Tại San Francisco

Chuyến Tông Du 36 Thăm Hoa Kỳ và Canada

(10-21/9/1987)

Ngài là chiếc cầu nối

giữa Đông Tây (tôn giáo)

và Nam Bắc (giầu nghèo)

 

 

?

 

Vị Giáo Hoàng của “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”:

 

“MỘT TIA SÁNG PHÁT HIỆN TỪ BALAN…”

 

 

 

 

 

 

N

ếu chưa có một lễ an táng nào uy nghi trang trọng nhưng lại vui nhộn tưng bừng hân hoan như của vị giáo hoàng vừa nằm xuống vào ngày Thứ Bảy Đầu Tháng lễ vọng Chúa Tình Thương hôm 2/4/2005 vừa rồi, thì phải thú thực là chưa bao giờ người Công giáo nói riêng và Giáo Hội Công giáo nói chung cảm thấy vinh dự qua cái chết của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II như vậy. Với cái chết của Mẹ Têrêsa Calcutta, một nữ tu Kitô hữu Công giáo được cả thế giới ngưỡng mộ khi còn sống cũng như lúc qua đời và được một nước theo Ấn giáo thực hiện một cuộc quốc táng, Kitô giáo nói chung và Giáo Hội Công giáo nói riêng đã lấy làm vinh dự lắm rồi về con người được tặng biệt danh là “Biểu hiệu Đức Ái Kitô giáo”.

 

Thế nhưng, với cái chết của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, qua Thánh Lễ an táng chưa từng có trong lịch sử, phải nói là vinh dự của Giáo Hội Công giáo đã lên đến tuyệt đỉnh. Con người Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được cả thế giới ngưỡng mộ và đã đi vào lịch sử loài người như thế, phải chăng cái chết của ngài là một thắng lợi, bởi đối với ngài: sống là Chúa Kitô? 

 

Để biết được tại sao con người Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được cả thế giới ngưỡng mộ và đã đi vào lịch sử loài người như thế, một con người ở vào trường hợp chẳng những thời thế tạo anh hùng (khi Balan bị khống chế bởi Đức Quốc xã và Cộng Sản) mà còn thánh nhân tạo lịch sử (vai trò giáo hoàng rao giảng Phúc Âm Sự Sống khắp nơi trên thế giới bằng giáo thuyết cũng như bằng các cuộc tông du theo đường hướng duc in altum), một con người không phải chỉ là một thứ hiện tượng hay thần tượng nhất thời, mà là một di sản đã được hầu như mọi người hết lòng trân quí và là một tên tuổi được lịch sử thế giới vinh danh như vĩ nhân, chúng ta cần phải trở về nguồn để biết được đâu là ý muốn của Đấng làm chủ lịch sử trong việc Ngài chọn con người đặc biệt này ở vào thời điểm đặc biệt ấy.

 

Thật vậy, ý nghĩa của tất cả mọi sự nói chung và của cuộc đời con người nói riêng là ở tại cùng đích hay mục đích của nó. Nghĩa là, nếu con người ý thức được và tận lực đạt đến cùng đích của mình là họ đã sống một cuộc đời hết sức ý nghĩa rồi vậy. Mà mục đích của đời sống con người, một mục đích làm nên cốt lõi và là ý nghĩa đời sống của con người, được chất chứa nơi hay phản ánh qua ơn gọi hay sứ vụ của họ. Tức là, con người được kêu gọi để đạt tới cùng đích của mình, và nếu không đạt được cùng đích của mình là con người không làm trọn sứ vụ của họ, trái lại, khi họ nỗ lực sống trọn ơn gọi hay sứ vụ của họ là họ đã sống đúng với ý nghĩa của cuộc đời họ.

Nơi Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng thế, muốn hiểu được tất cả ý nghĩa của những gì ngài đã làm cho Giáo Hội trong 26 năm rưỡi, chúng ta cần phải nắm được chính cái cốt lõi của giáo triều ngài, hay nói cách khác, chúng ta cần phải biết rõ ơn gọi của ngài, tức là ngài được Thiên Chúa chọn làm giáo hoàng vào thời điểm Giáo Hội ở vào hậu bán thế kỷ 20 (chỉ còn chưa đầy 1 phần 4 thế kỷ) sau Công Đồng Chung Vaticanô II và mới bước vào ngàn năm thứ ba Kitô giáo đây để làm gì? Theo tôi, ơn gọi của vị giáo hoàng thứ 264 này của Giáo Hội là “để dọn đường cho lần đến cuối cùng của Cha”, đúng như lời Chúa Giêsu đã nói với vị thánh đầu tiên của đệ tam thiên kỷ là Faustina, vị tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa và là vị đã được đức giáo hoàng Balan phong thánh vào Chúa Nhật II Phục Sinh, 30/4/2000.

 

Vâng, vào năm 1994, khi Giáo Hội bắt đầu giai đoạn xa (1994-1997, vì giai đoạn gần từ 1997-2000) dọn mừng Năm Thánh 2000, bấy giờ tôi đang chuyển dịch bộ sách (2 cuốn dầy 920 trang) “Tội Tràn Lan … Phúc Ngập Lụt!”, xuất bản năm 1995, nội dung bao gồm “Những lời thỏ thẻ của Chúa Giêsu với một số linh hồn ưu tuyển”, trong đó có Thánh nữ Faustina, tôi đã đọc thấy những lời Chúa Giêsu nói với chị như thế này:

 

·         “Khi tôi đang cầu nguyện thì tôi nghe thấy những lời của Chúa Giêsu như sau: ‘Cha đặc biệt yêu thương Balan, mà nếu Balan tuân theo ý muốn của Cha thì Cha sẽ nâng Balan lên trong quyền năng và thánh thiện. Từ Balan sẽ phát ra một tia sáng để sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha - From her will come forth the spark that will prepare the world for My final coming”. (Nhật Ký về Lòng Chúa Thương Xót trong Hồn Tôi của chị Faustina, khoản số 1732)

Những lời này làm tôi vô cùng sửng sốt và nghĩ ngay đến Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Và tôi đã khai triển câu nói của Chúa Giêsu luôn ám ảnh tôi, mà tôi nghĩ rằng Người ám chỉ đến ĐTC GPII ấy, trong cuốn Hận Thù Quyết Thắng, xuất bản năm 1996, ở Chương 5, từ trang 53 đến 64. Thú thật, cho tới khi thấy bệnh tình của ngài càng ngày càng trầm trọng, tình trạng nguy kịch này lại xẩy ra sát kề ngày Lễ Chúa Tình Thương, tôi cảm thấy thôi đúng rồi, câu Chúa Giêsu nói ấy quả thực ám chỉ về ngài. Để rồi, khi hay tin ngài quả thực qua đi vào thời điểm Lễ Vọng Kính Chúa Tình Thương, và đã qua đi không lâu ngay sau Thánh Lễ (vọng) Kính Chúa Tình Thương được cử hành ở phòng của ngài, tôi lại càng cảm thấy lời Chúa Giêsu quả thực nói về vị giáo hoàng có nhiều điềm lạ này.

 

Chưa hết, sau đó, tôi càng xúc động hơn nữa và càng cảm thấy thấm thía lời Chúa Giêsu nói về ngài như “một tia sáng phát ra từ Balan để dọn đường cho lần đến cuối cùng của Cha” hơn bao giờ hết, khi biết rằng sứ điệp cuối cùng vị giáo hoàng vừa nằm xuống gửi cho riêng Giáo Hội và thế giới, một sứ điệp được đọc lên sau khi ngài đã vĩnh viễn ra đi, sau khi ngài đã hoàn tất sứ vụ chủ chăn nhân lành của mình cho đến hơi thở cuối cùng, đó là sứ điệp ngài đã viết sẵn cho Lễ Kính Chúa Tình Thương Chúa Nhật 3/4/2005 về Lòng Thương Xót Chúa.

 

Nếu quả thực sứ mệnh của “tia sáng (Karol Wojtyla - Gioan Phaolô II) phát hiện từ Balan” này là “để sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha” đây, thì “tia sáng” này đã thực hiện sứ vụ ấy của mình như thế nào và đã hoàn tất sứ vụ này chưa mà qua đi rồi?

 

Chúng ta không biết được Chúa Giêsu có quả thực nói với chị Faustina câu nói có tính cách tiên tri “rùng rợn” (đối với nhiều người) ấy hay chăng, nhưng biết chắc một điều là nó có đó, như đã được chị viết ra, trong tập nhật ký của chị, và là một câu đã được chính vị giáo hoàng đồng hương của chị trích lại khi ngài về thăm Balan lần thứ tám, cũng là lần cuối cùng, vào thời đoạn 16-19/8/2002, ở bài giảng hôm Thứ Bảy 17/8/2002, trong Thánh Lễ cung hiến tân Đền Thờ Chúa Tình Thương, nơi cách đó không xa là khu hầm mỏ Solvay, địa điểm khi còn trẻ ngài đã làm việc trong thời kỳ Nazi chiếm đóng Balan, và đó là lý do khiến ngài đã hết sức xúc động bộc phát lên những lời cảm kích như sau: “Ai có thể nghĩ rằng có người đã từng bước đi ở nơi đây với những chiếc giầy bằng gỗ mà một ngày kia lại là người cung hiến ngôi đền thờ này nhỉ?” Trong bài giảng của mình, ngài đã đề cập tới lời Chúa Giêsu nói với chị Faustina về “một tia sáng phát ra từ Balan…”, ám chỉ về chính Lòng Thương Xót Chúa từ Balan tỏa khắp thế giới như sau:

 

·         “Thế nên, hôm nay đây, tại Đền Thánh này, Tôi xin long trọng ký thác thế giới cho Lòng Thương Xót Chúa. Tôi làm như vậy với một lòng thiết tha mong ước thấy sứ điệp của tình yêu nhân hậu Thiên Chúa, được loan báo nơi đây qua Thánh Faustina, cũng được tất cả mọi dân tộc trên thế giới biết đến và làm cho lòng họ tràn đầy niềm hy vọng. Chớ gì sứ điệp này, từ nơi đây, chiếu tỏa ra cho quê hương thân yêu của chúng ta cũng cho khắp thế giới. Chớ gì lời hứa quyết của Chúa Giêsu được nên trọn, ở chỗ, từ nơi đây phải chiếu giãi ra ‘tia sáng sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha’ (x Nhật Ký, 1732). Tia sáng này cần phải thắp lên bởi ân sủng của Thiên Chúa. Ngọn lửa tình thương này cần phải được chuyền đi cho thế giới. Trong tình thương của Thiên Chúa thế giới mới tìm thấy hòa bình và nhân loại mới tìm thấy hạnh phúc!”

 

Phải chăng vị giáo hoàng, vì đọc được những lời này, thậm chí hoàn toàn tin tưởng những lời ấy, mà vào ngày 11/5/1997, tại Lebanon, ngài đã, vô tình hay cố ý, thốt lên những lời rõ ràng như sau:

 

·         “Tất cả chúng ta đang sống trong Mùa Vọng của những ngày lịch sử cuối cùng, và tất cả chúng ta đang nỗ lực sửa soạn đón Chúa Kitô đến để thiết dựng vương quốc của Thiên Chúa đã được Người loan báo - We are all living in the Advent of the last days of history, and all trying to prepare for the coming of Christ, to build the kingdom of God which he proclaimed” (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 14/5/1997, trang 2).

 

Những lời này là âm vang từ những gì ngài đã mở đầu cho bức thông điệp khai triều của ngài, bức Thông Điệp Redemptor Hominis – Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, được ban hành ngày 4/3/1979, Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay, với những lời lẽ như sau:

 

·         "Thật vậy, thời điểm này, một thời điểm mà theo ý định kín nhiệm của Thiên Chúa, Ngài đã trao cho tôi, sau vị tiền nhiệm Gioan-Phaolô I yếu mến của tôi, việc phục vụ hoàn vũ liên quan đến Toà của Thánh Phêrô ở Rôma, thì đã rất gần đến năm 2000 rồi… Chúng ta, một cách nào đó, cũng đang ở trong một Mùa Vọng mới, một mùa đợi trông…" (đoạn 1).

 

Vì nhận thức Giáo Hội đang sống trong một Mùa Vọng đợi trông Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc Nhân  Trần như thế, ngài đã cảm thấy có trách nhiệm hướng lòng trí con người nói chung và Giáo Hội nói riêng về “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần là trung tâm của vũ trụ và của lịch sử” (câu mở đầu cho bức thông điệp này), như ngài đã minh định trong khoản số 7 như sau:

 

·         "Điều chúng ta phải làm là gì đây, để mùa vọng mới này của Giáo Hội có dính dáng đến việc tiến đến hồi kết thúc của đệ nhị thiên niên này, có thể làm cho chúng ta gần hơn với Đấng mà Thánh Kinh gọi là ‘Cha Hằng Sống’ Pater futuri saeculi (Is 9:6)? Đây là một câu hỏi chính yếu mà vị Tân Giáo Hoàng này phải tự đặt ra, theo tinh thần đức tin trong việc tuân hành chấp nhận tiếng gọi để đáp lại lệnh truyền mà Chúa Kitô đã mấy lần ngỏ với thánh Phêrô: 'Hãy chăn các chiên của Thày' (Jn 21:15), tức: Hãy làm chủ chăn đàn chiên của Thày, cũng như: ‘Hãy làm cho các anh em của con vững mạnh khi con phục hồi' (Lk 22:32). Đối với câu hỏi này, quí huynh và anh chị em thân mến, cần phải có một giải đáp thực sự và xác đáng. Câu giải đáp của chúng ta phải là thế này: Tinh thần của chúng ta phải hướng về một chiều, một chiều duy nhất cho lý trí, ý muốn và tâm can của chúng ta, đó là hướng về Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, hướng về Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc của nhân loại. Chúng ta muốn hướng về Người, vì không có ơn cứu rỗi nơi một ai khác ngoài Người, Con Thiên Chúa, bằng cách lập lại lời của thánh Phêrô: 'Lạy Chúa, chúng con còn biết theo ai? Chúa có những lời sự sống đời đời' (Jn 6:68; Acts 4:8-12)".

 

Chắc chắn một điều là ĐTC GPII không hề biết được đích xác ngày giờ ngài qua đời, tức ngài sẽ chăn dắt Giáo Hội bao lâu, có thể là lâu hơn Đức Gioan Phaolô I, vị xuất hiện trong lịch sử Giáo Hội có 33 ngày ngắn ngủi, nhưng lâu tới bao giờ. Tuy nhiên, ngài vẫn cảm thấy có một cái gì đó thúc đẩy ngài hướng ngay về Đại Năm Thánh 2000, cách thời điểm ngài viết bức thông điệp đầu tiên của ngài bấy giờ 21 năm nữa.

Phải chăng thời gian 26 năm rưỡi chăn dắt Giáo Hội, một thời gian lâu dài đứng vào hàng thứ 3 trong lịch sử Giáo Hội của vị giáo hoàng 264 này, cũng là dấu chứng cho thấy vai trò dọn đường “sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha” của ngài?

 

Trong thời gian 26 năm rưỡi này, ngài đã mở đầu bằng Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, một thông điệp được ban hành vào Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay 4/3/1979, và kết thúc bằng Sứ Điệp Chúa Tình Thương, một sứ điệp cho Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa 3/4/2005, một sứ điệp đã được đọc lên tại Quảng Trường Thánh Phêrô trước buổi Nguyện Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng sau Thánh Lễ Kính Chúa Tình Thương cầu hồn cho ngài. Có thể nói, ơn gọi của vị hồng y Balan Karol Wojtyla lên làm giáo hoàng Gioan Phaolô II đó là để thực hiện sứ vụ đưa con người về với lòng thương xót Chúa, “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”.

 

Nếu so sánh Đức Phaolô VI là vị giáo hoàng về Giáo Hội, với thông điệp mở màn cho giáo triều của ngài là “Giáo Hội của Người - Ecclesiam Suam”, ban hành ngày Lễ Chúa Biến Hình 6/8/1964, đúng 14 năm trước cùng ngày ngài qua đời, cũng như với vai trò thay Đức Gioan XXIII (qua đời ngày 3/6/1963) chủ tọa Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962-8/12/1965), thì Đức Gioan Phaolô II, căn cứ vào tất cả những những gì ngài nói và làm, là vị giáo hoàng cho nhân loại.

 

Thật vậy, Công Đồng Chung Vaticanô II là công đồng về Giáo Hội, về việc Giáo Hội làm sao nhận thức được bản thân mình để có thể chiếu tỏa ánh sáng Chúa Kitô trước thế giới (Lumen Gentium, 1). Đó là lý do Công Đồng đã ban bố hai (trong 4) hiến chế về Giáo Hội, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium - Ánh Sáng Muôn Dân (ban hành ngày 21/11/1964), liên quan đến việc Giáo Hội ý thức mình là “ánh sáng muốn dân”, và Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Gaudium et Spes – Vui Mừng và Hy Vọng (ban hành ngày 7/12/1965, áp ngày bế mạc Công Đồng), liên quan đến việc chiếu tỏa Chúa Kitô ra trước thế giới tân tiến. Như thế, có thể so sánh như sau: nếu Đức Phaolô VI là tiêu biểu cho Hiến Chế Lumen Gentium về bản chất của Giáo Hội, thì Đức Gioan Phaolô II là hiện thân của Hiến Chế Gaudium et Spes – Giáo Hội trong thế giới tân tiến.

 

Phải chăng vì Đức Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng của thế giới tân tiến, của nhân loại mà trong giáo triều của ngài đã xẩy ra nhiều biến cố khiến ngài, cùng với Giáo Hội, với tư cách là tiếng lương tâm của nhân loại, đã phải nhắc nhở con người, đã phải “làm chính trị đạo lý”, đã thực hiện 104 cuộc tông du khắp thế giới, đã tăng số ngoại giao với các quốc gia từ 85 đến 174 và đã được cả 200 lãnh tụ quốc gia đến tham dự Lễ an táng của ngài, những gì chưa từng xẩy ra cho vị giáo hoàng nào trước đó! Chưa kể việc ngài đã để lại cho chung nhân loại 2 tác phẩm tuyệt vời betst seller là “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” (1994) về triết lý thời sự và “Hồi Niệm và Căn Tính” về luân lý thời sự.

 

Đức Gioan Phaolô II thực sự là vị giáo hoàng của Vui Mừng và Hy Vọng, của Hiến Chế Gaudium et Spes, một hiến chế chính ngài đã góp phần vào việc soạn thảo, và đã trích dẫn hai câu ở khoản số 22 và 24 rất nhiều lần trong giáo triều của ngài, đó là các câu cho thấy cốt lõi của chẳng những chính bản hiến chế này của Công Đồng mà còn của cả khoa nhân loại học Kitô giáo (Christian anthropology) lẫn giáo thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo nữa. Đó là câu:

 

·         “Mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Lời nhập thể… Chúa Kitô, Adong mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và về tình yêu của Ngài, đã cho con người biết rõ về chính con người họ và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ” (22).

 

·         “Con người là tạo vật duy nhất trên trần gian này được Thiên Chúa dựng nên vì chính bản thân họ chỉ có thể gặp lại chính mình khi thành thực trao ban mình đi” (24).

 

Trong Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật II Mùa Chay 7/3/2004, ĐTC GPII đã nhắc lại ý tưởng chính yếu hết sức hệ trọng này như sau:

 

·         “Tôi muốn ngỏ lời huấn dụ này cho toàn thế giới 25 năm trước đây, chính vào lúc mở màn cho Mùa Chay này, trong thông điệp ‘Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần’ (xem số 7). Nếu con người muốn hiểu về mình cách tường tận, bấy giờ Tôi đã viết, họ cần phải đến gần Chúa Kitô, họ phải đi sâu vào Người, họ phải ‘thích hợp’ với Người và phải đồng hóa với toàn thể thực tại của công cuộc Cứu Chuộc (xem số 10). Hôm nay đây sự thật này hợp thời biết bao!” (đoạn 3)

 

Đó là lý do, vào chiều ngày Thứ Năm 16/10/2003, đúng 25 năm sau được bầu làm giáo hoàng, ĐTC Gioan Phaolô II đã cử hành thánh lễ trọng thể ở Quảng Trường Thánh Phêrô với 50 ngàn người tham dự. Trong bài giảng của mình, ĐTC, sau khi đã nhắc lại cảm giác của ngài khi vừa được chọn làm giáo hoàng, ngài đã lập lại lời ngài kêu gọi chung loài người 25 năm trước:

 

·         “Đừng sợ tiếp đón Chúa Kitô và chấp nhận quyền bính của Người! Hôm nay đây, Tôi mạnh mẽ lập lại là: Hãy mở cửa, hãy mở rộng của cho Chúa Kitô! Hãy để cho Người hướng dẫn anh chị em! Hãy tin tưởng vào tình yêu của Người!”.

 

 

 

 

Vị Giáo Hoàng của “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần” trong Chuyến Tông Du 98 về Balan lần thứ 8 cũng là lần cuối (16-19/8/2002). ĐTC cung hiến Tân Đền Thờ Chúa Tình Thương ở Lagiewniki, ngoại ô thành phố Krakow, Thứ Bảy 17/8, và trong bài giảng ngài đã nói về “tia sáng từ Balan” như sau:.

 

“Hôm nay đây, tại Đền Thánh này, Tôi xin long trọng ký thác thế giới cho Lòng Thương Xót Chúa... Chớ gì lời hứa quyết của Chúa Giêsu được nên trọn, ở chỗ, từ nơi đây phải chiếu giãi ra 'tia sáng sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha'”.