CUỐN TIỂU THUYẾT

 

MẬT MÃ CỦA HỌA SĨ LEONARDO DA VINCI

 

 

 

 

“ DA VINCI  CODE”  Và  “DA VINCI DECEPTION”

                                      

(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)

 

Khi mới lớn lên tôi đã nghe đến tên của Ông “Da Vinci”, nhưng theo kiểu viết của tiếng Pháp “Léonard de Vinci” (Sau này mới biết tên Ông trong tiếng Ý là Leonardo Da Vinci) và được biết Ông là một người nổi tiếng đa tài, kể như vào bậc nhất thế giới từ trước đến giờ; lúc đầu Ông nổi tiếng như một nhà hội họa; đặc biệt qua bức danh họa “La Gioconda” (La Joconde); cũng thường được biết dưới tên “Mona Lisa” “Bà Lisa” . Mona Lisa là tên của một phụ nữ thành Florence, nước Ý, và được cho là chân dung trong bức họa nổi tiếng này. Bức danh họa này được hoàn thành vào khoảng năm 1503-1507.

 

Ngòai tác phẩm La Gioconda và các bức họa nổi tiếng khác, Leonard de Vinci còn nổi tiếng qua bức danh họa “Cena” (La cène; The Last Supper; Bửa Tiệc Ly) diển tả lại “Bửa Ăn Tình Thương” (Agapé) của Chúa Giêsu và 12 Tông Đồ vào buổi tối trước khi Chúa Giêsu ly biệt các Tông đồ (Tiệc Ly) để ra đi tự nộp mình, bước vào cuộc khổ nạn và chịu chết để chuộc tội cho nhân lọai. Trong bửa ăn tối đó, Chúa Giêsu đã cúi mình xuống rửa chân cho các Tông đồ để dạy các ông bài học yêu thương và phục vụ, và phục vụ trong khiêm tốn (Gioan 13:4…). Chúa Giêsu cũng tâm tình rất nhiều với các Tông đồ, căn dặn các Ông nhiều điều quan trọng (Gioan các đọan 13, 14, 15, 16), rồi Người cầu nguyện với Chúa Cha cho các Ông (Gioan đọan 17).  Cũng trong “Bửa Ăn Tình Thương” này, Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh (Chức Linh Mục) (Luca 22:19-20). Khi đọc lại Phúc Âm theo Thánh Gioan các đọan vừa trích dẩn ở trên (13, 14, 15, 16, 17), chúng ta thấy “Bửa Ăn Tình Thương” thật cảm động, đầy tình yêu thương của Chúa Giêsu với các Tông đồ, mà không một bức danh họa nào, dù bức danh họa của Leonard da Vinci, có thể diển tả được.

 

Leonard (1452-1519) sinh tại Vinci gần Florence (Bắc Ý). Vì sinh ra ở Vinci nên có tên Leonard de Vinci. Ngoài hội họa, Ông còn nổi tiếng về nhiều ngành khác, như kiến trúc sư, kỷ sư… và còn là một nhà bác học. Trong hai năm vừa qua tên Ông càng được thế giới biết đến nhiều hơn, qua cuốn sách do Dan Brown viết và cuốn phim dựa vào cuốn sách này, do giới điện ảnh Holly Wood thực hiện mang cùng tên “DA VINCI CODE”. Cuốn sách này là một thứ “tiểu thuyết trinh thám” có tính cách “giật gân”, đầy những giả tưởng ngụy tạo đi ngược lại với Kinh Thánh và niềm tin của người Kitô hữu; hơn nữa, còn nhằm vào việc hạ uy tín các Giáo Hội Kitô giáo, nhất là Giáo hội Công Giáo vì cho rằng Giáo hội đã “che dấu sự thật để bảo vệ tín điều về bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu”.

 

Dan Brown muốn khơi dậy phong trào muốn “nhân bản hóa” Chúa Giêsu để Ngài “có thể gần gủi hơn với mọi người và mọi người có thể dể dàng đến với Ngài hơn !”. Có nhóm còn chủ trương Chúa Giêsu là một người “gay” (đồng tính luyến ái) để biện minh cho những người “gay” và chủ trương “hôn nhân đồng tính” (same sex marriage). Nhóm “nhân bản hóa” Chúa Giêsu chủ trương Ngài cũng phải có gia đình, có vợ con… và như vậy “các linh mục cũng cần phải lập gia đình, có vợ con …”. Mấy thập niên trước, chúng ta cũng đã thấy có cuốn phim “THE LAST TEMPTATION”, cũng nhằm mục đích trên, và cũng nhấn mạnh là bà Mary Madalena là vợ của Chúa Giêsu! Tuy nhiên cuốn Da Vinci Code có nhiều “giả tưởng ngụy tạo” hơn nhiều.

 

Vì có tính cách “giật gân” kích thích tính tò mò, nên khi cuốn sách của Dan Brown xuất bản vào năm 2003 tại Hoa Kỳ, thì nhiều người đã mua để đọc và cuốn sách đã bán rất chạy. (Thật ra không phải chỉ cuốn sách này, mà nhiều cuốn sách cũng như phim ảnh ngày nay thường bắt chước nghệ thật quảng cáo “giật gân” kích thích tính tò mò để “câu đọc giả và khán giả”).  Nhận thấy có thể kiếm được “lợi nhuận lớn”, nếu quay thành phim, nên giới điện ảnh doanh thương Holly Wood đã mau mắn xin đóng thành phim với cốt truyện phim do Akiva Goldsman viết thành kịch bản, và Ron Howard đạo diển cùng với nhiều minh tinh màn bạc nổi tiếng của Holly Wood. Nơi đây xin mở một dấu ngoặc là: trước đây chừng ba năm, Mel Gibson muốn thực hiện cuốn phim “THE PASSION OF THE CHRIST”, ông đã nhờ Holly Wood yểm trợ, nhưng không được, nên Mel Gibson đã tự xuất vốn và đi vay mượn để thực hiện cuốn phim này. Cuốn phim đạo đức này đã thành công rực rở (chúng tôi có gửi kèm bài viết về cuốn phim này để quý vị xem thêm).

 

Vào ngày 19 tháng 5, năm 2006, phim Da Vinci Code  đã được chiếu tại Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới; mà đầu tiên lại ở Trung quốc, một quốc gia còn trong chế độ Cộng sản vô thần. Cũng vì tính tò mò nên nhiều người đi xem. Tuy nhiên, khi đem chiếu khai mạc tại Đại hội điện ảnh lần thứ 59 tại Cannes (Pháp) vào ngày 18 tháng 5 năm 2006, phim này đã bị các nhà phê bình điện ảnh đánh giá thấp về nhiều phương diện và chỉ được xếp vào hạng C+.

 

Có những quý vị ở Hoa Kỳ cũng như từ Việt Nam đã gọi điện thọai hoặc email để hỏi tôi về những điều “ngụy tạo”  trong cuốn sách cũng như phim này và chúng tôi đã giải thích được một phần nào. Giáo Hội tại Việt Nam cũng như ở Hoa Kỳ đã có những thơ mục vụ, các tài liệu để hướng dẫn. Tại Hoa Kỳ, chúng ta có thể đọc các tài liệu hướng dẫn qua các “Mạng Lưới”, như:

                                            www.davinciAntidote.com

                                             www.davinciHoax.com

 

Chúng tôi cũng xin đặc biệt giới thiệu cuốn sách “The DA VINCI DECEPTION” (by Mark Shea, Ascension Press, 2006). Cuốn sách nhỏ này dễ đọc và “giải mã” được những điều “ngụy tạo giả tưởng” của cuốn “DA VINCI CODE”.

 

Có những vị lại hỏi tôi: tại sao Chúa Giêsu và Giáo hội của Chúa, luôn bị nhiều người “tấn công”… như vậy. Chúng tôi xin chia sẽ các tư tưởng sau đây:

 

Khi Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse dâng Chúa Hài Nhi Giêsu vào Đền Thờ Giêrusalem theo lề luật Do Thái lúc bấy giờ, Ông Già đáng kính Simeon đã  ẵm lấy Chúa Hài nhi và sau khi nói tiên tri “Ngài sẽ là ánh sáng chiếu soi các dân tộc”, Ông lại nói tiên tri thêm rằng “Hài nhi này sẽ là dấu hiệu cho nhiều người chống đối….” (Luca 2:22…). Thực vậy, suốt cuộc đời truyền giáo, Chúa Giêsu luôn sống nghèo khó (con cáo có hang, Con Người không có chổ dựa đầu…) để rao giảng Tin Mừng Tình Thương cho mọi người. Ngài yêu thương mọi người kể cả những người tội lỗi vì yếu đuối đến với Ngài để xin tha thứ. Như một mục tử nhân lành, Ngài đi tìm “con chiên lạc”, vác lên vai và đưa về đòan chiên. Ngài đến với dân nghèo và những người bịnh họan, phong cùi để an ủi và chữa lành cho họ. Tuy nhiên vẫn có những kẻ chống đối và thù ghét Ngài. Tai sao?..Lý do là:  Vì Ngài là “ánh sáng chiếu soi trần gian…” (như Ông Già Simeon đã nói), mà những kẻ sống theo thế gian, sống trong “bóng tối” thì thù ghét “Ánh sáng!”. Hơn nữa, Ngài luôn rao giảng “Sự Thật” (Sự thật sẽ giải thóat chúng con!). Trước mặt Philatô, Chúa Giêsu đã nói thẳng” Tôi đến thế gian để làm chứng cho Sự Thật…” (Gioan 18:37); mà “Sự thật thì hay mất lòng!” như cha ông chúng ta đã nói. Vì thế người ta mới chống đối Ngài và giết Ngài trên Thập tự giá. Khi Ngài đã  sống lại, họ còn âm mưu tung ra câu chuyện bịa đặt là “các Tông đồ đã cướp xác Chúa Giêsu mà dấu đi!…. Trong khi chính  các Tông đồ lúc đó lại “Ở trong nhà, đóng kín cửa lại, vì sợ người Do Thái!…” (Gioan 20:19). Qua mỗi thời đại, những kẻ gian xảo, sống trong bóng tối cũng luôn thù ghét Chúa Giêsu và Giáo hội của Ngài.

 

Chúa Giêsu cũng đã cảnh cáo các Tông đồ và mỗi người chúng ta: “Nếu thế gian ghét chúng con, thì chúng con hãy biết rằng thế gian đã ghét Thầy trước rồi… Nếu chúng con sống theo thế gian, thế gian sẽ yêu thích chúng con; nhưng vì chúng con không sống theo thế gian, nên thế gian ghét chúng con… Nếu họ đã bách hại Thầy, họ cũng sẽ bách hại chúng con… Họ sẽ làm tất cả những gì có thể được để chống lại chúng con chỉ vì chúng con mang danh Thầy!” (Gioan 15:15…). Trong thư thứ 1Gioan cũng có đọan viết “Anh em đừng ngạc nhiên, nếu thế gian ghét anh em…” (1Gn 3:12).

 

Đứng trước những cuộc bách hại tàn bạo do Neron và các Hòang Đế Rôma gây ra để nhằm tiêu diệt Giáo Hội Chúa vào những thế kỷ đầu, Thánh Ignatio (chịu tử đạo khỏang năm 107) đã viết: “Đạo Thánh Chúa Kitô trở nên thật cao cả khi bị thế gian thù ghét!”. Thánh Giám Mục Bonifacio (Tử đạo vào năm 754) viết: “ Trong cuộc hành trình vượt biển trần gian, con thuyền vĩ đại của Giáo hội, luôn bị sóng to, gió lớn xô đẩy mạnh mẽ… Đừng sợ hải bỏ trốn, nhưng hãy tiếp tục cuộc hành trình…”, vì Chúa Giêsu đã nói “Kiên nhẩn đến cùng, chúng con sẽ được giải thóat…”.

 

Theo gương Chúa Giêsu, Giáo hội cũng rao giảng Tin Mừng tình thương, đi đến đâu cũng mở mang văn hóa, giúp đở những người nghèo khó, bịnh họan, những người cần được giúp đở. (Đan cử  như khi đi về Việt Nam, đi thăm các trại phong cùi, từ Bắc chí Nam, chúng ta đều thấy có các linh mục, các tu sĩ nam nữ hiện diện để giúp đở).  Nhưng ở đâu Giáo hội cũng gặp những chống đối, và thù nghịch; bị bách hại cách này hay cách khác.

 

Tệ hại hơn nữa, Chúa Giêsu còn cảnh cáo thêm điều quan trọng này là : Sẽ đến lúc những kẻ giết chúng con lại tưởng là họ đã làm một việc để tôn vinh Thiên Chúa!” (Gioan 16:2). Đó là những kẻ nội phản; những kẻ mà Thơ 1Gioan gọi là “những kẻ phản bội Chúa Kitô” (Antichrists)(1Gioan 2:18…). “Họ xuất thân từ hàng ngủ chúng ta; nhưng rồi không còn thuộc về chúng ta nữa!”. (1Gioan 2:19). Thánh Phaolô, trong thơ I gửi cho Timôthê  cũng đã nói đến những kẻ thích gieo rắc “một thứ Giáo lý khác lạ…những điều hoang đường…”.

 

Sau thời các Thánh Tông đồ, vào những thế kỷ đầu,  lại xuất hiện những “Tà Thuyết” qua các “mạo thư” như Phúc Âm của Đức Maria, Phúc Âm Tôma, Phúc Âm Philíphê, Phúc Âm Giuđa…. Những nhóm “Ly giáo” (Schism) hoặc “Lạc giáo” (Heresy)  vẫn xuất hiện qua dòng thời gian để “rao giảng những điều sai lạc để  giết Đức tin tinh tuyền của các tín hữu  Chúa”. Những chủ trương sai lạc này, hoặc chối bỏ bản tính nhân lọai của Chúa Giêsu… Hoặc chối bỏ bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu… Trong thời đại chúng ta, họ đã dùng những phương tiện truyền thông và phim ảnh để gieo rắc những điều lầm lạc để nhằm tiêu diệt lòng tin của chúng ta vào Chúa Kitô Phục Sinh và Giáo hội Chúa.  Hơn nữa, ngày nay có những cuốn sách, cuốn phim nặng về thương mại, đã xuyên tạc sự kiện lịch sử, và coi thường giá trị tôn giáo, giá trị danh dự của cả một dân tộc… chỉ nhằm tính cách “giật gân” để câu đọc giả và khán giả. Đan cử như cuốn phim “The Platoon” về chiến tranh Việt Nam  vào mấy thập niên trước đây. Khi tôi hỏi ý kiến của một cựu chiến binh Hoa Kỳ về cuốn phim này, ông chỉ lắc đầu và nói “Garbage!”.

 

Trước những “tà thuyết” và những “ngụy tạo” của những sách báo, phim ảnh để chống lại Chúa Giêsu Kitô và Giáo hội (thường khi chỉ để kích thích tính tò mò của con người nhằm quảng cáo và làm thương mại), chúng ta không cần “hỏang sợ”; nhưng cần cầu xin ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn để sáng suốt nhận định và “nắm vững Đức Tin tinh tuyền”, như thơ 1Phêrô đã chỉ bảo chúng ta: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức; vì ma qủy, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé…   Anh  em hãy  đứng vững trong Đức tin mà chống cự lại…” (1 Phêrô 5:8…).

 

“Thánh Thần! Cúi xin ngự đến! Hồn con đang mong chờ Ngài… Xin Ngài đổi mới… Chiếu sáng thế gian u mê… Dẩn dắt chúng con trên đường… Xin ban thêm sức kiên  vửng không lay…. (trích trong bài Thánh ca “Thánh Thần Hãy Đến” của Cha Thành Tâm).

 

 

TOP

 

 

Tại sao tác phẩm “The Da Vinci Code” là cuốn tiểu thuyết rất nguy hại cho đức tin Công Giáo lại bán được tới 30 triệu cuốn?

 

 

Tác phẩm “The Da Vinci Code” đã được xuất bản và sắp thành phim vào ngày 19/5/2006 tới đây. Tác phẩm này đã được hằng triệu người hăm hở đọc và trở nên hoang mang về Kitô Giáo. Đó là lý do tại sao Mark Shea và Ted Sri, cả hai đều là nhà hộ giáo và là giáo sư thần học, viết chung cuốn “The Da Vinci Deception”, một cuốn sách hướng dẫn cho thấy sự kiện và những gì hư cấu chất chứa trong tác phẩm “The Da Vinci Code” hết sức nguy hiểm đến đức tin Kitô Giáo này. Nếu ai muốn biết thêm chi tiết và cộng tác trong việc phổ biến những gì có thể ngăn chặn và chống lại những sai lầm của cuốn sách độc hại ấy, xin vào http://www.davinciantidote.com

 

Sau đây là cuộc phỏng vấn của mạng điện toán toàn cầu Zenit với Mark Shea ở Seattle Washington State về những sai lạc chính yếu nơi tác phẩm độc hại đến niềm tin Kitô Giáo khiến thành phần Kitô hữu Công Giáo yếu tin có thể đặt lại vấn đề về Chúa Kitô cũng như về Giáo Hội của Người.

 

Vấn:     Điều gì đã thúc đẩy ông viết cuốn sách “The Da Vinci Deception”?

 

Đáp:    Câu trả lời ngắn gọn đó là có hằng chục triệu con người ta đã đọc cuốn "The Da Vinci Code" và đã có nhiều người cảm thấy rung chuyển niềm tin tưởng của họ nơi Chúa Kitô và Giáo Hội Công Giáo. Cuốn sách lộng ngôn phạm thượng này đã trở thành một hiện tượng chính yếu về văn hóa, đa số tấn công vào chính con người và sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô. Cần phải nói lên vấn đề ấy.

 

Câu trả lời dài đó là cuốn "The Da Vinci Code" đã trở thành một nguồn mạch cho những gì tôi gọi là “thứ kiến thức giả tạo” về đức tin Kitô Giáo. ….

 

Thứ kiến thức giả tạo gây ra chuyện lớn khi nó ảnh hưởng một cách bất lợi đến các niềm tin linh thánh nhất của hằng tỉ người, và khi nó buộc tội là Giáo Hội Công Giáo thực sự là một đại guồng máy “Hợp Tác Sát Nhân” được thành lập với chủ trương láo khoét về thần tính và sự phục sinh của Giêsu. ……

 

"The Da Vinci Code" đã được bán gần tới 30 triệu cuốn. Vào Tháng 5 này, nó sẽ xuất hiện như một cuốn phim chính và chi phối thậm chí hơn nữa về thẩm quyền uy tín nơi hằng triệu khán giả không biết gì về lịch sử và thần học – trừ phi có những Kitô hữu nói tới những sự kiện và giúp cho khán giả biết họ đã bị ảnh hưởng thê thảm ra sao.

 

Sáng kiến thực hiện chiến dịch The Da Vinci Outreach của tổ chức Catholic Exchange và Ascension Press sẽ là những gì trang bị cho người Công Giáo và tất cả những ai thiện chí các nguồn tài liệu để giúp họ đáp ứng lại cuốn phím này.

 

Những ai nói rằng “đó chỉ là một câu truyện thôi mà” là người không hiểu rằng việc lừa đảo này cái năng lực của cuốn sách đó vậy. Dân chúng thường tiếp nhận qua sự hư cấu những gì họ cần phải tỉnh táo chống lại trong cuộc tranh cãi có lý.

 

Điều này đặc biệt đúng khi Dan Brown, tác giả cuốn "The Da Vinci Code", đã thực sự nói rằng ông ta sẽ không thay đổi gì về những chủ trương căn bản của mình nếu ông viết một cuốn sách không phải là tiểu thuyết. Đối với chúng ta, điều Brown muốn nói được hiểu là những gì ông chủ trương về các thứ nguồn gốc của Kitô Giáo đều là những gì chân thực.

 

Vấn:     Đâu là những điều không chính xác chính yếu nơi cuốn The Da Vinci Code?

 

Đáp:    Để tôi kể ra những cách thức thế này. Những cái ngớ ngẩn bao gồm các điều sai lạc về dữ kiện và những dối trá toàn bộ, lớn cũng như nhỏ, một cách cụ thể về từng vấn đề Brown nói đến về nghệ thuật, lịch sử và thần học. Ông ta cố ý nói rằng những văn kiện giả mạo mà thậm chí các nguồn tài liệu đáng đặt vấn đề của ông ta đã bác bỏ đều là sự thật.

 

Ông chủ trương rằng Leonardo Da Vinci không trao cho Chúa Giêsu một chén ở trong bức tranh “Bữa Tiệc Ly” để bóng gió nói rằng Mary Magdalene là chén thật chứa đựng “máu Chúa Giêsu”, bất chấp sự kiện là có 13 chén trong bức tranh.

 

Ông huyên thuyên nói về ý nghĩa của một chữ Aramaic trong cuốn phúc âm bất thần tri Philiphê, bỏ qua sự kiện là cuốn này được viết bằng tiếng Coptic.

 

Ông gọi Maria Mai Đệ Liên là nạn nhân của một chiến dịch bẩn thỉu của Công Giáo mà không chịu suy nghĩ tại sao chị là một vị thánh Công Giáo.

 

Ông trách cứ “Vatican” về những dự án và âm mưu khác nhau bị cáo giác là đã xẩy ra từ nhiều thế kỷ trước khi có bất cứ một thứ Vatican nào mưu đồ những gì bị cáo giác ấy cả.

 

Dĩ nhiên là cái dối trá lớn nhất đó là ông tuyên bố rằng không ai trước năm 325 sau công nguyên nghĩ về Chúa Giêsu như là một đấng nào khác ngoài một vị “tiên tri chết” cho đến khi Constantine nhúng tay vào Công Đồng Nicea để tuyên bố rằng Người là Thiên Chúa “bằng một cuộc bỏ phiếu khít khao”.

 

Tất nhiên ông ta không ngừng lại ở chỗ đặt vấn đề tại sao, nếu Chúa Giêsu chỉ là một “vị tiên tri chết”, thì cần gì Người phải lập một Giáo Hội  - hay Giáo Hội ra sao trong 300 năm đầu nếu không ai tôn thờ Người như là một Vị Thiên Chúa.


Vấn:     Làm thế nào những gì không chính xác ấy gây khó khăn cho Giáo Hội, cho các giáo huấn của Giáo Hội cũng như cho bản thân của Chúa Giêsu Kitô?

 

Đáp:    Brown đang nỗ lực thiết lập một thứ huyền thoại tân ngoại giáo về việc tạo dựng nên nữ giới bình quyền. Cái huyền thoại căn bản này là: Chúa Giêsu thực sự là một nhân vật hoạt động cho nữ giới bình quyền, năng nổ hoạt động cho thuyết tân ngoại giáo. Giáo Hội được cho là đã che đậy đi tất cả những điều ấy bằng các thứ dối trá về thần tính của Người. Vấn đề của Brown ở đây là: Nào chúng ta hãy trở về với việc tôn thờ nữ thần như Chúa Giêsu có ý định như thế.

 

Tất nhiên, cái chủ trương vô bằng buồn cười này hoàn toàn trái với những sự kiện về Chúa Giêsu. Thế nhưng, có nhiều người thuộc nền văn hóa quá nhẹ dạ và mù tịt về lịch sử lại tin như thế. Bởi thế người Công Giáo cần phải đảm trách việc dạy giáo lý chẳng những cho chính mình mà còn cho giá đình, bạn hữu và cận nhân của họ nữa, hoặc họ sẽ thấy rằng cái huyền thoại nguy hiểm này sẽ tiếp tục lan rộng.


Vấn:     Tại sao lại quan tâm tới những người Công Giáo – và về các người khác, về vấn đề ấy – về việc họ coi phim “The Da Vinci Code” mà không có một con mắt sáng suốt và kiến thức căn bản vững chắc?

 

Đáp:    Vì nó được viết với chủ ý rõ ràng là để hủy diệt niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô và thay thế niềm tin này bằng việc tôn thờ nữ thần tân ngoại giáo.

 

Vấn đề ở đây là thành phần độc giả cỡ trung bình không biết “The Da Vinci Code” thực sự là những gì làm cho quí vị trở thành ngu dốt hơn nữa về nghệ thuật, lịch sử, thần học và tôn giáo tương đối.

 

“The Da Vinci Deception” và Da Vinci Outreach đã có đó để hướng dẫn độc giả về những sai lạc hoàn toàn có ý này – cũng như về những điều ngớ ngẩn chẳng biết gì – tràn đầy trong câu truyện ấy. Chúng tôi cũng bao gồm cả một nguồn tài liệu để hướng dẫn các học sinh trung học và giúp họ khám phá ra những điêu ngoa lừa đảo của Brown.

 

Vấn:     Cuộc phản ứng dữ dội mới đây của người Hồi Giáo chống lại những bức tranh biếm họa về Mohammed hình như báo động tình trạng gia tăng căng thẳng giữa tôn giáo và xã hội. Ông nghĩ gì về thời điểm của cuốn phim này?

 

Đáp:    Chắc chắn là thành phần phát động cuốn phim này sẽ cố gắng để diễn tả những phàn nàn của Công Giáo về việc cuốn “The Da Vinci Code” muốn ám sát những sự kiện ấy, như là những phàn nàn giống hệt như những thứ đe dọa cực đoan của Hồi Giáo đối với vấn đề tự do ngôn luận vậy.

 

Dĩ nhiên, vấn đề về chủ trương này ở đây là Giáo Hội không đốt phá các dinh thự hay đe dọa sát hại dân chúng, thậm chí cả khi họ dối trá về Chúa Kitô. Chúng tôi chỉ lịch sử yêu cầu là thành phần tạo nên “The Da Vinci Code” đừng đánh lận con đen biến những dối trá thô tục thành sự kiện.

 

Các nhà chế tạo Tây Phương về văn hóa bao giờ cũng là thành phần can đảm trong việc bôi bẩn Giáo Hội hơn là đương đầu với Hồi Giáo cực đoan, vì, như họ biết quá rõ là, Vativan không ban hành những thứ “fatwas” hay những lời đe dọa chết chóc.


Vấn:     Ông hy vọng ra sao về cuốn sách này trong việc cung cấp kiến thức cho những ai có ý định xem cuốn phim “The Da Vinci Code”?

 

Đáp:    “The Da Vinci Deception” chặn đứng bằng những chữ đơn giản kiểu cách căn bản những thứ dối trá được Brown tung ra trong cuốn “The Da Vinci Code”, nhờ đó độc giả có thế thấy được rõ ràng bộ máy giật giây ở đằng sau cuốn tiểu thuyết ấy.

 

Cuốn “The Da Vinci Deception” được chia thành 100 câu hỏi – như cuốn trước kia của chúng tôi, cuốn “Hướng Dẫn Phim Cuộc Khổ Nạn Chúa Kitô” - giúp cho độc giả duyệt qua những mánh lới tinh khéo của Brown về những thứ sai lạc rất ư là nghệ thuật, và cho thấy tại sao nó lại là một thứ mưu đồ bất lương như thế. Một khi quí vị hiểu được cái trò chơi này của Brown, quí vị mới bắt đầu nhận ra rằng chính Brown, chứ không phải đức tin Công Giáo là những gì đang đu đưa dân chúng.

 

Chúng tôi đủ tin tưởng rằng trong cuốn sách của chúng tôi, chúng tôi thực sự thúc giục dân chúng hãy đi coi cuốn phim ấy sau khi đọc cuốn sách của chúng tôi….

 

Vấn:     Tại sao dân chúng quan trọng hóa các cuốn tiểu thuyết của Dan Brown quá như vậy? Ở Rôma thậm chí có những chuyến tuần du hướng dẫn để chỉnh lại những địa điểm được nói đến trong cuốn sách “Thần Thiêng và Quỉ Ma” của ông ta.

 

Đáp:  "The Da Vinci Code” là một bộc lộ nữa về những gì tôi gọi là “Chúa Giêsu Thực Sự cuối cùng”; hết mọi thế hệ đều có khuynh hướng muốn khám phá ra Chúc Giêsu Thực Sự cuối cùng.

 

Một trăm năm trước đây, Albert Schweitzer đã khám phá ra rằng Giêsu Thực Sự là một Nhà Cải Cách Phúc Âm Về Xã Hội. Trong giai đoạn bừng rộ vào thập niên 1920, dân chúng thấy rằng Giêsu thực sự là một thằng bé dán quảng cáo cho việc buôn bán. Vào thập niên 1939, Đảng Nazi đã khám phá ra một Giêsu Thực Sự là một người Aryan chứ không phải người Do Thái, trong khi đó Cộng Sản lại khám phá một Giêsu thực sự là một Kẻ Chủ Trương Chủ Nghĩa Maxít tiên khởi.

 

Vào thập niên 1960, Vị Giêsu Thực Sự này được thấy là một bé bông hoa trong cuốn ‘Godspell’ và là một kẻ hâm mộ những thứ nấm gây ảo giác – một con người dẫn giải tất cả mọi thị kiến và phép lạ một cách tuyệt vời. Vào thập niên 1970, Vị Giêsu Thực Sự ấy được thấy là một ‘siêu minh tinh’ theo các tay diktats của văn hóa nhạc rock.

 

Vào thập niên 1980, Vị Giêsu Thực Sự này đã xuất hiện trong trường hợp hứa hẹn về sức khỏe và giầu sang và chữa lành đứa nhỏ bên trong của quí vị – tức là khi đứa nhỏ ấy không bị những cuộc khủng hoảng cuộc sống, không vật lộn với dục tính của nó và không khắc khoải bởi tình trạng tự nghi vấn, trái lại, nó như là một đứa bé nở rộ tự cuốn hút lấy mình, trong cuốn “Cơn Cám Dỗ Cuối Cùng của Đức Kitô”.

 

Vào thập niên 1990, Vị Giêsu Thực Sự ấy đột nhiên được khám phá ra là một tay say mê đồng tính luyến ái trong vở lịch lộng ngôn phạm thượng “Corpus Christi”.

 

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một nền văn hóa bị ám ảnh bởi những cuộc sống tình dục của thành phần giầu sang và danh tiếng, cả tin về những lý thuyết đầy nhưng mưu đồ, dồi dào những quan niệm nửa vời theo chiều hướng ngoại đạo và phò nữ giới, ngược lại với các quan niệm truyền thống của cả lý trí và quyền bính.

 

Bởi một sự trùng hợp khôn dò nào đó, Dan Brown đã khám phá ra một Giêsu Thực Sự hoàn toàn phản ảnh cái cung cách của thứ văn hóa tràn lan này. Và khi dân chúng tin tưởng những điều theo một cung cách như thế, nhất là những điều xấu, thì đó là những gì nguy hiểm tới đức tin của họ vậy.

 

Cuốn “The Da Vinci Deception” được viết ra nhắm mục đích để giúp cho dân chúng đừng quá quan trọng hóa “The Da Vinci Code”. May mắn thay Dan Brown và đồng chí của ông ta đã làm cho các sự vật trở thành dễ dàng cho chúng tôi nơi lãnh vực này.

 

Cuốn sách của ông ta là những gì xấu xa một cách nực cười, những chủ trương của cuốn sách này sai lầm rất ư là dễ thấy, toàn bộ câu truyện thật là ngớ ngẩn, đến nỗi cái tẩy của nó lại mặc một tính chất vui tươi hớn hở là những gì duy nhất theo tôi thích hợp với nó. Sau hết thì việc chữa trị hay nhất giành cho cuốn “The Da Vinci Code” đó là một trận cười phá lên của thành phần hiểu biết.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 24/2/2006

 

 

Tác Giả cuốn tiểu thuyết The Da Vinci Code bị kiện vì ăn cắp tài liệu

 

Hôm Thứ Hai 27/2/2006 và Thứ Ba 28/2/2006, mạng điện toán toàn cầu CNN đã phổ biến 2 bài viết liên quan đến tác giả của cuốn tiểu thuyết đang gây chấn động đức tin Kitô Giáo và sắp sửa đóng thành phim vào cuối Tháng 5/2006. Bài thứ nhất với tựa đề “'Da Vinci' author 'stole plot'”, và bài thứ hai “'Da Vinci' lawyer defends author”.

 

Qua bài thứ nhất, “'Da Vinci' author 'stole plot'”, CNN tóm gọn như sau: “Tác giả Dan Brown đã ra tòa hôm Thứ Hai để mở màn cho vụ kiện của hai sử gia nói rằng vị tác giả này đã lấy tài liệu của họ để viết cuốn sách bán chạy nhất ‘The Da Vinci Code’ và kiện cả nhà xuất bản ở Hiệp Vương Quốc của họ”.

 

Thật vậy, hai vị sử gia này là Richard Leigh và Michael Baigent đã nộp đơn kiện nhà xuất bản Random House của họ vì đã bỏ đi “cả lâu đài” nghiên cứu cho cuốn sách của họ năm 1982 bán chạy nhất là cuốn “The Holy Blood, and the Holy Grail” (Máu Thánh và Chén Thánh).

 

Câu truyện giật gân về tôn giáo của tác giả Brown đã xuất bản năm 2003 trên 40 triệu cuốn khắp thế giới và đã làm cho người Công Giáo giận dữ vì cho rằng Chúa Giêsu lập gia đình với Mai Đệ Liên và có con với vị thánh này. Đó là thuyết cũng đã được nêu lên trong cuốn “Máu Thánh và Chén Thánh” của hai sử gia kiện cáo này.

 

Luật sư của cả đôi bên đều không lên tiếng nhận định về sự kiện vụ kiện ảnh hưởng tới vấn đề bán cuốn tiểu thuyết hốt bạc này, hay đến việc phân phối của hãng phim Sony Pictures cho cuốn phim được dự định tung ra thị trường vào Tháng 5/2006 tới đây.

 

Vị luật sư đại diện cho hai sử gia Baigent và Leigh là Jonathan James đã trình với tòa rằng: “… Dan Brown đã sao chép từ cuốn ‘Máu Thánh và Chén Thánh’, và vì thế việc xuất bản việc sao chép ấy của bị can đã phạm đến bản quyền của thân chủ tôi ở Hiệp Vương Quốc”.

 

Random House, một nhà xuất bản do khối truyền thông Đức Quốc là Bertelsmann làm chủ, một nhà xuất bản cho cả hai cuốn sách có liên quan tới vụ kiện này, qua nữ giám đốc điều hành Gail Rebuck, đã phủ nhận vụ kiện này như là những gì “không có cơ sở”, và đã thành công trong việc loại đi vào Tháng 10/2005 một phần ‘chính yếu’ của vụ kiện của hai sử gia này.

 

Các nhận định gia đã vạch ra rằng vai chính trong cuốn tiểu thuyết của người tác giả 41 tuổi Dan Brown là Sir Leigh Teabing, đã mang tên đảo chữ của Leigh và Baigent. Vị tác giả thứ ba của cuốn “Máu Thánh và Chén Thánh” là Henry Lincoln đã không tham dự vào vụ kiện này.

 

Tháng 8/2005, tác giả Brown đã thắng vụ kiện của một tác giả khác là Lewis Perdue, người cho rằng cuốn tiểu thuyết The Da Vinci Code đã sao chép 2 trong những cuốn tiểu thuyết của mình, đó là cuốn “Daughter of God” và “The Da Vinci Legacy”. Ông Perdue đã đòi bồi thường 150 triệu Mỹ kim và yêu cầu tòa ngăn chặn việc phân phối cuốn sách The Da Vinbci Code cùng cuốn phim của cuốn sách này, một cuốn phim được trình diễn bởi hai vai chính là Tom Hanks và nữ tài tử Pháp Audrey Tautou.

 

Qua bài thứ hai, “'Da Vinci' lawyer defends author”, CNN tóm gọn như sau: “Luật sư của nhà xuất bản cuốn ‘The Da Vinci Code’đã biện hộ ở Tòa hôm Thứ Ba rằng những tư tưởng được hai nhà văn cho rằng bị sao trộm trong cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của Dan Brown là những gì quá chung chung đến nỗi chúng không phải là những gì được bản quyền bảovệ ”.

 

Đúng thế, luật sư của nhà xuất bản này là John Baldwin đã nói rằng những gì được Baigent người Tân Tây Lan và Leigh gốc gác Hoa Kỳ kiện “liên quan tới và tìm cách độc quyền hóa những tư tưởng ở một mức tổng quan cao độ tới nỗi chúng không thuộc về những gì được bản quyền bảo vệ”.

 

Tác giả Dan Brown, người sẽ phải ra đối chứng vào tuần tới, đã có mặt ở Tòa 2 ngày liền. Phiên tòa sẽ được dời lại vào Thứ Ba tuần tới để quan tòa là  Peter Smith có giờ nghiên cứu thêm nội vụ, qua việc đọc các tác phẩm liên hệ và các bản văn có dính dáng đến vụ kiện.

 

Nếu các vị tác giả kiện cáo này thành công trong vụ kiện thì cuốn phim sắp sửa tung ra của cuốn tiểu thuyết The Da Vinci Code sẽ bị ngưng lại. Nhưng hãng Sony Pictures cho biết họ vẫn có ý định tung ra cuốn phim này đúng hẹn.

 

Luật sư Baldwin nói rằng có nhiều vấn đề quan trọng trong cuốn “Màu Thánh và Chén Thánh” không có trong cuốn “The Da Vinci Code”, nhất là tư tưởng có một mệnh lệnh kín đáo được gọi là Priory of Sion hiện hữu và tìm cách phục hồi miêu duệ của Chúa Giêsu Kitô cho các vương tòa ở Âu Châu. Theo vị luật sứ này thì đó là một “vấn đề lớn” trong cuốn sách trước song không được tác giả Brwon nhấn mạnh đến.

 

Vị luật sư của đương đơn là Jonathan Rayner hôm Thứ Hai đã cho biết là các thân chủ của ông không cố gắng để “làm mất hiệu lực của nỗ lực sáng tạo”, hay cũng không muốn củ trương độc quyền về các tư tưởng hoặc việc tranh cãi lịch sử, thế nhưng muốn chứng tỏ cho thấy rằng tác giả Brown đã “dựa nhiều” vào tác phẩm trước đó được phát hành ở Hiệp Vương Quốc năm 1982 và năm sau đó ở Hiệp Chủng Quốc.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Thánh Mai Đệ Liên Thực Sự Là Ai nơi Cuốn Tiểu Thuyết Bán Chạy Nhất The Da Vinci Code: “Maria Mai Đệ Liên bên ngoài cuốn ‘The Da Vinci Code’”

 

Một nhóm nữ thần học gia và một nữ ký giả đạ gặp nhau để cố gắng vẽ lên một bức chân dung của vị thánh nữ được nhái lại một cách khôi hài trong cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất từ trước đến nay, đó là cuốn The Da Vinci Code.

 

Cuộc họp bàn tròn này lấy chủ đề là: “Maria Mai Đệ Liên bên ngoài cuốn ‘The Da Vinci Code’” đã diễn tiến vào hôm Thứ Sáu 3/3/2006, một trong những vấn đề được bàn đến trong các cuộc trao đổi của thành phần Giáo Sư “Nữ Giới và Kitô Giáo” ở phân khoa giáo hoàng Marianum, do các nữ tu dòng Tôi Tớ Mẹ Maria thực hiện.

 

Marinella Perroni, một giáo sư Tân Ước ở Đại Học Athenaeum Thánh Anselm và là chủ tịch của văn phòng Điều Hợp Các Nữ Thần Học Gia Ý Quốc, đã khai mở cuộc bàn luận này bằng việc thú nhận rằng bà chưa hề đọc cuốn tiểu thuyết của Dan Brown, vì “nó không đáng cho tôi chú ý tới”.

 

Bà đã đặc biệt cảnh giác về khuynh hướng muốn “lấy Maria Mai Đệ Liên một cách gượng ép không đúng với Phúc Âm”: “Vì tôn trọng những gì đã được viết trong các bản văn và những gì được Phúc Âm cho chúng ta biết mà không được đem vị thánh nữ này ra khỏi Phúc Âm”.

 

Maria Luisa Rigato, một giáo sư Tân Ước ở Đại Học Gregorian nói rằng bà đã đọc ‘rất cẩn thận câu truyện thật giật gân này của Dan Brown’ trước khi bà tiến đến chỗ điểm mặt những cái mâu thuẫn của câu truyện tiểu thuyết ấy.

 

Bà Rigato giải thích là ‘theo các Phúc Âm được công nhận thì rõ ràng là Chúa Giêsu độc thân và có khả năng làm bạn với cả nữ giới và nam giới. Theo các Phúc Âm được công nhận thì Maria Mai Đệ Liên không phải là vợ hay là người tình của Chúa Giêsu. Maria Mai Đệ Liên không phải là Maria ở Bêthania, hay Maria em của Matta’.

 

Bà cho biết tiếp Chúa Giêsu là một nhà cải cách Bộ Ngũ Kinh và ‘Phúc Âm là những gì tích cực giảng dạy về nữ giới’.

 

Miriam Diezi Bosch, một giảng viên ở Trung Tâm Liên Ngành Về Truyền Thông Xã Hội ở Đại Học Gregorian cho biết ‘Maria Mai Đệ Liên là một phụ nữ hấp dẫn và yêu kiều không ai có thể dửng dưng và hiển nhiên là thế giới truyền thông chung quanh chúng ta lại càng không thể lạnh lùng’.

 

Diezi Bosch cũng là phóng viên của mạng điện toán toàn cầu Zenit, đã giải thích cách thức Maria Mai Đệ Liên ngày nay được thấy nơi truyền thông và đã nhấn mạnh rằng ‘những động lực truyền thông làm cho người nữ này trở thành một nhân vật truyền thông nhưng lại bị méo mó’.

 

‘Magdalenemania hay Maria Mai Đệ Liên theo Brown chỉ là những hoa trái nho nhỏ của một hoạt động toàn cầu trong việc thách đố tín hữu mà thôi, những thách đố mà Giáo Hội không thể nhắm mắt làm ngơ’.

 

Đó là lý do bà cho biết đã có một số đáp ứng xuất hiện ở lãnh vực truyền thông quốc tế, và đề nghị dạy cách phân biệt hơn nữa giữa thực tại và tiểu thuyết, và cải tiến vấn đề giáo lý. Bà khuyên là các thần học gia hãy ‘giải thích rõ ràng về nhân vật Maria Mai Đệ Liên, vượt ra ngoài hình ảnh thê thảm của một cô gái điếm thống hối và nhấn mạnh hơn đến vai trò ‘apostala apostolorum’ (tông đồ của các tông đồ) của cô, bằng một nỗ lực truyền đạt liên ngành giúp thành quả của việc nghiên cứu về thần học có thể vươn tới quảng đại quần chúng hơn nữa’.

 

Nữ ký giả này kêu gọi hãy nỗ lực phục hồi vai trò đích thực của Maria Mai Đệ Liên trong việc làm chứng cho Cuộc Phục Sinh, và nói rằng ‘truyền thông – và Don Brown – đã có một hình ảnh giả tạo về Mai Đệ Liên’.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 8/3/2006

 

 

Đáp Ứng của các ngành truyền thông đối với cuốn tiểu thuyết và cuốn phim ‘Da Vinci Code’.

 

Cuộc Vận Động Truyền Thông Công Giáo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sẽ cống hiến những nguồn liệu chính yếu để cung cấp tín liệu chính xác về đời sống của Chúa Giêsu, trước khi cuốn phim ‘The Da Vinci Code’ được trình chiếu.

 

Những nguồn liệu này bao gồm một mạng điện toán toàn cầu và cuốn phim tài liệu được dự định tung ra trên các đài truyền hình NBC. Một tập sách nhỏ 16 trang cũng được phổ biến về ‘Đức Giêsu Chân Thực’.

 

Hôm Thứ Năm 2/3/2006, Cuộc Vận Động Truyền Thông Công Giáo đã cho ra mắt mạng điện toán toàn cầu www.jesusdecoded.com để cung cấp tín liệu chính xác v6è Chúa Giêsu, về giáo huấn Công Giáo, và về các đề tài khác được khai thác trong cuốn tiểu thuyết của Dan Brown.

 

Mạng điện toán toàn cầu này sẽ giải thích những gì Công Giáo tin tưởng và bao gồm cả các bài viết của các thần học gia, các bình luận gia truyền thông, các chuyên gia về nghệ thuật và những người khác cung cấp kiến thức căn bản cũng như bài bác việc suy đoán cùng với những cái thiếu chính xác về Chúa Kitô và về nguồn gốc Kitô Giáo.

 

Cũng trong Tháng 3 này, một tập sách ‘Đức Giêsu Đích Thực’ được tung ra để giải quyết những vấn đề được cuốn tiểu thuyết ‘The Da Vinci Code’ đề cập tới cùng với những thứ miêu tả phổ thông khác về Chúa Giêsu.

Tập sách này, được phổ biến bởi Tiểu Ban về Truyền Thông của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, trình bày giáo huấn chân thực của Công Giáo về Chúa Giêsu và thần tính của Người, về Tân Ước, về Chủ Thuyết Bất Khả Thần Tri, về nữ giới và về Giáo Hội, cũng như những đề tài quan trọng khác theo hình thức vấn đáp.

 

Còn cuốn phim tài liệu tựa đề ‘Jesus Decoded’ với nội dung về giáo huấn Công Giáo thực sự về Chúa Giêsu Kitô sẽ được trình chiếu trên các đài truyền hình NBC bắt đầu vào cuối tuần lễ thứ ba của Tháng Năm.

 

Cuốn phim tài liệu này sẽ cho thấy những chi tiết chính xác về bản thân Chúa Giêsu, về môn đệ của Người và việc hình thành các cuốn sách thành sổ bộ Tân Ước, cùng với ba thế kỷ đầu liên quan tới việc phát triển của lịch sử Giáo Hội. Cuốn phim này còn có cả những cuộc phỏng vấn các học giả về nghệ thuật, lịch sử và Thánh Kinh để phân biệt chân lý Công Giáo với tiểu thuyết trần tục.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 8/3/2006