Tông Thư

NGÀY CỦA CHÚA – DIES DOMINI

 

Nhập đề

 

Chư Huynh quí mến trong hàng Giáo Phẩm và hàng Linh Mục,

Anh Chị Em thân mến!

1.     Ngày của Chúa – được gọi là Chúa Nhật từ thời các Tông Đồ (1) – hằng được đặc biệt chú trọng tới trong lịch sử của Giáo Hội vì mối liên hệ chặt chẽ của ngày này với chính cốt lõi của mầu nhiệm Kitô giáo. Thật vậy, trong việc tính toán theo thời gian hằng tuần thì Chúa Nhật nhắc nhở đến ngày Phục Sinh của Chúa Kitô. Đó là Ngày Lễ Phục Sinh hằng tuần tái diễn, cử hành việc Chúa Kitô chiến thắng tội lỗi và sự chết, hoàn tất nơi Người việc tạo dựng tiên khởi và rạng đông của “cuộc tân tạo” (x 2Cor 5:17). Đó là ngày nhắc nhở bằng việc tôn thờ tri ân cảm tạ ngày đầu tiên của thế giới và hướng về trong niềm hy vọng tích cực “ngày cuối cùng”, lúc Chúa Kitô đến trong vinh quang (cf. Acts 1:11; 1 Th 4:13-17) cũng là lúc tất cả mọi sự được đổi mới (x Rev 21:5).

Bởi vậy, thật là xác đáng áp dụng tiếng kêu của Thánh Vịnh Gia vào Chúa Nhật: “Đây là ngày Chúa đã làm nên: chúng ta hãy hân hoan mừng rỡ trong ngày ấy” (Ps 118:24). Lời mời gọi hãy hân hoan mừng rỡ này, một lời mời gọi phụng vụ Lễ Phục Sinh sử dụng, phản ảnh cái ngỡ ngàng bàng hoàng xẩy ra cho những người phụ nữ, sau khi chứng kiến cuộc tử giá của Chúa Kitô, thấy ngôi mộ trống lúc họ ra đó vào “tảng sáng của ngày thứ nhất sau Ngày Hưu Lễ” (Mk 16:2). Đó là một lời mời gọi hãy tái diêãn một cách nào đó cảm nghiệm của hai người môn đệ về làng Emmau, những vị cảm thấy lòng mình “bừng lên” khi Đấng Phục Sinh bước đi với họ trên đường, dẫn giải Thánh Kinh và tỏ mình ra ở việc “bẻ bánh” (x Lk 24:32,35). Lời mời gọi ấy cũng vang vọng niềm vui, thoạt tiên ngờ ngợ rồi sau đó hớn hở, mà các Vị Tông Đồ cảm thấy vào buổi tối cùng ngày hôm đó, khi các vị được Chúa Giêsu Phục Sinh viếng thăm và lãnh nhận tặng ân bình an cùng Thần Linh của Người (cf. Jn 20:19-23).

2.     Cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu là biến cố nền tảng cho đức tin Kitô giáo (x 1Cor 15:14). Biến cố này là một thực tại kinh hoàng, một thực tại chỉ được thấu triệt trong ánh sáng đức tin, tuy nhiên cũng là một thực tại được chứng thực theo lịch sử, bởi những người được diễm hạnh thấy Chúa Phục Sinh. Cuộc phục sinh này là một biến cố kỳ diệu chẳng những hoàn toàn độc nhất vô nhị trong lịch sử loài người, mà còn ở ngay chính tâm điểm của mầu nhiệm thời gian. Thật vậy, “tất cả thời gian đều thuộc về (Chúa Kitô) và tất cả mọi thế hệ”, như phụng vụ gợi lên trong Lễ Vọng Phục Sinh nhắc nhở để bắt đầu thắp Cây Nến Phục Sinh. Vì thế, trong việc tưởng niệm ngày Phục Sinh của Chúa Kitô chẳng những mỗi năm một lần mà còn vào mỗi Chúa Nhật, Giáo Hội muốn nói với hết mọi thế hệ về cái điểm tựa thực sự của lịch sử mà mầu nhiệm về nguồn gốc của thế giới cũng như về định mệnh cuối cùng của nó qui về.

Thế nên, thật là chính đáng khi cho rằng, theo những lời của một bài giảng ở thế kỷ thứ 4, “Ngày của Chúa” là “chúa của mọi ngày” (2). Những ai đã được ơn tin tưởng vào Chúa Kitô Phục Sinh không thể không thấu triệt được tính cách quan trọng của ngày này trong tuần, bằng cùng một cảm xúc thấm thía đã khiến Thánh Giêrônimô phải nói rằng: “Chúa Nhật là ngày Phục Sinh, đó là ngày của Kitô hữu, đó là ngày của chúng ta” (3). Đối với Kitô hữu, Chúa Nhật là “ngày lễ chính yếu” (4), được thiết lập chẳng những để đánh dấu việc liên tục của thời gian mà còn để cho thấy ý nghĩa sâu xa hơn nữa của thời gian.

3.     Tầm quan trọng chính yếu của Chúa Nhật đã được nhìn nhận qua hai ngàn năm lịch sử và đã được Công Đồng Chung Vaticanô II tái nhấn mạnh rằng: “Cứ mỗi bảy ngày Giáo Hội lại cử hành mầu nhiệm Phục Sinh. Đây là một truyền thống từ thời các Tông Đồ, bắt nguồn từ chính ngày Phục Sinh của Chúa Kitô – một ngày bởi đó đáng được gọi là ‘Ngày của Chúa’” (5). Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng này một lần nữa khi ngài phê chuẩn bản tân Lịch Chung Rôma cùng với Những Qui Tắc Phổ Quát ấn định bậc lễ của Phụng Niên (6). Việc tiến đến Ngàn Năm Thứ Ba, một việc kêu gọi tín hữu hãy suy tư về giòng lịch sử trong ánh sáng Chúa Kitô, cũng là việc kêu gọi họ hãy tái nhận thức một cách mãnh liệt một lần nữa ý nghĩa của Chúa Nhật, về “mầu nhiệm” của ngày này, về việc cử hành ngày này, về tầm quan trọng của ngày này với Kitô hữu cũng như với sự sống con người.

Tôi lấy làm hài lòng nhận thấy rằng trong những năm tháng từ Công Đồng Chung Vaticanô II, đề tài quan trọng này đã thúc đẩy chẳng những nhiều thứ nhắc nhở bởi Chư Huynh Giám Mục thân mến với tư cách là thày dạy đức tin, mà còn cả những phương sách về mục vụ khác nhau được chư huynh, với sự trợ giúp của hàng giáo sĩ của mình, phác họa ra một mình hay chung nhau. Trước ngưỡng cửa của Đại Năm Thánh 2000, tôi muốn cống hiến cho chư huynh Bức Tông Thư này để nâng đỡ những nỗ lực mục vụ của chư huynh ở lãnh vực hệ trọng này. Thế nhưng, đồng thời tôi cũng muốn hướng về tất cả anh chị em tín hữu của Chúa Kitô như thể tôi đã hiện diện về tinh thần nơi tất cả mọi cộng đồng mà anh chị em qui tụ lại quanh các Vị Mục Tử của mình vào mỗi Chúa Nhật để cử hành Thánh Thể và “Ngày của Chúa”. Nhiều điều nhận thức và trực giác gợi ý trong Bức Tông Thư này đã được phát triển từ việc phục vụ của tôi khi còn làm giám mục ở Krakow, cũng như từ thời gian tôi lãnh nhận thừa tác vụ làm Giám Mục Rôma khi đến viếng thăm các giáo xứ ở Rôma một cách thường lệ vào các Chúa Nhật khác mùa trong Phụng Niên. Tôi thấy Bức Thư này như những gì tiếp tục việc trao đổi một cách sống động mà tôi luôn cảm thấy vui thích khi thực hiện với tín hữu, như tôi chia sẻ với anh chị em về ý nghĩa của Chúa Nhật và nhấn mạnh đến lý do sống Chúa Nhật như “Ngày của Chúa” thực sự, cũng như trong những hoàn cảnh thay đổi của thời đại chúng ta đây.

4.     Cho đến mới đây vẫn còn dễ dàng giữ Chúa Nhật thánh hảo ở những xứ sở Kitô Giáo truyền thống, vì nó là một việc thực hành hầu như phổ quát, cũng như vì, ngay cả ở tổ chức xã hội dân sự, việc nghỉ ngơi Chúa Nhật được coi là một phần cố định của chương trình làm việc. Tuy nhiên, ngày nay, ngay cả ở những xứ sở theo pháp lý chấp thuận tính chất ngày lễ của Chúa Nhật, thì những đổi thay ở những điều kiện về kinh tế xã hội cũng thường gây ra những cải biến sâu xa nơi tác hành về xã hội, bởi đó nơi cả tính chất của Chúa Nhật. Tục lệ về một thứ “cuối tuần” đã trở nên thông dụng hơn, một gian đoạn nghỉ ngơi hằng tuần, được sống có thể xa nhà và thường tích cực tham gia vào những sinh hoạt về văn hóa, chính trị hay thể thao là những sinh hoạt thường được tổ chức vào các ngày nghỉ. Hiện tượng về xã hội và văn hóa này không phải là không có những khía cạnh tích cực của nó, nếu, trong khi tôn trọng những giá trị thực sự, nó góp phần vào việc phát triển của con người cũng như vào việc thăng tiến đời sống xã hội nói chung. Tất cả những sinh hoạt ấy chẳng những đáp ứng các nhu cầu nghỉ ngơi, mà còn cả nhu cầu mừng vui vốn có nơi nhân tính của chúng ta. Tiếc thay, khi Chúa Nhật mất đi ý nghĩa chính yếu của mình và trở thành một phần thuần túy của một “cuối tuần”, thì vấn đề xẩy ra là con người tự giam mình trong một chân trời hạn hẹp đến nỗi họ không còn thấy được “các tầng trời” nữa (7). Bởi thế, mặc dù muốn vui mừng mà họ vẫn thực sự không thể nào làm được điều này.

Tuy nhiên, thành phần môn đệ của Chúa Kitô được yêu cầu tránh đi bất cứ lẫn lộn nào giữa việc cử hành Chúa Nhật, một cử hành phải thực sự trở thành cách thức giữ Ngày của Chúa thánh hảo, với việc mừng vui “cuối tuần” được hiểu như một thời gian thuần túy để nghỉ ngơi và xả hơi. Điều này cần phải có một mức độ trưởng thành thực sự về tâm linh là những gì khiến Kitô hữu có thể “trở thành những gì họ là”, hoàn toàn hợp với tặng ân đức tin, lúc nào cũng sẵn sàng chứng tỏ niềm hy vọng nơi họ (x 1Pt 3:15). Có thế, họ mới tiến được đến chỗ hiểu biết sâu xa hơn Chúa Nhật, nhờ đó, ngay cả trong những trường hợp khó khăn, họ vẫn có thể sống hoàn toàn dễ dậy với Thánh Linh.

5.     Theo quan điểm ấy thì tình hình này dường như xẩy ra một cách hỗn hợp. Một đàng thì có gương mẫu của một số Giáo Hội trẻ cho thấy họ có thể cử hành Chúa Nhật một cách sốt sắng ra sao, dù ở các vùng phố thị hay ở các làng mạc rải rác khắp nơi. Trái lại, ở những miền đất khác trên thế giới, vì áp lực của xã hội như đã được đề cập tới, mà có lẽ vì động lực đức tin yếu kém, tỷ số tham dự phụng vụ Chúa Nhật rất là thấp. Trong tâm trí của nhiều tín hữu, chẳng những cảm quan về vai trò trọng yếu của Thánh Thể, mà thậm chí ngay cả cảm quan về nhiệm vụ cần phải tri ân cảm tạ Chúa và cùng với kẻ khác nguyện cầu với Người trong cộng đồng Giáo Hội, là những gì dường như đang bị suy giảm.

Sự thật cũng xẩy ra, cả ở các xứ sở truyền giáo cũng như ở những xứ sở được truyền bá phúc âm hóa lâu đời, tình trạng thiếu thốn linh mục khiến cho việc cử hành Thánh Thể Chúa Nhật không thể được luôn bảo đảm ở hết mọi cộng đồng dân Chúa.

6.     Trước tình trạng bố trận của những tình hình mới này cũng như những vấn nạn bởi đó mà ra, hơn bao giờ cần phải phục hồi những nền tảng tín lý sâu xa làm nền cho luật định của Giáo Hội, nhờ đó giá trị vĩnh tồn của Chúa Nhật nơi đời sống Kitô hữu được sáng tỏ đối với tất cả mọi tín hữu. Để làm việc này, chúng ta hãy theo truyền thống cổ truyền của Giáo Hội, một truyền thống được Công Đồng Chung Vaticanô II mạnh mẽ lập lại trong giáo huấn của mình về Chúa Nhật “Các tín hữu Kitô giáo cần phải qui tụ lại để tưởng niệm cuộc khổ nạn, Phục Sinh và hiển vinh của Chúa Giêsu, bằng việc nghe Lời Chúa và chia sẻ Thánh Thể, cũng như để tạ ơn Thiên Chúa là Đấng đã ban cho họ tặng ân tái sinh vào một niềm hy vọng sống động nhờ Việc Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh từ kẻ chết (x 1Pt 1:3)” (8).

7.     Phận sự giữ Chúa Nhật thánh hảo, nhất là bằng việc tham phần vào Thánh Thể, cũng như bằng việc nghỉ ngơi trong một tinh thần vui mừng và huynh đệ Kitô giáo, có thể dễ dàng hiểu được nếu chúng ta để ý tới những khía cạnh khác nhau của ngày này, những khía cạnh cần chúng ta chú trọng đến trong bức Tông Thư này.

Chúa Nhật là một ngày ở ngay chính cốt lõi của đời sống Kitô hữu. Từ đầu Giáo Triều của mình, tôi đã không thôi lập lại rằng: “Đừng sợ! Hãy cởi mở, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô!” (9). Cũng thế, hôm nay đây tôi cũng hết sức xin mọi người hãy tái nhận thức Chúa Nhật: Đừng sợ hiến thời giờ của anh chị em cho Chúa Kitô! Phải, chúng ta hãy mở thời gian của chúng ta cho Chúa Kitô, để Người chiếu ánh sáng lên nó và hướng dẫn nó. Người là Đấng biết được cái bí mật của thời gian và bí mật của vĩnh hằng, và Người ban cho chúng ta “ngày của Ngài” như một tặng ân hằng mới mẻ của tình Ngài yêu thương. Việc tái nhận thức về ngày này là một ân huệ chúng ta cần phải van nài, chẳng những để chúng ta có thể sống những đòi hỏi của đức tin một cách toàn vẹn, mà còn để chúng ta có thể đáp ứng một cách cụ thể những khát vọng sâu xa nhất của con người. Thời gian được hiến cho Chúa Kitô sẽ không bao giờ là một thời gian bị mất mát cả, mà là một thời gian chiếm hữu, nhờ đó, các mối liên hệ của chúng ta, đúng hơn cả đời sống của chúng ta càng trở nên nhân bản thực sự hơn nữa.



Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh:

 http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html