Kết luận

Ký thác cho Mẹ Maria

124. “Hỡi Giáo Hội ở Âu Châu! Hãy tiếp tục chiêm ngắm Mẹ Maria, ý thức rằng Mẹ ‘đang âu yếm hiện diện và thông phần với nhiều vấn đề phức tạp ngày nay đang bủa vây cuộc sống của cá nhân con người, của gia đình và các dân nước’, và đang ‘giúp cho thành phần Kitô hữu liên lỉ đối chọi giữa thiện và ác, để bảo đảm là họ không sa ngã hay nếu có ngã cũng lại chỗi dậy’”.

125. “Hỡi Mẹ của niềm hy vọng và ủi an, chúng con tin tưởng dâng lời cầu nguyện của chúng con lên Mẹ, đó là chúng con xin ký thác tương lai Giáo Hội Tại Âu Châu cho Mẹ cùng với tương lai của tất cả mọi con người nam nữ của lục địa này”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Thánh Rôma VIS được phổ biến ngày 30/6/2003, tuy nhiên, căn cứ vào toàn bản Tông Huấn, người dịch đã thêm các số đoạn và đã lấy thêm một số câu khác trong cùng văn kiện này để người đọc có thể hiểu rõ hơn những câu trích dẫn trong bản văn tóm gọn bức Tông Huấn rất hay và hợp thời đây).

 

 

Phụ Thêm

Chúa Nhật XV Thường Niên, 13/7/2003, tại địa điểm nghỉ hè của mình, Castel Gandolfo trên Đồi Anban 25 cây số (15 dặm) phía đông nam Rôma, trong khuôn viên khu vườn ở đó, ĐTC, vị hy sinh 2 năm liền không đến nơi nghỉ hè yêu thích của mình ở vùng Núi Alps, đã ban huấn từ truyền tin Chúa Nhật hằng tuần như ở Vatican về tinh thần của một lục địa Âu Châu đang bị phá sản Kitô giáo và khủng hoảng văn hóa, một hiện trạng nguy hiểm cần phải bắt đầu lại từ Chúa Kitô, những lời hoàn toàn phản ảnh những gì Ngài đã kêu gọi trong Tông Huấn Giáo Hội Tại Âu Châu được Ngài ban hành tối 28/6/2003, áp lễ Thánh Phêrô Phaolô Tông Đồ. Sau đây là những lời của Ngài trong bài huấn từ truyền tin và sau đó là nhưnõng lời Ngài viết trong Tông Huấn Giáo Hội Tại Âu Châu.

“Trong giây phút lịch sử này, trong giây phút tiến trình quan trọng của vấn đề tái hiệp nhất Âu Châu đang diễn tiến qua việc nới rộng Khối Hiệp Nhất Âu Châu đến các quốc gia khác, Giáo Hội ưu ái nhìn đến lục địa này. Cùng với nhiều thứ sáng sủa cũng có một số những bóng tối. Tình trạng mất đi ký ức Kitô giáo được đi liền với nỗi lo sợ phải đối diện với tương lai. Tình trạng lan tràn khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa cùng với việc càng ngày càng suy yếu tình đoàn kết liên cá thể, và tình trạng mất đi niềm hy vọng gây ra bởi nỗ lực muốn làm cho khoa nhân loại học phi Thiên Chúa và Chúa Kitô. Ngược đời thay, cái nôi nhân quyền đang có nguy cơ mất đi nền tảng của mình, một thứ nền tảng đang bị hao mòn bởi trào lưu tương đối và chủ nghĩa thực dụng”.