tiên trong lịch sử của Giáo Hội Công Giáo, ĐTC đã bước vào Đại Đền Omayyad, một ngôi đền được xây cất từ thế kỷ thứ tám sau khi Hồi Giáo chiếm Đamascô, một ngôi đền  được xây cất trên nhiều dinh thự có trước, trong đó có cả Thánh Đường Thánh Gioan Tẩy Giả, vị cũng được Hồi Giáo tôn kính như là một tiên tri. Đây không phải là lần đầu tiên ĐTC Giaon Phaolô II tiến vào nơi thánh của một tôn giáo khác. Năm 1986, Ngài cũng đã vào một Hội Đường Do Thái ở Rôma. Ngoài ra, năm 1989, Ngài cũng đã đi ngang qua một vị trí của một ngôi đền Hồi Giáo cũ đã biến thành một bảo tàng viện, hay năm 2000 Ngài cũng đã ghé thăm khu vựa ngoài ngôi đền Al-Aqsa ở Giêrusalem. Lần này, để thực sự bước vào ngôi Đại Đền Hồi Giáo ở Syria, theo lệ của họ, ĐTC đã bỏ giầy ra, thay bằng đôi hài đi trong nhà. Sau đó, Ngài đã ngỏ lời cùng các vị đại diện Hồi Giáo tại sân của Ngôi Đại Đền này như sau:

 

·        Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay nơi Đền Omayyad này là biểu hiểu cho thấy việc chúng ta quyết tâm nhất định tiến triển vấn đề đối thoại liên tôn giữa Giáo Hội Công Giáo và Hồi Giáo… Hồi Giáo và Kitô Giáo cần phải cùng nhau tiếp tục triển khai những vấn đề về triết lý và thần học, để hiểu biết niềm tin về đạo giáo của nhau một cách khách quan và toàn vẹn hơn. Việc hiểu biết nhau hơn như thế chắc chắn, về phương diện thực hành, sẽ đưa đến một đường lối mới mẻ trong việc trình bày đạo giáo của chúng ta, không phải một cách tương phản như đã từng xẩy ra hết sức thường xuyên trong quá khứ, mà bằng một mối tương thân tương ái vì thiện ích của gia đình nhân loại… Những kinh nghiệm tích cực phải làm cho hai cộng đồng đạo giáo chúng ta thêm kiên cường hơn nữa trong niềm hy vọng sống bình an hòa thuận với nhau; những kinh nghiệm tiêu cực không được làm mai một đi niềm hy vọng này. Vì Hồi Giáo và Kitô Giáo không lúc nào thôi xúc phạm đến nhau, mà chúng ta cần phải xin Đấng Toàn Năng tha thứ cho chúng ta và chính chúng ta cũng phải thứ tha lẫn cho nhau nữa”.

 

 (Tin Mừng Sự Sống, buổi phát thanh thứ ba mươi lăm, Chúa Nhật 13/5/2001)