

  

Bài Giảng

Lễ An Táng Vị Giáo Hoàng

“Đứng Lên, Nào Chúng Ta Đi!”

 

của ĐHY Ratzinger, trưởng Hồng Y Đoàn

 

(dịch theo VIS của Tòa Thánh qua điện thư ngày 7/4/2005)

 

’H

ãy theo Thày’. Chúa Phục Sinh đã nói những lời này với Thánh Phêrô. Chúng là những lời cuối cùng Người nói với người môn đệ này, người môn đệ được chọn để chăn dắt đàn chiên của Người. ‘Hãy theo Thày’ – lời nói gẫy gọn này của Chúa Kitô có thể được coi như là chìa khóa để hiểu được sứ điệp được chuyển đến cho chúng ta từ cuộc sống của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta. Hôm nay chúng ta an táng thi hài của ngài trong lòng đất như một hạt giống bất tử – tâm can chúng ta tràn ngập buồn đau, song đồng thời cũng đầy niềm hân hoan hy vọng và tri ân sâu xa.

 

Đó là những cảm tình đang tác động chúng ta, Anh Chị Em thân mến, những người đang hiện diện ở Quảng Trường Thánh Phêrô này, ở các đường phố lân cận cũng như ở các địa điểm khác trong thành Rôma, nơi mà cả một đám đông khổng lồ, trong thinh lặng nguyện cầu, đã tụ họp lại với nhau mấy ngày vừa rồi. Tôi xin chân thành chào tất cả anh chị em. Thay mặt Hồng Y Đoàn, tôi cũng muốn bày tỏ lòng trọng kính của tôi với các vị Thủ Lãnh Quốc Gia, các Vị Đứng Đầu Chính Phủ và các phái đoàn đại biểu thuộc các quốc gia khác nhau. Tôi xin chào các Vị Thẩm Quyền và các vị đại diện chính thức của các Giáo Hội và các Cộng Đồng Kitô hữu khác, cũng như những vị thẩm quyền của các tôn giáo khác. Tiếp theo, tôi xin chào các vị Tổng Giám Mục, các vị Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và tín hữu đã từ mọi châu lục đến đây; nhất là giới trẻ, thành phần Đức Gioan Phaolô II thích gọi là tương lai và là niềm hy vọng của Giáo Hội. Ngoài ra, tôi xin chào tất cả những ai trên khắp thế giới hiệp với chúng tôi qua truyền thanh và truyền hình để long trọng cử hành lễ an táng của Đức Thánh Cha thân yêu của chúng tôi.

 

Hãy theo Thày! Là một sinh viên trẻ, Karol Wojtyla say sưa với văn chương, kịch nghệ và thi ca. Làm việc ở một xưởng hóa chất, bị vây bủa và đe dọa bởi việc khủng bố của Nazi, ngài đã nghe thấy tiếng gọi của Chúa: Hãy theo Thày! Trong hoàn cảnh ngoại thường ấy, ngài đã bắt đầu đọc các sách về triết lý và thần học, rồi nhập chủng viện chui do ĐHY Sapieha thiết lập. Sau chuộc chiến, ngài đã hoàn tất việc học hành của mình theo phân khoa thần học ở Đại Học Jagiellonian ở Krakow. Nhiều lần, trong thư gửi cho các linh mục hằng năm cũng như trong các tác phẩm tự truyện của mình, ngài đã nói cho chúng ta biết về thiên chức linh mục của ngài, một thiên chức ngài đã được thụ phong ngày 1 tháng 11 năm 1946. Trong các bản văn này, ngài đã cắt nghĩa thiên chức linh mục của mình đặc biệt liên quan tới 3 câu nói của Chúa: ‘Không phải các con đã chọn Thày, song Thày đã chọn các con. Và Thày đã sai các con đi để sinh hoa kết trái, những hoa trái lâu bền’ (Jn 15:16). Câu thứ hai là ‘Vị mục tử nhân lành bỏ sự sống mình cho chiên’ (Jn 10:11). Rồi câu: ‘Như Cha đã yêu thương Thày thế nào Thày cũng yêu thương các con như vậy; hãy ở lại trong tình yêu của Thày’ (Jn 15:9). Nơi 3 câu nói này chúng ta thấy được tâm can và linh hồn Đức Thánh Cha của chúng ta. Ngài đã thực sự đi khắp nơi, không ngừng nghỉ, để sinh hoa trái, một thứ hoa trái lâu bền. ‘Hãy chỗi dậy, Nào chúng ta lên Đường!’ là nhan đề của cuốn sách áp cuối của ngài. ‘Hãy đứng dậy, nào chúng ta lên Đường!’ – với những lời này, ngài đã thức tỉnh chúng ta khỏi một thứ đức tin lim dim, khỏi một giấc ngủ của thành phần môn đệ hôm qua và hôm nay. ‘Hãy đứng dậy, nào chúng ta lên đường!’ ngài tiếp tục nói với chúng ta cho đến cả hôm nay đây. Đức Thánh Cha là một vị linh mục cho tới cùng, vì ngài đã hiến dâng sự sống của mình cho Thiên Chúa vì đàn chiên của mình cũng như vì toàn thể nhân loại, bằng một cuộc tự hiến hằng ngày để phục vụ Giáo Hội, nhất là giữa những đớn đau của các tháng cuối đời. Nhờ đó, ngài được nên một với Chúa Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành đã yêu thương chiên của Người. Sau hết, ‘hãy ở lại trong tình yêu của Thày’: Vị Giáo Hoàng này đã cố gắng gặp gỡ hết mọi người, vị đã có khả năng tha thứ và cởi mở tâm hồn với tất cả mọi người, bằng những lời của Chúa ấy, nói với chúng ta hôm nay đây một lần nữa rằng, nhờ việc ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô chúng ta học được, nơi học đường của Chúa Kitô, nghệ thuật yêu thương chân thật.


Hãy theo Thày! Vào tháng 7 năm 1958, vị linh mục trẻ Karol Wajtyla đã bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc hành trình của ngài với Chúa và bước theo vết chân của Chúa. Karol đã đi đến hồ Masuri để nghỉ hè như thường lệ, cùng với một nhóm giới trẻ yêu thích chèo thuyền. Thế nhưng, ngài đã mang theo bên mình một bức thư mời ngài gặp vị Giáo Chủ Balan là ĐHY Wyszynski. Ngài có thể đoán được mục đích của cuộc gặp gỡ này: đó là ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục phụ tá ở Krakow. Rời bỏ thế giới văn học, rời bỏ việc dấn thân thách đố với giới trẻ này, rời bỏ nỗ lực về tri thức trong việc cố gắng hiểu biết và giải thích mầu nhiệm về tạo vật là con người cũng như về việc truyền đạt cho thế giới ngày nay vấn đề dẫn giải của Kitô giáo đối với con người của chúng ta – tất cả những điều ấy đối với ngài, phải nói rằng, như mất đi chính bản thân ngài vậy, mất đi những gì đã trở thành chính căn tính con người của vị linh mục trẻ này. Hãy theo Thày – Karol Wojtyla đã chấp nhận việc bổ nhiệm ấy, vì ngài đã nghe thấy nơi tiếng Giáo Hội mời gọi tiếng của Chúa Kitô. Và rồi ngài đã nhận thức những lời của Chúa chân thực biết bao: ‘Những ai cố giữ sự sống mình sẽ mất nó, còn những ai mất sự sống mình sẽ giữ được nó’ (Lk 17:33). Vị Giáo Hoàng của chúng ta – như tất cả chúng ta đều biết điều này là – không bao giờ muốn giữ lấy sự sống của ngài, giữ lấy nó cho bản thân của ngài; ngài muốn hoàn toàn trao tặng bản thân mình, cho đến giây phút cuối cùng, vì Chúa Kitô và do đó cũng vì chúng ta nữa. Nhờ đó, ngài đã cảm thấy được rằng hết những gì ngài đã hiến dâng vào bàn tay Chúa đã trở về với ngài như thế nào một cách mới mẻ. Lòng ngài mộ mến ngôn từ, thi ca, văn chương, đã trở nên một phần chính yếu của sứ vụ mục vụ của ngài và cống hiến cho việc giảng dạy Phúc Âm tính cách sinh động mới, thôi thúc mới, thu hút mới, cho dù có là một dấu hiệu phản khắc chăng nữa.


Hãy theo Thày! Vào tháng 10/1978, ĐHY Wojtyla, một lần nữa, đã nghe thấy tiếng Chúa gọi. Một lần nữa, lại xẩy ra cuộc đối thoại với Thánh Phêrô được trình thuật trong bài Phúc Âm Thánh Lễ hôm nay: ‘Simon, con Jonah, con có yêu mến Thày hay chăng?’ Hãy chăn các chiên mẹ của Thày!’ Trước câu hỏi Chúa hỏi ‘Karol, con có yêu mến Thày hay chăng?’, ĐTGM Krakow đã đáp lại tận đáy lòng mình rằng: ‘Chúa biết hết mọi sự; Chúa biết rằng con yêu mến Chúa’. Tình yêu Chúa Kitôđã động lực chính yếu nơi đời sống Đức Thánh Cha thân yêu của chúng ta. Bất cứ ai đã từng thấy ngài cầu nguyện, những ai đã từng nghe ngài giảng, đều biết được điều ấy. Nhờ việc ngài sống sâu xa thân mật với Chúa Kitô như thế, ngài đã có thể mang vác một gánh nặng vượt trên khả năng thuần túy của phàm nhân: gánh nặng làm mục tử của đàn chiên Chúa Kitô, của Giáo Hội hoàn vũ của mình. Đây không phải là lúc nói về những gì đặc biệt của giáo triều phong phú này. Tôi chỉ xin đọc hai đoạn phụng vụ hôm nay nói lên những yếu tố chính yếu nơi sứ điệp của ngài. Trong bài đọc thứ nhất, Thánh Phêrô – và cùng với Thánh Phêrô cả vị Giáo Hoàng này nữa – nói rằng ‘Tôi thực sự hiểu được rằng Thiên Chúa đã không tỏ ra thiên vị, thế nhưng, nơi hết mọi dân nước, ai kính sợ Ngài và làm những gì chân thực đều đáng được Ngài chấp nhận. Anh em biết rằng sứ điệp Ngài đã gửi đến cho dân Do Thái, đó là việc rao giảng hòa bình của Chúa Giêsu Kitô – Người là Chúa của tất cả mọi người’ (Acts 10:34-36). Và trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô – và cùng với Thánh Phaolô, vị cố Giáo Hoàng của chúng ta, đã kêu gọi chúng ta khi kêu lên rằng: ‘Anh chị em thân mến, những người tôi yêu thương và mong đợi, là niềm vui và là vinh dự của tôi, anh chị em hãy đứng vững như thế trong Chúa, hỡi những người tôi quí mến’ (Phil 4:1).


Hãy theo Thày! Kèm theo lệnh truyền chăm sóc cho đàn chiên của Người, Chúa Kitô còn báo cho Phêrô rằng thánh nhân sẽ phải chịu một cái chết tử đạo. Bằng những lời này, những lời kết thúc và tóm tắt cuộc đối thoại về lòng mến yêu cũng như về lệnh truyền làm chủ chiên hoàn vũ, Chúa Kitô đã nhắc lại một cuộc đối thoại khác đã diễn ra trong Bữa Tiệc Ly. Bấy giờ Chúa Giêsu đã phán: ‘Nơi Thày đi các con không thể nào tới được’ Thánh Phêrô thưa Người rằng: ‘Lạy Thày, Thày đi đâu thế?’ Chúa Giêsu đáp: ‘Nơi Thày đi hiện nay con không thể nào theo Thày nổi đâu; nhưng sau này con sẽ theo Thày’ (Jn 13:33,36). Từ Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã tiến tới Thập Giá, tiến tới cuộc phục sinh của Người – Người đã đi vào cuộc vượt qua của Người; và Thánh Phêrô chưa thể nào theo được Người. Giờ đây, sau cuộc phục sinh, thời giờ ấy đã đến, thời điểm ‘sau này’ đã đến. Bằng việc chăn dắt đàn chiên của Chúa Kitô, Thánh Phêrô đã đi vào mầu nhiệm vượt qua, thánh nhân đã tiến về phía thập tự giá và về cuộc phục sinh. Chúa Kitô đã nói về điều này bằng những lời: ‘… khi con còn trẻ, con thường tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tùy ý con muốn’ (Jn 21:18). Trong những năm đầu của giáo triều mình, những năm còn trẻ trung và đầy nhiệt huyết, Đức Thánh Cha đã đi đến tận cùng trái đất theo sự dẫn dắt của Chúa Kitô. Thế nhưng sau đó, ngài càng ngày càng đi sâu vào cuộc hiệp thông khổ đau với Chúa Kitô; càng hiểu được sự thật của những lời này: ‘Người ta sẽ thắt lưng cho con’. Và trong chính cuộc hiệp thông đau khổ này với Chúa Kitô một cách liên tục và càng gia tăng hơn, ngài đã loan báo Phúc Âm, loan báo mầu nhiệm về một tình yêu thương cho đến cùng tận (x Jn 13:1).


Ngài đã giải thích cho chúng ta mầu nhiệm vượt qua như là một mầu nhiệm của lòng thương xót Chúa. Trong tác phẩm cuối cùng của mình, ngài đã viết: Cái giới hạn áp đặt trên sự dữ ‘tối hậu là Lòng Thương Xót Chúa’ (Hồi Niệm và Căn Tính, trang 60-61). Và khi suy nghĩ về biến cố mạng sống ngài bị cố sát, ngài đã nói: ‘Trong việc hy hiến mình cho tất cả chúng ta, Chúa Kitô đã cống hiến cho đau khổ một ý nghĩa mới, mở ra một chiều kích mới, một trật tự mới, đó là trật tự của yêu thương… Chính cái đau khổ này đốt cháy và thiêu rụi đi sự dữ bằng ngọn lửa yêu thương và rút ran gay từ tội lỗi cả một cuộc bừng nở đầy những thiện hảo’ (cùng nguồn, trang 189-190). Được thôi thúc bởi nhãn quan ấy, vị Giáo Hoàng này đã chịu đựng khổ đau và đã yêu qúi việc hiệp thông với Chúa Kitô, nên đó là lý do tại sao sứ điệp về khổ đau của ngài cùng việc thinh lặng của ngài là những gì thất là sống động và hiệu năng.


Lòng Thương Xót Chúa: Đức Thánh Cha đã thấy được cái phản ảnh thuần khiết nhất của tình thương Thiên Chúa nơi Người Mẹ Thiên Chúa. Ngài là người đã mồ côi mẹ từ nhỏ đã càng tỏ ra kính mến người mẹ thần linh này hơn nữa. Ngài đã nghe thấy những lời của Chúa Kitô tử giá như là lời nói với riêng ngài: ‘Này là Mẹ của con’. Bởi thế, ngài thực hiện như người môn đệ yêu dấu đã làm, đó là ngài đã đem Mẹ về nhà của ngài (eis ta idia: Jn 19:27) – ‘Totus Tuus – tất cả của con là của Mẹ’. Và từ người mẹ này, ngài đã học nên giống Chúa Kitô.


Không ai trong chúng ta có thể quên được cảnh tượng diễn ra hôm Chúa Nhật Phục Sinh vừa rồi trong cuộc đời của ngài, Đức Thánh Cha, đầy những đớn đau, lại tiến đến cửa sổ Tông Dinh của mình để ban phép lành ‘urbi et orbi – cho thành Rôma và cho thế giới’ một lần cuối cùng. Chúng ta có thể chắc chắn rằng vị Giáo Hoàng thân yêu của chúng ta hôm nay đang đứng ở cửa sổ phòng của một Người Cha, ngài đang trông thấy chúng ta và ban phép lành cho chúng ta. Vâng, xin hãy ban phép lành cho chúng con, Đức Thánh Cha ơi. Chúng con xin dâng phú linh hồn yêu dấu của cha cho Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ của cha, Vị đã hướng dẫn cha từng ngày và là vị giờ đây dẫn cha đến vinh quang đời đời của Con Mẹ là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

 

Amen.

 

Ngoài ra, Vị Hồng Y chủ tế và thuyết giảng cho Thánh Lễ An Táng của vị Cố Giáo Hoàng này, sau khi trở thành Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI, vẫn còn bồi hồi tưởng nhớ đến vị tiền nhiệm của mình nói chúng, nhất là về tầm ảnh hưởng và ý nghĩa tỏ hiện từ Lễ An Táng vĩ đại nhất trong lịch sử loài người của ngài. Trong Sứ Điệp ngỏ cùng Hồng Y Đoàn cuối Thánh Lễ Thứ Tư 20/4/2005, ngay sau ngày ngài được chọn bầu làm giáo hoàng, cũng như trong buổi gặp gỡ các vị hôm Thứ Sáu 22/4, như sau:

“Quí Huynh thân mến, việc nhận thức sâu xa về tặng ân của tình thương Chúa đã chiếm đoạt tâm hồn tôi bất chấp tất cả mọi sự. Tôi coi đây là ân huệ mà vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Gioan Phaolô II đã chiếm được cho tôi. Tôi dường như có thể cảm thấy là bàn tay mạnh mẻ của ngài đang xoắn chặt lấy tay tôi; tôi dường như thấy được ánh mắt tươi vui và nghe được tiếng của ngài ngỏ cùng tôi nhất là vào lúc này rằng: ‘Đừng sợ!’

 

“Cái chết của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và những ngày sau đó, đối với Giáo Hội cũng như toàn thế giới là một thời điểm đặc biệt ân sủng. Nỗi đớn đau cả thể về cái chết của ngài cùng cái trống không lưu lại nơi tất cả chúng ta đã được tôi luyện bởi tác động của Chúa Kitô Phục Sinh, một tác động, trong những ngày dài này, được tỏ hiện nơi một triều sóng tin tưởng, yêu thương và đoàn kết thiêng liêng, những gì đã lên đến tuyệt đỉnh vào lễ an táng trọng thể của ngài.

 

“Chúng ta có thể nói rằng, lễ an táng của Đức Gioan Phaolô II thực sự là một cảm nghiệm phi thường về những gì tỏ ra cho thấy một cách nào đó quyền năng của Thiên Chúa là Đấng, qua Giáo Hội của Ngài, muốn hình thành một đại gia đình bao gồm tất cả mọi dân tộc, bằng quyền lực liên kết của Sự Thật và Yêu Thương. Trong giờ lâm chung, giống như Sư Phụ và Chúa của mình, Đức Gioan Phaolô II đã tôn vinh giáo triều lâu dài và thành công của mình, bằng việc củng cố dân Kitô giáo trong đức tin, qui tụ họ lại bên ngài và làm cho cả nhân loại cảm thấy liên kết với nhau hơn.

 

“Làm sao người ta không cảm thấy được vững mạnh trước chứng từ ấy? Làm sao người ta không cảm thấy phấn khởi bắt nguồn từ biến cố ân sủng này?...

“Vào lúc này đây, ký ức của tôi nhớ lại cảm nghiệm không thể nào quên được tất cả chúng ta đã trải qua với cái chết và lễ an táng cho Đức Gioan Phaolô II tiếc thương. Quanh thi thể của ngài, nằm trên mặt đất trống, các vị lãnh đạo chư quốc đã qui tụ lại, cùng với dân chúng thuộc tất cả mọi giai cấp xã hội, nhất là giới trẻ, để tỏ lòng mãi mãi gắn bó quí mến và ca ngợi ngài. Toàn thể thế giới đã tin tưởng nhìn vào ngài. Đối với nhiều người thì việc tham dự đông đảo này, một cuộc tham dự được các phương tiện truyền thông phóng đại đến cả những nơi xa xôi của hành tinh này, như thể là việc nhân loại văn minh tân tiến, một nhân loại bị hoang mang sợ hãi và bất ổn, đang tự hỏi mình về tương lai, muốn đồng thanh yêu cầu vị Giáo Hoàng này giúp đỡ”.

 

Trong buổi gặp gỡ riêng Hồng Y Đoàn ngày Thứ Sáu 22/4/2005:

 

“Vào lúc này đây ký ức của tôi nghĩ đến các vị tiền nhiệm đáng kính của mình là Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII, Tôi Tớ Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô I, nhất là Đức Gioan Phaolô II là vị có moat chứng từ trong những ngày qua đã nâng đỡ chúng ta hơn bao giờ hết và là vị chúng ta vẫn còn tiếp tục cảm thấy sự hiện diện sống động của ngài. Biến cố đau thương về cái chết của ngài, sau một giai đoạn thử thách và đớn đau khủng khiếp, thực sự đã cho thấy những tính chất vượt qua, như ngài đã hy vọng trong di chúc thư của ngài (24/2-1/3/1980). Ánh sáng và sức mạnh của Chúa Kitô Phục Sinh đã chiếu tỏa nơi Giáo Hội từ một thứ ‘Lễ cuối cùng’ được ngài cử hành trong cơn hấp hối của ngài, một lễ đã đạt đến tột đỉnh nơi tiếng ‘Amen’ của một cuộc đời hoàn toàn dâng hiến, qua Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, cho phần rỗi của thế giới”.