Tổng Kết
81. Các kho tàng về tinh thần và mục vụ của Ngày Chúa Nhật, như nó đã được truyền thống lưu lại cho chúng ta, thật sự là to lớn. Một khi hoàn toàn hiểu được tính cách quan trọng và ý nghĩa của nó thì Chúa Nhật, một cách nào đó, trở thành một tổng hợp đời sống Kitô hữu và là một điều kiện sống tốt lành. Bởi thế mới thấy được lý do tại sao việc giữ Ngày của Chúa rất thân thương với Giáo Hội, và tại sao theo luật lệ của Giáo Hội nó vẫn là một điều thực sự buộc phải làm. Tuy nhiên, việc tuân giữ này cần phải được coi như là một nhu cầu xuất phát từ thẳm cung của đời sống Kitô hữu, hơn là một qui luật. Vấn đề hết sức quan trọng ở đây là tất cả mọi tín hữu cần phải thâm tín rằng họ không thể nào sống niềm tin của mình hay tham dự một cách trọn vẹn vào đời sống của cộng đồng Kitô Giáo trừ phi họ thường xuyên tham dự vào việc qui tụ cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật. Thánh Thể là việc hoàn toàn hiện thực việc tôn thờ nhân loại cần phải tỏ ra đối với Thiên Chúa, và nó không thể nào so sánh với bất cứ một cảm nghiệm về tôn giáo nào khác. Việc thể hiện đặc biệt hiệu năng của điều này đó là việc cả cộng đồng qui tụ vào Ngày Chúa Nhật, lắng nghe lời của Chúa Kitô Phục Sinh là Đấng kêu gọi tín hữu qui tụ lại để ban cho họ ánh sáng lời Người và dưỡng chất Mình Người như một mạch nguồn vĩnh viễn về bí tích của ơn cứu chuộc. Ân sủng tuôn ra từ mạch nguồn này là những gì canh tân nhân loại, sự sống và lịch sử.
82. Chính vì tin tưởng mạnh mẽ xác tín và ý thức về gia sản của các thứ giá trị nhân bản bao hàm trong việc giữ Ngày Chúa Nhật, mà Kitô hữu ngày nay cần phải đương đầu với những thứ du dỗ của một nền văn minh hưởng ứng những lợi ích của việc nghỉ ngơi và thời giờ tự do, thế nhưng lại là một thứ văn minh thường sử dụng những thứ ấy một cách nhẹ dạ nông nổi và có những lúc còn bị lôi cuốn bởi những hình thức tiêu khiển có vấn đề về luân lý. Thật ra Kitô hữu cũng không khác với người khác về việc hoan hưởng ngày nghỉ ngơi hằng tuần; thế nhưng họ đồng thời ý thức rõ ràng về tính cách đặc thù và nguyên tuyền của Ngày Chúa Nhật, một ngày họ được kêu gọi để cử hành việc cứu độ của họ và việc cứu độ của toàn thể nhân loại. Chúa Nhật là ngày vui mừng và là ngày nghỉ ngơi chính bởi vì nó là “Ngày của Chúa”, ngày Chúa Phục Sinh.
83. Được hiểu và sống như thế, Chúa Nhật, một cách nào đó, trở thành hồn sống của các ngày khác, nhờ đó, chúng ta có thể nhớ lại cái minh thức của Origen rằng người Kitô hữu trọn lành ‘bao giờ cũng giữ Ngày của Chúa và bao giờ cũng cử hành Ngày Chúa Nhật’ (131). Chúa Nhật là một học đường thực sự, một chương trình kéo dài cho việc giáo dục của Giáo Hội – một khoa giáo dục bất khả thay thế, nhất là với những điều kiện xã hội hiện nay càng ngày càng bị phân mảnh và đa văn hóa liên lỉ thử thách lòng trung thành của cá nhân người Kitô hữu đối với những đòi hỏi cụ thể theo đức tin của họ. Ở nhiều phấn đất trên thế giới, chúng ta thấy một thứ Kitô Giáo “lưu vong”, một Kitô Giáo bị thử thách vì thành phần môn đệ Chúa Kitô phân tán không còn dễ dàng bảo tồn việc liên hệ với nhau nữa, và thiếu sự nâng đỡ về các cơ cấu và truyền thống hợp với văn hóa Kitô Giáo. Trong tình trạng khó khăn như thế, cơ hội đến với nhau vào Ngày Chúa Nhật, trao đổi các tặng ân của tình huynh đệ, là một sự hỗ trợ bất khả châm chước.
84. Trong việc thực sự bảo trì đời sống Kitô hữu, Ngày Chúa Nhật còn có một giá trị nữa đó là giá trị chứng từ và loan báo. Là một ngày của việc nguyện cầu, của hiệp thông và của niềm vui, Ngày Chúa Nhật làm âm vang khắp xã hội những thứ năng lực sinh động và những lý do hy vọng. Chúa Nhật là việc loan báo rằng thời gian, một phạm trù được Người là Vị Chúa Phục Sinh của lịch sử lập cư, không phải là một nấm mộ chôn những ảo tưởng của chúng ta, mà là cái nôi của một tương lai luôn tươi mới, một cơ hội giúp chúng ta biến những giây phút trôi qua của cuộc đời này thành những mầm mống vĩnh hằng. Chúa Nhật là một mời gọi để hướng về phía trước; nó là ngày cộng đồng Kitô Giáo kêu lên cùng Chúa Kitô rằng: ‘Maranatha: Ôi Chúa, xin hãy đến’ (1Cor 16:22). Bằng lời kêu vang hy vọng và mong đợi này, Giáo Hội đồng hành và hỗ trợ niềm hy vọng của nhân loại. Qua các ngày Chúa Nhật, được soi động bởi Chúa Kitô, Giáo Hội tiến tới một Ngày Chúa Nhật khôn cùng của Giêrusalem thiên đình, một Giêrusalem ‘không cần mặt trời mặt trăng tỏa sáng trên nó, vì vinh quang của Thiên Chúa là ánh sáng của nó và Con Chiên là đèn soi của nó’ (Rev 21:23).
85. Khi gắng sức tiến về đích điểm của mình, Giáo Hội được Thần Linh nâng đỡ và tác động. Chính Ngài là Đấng khơi dậy ký ức và làm hiện thực cho mọi thế hệ biến cố Phục Sinh. Ngài là tặng ân nội tại liên kết chúng ta với Chúa Kitô Phục Sinh cũng như với anh chị em của chúng ta trong mối thân mật của thân thể duy nhất, phục hồi niềm tin của chúng ta, làm cho lòng chúng ta tràn đầy bác ái và canh tân niềm hy vọng của chúng ta. Thần Linh không ngừng hiện diện nơi từng ngày sống của Giáo Hội, xuất hiện một cách khôn lường và dồi dào ban phát tặng ân của Ngài. Thế nhưng, chính trong cuộc qui tụ vào Ngày Chúa Nhật để hằng tuần cử hành Phục Sinh mà Giáo Hội lắng nghe Thần Linh một cách đặc biệt và cùng với Ngài tiến tới với Chúa Kitô bằng một lòng thiết tha mong ước Người trở lại trong vinh quang. ‘Thần Linh và Cô Dâu nói ‘Hãy đến!’” (Rev 22:17). Chính vì quan tâm tới vai trò của Thần Linh mà tôi muốn là lời huấn dụ nhắm đến việc tái nhận thức ý nghĩa của Ngày Chúa Nhật này được phổ biến trong năm kính Thánh Linh trong giai đoạn sửa soạn gần cho Đại Năm Thánh này.
86. Tôi xin ký thác bức Tông Thư này cho việc chuyển cầu của Đức Trinh Nữ, để nó được cộng đồng Kitô hữu chấp nhận và mang ra thực hành. Không bao giờ làm lệch đi tính cách chủ yếu của Chúa Kitô và Thần Linh của Người, Mẹ Maria bao giờ cũng hiện diện trong Ngày Chúa Nhật của Giáo Hội. Chính mầu nhiệm của Chúa Kitô đòi hỏi nhjư thế, ở chỗ, thật sự nếu Mẹ thực sự là Mẹ Chúa và Mẹ Giáo Hội thì chẳng lẽ Mẹ lại không đặc biệt hiện diện hay sao trong ngày vừa là ngày của Chúa dies Domini và là ngày của Giáo Hội dies Ecclesiae?
Khi lắng nghe lời được công bố nơi cộng đồng Chúa Nhật, người tín hữu nhìn lên Trinh Nữ Maria, học nơi Mẹ việc giữ lấy lời ấy và suy niệm trong lòng mình (x Lk 2:19). Với Mẹ Maria, họ biết đứng dưới chân Thập Giá, hiến dâng lên Chúa Cha hy tế của Chúa Kitô và hợp với hy tế này là việc hiến tế của đời sống của họ. Với Mẹ Maria, họ cảm nghiệm được niềm vui Phục Sinh, sử dụng lời ca vịnh Ngợi Khen để tôn tụng tặng ân khôn cùng của tình thương thần linh tràn trề tháng năm: ‘Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia hằng bao bọc những kẻ kính sợ Ngài’ (Lk 1:50). Qua các ngày Chúa Nhật, thành phần dân lữ hành này theo bước chân của Mẹ Maria, và việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ làm tăng thêm quyền lực và ưu ái đặc biệt cho lời nguyện cầu được Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.
87. Anh Chị Em thân mến, việc sắp tới Đại Năm Thánh mời gọi chúng ta hãy dấn thân sâu xa hơn về tâm linh và mục vụ. Thật thế, đó là mục đích thực sự của nó. Trong Đại Năm Thánh này, nhiều điều sẽ được thực hiện để làm cho nó mang một dấu tích đặc biệt cần phải có trước khi kết thúc Đệ Nhị Thiên Niên và mở màn cho Đệ Tam Thiên Niên từ khi Lời Chúa Nhập Thể. Thế nhưng, năm ấy và thời điểm đặc biệt ấy rồi cũng sẽ qua đi, như chúng ta thấy nơi các cuộc mừng kỷ niệm và các biến cố long trọng khác. Tuy nhiên, là một ‘lễ trọng’ hằng tuần, Chúa Nhật sẽ tiếp tục hình thành thời gian lữ hành của Giáo Hội, cho đến Ngày Chúa Nhật không còn đêm tối nữa.
Bởi thế, Quí Huynh Giám Mục và Linh Mục thân mến, tôi thiết tha xin quí huynh hãy không ngừng làm việc với tín hữu để bảo đảm rằng giá trị về ngày linh thánh này được hiểu biết và sống động sâu xa hơn nữa. Điều này sẽ sinh nhiều hoa trái nơi các cộng đồng Kitô hữu, và sẽ không ngừng có một ảnh hưởng tích cực trên toàn thể xã hội dân sự.
Trong việc nhận biết Giáo Hội, một Giáo Hội mà mỗi Chúa Nhật hân hoan cử hành một mầu nhiệm từ đó Giáo Hội kín múc sự sống, chớ gì con người nam nữ của Đệ Tam Thiên Niên tiến đến chỗ nhận biết Chúa Kitô Phục Sinh. Và liên lỉ được canh tân bởi việc hằng tuần tưởng niệm Phục Sinh, chớ gì thành phần môn đệ của Chúa Kitô trở thành khả tín hơn bao giờ hết trong việc loan báo Phúc Âm cứu độ và hữu hiệu hơn bao giờ hết trong việc xây dựng nền văn minh yêu thương.
Tôi ban phép lành cho tất cả mọi anh chị em!
Tại Điện Vatican ngày 31/5/1998, Lễ Hiện Xuống, Năm Thứ 20 Giáo Triều của tôi.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh: http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html