

Cầu Hồn, Kính Viếng và An Táng

Vị Giáo Hoàng 264

Phục Vụ Giáo Hội Lâu Đời Thứ Ba

 

 

 

Cầu hồn

 

(theo VIS của Tòa Thánh phổ biến qua điện thư ngày 3/4/2005)
 

C

húa Nhật Lễ Chúa Tình Thương 2/4/2005, như đã được loan báo trong văn thư chính thức về cái chết của ĐTC, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, vào lúc 10 giờ 30 sáng, Thánh Lễ cầu hồn của ngài đã được long trọng cử hành với sự tham dự của 130 ngàn người, do Đức Hồng Y Angelo Sodano chủ tế. Trong bài giảng của mình vào sáng Chúa Nhật II Phục Sinh kính Chúa Tình Thương, ĐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh đã bày tỏ cảm nhận của mình về vị giáo hoàng vừa quá cố với những điểm chính yếu tiêu biểu như sau:

Trước hết, vị hồng y chủ tế nói đến cái đau của việc mất đi “người cha và mục tử của chúng ta là Đức Gioan Phaolô II”, vị mà hơn 26 năm đã “luôn kêu gọi chúng ta nhìn lên Chúa Kitô là lý do duy nhất cho niềm hy vọng của chúng ta”.


“Vì hơn một phần tư thế kỷ, ngài đã mang Phúc Âm của niềm hy vọng Kitô giáo đến cho tất cả mọi nơi trên thế giới, dạy cho mọi người biết rằng sự chết chính là cửa ngỏ để về quê hương thiên đình của chúng ta. Định mệnh đời đời của chúng ta là ở đó, nơi Thiên Chúa là Cha chúng ta đang đợi chờ chúng ta.


“Đó là đức tin của chúng ta, đó là đức tin của Kitô hữu. Nỗi đớn đau của chúng ta liền được biến thành một thái độ hết sức bình thản. Tôi đã chứng kiến thấy một sự bình thản ấy, khi đứng nguyện cầu trước giường của ĐTC vào những giây phút cuối cùng của ngài, một sự bình thản của các vị thánh nhân, một sự bình thản xuất phát từ Thiên Chúa”.

“Khi chúng ta khóc thương về cái chết của vị Giáo Hoàng đã lìa bỏ chúng ta ấy, chúng ta hướng lòng mình về viễn ảnh định mệnh đời đời của chúng ta… Chúng ta biết rằng, mặc dù chúng ta là những tội nhân, chúng ta được nâng đỡ bởi tình thương của Thiên Chúa Cha là Đấng đợi chờ chúng ta. Đó là ý nghĩa của Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa hôm nay, một lễ được thiết lập bởi chính vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yêu vừa ra đi, như là một trong những di sản của giáo triều ngài, để đề cao khía cạnh an ủi nhất của mầu nhiệm Kitô giáo.


“Chúa Nhật này, sẽ là những gì cảm kích khi đọc lại một trong những thông điệp tuyệt vời nhất của ngài, đó là thông điệp ‘Giầu Lòng Thương Xót’ – Dives in Misericordia’, được viết trong năm 1980, năm thứ ba của giáo triều ngài”. Trong bức thông điệp này, vị hồng y quốc vụ khanh tòa thánh cho biết, Đức Gioan Phaolô II “mời gọi chúng ta hãy nhìn lên Chúa Cha, Đấng ‘là tình thương và là Vị Thiên Chúa của mọi niềm ủi an, Đấng an ủi chúng ta trong tất cả mọi ưu phiền đớn đau của chúng ta’”, cũng như nhìn lên “Maria là Mẹ Tình Thương”.


Vị hồng y chủ tế nhấn mạnh đến nhiều lần vị Giáo Hoàng này đã lập đi lập lại qua nhiều năm “rằng những mối tương liên giữa con người cũng như giữa các dân tộc không thể chỉ được dựa vào công lý mà còn phải được hoàn hảo bằng tình yêu nhân hậu nữa, một thứ tình yêu là tiêu biểu của sứ điệp Kitô giáo. Đó là lý do Đức Gioan Phaolô II đã dẫn dắt Giáo Hội của ngàn năm thứ ba Kitô giáo trở thành một người Samaritanô Nhân Lành mới trên các nẻo đường thế giới, trên các con đường của một thế giới vẫn bị rúng động bởi những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Như thế, vị Giáo Hoàng này đã trở thành một điểu khiển viên văn minh yêu thương, khi thấy nơi từ ngữ này là một trong những định nghĩa tuyệt vời nhất về ‘văn minh Kitô giáo’. Phải, văn minh Kitô giáo là văn minh yêu thương, hoàn toàn khác hắn với những thứ văn minh hận thù, những thứ văn minh trong thế kỷ 20 là hậu quả của rất nhiều ý hệ”.


Chớ gì vị Giáo Hoàng này, “từ trời cao, hãy luôn nhìn xuống trên chúng ta và giúp chúng ta ‘vượt qua ngưỡng cửa hy vọng’ là những gì ngài đã nói rất nhiều với chúng ta. Chớ gì sứ điệp của ngài luôn được ghi khắc trong tâm can của con người nam nữ hôm nay. Đức Gioan Phaolô II đã từng lập lại những lời của Chúa Kitô: ‘Con Người đến thế gian không phải để luận phát thế gian mà là để thế gian nhờ Người được cứu độ’”.


Vị hồng y chủ tế nhặc lại rằng Đức Gioan Phaolô II “truyền bá Phúc Âm hy vọng này trên thế giới, khi kêu gọi tất cả Giáo Hội hãy ôm ấp con người ngày nay, nâng họ lên bằng tình yêu cứu độ. Chúng ta hãy lãnh nhận công việc tiếp tục sứ điệp của vị đã để lại cho chúng ta và làm cho nó sinh hoa kết trái vì phần rỗi của thế giới”.


“Với người Cha không thể quên được của chúng tôi, chúng tôi xin nói bằng những lời phụng vụ là ‘Xin các thiên thần dẫn ngài vào Thiên Đàng! In Paradisum deducant te Angeli!’ Chớ gì một ca đoàn hân hoan đón mừng ngài và dẫn ngài đến Thành Thánh là Giêrusalem thiên đình, để ngài được muôn nđời nghĩ yên. Amen!”

 

 

Kính Viếng

 

C

uối buổi sáng Thứ Hai 4/4, vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh là Joaquin Navarro-Valls đã tường trình tại văn phòng báo chí của tòa thánh với thành phần phóng viên báo chí làm việc với tòa thánh những vấn đề sau đây (theo VIS của Tòa Thánh phổ biến qua điện thư ngày 4/4/2005):

 

“Những Cuộc Tổng Hội Thứ Nhất và Thứ Hai của Chư Hồng Y.

 

“Hai cuộc tổng hội đầu tiên của chư Hồng Y trong thời gian trống ngôi giáo hoàng được tổ chức sáng nay ở Sảnh Đường Bologna thuộc Tông Điện Vatican theo các qui tắc của Tông Hiến UDG (Universi Dominici Gregis).

 

 “Có 65 vị hồng y đã tham dự cuộc Tổng Hội thứ nhất được bắt đầu lúc 10 giờ sáng. Các vị đã tuyên thệ theo khoản 12 của UDG.

 

“Trong cuộc Tổng Hội thứ hai, 65 vị hồng y hiện diện đã thực hiện những quyết định khẩn trương nhất, bao gồm cả cách thức di chuyển thi thể của vị cố giáo hoàng đến Đền Thờ Vatican, và ngày cử hành Lễ An Táng cho Đức Gioan Phaolô II.

 

“Hiện diện trong các cuộc Tổng Hội sáng nay ấy còn có cả ĐTGM Leonardo Sandri, phụ tá Văn Phòng Quốc Vụ Khanh, Francesco Monterisi, bí thứ của Hồng Y Đoàn, và Piero Marini, trưởng ban cử hành phụng vụ của giáo hoàng, cùng một số phụ tác về lễ nghi nữa.

 

“Việc chuyển thi thể của Đức Gioan Phaolô II

 

“Vào lúc 5 giờ chiều hôm nay, Thứ Hai, 4/4, thi thể của Đức Gioan Phaolô II sẽ được di chuyển từ Sảnh Đường Clementine tới Đền Thờ Vatican.

 

“Sau giây phút nguyện cầu do ĐHY Camerlengo Eduardo Martinez Somalo chủ sự, việc chuyển thi hài được bắt đầu.

 

“Cuộc chuyển thi hài sẽ được diễn tiến theo lộ trình Scala Nobile, First Loggia, Sala Ducale, Sala Regia, Scala Regia rồi qua Bronze Door, băng qua Quảng Trường Thánh Phêrô và tiến qua các cửa tiền đường vào Đền Thờ.

 

“Tại Đền Thờ Vatican, ĐHY Camerlengo sẽ chủ sự Phụng Vụ Lời Chúa.

 

 

“Tín hữu được đến kính viếng bắt đầu từ 8 giờ tối.

 

“Hôm nay, theo quyết định thì Đền Thờ Vatican sẽ được mở cả đêm. Đền thờ sẽ đóng cửa chỉ từ 2 đến 5 giờ sáng để thực hiện việc bảo trì về kỹ thuật của đền thờ này mà thôi.

 

“Lễ An Táng cho Đức Gioan Phaolô II

 

“Thánh Lễ án táng cho Đức Gioan Phaolô sẽ được cử hành vào Thứ Sáu, 8/4, lúc 10 giờ sáng ở Quảng Trường Thánh Phêrô.

 

“Phụng vụ an táng sẽ được cử hành bởi các vị hồng y và thượng phụ thuộc các Giáo Hội Đông phương. Vị chủ tế là ĐHY Joseph Ratzinger, trưởng hồng y đoàn.

 

“Kết thúc phụng vụ, quan tài của Đức Giáo Hoàng sẽ được đưa vào Đền Thờ Vatican đoạn vào Hầm Mộ Vatican để an táng.

 “Cuộc Tổng Hội hồng y lần tới.

 

“Các cuộc Tổng Hội của Chư Hồng Y tới, kể từ sáng ngày mai, sẽ được diễn tiến ở Sảnh Đường Tân Synod vào lúc 10 giờ sáng”.

 

Vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh còn cho biết thi thể của Đức Gioan Phaolô II sẽ được an nghỉ cùng một chỗ Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII được chôn táng. Những hài cốt của vị giáo hoàng qua đời năm 1963 này đã được chuyển từ các hầm mộ lên Đền Thờ Vatican vào ngày 3/6/2001, 9 tháng sau cuộc phong chân phước cho ngài hôm 3/9/2000.

 

Theo CNN ngày 4/4, thì đã có hơn 1 triệu người thương tiếc đã xếp hàng đi ngang qua thi thể của vị giáo hoàng trong 24 tiếng đầu tiên. Rôma đang sửa soạn một lực lượng an ninh khổng lồ để bảo vệ cho cả 200 nhà lãnh đạo khắp thế giới đang đổ về Vatican. Đoàn người xếp hàng ngang 35 người một theo nhau từ Quảng Trường Thánh Phêrô kéo dài cho tới vài khu đường ngoài Vatican. Hầu hết thành phần cả chục ngàn người chờ đợi trong hàng, có thể kéo dài cả 12 tiếng đồng hồ, là ở Ý quốc, nhưng Rôma đã bắt đầu tràn đầy những người ngoài Ý quốc tới nhập cuộc xếp hàng.

 

 

An Táng

 

(dịch theo tài liệu VIS của Tòa Thánh phổ biến qua điện thư ngày 8/4/2005)

 

T

rước khi bắt đầu Lễ an táng hôm nay cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ở Quảng Trường Thánh Phêrô trước sự hiện diện của 300 ngàn người, bao gồm cả 200 vị lãnh đạo Quốc gia và chính quyền, thi thể của vị Giáo Hoàng quá cố đã được đặt trong một chiếc quan tài bằng gỗ bá hương trước sự hiện diện của một số vị chứng dự.


Trong số những vị chứng dự nghi thức này có các vị hồng y Martinez Somalo, tổng quản Hội Thánh Rôma, Angelo Sodano, nguyên quốc vụ khanh tòa thánh, Joseph Ratzinger, trưởng Hồng Y Đoàn, Camillo Ruini, tổng đại diện giáo phận Rôma, Francesco Marchisano, Đền Thờ Vatican, và các vị TGM Stanislaw Dziwisz, bí thư riêng của ĐTC và James Harvey, trưởng ban Giáo Hoàng Gia.

 

Đức hồng y tổng quản giới thiệu nghi thức đóng quan tài. ĐTGM Piero Marini, trưởng ban nghi lễ giáo hoàng, bấy giờ đọc bản “Rogito”, bản văn tóm tắt về đời sống của Đức Giáo Hoàng, bản văn được ký nhận bởi những ai tham dự bấy giờ. Một bài đối ca và thánh vịnh được xướng lên, và sau đó là giây phút thinh lặng nguyện cầu. Thế rồi vị trưởng ban nghi lễ che mặt vị giáo hoàng quá cố bằng một tấm khăn lụa trắng và vị tổng quản ray nước thánh trên thi thể người chết. Sau đó vị trưởng nghi đặt một bọc đựng các thứ huy chương trong giáo triều của người quá cố và ống đựng bản văn Rogito vào trong quan tài.

 

 

 

 

Cuối cùng quan tài được đậy lại và Thánh Vịnh 41 được xướng lên.


Quan tài của Đức Gioan Phaolô II được khênh rước ra Quảng Trường Thánh Phêrô, được đặt trên một tấm thảm dưới nền trước bàn thờ chính và một cuốn sách Phúc Âm mở được đặt trên nắp quan tài. Đoàn rước bao gồm Hồng Y Đoàn và chư vị thượng phụ thuộc Các Giáo Hội Đông phương, tất cả đều mặc áo lễ đỏ, đến hôn bàn thờ trước khi về chỗ của mình. Thánh Lễ do Đức Hồng Y Joseph Ratzinger chủ tế và được đồng tế bởi 164 vị hồng y.

 

 

 

Hằng triệu người đã đến Rôma để dự lễ an táng Đức Gioan Phaolô II nhưng không thể dồn cả vào Quảng Trường Thánh Phêrô, nên đã theo dõi buổi lễ qua 27 đại màn ảnh truyền hình được đặt ở khắp thành phố, kể cả ở 2 vận động trường túc cầu, Đại Học Tor Vergata, Circus Maximus, các Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, Đức Bà Cả và Thánh Phaolô Ngoại Thành, Piaoãa del Popolo, Piaoãa Risorgimento gần Vatican, Hí Trường Colosseum, và Via della Conciliazione, đại lộ dẫn đến Quảng Trường Thánh Phêrô.

 

Nhiều người ở Quảng Trường Thánh Phêrô, vào những lúc khác nhau trong Thánh Lễ, đã hô lên xin cho Đức Gioan Phaolô II được phong thánh. Những tiếng hô hoán này, được kèm theo bằng tràng vỗ tay kéo dài, bắt đầu khi ĐHY Ratzinger chấm dứt bài giảng của ngài. Một số biểu ngữ mang hàng chữ như “Santo Subito” (một vị thánh cấp thời), “John Paul II the Great” (Đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô II), và “Pope John Paul II – saint” (Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – một đấng thánh).



Tiếp theo lời nguyện sau hiệp lễ ĐHY Ratzinger đã tiến hành nghi thức cuối cùng và tiễn đưa, đứng gần quan tài của Đức Gioan Phaolô II. Thế rồi đến ĐHY Ruini đến đứng cạnh quan tài, ca đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh và vị hồng y này kết thúc bằng lời nguyện cầu của Giáo Hội Rôma rồi trở về chỗ của mình.


Tới lúc này, các vị thượng phụ và TGM thuộc các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương “sui iuris”, đã tiến đến quan tài, hướng về bàn thờ, đọc lời nguyện của các Giáo Hội Đông phương theo Kinh Phụng Vụ lễ nghi Byzantines cầu cho Người Chết. Hết mọi người hiện diện đã nguyện cầu trong thinh lặng và ĐHY Ratzinger vẩy nước thánh trên thi hài trong khi ca đoàn hát bài đáp ca.


Rồi quan tài của Đức Gioan Phaolô II được mang vào Đền Thờ Vatican để an táng khi tín hữu hát bài Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat. Những vị hiện diện ở nghi thức đóng quan tài theo quan tài vào đền thờ. Đức Gioan Phaolô II được mang xuống vùng hầm mộ của Đền Thờ Thánh Phêrô để chôn táng với một nghi thúc do vị hồng y tổng quản chủ sự.

 

 

Quan tài bằng gỗ bá hương đựng các hài tích của Đức Gioan Phaolô được buộc bằng những cuộn giây băng mầu đỏ được đóng ấn tín của Apostolic Camera, Prefecture of the Papal Household, Office of Liturgical Celebrations of the Supreme Pontiff và Vatican Chapter. Sau đó, quan tài bằng gỗ bá hương được đặt vào trong những cỗ quan bằng đồng và gỗ được hàn lại và được bọc bởi những ấn tín của các văn phòng được kể đến trên đây. Trên nắp quan tài là cây thập giá và y hiệu giáo hoàng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.


Văn phòng Basilica Chapter thị thực để chứng nhận việc an táng và đọc bản thị thực này cho những ai hiện diện bấy giờ nghe.


Mộ của ngài chỉ cách một của Thánh Phêrô một ít thước, gần Đức Phaolô VI và ở phía trước Đức Gioan Phaolô I (riêng chi tiết này lấy từ Zenit ngày 9/4/2005).

Tham dự Thánh Lễ an táng cho Đức Thánh Cha bao gồm những quốc vương của 10 quốc gia, 57 vị lãnh đạo quốc gia, 3 nữ hoàng, 17 vị lãnh đạo chính quyền, các vị lãnh đạo 3 tổ chức quốc tế, và các vị đại diện thuộc 10 tổ chức khác, 3 phu nhân của các vị lãnh đạo quốc gia, 8 vị phó lãnh đạo quốc gia, 6 vị phó chủ tịch, 4 vị chủ tịch quốc hội, 12 vị ngoại trưởng, 13 vị bộ trưởng, và các vị lãnh sự thuộc 24 quốc gia.


Các phái đoàn đại biểu tôn giáo bao gồm 140 vị, kể cả những vị đại diện của Giáo Hội Chính Thống, Các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương, các Giáo Hội và các cộng đoàn giáo hội Tây phương, những tổ chức Kitô giáo quốc tế, Hiệp Hội Quốc Gia Tin Lành, các vị đại diện Do Thái giáo, Hồi giáo và các đại biểu thuộc các tôn giáo ngoài Kitô giáo.

 

Ngoài ra, theo tài liệu VIS của Tòa Thánh phổ biến qua điện thư ngày 13/4/2005, các con số thống kê được tổng kết cho thời khoảng 3-8/4/2005 như sau:


Có trên 6000 phóng viên ký giả, bao gồm cả về báo chí lẫn truyền thông điện tử, được Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh và Hội Đồng Tòa Thánh Về Truyền Thông Xã Hội chấp thuận… Trên 80 đài truyền hình được nối kết qua Mondovision và 137 hệ thống truyền hình ở 81 quốc gia quay chiếu lễ an táng và các sinh hoạt liên hệ đến cuộc lễ.

 

Mạng điện toán toàn cầu của Vatican tường trình là có đến 1.300.000 ghé thăm để tìm coi về Lễ an táng, có lúc đã lên đến 54 ngàn người vào cùng một lúc và chiếm cả 9 gigabyte mỗi giây đồng hồ.

 

Về Thánh Lễ An Táng có 157 vị hồng y đồng tế; 700 tổng giám mục và giám mục hiện diện, cũng như 3000 linh mục có mặt trong số đó có 300 vị cho rước lễ. Có 169 phái đoàn đại biểu hay đại diện của 23 Giáo Hội Chính Thống, các phái đoàn đại biểu Do Thái giáo và 17 phái đoàn đại biểu thuộc các tôn giáo ngoài Kitô giáo cũng như các tổ chức về đối thoại liên tôn.

 

Trong số những con số thống kê được phổ biến hôm nay là những con số từ tổ chức Bảo Vệ Dân Sự Ý và thành phố Rôma: trên 3 triệu người hành hương đến Rôma; 21 ngàn người mỗi giờ tiến vào Đền Thờ Thánh Phêrô; thời giờ chờ đợi trung bình 13 tiếng đồng hồ và lâu nhất là 24 tiếng; vào ngày lễ an táng, có 500.000 người tại Quảng Trường Thánh Phêrô và tại con đường nối thẳng vào quảng trường này, Via della Conciliazione; 600.000 người ở các vùng có những đại màn ảnh truyền hình; có 400 người khuyết tật được ở gần bàn thờ.

 

Nhân viên tham gia việc giúp đỡ những người hành hướng gồm có 8.000 tình nguyện viên; 2.000 Hướng Đạo viên; 11.900 nhân viên an ninh; 1.000 nhân viên cứu hỏa; 6 trực thăng, 400 binh sĩ; 2.700 cảnh sát đô thị; 7.000 người từ guồng máy Đường Rầy Xe Lửa Quốc Gia; có 4 vị quản đốc đặc trách các vụ thảm họa cùng với hơn 20.000 nhân viên thành phố và tình nguyện viên dân sự của thành phố cộng tác giúp đỡ thành phần được kể trên.

 

Các con số thống kê khác là có 1.000 chuyến xe lửa cho 8.000 người du hành; 6 chuyến đặc biệt từ Balan cho 5.000 người; các chuyến xe lửa chở tổng số là 800.000 người; có 29 đại màn ảnh truyền hình ở rải rắc khắp Rôma; có 3.000.000 chai nước lạnh được phân phối; có 3.600 phòng vệ sinh hóa chất; có 21 đơn vị y tế lưu động và 100 xe cứu thương hỗ trợ các cơ quan ý tế đã sẵn có ở Rôma; có 1.150 lều được dựng lên ở Tor Vergata University cho 8.000 người; có 8 nhà bếp lộ thiên, 400 vòi nước; có 5.000 chiếc giường được bày ra ở những vùng đất ở Rôma.

 

Trung Tâm Điện Thoại ở Rôma thường nhận được 8.000 cú mỗi ngày bấy giờ lên đến 20.000 cú mỗi ngày và các nhân viên ở trung tâm này nói tiếng Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Trung Hoa và Ả Rập.

 

Có 400.000 tờ phổ biến, được viết bằng Ý và Anh ngữ, được phân phối cho khách hành hương về các chi tiết cần thiết cho việc chuyên chở, cho các địa điểm của những đền thờ và những nơi có đại màn ảnh truyền hình v.v.

 

Bản công báo cũng ghi nhận rằng vào sáng Chúa Nhật, buổi sáng sau khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, ‘thành phố đã bừng lên với 3.500 bảng hiệu, và 2 giải biểu ngữ dài 22 rộng 10 thước mỗi giải, ở cả hai bên bờ sông Tiber, với hàng chữ ‘Tạ Ơn – Rôma khóc thương và tiễn biệt vị Giáo Hoàng của mình’.

 

 

 

 

Hai phụ nữ, một ở Nhật (hình trên) và một ở Đại Hàn (hình dưới) đang nguyện cầu cho vi Giáùo Hoàng cổ võ việc tôn trọng phẩm giá nữ giới và đời sống gia đình.