?

 

Vị Giáo Hoàng của “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”:

 

NGƯỜI TÔNG ĐỒ

CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

 

 

 

Đ

ó là lý do, khi ngài nằm xuống, những vị thân cận ngài nhất đã thấy được mối liên hệ mật thiết giữa bản thân ngài nói riêng và giáo triều ngài nói chung với Lòng Thương Xót Chúa.

 

Trong bài giảng của mình vào sáng Chúa Nhật II Phục Sinh kính Chúa Tình Thương, 3/4/2005, cũng là lễ cầu hồn cho ngài tại Quảng Trường Thánh Phêrô, trước 30 ngàn người tham dự, ĐHY Angelo Sodano, đã bày tỏ cảm nhận của mình về vị giáo hoàng mà đức hồng y này được làm quốc vụ khanh với những điểm chính yếu tiêu biểu như sau:

 

“Khi chúng ta khóc thương về cái chết của vị Giáo Hoàng đã lìa bỏ chúng ta ấy, chúng ta hướng lòng mình về viễn ảnh định mệnh đời đời của chúng ta… Chúng ta biết rằng, mặc dù chúng ta là những tội nhân, chúng ta được nâng đỡ bởi tình thương của Thiên Chúa Cha là Đấng đợi chờ chúng ta. Đó là ý nghĩa của Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa hôm nay, một lễ được thiết lập bởi chính vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yêu vừa ra đi, như là một trong những di sản của giáo triều ngài, để đề cao khía cạnh an ủi nhất của mầu nhiệm Kitô giáo.

 

“Chúa Nhật này, sẽ là những gì cảm kích khi đọc lại một trong những thông điệp tuyệt vời nhất của ngài, đó là thông điệp ‘Giầu Lòng Thương Xót’ – Dives in Misericordia’, được viết trong năm 1980, năm thứ ba của giáo triều ngài”.

 

Trong bức thông điệp này, vị hồng y quốc vụ khanh tòa thánh cho biết, Đức Gioan Phaolô II “mời gọi chúng ta hãy nhìn lên Chúa Cha, Đấng ‘là tình thương và là Vị Thiên Chúa của mọi niềm ủi an, Đấng an ủi chúng ta trong tất cả mọi ưu phiền đớn đau của chúng ta’”, cũng như nhìn lên “Maria là Mẹ Tình Thương”.

 

Vị hồng y chủ tế nhấn mạnh rằng vị Giáo Hoàng này đã lập đi lập lại qua nhiều năm “rằng những mối tương liên giữa con người cũng như giữa các dân tộc không thể chỉ được dựa vào công lý mà còn phải được hoàn hảo bằng tình yêu nhân hậu nữa, một thứ tình yêu là tiêu biểu của sứ điệp Kitô giáo. Đó là lý do Đức Gioan Phaolô II đã dẫn dắt Giáo Hội của ngàn năm thứ ba Kitô giáo trở thành một người Samaritanô Nhân Lành mới trên các nẻo đường thế giới, trên các con đường của một thế giới vẫn bị rúng động bởi những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Như thế, vị Giáo Hoàng này đã trở thành một điều khiển viên văn minh yêu thương, khi thấy nơi từ ngữ này là một trong những định nghĩa tuyệt vời nhất về ‘văn minh Kitô giáo’. Phải, văn minh Kitô giáo là văn minh yêu thương, hoàn toàn khác hẳn với những thứ văn minh hận thù, những thứ văn minh trong thế kỷ 20 là hậu quả của rất nhiều ý hệ”.

 

Chớ gì vị Giáo Hoàng này, “từ trời cao, hãy luôn nhìn xuống trên chúng ta và giúp chúng ta ‘vượt qua ngưỡng cửa hy vọng’ là những gì ngài đã nói rất nhiều với chúng ta. Chớ gì sứ điệp của ngài luôn được ghi khắc trong tâm can của con người nam nữ hôm nay. Đức Gioan Phaolô II đã từng lập lại những lời của Chúa Kitô: ‘Con Người đến thế gian không phải để luận phạt thế gian mà để thế gian nhờ Người hầu được cứu độ’”.

 

Vị hồng y chủ tế nhặc lại rằng Đức Gioan Phaolô II “đã truyền bá Phúc Âm hy vọng này trên thế giới, khi kêu gọi tất cả Giáo Hội hãy ôm ấp con người ngày nay, nâng họ lên bằng tình yêu cứu độ. Chúng ta hãy lãnh nhận công việc tiếp tục sứ điệp của vị đã để lại cho chúng ta và làm cho nó sinh hoa kết trái vì phần rỗi của thế giới”.

 

Trong bài giảng Thánh Lễ An Táng Thứ Sáu 8/4/2005, tại quảng trường Thánh Phêrô, một lễ an táng lớn nhất lịch sử loài người, với cả mấy triệu người tại Rôma và cả tỉ người trên khắp thế giới theo dõi qua truyền hình, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, trưởng Hồng Y Đoàn, cũng đã chia sẻ nhận định của mình về vị giáo hoàng đã luôn muốn đức hồng y giữ vai trò là tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, như sau:

 

“Hãy theo Thày! Kèm theo lệnh truyền chăm sóc cho đàn chiên của Người, Chúa Kitô còn báo cho Phêrô rằng thánh nhân sẽ phải chịu một cái chết tử đạo. Bằng những lời này, những lời kết thúc và tóm tắt cuộc đối thoại về lòng mến yêu cũng như về lệnh truyền làm chủ chiên hoàn vũ, Chúa Kitô đã nhắc lại một cuộc đối thoại khác đã diễn ra trong Bữa Tiệc Ly. Bấy giờ Chúa Giêsu đã phán: ‘Nơi Thày đi các con không thể nào tới được’ Thánh Phêrô thưa Người rằng: ‘Lạy Thày, Thày đi đâu thế?’ Chúa Giêsu đáp: ‘Nơi Thày đi hiện nay con không thể nào theo Thày nổi đâu; nhưng sau này con sẽ theo Thày’ (Jn 13:33,36). Từ Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã tiến tới Thập Giá, tiến tới cuộc phục sinh của Người – Người đã đi vào cuộc vượt qua của Người; và Thánh Phêrô chưa thể nào theo được Người. Giờ đây, sau cuộc phục sinh, thời giờ ấy đã đến, thời điểm ‘sau này’ đã đến. Bằng việc chăn dắt đàn chiên của Chúa Kitô, Thánh Phêrô đã đi vào mầu nhiệm vượt qua, thánh nhân đã tiến về phía thập tự giá và về cuộc phục sinh. Chúa Kitô đã nói về điều này bằng những lời: ‘… khi con còn trẻ, con thường tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tùy ý con muốn’ (Jn 21:18). Trong những năm đầu của giáo triều mình, những năm còn trẻ trung và đầy nhiệt huyết, Đức Thánh Cha đã đi đến tận cùng trái đất theo sự dẫn dắt của Chúa Kitô. Thế nhưng sau đó, ngài càng ngày càng đi sâu vào cuộc hiệp thông khổ đau với Chúa Kitô; càng hiểu được sự thật của những lời này: ‘Người ta sẽ thắt lưng cho con’. Và trong chính cuộc hiệp thông đau khổ này với Chúa Kitô một cách liên tục và càng gia tăng hơn, ngài đã loan báo Phúc Âm, loan báo mầu nhiệm về một tình yêu thương cho đến cùng tận (x Jn 13:1).

 

“Ngài đã giải thích cho chúng ta mầu nhiệm vượt qua như là một mầu nhiệm của lòng thương xót Chúa. Trong tác phẩm cuối cùng của mình, ngài đã viết: Cái giới hạn áp đặt trên sự dữ ‘tối hậu là Lòng Thương Xót Chúa’ (Hồi Niệm và Căn Tính, trang 60-61). Và khi suy nghĩ về biến cố mạng sống ngài bị cố sát, ngài đã nói: ‘Trong việc hy hiến mình cho tất cả chúng ta, Chúa Kitô đã cống hiến cho đau khổ một ý nghĩa mới, mở ra một chiều kích mới, một trật tự mới, đó là trật tự của yêu thương… Chính cái đau khổ này đốt cháy và thiêu rụi đi sự dữ bằng ngọn lửa yêu thương và rút ran gay từ tội lỗi cả một cuộc bừng nở đầy những thiện hảo’ (cùng nguồn, trang 189-190). Được thôi thúc bởi nhãn quan ấy, vị Giáo Hoàng này đã chịu đựng khổ đau và đã yêu qúi việc hiệp thông với Chúa Kitô, nên đó là lý do tại sao sứ điệp về khổ đau của ngài cùng việc thinh lặng của ngài là những gì thất là sống động và hiệu năng.

 

“Lòng Thương Xót Chúa: Đức Thánh Cha đã thấy được cái phản ảnh thuần khiết nhất của tình thương Thiên Chúa nơi Người Mẹ Thiên Chúa. Ngài là người đã mồ côi mẹ từ nhỏ đã càng tỏ ra kính mến người mẹ thần linh này hơn nữa. Ngài đã nghe thấy những lời của Chúa Kitô tử giá như là lời nói với riêng ngài: ‘Này là Mẹ của con’. Bởi thế, ngài thực hiện như người môn đệ yêu dấu đã làm, đó là ngài đã đem Mẹ về nhà của ngài (eis ta idia: Jn 19:27) – ‘Totus Tuus – tất cả của con là của Mẹ’. Và từ người mẹ này, ngài đã học nên giống Chúa Kitô”.

 

ĐGM Renato Boccardo, mới đây được bổ nhiệm làm tổng thư ký cho Quốc Đô Vatican, đã hướng dẫn tín hữu cầu nguyện ở Quảng Trường Thánh Phêrô sau lời loan báo về cái chết của Đức Giáo Hoàng. Vị giám mục này đã gọi Đức Gioan Phaolô II là “vị tông đồ của tình thương”. Trong cuộc phỏng vấn với Zenit, vị giám mục này đã chứng tỏ nhận định này của mình qua những câu vấn đáp sau đây:

 

“Vấn:   Ở cuộc tĩnh tâm cho các linh mục trên thế giới (được dự trù vào ngày 20-24/6 ở Krakow Balan), đức cha đã được mời để nói về Đức Giáo Hoàng này như là một vị tông đồ của tình thương. Vị Giáo Hoàng này là một tông đồ tình thương ở chỗ nào?

 

“Đáp:   Tôi nghĩ rằng trong gần 27 năm trời của giáo triều mình, vị Giáo Hoàng này đã là một vị tông đồ tình thương ở hai lãnh vực.

 

“Trước hết là qua giáo huấn của mình được ban bố qua những văn kiện khác nhau, nhất là qua thông điệp ‘Giầu Lòng Thương Xót – Dives in Misericordia’ của ngài. Thế nhưng, đồng thời cũng qua cả chiều kích thứ hai nơi các hành vi cử chỉ của ngài nữa. Chính hành vi cử chỉ của ngài mới là những gì tồn tại nơi ký ức và lương tâm của Giáo Hội hơn cả lời ngài nói nữa.

 

“Tôi nghĩ tới việc ngài tha thứ cho kẻ ám sát ngài rồi đến viếng thăm anh ta trong tù. Tôi nghĩ đến việc ngài gắn bó nhiều lần được tỏ ra với tất cả những ai đặc biệt cần đến Lòng Thương Xót Chúa. Tức là thành phần bị hội chứng liệt kháng, thành phần già lão bị bỏ rơi, thành phần bệnh nhân nói chung.

 

“Tôi nghĩ tới ngài vào Thứ Sáu Tuần Thánh ở Đền Thờ Thánh Phêrô, tiếp nhận những người hành hương nơi bí tích cáo giải, một dụng cụ cao cả nhất của tình thương Thiên Chúa.

 

“Đối với tôi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã liên kết lời nói và việc làm xót thương lại với nhau. Một tình thương được tỏ hiện ngay ở cử chỉ chăm sóc, lắng nghe, qua cách ngài chăm chú nhìn vào những ai khổ đau.

“Tôi nghĩ đến mẫu gương tình thương, một mẫu gương cống hiến cơ hội thứ tha trong Đại Năm Thánh 2000. Bởi thế, qua con người của mình cũng như qua giáo huấn của mình, Vị Giáo Hoàng này đã nhắc nhở Giáo Hội chiều kích sâu xa này của đời sống Kitô giáo.

 

“Vấn:   Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Tình Thương là hy vọng duy nhất cho thế giới này”. Tại sao ngài lại quá quan trọng Lòng Thương Xót Chúa đối với tương lai của thế giới này như thế?

 

“Đáp:   Thế giới hậu tân tiến và tân tiến của chúng ta đây dường như đã hết sức cảm thấy được việc cố gắng cải tiến đời sống của mình nhờ tiến bộ khoa học và kỹ thuật, song vẫn tiếp tục trải qua một tình trạng bần cùng khổng khiếp. Chúng ta hãy nhớ lại những lời Phúc Âm: Có lợi ích gì cho con người trong việc chiếm được cả thế gian mà lại mất chính linh hồn mình?

 

“Mà thế giới tân tiến của chúng ta đây, rất phong phú về những khám phá khoa học và kỹ thuật, lại thấy mình bị bí tắc trong việc tìm kiếm ý nghĩa cho việc hiện hữu của chính mình. Nó cảm thấy bản thân mình bị phân rẽ nội tâm, bị chi phối bởi hận thù, chiến tranh và chết chóc, và chiến đấu để tìm được sức mạnh cùng với lý do để sống và hy vọng. 

 

“Và Kitô hữu chúng ta tin rằng lý do của chúng ta và niềm hy vọng của chúng ta cho việc hiện hữu được tìm thấy nơi trái tim của Thiên Chúa mà thôi. Bởi thế mà thế giới hậu tân tiến của chúng ta, một thế giới bị chìm đắm trong cảnh bần cùng của mình, cần phải nghe hơn bao giờ hết việc loan báo ân sủng và tình thương từ trời cao.

 

Vấn:   Lễ Chúa Tình Thương đã tác dụng ra sao, nếu có, trên đời sống của Giáo Hội?

 

“Đáp:   Trước hết, tôi tin rằng lễ Chúa Tình Thương là một tặng vật Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cống hiến cho Giáo Hội, khi ngài thiết lập lễ này vào Chúa Nhật thứ nhất sau Lễ Phục Sinh, một tặng vật có lẽ để đáp ứng với nhu cầu của thế giới hơn bao giờ hết đang cảm thấy cần đến lòng xót thương và tình nhân ái.

 

“Và chúng ta biết rằng nguồn mạch, suối nguồn tình thương và lòng nhân ái ở nơi con tim của Thiên Chúa. Vấn đề cần là, như vị Giáo Hoàng này đã nói đến một số lần, Giáo Hội càng ngày càng phải trở thành thừa tác viên cho tình thương và lòng lành này của Thiên Chúa.

 

“Bởi vậy, giờ đây, bằng việc công bố một ngày đặc biệt giành cho việc cử hành và loan báo tình thương của Thiên Chúa, Đấng qua hy tế của Chúa Kitô đã vươn tới tất cả loài người, ngày nay đã trở thành một hoạt động truyền bá phúc âm hóa.

 

“Vấn:   Tại sao Đức Thánh Cha đã đặt lễ Chúa Tình Thương quá sát với Lễ Phục Sinh như vậy?

 

“Đáp:   Việc cử hành Tình Thương Chúa vào Chúa Nhật thứ nhất sau Lễ Phục Sinh, tôi có thể nói, là việc tái xác nhận tính cách cao cả của mầu nhiệm Phục Sinh. Thiên Chúa Cha muốn cứu độ nhân loại đã sai Con Ngài đến. Và Con của Ngài đã hiến mạng sống mình vì nhân loại. Bởi thế, điều ấy có nghĩa là gì nếu không phải là tình thương của Thiên Chúa?”

 

Chính vì ý thức được:

1.       ‘Nhân loại sẽ không bao giờ tìm thấy hòa bình, cho đến khi họ tin tưởng quay về với Lòng Thương Xót Chúa’ (Diary, trang 132). Lòng Thương Xót Chúa! Đó là quà tặng Phục Sinh Giáo Hội đã nhận được từ Chúa Kitô phục sinh để cống hiến cho loài người vào lúc rạng động của một thiên kỷ” (bài giảng Lễ Chúa Tình Thương 2001, như được trích dẫn trên đây).

 

2.       “Hôm nay đây chúng ta dường như được kêu gọi đặc biệt để loan báo sứ điệp này trước thế giới. Chúng ta không thể lơ là với sứ vụ này, nếu chính Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta thực hiện sứ vụ này qua chứng từ của Thánh Nữ Faustina. Thiên Chúa đã chọn thời đại của chúng ta cho mục đích này” (bài giảng Lễ Phong Chân Phước cho 4 vị đồng hương Balan năm 2002, như được trích dẫn trên đây).

 

3.       Sứ điệp tình yêu nhân hậu cần được vang vọng một cách mạnh mẽ một lần nữa. Thế giới cần đến thứ tình yêu này. Đã đến thời giờ cần phải mang sứ điệp của Chúa Kitô đến cho mọi người: cho các kẻ trị vì và thành phần bị áp bức, cho những ai có bản tính và phẩm vị bị tiêu ma trong mầu nhiệm lỗi lầm. Đã đến thời giờ sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa có thể làm cho các tâm hồn tràn đầy hy vọng và trở nên tia sáng cho một nền văn minh mới, một nền văn minh yêu thương” (bài giảng Lễ Phong Chân Phước cho 4 vị đồng hương Balan năm 2002, như được trích dẫn trên đây).

 

Mà “tia sáng phát hiện từ Balan” Karol Wojtyla Gioan Phaolô II này, một tia sáng được Chúa Giêsu cho biết là “để sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha”, mới trở thành vị giáo hoàng của “Giáo Hội trong thế giới tân tiến” (nội dung của Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội ‘Gaudium et Spes’), mới là vị giáo hoàng của riêng Giáo Hội Công giáo song lại là vị giáo hoàng cho chung toàn thể nhân loại. Đó là lý do, sau khi vĩnh viễn nằm xuống, ngài đã trở thành một vĩ nhân của cả lịch sử Giáo Hội lẫn lịch sử thế giới trong thời hậu bán thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 mở màn cho đệ tam thiên kỷ Kitô giáo. Lịch sử thế giới làm sao có thể bỏ qua không ghi nhận những gì ngài đã dấn thân hoạt động để xây dựng cho công lý và hòa bình trên thế giới trong suốt 26 năm rưỡi, với tư cách là vị lãnh đạo tối cao của riêng Giáo Hội Công giáo và của chung thế giới Kitô giáo. Chẳng hạn 4 việc xót thương điển hình ngài đã thực hiện sau đây:

 

1.      Về chính trị: Góp phần vào việc làm sụp đổ khối Cộng Sản Đông Âu;

 

2.      Về công lý: Vận động hòa bình thế giới, đặc biệt ở Trung Đông, nhất là ở Iraq;

 

3.      Về kinh tế: Đề nghị bãi nợ quốc tế hay ít là giảm nợ quốc tế;

 

4.      Về văn hóa: Tranh đấu bảo vệ sự sống con người và hủy bỏ án tử hình;

 

5.      Về luân lý: Tranh đấu chống lại mưu đồ toàn cầu hóa chính sách phá thai ở Hội Nghị Dân Số 1994;

 

6.      Về đạo lý: Công khai xin lỗi và thứ lỗi.