I 

TỪ CHÚA KITÔ, ĐẤNG TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA

ĐẾN GIÁO HỘI TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA 

 

 

6-      Chứng Từ và Sứ Vụ của Chúa Giêsu

 

Chứng từ Chúa Giêsu đã tỏ cho chúng ta thấy về chính mình Người và là chứng từ Thánh Luca đã thu thập lại trong Phúc Âm của mình – “Tôi phải loan báo Tin Mừng về nước Thiên Chúa” (Lk.4:43) – chắc chắn có những thành quả lớn lao, vì nó gồm tóm tất cả sứ vụ của Chúa Giêsu: “Đó là điều Tôi được sai đi để làm” (ibid.). Những lời này thật sự mang một tính cách quan trọng, nếu người ta liên kết chúng với các câu trước đó, tức với những lời của tiên tri Isaia được Chúa Giêsu dùng để chỉ áp dụng cho bản thân Người: “Thần Linh Chúa được ban cho Tôi, vì Ngài đã xức dầu cho Tôi. Ngài đã sai Tôi đi mang tin mừng cho người nghèo khó” (Lk.4:18; x.Is.61:1)

 

Việc đi từ tỉnh lị này tới thị xã kia, rao giảng cho người bần cùng nhất – thường là thành phần dễ chấp nhận lời Người rao giảng nhất – tin mừng về việc Thiên Chúa hoàn thành các lời hứa cũng như Giao Ước của Ngài, là một sứ vụ được Chúa Kitô công bố là do Cha đã sai Người đi để thực hiện. Tất cả mọi khía cạnh nơi mầu nhiệm của Người – chính việc Nhập Thể, các phép lạ Người làm, giáo thuyết Người dạy, việc Người qui tụ các môn đệ, việc Người sai 12 Vị đi, thập giá và phục sinh, việc Người luôn ở cùng thành phần riêng của Người – đều là những yếu tố của hoạt động truyền bá phúc âm hóa.

 

7-      Chúa Giêsu là

Đấng Truyền Bá Phúc Âm Hóa Tiên Khởi

 

Trong cuộc Thượng Hội, các vị giám mục rất thường hay nhắc đến chân lý này: chính Chúa Giêsu, Tin Mừng của Thiên Chúa (Mk.1:1; Rm. 1:1-3), là Đấng truyền bá phúc âm hóa tiên khởi và tuyệt nhất; Người đã hoàn tất mọi sự tới mức toàn hảo và cho đến độ hy hiến mạng sống trần gian của mình.

 

Đối với Chúa Giêsu, việc truyền bá phúc âm hóa thúc buộc này có nghĩa là gì? Chắc chắn, để diễn đạt cho thấy được tổng hợp đầy đủ cái ý nghĩa, nội dung và thể thức của việc truyền bá phúc âm hóa theo như Chúa Giêsu đã quan niệm và áp dụng không phải là một chuyện dễ. Dù có cố gắng để thực hiện một cuộc tổng luận đi chăng nữa cũng không bao giờ trọn vẹn. Chúng ta hãy tạm nhắc lại ở đây một vài khía cạnh thiết yếu.

 

8-      Loan Báo Vương Quốc của Thiên Chúa

 

Là một nhà truyền bá phúc âm hóa, Chúa Kitô trước hết loan báo về một vương quốc, vương quốc của Thiên Chúa; việc này quan trọng đến nỗi, mọi sự khác so với nó chỉ là “phần còn lại”, phần “được ban cho thêm” (x.Mt.6:33). Bởi thế, chỉ có vương quốc của Thiên Chúa mới là tất cả, và vương quốc này làm cho mọi sự khác thành thứ yếu. Bằng nhiều cách thức, Chúa Giêsu đã thích diễn tả niềm hạnh phúc được thuộc về vương quốc này (một niềm hạnh phúc ngược ngạo được tạo nên bởi những thứ bị thế gian phủ nhận) (x.Mt.5:3-12), những đòi hỏi của vương quốc ấy cùng với bản Đại Hiến Chương của nó (Mt.5-7), những người loan báo vương quốc này (x.Mt.10), các mầu nhiệm của nó (x.Mt.13), các con trẻ nhỏ của nó (x.Mt.18), việc canh thức và trung thành cần thiết đối với những ai trông đợi vương quốc này vĩnh viễn trị đến (x.Mt.24-25).

 

9-      Loan Báo Việc Giải Phóng Cứu Độ

 

Là cốt lõi và là tâm điểm Tin Mừng của mình, Chúa Kitô đã loan báo ơn cứu độ, một đại hồng ân của Thiên Chúa, đó là việc giải phóng con người khỏi mọi sự đè nén họ, nhưng trước hết là việc giải phóng họ khỏi tội lỗi và Tên Gian Ác, bằng niềm vui nhận biết Thiên Chúa và được Ngài biết đến, được chiêm ngưỡng Ngài, và được thuộc về Ngài. Tất cả tặng ân này đã được khởi sự trong cuộc sống của Chúa Kitô, rồi cuối cùng được hoàn tất nơi cuộc tử nạn và phục sinh của Người. Thế nhưng, tặng ân ấy cần phải được kiên nhẫn ban phát theo giòng lịch sử, để nó hoàn toàn được thể hiện vào ngày Chúa Kitô đến lần sau hết, một ngày không một ai biết được ngoại trừ Chúa Cha (x.Mt.24:36; Acts 1:7; 1Thess.5:1-2).

 

10.  Bằng Giá Nỗ Lực Khổ Giá

 

Vương quốc này và ơn cứu độ này, những từ ngữ chính của việc Chúa Giêsu Kitô truyền bá phúc âm hoá, sẵn sàng ban cho mọi người như là một ân huệ và tình thương, tuy nhiên, mỗi một người đồng thời cũng phải mãnh liệt để chiếm lấy – vương quốc này và ơn cứu độ này thuộc về kẻ mạnh, như Chúa Giêsu nói (x.Mt.11:12; Lk.16:16), bằng khó nhọc và khổ đau, bằng một đời sống theo Phúc Âm, bằng bỏ mình và thập giá, bằng tinh thần các phúc đức thật. Thế nhưng, trên hết, mỗi người chiếm lấy vương quốc này và ơn cứu độ này bằng một cuộc hoàn toàn canh tân nội tâm mà Phúc Âm gọi là metanoia; nó là một cuộc hoán cải thực sự, một cuộc đổi thay trí lòng (x.Mt.4:17).

 

11.  Miệt Mài Rao Giảng

 

Chúa Kitô đã hoàn tất việc loan báo vương quốc của Thiên Chúa bằng việc không ngừng rao giảng bằng lời nói, thứ ngôn từ mà, được dân cho rằng không ai bằng: “Đó là một thứ giáo thuyết mới, nói có quyền thế” (Mk.1:27). “Người đã được mọi người đón nhận, và họ ngỡ ngàng về những lời lẽ ân sủng phát ra từ môi miệng của Người” (Lk.4:22). “Chưa hề có ai nói năng như Người” (Jn.7:46). Những lời của Người mạc khải cho thấy bí mật sâu nhiệm của Thiên Chúa, dự án của Ngài và lời hứa của Ngài, nhờ đó Người làm thay đổi tâm can và định mệnh của con người. 

 

12.  Bằng Những Dấu Chỉ Phúc Âm

 

Thế nhưng, Chúa Kitô cũng thực hiện việc loan báo này bằng vô số những dấu chỉ, khiến đám đông dân chúng lạ lùng, đồng thời Người cũng kéo họ đến cùng Người, để thấy Người, nghe Người và để Người biến đổi họ: bệnh nhân được chữa lành, nước lã hoá thành rượu, bánh hóa ra nhiều, kẻ chết sống lại. Trong số tất cả những dấu chỉ này, có một dấu chỉ rất quan trọng gắn liền với Người, đó là thành phần thấp hèn và nghèo khó được truyền bá phúc âm hóa, thành phần trở nên môn đệ của Người và “nhân danh Người” qui tụ nhau lại thành một cộng đoàn lớn của những ai tin vào Người. Chúa Giêsu, Đấng đã công bố “Tôi phải rao giảng Tin Mừng của Nước Thiên Chúa” (Lk.4:43) cho thành phần này, cũng là Chúa Giêsu được Thánh Ký Gioan nói rằng Người đã đến và chết đi “để qui tụ con cái Thiên Chúa bị phân tán lại với nhau” (Jn.11:52). Như thế là Người đã đạt thành mạc khải của Người, bằng cách hoàn tất nó và chứng thực nó bằng tất cả việc Người tỏ Mình ra, qua lời nói và việc làm, qua dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cuộc tử nạn, qua việc phục sinh và qua việc sai Thần Chân Lý đến (x. Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mạc Khải Dei Verbum, đoạn 4: AAS 58 –1966 – pp 818-819).

 

13.  Cho Cộng Đồng được Truyền Bá Phúc Âm Hóa và làm Việc Truyền Bá Phúc Âm Hóa thấy

 

Những ai thành tâm chấp nhận Tin Mừng, thì nhờ quyền năng của việc chấp nhận này cũng như của niềm tin chung, qui tụ nhau lại vì danh Chúa Giêsu, để cùng nhau tìm kiếm vương quốc ấy, xây dựng và sống vương quốc ấy. Họ làm nên một cộng đồng lãnh trách nhiệm truyền bá phúc âm hóa. Lệnh truyền cho 12 Vị ra đi loan báo Tin Mừng cũng áp dụng cho tất cả mọi Kitô hữu, cho dù theo cách thức khác nhau. Chính vì lý do này Thánh Phêrô đã gọi Kitô hữu là “một dân được tách biệt ra để chúc tụng Thiên Chúa” (1Pt.2:9), để ca ngợi những điều kỳ diệu mà mỗi một người có thể nghe thấy bằng ngôn ngữ riêng của mình (x.Acts 2:11). Hơn thế nữa, Tin Mừng về vương quốc đang đến và đã được khởi sự này còn nhắm đến tất cả mọi dân nước qua giòng thời gian. Những ai đã lãnh nhận Tin Mừng, cũng là những ai được Tin Mừng qui tụ lại thành một cộng đồng cứu độ, có thể và buộc phải thông đạt cùng truyền bá Tin Mừng ấy nữa.

 

14.  Truyền Bá Phúc Âm Hóa là

Ơn Gọi Xứng Hợp với Giáo Hội

 

Giáo Hội biết được điều này. Giáo Hội vẫn nhận thức một cách sống động được rằng những lời Chúa Cứu Thế nói “Tôi phải loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa” (Lk.4:43) cũng hoàn toàn áp dụng cho chính Giáo Hội nữa. Cùng với Thánh Phaolô, Giáo Hội còn muốn thêm là: “Tôi không vênh vang về việc rao giảng phúc âm, vì việc này là một nhiệm vụ buộc tôi phải làm; khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng phúc âm!” (1Cor.9:16). Thật là một niềm vui mừng và ủi an khi chúng ta nghe thấy những lời ngời sáng được phát biểu vào lúc kết thúc Cuộc Thượng Hội Giám Mục năm 1974: “Chúng tôi một lần nữa muốn xác nhận công việc truyền bá phúc âm hóa tất cả mọi dân nước là công việc làm nên sứ vụ chính yếu của Giáo Hội” (Tuyên Ngôn của các vị Nghị Phụ Thượng Hội Giám Mục, đoạn 4: tuần san L’O sservatore Romano, 27/10/1974, p.6). Đó là một công việc và là một sứ vụ khẩn trương hơn bao giờ hết trước những đổi thay rộng lớn và sâu xa nơi xã hội hiện đại. Việc truyền bá phúc âm hóa thực là một ân huệ và là một ơn gọi xứng hợp với Giáo Hội, với căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu là để truyền bá phúc âm hóa, tức là, để rao giảng và chỉ dạy, để làm máng thông ơn, để hoà giải tội nhân với Thiên Chúa, và để kéo dài hy tế của Chúa Kitô trong Thánh Lễ, là việc tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh vinh hiển của Người.

 

15.  Mối Tương Hệ giữa Giáo Hội

và Việc Truyền Bá Phúc Âm Hóa

 

Bất cứ người nào đọc lại nguồn gốc của Giáo Hội trong Tân Ước, theo sát lịch sử của Giáo Hội và để ý đến việc Giáo Hội sống động, đều thấy rằng, tự bản chất sâu xa nhất của mình, Giáo Hội gắn liền với việc truyền bá phúc âm hóa:

 

®        Giáo Hội được sinh ra bởi hoạt động truyền bá phúc âm hóa của Chúa Giêsu cũng như của 12 Vị. Giáo Hội là một hoa trái dĩ nhiên, cần có, điển hình nhất và trực tiếp nhất của hoạt động truyền bá phúc âm hóa này: “Vậy các con hãy đi tuyển mộ môn đồ nơi tất cả mọi quốc gia” (Mt.28:19). Bấy giờ “họ chấp nhận những gì Phêrô nói và chịu phép rửa. Có chừng ba ngàn người nữa thêm vào số của họ ngay ngày hôm ấy… Càng ngày Chúa lại thêm vào cộng đoàn của họ những người được cứu độ” (Acts 2:41,47).

 

®        Vì Giáo Hội vào đời là do bởi được sai đi nên Giáo Hội đã được Chúa Giêsu sai đi. Giáo Hội ở lại thế gian khi Chúa vinh hiển về cùng Cha. Giáo Hội ở lại thế gian như là một dấu chỉ – vừa lu mờ vừa sáng tỏ – cho một sự hiện diện mới của Chúa Giêsu, cho việc Người ra đi và việc Người mãi mãi hiện diện. Giáo Hội nối dài và nối tiếp Người. Nhất là Giáo Hội được kêu gọi để tiếp tục (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium về Giáo Hội, đoạn 8: AAS 57 –1965 – p. 11; Sắc Lệnh Ad Gentes về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội, đoạn 5: A A S 58 –1966 – pp. 951-952) sứ vụ của Người, cũng như tiếp tục thân phận là một Đấng truyền bá phúc âm hóa của Người. Cộng Đồng Kitô hữu không bao giờ tự khép kín mình lại. Đời sống nội tại của cộng đồng này – một đời sống lắng nghe Lời Chúa cùng với giáo huấn của các tông đồ, một đời sống bác ái được thể hiện bằng tình huynh đệ, một đời sống bẻ bánh (x. Acts 2:42-46, 4:32-35, 5:12-16) – một đời sống như vậy chỉ đạt được ý nghĩa trọn vẹn của mình khi nó trở thành một chứng từ, khi nó gợi lên lời ngợi khen và hoán cải, cũng như khi nó trở thành lời rao giảng và loan báo Tin Mừng. Như thế, cả Giáo Hội đã lãnh nhận sứ vụ truyền bá phúc âm hóa, và việc làm của mỗi phần tử riêng biệt đều quan trọng đối với toàn thể Giáo Hội.

 

®        Giáo Hội là một nhà truyền bá phúc âm hóa, song Giáo Hội lại được bắt đầu bằng việc được truyền bá phúc âm hóa. Giáo Hội là một cộng đồng tín hữu, một cộng đồng sống hy vọng và truyền đạt hy vọng, một cộng đồng yêu thương huynh đệ; Giáo Hội cần luôn luôn lắng nghe những gì Giáo Hội phải tin tưởng, lắng nghe những lý do Giáo Hội hy vọng, lắng nghe giới luật mới yêu thương nhau. Giáo Hội là Dân Chúa ngụp lặn trong thế gian và thường bị các ngẫu tượng lôi cuốn, Giáo Hội bao giờ cũng cần nghe loan báo về “những công cuộc quyền năng của Thiên Chúa” (x. Acts 2:11; 2Pt.2:9) để làm cho Giáo Hội quay về cùng Chúa; Giáo Hội luôn luôn cần được Người lên tiếng nhắc nhở chung và cần phải tái hiệp nhất lại với nhau. Tóm lại, nghĩa là Giáo Hội lúc nào cũng cần phải được truyền bá phúc âm hóa, nếu Giáo Hội muốn giữ được nét trẻ trung, vẻ cứng cát và sức tráng kiện để loan báo Phúc Âm. Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở (x. Sắc Lệnh Ad Gentes về Hoạt Đồng Truyền Giáo của Giáo Hội, đoạn 5, 11-12: AAS 59 – 1966 – pp. 951-952, 959-961), rồi Thượng Hội Giám Mục Thế Giới năm 1974 cũng đã cương quyết tiếp tục, đề tài này về Giáo Hội, một Giáo Hội được truyền bá phúc âm hóa, bằng cách liên tục hoán cải và canh tân, để có uy tín thực hiện việc truyền bá phúc âm hóa thế giới.

 

®        Giáo Hội là nơi chất chứa Tin Mừng cần phải được loan báo. Những lời hứa của cuộc Hợp Kết Mới nơi Chúa Giêsu Kitô, giáo huấn của Chúa và của các tông đồ, Lời sự sống, các nguồn ân sủng và lòng từ ái của Thiên Chúa, con đường cứu độ – tất cả những điều này đã được ký thác cho Giáo Hội. Chính nội dung của Phúc Âm, bởi đó cũng là nội dung của việc truyền bá phúc âm hóa, do Giáo Hội bảo trì như một di sản sống động quí báu, không phải là để giữ kín mà là để truyền đạt.

 

®        Được sai đi và được truyền bá phúc âm hóa, chính Giáo Hội cũng sai các nhà truyền bá phúc âm hóa đi. Giáo Hội đặt nơi môi miệng của họ Lời cứu độ, Giáo Hội dẫn giải cho họ sứ điệp mà chính Giáo Hội là kho chất chứa, Giáo Hội trao cho họ mệnh lệnh tự Giáo Hội đã lãnh nhận và Giáo Hội sai họ đi rao giảng. Họ rao giảng không phải bản thân họ, hay những ý nghĩ tư riêng của họ, (x. 2Cor.4:5; Thánh Âu-Quốc-Tinh, sermo XLVI, De Patoribus: CCL XLI, pp. 529-530), song là Phúc Âm mà cả Giáo Hội cũng như riêng họ không có toàn quyền làm chủ hay nắm giữ, trình bày theo như ý của mình, là Phúc Âm mà họ là thừa tác viên, để họ truyền lại một cách hoàn toàn trung thực.

 

16.  Giáo Hội bất khả phân ly với Chúa Kitô

 

Như thế có một liên hệ sâu xa giữa Chúa Kitô, Giáo Hội và việc truyền bá phúc âm hoá. Trong giai đoạn Giáo Hội chúng ta đang sống đây, chính Giáo Hội đang làm công việc truyền bá phúc âm hóa. Công việc đòi hỏi này không hoàn thành được, nếu thiếu Giáo Hội, càng không thể, nếu đi ngược lại với Giáo Hội.

 

Cần phải nhắc lại sự kiện là, vào một thời điểm như lúc này đây, chúng ta không khỏi đau lòng nghe thấy người ta – những người chúng ta tin là có chủ ý rõ ràng song chắc chắn thái độ của họ đã bị hướng dẫn đi lệch hướng – tiếp tục cho rằng mình yêu mến Chúa Kitô mà không cần yêu mến Giáo Hội, lắng nghe Chúa Kitô chứ không phải Giáo Hội, thuộc về Chúa Kitô song ở ngoài Giáo Hội. Cái vô lý buồn cười nơi việc phân rẽ này là bằng chứng rõ ràng cho câu Phúc Âm: “Ai phủ nhận các con là phủ nhận Thày” (Lk.10:16; xem Thánh Cyprianô De Unitate Ecclesiae, 14: PL 4, 527; Thánh Âu-Quốc-Tinh, Enarrat, 88, Sermo, 2, 14: PL 37, 1140; Thánh Gioan Kim Khẩu, Hom. de capto Eutropio, 6: PG 52, 462). Nếu Thánh Phaolô đã chứng tỏ cho thấy Chúa Kitô rõ ràng nhất ở chỗ: “Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội và đã hy hiến mình vì Giáo Hội” (Eph.5:25), thì người ta làm sao có thể yêu mến Chúa Kitô mà lại không mến yêu Giáo Hội được.