Bài Giáo Lý số 22

 


TÍCH THÊM SỨC

(Bí Tích Khởi Đầu Kitô Giáo Thứ Hai)

(các số 1285-1321)



 


CẢM NGHIỆM NHÂN SINH


Sống trong thời gian và không gian, con người phải trải qua một cuộc phát triển, từ nhỏ bé tới lớn con về thể lý, từ non nớt đến trưởng thành về tâm lý, từ bất toàn đến thiện toàn về đạo lý. Bởi thế, trừ trường hợp thần đồng về cả phương diện tài năng hay tư cách, hay trường hợp phát triển bất thường về sinh lý, bình thường con người chỉ hiểu được và làm được những gì ở vào tầm mức phát triển của mình mà thôi. Chẳng hạn, một học sinh sơ cấp không thể học triết lý hay thần học, nên không thể dạy các em về những vấn đề trừu tượng siêu hình, hoặc một em gái, vì chưa tới tuổi dậy thì của mình, chắc chắn, theo tự nhiên, không thể nào thụ thai và sinh con như một thiếu nữ hay một người đàn bà được, do đó em cũng chưa thể mang trách nhiệm nuôi con và dạy con như một người mẹ. Ngoài ra, tầm mức phát triển về cả tâm sinh lý nơi con người còn có một liên hệ hết sức mật thiết với nhau, đến nỗi, vừa tới tuổi dậy thì, tức tới tuổi trưởng thành về sinh lý thì tâm lý con người cũng bắt đầu biết yêu thương theo phái tính. Hay nói ngược lại, khi con người tới tuổi yêu thương theo phái tính thì con người cũng bắt đầu phát triển cả về sinh lý để có thể tiến đến việc phát triển về phương diện xã hội tính của mình, một phương diện mà nếu bị hụt hẫng họ sẽ không thể nào nên trọn theo như bản chất bẩm sinh làm người “có nam có nữ” (Gen 1:27) của mình.

Đó là lý do Giáo Hội Công Giáo đã ấn định “tuổi khôn” (SGL số 1307) của con người để có thể lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức là tuổi dậy thì của họ, tức lúc con người biết yêu thương và có thể sinh sản, lúc con người bắt đầu phát triển về chiều hướng xã hội tính. Bởi vì, Bí Tích Thêm Sức “đôi khi được gọi là ‘bí tích trưởng thành Kitô hữu’” (SGL số 1308), một bí tích “cần để làm trọn ơn phép rửa” (SGL số 1285), một bí tích làm Kitô hữu trở thành “chứng nhân đích thực của Chúa Kitô, có trách nhiệm hơn nữa trong việc truyền bá và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm” (SGL số 1285), nghĩa là trách nhiệm hợp với Giáo Hội “sinh hoa kết trái dồi dào” (Jn 15:5) trên thế gian. Vậy:

Bí Tích Thêm Sức có liên hệ như thế nào với công cuộc cứu độ?
Bí Tích Thêm Sức được cử hành ra sao về nghi thức cũng như về thừa tác viên?
Bí Tích Thêm Sức được ban cho những ai và gây tác dụng như thế nào nơi họ?


KIẾN THỨC ĐỨC TIN


1. BÍ TÍCH THÊM SỨC CÓ LIÊN HỆ NHƯ THẾ NÀO VỚI CÔNG CUỘC CỨU ĐỘ?

Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cho thấy, trong công cuộc cứu độ, Bí Tích Thêm Sức liên quan trực tiếp đến Thần Linh, Đấng được Chúa Kitô thông ban cho Giáo Hội cũng là Đấng được các Thánh Tông Đồ thông truyền cho các Kitô hữu tiên khởi, bằng việc đặt tay, cũng như sau này bằng việc Giáo Hội xức dầu:

ở “Trong Cựu Ước, các tiên tri đã loan báo Thần Linh Thiên Chúa sẽ ở nơi Đấng Thiên Sai đến cứu độ (x Is 11:2, 61:1; Lk 4:16-22). Việc Thánh Linh ngự xuống trên Chúa Giêsu khi Người được Thánh Gioan làm phép rửa là dấu chỉ cho thấy Người là Đấng phải đến, Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa (x Mt 3:13-17; Jn 1:33-34). Người đã được thụ thai bởi Thánh Linh; tất cả cuộc sống và toàn thể sứ vụ của Người được thực hiện hoàn toàn trong mối hiệp thông với Thánh Linh, Đấng Cha ban cho Người ‘một cách khôn lường’ (Jn 3:34)” (số 1286)

ở “Tình trạng tràn đầy Thần Linh này không phải chỉ ở nguyên nơi Đấng Thiên Sai, mà còn được thông truyền cho toàn dân thiên sai nữa (x Ez 36:25-27; Joel 3:1-2). Ở một vài trường hợp Chúa Kitô đã hứa thực hiện việc tuôn đổ Thần Linh này (x Lk 12:12; Jn 3:5-8, 7:37-39, 16:7-15; Acts 1:8), một lời hứa Người đã hoàn tất trước hết vào Chúa Nhật Phục Sinh, hiển nhiên nhất là sau đó vào Ngày Lễ Hiện Xuống (x Jn 20:22; Acts 2:1-4). Được tràn đầy Thánh Linh, các tông đồ bắt đầu loan truyền ‘các việc quyền năng của Thiên Chúa’, và Thánh Phêrô đã loan báo việc tuôn đổ Thần Linh là dấu chỉ cho thời đại thiên sai (Acts 2:11, x 2:17-18). Những ai tin vào lời rao giảng của các tông đồ mà chịu phép rửa thì đều được lãnh nhận Thánh Linh (x Acts 2:38)”. (số 1287)

ở “’Từ lúc đó, để làm trọn ý của Chúa Kitô, bằng việc đặt tay của mình, các tông đồ đã ban cho các người mới chịu phép thánh tẩy tặng ân Thần Linh, Đấng làm trọn ơn của Phép Rửa... Truyền thống Công Giáo thực sự công nhận việc đặt tay như là nguồn gốc của bí tích Thêm Sức, một bí tích kéo dài ơn Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trong Giáo Hội một cách nào đó’ (ĐTC Phaolô VI, Divinae Consortium Naturae, 659; x Acts 8:15-17, 19:5-6; Heb 6:2)”. (số 1288)

ở “Để biểu hiệu r ràng hơn cho thấy tặng ân Thánh Linh, việc xức bằng dầu thơm đã được thêm vào việc đặt tay từ rất sớm. Việc xức dầu này nói lên cho thấy danh xưng ‘Kitô hữu’ nghĩa là ‘được xức dầu’ và là danh xưng phát xuất từ tên của chính Chúa Kitô, Đấng Thiên Chúa ‘đã xức dầu Thánh Linh’ (Acts 10:38)...” (số 1289)


2. BÍ TÍCH THÊM SỨC ĐƯỢC CỬ HÀNH RA SAO VỀ NGHI THỨC CŨNG NHƯ VỀ THỪA TÁC VIÊN?

“Về vấn đề nghi thức Thêm Sức, cần phải để ý đến dấu chỉ của việc xức dầu cũng như đến dấu ấn thiêng liêng do việc xức dầu biểu hiệu và đóng chấm” (số 1293):

ở “Theo tính cách biểu hiệu của Thánh Kinh và cổ thời khác, thì việc xức dầu có nhiều ý nghĩa, ở chỗ, dầu là dấu chỉ của sự dồi dào và hoan lạc (x Deut 11:14; Pss 23:5, 104:15); nó thanh tẩy (xức dầu trước và sau khi tắm) và làm dẻo dai (việc xức dầu của các lực sĩ và đô vật); dầu là dấu hiệu của việc chữa lành, vì nó xoa dịu các vết bầm dập và thương tích (x Is 1:6; Lk 10:34); và nó còn làm cho sáng đẹp, khỏe mạnh và tráng kiện” (số 1293). “Việc xức bằng dầu có tất cả những ý nghĩa này nơi đời sống bí tích. Việc xức bằng dầu tiền thanh tẩy cho các người dự tòng biểu hiệu cho việc thanh tẩy và kiên cường; việc xức dầu bệnh nhân nói lên việc chữa lành và an ủi. Việc xức dầu hậu thanh tẩy bằng dầu thánh nơi Phép Thêm Sức và Truyền Chức Thánh là dấu hiệu của sự thánh hiến. Nhờ Phép Thêm Sức, Kitô hữu, tức là những người được xức dầu, được hoàn toàn thông phần vào sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô cũng như vào sự viên mãn Thánh Linh tràn đầy nơi Người, để đời sống của họ tỏa ra ‘hương thơm của Chúa Kitô’ (2Cor 2:15)” (số 1294).

ở “Qua việc xức dầu này, thêm sức nhân được ‘đánh dấu’, tức được niêm ấn Thánh Linh. Dấu ấn là biểu hiệu của một con người, là một dấu hiệu nói lên thẩm quyền về nhân bản hay chủ quyền trên sản vật. Bởi thế, binh lính mới được đánh dấu bằng ấn tín của vị chỉ huy trưởng và bầy tôi mới được đánh dấu bằng ấn tín của vị chủ nhân ông. Dấu ấn là để thị thực một phán quyết hay văn kiện về pháp lý, và đôi khi cũng để bảo mật văn kiện pháp lý này nữa (x 1Kgs 21:8; Jer 32:10; Is 29:11)” (số 1295)

ở “Chính Chúa Kitô đã tuyên bố Người được Cha Người niêm ấn (x Jn 6:27). Kitô hữu cũng được đóng dấu bằng một ấn tín: ‘Chính Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng tôi cùng với anh em ở trong Chúa Kitô và là Đấng đã sai chúng tôi đi; Ngài đã đóng ấn trên chúng tôi và ban cho tấm lòng chúng tôi Thần Linh của Ngài như một bảo chứng’ (2Cor 1:21-22; x Eph 1:13, 4:30). Ấn tín Thánh Linh này đánh dấu chúng ta đã hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô, đánh dấu việc chúng ta đăng ký vĩnh viễn phục vụ Người, cũng như đánh dấu lời Thiên Chúa hứa bảo vệ chúng ta trong cuộc thử thách cánh chung khủng khiếp (x Rev 7:2-3, 9:4; Ez 9:4-6)”. (số 1296)

ở “Khi Thêm Sức được cử hành riêng không chung với Phép Rửa, như trong trường hợp theo Lễ Nghi Rôma, thì Phụng Vụ Thêm Sức được bắt đầu bằng việc thụ lãnh nhân thêm sức tuyên lại lời hứa rửa tội và tuyên xưng đức tin...” (số 1298). “Theo Lễ Nghi Rôma, vị giám mục giơ tay trên tất cả các thụ lãnh nhân Thêm Sức... cầu xin tuôn đổ Thần Linh xuống...” (số 1299). “Sau đó là nghi thức chính yếu của bí tích này. Theo lễ nghi Latinh thì ‘bí tích Thêm Sức được ban phát qua việc xức dầu thánh trên trán, được thực hiện bằng việc đặt tay với những lời là Accipe signaculum doni Spiritus Sancti (Hãy nhận lấy dấu ấn Tặng Ân Thánh Linh)…’ (ĐTC Phaolô VI apostolic constitution, Divinae Consortium Naturae, 663)...” (số 1300)

Về thừa tác viên Thêm Sức, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo xác định vị chính yếu là giám mục và vị có thể thay thế là linh mục.

ở “Theo Lễ Nghi Rôma, thừa tác viên thông thường của Phép Thêm Sức là giám mục (x Giáo Luật, khoản 882). Vì lý do quan trọng, vị giám mục cũng có thể ban cho linh mục năng quyền làm Phép Thêm Sức (x Giáo Luật khoản 884.2), tuy nhiên, chính ý nghĩa của bí tích này cần đến việc vị giám mục đích thân ban phát... Giám mục là các vị thừa kế các thánh tông đồ. Các vị đã lãnh nhận trọn vẹn bí tích Truyền Chức Thánh. Việc các vị ban phát bí tích này r ràng cho thấy hiệu quả của bí tích ấy làm cho những ai lãnh nhận bí tích này được liên kết chặt chẽ hơn với Giáo Hội, với nguyên gốc tông đồ của Giáo Hội, cũng như với sứ vụ của Giáo Hội trong việc làm chứng cho Chúa Kitô” (số 1313). “Nếu Kitô hữu ở vào trường hợp nguy tử thì bất cứ vị linh mục nào cũng được ban Phép Thêm Sức cho họ (x Giáo Luật khoản 883.3)” (số 1314).


3. BÍ TÍCH THÊM SỨC ĐƯỢC BAN CHO AI VÀ GÂY TÁC DỤNG RA SAO NƠI HỌ?

Về thụ lãnh nhân Phép Thêm Sức, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo xác định đó là thành phần chưa lãnh nhận phép này (số 1306), đã đến “tuổi khôn” (số 1307), ở trong tình trạng ơn thánh (số 1310), có người đỡ đầu (số 1311), nhất là phải học giáo lý trước (số 1309), nhờ đó có thể hưởng trọn vẹn hiệu quả của bí tích này, bí tích ghi ấn tín Thánh Linh nơi họ, khiến họ trở thành chứng nhân cho Chúa Kitô

ở “Việc dọn lòng lãnh nhận Phép Thêm Sức phải nhắm đến việc đưa dẫn người Kitô hữu đến tình trạng hiệp nhất thân tình hơn với Chúa Kitô cũng như chủ động sống thân mật hơn với Chúa Thánh Thần – với các tác động của Ngài, với các tặng ân của Ngài, cũng như với những chỉ dẫn của Ngài – để họ có thêm khả năng đảm nhận các trách nhiệm tông đồ của đời sống Kitô hữu. Muốn đạt mục đích này, giáo lý dọn Thêm Sức cần phải làm bừng lên nơi Kitô hữu sẽ thụ lãnh bí tích này cảm quan thuộc về Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội hoàn vũ cũng như cộng đồng giáo xứ...” (số 1309)

ở “Việc cử hành hiển nhiên cho thấy hiệu quả của bí tích Thêm Sức là việc tuôn đổ Thánh Linh xuống như đã từng xẩy ra cho các vị tông đồ vào ngày Lễ Hiện Xuống” (số 1302). “Như thế, Phép Thêm Sức làm tăng tiến và dồi dào thêm ơn Phép Rửa, ở chỗ, Phép Thêm Sức làm cho chúng ta càng đi sâu hơn vào ơn làm con cái Thiên Chúa khiến cho chúng ta kêu lên ‘Abba, Cha ơi!’ (Rm 8:15); hiệp nhất chúng ta chặt chẽ hơn với Chúa Kitô; tăng thêm các tặng ân của Chúa Thánh Thần trong chúng ta; thắt chặt chúng ta trọn vẹn hơn với Giáo Hội (x Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, 11); ban cho chúng ta sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần để truyền bá và bảo vệ đức tin bằng lời nói và bằng hành động như là những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô, để hiên ngang tuyên xưng danh Chúa Kitô, và không bao giờ xấu hổ vì Thập Giá (x Công Đồng Chung Florence năm 1439: DS 1319; Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, 11, 12)” (số 1303).

ở “Như Phép Rửa là phép được Phép Thêm Sức hoàn trọn, Phép Thêm Sức cũng được ban một lần duy nhất, vì phép này cũng in ấn vào linh hồn một dấu thiêng liêng bất khả xóa bỏ, một ‘đặc tính’ làm nên dấu chỉ Chúa Giêsu Kitô đã đánh dấu Kitô hữu bằng ấn tín Thần Linh Người, bằng việc mặc cho họ quyền lực từ trên cao để họ có thể trở thành chứng nhân của Người (x Công Đồng Chung Triđentinô năm 1547: DS 1609; Lk 24:48-49)” (số 1304). “’Đặc tính’ này làm hoàn hảo vai trò tư tế phổ quát nơi người tín hữu, một vai trò được lãnh nhận nơi Phép Rửa, khiến ‘người chịu phép thêm sức nhận được quyền lực để tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô một cách công khai như đó là trách nhiệm của mình’ (Thánh Tôma Aquinas, STh III, 72, 5, ad 2)” (số 1305).


TÓM LẠI:

Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cho thấy trong công cuộc cứu độ Bí Tích Thêm Sức liên quan trực tiếp đến Thần Linh, Đấng Chúa Kitô đã thông ban cho Giáo Hội (SGL số 1286) cũng là Đấng các Thánh Tông Đồ đã thông truyền cho các Kitô hữu tiên khởi (số 1287) bằng việc đặt tay (số 1288) và sau này bằng việc Giáo Hội xức dầu (số 1289). “Về vấn đề nghi thức Thêm Sức (số 1298-1300), cần phải để ý đến dấu chỉ của việc xức dầu (số 1293-1294) cũng như đến dấu ấn thiêng liêng (số 1295-1296) do việc xức dầu biểu hiệu và đóng chấm” (số 1293). Về thừa tác viên Thêm Sức, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo xác định chính yếu là giám mục (số 1293) và có thể thay thế là linh mục. Về thụ lãnh nhân Phép Thêm Sức, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo xác định đó là thành phần chưa lãnh nhận phép này (số 1306) đã đến “tuổi khôn” (số 1307), ở trong tình trạng ơn thánh (số 1310), có người đỡ đầu (số 1311), nhất là phải học giáo lý trước (số 1309), để có thể hưởng được trọn vẹn hiệu quả của bí tích này (số 1302-1303), bí tích ghi ấn tín Thánh Linh nơi họ, khiến họ trở thành chứng nhân cho Chúa Kitô (số 1304-1305).


THÂM TÍN SỐNG ĐẠO

1. “Vì Phép Rửa, Thêm Sức và Thánh Thể hợp nhất với nhau, do đó, ‘tín hữu buộc phải lãnh nhận bí tích này vào lúc thích hợp’ (Giáo Luật, khoản 890), vì không lãnh nhận Phép Thêm Sức và Thánh Thể, Phép Rửa chắc chắn vẫn có giá trị và có hiệu lực, song việc nhập môn Kitô Giáo vẫn chưa hoàn trọn” (số 1306)

2. “Một thụ lãnh nhân Phép Thêm Sức, người đã đạt đến tuổi khôn, phải tuyên xưng đức tin, phải ở trong tình trạng ơn thánh, phải có ý lãnh nhận bí tích, và phải sẵn sàng đảm nhận vai trò môn đệ làm chứng nhân cho Chúa Kitô, cả trong cộng đồng Giáo Hội cũng như nơi các việc trần thế”. (số 1319)


Trắc Nghiệm

Xin đọc bài Giáo Lý lược tóm tổng ôn dưới đây, rồi dùng các chữ ở cuối trang để điền vào những chỗ gạch trống các câu Sách Giáo Lý vừa học hỏi cho đúng nguyên văn ý nghĩa của nó. Trong vòng 10 phút.

Qua bài Giáo Lý 22 về Bí Tích Thêm Sức, Giáo Hội Công Giáo đã cho con cái của mình thấy những điểm chính sau đây: Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cho thấy trong công cuộc cứu độ Bí Tích Thêm Sức liên quan trực tiếp đến Thần Linh, Đấng Chúa Kitô đã thông ban cho Giáo Hội (SGL số 1286) cũng là Đấng các Thánh Tông Đồ đã thông truyền cho các Kitô hữu tiên khởi (số 1287) bằng việc đặt tay (số 1288) và sau này bằng việc Giáo Hội xức dầu (số 1289). “Về vấn đề nghi thức Thêm Sức (số 1298-1300), cần phải để ý đến dấu chỉ của việc xức dầu (số 1293-1294) cũng như đến dấu ấn thiêng liêng (số 1295-1296) do việc xức dầu biểu hiệu và đóng chấm” (số 1293). Về thừa tác viên Thêm Sức, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo xác định chính yếu là giám mục (số 1293) và có thể thay thế là linh mục. Về thụ lãnh nhân Phép Thêm Sức, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo xác định đó là thành phần chưa lãnh nhận phép này (số 1306) đã đến “tuổi khôn” (số 1307), ở trong tình trạng ơn thánh (số 1310), có người đỡ đầu (số 1311), nhất là phải học giáo lý trước (số 1309), để có thể hưởng được trọn vẹn hiệu quả của bí tích này (số 1302-1303), bí tích ghi ấn tín Thánh Linh nơi họ, khiến họ trở thành chứng nhân cho Chúa Kitô (số 1304-1305).

1. “Trong Cựu Ước, các tiên tri đã loan báo Thần Linh Thiên Chúa sẽ ở nơi ___________ đến cứu độ. Việc Thánh Linh ngự xuống trên Chúa Giêsu khi Người được Thánh Gioan làm phép rửa là dấu chỉ cho thấy Người là ___________, Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa. Người đã được thụ thai bởi Thánh Linh; tất cả cuộc sống và toàn thể sứ vụ của Người được thực hiện hoàn toàn trong mối hiệp thông với Thánh Linh, Đấng Cha ban cho Người một cách __________” (số 1286). “Tình trạng _________ Thần Linh này không phải chỉ ở nguyên nơi Đấng Thiên Sai, mà còn được thông truyền cho toàn ___________ nữa. Ở một vài trường hợp Chúa Kitô đã hứa thực hiện việc _________ Thần Linh này, một lời hứa Người đã hoàn tất trước hết vào _______________, hiển nhiên nhất là sau đó vào ______________. Được tràn đầy Thánh Linh, các tông đồ bắt đầu loan truyền các việc quyền năng của Thiên Chúa, và Thánh Phêrô đã loan báo việc tuôn đổ Thần Linh là dấu chỉ cho _________________. Những ai tin vào lời rao giảng của các tông đồ mà chịu phép rửa thì đều được lãnh nhận ______________” (số 1287).

2. “Nhờ Phép Thêm Sức, Kitô hữu, tức là những người được xức dầu, được hoàn toàn thông phần vào sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô cũng như vào sự viên mãn Thánh Linh tràn đầy nơi Người, để đời sống của họ tỏa ra __________ của Chúa Kitô” (số 1294). “Qua việc xức dầu này, thêm sức nhân được đánh dấu, tức được niêm ấn Thánh Linh” (số 1295). “Theo Lễ Nghi Rôma, giám mục _______ trên tất cả các thụ lãnh nhân Thêm Sức... cầu xin tuôn đổ Thần Linh xuống...” (số 1299). “Sau đó là nghi thức chính yếu của bí tích này. Theo lễ nghi Latinh thì ‘bí tích Thêm Sức được ban phát qua việc ___________ trên trán, được thực hiện bằng việc _________ với những lời là Hãy nhận lấy dấu ấn Tặng Ân Thánh Linh” (số 1300)

3. “Việc cử hành hiển nhiên cho thấy hiệu quả của bí tích Thêm Sức là việc tuôn đổ _________ xuống như đã từng xẩy ra cho các vị tông đồ vào ngày Lễ Hiện Xuống” (số 1302). “Như thế, Phép Thêm Sức làm tăng tiến và dồi dào thêm ơn Phép Rửa, ở chỗ, Phép Thêm Sức làm cho chúng ta càng đi sâu hơn vào ơn làm con cái ___________ khiến cho chúng ta kêu lên Abba, Cha ơi!; hiệp nhất chúng ta chặt chẽ hơn với __________; tăng thêm các tặng ân của Chúa Thánh Thần trong chúng ta; thắt chặt chúng ta trọn vẹn hơn với __________; ban cho chúng ta sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần để truyền bá và _________ đức tin bằng lời nói và bằng hành động như là những ____________ đích thực của Chúa Kitô, để hiên ngang tuyên xưng danh Chúa Kitô, và không bao giờ xấu hổ vì __________” (số 1303).
 

(Thập giá, Đấng Thiên Sai, Đấng phải đến, chứng nhân, bảo vệ, khôn lường, tràn đầy, Giáo Hội, Chúa Kitô, dân thiên sai, tuôn đổ, Thiên Chúa, Thánh Linh, Chúa Nhật Phục Sinh, Lễ Hiện Xuống, đặt tay, xức dầu thánh, thời đại thiên sai, Thánh Linh, giơ tay, hương thơm )