Bài Giáo Lý số 19




PHỤNG VỤ THÁNH

(các số 1066-1134 và các số 1667-1690)
 



CẢM NGHIỆM NHÂN SINH


Một trong những yếu tố hay dấu hiệu sống động và hiển nhiên nhất cho thấy nơi con người có một mầm mống thần linh và hướng về tín ngưỡng đó là các việc thờ phượng của họ. Cử chỉ chắp tay nhắm mắt cúi đầu cung kính nguyện cầu nói chung nơi các dân tộc, việc sấp mình bái lậy vào những giờ nguyện cầu được ấn định trong một ngày của tín đồ Hồi Giáo, hành động thắp hương vái lậy trước vong linh người chết của đạo thờ ông bà, hoặc vái lậy trước tượng Buddha của các Phật tử, hay lễ nghi tế thần để cầu khẩn của những sắc dân thời xa xưa v.v., đều là những biểu hiệu nói lên niềm tin nơi con người, một niềm tin có đời sau, một niềm tin có thế giới siêu nhiên, một niềm tin có thần thiêng cứu độ. Chính vì yếu tố thờ phượng mới thực sự minh nhiên nói lên niềm tin về tôn giáo của mình như thế mà, đối với một số tác giả nghiên cứu tôn giáo sử, Khổng Giáo và Lão Giáo không được kể vào số các tôn giáo chính trên thế giới, vì theo nguồn gốc của mình, cả hai truyền thống có tính cách và tinh thần đạo nghĩa này đều không nói đến và không cử hành việc thờ phượng, trái lại, chỉ hoàn toàn thuần túy là một thứ triết thuyết dậy đời vậy thôi.

Là một tôn giáo đích thực, Do Thái Giáo và Kitô Giáo cũng có những cử chỉ thờ phượng hay những lễ nghi tôn giáo, những tác động được Kitô Giáo gọi là Phụng Vụ. Tuy nhiên, theo bản chất của mình, nếu lễ nghi và các đồ phượng tự của Do Thái Giáo là do chính Thiên Chúa truyền dạy, thì phụng vụ của chung Kitô Giáo và của riêng Giáo Hội Công Giáo cũng không phải chỉ là tác động của con người tin tưởng muốn bày tỏ lòng mình đối với thần linh vậy thôi, mà chính là tác động của thần linh được hiện thực nơi việc con người tin tưởng cử hành. Theo chiều hướng này, có thể nói, phụng vụ là việc cử hành mầu nhiệm hiệp thông giữa Thiên Chúa và Giáo Hội của Ngài, một việc Giáo Hội liên tục tin tưởng chấp nhận tác động Thiên Chúa muôn đời muốn tỏ mình và thông mình ra cho đến cùng ở tuyệt đỉnh Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, một mầu nhiệm cứu độ hiện thực có tác hiệu một lần là vĩnh viễn. Phụng Vụ có tính cách Bí Tích vừa thần linh vừa nhân loại này sẽ được sáng tỏ qua những vấn đề chính yếu sau đây:

1. Tại sao phải cử hành Phụng Vụ?
2. Trọng tâm và giá trị của Phụng Vụ là gì?
3. Trọng tâm Phụng Vụ được cử hành ra sao và những phụng vụ cử hành khác là gì?

 


KIẾN THỨC ĐỨC TIN



1. TẠI SAO PHẢI CỬ HÀNH PHỤNG VỤ?

Mầu nhiệm Kitô Giáo là mầu nhiệm Thiên Chúa cứu độ loài người trong Chúa Giêsu Kitô. Bởi thế, ngay sau khi tuyên xưng Thiên Chúa Duy Nhất có Ba Ngôi và tuyên nhận công cuộc Ngài cứu độ loài người trong lịch sử (SGL số 1066), một công cuộc lên đến tuyệt đỉnh và được hoàn tất nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô (SGL số 1067), Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo tiến ngay sang đến phần thứ hai về những gì Giáo Hội cử hành trong Phụng Vụ nói chung và các Bí Tích nói riêng. Bởi vì:

• “… Chính từ cạnh sườn của Chúa Kitô khi Người thiếp vào giấc ngủ tử nạn trên thập giá đã phát xuất ra ‘bí tích lạ lùng là toàn thể Giáo Hội’ (Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, 5.2). Vì lý do này, Giáo Hội muốn cử hành trước hết trong phụng vụ Mầu Nhiệm Vượt Qua Chúa Kitô đã thực hiện để hoàn thành công cuộc cứu độ chúng ta”. (số 1067)

• “Giáo Hội loan báo và cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô ấy để tín hữu có thể nhờ mầu nhiệm này mà sống và làm chứng cho mầu nhiệm ấy trên thế gian…” (số 1068)


2. TRỌNG TÂM VÀ GIÁ TRỊ CỦA PHỤNG VỤ LÀ GÌ?

Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã xác nhận trọng tâm của phụng vụ chính là tác động tư tế của Chúa Kitô được thể hiện nơi Nhiệm Thể Giáo Hội của Người, một tác động có giá trị hơn hết mọi sinh hoạt khác của Giáo Hội, là tột đỉnh của và là nguồn mạch cho tất cả mọi sinh hoạt của Giáo Hội, một việc làm có liên hệ sâu xa với Thiên Chúa Ba Ngôi:

Trọng tâm của phụng vụ chính là tác động tư tế của Chúa Kitô được thể hiện nơi Nhiệm Thể Giáo Hội của Người:

• “Chữ ‘phụng vụ’ theo nguồn gốc của mình nghĩa là một ‘việc làm công khai’ hay một ‘việc phụng sự nhân danh dân hay thay cho dân’. Theo truyền thống Kitô giáo chữ này có nghĩa là việc Dân Chúa tham dự vào ‘công cuộc của Thiên Chúa’ (x Jn 17:4). Qua phụng vụ, Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc và là vị thượng tế của chúng ta, tiếp tục công cuộc cứu chuộc chúng ta nơi Giáo Hội, với Giáo Hội, và nhờ Giáo Hội của Người”. (số 1069)

Phụng vụ là việc có giá trị hơn hết mọi sinh hoạt khác của Giáo Hội:

• “Trong Tân Ước, chữ ‘phụng vụ’ chẳng những có ý nói đến vấn đề cử hành việc tôn thờ thần linh mà còn bao hàm cả vấn đề loan báo Phúc Âm và thực hành đức ái nữa (x Lk 1:23; Acts 13:2; Rm 15:16, 27; 2Cor 9:12; Phil 2:14- 17, 25, 30). Tức là bao gồm cả việc phục vụ Thiên Chúa lẫn tha nhân qua tất cả các vấn đề ấy. Nơi việc cử hành phụng vụ, Giáo Hội là người tôi tớ phục vụ theo hình ảnh ‘phụng viên’ (x Heb 8:2, 6) duy nhất là Chúa của mình; Giáo Hội tham dự vào vai trò tư tế (thờ phượng) của Chúa Kitô, một vai trò vừa là ngôn sứ (loan báo) vừa là vương giả (đức ái phục vụ): ‘Bởi thế, phụng vụ thực sự là việc thi hành vai trò tư tế của Chúa Giêsu Kitô… Qua vai trò tư tế này, việc tôn thờ công khai trọn vẹn được thực hiện bởi Nhiệm Thể Chúa Kitô, tức bởi cả Đầu cùng với các phần thể. Chính vì là tác động của Chúa Kitô tư tế cũng như của Giáo Hội Thân Mình Người, mọi việc cử hành phụng vụ mới là một tác động linh thánh vượt trên tất cả mọi tác động khác. Không có một tác động nào của Giáo Hội có thể tác hiệu tương đương như tác động phụng vụ về cả tư cách cũng như cấp độ’ (Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, 7.2-3)”. (số 1070)

Phụng vụ là tột đỉnh của và là nguồn mạch cho tất cả mọi sinh hoạt của Giáo Hội:

• “Là việc Chúa Kitô làm, phụng vụ còn là tác động của Giáo Hội Người nữa. Phụng vụ làm cho Giáo Hội hiện diện và tỏ mình ra như dấu hiệu hữu hình của việc hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người trong Đức Kitô. Phụng vụ làm cho tín hữu được tham dự vào đời sống mới của cộng đồng và cần mọi người phải ‘tham dự một cách ý thức, chủ động và hiệu năng’ (cùng hiến chế vừa dẫn, 11)”. (số 1071)

• “’Phụng vụ thánh không phải là tất cả mọi sinh hoạt của Giáo Hội’ (cùng hiến chế, 9)” (số 1072). “’Phụng vụ là tột đỉnh mà sinh hoạt của Giáo Hội hướng về, đồng thời cũng là nguồn mạch phát xuất ra tất cả mọi năng lực của Giáo Hội’ (cùng hiến chế, 13)” (số 1074).

Phụng vụ là một việc làm có liên hệ sâu xa với Thiên Chúa Ba Ngôi:

• “Là một tác động thần linh và ban sự sống, việc chúc phúc bắt nguồn từ Chúa Cha; việc chúc phúc của Ngài bao gồm cả ngôn từ lẫn tặng ân” (số 1078). “Từ ban đầu cho đến tận cùng thời gian, toàn thể công cuộc Thiên Chúa thực hiện đều là phúc lành” (số 1079). “Phúc lành thần linh hoàn toàn được thể hiện và thông ban nơi phụng vụ của Giáo Hội. Chúa Cha được nhận biết và tôn thờ như là nguồn mạch và là cùng đích của tất cả mọi phúc lành trong việc tạo thành cũng như cứu độ. Nơi Lời đã hóa thành nhục thể, đã chết và phục sinh vì chúng ta, Ngài làm cho chúng ta đầy những phúc lành của Ngài. Nhờ Lời của mình, Ngài tuôn đổ vào lòng chúng ta Thánh Linh là Tặng Ân gồm tóm tất cả mọi tặng ân” (số 1082).

• “Chính mầu nhiệm Vượt Qua đã làm Chúa Kitô được biểu hiện và trở nên hiện diện nơi phụng vụ của Giáo Hội... Mầu nhiệm Vượt Qua của Người là một biến cố có thật đã xẩy ra trong lịch sử của chúng ta, song là một biến cố độc nhất vô nhị, ở chỗ, tất cả mọi biến cố lịch sử khác chỉ xẩy ra một lần duy nhất rồi qua đi, trở thành quá khứ. Thế nhưng, Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô không chỉ có ở trong quá khứ, vì cái chết mà Người đã dùng để hủy diệt sự chết, cùng với tất cả những gì Người có – tức tất cả những gì Người thực hiện và chịu khổ vị hết mọi người – đều thuộc về cõi vĩnh cửu thần linh, do đó, vượt trên mọi thời đồng thời lại hiện diện ở mọi thời. Biến cố Tử Giá và Phục Sinh thì vĩnh tại và lôi kéo hết mọi sự đến cùng sự sống” (số 1085). “Để hoàn thành một việc làm cao cả như thế – việc phân phát hay thông truyền công cuộc cứu độ của Người – Chúa Kitô đã luôn luôn hiện diện trong Giáo Hội của Người, nhất là trong việc Giáo Hội cử hành phụng vụ. Người hiện diện trong Hiến Tế Thánh Lễ không những nơi con người của vị thừa tác viên... nhất là dưới các dạng thức Thánh Thể. Bằng quyền lực của mình, Người hiện diện nơi các bí tích để ai rửa tội là chính Người rửa tội. Người hiện diện nơi lời của Người, vì chính Người nói khi các Sách Thánh được Giáo Hội đọc lên. Sau hết, Người cũng hiện diện trong lúc Giáo Hội cầu nguyện và ca nguyện, vì Người hứa ‘đâu có hai ba người nhân danh Thày hợp nhau lại thì ở đó có Thày ngự giữa họ’ (x Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, 7; Mt 18:20)” (số 1088).

• “Trong việc phân phát một cách bí tích mầu nhiệm của Chúa Kitô, Thánh Linh cũng thực hiện cùng một đường lối như vào các thời khác trong công cuộc cứu độ, ở chỗ, Ngài sửa soạn cho Giáo Hội gặp gỡ Chúa Kitô (xem cả số 1097); Ngài nhắc nhở về Chúa Kitô và làm cho Chúa Kitô tỏ hiện trước đức tin của cộng đồng Dân Chúa. Bằng quyền năng biến đổi của mình, Ngài làm cho mầu nhiệm của Chúa Kitô hiện diện vào lúc này đây. Sau hết, vị Thần Linh của mối hiệp thông kết hợp Giáo Hội với đời sống và sứ vụ của Chúa Kitô” (số 1092). “Thần Linh và Giáo Hội cùng hợp tác để biểu lộ Chúa Kitô và công cuộc cứu độ của Người ra trong phụng vụ. Chính ở nơi Thánh Thể, cũng tương tự như thế ở nơi các bí tích khác, phụng vụ là việc tưởng nhớ đến mầu nhiệm cứu độ. Chúa Thánh Thần là ký ức sống động của Giáo Hội (x Jn 14:26)” (số 1099). “... Bằng các lời nói, hành động và biểu hiệu làm nên cấu trúc của việc cử hành phụng vụ, Thần Linh làm cho cả tín hữu lẫn các vị thừa tác viên được sống động liên kết với Chúa Kitô là Lời và là Hình Ảnh của Chúa Cha, để họ có thể sống theo ý nghĩa của những gì họ nghe, chiêm ngắm và thực hiện trong việc cử hành phụng vụ” (số 1101). Nơi mọi tác động phụng vụ, Thánh Linh được sai đến để làm cho chúng ta hiệp thông với Chúa Kitô nhờ đó hình thành Thân Mình của Người. Thánh Linh như nhựa cây nho của Chúa Cha sinh hoa kết trái nơi các chi cành của mình (x Jn 15:1-17; Gal 5:22). Việc hợp tác thân mật nhất giữa Thánh Linh và Giáo Hội diễn ra ở nơi phụng vụ. Thần Linh, một Thần Linh hiệp thông, hằng ở với Giáo Hội. Vì lý do này Giáo Hội là một bí tích cao cả của mối hiệp thông thần linh, mối hiệp thông qui tụ con cái phân tán của Thiên Chúa lại với nhau. Mối hiệp thông với Chúa Ba Ngôi và hiệp thông huynh đệ là hoa trái gắn liền với nhau của Thần Linh nơi phụng vụ” (số 1108).


3. TRỌNG TÂM PHỤNG VỤ ĐƯỢC CỬ HÀNH RA SAO VÀ NHỮNG PHỤNG VỤ CỬ HÀNH KHÁC LÀ GÌ?

Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, “trong thời đại của Giáo Hội đây, Chúa Kitô hiện đang sống động và tác hành trong Giáo Hội cũng như với Giáo Hội của Người, một cách hợp với thời đại mới này... qua các bí tích... một việc truyền thông (hay ‘phân phát’) hoa trái của mầu nhiệm Chúa Kitô Vượt Qua ở chỗ Giáo Hội cử hành phụng vụ ‘bí tích’” (số 1076), một cử hành phụng vụ bảy bí tích của Giáo Hội, được thực hiện bởi chung cộng đồng Dân Chúa và riêng các vị tư tế thừa tác, để thánh hóa các phần thân thể của Giáo Hội cũng như để xây dựng chính Giáo Hội. Ngoài ra, Giáo Hội còn có những cử hành phụng vụ khác như các á bí tích và lễ nghi an táng.

Một cử hành phụng vụ bảy bí tích của Giáo Hội:

• “Toàn thể đời sống phụng vụ của Giáo Hội là ở hiến tế Thánh Thể cũng như ở các bí tích (x Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, 6)”. (số 1113)

• “Những bí tích là ‘các quyền lực phát xuất’ từ Thân Mình Chúa Kitô (x Lk 5:17, 6:19, 8:46), một Thân Mình hằng sống và ban sự sống. Những bí tích là các tác động của Thánh Linh linh hoạt nơi Thân Mình Người là Giáo Hội. Những bí tích là ‘các tuyệt phẩm của Thiên Chúa’ theo giao ước mới vĩnh cửu”. (số 1116)

• “Đối với việc lập sổ bộ Thánh Kinh cũng như đối với vấn đề tín lý đức tin đã thực hiện thế nào, bằng quyền năng của Thần Linh là Đấng dẫn Giáo Hội ‘vào tất cả sự thật’, Giáo Hội cũng đã dần dần nhận ra kho tàng Chúa Kitô ban cho này, và như một người tôi tớ trung thành phục vụ các mầu nhiệm của Thiên Chúa, Giáo Hội cũng đã xác định ‘việc phân phát’ kho tàng ấy. Qua các thế kỷ, Giáo Hội đã nhận ra rằng, trong những việc cử hành phụng vụ có bảy cử hành theo đúng từ ngữ của mình được gọi là các bí tích do Chúa Kitô thiết lập”. (số 1117)

• “Các bí tích là ‘của Giáo Hội’ có một nghĩa lưỡng diện: ‘bởi Giáo Hội’ và ‘cho Giáo Hội’. Các bí tích là ‘bởi Giáo Hội, vì Giáo Hội là bí tích biểu hiệu tác động Chúa Kitô sinh hoạt nơi Giáo Hội nhờ sứ vụ của Chúa Thánh Thần. Các bí tích là để ‘cho Giáo Hội’ ở chỗ ‘các bí tích làm nên Giáo Hội’ (Thánh Âu Quốc Tinh, De Civ. Dei, 22, 17: PL 41, 779; x Thánh Tôma Aquinas, STh III, 64, 2 ad 3), vì các bí tích tỏ hiện cho con người thấy và thông truyền cho con người, nhất là trong Thánh Thể, mầu nhiệm hiệp thông với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, là Một trong ba ngôi”. (số 1118)

Một cử hành phụng vụ bí tích được thực hiện bởi chung cộng đồng Dân Chúa và riêng các vị tư tế thừa tác:

• “Hình thành ‘thực sự là một con người mầu nhiệm’ với Chúa Kitô là Đầu, Giáo Hội tác động nơi các bí tích như là ‘một cộng đồng tư tế được tổ chức theo cơ chế’ (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 11; x Đức Piô XII, Thông Điệp Mystici Corporis năm 1943). Qua Phép Rửa và Thêm Sức, dân tư tế được phép cử hành phụng vụ, trong số họ có những tín hữu đã lãnh nhận Bí Tích Truyền Chức Thánh được chỉ định nhân danh Chúa Kitô nuôi dưỡng Giáo Hội bằng lời nói và ân sủng của Thiên Chúa’ (cùng hiến chế vừa dẫn, 11.2)”. (số 1119)

• “... Thừa tác viên có chức thánh là mối liên kết bí tích thắt nối tác động phụng vụ với những gì các tông đồ đã nói cũng như đã làm, và qua các tông đồ, với cả những lời nói và hành động của Chúa Kitô, Đấng là nguồn mạch và là nền tảng của các bí tích”. (số 1120)

Một cử hành phụng vụ bí tích để thánh hóa các phần thể Giáo Hội cũng như để xây dựng chính Giáo Hội.

• “Ba bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh, ngoài ân sủng, còn ban một đặc tính của bí tích hay ‘ấn tín’ làm cho Kitô hữu được thông phần vào vai trò tư tế của Chúa Kitô và được trở thành phần tử của Giáo Hội theo bậc sống và chức năng khác nhau...”. (số 1121)

• “’Mục đích của các bí tích là thánh hóa con người, là xây dựng Thân Mình của Chúa Kitô, và sau hết là để tôn thờ Thiên Chúa. Vì là những dấu hiệu nên các bí tích cũng là những chỉ dẫn nữa. Chẳng những đòi hỏi phải có đức tin, các bí tích còn nuôi dưỡng, tăng cường và thể hiện đức tin bằng những ngôn từ và sự vật nữa. Đó là lý do tại sao các bí tích được gọi là ‘các bí tích của đức tin’ (Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, 59)” (số 1123).

Những cử hành phụng vụ khác như các á bí tích và lễ nghi an táng:

• “Các á bí tích là những dấu hiệu linh thánh được Giáo Hội thiết lập, để sửa dọn cho con người lãnh nhận hoa trái của các phép bí tích, cũng như để thánh hóa các hoàn cảnh sống khác nhau”. (số 1677)

• “Trong số các á bí tích thì các việc chúc lành giữ một địa vị quan trọng. Các việc chúc lành này bao gồm cả việc chúc tụng Thiên Chúa về các công cuộc và tặng ân của Ngài, lẫn việc Giáo Hội chuyển cầu cho con người để họ có thể sử dụng các tặng ân của Thiên Chúa theo tinh thần Phúc Âm”. (số 1678)

• “Ngoài phụng vụ ra, đời sống Kitô hữu được dưỡng nuôi bởi một số hình thức đạo đức khác nhau được ăn rễ sâu nơi các nền văn hóa khác nhau. Trong khi cẩn thận làm sáng tỏ các hình thức đạo đức này trong ánh sáng đức tin, Giáo Hội vẫn nâng đỡ các hình thức đạo đức thông dụng biểu lộ chiều hướng Phúc Âm cùng đức khôn ngoan nhân bản, những hình thức đạo đức làm phong phú đời sống Kitô Giáo”. (số 1679)

• “Tất cả các phép bí tích, nhất là các bí tích gia nhập Kitô Giáo, có mục tiêu của mình là Cuộc Vượt Qua cuối cùng của con cái Thiên Chúa, một cuộc vượt qua mà, nhờ sự chết, dẫn họ vào sự sống Nước Trời. Bởi thế, những gì họ tuyên xưng theo đức tin và lòng cậy trông sẽ được hoàn tất: ‘Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau’ (Kinh Tin Kính Công Đồng Chung Contantinôpôli-Nicêa)”. (số 1680)

• “Ý nghĩa sự chết theo Kitô Giáo được tỏ hiện nơi ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua của cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô là Đấng duy nhất chúng ta đặt niềm hy vọng. Người Kitô hữu nào chết trong Chúa Giêsu Kitô là ‘lìa xa thân xác và ở cùng một nhà với Chúa’ (Thư Hai gửi giáo đoàn Côrintô 5:8)”. (số 1681)

• “Đối với Kitô hữu, ngày chết ở vào lúc kết thúc cuộc sống bí tích của mình là ngày mở màn cho việc hoàn thành cuộc tái sinh đã được bắt đầu từ Phép Rửa Tội, cho việc hoàn toàn được ‘nên giống’ ‘hình ảnh Người Con’ do việc xức dầu Thánh Linh, và cho việc tham dự vào bữa tiệc Nước Trời được nếm hưởng trước nơi bí tích Thánh Thể, cho dù họ vẫn cần phải trải qua cuộc thanh tẩy cuối cùng để mắc lấy chiếc áo cưới”. (số 1682)

• “Lễ nghi an táng Kitô Giáo không phải là một bí tích hay á bí tích đối với người chết, vì họ đã ‘ra’ khỏi công cuộc của bí tích. Tuy nhiên, lễ nghi này vẫn là việc cử hành phụng vụ của Giáo Hội (xem Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, đoạn 81-82). Thừa tác vụ của Giáo Hội có mục đích nói lên mối hiệp thông tồn tại đối với người chết, ở việc cộng đồng tham phần vào mối hiệp thông này khi họp nhau dự lễ an táng, và ở việc loan báo sự sống trường sinh cho cộng đồng”. (số 1684)


TÓM LẠI:

Mầu nhiệm Kitô Giáo là mầu nhiệm Thiên Chúa cứu độ loài người trong Chúa Giêsu Kitô. Bởi thế, ngay sau khi tuyên xưng Thiên Chúa Duy Nhất có Ba Ngôi và tuyên nhận công cuộc Ngài cứu độ loài người trong lịch sử (SGL số 1066), một công cuộc lên đến tuyệt đỉnh và được hoàn tất nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô (SGL số 1067), Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo tiến ngay sang đến phần thứ hai về những gì Giáo Hội cử hành trong Phụng Vụ nói chung và các Bí Tích nói riêng vì Giáo Hội được phát xuất từ cạnh sườn của Chúa Kitô (SGL số 1067). Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã xác nhận trọng tâm của phụng vụ chính là tác động tư tế của Chúa Kitô được thể hiện nơi Nhiệm Thể Giáo Hội của Người (SGL số 1069), một tác động có giá trị hơn hết mọi sinh hoạt khác của Giáo Hội (SGL số 1070), là tột đỉnh của và là nguồn mạch cho tất cả mọi sinh hoạt của Giáo Hội (SGL số 1071, 1072, 1074), một việc làm có liên hệ sâu xa với Thiên Chúa Ba Ngôi (SGL số 1078-1079, 1082, 1088, 1092, 1099, 1101, 1108). Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, “trong thời của Giáo Hội đây, Chúa Kitô hiện đang sống động và tác hành trong Giáo Hội cũng như với Giáo Hội của Người, một cách hợp với thời mới này... qua các bí tích... một việc truyền thông (hay ‘phân phát’) hoa trái của mầu nhiệm Chúa Kitô Vượt Qua khi Giáo Hội cử hành phụng vụ ‘bí tích’” (số 1076), một cử hành phụng vụ bảy bí tích của Giáo Hội (SGL số 1113, 1116-1118), được thực hiện bởi chung cộng đồng Dân Chúa và riêng các vị tư tế thừa tác (SGL số 1119- 1120), để thánh hóa các phần thể Giáo Hội cũng như để xây dựng chính Giáo Hội (SGL số 1121, 1123). Ngoài ra, Giáo Hội còn có những cử hành phụng vụ khác như các á bí tích (SGL số 1677-1679) và lễ nghi an táng (SGL số 1680-1682, 1684).


THÂM TÍN SỐNG ĐẠO


1. Vì “qua phụng vụ, Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc và là vị thượng tế của chúng ta, tiếp tục công cuộc cứu chuộc chúng ta nơi Giáo Hội, với Giáo Hội, và nhờ Giáo Hội của Người” (số 1069), mà Kitô hữu chúng ta, muốn sống trọn ơn cứu chuộc của mình và lớn lên trong Chúa Kitô là đầu, cần phải gắn bó với Giáo Hội bằng việc tha thiết và thường xuyên tham dự phụng vụ Thánh Lễ và Bí Tích.

2. “Chính vì là tác động của Chúa Kitô tư tế cũng như của Giáo Hội Thân Mình Người, mọi việc cử hành phụng vụ mới là một tác động linh thánh vượt trên tất cả mọi tác động khác. Không có một tác động nào của Giáo Hội có thể tác hiệu tương đương như tác động phụng vụ về cả tư cách cũng như cấp độ” (số 1070), mà Kitô hữu chúng ta chẳng những phải thường xuyên tham dự phụng vụ Thánh Lễ và Bí Tích mà còn phải tham dự phụng vụ một cách trang nghiêm và sốt sắng nữa.

3. “Phụng vụ là tột đỉnh mà sinh hoạt của Giáo Hội hướng về, đồng thời cũng là nguồn mạch phát xuất ra tất cả mọi năng lực của Giáo Hội” (số 1074). Bởi thế, Kitô hữu chúng ta phải lấy sinh lực sống đạo từ phụng vụ và phải qui tất cả mọi sự mình có cũng như mình làm trong cuộc đời về phụng vụ.




Trắc Nghiệm


Xin đọc bài Giáo Lý lược tóm tổng ôn dưới đây, rồi dùng các chữ ở cuối trang để điền vào những chỗ gạch trống các câu Sách Giáo Lý vừa học hỏi cho đúng nguyên văn ý nghĩa của nó. Trong vòng 10 phút.

Qua bài Giáo Lý 19 về Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội Công Giáo đã cho con cái của mình thấy những điểm chính sau đây: Mầu nhiệm Kitô Giáo là mầu nhiệm Thiên Chúa cứu độ loài người trong Chúa Giêsu Kitô. Bởi thế, ngay sau khi tuyên xưng Thiên Chúa Duy Nhất có Ba Ngôi và tuyên nhận công cuộc Ngài cứu độ loài người trong lịch sử (SGL số 1066), một công cuộc lên đến tuyệt đỉnh và được hoàn tất nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô (SGL số 1067), Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo tiến ngay sang đến phần thứ hai về những gì Giáo Hội cử hành trong Phụng Vụ nói chung và các Bí Tích nói riêng vì Giáo Hội được phát xuất từ cạnh sườn của Chúa Kitô (SGL số 1067). Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã xác nhận trọng tâm của phụng vụ chính là tác động tư tế của Chúa Kitô được thể hiện nơi Nhiệm Thể Giáo Hội của Người (SGL số 1069), một tác động có giá trị hơn hết mọi sinh hoạt khác của Giáo Hội (SGL số 1070), là tột đỉnh của và là nguồn mạch cho tất cả mọi sinh hoạt của Giáo Hội (SGL số 1071, 1072, 1074), một việc làm có liên hệ sâu xa với Thiên Chúa Ba Ngôi (SGL số 1078-1079, 1082, 1088, 1092, 1099, 1101, 1108). Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, “trong thời đại của Giáo Hội đây, Chúa Kitô hiện đang sống động và tác hành trong Giáo Hội cũng như với Giáo Hội của Người, một cách hợp với thời đại mới này... qua các bí tích... một việc truyền thông (hay ‘phân phát’) hoa trái của mầu nhiệm Chúa Kitô Vượt Qua ở chỗ Giáo Hội cử hành phụng vụ ‘bí tích’” (số 1076), một cử hành phụng vụ bảy bí tích của Giáo Hội (SGL số 1113, 1116-1118), được thực hiện bởi chung cộng đồng Dân Chúa và riêng các vị tư tế thừa tác (SGL số 1119- 1120), để thánh hóa các phần thể Giáo Hội cũng như để xây dựng chính Giáo Hội (SGL số 1121, 1123).

1. “Chính từ cạnh sườn của Chúa Kitô khi Người thiếp vào giấc ngủ tử nạn trên thập giá đã phát xuất ra bí tích lạ lùng là toàn thể Giáo Hội. Vì lý do này, Giáo Hội muốn cử hành trước hết trong phụng vụ Mầu Nhiệm ___________ Chúa Kitô đã thực hiện để hoàn thành công cuộc cứu độ chúng ta” (số 1067). “Giáo Hội loan báo và __________ mầu nhiệm Chúa Kitô ấy để tín hữu có thể nhờ mầu nhiệm này mà sống và làm chứng cho mầu nhiệm ấy trên thế gian…” (số 1068).

2. “Qua phụng vụ, Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc và là vị thượng tế của chúng ta, __________ công cuộc ___________ chúng ta nơi Giáo Hội, với Giáo Hội, và nhờ Giáo Hội của Người”. (số 1069)

3. “Bởi thế, phụng vụ thực sự là việc thi hành vai trò __________ của Chúa Giêsu Kitô… Qua vai trò tư tế này, việc tôn thờ công khai trọn vẹn được thực hiện bởi Nhiệm Thể Chúa Kitô, tức bởi cả Đầu cùng với các phần thể. Chính vì là tác động của Chúa Kitô tư tế cũng như của Giáo Hội Thân Mình Người, mọi việc cử hành phụng vụ mới là một tác động ___________ vượt trên tất cả mọi tác động khác. Không có một tác động nào của Giáo Hội có thể ____________ tương đương như tác động phụng vụ về cả tư cách cũng như cấp độ”. (số 1070)

4. “Là việc Chúa Kitô làm, phụng vụ còn là ____________ của Giáo Hội Người nữa. Phụng vụ làm cho Giáo Hội hiện diện và tỏ mình ra như dấu hiệu hữu hình của việc hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người trong Đức Kitô. Phụng vụ làm cho tín hữu được tham dự vào _______________ của cộng đồng và cần mọi người phải tham dự một cách ý thức, chủ động và hiệu năng”. (số 1071)

5. “Phụng vụ thánh không phải là _________ mọi sinh hoạt của Giáo Hội” (số 1072). “Phụng vụ là ___________ mà sinh hoạt của Giáo Hội hướng về, đồng thời cũng là ____________ phát xuất ra tất cả mọi năng lực của Giáo Hội” (số 1074).

6. “Những bí tích là các____________ phát xuất từ Thân Mình Chúa Kitô, một Thân Mình hằng sống và ban sự sống. Những bí tích là các tác động của Thánh Linh linh hoạt nơi Thân Mình Người là Giáo Hội. Những bí tích là các tuyệt phẩm của Thiên Chúa theo giao ước mới vĩnh cửu”. (số 1116)

(quyền lực, Vượt Qua, cử hành, nguồn mạch, tột đỉnh, tiếp tục, cứu chuộc, tất cả, đời sống mới, tư tế, linh thánh, tác động, tác hiệu)