Chương IV

 

Ngày của Con Người – Dies Hominis

Chúa Nhật: Ngày của Niềm Vui, Nghỉ Ngơi và Kết Đoàn

 

 

 

“Niềm vui trọn vẹn” của Chúa Kitô

 

55.           “Phúc thay cho ai nâng ngày Chúa Nhật trọng đại lên trên tất cả mọi ngày khác. Các tầng trời và trái đất, các thiên thần và loài người đều cảm thấy hân hoan vui thú” (99). Tiếng kêu này của phụng vụ lễ nghi Maronite nắm bắt được thật sự những tiếng reo vang mạnh mẽ của niềm vui bao giờ cũng làm nên đặc tính của Chúa Nhật nơi phụng vụ của cả Đông lẫn Tây. Ngoài ra, theo lịch sử, ngay cả trước khi nó được coi như là một ngày nghỉ ngơi - một ngày dù sao theo lịch dân sự cũng không phải là ngày nghỉ – thì Kitô hữu đã cử hành ngày trong tuần về Chúa Phục Sinh này chính yếu như là một ngày hân hoan. “Vào ngày thứ nhất trong tuần, tất cả anh chị em đều phải hân hoan”, cuốn Didascalia đã khuyến giục như thế (100). Điều này cũng được chú trọng qua việc thực hành phụng vụ, ở việc chọn lựa những cử chỉ thích đáng (101). Khi làm vang lên nhận thức được lan truyền rộng rãi trong Giáo Hội, Thánh Âu Quốc Tinh đã diễn tả niềm vui của Ngày Lễ Phục Sinh hằng tuần như sau: “Việc chay tịnh, được để sang một bên, và những lời nguyện cầu được đứng đọc, như một dấu hiệu của cuộc Phục Sinh, một cuộc Phục Sinh cũng là lý do tại sao Alleluia được hát lên vào mỗi Chúa Nhật” (102).

 

56.           Ngoài những hình thức về lễ nghi riêng biệt, những hình thức có thể thay đổi theo thời gian tùy theo qui định của Giáo Hội, vấn đề vẫn là Chúa Nhật, như âm vang hằng tuần về cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Kitô Phục Sinh, một cuộc gặp gỡ không ngừng được đánh dấu bằng niềm hân hoan khi các môn đệ chào Thày của các vị: “Các môn đệ hân hoan khi trông thấy Chúa” (Jn 20:20). Điều này củng cố những lời được Chúa Giêsu nói trước Cuộc Khổ Nạn và là những lời được vang vọng nơi mọi thế hệ Kitô hữu: “Các con sẽ sầu khổ, nhưng nỗi sầu khổ của các con sẽ trở thành niềm vui” (Jn 16:20). Người lại đã chẳng nguyện cầu cho điều này hay sao, để các môn đệ được hoan hưởng “trọn vẹn niềm vui của Người” (x Jn 17:13)? Tính chất vui mừng của Thánh Thể Chúa Nhật thể hiện niềm vui Chúa Kitô thông đạt cho Giáo Hội của Người qua tặng ân Thần Linh. Niềm vui thực sự là một trong những hoa trái của Chúa Thánh Thần (x Rm 14:17; Gal 5:22).

 

57.           Bởi thế, nếu chúng ta muốn tái nhận thức trọn vẹn ý nghĩa của Chúa Nhật, chúng ta cần phải tái nhận thức khía cạnh này của cuộc sống đức tin. Thật sự là niềm vui Kitô giáo cần phải làm sao đánh dấu tất cả đời sống, chứ không phải chỉ một ngày duy nhất trong tuần. Thế nhưng, vì tính cách quan trọng của nó như là ngày của Chúa Phục Sinh, ngày cử hành việc Thiên Chúa tạo dựng và “tân tạo”, Chúa Nhật là ngày của niềm vui một cách rất đặc biệt, thật sự là một ngày xứng hợp nhất để biết làm sao hân hoan và tái nhận thức bản chất đích thực và căn nguyên sâu xa của niềm vui. Niềm vui này không bao giờ được lẫn lộn với những cảm tình hời hợt của thỏa mãn và khoái thú là những gì làm mê mẩn các giác quan và cảm xúc trong chốc lát, nhưng để lại cho tâm can những hụt hẫng, thậm chí có lẽ còn đắng cay nữa là đàng khác. Theo quan điểm Kitô giáo thì niềm vui là những gì lâu bền và thỏa nguyện; như các thánh nhân chứng thực, nó có thể tồn tại ngay cả trong đêm tối tăm đau khổ (103). Ở một nghĩa nào đó, nó là một “nhân đức” cần phải được duy dưỡng.

 

58.           Tuy nhiên, không có gì là xung khắc giữa niềm vui Kitô giáo và những niềm vui nhân bản đích thực, những niềm vui thực sự được thăng hóa và có một nền tảng sâu xa nơi niềm vui của Chúa Kitô hiển vinh, Đấng là hình ảnh trọn hảo về con người và là mạc khải về con người theo ý định của Thiên Chúa. Như vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Phaolô VI viết trong Tông Huấn về niềm vui Kitô giáo: “Tự bản chất, niềm vui Kitô giáo là một thứ tham dự vào niềm vui khôn thấu, vừa thần linh vừa nhân loại, nơi tâm can của Chúa Kitô vinh hiển” (104) Đức Giáo Hoàng Phaolô đã kết bức Tông Huấn của mình bằng việc yêu cầu là, vào Ngày Của Chúa, Giáo Hội cần phải mãnh liện làm chứng cho niềm vui được các Tông Đồ cảm nghiệm khi các vị thấy Chúa vào tối Phục Sinh. Để đạt được mục đích ấy, ngài đã thôi thúc các vị chủ chăn hãy nhấn mạnh “tới nhu cầu đối với thành phần lãnh nhận phép rửa trong việc cử hành Thánh Thể Chúa Nhật một cách hân hoan. Làm sao họ có thể coi thường cuộc gặp gỡ này, bữa tiệc được Chúa Kitô vì yêu dọn ra cho chúng ta được chứ? Chớ gì việc chúng ta tham dự vào bữa tiệc gặp gỡ này là việc làm xứng đáng nhất và vui sướng nhất! Chúnh Chúa Kitô, Đấng tử giá và hiển vinh, Đấng đến giữa các môn đệ của mình, dẫn tất cả họ cùng tiến vào cái mới mẻ của Việc Người Phục Sinh. Đó là tột đỉnh, trên thế gian này, của giao ước yêu thương giữa Thiên Chúa và dân Ngài: là dấu hiệu và là nguồn hân hoan Kitô giáo, là chặng đường tiến về bữa tiện trường sinh” (105). Cái nhãn quan đức tin này cho thấy Ngày Chúa Nhật Kitô giáo cần phải thực sự là “thời gian cử hành”, một ngày được Thiên Chúa ban cho con người nam nữ để họ được hoàn toàn tăng trưởng về nhân bản cũng như về thiêng liêng.

 

Tầm mức trọn vẹn của Ngày Hưu Lễ

 

59.           Khía cạnh ấy của Ngày Chúa Nhật Kitô giáo cho thấy một cách đặc biệt là nó đã làm trọn Ngày Hưu Lễ của Cựu Ước như thế nào. Vào Ngày Của Chúa, ngày – như chúng ta đã nói – được Cựu Ước liên kết với việc tạo dựng (x Gen 2:1-3; Ex 20:8-11) và việc Xuất Hành (x Deut 5:12-15), Kitô hữu được kêu gọi để loan truyền việc tân tạo và tân giao ước mang lại từ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Chẳng những không bị loại bỏ, việc mừng công cuộc tạo dựng còn trở nên sâu xa hơn nữa theo quan điểm qui về Chúa Kitô, một quan điểm theo chiều hướng dự định của Thiên Chúa là “hiệp nhất mọi sự trong Chúa Kitô, những sự trên trời cùng những sự dưới thế” (Eph 1:10). Việc tưởng nhớ đến cuộc giải phóng của Cuộc Xuất Hành cũng có được tất cả ý nghĩa của nó khi nó trở thành việc tưởng nhớ đến ơn cứu chuộc phổ quát được Chúa Kitô hoàn thành bằng Cái Chết và Phục Sinh của Người. Bởi thế, thay vì “thay thế” cho Ngày Hưu Lễ, Chúa Nhật lại làm cho ngày này được nên trọn, và ở một nghĩa nào đó, là việc kéo dài và thể hiện trọn vẹn khi lịch sử cứu độ được từ từ giãi bày, một lịch sử cứu độ đạt đến tột đỉnh của mình nơi Chúa Kitô.

 

60-           Theo quan niệm này, khoa thần học thánh kinh về “Ngày Hưu Lễ” mới được phục hồi trọn vẹn mà không dung hòa với tính chất Kitô giáo về Ngày Chúa Nhật. Nó là một thứ thần học dẫn chúng ta một cách mới mẻ và thực sự ngỡ ngàng trước mầu nhiệm của thuở ban đầu khi mà Lời hằng hữu của Thiên Chúa, bằng quyết định yêu thương tự do, tạo dựng nên thế giới từ hư không. Công việc tạo dựng được niêm ấn bằng việc chúc lành và việc thánh hiến cái ngày Thiên Chúa thôi “mọi việc Ngài đã thực hiện để tạo dựng” (Gen 2:3). Ngày nghỉ ngơi này của Thiên Chúa mang lại ý nghĩa cho thời gian, một thời gian theo lịch trình các tuần lễ chẳng những có tính cách qui định về ngày tháng mà còn, nói một cách nào đấy, có cả tính cách đặc biệt về thần học nữa. Việc liên tục trở về với ngày “shabbat” là những gì bảo đảm rằng không có nguy cơ về việc thời gian tự mình khép lại, vì, khi đón nhận Thiên Chúa cùng với Kairoi của Ngài, tức là cùng với những giây phút ân sủng Ngài ban và tác động cứu độ Ngài làm – thời gian vẫn hướng về vĩnh cửu.

 

61.           Vì ngày thứ bảy được Thiên Chúa chúc lành và thánh hiến mà ngày “hưu lễ” là ngày kết thúc toàn thể công cuộc tạo dựng, và bởi đó, được liên kết một cách trực tiếp với công việc của ngày thứ sáu là ngày Thiên Chúa dựng nên con người “theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài” (x Gen 1:26). Mối liên hệ chặt chẽ giữa “ngày của Chúa” và “ngày của con người” đã được các vị Giáo Phụ lưu ý tới nơi việc các ngài suy niệm về câu truyện tạo dựng trong thánh kinh. Thánh Ambrôsiô nói về vấn đề này như sau: “Bởi vậy hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa của chúng ta, Đấng đã hoàn thành một công việc là nơi Ngài có thể nghỉ ngơi. Ngài đã tạo nên các tầng trời, thế nhưng tôi không đọc thấy rằng Ngài nghỉ ngơi ở đó; Ngài đã tạo nên các vì tinh tú, nên vầng nguyệt, nên thái dương, và tôi cũng không đọc thấy Ngài nghỉ ngơi nơi chúng. Trái lại, tôi đọc thấy rằng Ngài đã dựng nên con người và sau đó Ngài nghỉ ngơi, khi tìm thấy nơi con người là kẻ Ngài có thể ban phát cho họ ơn thứ tha tội lỗi của Ngài” (106). Thế nên sẽ có một mối liên kết vĩnh viễn giữa “ngày của Chúa” với “ngày của con người”. Khi giới luật thần linh dạy rằng: “Hãy nhớ ngày Hưu Lễ để giữ cho ngày này thánh hảo” (Ex 20:8), thì các giới răn còn lại để tôn kính ngày được giành cho Thiên Chúa này không còn là một gánh nặng đè lên con người nữa, trái lại, là một phương trợ giúp cho họ nhận ra việc lệ thuộc ban sự sống và giải thoát của họ vào Đấng Hóa Công, cũng như nhận ra việc họ được kêu gọi cộng tác với công cuộc của Đấng Hóa Công và việc họ lãnh nhận ân sủng của Ngài. Trong việc tôn kính “sự nghỉ ngơi” của Thiên Chúa, con người mới hoàn toàn nhận ra được bản thân mình, nhờ đó, Ngày Của Chúa mang ấn tín sâu xa việc chúc lành của Thiên Chúa (x Gen 2:3), vì thế, chúng ta có thể nói, nó được ban, cùng một cách thức, cho cả thú vật lẫn cho chính con người, một thứ “phong phú” (x Gen 1:22,28). Thứ “phong phú” này trên hết hiển nhiên là việc làm trọn vẹn, và ở một nghĩa nào đó, “làm tăng bội” chính thời gian, khiến cho con người nam nữ sâu xa cảm thấy đượn niềm vui sống động và ước muốn duy trì cùng thông đạt sự sống.

 

62.           Bởi thế, nhiệm vụ của Kitô hữu là nhớ rằng, mặc dù những thực hành về Ngày Hữu Lễ Do Thái đã qua đi, những thực hành thực sự đã được “nên trọn” nơi Chúa Nhật, thì những lý do chính yếu trong việc giữ “Ngày Của Chúa” thánh hảo – như được ấn định một cách long trọng nơi Thập Giới – vẫn là những gì có công hiệu, mặc dù chúng cần phải được tái giải thích theo chiều hướng thần học và tu đức của Ngày Chúa Nhật: “Hãy nhớ ngày Hưu Lễ để giữ cho thánh hảo, như Chúa là Thiên Chúa của các người truyền dạy các người. Sáu ngày các người cần phải làm việc và làm tất cả những việc làm của các người; thế nhưng, ngày thứ bảy là Ngày Hưu Lễ đối với Chúa là Thiên Chúa của các người. Bởi thế các người không được làm việc gì, các người hay con trai, hoặc con gái, hay đầy tớ nam, hoặc đầy tớ nữ, hay con bò hoặc con lừa, hay bất cứ một con thú nào của các người, hoặc kẻ ngoại bang nào ở trong cổng nhà của các người, hầu cho tôi trai tớ gái của các người cũng được nghỉ ngơi như các người. Các người phải nhớ rằng các người đã làm tôi mọi nơi đất Ai Cập, và Chúa là Thiên Chúa của các người đã mang các người ra khỏi đó bằng bàn tay mạnh mẽ và bằng cách tay giang thẳng. Bởi thế Chúa là Thiên Chúa của các người đã truyền rằng các người hãy giữ ngày Hưu Lễ” (Deut 5:12-15). Ở đây việc giữ Ngày Hưu Lễ có liên hệ chặt chẽ với việc giải thoát Thiên Chúa đã thực hiện cho dân của Ngài.

 

63.           Chúa Kitô đến để thực hiện một cuộc tân “xuất hành”, để phục hồi tự do cho thành phần bị áp bức. Người đã thi hành nhiều lần chữ alành vào nNgày Hưu Lễ (x Mt 12:9-14 và các đoạn tương tự), chắc chắn không phải để vi phạm đến Ngày của Chúa, mà là để cho thấy trọn vẹn ý nghĩa của ngày này: “Ngày Hưu Lễ được thiết lập cho con người chứ không phải con người cho ngày Hưu Lễ” (Mk 2:27). Chống lại việc giải thích quá duy pháp lý của một số người đồng thời của mình, cũng như để khai triển ý nghĩa thực sự về Ngày Hưu Lễ theo thánh kinh, Chúa Giêsu, với tư cách là “Chúa của Ngày Hưu Lễ” (Mk 2:28), phục hồi cho Ngày Hưu Lễ việc tuân giữ tính chất giải phóng của nó, thận trọng bảo toàn các quyền lợi của Thiên Chúa cũng như các quyền lợi của con người. Đó là lý do tại sao Kitô hữu, thành phần được kêu gọi khi họ phải loan truyền việc giải phóng bởi máu Chúa Kitô, cảm thấy rằng họ có thẩm quyền chuyển ý nghĩa của Ngày Hưu Lễ sang ngày Phục Sinh. Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô thực sự đã giải thoát con người khỏi một tình trạng làm nô lệ còn nặng nề trầm trọng hơn bất cứ gánh nặng nào chất trên một thành phần dân chúng bì đè nén – đó là tình trạng nô lệ tội lỗi, một tình trạng nô lệ tội lỗi khiến con người bị tách lìa khỏi Thiên Chúa, tách biệt khỏi chính mình cũng như khỏi kẻ khác, một tình trạng nô lệ tội lỗi liên lỉ gieo rắc trong lịch sử những mầm mống sự sữ và bạo lực.

 

Ngày nghỉ ngơi

 

64.           Qua một số thế kỷ, Kitô hữu đã giữ Ngày Chúa Nhật thuần túy như là một ngày để thờ phượng mà thôi, không mang lại cho ngày này ý nghĩa đặc biệt của một ngày Hưu Lễ nghỉ ngơi. Chỉ sang thế kỷ thứ tư luật dân sự của Đế Quốc Rôma mới công nhận cái tính cách tái diễn hằng tuần, quyết định rằng vào “ngày của mặt trời”, các vị thẩm phán, dân chúng ở các thành phố và những công ty kinh doanh khác nhau đều nghỉ việc (107). Bởi thế Kitô hữu hớn hở thấy được những ngãng trở được loại bỏ, những ngãng trở mà cho tới bấy giờ đôi khi đã khiến cho việc tuân giữ Ngày của Chúa phải anh hùng lắm mới làm nổi. Bấy giờ họ có thể tha hồ nguyện cầu chung với nhau mà không còn bị gặp trở ngại nữa (108).

 

Do đó thật là sai lầm khi thấy nơi khoản luật về nhịp điệu của tuần lễ này chỉ là một trường hợp lịch sử thuần túy không có một ý nghĩa đặc biệt nào đối với Giáo Hội, và là những gì Giáo Hội có thể tự nhiên bỏ qua. Ngay cả sau khi Đế Quốc này bị sụp đổ, các Công Đồng vẫn không ngừng chú trọng đến vấn đề dàn xếp để làm sao thực hiện việc nghỉ ngơi Chúa Nhật. Nơi những xứ sở có thiểu số Kitô hữu, và nơi các ngày lễ theo niên lịch không trùng với Chúa Nhật, thì Chúa Nhật vẫn là Ngày Của Chúa, ngày tín hữu đến với nhau thành cộng đồng Thánh Thể. Thế nhưng thực hiện việc này cần phải có những hy sinh thực sự. Kitô hữu không cho là chuyện bình thường khi Chúa Nhật, ngày của việc hân hoan cử hành, không phải là một ngày nghỉ ngơi, và nếu không có đủ thời giờ tự do thảnh thơi thì họ phải khó khăn lắm mới giữ cho Ngày Chúa Nhật được thánh hảo.

 

65.           Trái lại, mối liên hệ giữa Ngày của Chúa và ngày nghỉ ngơi nơi xã hội dân sự có một ý nghĩa và tầm quan trọng vượt ra ngoài quan điểm Kitô giáo chuyên biệt. Việc luân chuyển giữa vấn đề làm việc và nghỉ ngơi, một thứ luân chuyển được kiến tạo nơi bản tính của con người, là những gì theo ý muốn của chính Thiên Chúa, như được thể hiện qua câu truyện tạo dựng trong Sách Khởi Nguyên (x 2:2-3; Ex 20:8-11): nghỉ ngơi là một điều “linh thánh”, vì nó là cách thức con người rút khỏi chu kỳ đôi khi quá đòi hỏi của các công việc trần gian để tái ý thức rằng hết mọi sự đều là việc làm của Thiên Chúa. Có nguy cơ là quyền năng phi thường trên thiên nhiên tạo vật do Thiên Chúa ban cho con người có thể khiến họ quên rằng Thiên Chúa là Đấng Hóa Công mà mọi sự phải lụy thuộc. Chúng ta lại càng cần phải nhìn nhận việc lụy phục này trong thời đại của chúng ta đây, một thời đại mà khoa học và kỹ thuật đã làm gia tăng ngoài sức tưởng tượng cái quyền năng được con người thực hiện qua việc làm của họ ấy.

 

66.           Sau hết, cũng không được quên rằng ngay cả trong thời đại của chúng ta đây, đối với nhiều người, việc làm là những gì rất cùng cực, hoặc bởi những điều kiện làm việc thảm thương và lâu giờ – nhất là nơi những vùng nghèo khổ trên thế giới – hay vì tính cách dai dẳng của quá nhiều trường hợp bất công và khai thác giữa người với người ở những xã hội tân tiến hơn về kinh tế. Qua nhiều thế kỷ, khi ấn định luật lệ liên quan đến việc nghỉ ngơi Chúa Nhật (109), Giáo Hội trước hết đã nghĩ tới công ăn việc làm của thành phần tôi tớ và lao động, chắc chắn không phải là vì thứ công ăn việc làm này kém giá đối với những đòi hỏi thiêng liêng của việc giữ Ngày Chúa Nhật, nhưng vì cần phải điều chỉnh cho tốt đẹp hơn việc làm giảm bớt gánh nặng của nó, nhờ đó giúp cho mọi người có thể giữ Ngày của Chúa thánh hảo. Về vấn đề này, vị tiền nhiệm của tôi là Đức Lêô XIII, trong Thông Điệp Rerum Novarum, đã nói về việc nghỉ ngơi Chúa Nhật như là quyền lợi của người công nhân cần phải được Quốc Gia bảo toàn (110).

 

Trong môi trường lịch sử của chúng ta đây vẫn cần phải có trách nhiệm để bảo đảm là hết mọi người có thể được hoan hưởng tự do, nghỉ ngơi và xả hơi theo như phẩm giá con người đòi hỏi, cũng như được thể hiện những nhu cầu về tôn giáo, gia đình, văn hóa và giao hệ, những nhu cầu khó có thể đáp ứng nếu không được bảo đảm ít là một ngày trong tuần để con người có thể vừa nghỉ ngơi vừa mừng lễ. Bình thường thì quyền lợi nghỉ ngơi này của người công nhân bao hàm quyền làm việc của họ, và, như chúng ta chia sẻ về vấn đề Kitô giáo hiểu biết Ngày Chúa Nhật, chúng ta không thể không nhớ tới, bằng một cảm quan liên kết sâu xa, nỗi khốn khó của vô số con người nam nữ, vì thiếu việc làm, đã bị ở trong tình trạng vô công rỗi nghề vào những ngày làm việc trong tuần nữa.

 

67.           Nhờ việc nghỉ ngơi Chúa Nhật mà những quan tâm và việc làm hằng ngày mới có thể được định hướng một cách thích đáng, ở chỗ, các thứ vật chất được chúng ta quan tâm hướng về những giá trị thiêng liêng; trong một lúc gặp gỡ nào đó hay ở một cuộc trao đổi ít bị dồn nén hơn, chúng ta thấy được chân dung của con người chúng ta đang sống với. Ngay cả những vẻ đẹp của thiên nhiên tạo vật đi nữa – những vẻ đẹp thường bị lọ lem bởi ước muốn khai thác thường quay lại phản chống chính con người – cũng có thể được tái khám phá và trọn vẹn hoan hưởng. Là ngày con người thảnh thơi với Thiên Chúa, với bản thân và với tha nhân, Chúa Nhật trở thành thời điểm con người có thể nhìn thấy một cách mới mẻ những kỳ diệu của thiên nhiên tạo vật, khiến họ say mê với cái hòa hợp một cách lạ lùng và diệu vợi là những gì, theo Thánh Ambrôsiô, phối kết nhiều yếu tố của vũ trụ này thành một “liên kết hiệp thông và an bình”, bằng “một thứ luật bất khả vi phạm của hợp hòa và yêu thương” (111). Những con người nam nữ bấy giờ có một cảm quan sâu xa hơn, như Thánh Tông Đồ nói, đó là “hết mọi sự Thiên Chúa dựng nên đều tốt lành, và không cần phải bỏ đi điều gì nếu biết lãnh nhận với lòng tri ân cảm tạ, vì bấy giờ nó được lời Chúa và việc nguyện cầu thánh hiến” (1Tim 4:4-5). Nếu sau 6 ngày làm việc – thực ra được nhiều người giảm xuống còn 5 – người ta tìm giờ xả hơi và chú trọng hơn nữa đến các khía cạnh khác của đời sống của mình, thì việc tìm giờ này tương ứng với nhu câu thực sự hoàn toàn hợp với quan điểm của sứ điệp Phúc Âm. Bởi thế mà thành phần tín hữu được kêu gọi làm thỏa đáng nhu cầu này một cách nhất trí với việc tỏ bày niềm tin chung riêng của họ, như được thể hiện nơi việc cử hành và thánh hóa Ngày của Chúa.

 

Thế nên, cũng trong những hoàn cảnh đặc biệt của thời đại chúng ta đây, Kitô hữu bình thường cần phải chiến đấu để bảo đảm rằng luật pháp dân sự tỏ ra tôn trọng nhiệm vụ giữ Ngày Chúa Nhật thánh hảo của họ. Bất cứ ở vào trường hợp nào, theo lương tâm, họ buộc phải sắp xếp việc nghỉ ngơi Chúa Nhật của mình ở chỗ khiến họ có thể tham dự Thánh Thể, kiêng việc làm và những sinh hoạt không hợp với việc thánh hóa Ngày của Chúa, một ngày có đặc tính hân hoan và nghỉ ngơi cần thiết cho tinh thần và thể xác (112).

 

68.           Để việc nghỉ ngơi không thoái hóa thành trống rỗng hay chán chường, cần phải thực hiện vấn đề thăng tiến tâm linh, được thanh thơi hơn, có những cơ hội để chiêm niệm và hiệp thông huynh đệ. Thế nên, trong số những hình thức về văn hóa và giải trí được xã hội cung cấp cho, người tín hữu cần phải chọn những gì thích đáng nhất với một đời sống theo các qui định của Phúc Âm. Như thế việc nghỉ ngơi Chúa Nhật mới trở thành việc “loan báo”, khẳng định chẳng những tối thượng quyền của Thiên Chúa, mà còn cả cái ưu tiên và phẩm giá của con người đối với những đòi hỏi của đời sống xã hội và kinh tế, và ở một nghĩa nào đó ngưỡng vọng đến “trời mới” và “đất mới”, ở đó, việc giải thoát khỏi cảnh làm nô lệ cho các thứ nhu cầu sẽ được kết thúc và hoàn tất. Tóm lại, Ngày của Chúa nhờ đó mới là ngày của con người nữa theo nghĩa đích thực nhất.

 

Một ngày kết đoàn

 

69.           Chúa Nhật cũng phải cống hiến cho tín hữu cơ hội để dấn thân làm những công việc của lòng thương xót nữa, của bác ái và tông đồ. Việc cảm nghiệm được niềm vui Chúa Phục Sinh sâu xa ở bên trong là để chia sẻ trọn vẹn tình yêu thổn thức trong tâm can của Người: không có niềm vui nếu không yêu thương! Chính Chúa Giêsu đã cắt nghĩa điều này, khi liên kết “giới răn mới” với tặng ân hân hoan: “Nếu các con tuân giữ những điều Thày truyền các con sẽ ở trong tình yêu của Thày, như Thày đã giữ các mệnh lệnh của Cha và ở trong tình yêu của Ngài. Thày nói với các con điều này để niềm vui của Thày sẽ ở nơi các con cho niềm vui của các con được trọn vẹn. Đây là giới răn của Thày, đó là các con yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con” (Jn 15:10-12).

 

Bởi thế, Thánh Thể Chúa Nhật chẳng những không tha giải cho tín hữu khỏi các nhiệm vụ bác ái, ngược lại, còn thôi thúc họ thậm chí thực hiện “tất cả mọi hoạt động bác ái, nhân hậu, tông đồ, nhờ đó người tín hữu của Chúa Kitô được coi như không thuộc về thế gian này và còn là ánh sáng thế gian, làm vinh hiển Chúa Cha trước mắt nhân loại” (113).

 

70.           Ngay từ thời Tông Đồ, việc qui tụ lại vào Chúa Nhật đối với Kitô hữu thực sự là một giây phút chia sẻ tình huynh đệ với thành phần rất nghèo khổ. “Vào ngày thứ nhất trong tuần, mỗi người trong anh chị em phải dẹp sang một bên và giành gịum bất cứ những gì ngoại lệ anh chị em kiếm được” (1Cor 16:2), Thánh Phaolô nói điều này có ý ám chỉ việc quyên tiền cho các Giáo Hội nghèo ở Giuđêa. Trong Thánh Thể Chúa Nhật, con tim tin tưởng rộng mở để ôm lấy tất cả mọi khía cạnh của Giáo Hội. Thế nhưng, cần phải chấp nhận tất cả mọi phạm vi của việc tông đồ đòi hỏi: thay vì cố gắng để tạo nên một thứ tâm thứ hạn hẹp về “tặng ân” Thánh Phaolô đã kêu gọi một thứ văn hóa chia sẻ cần thiết, một thứ văn hóa cần phải sống chẳng những nơi chính các phần tử của cộng đồng mà còn nơi xã hội nói chung nữa (114). Hơn bao giờ hết, chúng ta, một lần nữa, cần phải lắng nghe lời cảnh giác nghiêm nghị được Thánh Phaolô ngỏ cùng cộng đoàn Côrintô đã vấp phải lỗi lầm trong việc hạ nhục người nghèo trước tinh thần yêu thương huynh đệ khi cử hành “Bữa của Chúa”: “Khi anh em hội họp với nhau thì anh em không phải là ăn Bữa của Chúa nữa. Vì trong việc ăn uống, mỗi người đã tự động ăn uống bữa của mình rồi, nên người thì đói kẻ thì say sưa. Sao lại thế được nhỉ! Anh em không có nhà cửa để ăn uống hay sao? Hay anh em tỏ ra khinh thường Giáo Hội của Chúa và hạ nhục những ai chẳng có gì ăn uống hay chăng?” (1Cor 11:20-22). Thánh Giacôbê cũng mạnh mẽ không kém nơi những gì ngài viết thế này: “Nếu một người đeo nhẫn vàng và mặc quần áo lụa là đến với cộng đoàn của anh em, và một người nghèo ăn mặc xoàng xĩnh cũng tới, song anh em lại chú trọng tới người ăn mặc sang trọng mà nói với họ rằng ‘xin mời ngồi’, còn người nghèo anh em nói ‘hãy đứng ở đằng kia’, hay ‘ngồi xuống đấy’, thì không phải là anh em đã phân chia nơi anh em rồi hay sao, và trở thành những vị quan án có đầu óc gian tà rồi hay sao?” (2:2-4).

 

71.           Những giáo huấn của các vị Tông Đồ từ những thế kỷ đầu đã làm vang lên lòng cảm thương, và đã được mạnh mẽ âm vang nơi giáo huấn của các vị Giáo Phụ của Giáo Hội. Thánh Ambrôsiô đã nói lên những lời nẩy lửa với thành phần giầu có cho mình chu tất các nhiệm vụ về đạo giáo nơi việc tham dự nhà thờ mà lại không chia sẻ sản vật của mình cho người nghèo, và là thành phần thậm chí còn khai thác người nghèo nữa, như sau: “Anh chị em là những người giầu có, anh chị em có nghe những gì Chúa là Thiên Chúa nói hay chăng? Thế mà anh chị em đến nhà thờ mà không cho kẻ nghèo song lại còn lấy của họ nữa?” (115). Thánh Gioan Chrysostom cũng không kém gay gắt: “Có phải anh chị em muốn tôn kính thân thể của Chúa Kitô hay chăng? Thế thì đừng mần ngơ khi Người trần trụi. Đừng kính bái Người trong đền thờ với y phục lụa là để rồi bỏ rơi Người chịu lạnh lẽo và trần trụi ở ngoài đường xá. Đấng đã phán: ‘Đây là mình Thày’ cũng chính là Đấng phán: ‘Các người thấy Ta đói song không cho Ta ăn’ và ‘Những gì các người làm cho một người an hem hèn mọn nhất của Ta là làm cho chính Ta’… Có ích lợi gì khi trên bàn Thánh Thể chất đầy những chén vàng khi mà Người đang chết đói chứ? Hãy bắt đầu bằng việc làm thỏa cơn đói của Người, để rồi với những gì còn lại anh chị em hãy dùng để trang hoàng cả bàn thờ nữa”. (116)

 

Những lời này thực sự nhắc nhở cộng đồng Kitô hữu về nhiệm vụ làm cho Thánh Thể trở thành nơi cho tình nghĩa huynh đệ biến nên mối kết đoàn thực tiễn, nơi kẻ chót sẽ được ưu tiên trong tâm trí và chú ý của anh chị em họ, nơi chính Chúa Kitô – qua các trao ban quảng đại từ người giầu cho người nghèo – một cách nào đó kéo dài trong thời gian phép lạ bánh hóa ra nhiều (117).

 

72.           Thánh Thể là một biến cố và là một dự án của tình nghĩa huynh đệ chân thực. Từ Thánh Lễ Chúa Nhật xuất phát một triều sóng bác ái tràn lan khắp cả cuộc sống của người tín hữu, bắt đầu bằng việc tác động chính cách thức họ sống những giờ giấc còn lại của Ngày Chúa Nhật. Nếu Chúa Nhật là ngày của niềm vui thì Kitô hữu cần phải tuyên bố bằng hành vi cử chỉ thực sự của mình rằng chúng tôi không thể nào có hạnh phúc “riêng mình”. Họ nhìn chung quanh để tìm kiếm những ai cần họ giúp đỡ. Việc này có thể thực hiện nơi khu xóm của họ, hay nơi những chỗ họ biết có bệnh nhân, có người già lão, trẻ am hay di dân mà vào chính ngày Chúa Nhật cảm thấy hết sức cô độc lẻ loi, thiếu thốn và khổ đau. Thật ra việc dấn thân ấy cho những thành phần này không thể bị hạn hẹp vào các cử chỉ vào dịp Chúa Nhật mà thôi. Thế nhưng, nếu hiểu ý nghĩa dấn thân rộng hơn thì tại sao không làm cho Ngày của Chúa trở thành một thời điểm thiết tha hơn trong việc chia sẻ, trong việc gia tăng tất cả những sáng kiến có tghể theo đức bác ái Kitô giáo? Mời những ai cô đơn đến dùng bữa, viếng thăm kẻ liệt, chia sẽ thực phẩm cho những gia đình thiếu thốn, bỏ ít tiếng đồng hồ làm việc tự nguyện và hoạt động đoàn kết, những việc làm ấy chắc chắn là những cách thức mang đến cho đời sống của dân chúng tình yêu Chúa Kitô được lãnh nhận nơi bàn tiệc Thánh Thể.

 

73.           Sống theo đường lối ấy, thì chẳng những Thánh Thể Chúa Nhật mà còn cả Ngày Chúa Nhật trở thành một trường học cao quí của bác ái, công lý và hòa bình. Việc hiện diện của vị Chúa Phục Sinh giữa dân Người trở thành một công cuộc đoàn kết, một động lực thôi thúc canh tân nội tâm, một hứng khởi trong việc làm thay đổi các thứ cấu trúc của tội lỗi là những gì chi phối cá nhân, cộng đồng và có những lúc cả một dân tộc. Thay vì là một cuộc vượt thoát, Ngày Chúa Nhật Kitô Giáo là một “lời loan báo” được in ấn nơi chính thời gian, một lời loan báo bắt buộc tín hữu theo chân của Đấng đã đến “để rao giảng tin mừng cho người nghèo khổ, công bố sự giải thoát cho những kẻ bị giam cầm và phục quang cho người mù lòa, trả tự do cho những ai bị đàn áp, và loan báo năm hồng ân của Chúa” (Lk 4:18-19). Trong việc tưởng niệm Phục Sinh của Ngày Chúa Nhật, tín hữu học hỏi nơi Chúa Kitô, nhớ lời Người hứa ‘Thày để lại bình an cho các con, Thày ban cho các con bình an của Thày’ (Jn 14:27), về phần họ, họ trở thành những con người dựng xây hòa bình.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh: http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html