Bài Giáo Lý số 20
 


CỬ HÀNH MẦU NHIỆM VƯỢT QUA

(các số 1135-1209)

 



CẢM NGHIỆM NHÂN SINH


Tự bản chất, dù là việc của con người hướng về Thượng Đề, về Đấng Tối Cao, về Các Thần Linh, theo quan niệm thông thường của con người, hay là tác động thần linh được thể hiện qua lòng tin tưởng của con người, như Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy (xin xem lại bài trước), thì việc phượng tự bao giờ cũng là một việc linh thiêng cao cả, chứ không phải là một việc bình thường, như việc giao tiếp xã hội giữa loài người với nhau. Bởi thế, việc phượng tự luôn luôn trổi vượt hơn tất cả mọi việc khác của con người về cả bản chất lẫn giá trị. Chính vì tính cách thần linh trổi vượt cả về bản chất lẫn giá trị này của mình, việc phượng tự phải được con người trần gian cử hành một cách hết sức đặc biệt, một việc liên quan đến nhân sự (chẳng hạn phải là người có tư cách đạo đức đóng vai tư tế thay dân), đến cách thức (chẳng hạn phải có những nghi thức hay lễ nghi tôn kính xứng đáng), đến thời gian (chẳng hạn vào những ngày lễ hay vào ngày lành tháng tốt nào đó), cũng như đến địa điểm (chẳng hạn phải ở những nơi cao, được trưng bày hoa nến, trầm hương).

Đó là lý do tại sao, sau khi cho thấy bản chất, cốt lõi và giá trị của chung Phụng Vụ Thánh (ở bài vừa rồi), và trước khi đi vào phần phụng vụ về bảy bí tích (ở những bài kế tiếp), Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo muốn trình bày cho thấy tổng quát về chính việc cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua vô cùng cao cả với những vấn đề được đặt ra như sau:

1. Phụng vụ được cử hành bởi ai?
2. Phụng vụ được cử hành ra sao?
3. Phụng vụ được cử hành khi nào?
4. Phụng vụ được cử hành ở đâu?



KIẾN THỨC ĐỨC TIN


1. PHỤNG VỤ ĐƯỢC CỬ HÀNH BỞI AI?


Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, vì “phụng vụ là ‘tác động’ của toàn thể Chúa Kitô (Christus totus)” (SGL, 1136), do đó, tác động này, về tính cách, theo khuôn mẫu của phụng vụ thiên quốc (xem SGL, 1137-1138), một phụng vụ mà, về đối tượng, hướng đến Thiên Chúa Ba Ngôi (xem SGL, 1137), và về việc cử hành, liên quan đến chính Chúa Kitô và tất cả mọi sự được tái tạo trong Người (xem SGL, 1138). Được tham dự vào phụng vụ thiên quốc mẫu mực này (xem SGL, 1139), phụng vụ của Giáo Hội trần gian cũng được cử hành một cách bí tích bởi toàn thể cộng đồng Giáo Hội cũng như bởi từng phần thể giữ những vai trò xứng hợp của mình “’hiệp nhất nên một trong Thần Linh’, Đấng tác động nơi tất cả mọi người” (SGL, 1144):

• “Chính toàn thể cộng đồng Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô hiệp nhất với Đầu của mình cử hành phụng vụ. ‘Việc phụng vụ không phải là những phận vụ riêng tư mà là những cử hành của Giáo Hội, bí tích hiệp nhất, tức là của dân thánh hiệp nhất với nhau và tổ chức với nhau dưới thẩm quyền của vị giám mục. Thế nên, việc phụng vụ liên quan đến toàn Thân Giáo Hội. Các việc ấy nói lên cho thấy toàn thể Giáo Hội và cũng tác hiệu trên toàn thể Giáo Hội nữa. Thế nhưng, các việc này lại liên quan đến các phần thể của Giáo Hội ở những cách thức khác nhau, tùy theo cấp trật của họ (như giáo dân với vai trò tư tế phổ quát, xem số 1141, hay các vị tư tế thừa tác, xem số 1142), tùy theo vai trò của họ trong việc phụng vụ (như giúp lễ, dẫn lễ, đọc sách, ca hát, xem số 1143), cũng như tùy theo việc họ thực sự tham dự vào việc phụng vụ’ (Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, 26). Bởi thế, ‘các nghi thức được nhắm đến việc cử hành chung với sự hiện diện và chủ động tham dự của tín hữu cần phải được hết sức cử hành theo chiều hướng ấy bao nhiêu có thể, hơn là theo cá nhân và có tính cách tư riêng’ (cùng nguồn vừa dẫn, 27)”. (số 1140)


2. PHỤNG VỤ ĐƯỢC CỬ HÀNH RA SAO?

Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo thì phụng vụ được cử hành qua những dấu hiệu và biểu hiệu, qua lời nói và tác động, qua ca hát và âm nhạc, cũng như qua các ảnh tượng thánh.

• “Việc cử hành phụng vụ bao gồm các dấu hiệu và biểu hiệu liên quan đến việc tạo dựng (như nến, nước, lửa), đến đời sống con người (như tẩy rửa, xức dầu, bẻ bánh) cũng như đến lịch sử cứu độ (như các nghi thức Vượt Qua). Được liên kết với lãnh vực đức tin và được quyền năng của Thánh Linh thăng hóa, những yếu tố thiên nhiên này, những nghi thức nhân loại này và những cử chỉ tưởng niệm Thiên Chúa này trở thành những gì chất chứa tác động cứu độ và thánh hóa của Chúa Kitô” (số 1189). “Từ Lễ Hiện Xuống, Thánh Linh thực hiện công việc thánh hóa nhờ các dấu hiệu bí tích của Hội Thánh. Các bí tích của Giáo Hội không hủy bỏ song làm cho tinh tuyền và toàn vẹn tất cả những gì là phong phú của dấu hiệu và biểu hiệu nơi thiên nhiên cũng như nơi đời sống xã hội. Ngoài ra, các bí tích còn làm trọn các mẫu thức và hình ảnh của Cựu Ước, còn biểu hiệu và hiện thực một cách sống động ơn cứu độ do Chúa Kitô lập được, cũng như còn là tiền thân và hướng về vinh quang trên trời nữa” (số 1152).

• “Việc cử hành bí tích là cuộc gặp gỡ giữa con cái Thiên Chúa với Cha của họ, trong Đức Kitô và Thánh Linh; cuộc gặp gỡ này mặc hình thức đối thoại bằng tác động và lời nói...” (số 1153). “Cả ngôn từ phụng vụ và tác động phụng vụ không thể nào tách rời nhau, ở chỗ chúng là những dấu hiệu và là chỉ dẫn cũng như ở chỗ chúng hoàn thành những gì chúng biểu hiệu. Khi Thánh Linh muốn khơi động đức tin thì Ngài chẳng những giúp con người hiểu Lời Chúa mà Ngài còn hiện thực ‘các kỳ công’ của Thiên Chúa được loan báo qua các bí tích nữa. Thần Linh làm hiện thực và thông đạt công việc của Chúa Cha được hoàn tất bởi Con yêu dấu của Ngài” (số 1155).

• “Ca hát và âm nhạc chu toàn phần vụ của mình như là những dấu hiệu càng có tính cách quan trọng hơn khi chúng ‘được liên kết chắt chẽ hơn... với tác động phụng vụ’ (Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, 112.3), căn cứ vào ba tiêu chuẩn chính, thứ nhất chúng nói lên nét đẹp đẽ của việc cầu nguyện, thứ hai chúng là việc đồng tâm nhất trí tham dự của cộng đồng vào những lúc được ấn định, và thứ ba chúng là một đặc tính long trọng của việc cử hành phụng vụ. Như thế, chúng tham phần vào mục đích của ngôn từ phụng vụ và tác động phụng vụ, mục đích đó là để tôn vinh Thiên Chúa cũng như để thánh hóa tin hữu” (số 1157).

• “Hình ảnh thánh, tượng ảnh phụng vụ, thực sự nói lên cho thấy Chúa Kitô” (số 1159)…... “Tất cả mọi dấu hiệu trong việc cử hành phụng vụ đều có liên hệ với Chúa Kitô, kể cả các hình ảnh thánh của Thánh Mẫu Thiên Chúa và của các thánh nữa” (số 1161). Các hình ảnh thánh trong nhà thờ và gia đình của chúng ta là để làm sống động và nuôi dưỡng đức tin của chúng ta trước mầu nhiệm của Chúa Kitô” (số 1192).


3. PHỤNG VỤ ĐƯỢC CỬ HÀNH KHI NÀO?

Nói đến việc phụng vụ được cử hành khi nào là Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo có ý nói đến các mùa phụng vụ, đến ngày của Chúa, đến năm phụng vụ cũng như đến Phụng Vụ Giờ Giấc.

• “’Mẹ Hội Thánh tin rằng mình phải cử hành công việc cứu độ của Vị Hôn Phu thần linh của mình bằng việc tưởng niệm thánh vào một số ngày suốt năm... Hơn nữa, trong năm, Giáo Hội còn giải bày cho thấy toàn thể mầu nhiệm Chúa Kitô’ (Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, 102) (số 1163). ”Từ thời của lề luật Moisen, Dân Chúa đã giữ những ngày lễ ấn định, bắt đầu là Lễ Vượt Qua, để tưởng niệm việc làm lạ lùng của Vị Thiên Chúa Cứu Tinh, để tạ ơn Ngài về những việc Ngài làm ấy, để kéo dài mãi mãi việc tưởng nhớ của mình, cũng như để dạy cho hậu duệ biết sống hợp với các việc làm của Chúa. Vào thời của Giáo Hội, ở khoảng giữa cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô đã hoàn tất một lần là vĩnh viễn, cho tới khi hoàn thành cuộc Vượt Qua này trong vương quốc Thiên Chúa, phụng vụ được cử hành vào những ngày nhất định mang dấu ấn mới mẻ của mầu nhiệm Chúa Kitô”. (số 1164)

• “’Theo truyền thống của các tông đồ được bắt nguồn từ chính ngày Phục Sinh của Chúa Kitô, Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua vào mỗi ngày thứ bảy, ngày được gọi chính xác là Ngày của Chúa hay Chúa Nhật’ (Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, 36). Ngày Chúa Kitô Phục Sinh vừa là ngày thứ nhất trong tuần, tưởng niệm ngày đầu tiên của việc tạo dựng, và cũng vừa là ‘ngày thứ tám’, ngày sau khi ‘nghỉ’ trong ngày đại hưu lễ Chúa Kitô đã khai mạc ‘ngày Chúa đã lập nên’, ‘ngày không còn đêm’ (Lịch Byzantine). Bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô là tâm điểm của ngày ấy, vì ở bữa này toàn thể cộng đồng tín hữu gặp gỡ Chúa Kitô phục sinh, Đấng mời họ tới dự tiệc của Người (x Jn 21:12; Lk 24:30)”. (số 1166)

• “Giáo Hội, ‘trong thời gian của một năm... giãi bày toàn thể mầu nhiệm của Chúa Kitô từ khi Người Nhập Thể và Giáng Sinh qua việc Người Thăng Thiên, cho tới việc Thánh Thần Hiện Xuống và việc lòng hy vọng hồng phúc chờ mong Chúa đến’ (Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, 102.2)”. (số 1194)

• “Mầu nhiệm Chúa Kitô, mầu nhiệm Nhập Thể và Vượt Qua của Người, mầu nhiệm chúng ta cử hành trong Bí Tích Thánh Thể đặc biệt vào lúc chúng ta tụ họp nhau Chúa Nhật, thấm nhập và biến đổi thời gian của mỗi ngày sống, qua việc cử hành Phụng Vụ Giờ Giấc, ‘kinh nhật tụng’ (x Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, IV, 83-101). Việc cử hành này, một cử hành phản ảnh huấn dụ của các tông đồ khuyên ‘hãy cầu nguyện luôn’, ‘được phác họa để cả ngày lẫn đêm được thánh hóa nhờ việc chúc tụng Thiên Chúa’ (cùng nguồn vừa dẫn, 84; 1Thess 5:17; Eph 6:18). Nơi “việc cầu nguyện công khai của Giáo Hội” này (cùng hiến chế vừa dẫn, 98), tín hữu (giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân) thi hành vai trò linh mục vương giả của một người đã được lãnh nhận phép rửa. Cử hành ‘theo thể thức được chuẩn nhận’ bởi Giáo Hội, Phụng Vụ Giờ Giấc ‘thực sự là tiếng của chính Hôn Thê ngỏ cùng vị Hôn Phu của mình. Đó là lời nguyện cầu của chính Chúa Kitô cùng với Thân Mình của Người dâng lên Chúa Cha’ (cùng hiến chế vừa dẫn, 84)” (số 1174). “Tín hữu cử hành Phụng Vụ Giờ Giấc được liên kết với Chúa Kitô thượng phẩm, bằng kinh nguyện của Thánh Vịnh, suy niệm Lời Chúa và các bản thánh ca chúc tụng, nhờ đó họ được kết hợp với lời nguyện cầu liên lỉ và phổ cập Người tôn vinh Chúa Cha và xin ơn Chúa Thánh Thần xuống trên toàn thế giới” (số 1196)


4. PHỤNG VỤ ĐƯỢC CỬ HÀNH Ở ĐÂU?

Về địa điểm xứng đáng để cử hành phụng vụ, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo liệt kê những nơi như “bàn thờ” (số 1182), “nhà tạm” và cung thánh (số 1183), “chủ tòa” và “bục giảng” (số 1184), “giếng rửa tội” và “tòa giải tội” (số 1185). Tuy nhiên, hai nơi trọng yếu nhất được Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nhấn mạnh là đền thờ bản thân Kitô hữu và nhà thờ Kitô hữu xây lên.

• “Việc tôn thờ ‘trong tinh thần và chân lý’ (Jn 4:24) theo Tân Ước không hoàn toàn gắn liền với một địa điểm nào cả. Toàn thể trái đất đều linh thánh và được ký thác cho con cái loài người. Vấn đề trước nhất ở đây là, mỗi khi tín hữu họp nhau tại cùng một địa điểm thì họ là ‘những viên đá sống động’, qui tụ lại để ‘xây nên một ngôi nhà thiêng liêng’ (1Pt 2:4-5). Vì Thân Thể của Chúa Kitô phục sinh là một đền thờ thiêng liêng phát sinh mạch nước sự sống, do đó, nếu được Thánh Linh liên kết với Chúa Kitô, ‘chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống’ (2Cor 6:16)”. (số 1179)

• “Nhà thờ, ‘một ngôi nhà cầu nguyện, là nơi Thánh Thể được cử hành và được bảo giữ, nơi tín hữu tụ họp nhau và là nơi tôn thờ sự hiện diện của Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ của chúng ta, Đấng đã hiến mình cho chúng ta trên bàn thờ hy tế để nâng đỡ và ủi an tín hữu – ngôi nhà này phải giúp nâng tâm hồn lên cũng như phải xứng đáng với việc cầu nguyện và cử hành nghi thức linh thánh’ (Sắc Lệnh về Linh Mục, 5; x Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, 122-127). Nơi ‘ngôi nhà của Thiên Chúa’ này, thực tại và tính cách hòa hợp của các dấu hiệu làm nên ngôi nhà ấy phải tỏ ra cho thấy Chúa Kitô hiện diện và sống động tại đấy (xem cùng hiến chế vừa dẫn, 7)” (số 1181). “Sau hết, nhà thờ còn có một ý nghĩa cánh chung. Để tiến vào ngôi nhà của Thiên Chúa, chúng ta phải tiến qua ngưỡng cửa, biểu hiệu cho việc vượt qua thế giới đã bị tội lỗi làm tổn thương đến thế giới của Sự Sống mới mà mọi người được kêu gọi tới. Ngôi nhà thờ hữu hình là biểu hiệu cho ngôi nhà của Chúa Cha mà Dân Chúa đang hành trình tiến về và là nơi Chúa Cha ‘sẽ lau sạch nước mắt của họ’ (Rev 21:4). Cũng vì lý do này, Giáo Hội là ngôi nhà của toàn thể con cái Thiên Chúa, rộng mở và đón nhận” (số 1186).



TÓM LẠI:

Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, vì “phụng vụ là ‘tác động’ của toàn thể Chúa Kitô (Christus totus)” (SGL, 1136), do đó, tác động này, về tính cách, theo khuôn mẫu của phụng vụ thiên quốc (xem SGL, 1137-1138), một phụng vụ mà, về đối tượng, hướng đến Thiên Chúa Ba Ngôi (xem SGL, 1137), và về việc cử hành, liên quan đến chính Chúa Kitô và tất cả mọi sự được tái tạo trong Người (xem SGL, 1138). Được tham dự vào phụng vụ thiên quốc mẫu mực này (xem SGL, 1139), phụng vụ của Giáo Hội trần gian cũng được cử hành một cách bí tích bởi toàn thể cộng đồng Giáo Hội cũng như bởi từng phần thể giữ những vai trò xứng hợp của mình (xem SGL, 1141-1143), “’hiệp nhất nên một trong Thần Linh’, Đấng tác động nơi tất cả mọi người” (SGL, 1144). Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo thì phụng vụ được cử hành qua những dấu hiệu và biểu hiệu (xem SGL, 1189, 1152), qua lời nói và tác động (xem SGL, 1153, 1155), qua ca hát và âm nhạc (xem SGL, 1157), cũng như qua các hình ảnh thánh (xem SGL, 1159, 1161, 1192). Nói đến việc phụng vụ được cử hành khi nào là Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo có ý nói đến các mùa phụng vụ (xem SGL, 1163-1164), đến ngày của Chúa (xem SGL, 1166), đến năm phụng vụ (xem SGL, 1194) cũng như đến Phụng Vụ Giờ Giấc (xem SGL, 1174, 1196). Về địa điểm xứng đáng để cử hành phụng vụ, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo liệt kê những nơi như “bàn thờ” (số 1182), “nhà tạm” và cung thánh (số 1183), “chủ tòa” và “bục giảng” (số 1184), “giếng rửa tội” và “tòa giải tội” (số 1185). Tuy nhiên, hai nơi trọng yếu nhất được Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nhấn mạnh là chính đền thờ bản thân Kitô hữu (xem SGL, 1179) và nhà thờ Kitô hữu xây lên (xem SGL, 1181, 1186).


THÂM TÍN SỐNG ĐẠO


1. “... Chỉ có một Mầu nhiệm được phụng vụ cử hành song có nhiều thể thức đa dạng khác nhau trong việc cử hành này”. (số 1200)
2. “Mầu nhiệm của Chúa Kitô phong phú khôn dò đến nỗi không một truyền thống phụng vụ nào có thể diễn tả hết được...”. (số 1201)

3. “Bởi thế, việc cử hành phụng vụ phải tương hợp với tinh hoa và văn hóa của các dân tộc khác nhau (x Hiến Chế về Phụng Vụ, 37-40). Để mầu nhiệm Chúa Kitô được ‘tất cả mọi dân nước nhận biết... làm cho họ tin tưởng chấp nhận’ (Rm 16:26), mầu nhiệm Chúa Kitô phải được loan báo, cử hành và sống động nơi tất cả mọi thứ văn hóa, ở chỗ mầu nhiệm này chẳng những không loại trừ các thứ văn hóa ấy mà còn cứu giúp và làm cho chúng được nên trọn nữa (Tông Huấn về Giáo Lý, 53)...” (số 1204)

4. “’Trong phụng vụ, nhất là phụng vụ các bí tích, có phần bất khả đổi thay, phần được Chúa thiết lập và được Giáo Hội bảo quản, cũng có phần được thay đổi, phần Giáo Hội có quyền và có nhiệm vụ tùy dịp thích ứng với văn hóa của dân nước mới được truyền bá phúc âm hóa’ (ĐTC Gioan Phaolô II, Viccesimus quintus annus, 16; x. Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, 21)”. (số 1205)

5. “Tính cách đa diện của phụng vụ có thể là nguồn mạch phong phú, song cũng có thể gây nên căng thẳng, làm cho nhau hiểu lầm, thậm chí gây ra cả ly giáo. Về vấn đề này cần phải làm sáng tỏ là tính cách đa dạng không được làm hại đến tính cách duy nhất. Nó phải làm sao thể hiện được tính cách trung thành với đức tin chung, với các dấu hiệu bí tích Giáo Hội đã lãnh nhận từ Chúa Kitô, và với sự hiệp thông phẩm trật. Việc thích ứng về văn hóa cũng đòi hỏi phải cải thiện lòng trí, thậm chí, nếu cần, đòi phải dứt khoát với tục lệ tổ tiên không xứng hợp với đức tin Công Giáo’ (ĐTC Gioan Phaolô II, Viccesimus quintus annus, 16)”. (số 1206)



Trắc Nghiệm


Xin đọc bài Giáo Lý lược tóm tổng ôn dưới đây, rồi dùng các chữ ở cuối trang để điền vào những chỗ gạch trống các câu Sách Giáo Lý vừa học hỏi cho đúng nguyên văn ý nghĩa của nó. Trong vòng 10 phút.

Qua bài Giáo Lý 20 về Cử Hành Mầu Nhiệm Vượt Qua, Giáo Hội Công Giáo đã cho con cái của mình thấy những điểm chính sau đây: Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, vì “phụng vụ là ‘tác động’ của toàn thể Chúa Kitô (Christus totus)” (SGL, 1136), do đó, tác động này, về tính cách, theo khuôn mẫu của phụng vụ thiên quốc (xem SGL, 1137-1138), một phụng vụ mà, về đối tượng, hướng đến Thiên Chúa Ba Ngôi (xem SGL, 1137), và về việc cử hành, liên quan đến chính Chúa Kitô và tất cả mọi sự được tái tạo trong Người (xem SGL, 1138). Được tham dự vào phụng vụ thiên quốc mẫu mực này (xem SGL, 1139), phụng vụ của Giáo Hội trần gian cũng được cử hành một cách bí tích bởi toàn thể cộng đồng Giáo Hội cũng như bởi từng phần thể giữ những vai trò xứng hợp của mình (xem SGL, 1141-1143), “’hiệp nhất nên một trong Thần Linh’, Đấng tác động nơi tất cả mọi người” (SGL, 1144). Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo thì phụng vụ được cử hành qua những dấu hiệu và biểu hiệu (xem SGL, 1189, 1152), qua lời nói và tác động (xem SGL, 1153, 1155), qua ca hát và âm nhạc (xem SGL, 1157), cũng như qua các hình ảnh thánh (xem SGL, 1159, 1161, 1192). Nói đến việc phụng vụ được cử hành khi nào là Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo có ý nói đến các mùa phụng vụ (xem SGL, 1163-1164), đến ngày của Chúa (xem SGL, 1166), đến năm phụng vụ (xem SGL, 1194) cũng như đến Phụng Vụ Giờ Giấc (xem SGL, 1174, 1196). Về địa điểm xứng đáng để cử hành phụng vụ, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo liệt kê những nơi như “bàn thờ” (số 1182), “nhà tạm” và cung thánh (số 1183), “chủ tòa” và “bục giảng” (số 1184), “bể rửa tội” và “tòa giải tội” (số 1185). Tuy nhiên, hai nơi trọng yếu nhất được Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nhấn mạnh là chính đền thờ bản thân Kitô hữu (xem SGL, 1179) và nhà thờ Kitô hữu xây lên (xem SGL, 1181, 1186).

1. “Chính toàn thể cộng đồng Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô hiệp nhất với Đầu của mình _______ phụng vụ. Việc phụng vụ không phải là những phận vụ _________ mà là những cử hành của ________, bí tích hiệp nhất, tức là của dân thánh hiệp nhất với nhau và tổ chức với nhau dưới thẩm quyền của vị giám mục. Thế nên, việc phụng vụ liên quan đến _________ Giáo Hội. Thế nhưng, các việc này lại liên quan đến các phần thể của Giáo Hội ở những cách thức khác nhau, tùy theo _____ của họ, theo ______ của họ trong việc phụng vụ, cũng như theo việc họ thực sự tham dự vào việc phụng vụ” (số 1140).

2. “Việc cử hành phụng vụ bao gồm các ________ và __________ liên quan đến việc _________ (như nến, nước, lửa), đến ________ con người (như tẩy rửa, xức dầu, bẻ bánh) cũng như đến _______ cứu độ (như các nghi thức Vượt Qua). Được liên kết với lãnh vực đức tin và được quyền năng của Thánh Linh thăng hóa, những ________ thiên nhiên này, những nghi thức nhân loại này và những cử chỉ tưởng niệm Thiên Chúa này trở thành những gì chất chứa tác động cứu độ và thánh hóa của Chúa Kitô” (số 1189).

3. “Việc cử hành bí tích là cuộc gặp gỡ giữa con cái Thiên Chúa với Cha của họ, trong Đức Kitô và Thánh Linh; cuộc gặp gỡ này mặc hình thức đối thoại bằng tác động và ___________...” (số 1153).

4. “Mẹ Hội Thánh tin rằng mình phải cử hành công việc cứu độ của Vị Hôn Phu thần linh của mình bằng việc tưởng niệm thánh vào một __________ suốt năm... Hơn nữa, trong năm, Giáo Hội còn __________ cho thấy toàn thể mầu nhiệm Chúa Kitô” (số 1163).

5. “Việc tôn thờ trong tinh thần và chân lý theo Tân Ước không hoàn toàn gắn liền với một __________ nào cả. Toàn thể trái đất đều linh thánh và được ký thác cho con cái loài người. Vấn đề trước nhất ở đây là, mỗi khi tín hữu ___________ tại cùng một địa điểm thì họ là những viên đá sống động, qui tụ lại để xây nên một __________ thiêng liêng. Vì Thân Thể của Chúa Kitô phục sinh là một đền thờ thiêng liêng phát sinh mạch nước sự sống, do đó, nếu được Thánh Linh liên kết với Chúa Kitô, chúng ta là ___________ của Thiên Chúa hằng sống”. (số 1179)

(đền thờ, cử hành, riêng tư, ngôi nhà, họp nhau, Giáo Hội, toàn thân, địa điểm , giải bày, cấp trật, vai trò,
số ngày, lời nói, dấu hiệu, biểu hiệu, yếu tố, lịch sử, tạo dựng, đời sống)