Phụ Đề:

CÁC CÂU VẤN ĐÁP ĐỂ TÓM ÔN HAI VĂN KIỆN

 

Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của ĐTC Phaolô VI

Thông Điệp Redemptoris Missio của ĐTC Gioan Phaolô II 

 

 

1-      Hai văn kiện Evangelii Nuntiandi (từ đây sẽ được viết tắt là EN) và Redemptoris Missio (RM), theo chiều hướng của mình, đều là những gì nối dài và khai triển Công Đồng Chung Vaticanô II (xem EN đoạn 3 và 4), nhất là Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes (xem RM đoạn 2.3, văn kiện này đã nhắc đến chữ ad gentes tất  cả 44 lần). Tuy nhiên, khi viết hai văn kiện này, chắc chắn mỗi vị Giáo Hoàng đều có lý do riêng của mình và nhắm đến những mục tiêu khác nhau. Vậy cái khác nhau chính yếu nơi hai văn kiện EN và RM này là gì?

 

Þ        Cái khác nhau chính yếu nơi hai văn kiện EN và RM được biểu lộ ở ngay chủ đề văn kiện cũng là ý nghĩa của nhan đề văn kiện. Trong khi EN “suy niệm” về Việc Truyền Bá Phúc Âm Hóa trong Thế Giới Tân Tiến, thì RM “kêu gọi” về Việc Hoạt Động Truyền Giáo cho Các Dân Tộc. Bởi thế, trọng tâm và mục tiêu khác nhau để hai vị Giáo Hoàng viết hai văn kiện này đã được các ngài cho biết trong phần mở đầu của mỗi văn kiện. Trọng tâm của EN là “quyền lực của Phúc Âm” (đoạn 4), và mục tiêu là “con người tân tiến” (đoạn 3) nói chung; trong khi đó, trọng tâm của RM là “hoạt động truyền giáo” (đoạn 1.2) và mục tiêu là “ad gentes” tức cho thành phần ngoài Kitô giáo (đoạn 2.2).

 

 

2.      Tuy nhiên, để có thể nắm được tất cả cốt lõi của từng văn kiện là điểm qui tụ hay chi phối toàn thể nội dung của văn kiện, nhờ đó, chúng ta mới có thể hiểu được nguyên vẹn và chính xác mỗi văn kiện theo chiều hướng riêng của tác giả, như câu giải đáp số 1 trên đây nhận định, thì cần phải căn cứ vào chỗ nào?

 

 

Þ        Cần phải căn cứ vào câu định nghĩa về chủ đề của mỗi một văn kiện.

 

Câu định nghĩa về chủ đề của EN như sau:

 

·        Đối với Giáo Hội, truyền bá phúc âm hóa nghĩa là mang Tin Mừng cho tất cả mọi tầng lớp nhân loại, để rồi, nhờ ảnh hưởng của Tin Mừng, biến đổi nhân loại từ bên trong và làm cho nhân loại nên mới: ‘Giờ đây Ta làm cho mọi tạo vật nên mới’ (Rev.21:5; x.2Cor.5:17; Gal.6:15). Thế nhưng, sẽ không có một tân nhân loại, nếu trước hết không có những con người mới được canh tân nhờ Bí Tích Rửa Tội (x.Rm.6:4) và nhờ cuộc sống theo Phúc Âm (x.Eph.4:23-24; Col.3:9-10). Thế nên, mục đích của việc truyền bá phúc âm hóa chính là việc cải đổi nội tâm này, và nếu cần phải diễn đạt bằng một câu nói thì cách hay nhất là nói thế này, Giáo Hội truyền bá phúc âm hóa là Giáo Hội tìm cách hoán cải, bằng nguyên thần lực của sứ điệp mà Giáo Hội công bố, lương tâm của cả cá nhân cũng như tập thể con người, những hoạt động họ làm cùng với cuộc sống và hoàn cảnh của họ”. (đoạn 18)

 

Câu định nghĩa về chủ đề của RM như sau:

 

·         “’Hoạt động truyền giáo của Giáo Hội không gì khác và không gì hơn là việc bộc lộ hay là việc tỏ hiện dự án của Thiên Chúa, cùng với việc làm hoàn tất dự án này trên thế giới cũng như trong lịch sử, một lịch sử Thiên Chúa đang minh nhiên hoàn thành lịch sử cứu độ bằng các việc truyền giáo (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 9; xem Chương II, 10-18)’”. (đoạn 41);

 

Tất cả mọi thể thức của hoạt động truyền giáo đều nhắm đến việc loan truyền này, một việc loan truyền bày tỏ và dẫn đến một mầu nhiệm được giữ kín qua các thời đại và được tỏ ra cho thấy nơi Chúa Kitô (x. Eph 3:3-9; Col 1:25-29), mầu nhiệm ở ngay cốt lõi của sứ mệnh truyền giáo và đời sống Giáo Hội, làm mấu chốt chi phối toàn thể việc truyền bá phúc âm hóa”. (đoạn 44.1);

 

“Trong thực tại phức tạp của việc truyền giáo, việc rao giảng tiên khởi đóng một vai trò trọng yếu và không thể thay thế được, vì nó đem con người ‘vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, Đấng mời gọi họ dự phần cùng mối liên hệ riêng tư với chính Ngài trong Chúa Kitô’ (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 13), và mở đường cho họ trở về với Ngài. Đức tin được phát sinh từ việc rao giảng, và mọi cộng đồng giáo hội đều được bắt nguồn và sống động từ việc đáp ứng riêng tư của mỗi tín hữu đối với việc rao giảng này (xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 15: loc. cit., 13-15; Công Đồng Chung vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 13-14). Như toàn thể công cuộc cứu độ lấy Chúa Kitô làm tâm điểm thế nào, thì toàn thể hoạt động truyền giáo cũng nhắm đến việc loan truyền mầu nhiệm của Người như vậy”. (đoạn 44.2)

 

 

3.      Căn cứ và xoay quanh câu định nghĩa chủ yếu của mình, như được xác định ở câu giải đáp số 2 trên đây, hai văn kiện EN và RM được bố cục ra sao?

 

Þ           Tuy có những trọng tâm và mục tiêu khác nhau, EN và RM hầu như có cùng một bố cục (dàn bài) giống như nhau, nghĩa là cũng có một nội dung “nhất lãm” tương tự như sau:

 

Về tâm điểm nồng cốt của chủ đề

 

-          EN: phần I về Chúa Kitô và Giáo Hội đối với việc truyền bá phúc âm hóa, phần II về bản chất của truyền bá phúc âm hóa, và phần III về nội dung của việc truyền bá phúc âm hóa;

 

-          RM: phần I về Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất, phần II về Vương Quốc của Thiên Chúa, và phần III về Thánh Linh là tác nhân chính của việc truyền giáo.

 

Về đối tượng nhắm tới của chủ đề

 

-          EN: phần V về thành phần thừa hưởng việc truyền bá phúc âm hóa;

 

-          RM: phần IV về chân trời bao rộng của việc truyền giáo cho các dân nước.

 

Về đường lối để thực hiện chủ đề

 

-          EN: phần IV về các phương pháp truyền bá phúc âm hóa;

 

-          RM: phần V về những đường lối truyền giáo.

 

Về tác nhân để thực hiện chủ đề

 

-          EN: phần VI về các nhân viên truyền bá phúc âm hóa;

 

-          RM: phần VI về các vị lãnh đạo và nhân viên tông đồ truyền giáo, và phần VII về việc cộng tác trong hoạt động truyền giáo.

 

Về tinh thần để thực hiện chủ đề

 

-   EN: phần VII về tinh thần truyền bá phúc âm hóa;

 

-   RM: phần VIII về linh đạo truyền giáo.

4.      Tuy không được liệt kê trong phần bố cục, như trong câu giải đáp số 3 trên đây cho thấy, hai văn kiện cũng đều nêu lên những trở ngại trong việc thực hiện chủ đề trên thực tế. Vậy những trở ngại trong việc truyền bá phúc âm hóa và hoạt động truyền giáo cho các dân tộc được hai văn kiện này nhắc tới là gì?

 

Þ           EN chỉ nhắc tới những trở ngại đối nội (trong Giáo Hội, nơi nhân lực) và về tâm hồn lẫn tư tưởng mà thôi:

 

Trở ngại trong tâm hồn: “Chúng Tôi sẽ chỉ đề cập đến tình trạng thiếu lòng sốt mến. Trở ngại này càng trầm trọng hơn nữa vì nó phát xuất từ bên trong. Nó bộc lộ cho thấy ở chỗ mệt mỏi, mất hăng hái, dung hòa, thiếu hào hứng, nhất là thiếu vui vẻ và hy vọng…………...” (đoạn 80.2)

 

Trở ngại nơi tư tưởng: “Lòng sốt mến này trước hết đòi chúng ta phải biết loại trừ những lý do tránh né làm ngăn trở việc truyền bá phúc âm hóa. Chắc chắn lý do tránh né tai hại ngấm ngầm nhất đó là những lý do người ta nại vào giáo huấn này nọ của Công Đồng Chung Vaticanô II. Bởi thế, người ta rất thường hay nghe thấy các kiểu nói  khác nhau là, việc áp đặt chân lý, cho dù là chân lý của Phúc Âm, hay việc áp đặt đường lối, cho dù là đường lối cứu độ, chính là việc vi phạm đến quyền tự do tôn giáo. Chưa hết, tại sao lại phải loan truyền Phúc Âm mà làm gì, vì cả thế giới được cứu độ khi họ sống theo lòng chính trực? Cũng thế, chúng ta biết rằng, thế giới và lịch sử đầy những ‘hạt giống Lời Chúa’; bởi thế, không phải là ảo tưởng hay sao khi chủ trương mang Phúc Âm đến chỗ có sẵn hạt giống do chính Chúa đã gieo vãi?” (đoạn 80.3 và 80.4)

 

Þ           RM đề cập tới cả trở ngại đối ngoại lẫn đối nội:

 

Trở ngại đối ngoại: “Ở một số xứ sở đã từ chối không cho các nhà truyền giáo vào. Tại những nơi khác, chẳng những cấm không được thực hiện việc truyền bá phúc âm hóa mà còn cấm cả việc trở lại nữa, thậm chí cả việc thờ phượng theo Kitô giáo. Có nơi trở ngại gây ra bởi bản chất của văn hóa, như việc truyền đạt sứ điệp Phúc Âm được coi là không thích hợp hay không thể nào hiểu nổi, và việc trở lại được coi như là việc ruồng bỏ dân tộc cùng với văn hóa của mình”. (đoạn 35.2)

 

Trở ngại đối nội: “Cũng không thiếu những khó khăn ở ngay trong nội bộ của thành phần Dân Chúa; thật vậy, những khó khăn này là niềm đau đớn nhất của tất cả mọi người. Cái khó khăn đầu tiên được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vạch ra cho thấy là ‘việc thiếu lòng sốt mến’. Trở ngại này càng trầm trọng hơn nữa vì nó phát xuất từ bên trong. Nó bộc lộ cho thấy ở chỗ mệt mỏi, mất hăng hái, dung hòa, thiếu hào hứng, nhất là thiếu vui vẻ và hy vọng’ (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 80). Những trở ngại lớn lao khác đối với hoạt động truyền giáo của Giáo Hội bao gồm cả những vấn đề chia rẽ giữa Kitô hữu với nhau (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 6), vấn đề băng hoại kitô giáo trong các xứ sở Kitô giáo, vấn đề sa sút ơn kêu gọi hoạt động tông đồ, và vấn đề chứng từ nơi tín hữu cũng như cộng đồng Kitô hữu không biểu lộ bằng việc sống theo gương Chúa Kitô. Thế nhưng, một trong những lý do nghiêm trọng nhất đối với tình trạng thiếu hứng khởi trong công việc truyền giáo đó là cái khuynh hướng đầy những dửng dưng, một khuynh hướng mà tiếc thay cũng xẩy ra nơi cả thành phần các Kitô hữu nữa. Khuynh hướng này bắt nguồn từ các quan điểm thần học sai lầm, có đặc tính của khuynh hướng đạo nghĩa tương đối, để rồi chủ trương là ‘đạo nào cũng tốt như nhau’. Với những lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, chúng ta có thể thêm là, còn có một số ‘những lý do tránh né làm ngăn trở việc truyền bá phúc âm hóa. Chắc chắn lý do tránh né tai hại ngấm ngầm nhất đó là những lý do người ta nại vào giáo huấn này nọ của Công Đồng Chung Vaticanô II’ (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 80)”. (đoạn 36.1)

 

 

5.      Theo EN và RM, tột đỉnh của tiến trình để đạt được chủ đề (truyền bá phúc âm hóa hay hoạt động truyền giáo) là gì?

 

Þ           Theo EN, tiến trình và tột đỉnh của chủ đề truyền bá phúc âm hóa được tóm gọn như sau:

 

Tiến trình của việc truyền bá phúc âm hóa được liệt kê thứ tự như sau: “Truyền bá phúc âm hóa là một tiến trình phức hợp được cấu tạo nên bởi những yếu tố khác nhau, đó là việc canh tân nhân loại, là chứng từ, là việc ra mặt rao giảng, là việc khăng khít trong lòng, là việc gia nhập cộng đồng, là việc chấp nhận những dấu chỉ, là sáng kiến tông đồ” (đoạn 52.3).

 

Tột đỉnh của việc truyền bá phúc âm hóa là được biến đổi và trở thành tông đồ: “Thực sự việc loan báo chỉ tiến đến mức độ phát triển trọn vẹn khi nó được lắng nghe, chấp nhận và đồng hóa, và khi nó làm nổi dậy một niềm gắn bó thực sự nơi con người lãnh nhận nó. Một niềm gắn bó với các chân lý mà Chúa đã mạc khải theo tình thương của Ngài; hơn thế nữa, một niềm gắn bó với chương trình sống - một cuộc sống nhờ đó được biến đổi - mà Ngài dự định. Tóm lại, một niềm gắn bó với vương quốc, tức là, với một ‘tân thế giới’, với tân trạng của các sự vật, với tân thức của việc hiện hữu, của cuộc sống, của cuộc sống trong cộng đồng được Phúc Âm khai mở. Một niềm gắn bó như vậy, không thể nào trừu tượng và bất hội nhập, được tỏ ra một cách cụ thể bằng việc hiển nhiên ra nhập vào cộng đồng các tín hữu”. (đoạn 23); “Sau hết, con người đã được truyền bá phúc âm hóa sẽ đi truyền bá phúc âm hóa cho người khác. Đây là bản trắc nghiệm sự thật, là tiêu chuẩn truyền bá phúc âm hóa, ở chỗ, không được nghĩ rằng con người cần phải chấp nhận Lời Chúa và hiến mình cho vương quốc của Ngài, song lại không cần trở thành một người làm chứng và loan báo Lời Chúa, vương quốc của Chúa theo phận sự của mình”. (đoạn 24)

 

Þ           Theo RM, tiến trình và tột đỉnh của chủ đề hoạt động truyền giáo cho các dân nước được tóm gọn như sau:

 

Tiến trình thứ tự của hoạt động truyền giáo cho các dân nước được thực hiện như sau: “Hoạt động truyền giáo xứng danh, tức là việc truyền giáo ad gentes, nhắm đến ‘các dân tộc hay các nhóm người chưa tin vào Chúa Kitô’, ‘những người xa cách Chúa Kitô’, những người Giáo Hội ‘chưa đâm rễ’ (xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 18-20: loc. cit., 17-19). Việc này khác hẳn với các hoạt động khác của giáo hội, vì nó nhắm đến các nhóm người và các môi trường ngoài Kitô giáo là những gì chưa có hay chưa đủ việc giảng dạy Phúc Âm cũng như việc hiện diện của Giáo Hội. Bởi thế, nó mang đặc tính như là một việc loan báo Chúa Kitô cùng với Phúc Âm của Người, việc thiết lập Giáo Hội địa phương và là việc cổ võ các giá trị thuộc về Vương Quốc của Thiên Chúa” (đoạn 34.1)

 

Tột đỉnh của hoạt động truyền giáo cho các dân nước là việc con người gia nhập Giáo Hội và việc thiết lập các Giáo Hội địa phương: “Việc trở lại và Phép Rửa mở lối gia nhập vào một Giáo Hội đã có sẵn, hay đòi phải thiết lập những cộng đồng mới là những cộng đồng tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và là Chúa. Đây là phần thuộc về dự án của Thiên Chúa, vì Ngài muốn ‘kêu gọi con người thông phần vào sự sống của Ngài, không phải chỉ theo cá nhân, không có liên hệ gì với nhau, mà còn làm cho họ thành một dân tộc bao gồm những đứa con của Ngài bị phân tán khắp nơi qui tụ lại với nhau nên một’ (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 2; xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 9). (đoạn 48.1). Việc truyền giáo ad gentes nhắm đến mục tiêu là thiết lập các cộng đồng Kitô giáo và phát triển các Giáo Hội cho đến mức hoàn toàn trưởng thành. Đó là mục đích chính yếu và ấn định của hoạt động truyền giáo, đến nỗi việc truyền giáo sẽ không hoàn thành cho đến khi tiến tới việc thiết lập một tân Giáo Hội riêng biệt, một Giáo Hội có thể sinh hoạt bình thường ở môi trường địa phương của mình”. (đoạn 48.2)