CÁC THÀNH PHẦN THỪA HƯỞNG VIỆC TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA 

 

49.  Ngỏ Lời với Mọi Người

 

Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trong Phúc Âm Thánh Marcô hiến cho việc truyền bá phúc âm hóa được Chúa trao phó cho các tông đồ của mình một tính cách phổ quát vô hạn: “Các con hãy đi khắp thế gian; loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi tạo vật” (Mk.16:16).

 

Mười Hai Vị và thế hệ Kitô hữu tiên khởi đã am tường bài học của đoạn văn này và các đoạn văn tương tư như thế; những đoạn văn ấy đẩy họ vào chương trình hoạt động. Ngay cả việc bắt bớ, bằng việc phân tán các tông đồ ra các nơi, cũng giúp vào việc truyền bá Lời Chúa và thiết lập Giáo Hội càng xa hơn nữa. Việc Thánh Phaolô gia nhập vào hàng ngũ tông đồ cùng với đặc sủng của ngài như một nhà rao giảng cho dân ngoại (ngoài dân Do Thái) về một Đức Giêsu Đã Đến cũng đã làm nổi bật tính cách phổ quát này hơn nữa.

 

50.  Bất Chấp Mọi Ngãng Trở

 

Trong giòng lịch sử của thế kỷ 20 đây, các thế hệ Kitô hữu đã phải đối diện, qua từng giai đoạn, với một số trở ngại khác nhau trước sứ mệnh truyền giáo phổ quát này. Một đàng, về phía chính các nhà truyền bá phúc âm hóa, vì một số lý do khác nhau, đã có khuynh hướng giảm thiểu lãnh vực hoạt động truyền giáo của mình. Đàng khác, nơi những người nghe các nhà truyền bá phúc âm hóa rao giảng thường tỏ ra những phản kháng bất khả thắng vượt theo sức loài người. Lại nữa, chúng ta phải buồn lòng ghi nhận là, hoạt động truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội bị một số công quyền đối kháng một cách mãnh liệt, nếu không muốn nói là bị họ ngăn cản. Ngay trong thời điểm của chúng ta đây cũng có những chuyện các nhà rao giảng Lời Chúa bị tước mất quyền của mình, bị bách hại, đe dọa hay trừ khử, chỉ vì họ đã rao giảng Chúa Giêsu Kitô và Phúc Âm của Người. Thế nhưng, chúng ta tin tưởng rằng, cho dù bị thử thách đau thương, hoạt động của các vị tông đồ này sẽ không bao giờ hoàn toàn thua cuộc ở bất cứ phần đất nào trên thế giới cả.

 

Bất chấp những đối kháng như thế, Giáo Hội vẫn liên lỉ làm mới lại lòng hứng khởi sâu xa nhất của mình do Chúa trực tiếp tác động, đó là niềm hứng khởi đi khắp thế gian! Loan báo cho tất cả mọi tạo vật! Cho đến tận cùng trái đất! Giáo Hội đã thực hiện việc canh tân lòng hứng khởi này ở cuộc Thượng Hội vừa qua, như một lời lên tiếng kêu gọi xin đừng giam cầm việc loan báo Phúc Âm, bằng cách giới hạn việc này lại nơi một phần nhân loại, hay nơi một tầng lớp dân chúng, hoặc nơi một thứ văn minh duy nhất nào đó. Có một số dấu hiệu đang được tỏ hiện.

 

51.  Việc Loan Báo lần đầu tiên cho Thành Phần Ở Xa

 

Việc tỏ Chúa Giêsu Kitô cùng với Phúc Âm của Người ra cho những ai không biết Người cũng như không biết Phúc Âm của Người, đã là một chương trình căn bản do Giáo Hội đảm nhận ngay từ buổi sáng Ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, như một việc được Đấng Sáng Lập của mình trao phó. Toàn bộ Tân Ước, nhất là cuốn Tông Vụ, đã chứng dự giây phút hồng ân ấy, và theo một nghĩa nào đó, cũng là một giây phút khuôn mẫu cho nỗ lực truyền giáo này, một nỗ lực để lại dấu vết của mình về sau trên toàn bộ lịch sử của Giáo Hội.

 

Giáo Hội đã thực hiện cuộc loan báo tiên khởi về Chúa Giêsu Kitô bằng một hoạt động phức hợp và đa diện, đôi khi được gọi là “việc dọn đường truyền bá phúc âm hóa”, song thực sự nó đã là việc truyền bá phúc âm hóa rồi vậy, mặc dầu mới ở giai đoạn khởi sự và dang dở. Bởi thế, có thể sử dụng một loạt vô số những phương tiện, chẳng hạn như, việc minh nhiên rao giảng là điều phải có, ngoài ra còn có nghệ thuật, có cách tiến hành theo khoa học, có việc tìm hiểu về triết học, và có việc đào sâu vào những tình cảm nơi con tim nhân loại.

 

52.  Tái Loan báo cho Thế Giới Kitô Giáo Bị Suy Yếu

 

Việc loan báo tiên khởi này (từ buổi sáng Ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống) đặc biệt ngỏ lời với những ai chưa bao giờ được nghe Tin Mừng về Chúa Giêsu, hay với các trẻ em. Thế nhưng, căn cứ vào những hoàn cảnh thường xuyên phản Kitô giáo trong thời của chúng ta đây, nó cũng chứng tỏ cho thấy sự cần thiết không kém đối với vô số con người đã lãnh nhận bí tích rửa tội mà hoàn toàn không sống cuộc sống Kitô giáo, đối với người đơn thành có đức tin song với một kiến thức bất toàn về những nền tảng của đức tin này, đối với những nhà trí thức cảm thấy nhu cầu cần phải nhận biết Chúa Giêsu Kitô bằng một ánh sáng khác với cách huấn giảng họ đã lãnh nhận như các trẻ em, cũng như đối với nhiều người khác nữa.

 

53.  Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo

 

Việc loan báo tiên khởi này cũng ngỏ lời với những lãnh vực rộng lớn của nhân loại, thành phần đang theo những tôn giáo ngoài Kitô giáo. Giáo Hội tôn trọng và cảm nhận những tôn giáo ngoài Kitô giáo này, vì chúng là một diễn đạt sống động của linh hồn thuộc nhiều nhóm người vĩ đại. Chúng mang trong mình tiếng vang của  hằng ngàn năm tìm kiếm Thiên Chúa, một kiếm tìm không trọn song thường được tạo nên bởi một con tim chân thành và chính trực cao cả. Chúng có một di sản đáng kể nơi những bản văn sâu xa về đạo lý. Chúng dạy cho các thế hệ cách thức nguyện cầu. Tất cả các tôn giáo này mang sẵn vô số "những hạt giống Lời Chúa" (Thánh Justin, I Apol.46,1-4: PG 6, II Apol 7,1-4; 10,1-3; 13,3-4; Clement of Alexandria, Stromata I,19,91; 94; S.Ch.pp.117-118; 119-120; Công Đồng Chung Vaticanô II: sắc lệnh Ad Gentes, 11, hiến chế Lumen Gentium, 16), và có thể thực sự làm nên "một cuộc sửa soạn cho Phúc Âm" (Eusebius of Caesarea, Praeparatio Evangelica, I,1:PG 21,26-28' x. CĐVII, hiến chế Lumen Gentium,16).

           

Một tình trạng như vậy nhất định sẽ gây ra những vấn đề phức tạp và tế nhị, cần phải học hỏi trong ánh sáng Truyền Thống Kitô giáo và huấn quyền của Giáo Hội, để hiến cho các nhà truyền giáo hôm nay cũng như mai này những chân trời mới trong việc họ giao tiếp với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Chúng tôi muốn vạch ra cho thấy rằng, trước hết, hôm nay đây, kể cả việc tôn trọng cũng như cảm nhận những tôn giáo này, cùng với tình trạng phức tạp của vấn đề sẵn có, không phải là một lời mời gọi Giáo Hội rút lui khỏi việc loan báo Chúa Giêsu Kitô cho những tôn giáo này. Trái lại, Giáo Hội chủ trương rằng, những nhóm người này có quyền biết đến nguồn phong phú của mầu nhiệm Chúa Kitô (x.Eph.3:8) - những phong phú chúng ta tin rằng toàn thể nhân loại có thể tìm thấy, trong một mức độ trọn đầy thật sự, mọi sự mà họ đang mò mẫm tìm kiếm những gì liên quan đến Thiên Chúa, đến con người và đến định mệnh của họ, đến sự sống và sự chết, đến chân lý. Ngay cả trong việc đối diện với những diễn đạt đạo giáo tự nhiên đáng cảm nhận nhất, Giáo Hội cũng tìm thấy được sự biện hộ, ở sự kiện là đạo giáo của Chúa Giêsu mà Giáo Hội loan báo bằng việc truyền bá phúc âm hóa, khách quan đặt con người vào trong mối liên hệ với dự án của Thiên Chúa, với sự hiện diện sống động của Ngài, cũng như với hành động của Ngài; như thế, Giáo Hội làm nên một cuộc gặp gỡ với mầu nhiệm phụ tử thần linh, một tình phụ tử uốn mình vươn xuống trên nhân loại. Nói cách khác, tôn giáo của chúng ta thiết lập một cách hiệu nghiệm mối liên hệ chân chính và sống động với Thiên Chúa, một mối liên hệ không có nơi các tôn giáo khác, cho dù họ có thực sự giang cánh tay hướng về trời, họ cũng không thành đạt trong việc họ làm.

Đó là lý do tại sao Giáo Hội giữ tinh thần truyền giáo của mình sống động, thậm chí còn muốn làm cho nó tăng thêm trong giây phút lịch sử chúng ta đang sống đây. Giáo Hội cảm thấy có trách nhiệm trước mọi dân tộc. Giáo Hội sẽ không nghỉ ngơi bao lâu chưa hết sức hoàn thành việc loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Cứu Thế. Giáo Hội luôn luôn sửa soạn các thế hệ tông đồ mới. Chúng ta hãy hân hoan nói lên sự kiện này ở vào thời điểm không thiếu những người nghĩ tưởng, thậm chí còn nói rằng, lòng nhiệt thành và tinh thần tông đồ đã bị cạn kiệt, thời gian truyền giáo nay đã qua rồi. Thượng Hội Giám Mục đã đáp lại là việc rao giảng truyền giáo không bao giờ ngưng lại và Giáo Hội sẽ luôn luôn cố gắng để hoàn thành việc loan báo này.

 

54.  Nâng Đỡ Đức Tin cho Tín Hữu

 

Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn cảm thấy không thể nào lại không lưu ý đến những người đã lãnh nhận đức tin cũng như những người có liên hệ với Phúc Âm qua nhiều thế hệ. Bởi vậy, Giáo Hội tìm cách làm cho sâu xa, kiên vững, bồi dưỡng và trưởng thành hơn nữa đức tin của những người đã được kêu gọi làm tín hữu hay các tín đồ, để họ giữ mãi được như vậy.

           

Ngày hôm nay đây, đức tin này hầu như luôn luôn bị lôi cuốn theo chiều hướng tục hóa, ngay cả theo chiều hướng vô thần thô bạo. Đó là một đức tin phải đương đầu với các thử thách và đe dọa, hơn thế nữa, nó còn là một đức tin bị vây hãm và bị công kích thẳng mặt. Nó sẽ gặp nguy tử bởi ngột ngạt hay bị đói lả, nếu nó không được nuôi dưỡng và trợ lực mỗi ngày. Bởi thế, để truyền bá phúc âm hóa, thường phải hiến cho đức tin của các tín đồ lương thực và bảo dưỡng cần thiết này, nhất là bằng việc dạy giáo lý đầy chất sống Phúc Âm và theo ngôn ngữ xứng hợp với con người cũng như với các hoàn cảnh.

           

Giáo Hội cũng vẫn hằng lưu tâm đến các Kitô hữu, thành phần không hoàn toàn thông hiệp với Giáo Hội. Trong khi cùng họ sửa soạn cho cuộc hiệp nhất theo ý Chúa Kitô, nhất là để hiện thực việc hiệp nhất thực sự, Giáo Hội ý thức rằng Giáo Hội sẽ thiếu sót phận sự cách trầm trọng nếu Giáo Hội không chứng thực cho họ thấy được sự trọn vẹn của mạc khải mà Giáo Hội cần phải bảo trì.

 

55.  Thành Phần Vô Tín Ngưỡng

 

Cuộc Thượng Hội Giám Mục này cũng rất bận tâm đến hai lãnh vực rất khác nhau, song đồng thời lại rất dính liền với nhau, trong việc thách đố do chúng tạo nên, theo đường lối riêng của mình, đối với việc truyền bá phúc âm hóa.

           

Lãnh vực thứ nhất là lãnh vực có thể được gọi là tình trạng thiếu đức tin tăng lên trong thế giới tân tiến. Cuộc Thượng Hội Giám Mục này cố gắng diễn tả thế giới tân tiến thế này: biết bao nhiêu là những luồng tư tưởng, những giá trị và phản giá trị, những ý hướng tài khéo hay những mầm mống hủy hoại, những xác tín xưa biến mất và những chủ trương mới nổi lên, đều được ẩn dưới cùng một thứ tên gọi này!

           

Theo quan điểm về tâm linh, thế giới tân tiến này vĩnh viễn như bị chìm ngập trong cái mà một tác giả tân thời gọi là "thảm kịch nhân bản vô thần" (x.Henri de Lubac, Le drame de l'humanisme athée, ed.Spes, Paris, 1945).

           

Một mặt người ta buộc phải ghi nhận ngay trong lòng của thế giới đương thời có một hiện tượng đang hầu như làm nên đặc tính nổi bật nhất của nó: đó là khuynh hướng tục hóa. Chúng ta không nói đến việc trần tục, một nỗ lực mà tự nó chính đáng và hợp lý, không tương phản với đức tin hay đạo nghĩa, trong việc khám phá nơi tạo vật, nơi mỗi một sự vật hay mỗi một sự việc trong vũ trụ, những định luật điều khiển chúng ở một mức độ tự động nào đó, bằng một xác tín bên trong rằng Tạo Hóa đã đặt những định luật ấy như thế. Theo ý nghĩa này, Công Đồng vừa qua đã xác nhận tính cách tự động hợp lý ấy của văn hóa và nhất là của các khoa học. Ở đây, chúng ta đang nghĩ đến một khuynh hướng tục hóa thực sự: một quan niệm về thế giới mà theo đó các khoa học có thể tự điều giải mà không cần chạy đến với Thiên Chúa, Đấng vì thế trở thành dư thừa và áp đặt. Cái thứ tục hóa này, do đó, để công nhận quyền năng của con người, cần phải tỏ ra bằng việc tác hành bất cần Thiên Chúa, thậm chí chối bỏ Ngài.

           

Những hình thức mới mẻ của vô thần chủ nghĩa như đã từ đó mà xuất phát: một chủ nghĩa vô thần nhắm vào con người, không còn trừu tượng và siêu hình mà là thực nghiệm, chế độ và bạo lực. Song song với khuynh hướng tục hóa vô thần này, chúng ta hằng ngày chạm trán với, dưới nhiều hình thức khác nhau nhất, một xã hội hưởng thụ, một chiều hướng theo đuổi thỏa mãn như giá trị tối cao, một ước muốn nắm quyền và thống trị, cũng như việc kỳ thị đủ loại: đó là những khuynh hướng bất nhân của "nhân bản chủ nghĩa" này.

           

Đàng khác, cũng trong thế giới tân tiến ấy, ngược lại, người ta không thể nào chối cãi được việc hiện hữu của những bậc đá thực sự hướng đến Kitô giáo, cũng như việc hiện hữu của những giá trị phúc âm, ít nhất nơi hình thức của một cảm nhận trống trải hay hoài niệm. Cũng không quá đáng khi nói rằng, hiện nay đang mãnh liệt và thảm thiết vang lên lời mời gọi cần phải được phúc âm hóa.

 

56.  Thành Phần Không Hành Đạo

 

Lãnh vực thứ hai đó là lãnh vực của những người không hành đạo. Ngày nay có rất đông người lãnh nhận phép rửa hầu như chưa chính thức chối bỏ Bí Tích Thánh Tẩy của mình, song lại là những người hoàn toàn dửng dưng với Bí Tích này và không sống hợp với Bí Tích này. Hiện tượng không hành đạo này là một hiện tượng rất cổ xưa trong lịch sử Kitô giáo; nó là thánh quả của tính yếu đuối tự nhiên, một bất nhất sâu xa mà chúng ta không may mang nặng trong mình. Tuy nhiên, ngày nay nó tỏ cho thấy có một số đặc tính mới. Nó thường là kết quả của một kiểu mẫu mất gốc trong thời đại chúng ta. Nó cũng xuất phát từ sự kiện là các Kitô hữu sống sát cận với những người không có niềm tin và liên lỉ cảm thấy tác dụng của tình trạng thiếu tin tưởng. Hơn nữa, những Kitô hữu không hành đạo ngày nay còn hơn những người không hành đạo trong những thời gian trước đây nữa, khi họ tìm cách cắt nghĩa và biện minh cho chỗ đứng của mình theo kiểu sống đạo tại tâm, theo kiểu độc lập cá nhân hay kiểu chuyên chính riêng tư.

           

Như thế là chúng ta, một đàng có những người vô thần cũng như những người không tin tưởng gì cả, đàng khác cũng có những người không hành đạo, và cả hai nhóm người này tạo nên một trở ngại đáng kể cho việc truyền bá phúc âm hóa. Mối trở ngại của nhóm thứ nhất mặc hình thức chối bỏ nào đó và không có khả năng hiểu được một thứ giá trị mới của sự vật, một thứ ý nghĩa mới của thế giới, của cuộc sống và của lịch sử; nếu không bắt đầu từ tuyệt đối thể thần linh, người ta không thể hiểu được cái giá trị mới ấy. Mối trở ngại của nhóm thứ hai mặc hình thức trì trệ và có một thái độ hơi ngược ngạo của một người cảm thấy rằng mình là người trong gia đình, của một người cho rằng mình biết tất cả và đã cố thực hành tất cả, đồng thời lại là một người không còn tin gì nữa.

           

Khuynh hướng tục hóa vô thần và tình trạng thiếu hành đạo xẩy ra nơi người lớn cũng như nơi giới trẻ, nơi những nhà lãnh đạo trong xã hội cũng như nơi thành phần lê dân, ở mọi trình độ giáo dục, nơi cả những Giáo Hội cổ kính cũng như nơi những Giáo Hội trẻ trung. Tác động truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội không thể nào bỏ qua cả hai lãnh vực này, nó cũng không được khựng lại khi phải đối diện với chúng; nó phải liên lỉ tìm kiếm những phương tiện và ngôn từ xứng hợp để trình bày hay tái bày bỏ cho họ mạc khải của Thiên Chúa cùng với đức tin của con người nơi Chúa Giêsu Kitô.

 

 

57.  Loan Báo cho Đại Chúng

 

Như Chúa Kitô trong thời gian Người rao giảng, như 12 Vị vào buổi sáng Ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Giáo Hội cũng nhìn thấy trước mắt mình một đám đông vô số người cần đến Phúc Âm và có quyền được nghe rao giảng Phúc Âm, vì Thiên Chúa “muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (1Tim.2:4).

 

Giáo Hội ý thức sâu xa nhiệm vụ của mình trong việc rao giảng ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Biết rằng sứ điệp Phúc Âm không phải là để dành cho một nhóm nhỏ của thành phần khởi xướng, thành phần đặc ân hay thành phần được tuyển chọn, mà là nhắm đến mọi người, Giáo Hội có cùng một ánh nhìn thương hại trên đám người lang thang và kiệt quệ “như chiên không người chăn”, để rồi Giáo Hội hay lập lại lời của Người: “Tôi thương hại tất cả đám dân này” (Mt.9:36, 15:32). Thế nhưng, Giáo Hội cũng nhận thức được sự kiện là, muốn cho việc rao giảng Phúc Âm được hiệu nghiệm, Giáo Hội phải truyền đạt sứ điệp của mình vào cõi lòng của quần chúng, vào các cộng đồng tín hữu mang tầm hoạt động có thể vươn tới kẻ khác và phải vươn tới kẻ khác.

 

58.  Các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản

 

Cuộc Thượng Hội Giám Mục Thế Giới vừa rồi đã đặc biệt chú trọng đến những “cộng đoàn nhỏ bé” này, hay communautés de base, vì chúng thường được nói đến trong Giáo Hội ngày nay. Chúng là gì và tại sao chúng phải trở nên thành phần được thừa hưởng việc truyền bá phúc âm hóa, đồng thời cũng trở thành chính các nhà truyền bá phúc âm hóa?

 

Theo một số lời phát biểu khác nhau trong cuộc Thượng Hội, thì các cộng đoàn như thế, không nhiều thì ít, đang bừng nở khắp trong Giáo Hội. Chúng khác nhau rất nhiều, chẳng những trong cùng một miền mà càng khác hơn nữa giữa các miền với nhau.

 

Nơi một số miền, chúng xuất hiện và phát triển hầu như xuôi chảy trong lòng Giáo Hội, khi chúng biết liên kết với sự sống của Giáo Hội, được bồi dưỡng bằng giáo huấn của Giáo Hội và hiệp nhất với các vị chủ chiên của Giáo Hội. Trong những trường hợp này, chúng được xuất phát từ nhu cầu cần phải sống sự sống của Giáo Hội hơn nữa, hay được phát xuất từ lòng ước muốn và việc tìm kiếm một chiều kích nhân bản hơn, một chiều kích mà các cộng đồng giáo hội lớn chỉ có thể cung cấp, một cách khó khăn, đặc biệt ở nơi những thành phố tân tiến lớn, những nơi vừa có một cuộc sống hỗn độn lại vừa hòa trộn. Các cộng đồng như vậy, theo cách thế riêng của mình, có thể chỉ là một việc nới rộng thêm về lãnh vực thiêng liêng và đạo nghĩa – lãnh vực thờ phượng, đào sâu đức tin, bác ái huynh đệ, nguyện cầu, liên lạc với các vị chủ chăn – ở một cộng đoàn xã hội nhỏ bé, chẳng hạn như ở một khu làng v.v. Ngoài ra, những cộng đoàn nhỏ bé này, với mục đích để lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, để lãnh nhận các phép bí tích và để thắt mối giây đức ái, còn nhắm đến việc qui tụ các nhóm người có liên hệ với nhau về tuổi tác, văn hóa, tình trạng dân sự hay hoàn cảnh xã hội: như nhóm các cặp vợ chồng, giới trẻ, chuyên gia v.v.; qui tụ những người đã từng hợp nhất với nhau để tranh đấu cho công chính, cho việc tương thân cứu trợ người nghèo, cho việc tiến bộ nhân bản. Trong những trường hợp khác, các cộng đoàn nhỏ bé qui tụ Kitô hữu lại ở những nơi thiếu linh mục không thích thuận với cuộc sống của một cộng đồng giáo xứ bình thường. Tất cả những cộng đoàn được đề cập đến ở đây đều thuộc về các cộng đồng được thiết lập trong Giáo Hội, nhất là trong các Giáo Hội và các giáo xứ riêng.

 

Trái lại, ở những miền khác, communautés de base được hình thành bởi tinh thần mỉa mai phê phán Giáo Hội, một Giáo Hội họ nhanh nhảu bỉu môi cho là “gò bó”, và là một Giáo Hội họ chống lại bằng cách hợp thành một cộng đoàn đặc sủng, không bị ràng buộc bởi cơ cấu tổ chức và tha hồ thoải mái sống theo Phúc Âm. Như thế, đặc tính rõ ràng của họ là thái độ bới vết tìm sâu và phủ nhận những gì liên quan đến những biểu lộ bề ngoài của Giáo Hội, như phẩm trật của Giáo Hội, các dấu hiệu của Giáo Hội. Họ hoàn toàn phản lại Giáo Hội. Theo đường hướng này, thì động lực chính của họ rất dễ biến thành chủ trương của họ, và rất hiếm có trường hợp họ lại không mau chóng trở thành nạn nhân của một giải pháp chính trị, hay của một trào lưu tư tưởng, rồi của một tổ chức, thậm chí của một đảng phái, chuốc lấy cho mình tất cả mọi nguy cơ chực chờ trong việc trở thành một công cụ bị lạm dụng.

 

Tính cách khác nhau đã rõ ràng: những cộng đoàn theo tinh thần chống đối tự tách mình khỏi Giáo Hội, và khỏi sự hiệp nhất của Giáo Hội bị họ làm tổn thương, có thể được gọi thực là communautés de base, nhưng trong trường hợp này nó mang danh nghĩa ấy hoàn toàn về phương diện xã hội mà thôi. Họ không thể được gọi là communautés de base về phương diện giáo hội mà lại không lạm ngữ, mặc dầu có thù ghét hàng giáo phẩm họ vẫn cho rằng họ còn hiệp nhất với Giáo Hội. Danh xưng này thuộc về các nhóm người khác được nói đến trước đây, những người qui tụ lại trong lòng Giáo Hội, để hiệp nhất với Giáo Hội cũng như để giúp cho Giáo Hội được phát triển.

 

Những cộng đoàn đích thực mang danh xưng này sẽ là một nơi truyền bá phúc âm hóa, vì lợi ích của các cộng đồng lớn hơn, nhất là của các Giáo Hội riêng. Như Chúng Tôi nói vào lúc kết thúc cuộc Thượng Hội vừa rồi, chúng sẽ là niềm hy vọng cho Giáo Hội hoàn vũ, ở chỗ:

 

®        Họ tìm cách bồi bổ mình bằng Lời Chúa, và không để cho mình bị vướng mắc vào việc đấu tranh chính trị, hay vào những ý hệ theo thời, những gì đang muốn khai thác khả năng nhân bản phong phú của họ;

 

®        Họ giữ mình không để mình bị lôi cuốn bởi chước cám dỗ thịnh hành hơn bao giờ hết, vào việc chống kháng có qui mô, cũng như vào thái độ phê phán cực đoan, viện lý là chính đáng và làm theo tinh thần hợp tác;

 

®        Họ gắn bó chặt chẽ với Giáo Hội địa phương họ thuộc về, cũng như với Giáo Hội hoàn vũ, nhờ thế, họ tránh được cái nguy cơ chính yếu là tự cô lập, rồi cho rằng mình mới là Giáo Hội Chúa Kitô chính cống, và từ đó luận phi các cộng đoàn giáo hội khác;

®        Họ giữ mối thông hiệp chân thành với các vị chủ chiên được Chúa gửi đến cho Giáo Hội của Người, cũng như với huấn quyền được Thần Linh của Chúa Kitô trao phó cho các vị mục tử này;

 

®        Họ không bao giờ coi mình như những hưởng thụ viên duy nhất hay những tác nhân duy nhất của việc truyền bá phúc âm hóa – hay ngay cả cho mình là kho chất chứa Phúc Âm duy nhất – trái lại, vì nhận biết rằng Giáo Hội rất bao rộng và đa diện, nên họ chấp nhận sự kiện là Giáo Hội cần phải nhập thể bằng nhiều cách thức khác nữa ngoài chính cách qua họ;

 

®        Họ luôn luôn phát triển theo nhận thức, mộ mến, dấn thân và nhiệt tình truyền giáo;

 

®        Họ chứng tỏ cho thấy họ phổ quát trong hết mọi sự và không bao giờ là một thứ giáo phái.

 

Căn cứ vào những điều kiện này, những điều kiện chắc chắn là nghiêm khắc song cũng nâng cao, communautés de base mang tính cách giáo hội mới tương hợp với ơn gọi căn bản nhất của mình, ở chỗ, cộng đoàn cơ bản này là những người được nghe Phúc Âm loan báo cho mình, và là những thừa hưởng viên đặc biệt của việc truyền bá phúc âm hóa này, chính họ sẽ sớm trở thành người loan báo Phúc Âm.