Lịch Sử Thế Giới Vinh Danh

Vị Giáo Hoàng của “Văn Hóa Sự Sống”:

 

Giới Lãnh Đạo Chư Quốc Ca Tụng

Vị Giáo Hoàng của Công Lý và Hòa Bình.

 

 

(dịch theo CNN, World mourns Pope John Paul II”, ngày 3/4/2005)

  

T

ổng Thống Pháp Jacques Chirac: Đức Gioan Phaolô II có một “đức tin bất khả lay chuyển, một thẩm quyền gương mẫu và nhiệt tâm đáng khâm phục”, ngài “đã chạm đến nhiều tinh thần và tâm can” bằng lòng can đảm và cương quyết của ngài. Lịch sử “sẽ còn lưu vết và hồi niệm về vị giáo tông ngoại thường này, vị có một hồn sống, niềm xác tín và lòng cảm thương đã làm cho sứ điệp tin mừng được vang vọng chưa từng thấy trên khấu trường thế giới”.

Thủ Tướng Hiệp Vương Quốc Tony Blair: “Lý do tại sao lại xẩy ra đầy những cảm xúc trong mấy ngày vừa rồi là vì bản chất của chính con người này, cho dù quí vị không phải là một người Công giáo hay không phải là Kitô hữu, thật vậy, cho dù quí vị không có tín ngưỡng đi nữa, thì những gì người ta có thể nhìn thấy nơi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đó là một con người có một niềm tin linh thiêng chân thực và sâu xa, một gương mẫu sáng ngời về những gì đức tin phải tỏ ra. Còn đối với những ai đã từng gặp được ngài, như tôi được may mắn ấy, quí vị có thể thấy điều ấy rất rõ ràng. Thế nhưng ngay cả những ai thực sự chưa được gặp ngài, chưa bao giờ đến gần ngài, cũng có thể thấy điều ấy từ xa”.

 

Thủ Tướng Đức Gerhard Schroeder: “Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết lịch sử. Qua hoạt động của ngài, và qua con người thu hút của mình, ngài đã biến đổi thế giới của chúng ta”. Ông đã ca tụng vị giáo hoàng này đã hoạt động cho “hòa bình, nhân quyền, đoàn kết và công bằng xã hội”.

 

Thủ Tướng Ý Silvio Berlusconi: “Tất cả chúng ta đều biết ơn về hoạt động không ngừng và đau khổ ngài đã liên lỉ chịu đựng hết mọi hình thức chuyên chế, bạo lực, đán áp và bại luân nhân danh các giá trị của Giáo Hội Công giáo cũng là các giá trị cao cả của phẩm giá con người và tình đoàn kết nhân loại”.

 

Tổng Thống Ý Carlo Ciampi: “Hỡi những người Ý, cùng với anh chị em tôi khóc thương Đức Thánh Cha, vị giáo hoàng đối với chúng ta là một cận nhân gần gũi. Chúng ta yêu mến ngài, chúng ta ca ngợi ngài về mãnh lực của tư tưởng ngài, về sự can trường của ngài, về lòng nhiệt tình của ngài, về khả năng bày tỏ các giá trị, niềm hy vọng cho tất cả chúng ta, nhất là giới trẻ của chúng ta, giới trẻ trên khắp thế giới. Chúng ta đã ca ngợi việc cởi mở đặc biệt của ngài đối với vấn đề đối thoại liên tôn. Ý quốc đang tiếc thương ngài”.

 

Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan nói vị giáo hoàng này là một con người của hòa bình và là một vị đại ủng hộ Liên Hiệp Quốc: “Ngài… hết sức quan tâm đến thế giới chúng ta đang sống, và như tôi, ngài cũng cảm thấy rằng nơi chiến tranh tất cả chúng ta đều là những kẻ bại trận”.

 

Tổng Thống Ba Tây Luiz Inacio Lula da Silva: “Là một quốc gia nhiều Công giáo nhất thế giới, nơi dân chúng thuộc những niềm tin khác nhau sống hòa hợp với nhau, Ba Tây cảm thấy đau buồn về sự mất đi một trong những con người đã tích cực đánh dấu giai đoạn lịch sử hiện đại này”.

 

Tổng Thống Phi Luật Tân Gloria Arroyo: “Nhân dân chúng tôi nhận được tin về cái chết của ngài với một cảm giác đau thương và mất mát sâu xa. Ngài là một nhà tranh đấu thánh hảo cho gia đình Phi Luật Tân và cho các giá trị Kitô giáo sâu xa, Vị làm cho hết mọi người chúng ta hằng ngày chiêm ngắm thấy những gì là chân chính, luân thường và linh thánh trong đời sống”.

 

Tổng Thống nước Pakistan Pervez Musharraf: “Thật là một mất mát lớn cho toàn thế giới. Chúng ta sẽ mãi nhớ đến ngài như là một vĩ nhân, một nhà biện hộ cho công lý và là một con người của hòa bình. Chính quyền và nhân dân Pakistan cảm thấy hết sức buồn đau khi nghe thấy tin ngài qua đời”.

 

Vị lãnh đạo phong trào Liên Đới Balan và cựu Tổng Thống Balan Lech Walesa: nói rằng Đức Gioan Phaolô II đã tác động việc kết thúc chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu. “Không có ngài sẽ không có vấn đề chấm dứt chủ nghĩa cộng sản, hay ít là mãi sau này và việc chấm dứt sẽ xẩy ra đẫm máu” . "[Without him] there would be no end of communism, or at least much later and the end would have been bloody".

 

Tổng Thống Nga Vladimir Putin: “Tôi có những kỹ niệm rất nồng nàn về các cuộc gặp gỡ vị giáo hoàng này. Ngài là một con người khôn ngoan, đáp ứng và cởi mở đối thoại”.

 

Thủ Tướng Do Thái Ariel Sharon: “Đại diện cho chính quyền và quốc gia Do Thái, tôi xin bày tỏ những lời chia buồn về việc qua đi của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và chia sẻ sự thương đau của hằng triệu Kitô hữu và tín hữu ở cả quốc gia Do Thái và khắp thế giới Kitô giáo. Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một con người của hòa bình và là một người bạn của nhân dân Do Thái, vị quen thuộc với cái đặc thù của nhân dân Do Thái và là vị hoạt động cho một cuộc hòa giải lịch sử giữa các dân tộc cũng như cho việc thiết lập các mối liên hệ ngoại giao giữa Do Thái và Vatican hồi cuối năm 1993…. Hôm qua, thế giới đã mất đi một trong những vị lãnh đạo quan trọng nhất của thế hệ chúng ta, vị đã góp phần lớn lao vào việc tái lập tình hữu nghị và hiệp nhất giữa các dân tộc, vị có tấm lòng cảm thông và nhẫn nại sẽ ở với chúng ta nhiều năm tháng”.

 

Tổng Thống Palestine Mahmoud Abbas: “Chúng ta mất đi ngài là một nhân vật lãnh đạo tôn giáo lừng lẫy, một con người hiến cuộc đời mình để bảo vệ các giá trị của hòa bình, tự do và bình đẳng. Ngài đã bênh vực quyền  lợi của nhân dân Palestine, quyền tự do và nền độc lập của họ”.

 

Nữ Hoàng Hiệp Vương Quốc Elizabeth II: “Vị nữ hoàng này cũng nhớ kỹ hoạt động của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho việc hiệp nhất Kitô giáo, bao gồm cả những liên hệ gần gũi hơn giữa Giáo Hội Công giáo Rôma và Anh giáo” (lời phát biểu từ Điện Buckingham).

 

Nữ nguyên thủ tướng Hiệp Vương Quốc Margaret Thatcher: “Hằng triệu người mắc nợ ngài về sự tự do và tự trọng của họ. Tòan thế giới được đánh động bởi gương lành của ngài. Đời sống của ngài là một cuộc chiến đấu lâu dài chống lại những thứ gian dối được lợi dụng để hành ác. Bằng việc chiến đấu với những thứ sai lạc của cộng sản và loan truyền phẩm giá thực sự của cá nhân con người, cuộc đời của ngài là một quyền lực luân lý bên trong cuộc chiến thắng ở Cuộc Chiến Tranh Lạnh”.

 

Nguyên Tổng Thống Tiệp Khắc Vaclav Havel: “Tôi vẫn còn nhớ rõ giây phút vào năm 1978 khi tôi và bạn hữu của tôi biết rằng Karol Wojtyla được bầu làm giáo hoàng. Đó là giây phút hết sức vui mừng cho chúng tôi. Tôi thậm chí nghĩ rằng chúng tôi quá vui đến nỗi nhẩy nhót cả lên”.

 

Tổng Thống Ái Nhĩ Lan Mary McAleese nói rằng Đức Gioan Phaolô II đã từng là một trụ cột của thế giới tân tiến, khi phục vụ Giáo Hội Công giáo và cho lợi ích của toàn thể nhân loại.

 

Thủ Tướng Úc Đại Lợi John Howard: nói rằng Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng là “một trụ cột vững chắc và là một con người giầu lòng thương xót và là một tông đồ hòa bình theo đúng ý nghĩa của từ ngữ”. Ông ca tụng vị giáo hoàng này như là một người bạn của tất cả mọi giáo phái Kitô giáo. “Ngài thúc đẩy phong trào đại kết – ngài vươn tới nhân dân Do Thái, tới những người thuộc niềm tin Hồi giáo, và còn là niềm phấn khởi cho thành phần không có tín ngưỡng gì cả”.

 

Nguyên đệ nhất phu nhân Reagan: “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II… đã chạm tới tâm can của già trẻ, làm rơi lệ cho những ai cảm thấy cảm kích trước sự hiện diện của ngài. Ngài đã thực hiện một vai trò lãnh đạo bất khả sánh cho giáo hội của ngài và mang lại hy vọng cho những ai vô vọng”.

 

Nguyên Tổng Thống Hoa Kỳ Jimmy Carter: “Rosalynn và tôi cảm thấy đau buồn trước sự ra đi của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Một con người được cảm nghiệm thấy những gì xẩy ra trong thời Nazi chiếm đóng thời Thế Chiến Thứ Hai, ngài đã hiến đời mình và ơn gọi của mình để trở thành khí cụ cho hòa bình trên khắp thế giới… Chúng ta sẽ nhớ đến ngài bằng tấm lòng quí mến và tri ân về việc ngài trung thành phục vụ hòa bình và nhân quyền”.

 

Nguyên Tổng Thống Hoa Kỳ Clinton: “Hillary và tôi hết sức đau buồn trước sự ra đi của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong việc lên tiếng một cách mãnh liệt và hùng hồn kêu gọi xót thương và hòa giải cho con người bị chia rẽ bởi những thứ hận thù ghen ghét cũ cũng như bị bách hại bởi việc lạm dụng quyền lực, Đức Thánh Cha này đã là ngọn hải đăng chẳng những cho người Công giáo mà còn cho tất cả mọi người… Giờ đây ngài đã về với Thiên Chúa là Đấng ngài đã trung thành phụng sự trọn cả một đời”.

 

  

Vị Nguyên Lãnh Đạo Khối Cộng Sản Liên Bang Nga Mikhail Gorbachev: “Việc dấn thân cho tín đồ của ngài là một mẫu gương đáng kể cho tất cả chúng ta”. Nhà lãnh đạo này trước đây đã nói rằng việc sụp đổ của Bức Màn Sắt không thể nào xẩy ra nếu không có vị giáo hoàng này, vị giáo hoàng này đã lên án cộng sản trong lần gặp gỡ đầu tiên của ông và ngài vào năm 1989, sau đó ít lâu Bức Tường Bá Linh đã sụp đổ. “Chúng tôi đã thực sự là hào hứng, mặc dù cuộc đối thoại có lẽ quá cảm xúc. Ngài nói với tôi rằng ngài… rất, rất kị cộng sản”.

 

(Những chi tiết tiếp sau đây dịch theo CNN, “Gorbachev: Pope was 'example to all of us'”, ngày 3/4/2005:)

 

Gorbachev cho biết vị giáo hoàng đã nêu lên Bức Tường Bá Linh trong cuộc gặp gỡ của hai người: “Ngài muốn biết ý của tôi về viễn ảnh của một Âu Châu hiệp nhất. Bức Tường Bá Linh dĩ nhiên là một phần của viễn ảnh này, thế nhưng ngài thực sự đã muốn nói đến việc chấm dứt Cuộc Chiến Tranh Lạnh”. Những việc cải cách về kinh tế của Gorbachev, được gọi là perestroika, đã góp phần vào việc giải phóng xã hội Sô Viết Nga trong thập niên 1980. Vị nguyên lãnh đạo Sô Viết Nga này, vị bị ép buộc phải từ nhiệm khi quốc gia của ông bùng nổ vào năm 1991, đã nói rằng vị giáo hoàng cũng phê bình cả chủ nghĩa tư bản nữa trong cuộc gặp gỡ năm 1989. “Ngài nói ‘tôi không phục vụ bất cứ một đảng phái chính trị nào hết, tôi phụng sự Thiên Chúa. Bởi thế tôi ủng hộ cũng những điều ông đang cố gắng chiếm đạt bằng chính sách cải tổ kinh tế perestroika của ông’”

 

  

Tổng Thống Cuba Fidel Castro: Theo tin của Associated Press thì ông đã bày tỏ những lời phân ưu và tuyên bố ba ngày thương tiếc chính thức từ Chúa Nhật. Trong bức thư gửi cho Vatican được phổ biến hôm Chúa Nhật trên trang nhất của nhật báo Juventud Rebelde, ông đã gọi việc qua đi của vị giáo hoàng này là “một tin buồn” và bày tỏ “những lời phân ưu chân thành nhất của nhân dân và chính quyền Cuba”: “Nhân loại sẽ giữ một ký ức cảm kích về hoạt động không ngừng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho hòa bình, công lý và đoàn kết giữa tất cả mọi dân nước”.

 

(phần sau đây được dịch theo CNN, “Castro signs pope's condolence book”, ngày 4/4/2005:)

 

Mặc bộ trang phục mầu đen, thay vì bộ đồng phục mầu xanh olive thường lệ, Tổng Thống Castro tỏ vể xúc động khi đọc lên sứ điệp của mình như sau: “Hỡi người bạn thân thương, việc bạn ra đi làm cho chúng tôi cảm thấy đớn đau. Chúng tôi tha thiết muốn rằng gương mẫu của bạn sẽ mãi tồn tại”. Đức Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng đầu tiên đã đến thăm Cuba, và nhiều quan sát viên đã nghĩ rằng cuộc viếng thăm của ngài sẽ giúp vào việc phấn khởi đổi thay về chính trị ở hải đảo này, như đã xẩy ra ở Balan quê hương của ngài. Tổng Thống Castro đã viết: “Các nỗ lực của những kẻ nào muốn sử dụng thế giá của bạn và thẩm quyền thiêng liêng lớn lao của bạn ngược lại với lý tưởng chân chính của nhân dân chúng tôi trong cuộc chống chọi với đế quốc khổng lồ (Hiệp Chủng Quốc) đều là những gì luống công vô ích”. Sau khi ký vào cuốn tập phân ưu với vị giáo hoàng vừa quá cố, vị lãnh đạo cộng sản 78 tuổi này đã có ý định tham dự Lễ an táng đặc biệt ở vương cung thánh đường Havana được cử hành bởi vị lãnh đạo Công Giáo Cuba là ĐHY Jaime Ortega. Chính phủ Cuba đã tuyên bố 3 ngày tang chế cho toàn quốc và hủy bỏ tất cả mọi cuộc hội lễ, kể cả cuộc mừng kỷ niệm Giới Trẻ Cộng Sản và màn chung kết của trận đấu banh quật toàn quốc của Cuba.

 

 

Tổng Thống Hoa Kỳ George Bush: “Người Hoa Kỳ có những lý do đặc biệt để mến yêu con người từ Krakow này”. Ông cho rằng vị giáo hoàng này là nguồn hứng cho hằng “triệu người Hoa Kỳ”. Ông gọi ngài là “Một trong những đại lãnh đạo của lịch sử”.

 

Sau đây là bản văn của tổng thống phát biểu vào buổi chiều Thứ Bảy 2/4:  (riêng bản văn này được dịch theo CNN, “Bush: 'A hero for the ages'”, ngày 2/4/2005) “Giáo Hội Công giáo đã mất đi vị chủ chăn của mình. Thế giới đã mất đi một con người chiến đấu cho tự do của con người, và một người tôi tớ nhân lành và tín trung của Thiên Chúa đã được gọi về. Đức Gioan Phaolô II đã rời bỏ ngai tòa Phêrô cũng cùng một cách như ngài đã đăng quang, với tư cách là một chứng nhân cho phẩm giá của sự sống con người. Ở quê hương Balan của mình, vị chứng nhân này đã tung ra một cuộc cách mạng dân chủ làm rung chuyển cả Đông Âu và thay đổi giòng lịch sử. Ở khắp Tây Phương, chứng từ Đức Gioan Phaolô nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm của chúng ta trong việc xây dựng một nền văn hóa sự sống, một nền văn hóa mà kẻ mạnh phải bảo vệ kẻ yếu.Và trong những năm cuối đời của vị Giáo Hoàng này, chứng từ của ngài thậm chí còn mãnh liệt hơn nữa bằng việc can đảm hằng ngày đương đầu với bệnh nạn và nhiều khổ đau.Tất cả mọi vị giáo hoàng đều thuộc về thế giới, thế nhưng những người Hoa Kỳ có lý do đặc biệt để yêu mến con người từ Krakow này. Trong những cuộc ngài viếng thăm quê hương của chúng ta, vị giáo hoàng này đã nói về Bản Hiến Pháp thiên định của chúng ta, đến các sự thật hiển nhiên về phẩm vị con người nơi Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của chúng ta, và nói đến những phúc hạnh tự do xuất phát từ những sự thật này. Ngài nói, chính những sự thật này, những sự thật khiến tất cả mọi người trên thế giới hướng về Hoa Kỳ với niềm hy vọng và trọng kính. Bản thân Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một nguồn cảm hứng cho hằng triệu người Hoa Kỳ cũng như cho nhiều người nữa trên khắp thế giới. Chúng ta sẽ luôn nhớ đến vị linh mục khiêm tốn, khôn ngoan và can đảm này, vị đã trở thành một trong những vị đại lãnh đạo về luân lý trong lịch sử. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa về việc gửi đến một con người như thế, một người con của Balan trở thành vị giám mục Rôma và là anh hùng của các thời đại”.

 

Tổng Thống Bush từ lễ an táng đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II về đêm Thứ Sáu, ông đã tỏ lòng trọng kính vị cố lãnh đạo của Giáo Hội Công giáo Rôma trong bài diễn văn phát thanh hằng tuần của mình (phần này được dịch theo bài ‘Bush praises pope's 'profound impact', được CNN phổ biến ngày 9/4/2005). Ông nói những việc cử hành đã lôi kéo các vị quốc vương, tổng thống và hành hương từ khắp nơi trên thế giới về Rôma là “một nhắc nhở mãnh liệt và tác động về cái ảnh hưởng sâu xa vị giáo hoàng này có được trên thế giới của chúng ta”. “Hết mọi nơi ngài đến, vị giáo hoàng này đều rao giảng rằng tiếng gọi tự do là tiếng gọi giành cho hết mọi phần tử thuộc gia đình nhân loại, vì tác giả của sự sống đã viết nó vào bản tính loài người chung của chúng ta. Nhiều người ở Tây phương đã đánh giá nhẹ tầm mức ảnh hưởng của vị giáo hoàng này. Thế nhưng, những ai ở sau Bức Màn Sắt đã biết rõ hơn, và sau cùng ngay cả Bức Tường Bá Linh cũng không đứng vững quyền lực mãnh liệt của vị giáo hoàng Balan này”. Vị tổng thống này đang tìm cách phổ biến nền dân chủ cho các quốc gia khác, ông thường nói về tự do là tặng ân của Thiên Chúa. Ông nói rằng Đức Gioan Phaolô II đã dấn thân cho lý tưởng này từ khi còn trẻ ở Balan, khi ngài tránh né cơ quan mật vụ Đức Quốc xã để tham dự chủng viện chui. Sau đó, khi ngài được bổ nhiệm là vị giám mục trẻ nhất Balan, ngài đã phải đối diện với một chế độ chuyên chế lớn khác của thế kỷ 20 là cộng sản. Và ngài đã sớm dạy cho các kẻ cầm quyền cộng sản ở Warsaw và Moscow rằng sự thật về luân lý có các đạo quân của nó và có một quyền lực còn lớn hơn cả những thứ quân đội và công an mật vụ của họ”. Vị tổng thống này là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên tham dự một lễ an táng giáo hoàng. Trong chuyến bay về nước, ông đã cho biết lễ an táng đã tác động ông hơn là ông tưởng và sẽ có ảnh hưởng đến vai trò làm tổng thống của ông. “Cuộc cử hành hôm nay, tôi dám cá với anh chị em là đối với hằng triệu người, là một sự tái quyết tâm cho nhiều người”.