Chương II
Ngày của Đức Kitô – Dies Christi
Ngày của Chúa Phục Sinh và của Tặng Ân Thánh Linh
Lễ Phục Sinh hằng
tuần
19. “Chúng ta cử hành Chúa Nhật vì Việc Phục Sinh trọng kính của Chúa Giêsu
Kitô, và chúng ta cử hành Chúa Nhật chẳng những vào Lễ Phục Sinh mà còn vào
đầu tuần nữa”: Đức Giáo Hoàng Innocentê I đã viết như thế vào đầu thế kỷ thứ 5
(15), cho thấy việc thực hành đã được ấn định rõ ràng này đã tiến hóa từ những
năm đầu tiên sau Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô. Thánh Basiliô nói về “Chúa Nhật
thánh, được vinh dự nhờ Cuộc Phục Sinh của Chúa, là hoa trái đầu mùa của tất
cả những ngày khác” (16); và Thánh Âu Quốc Tinh gọi Chúa Nhật là “một thứ bí
tích của Phục Sinh” (17).
Mối liên hệ mật thiết giữa Chúa Nhật và Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô được tất
cả mọi Giáo Hội Đông Tây đề cao. Cách riêng theo truyền thống của các Giáo Hội
Đông phương thì hết mọi Chúa Nhật là anastàsimos hemèra, ngày Phục Sinh (18)
và đó là lý do Chúa Nhật là tâm điểm của tất cả mọi việc phượng thờ.
Theo chiều hướng của truyền thống liên lỉ và đại đồng này thì rõ ràng là, mặc
dù Ngày Của Chúa được bắt nguồn từ chính việc tạo dựng, nhất là nơi mầu nhiệm
“nghỉ ngơi” theo thánh kinh của Thiên Chúa, nhưng chúng ta cần phải hướng đến
Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô mới hiểu được trọn vẹn Ngày Của Chúa. Đó là những
gì Chúa Nhật Kitô giáo làm, khi dẫn tín hữu mỗi tuần suy tư và sống biến cố
Phục Sinh là mạch nguồn thực sự của ơn cứu độ thế giới.
20. Theo chứng từ chung của các Phúc Âm thì Cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô
từ cõi chết đã xẩy ra vào “ngày thứ nhất sau Ngày Hưu Lễ” (Mk 16:2,9; Lk 24:1;
Jn 20:1). Vào cùng ngày này, Chúa Phục Sinh đã hiện ra với hai môn đệ đi về
Emmau (x Lk 24:13-35) cũng như cho 11 Tông Đồ qui tụ lại với nhau (x Lk 24:36;
Jn 20:19). Một tuần sau, như Phúc Âm Thánh Gioan thuật lại (x 20:26), các môn
đệ tập trung lại với nhau một lần nữa, bấy giờ Chúa Giêsu hiện ra với các vị
và tỏ mình cho tông đồ Tôma, cho vị tông đồ này thấy những sấu hiệu của Cuộc
Người Khổ Nạn. Ngày Lễ Ngũ Tuần, ngày thứ nhất của tuần lễ thứ tám sau Lễ Vượt
Qua của dân Do Thái (x Acts 2:1), thời điểm lời hứa của Chúa Giêsu với các
Tông Đồ sau Phục Sinh được hoàn tất bằng việc tuôn đổ Thánh Linh xuống (x Lk
24:49; Acts 4:1-5) cũng rơi vào Chúa Nhật. Đó là ngày của lời loan báo tiên
khởi và là ngày của những cuộc rửa tội đầu tiên: Thánh Phêrô loan báo cho đám
đông tụ lại rằng Chúa Kitô đã phục sinh và “những ai chấp nhận lời của ngài
đều lãnh chịu phép rửa” (Acts 2:41). Đó là cuộc hiển linh của Giáo Hội, một
Giáo Hội tỏ mình ra như là một dân tộc qui tụ thành một thành phần con cái
phân tán của Thiên Chúa, bất kể tất cả những gì là khác biệt của họ.
Ngày thứ nhất trong tuần
21. Đó là lý do, từ thời các Tông Đồ, “ngày thứ nhất sau Ngày Hưu Lễ”, ngày
thứ nhất trong tuần, bắt đầu hình thành nhịp sống của thành phần môn đệ Chúa
Kitô (x 1Cor 16:2). “Ngày thứ nhất sau Ngày Hưu Lễ” cũng là ngày tín hữu thành
Troa đã qui tụ lại với nhau “để bẻ bánh”, ngày Thánh Phaolô từ biệt họ và hồi
sinh cách lạ lùng cho người trẻ Eutychus (x Acts 20:7-12). Sách Khải Huyền cho
thấy chứng cớ của việc thực hành vấn đề gọi ngày thứ nhất trong tuần là “Ngày
Của Chúa” (1:10). Bấy giờ việc thực hành ấy là đặc tính phân biệt Kitô hữu
trước thế giới chung quanh họ. Ngay từ đầu thế kỷ thứ hai, ông Tiểu Pliny,
thống đốc ở Bithynia, trong bản tường trình của mình về vấn đề Kitô hữu thực
hành “việc qui tụ lại với nhau vào một ngày ấn định trước khi mặt trời mọc để
hát với nhau thánh ca dâng lên Đức Kitô như dâng lên một vị thần linh” (19).
Và khi Kitô hữu nói về “Ngày Của Chúa”, họ làm như vậy bằng cách cống hiến cho
từ ngữ này cái ý nghĩa trọn vẹn của việc công bố Phục Sinh: “Giêsu Kitô là
Chúa” (Phil 2:11; x Acts 2:36; 1Cor 12:3). Như thế, Chúa Kitô nhận được cùng
tước hiệu Bản 70 dùng để dịch những gì trong mạc khải Cựu Ước đó là danh xưng
bất khả phát ngôn của Thiên Chúa: YHWH.
22. Vào những thời sơ khai của Kitô hữu đó, nhịp sống
hằng tuần của các ngày trong tuần thường không phải là những gì thuộc về đời
sống ở những miền Phúc Âm lan truyền, và những ngày lễ của niên lịch Hy Lạp và
Rôma không trùng hợp với Chúa Kitô của Kitô giáo. Bởi thế, đối với Kitô hữu,
việc giữ Ngày Của Chúa vào ngày ấn định trong tuần là việc rất khó giữ. Điều
này giải thích tại sao tín hữu đã phải qui tụ lại với nhau trước khi mặt trời
mọc (20). Tuy nhiên, việc trung thành với nhịp sống hằng tuần đã trở thành qui
chuẩn, vì nó được căn cứ vào mạc khải Tân Ước và gắn liền với mạc khải Cựu Ước.
Vấn đề này được đặc biệt các Hộ Giáo gia cũng như các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội
đề cao trong các bản văn và lời rao giảng của các vị là những gì, khi nói đến
Mầu Nhiệm Vượt Qua, các vị sử dụng cùng những đoạn Thánh Kinh mà, theo chứng
từ của Thánh Luca (x 24:27, 44-47), chính Chúa Kitô Phục Sinh dẫn giải cho các
môn đệ. Theo chiều hướng của những đoạn này thì việc cử hành ngày Phục Sinh
cần phải có một thứ giá trị về tín lý và tiêu biểu có khả năng diễn đạt toàn
thể mầu nhiệm Kitô giáo nơi tất cả tính cách mới mẻ của nó.
Càng khác biệt với Ngày Hưu Lễ
23. Chính tính cách mới mẻ này là những gì được giáo
lý trong những thế kỷ tiên khởi nhấn mạnh để cho thấy tính cách trọng đại của
Chúa Nhật tương đương với Ngày Hưu Lễ Do Thái. Chính vào Ngày Hưu Lễ này mà
dân Do Thái đã tập trung lại trong hội đường và nghỉ ngơi theo cách thức được
Lề Luật ấn định. Các vị Tông Đồ, nhất là Thánh Phaolô, thoạt tiên vẫn tiếp tục
tham dự ở hội đường để các vị có thể loan truyền Chúa Giêsu Kitô ở đó, khi dẫn
giải “những lời của các tiên tri được đọc mỗi ngày Hưu Lễ” (Acts 13:27). Một
số cộng đồng đã giữ Ngày Hưu Lễ trong khi cũng cử hành cả Chúa Nhật. Tuy nhiên,
chẳng bao lâu hai ngày này bắt đầu được biệt phân rõ ràng hơn bao giờ hết,
chính là vì muốn chống lại việc thành phần Kitô hữu gốc Do Thái giáo cứ nhất
định muốn hai ngày này phải hướng chiều về việc tuân giữ trách nhiệm theo Luật
cũ. Thánh Ignatiô thành Antiôkia đã viết: “Nếu những ai sống trong trạng thái
trước đây của sự việc đã đến với niềm hy vọng mới thì không còn tuân giữ Ngày
Hưu Lễ nữa mà là giữ Ngày Của Chúa, một ngày đời sống của chúng ta đã xuất
hiện bởi Người cũng như bởi cuộc tử nạn của Người… là mầu nhiệm nhờ đó chúng
ta được nhận lãnh đức tin và trong đó chúng ta kiên trì để được nhận biết là
thành phần môn đệ Chúa Kitô, vị Sư Phụ duy nhất của chúng ta, thì làm sao
chúng ta lại sống thiếu vắng Người, trong khi cả các vị tiên tri nữa, như
thành phần môn đệ của Người về tinh thần, đời chờ Người như vị sư phụ? (21)
Thánh Âu Quốc Tinh cũng nhận định rằng: “Bởi thế Chúa cũng đã đóng ấn tín lên
ngày của Ngài là ngày thứ ba sau Cuộc Khổ Nạn, và là ngày thứ nhất trong tuần”
(22). Sự phân tách Chúa Nhật ra khỏi Ngày Hưu Lễ của Do Thái đã phát triển
mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong tâm trí của Giáo Hội, mặc dù trong lịch sử đã có
những lần, vì quá nhấn mạnh đến việc bó buộc phải nghỉ ngơi Chúa Nhật khiến
cho Ngày Của Chúa có khuynh hướng trở nên giống như Ngày Hưu Lễ hơn. Ngoài ra,
lúc nào cũng có những nhóm trong Kitô giáo giữ cả Ngày Hưu Lễ lẫn Chúa Nhật
như là “hai ngày huynh đệ” (23).
Ngày của việc tân tạo
24. Việc so sánh Chúa Nhật Kitô giáo với quan niệm của
Cựu Ước về Ngày Hữu Lễ đã làm nẩy sinh những minh thức thần học rất hay. Đặc
biệt là việc sát nhập cái liên kết đặc thù này giữa việc Phục Sinh và việc Tạo
Dựng. Tư tưởng của Kitô giáo tự nhiên liên kết việc Phục Sinh là biến cố xẩy
ra vào “ngày thứ nhất trong tuần”, với ngày thứ nhất của tuần lễ vũ trụ (x Gen
1:1-2:4) là tuần lễ làm nên câu truyện tạo dựng trong Sách Khởi Nguyên, đó là
ngày ánh sáng được tạo dựng (x 1:3-5). Mối liên kết này gợi lên kiến thức về
việc Phục Sinh như là khởi nguyên của việc tân tạo, trong đó hoa trái đầu mùa
là Chúa Kitô hiển vinh, “trưởng tử của tất cả tạo thành” (Col 1:15) và là
“trưởng tử của kẻ chết” (Col 1:18).
25. Thật vậy, Chúa Nhật là ngày vượt trên hết các ngày
khác, ngày kêu gọi Kitô hữu hãy nhớ đến ơn cứu độ là ơn được hiến ban cho họ
nơi phép rửa và biến họ thành tạo vật mới trong Chúa Kitô. “Anh em đã được mai
táng với Người nơi phép rửa, từ đó anh em cũng được sống lại với Người nhờ
lòng tin tưởng vào công việc của Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Người từ trong kẻ
chết sống lại” (Col 2:12; x Rm 6:4-6). Phụng vụ này đề cao chiều kích thanh
tẩy tái sinh của Chúa Nhật, cả ở việc kêu gọi cử hành phép rửa vào ngày này
trong tuần, cũng như vào Lễ Vọng Phục Sinh, là những ngày Giáo Hội tưởng niệm
Việc Chúa Sống Lại” (24), lẫn ở việc đề nghị thực hiện việc rảy nước thánh như
là một nghi thức thích hợp tỏ lòng thống hối ở đầu lễ để nhắc nhở giây phút
Rửa Tội làm phát sinh tất cả sự sống Kitô hữu (25).
Ngày thứ tám: hình ảnh của vĩnh hằng
26. Ngược lại, chủ trương Ngày Hưu Lễ như là ngày thứ
bảy trong tuần cho thấy một biểu hiệu bổ khuyết cho Chúa Nhật, một biểu hiệu
được các vị Giáo Phụ rất ưa thích. Chúa Nhật không những là ngày thứ nhất
trong tuần mà còn là “ngày thứ tám”, ngày được đặt trong cái liên tục gấp bảy
lần của các ngày ở một vị thế đặc thù và siêu việt gợi lên chẳng những khởi
điểm của thời gian mà còn tận điểm của nó trong “thời tới đây” nữa. Thánh
Basiliô đã giải thích rằng Chúa Nhật biểu hiệu cho một ngày thực sự chuyên
biệt sau thời hiện tại này, một ngày không cùng chẳng có tối hay sáng, một
thời đại bất tận không bao giờ cổ; Chúa Nhật là tiên báo không ngừng về sự
sống bất tận, một sự sống canh tân niềm hy vọng của Kitô hữu và khích lệ họ
tiến bước (26). Hướng về ngày cùng tận, ngày hoàn toàn nên trọn biểu hiểu cánh
chung của Ngày Hưu Lễ, Thánh Âu Quốc Tinh kết luận cuốn Tự Thú khi diễn tả
Cánh Chung Eschaton như “cái an bình của tĩnh lặng, an bình của Ngày Hưu Lễ,
một an bình không có tối đêm” (27). Trong việc cử hành Chúa Nhật, vừa là ngày
‘thứ nhất’ và là ngày ‘thứ tám’, Kitô hữu được dẫn đến đích điểm sự sống
trường sinh (28).
Ngày của Chúa Kitô Ánh Sáng
27. Nhãn quan lấy Chúa Kitô làm tâm điểm này chiếu tỏa ánh sáng trên một biểu hiệu khác nữa cũng được suy tưởng của Kitô giáo và việc thực hiện mục vụ ghép cho là Ngày Của Chúa. Trực giác khôn ngoan về mục vụ đã gợi ý cho Giáo Hội việc kitô hữu hóa quan niệm về Chúa Nhật như “ngày của mặt trời”, tên gọi theo người Rôma bấy giờ và vẫn còn tồn tại nơi một số ngôn ngữ hiện đại (29). Việc làm này là để kéo tín hữu khỏi bị thu hút bởi những thứ sùng bái tôn thờ mặt trời, cũng như để qui việc cử hành của ngày này về Chúa Kitô là “mặt trời” đích thực của nhân loại. Khi viết cho các dân ngoại, Thánh Justinô đã sử dụng ngôn ngữ của thời ấy để ghi nhận rằng Kitô hữu qui tụ nhau “vào ngày được gọi theo danh xưng mặt trời” (30), thế nhưng, đối với tín hữu, lối diễn tả này đã mặc lấy một ý nghĩa mới thực sự được bắt nguồn từ Phúc Âm (31). Chúa Kitô là ánh sáng thế gian (x Jn 9:5; và cả 1:4-5,9), và trong việc tính ngày hằng tuần, ngày tưởng niệm việc Phục Sinh của Người là phản ảnh kéo dài của việc hiển linh vinh hiển của Người. Đề tài Chúa Nhật là ngày được chiếu sáng bởi cuộc chiến thắng của Chúa Kitô Phục Sinh cũng được thấy trong Phụng Vụ Giờ Kinh (32) và được đề cao trong Pannichida là các phụng vụ lễ vọng Đông phương sửa soạn cho Chúa Nhật. Từ đời nọ đến đời kia khi qui tụ lại vào ngày này, Giáo Hội cảm nhận được nỗi ngỡ ngàng như của tư tế Zacaria khi ông hướng về Chúa Kitô, thấy được nơi Người rạng đông “chiếu soi cho những ai ngồi trong tăm tối và bóng sự chết” (Lk 1:78-79), và Giáo Hội cũng làm âm vang cả niềm vui của ông già Simêon khi ông ẵm trong tay Con Trẻ thần linh đã xuất hiện như “ánh sáng chiếu soi các Dân Ngoại” (Lk 2:32).
Ngày của tặng ân Thần Linh
28- Chúa Nhật, ngày ánh sáng, còn có thể được gọi là ngày “lửa”, một ngày liên quan tới Thánh Linh. Ánh sáng Chúa Kitô có liên hệ mật thiết với “lửa” Thần Linh, và cả hai hình ảnh này cùng nhau nói lên ý nghĩa của Chúa Nhật Kitô giáo (33). Khi hiện ra với các vị Tông Đồ vào buổi tối Phục Sinh, Chúa Giêsu đã thở hơi trên các vị mà nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai thì tội của họ được thứ tha; các con cầm tội ai thì tội của họ bị cầm buộc” (Jn 20:22-23). Việc tuôn đổ Thần Linh xuống là tặng ân cao cả của Chúa Kitô Phục Sinh ban cho các môn đệ của Người vào Chúa Nhật Phục Sinh. Cũng vào Chúa Nhật, năm mươi ngày sau Phục Sinh, Thần Linh đã ngự xuống trong quyền năng, như “một luồng gió mạnh” và như “lửa” (Acts 2:2-3) trên các vị Tông Đồ quay quần bên Mẹ Maria. Hiện Xuống chẳng những là biến cố khai sinh của Giáo Hội mà còn là một mầu nhiệm vĩnh viễn ban sự sống cho Giáo Hội nữa (34). Biến cố này có thời điểm phụng vụ quyết liệt riêng của mình trong việc cử hành hằng năm để kết thúc “Đại Chúa Nhật” (35), nó còn là một phần làm nên ý nghĩa sâu xa của mỗi Chúa Nhật, vì mối liên hệ mật thiết của nó với Mầu Nhiệm Vượt Qua. Bởi thế, “Ngày Phục Sinh hằng tuần”, ở một nghĩa nào đó, trở thành “Ngày Hiện Xuống hằng tuần”, khi Kitô hữu sống lại cuộc hội ngộ hân hoan của các vị Tông Đồ với Chúa Kitô Phục Sinh và lãnh nhận hơi thở ban sự sống Thần Linh của Người.
Ngày của đức tin
29. Nếu những chiều kích khác nhau này làm cho nó nên đặc biệt thì Chúa Nhật trở thành như là một ngày đức tin cao cả. Nó là ngày mà, bởi quyền lực Thánh Linh, Đấng là “ký ức” sống động của Giáo Hội (x Jn 14:26), việc hiện ra lần đầu tiên của Chúa Kitô Phục Sinh trở thành một biến cố được tái diễn vào “ngày hôm nay” của mỗi người môn đệ Chúa Kitô. Qui tụ lại thành cộng đoàn Chúa Nhật trước sự hiện diện của Người, tín hữu cảm thấy mình được kêu gọi giống như Tông Đồ Tôma là: “Con hãy đặt ngón tay của con vào đây và hãy nhìn xem tay của Thày. Con hãy thọc bàn tay của con vào cạnh sườn của Thày. Đừng ngờ vực nữa song hãy tin tưởng” (Jn 20:27). Phải, Chúa Nhật là ngày đức tin. Điều này được nhấn mạnh ở sự kiện là phụng vụ Thánh Thể Chúa Nhật, như phụng vụ của các ngày lễ trọng khác, đều bao gồm việc Tuyên Xưng Đức Tin. Kinh Tin Kính, được đọc hay hát, nói lên cho thấy tính chất thanh tẩy và Vượt Qua của Chúa Nhật, làm cho nó thành một ngày thành phần đã lãnh nhận phép rửa đặc biệt lập lại việc gắn bó của họ với Chúa Kitô cũng như với Phúc Âm của Người một cách ý thức mới mẻ về các lời hứa rửa tội của họ. Khi lắng nghe lời Chúa và lãnh nhận Mình Chúa, thành phần lãnh nhận phép rửa chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Phục Sinh hiện diện nơi “các dấu thánh” và cùng với Tông Đồ Tôma tuyên xưng rằng: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi!” (Jn 20:28).
Một ngày bất khả châm chước!
30. Bởi thế, đó là lý do rõ ràng cho thấy, thậm chí ngay cả trong những lúc khó khăn của chúng ta, cần phải bảo vệ cái căn tính của ngày này, nhất là cần phải sống sâu xa căn tính ấy. Một văn sĩ Đông phương vào đầu thế kỷ thứ ba đã thuật lại rằng ngay từ thời ấy tín hữu ở hết mọi miền đã thường xuyên giữ Chúa Nhật là ngày thánh (36). Những gì bắt đầu được thực hiện một cách tự động sau này trở thành một qui tắc buộc giữ theo luật định. Ngày Của Chúa đã cấu tạo nên lịch sử của Giáo Hội qua hai ngàn năm trường: làm sao chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa Nhật sẽ không tiếp tục hình thành tương lai của Giáo Hội chứ? Những thứ áp đảo của ngày hôm nay có thể làm cho nó trở thành khó khăn hơn trong việc giữ trọn luật buộc Chúa Nhật; và, bằng một cảm quan của một người mẹ, Giáo Hội xét đến các hoàn cảnh của từng người con cái của mình. Giáo Hội đặc biệt cảm thấy mình được kêu gọi để tái dấn thân vào việc giảng dạy giáo lý và mục vụ để bảo đảm là, trong sinh hoạt bình thường của cuộc sống, không một người con nào của mình bị mất mát nguồn ân sủng phong phú tuôn tràn do việc cử hành Ngày Của Chúa mang lại. Chính trong tinh thần này mà Công Đồng Chung Vaticanô II, khi loan báo về việc có thể canh tân lịch Giáo Hội để ăn khớp với các ngày lễ dân sự khác nhau, đã tuyên bố rằng Giáo Hội “chỉ sẵn sàng chấp nhận những sắp xếp nào bảo tồn một tuần lễ có 7 ngày bao gồm cả Chúa Nhật” (37). Với nhiều ý nghĩa và khía cạnh của mình, cùng với việc nó liên hệ với chính những nền tảng đức tin, việc cử hành Chúa Kitô Kitô giáo vẫn là một yếu tố bất khả châm chước của căn tính Kitô hữu chúng ta trước ngưỡng cửa của Ngàn Năm Thứ Ba.