Bài Giáo Lý số 23

 

BÍ TÍCH THÁNH THỂ

(Bí Tích Khởi Đầu Kitô Giáo Thứ Ba)

(các số 1322-1419)

 


CẢM NGHIỆM NHÂN SINH
 

Vì là “con vật có lý trí”, do đó con người văn minh bao giờ cũng cho rằng mình “ăn để mà sống” chứ không phải “sống để mà ăn”. Thế nhưng, thực tế lại cho thấy con người xác thịt lại hầu như chỉ “sống để mà ăn” hơn là “ăn để mà sống”, đến nỗi, chính vì không ngừng “tìm kiếm của ăn hay hư nát” (Jn 6:27) mà xã hội loài người, như lịch sử cho thấy, vẫn không thôi cắn xé nhau, thậm chí xẩy ra giữa ánh sáng văn minh và nhân bản ngày nay, tới độ, mẹ ăn thịt con bằng luật cho phép phá thai hay mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé, bằng luật cho phép trợ mê tử (giúp cho được chết một cách êm dịu) v.v. Tình trạng con người “đóng khố đi giầy tây” kéo dài đặc biệt từ hậu bán thế kỷ hai mươi sang đầu thiên niên kỷ thứ ba hiện nay, tức tình trạng con người càng văn minh tiến bộ về khoa học và kỹ thuật lại càng thụt lùi về luân lý và đạo đức, không phải là dấu chứng tỏ hết sức hiển nhiên và hùng hồn cho thấy rằng “con người không nguyên sống bởi bánh, song còn sống nhờ những lời bởi miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4; Dt 8:3) hay sao?

Đúng thế, “có gạo mới vực được đạo”, song cũng có những trường hợp cho thấy “giữ đạo bất cần gạo”, như tử đạo, bất cần đến cả mạng sống mình. Thế nhưng, thứ bánh làm cho con người có thể “sống viên mãn hơn” (Jn 10:10) như thế là gì, nếu không phải là chính Chúa Kitô, “bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời; bánh Tôi sẽ ban là thịt Tôi để cho thế gian được sống” (Jn 6:51). Thực tế đã hiển nhiên cho thấy Thánh Thể đã thực sự biến đổi những ai sống không thể thiếu Thánh Thể, qua việc khao khát rước Thánh Thể và chầu Thánh Thể, nhất là sống Thánh Thể, bằng cuộc đời hiến thân cho tha nhân như họ đã được chính Thánh Thể hiến mình cho họ. Chẳng hạn trường hợp của Mẹ Têrêsa Calcutta (1910-1997), một phụ nữ già yếu, nhỏ con, còm cõi, bần cùng v.v. nếu không có Thánh Thể thử hỏi bà có đủ gan sức để dấn thân hy sinh phi thường cho việc tận tâm và tận lực phục vụ “thành phần nghèo nhất trong các người nghèo” trên đời này chăng? Thế thì:

1. Thánh Thể được hình thành ra sao trong lịch sử cứu độ?
2. Thánh Thể được Giáo Hội cử hành như thế nào?
3. Thánh Thể mang lại những ơn ích gì nơi Kitô hữu?



KIẾN THỨC ĐỨC TIN


1. THÁNH THỂ ĐƯỢC HÌNH THÀNH RA SAO TRONG LỊCH SỬ CỨU ĐỘ?

Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, Thánh Thể được tiên báo nơi Cựu Ước và nơi phép lạ hóa bánh ra nhiều, được chính Chúa Giêsu thiết lập và được Giáo Hội tiếp tục tưởng niệm:

Thánh Thể được tiên báo nơi Cựu Ước và nơi phép lạ hóa bánh ra nhiều:

• “Tâm điểm của việc cử hành Thánh Thể là việc bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa Kitô nhờ các lời của Chúa Kitô và lời cầu cùng Thánh Linh... Giáo Hội thấy nơi cử chỉ ‘đem theo bánh và rượu’ của tư tế quân vương Melchizedek là hình bóng dâng lễ của mình” (số 1333). “Trong Cựu Ước, bánh và rượu được dâng làm lễ hy tế với các hoa trái đầu mùa của đất đai như dấu hiệu tỏ lòng cảm tạ Đấng Tạo Hóa. Thế nhưng bánh và rượu cũng có một ý nghĩa mới liên quan đến biến cố Xuất Hành, đó là bánh không men dân Yến Duyên ăn hằng năm vào Lễ Vượt Qua là việc tưởng niệm họ vội vã ra đi thoát khỏi Ai Cập; việc tưởng nhớ đến manna trong sa mạc sẽ luôn gợi lại cho dân yến Duyên nhớ rằng họ sống bởi Lời Chúa (x Deut 8:3); bánh họ ăn hằng ngày là hoa trái của mảnh đất hứa, mảnh đất bảo chứng của việc Thiên Chúa trung thành với những lời hứa của Ngài. ‘Chén chúc tụng’ (1Cor 10:16) ở vào cuối bữa Vượt Qua của Dân Do Thái làm cho việc hoan hưởng chất rượu có thêm chiều kích cánh chung, đó là chiều kích của lòng mong đợi vị thiên sai đến tái thiết Giêrusalem...” (số 1334)

• “Các phép lạ hóa bánh ra nhiều... cho thấy trước mức độ sung mãn tràn đầy của tấm bánh Thánh Thể có một không hai này (x Mt 14:13-21, 15:32-39). Dấu lạ nước hóa thành rượu ở Cana đã báo trước cho thấy Thời Giờ vinh hiển của Chúa Giêsu. Dấu lạ này tỏ hiện việc nên trọn của bữa tiệc cưới trong vương quốc của Cha, nơi tín hữu sẽ uống thứ rượu mới là thứ rượu trở nên Máu Chúa Kitô (x Jn 2:11; Mk 14:25)”. (số 1335)

Thánh Thể được chính Chúa Giêsu thiết lập:

• “Vì yêu thương những kẻ thuộc về mình, Chúa Kitô đã yêu thương họ tới cùng. Biết rằng đã đến giờ phải rời thế gian mà về cùng Cha, trong bữa ăn, Người đã rửa chân của họ và ban cho họ giới luật yêu thương (x Jn 13:1-17, 34-35). Để làm bảo chứng cho tình yêu của mình ấy, để không bao giờ rời xa thành phần thuộc về mình, cũng như để làm cho họ thông phần vào Cuộc Vượt Qua của mình, Người đã thiết lập Thánh Thể như việc tưởng niệm cuộc tử nạn và Phục Sinh của Người, và đã truyền các tông đồ cử hành Thánh Thể cho tới khi Người trở lại; ‘bởi đó Người đã đặt họ làm các vị tư tế của Tân Ước’ (Công Đồng Chung Triđentinô năm 1562: DS 1740)”. (số 1337)

• “Bằng việc cử hành Bữa Tiệc Ly với các tông đồ ngay trong bữa Vượt Qua, Chúa Giêsu đã làm Lễ Vượt Qua của Dân Do Thái có một ý nghĩa đích thực...” (số 1340)

Thánh Thể được Giáo Hội tiếp tục tưởng niệm:

• “Lời Chúa Giêsu truyền lập lại việc Người làm và lời Người nói ‘cho đến khi Người đến’ không phải là Người chỉ yêu cầu chúng ta nhớ đến Người cũng như đến việc Người làm. Lệnh truyền này nhắm đến việc các tông đồ và các vị thừa kế cử hành phụng vụ để tưởng nhớ đến Chúa Kitô, đến cuộc sống, cuộc tử nạn, việc Phục Sinh cũng như việc chuyển cầu của Người trước nhan Chúa Cha (x 1Cor 11:26)”. (số 1341)

• “Kitô hữu đã gặp nhau ‘để bẻ bánh’ (Acts 20:7) nhất là vào ‘ngày thứ nhất trong tuần’, Chúa Nhật, ngày Chúa Giêsu phục sinh. Từ đó trở đi cho tới thời của chúng ta đây việc cử hành Thánh Thể vẫn được tiếp tục để ngày nay chúng ta thấy được việc cử hành này ở khắp nơi trong Giáo Hội có cùng một cấu trúc căn bản. Việc cử hành này là tâm điểm của đời sống Giáo Hội (xem cả các số GL 1324)”. (số 1343)


2. THÁNH THỂ ĐƯỢC GIÁO HỘI CỬ HÀNH NHƯ THẾ NÀO?


Đối với việc Giáo Hội cử hành Thánh Thể, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cho biết về chính Thánh Lễ với một thứ tự bất biến mà trọng tâm là hiến tế Thánh Thể, một hiến tế “tạ ơn chúc tụng Chúa Cha, tưởng nhớ hiến tế của Chúa Kitô cùng với Thân Mình Người, và là việc hiện diện của Chúa Kitô bằng quyền năng lời Người và Thần Linh Người” (số 1358).

Thánh Lễ với một thứ tự bất biến

• “Từ thế kỷ thứ hai chúng ta đã có chứng từ của Thánh Justinô Tử Đạo về những nét căn bản của thứ tự trong việc cử hành Thánh Thể. Những nét căn bản này vẫn không thay đổi nơi tất cả các truyền thống phụng vụ chính cho tới thời của chúng ta đây...” (số 1345)

• “Phụng vụ Thánh Thể hình thành theo một cấu trúc căn bản được bảo trì qua các thế kỷ cho tới thời của chúng ta đây. Chúng ta thấy phụng vụ Thánh Thể có hai phần chính làm nên một cử hành duy nhất thực sự, đó là việc tụ họp (số 1348), phụng vụ Lời Chúa (số 1349), với những bài đọc, bài giảng và những lời nguyện cầu chung; phụng vụ Thánh Thể, với việc dâng bánh rượu (số 1350), việc tạ ơn thánh hiến (số 1352-1354) và việc hiệp lễ (số 1355). Phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể cùng nhau làm nên ‘một tác động tôn thờ duy nhất’ (Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, 56)”. (số 1346)

Hiến tế Thánh Thể

• “Chúng ta thực thi lệnh truyền của Chúa Kitô bằng việc cử hành tưởng niệm hy tế của Người. Làm như vậy, chúng ta dâng lên Chúa Cha những gì chính Ngài đã ban cho chúng ta, đó là các tặng ân của việc tạo dựng, gồm có bánh và rượu mà, bởi quyền phép Thánh Linh cũng như bởi các lời của Chúa Kitô, đã trở nên mình và máu của Chúa Kitô. Như thế Chúa Kitô thực sự hiện diện một cách mầu nhiệm”. (số 1357)

• “Chúng ta phải coi Thánh Thể như việc tạ ơn và chúc tụng Chúa Cha; như việc tưởng niệm hy tế của Chúa Kitô và của Thân Mình Người; và là việc hiện diện của Chúa Kitô nhờ quyền năng lời Người và Thần Linh Người”. (số 1358)

Hiến tế Thánh Thể: tạ ơn chúc tụng Chúa Cha

• “Thánh Thể, bí tích cứu độ của chúng ta được Chúa Kitô hoàn tất trên thập giá cũng là một hy tế chúc tụng tạ ơn về việc tạo dựng. Nơi hiến tế Thánh Thể, toàn thể tạo vật Thiên Chúa yêu thương được dâng lên Chúa Cha qua cuộc tử nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô...” (số 1359)

• “Thánh Thể là một hy tế tạ ơn Chúa Cha, một lời chúc tụng Giáo Hội muốn nói lên lòng tri ân đối với Thiên Chúa về tất cả mọi phúc lộc Ngài ban, về tất cả những gì Ngài đã làm nơi việc tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa. Thánh Thể trước hết là ‘tạ ơn’”. (số 1360)

• “Thánh Thể cũng là hy tế chúc tụng Giáo Hội xướng lên tôn vinh Thiên Chúa nhân danh tất cả mọi tạo vật. Hiến tế chúc tụng này chỉ được thực hiện nhờ Chúa Kitô, ở chỗ, Người kết hợp tín hữu với bản thân của Người, với lời chúc tụng của Người và với việc chuyển cầu của Người, để hiến tế chúc tụng Chúa Cha được dâng lên nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô và được chấp nhận trong Người”. (số 1361)

Hiến tế Thánh Thể: tưởng nhớ Chúa Kitô

• “Thánh Thể là cuộc tưởng niệm Vượt Qua của Chúa Kitô, là hiến tế hiện thực một cách bí tích việc hy sinh độc nhất vô nhị của Người nơi phụng vụ của Giáo Hội Thân Thể Người...” (số 1362)

• “Vì là cuộc tưởng niệm Vượt Qua của Chúa Kitô, Thánh Thể cũng là một hy tế nữa. Đặc tính hiến tế của Thánh Thể được biểu lộ ngay trong những lời truyền phép: ‘Này là mình Thày phải bị nộp vì các con’, và ‘Chén này là chén Tân Ước trong máu Thày phải đổ ra cho các con’ (Lk 22:19-20). Nơi Thánh Thể, Chúa Kitô ban tặng cho chúng ta chính thân thể Người đã hiến mạng trên thập giá, chính máu Người ‘đã đổ ra cho nhiều người được ơn tha tội’ (Mt 26:28)”. (số 1365)

• “Bởi vậy, Thánh Thể là một hy tế vì Thánh Thể hiện thực hy tế thập giá, vì Thánh Thể là tưởng niệm của hy tế này và vì Thánh Thể làm hy tế này sinh hoa kết trái” (số 1366). “Hy tế của Chúa Kitô và hy tế Thánh Thể là một hy tế duy nhất: ... ‘Nơi hy tế thần linh được cử hành trong Thánh Lễ này, cũng chỉ là một Chúa Kitô đã hiến mình một lần bằng cách đổ máu trên bàn thờ thập giá lại hiện diện và được dâng lên một cách không đổ máu’ (Công Đồng Chung Triđentinô năm 1562: DS 1743; x Heb 9:14, 27)” (số 1367).

• “Thánh Thể cũng là hy tế của Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô cũng tham phần vào việc hiến dâng của Đầu mình. Với Người, toàn thể và tất cả Giáo Hội cũng được hiến dâng lên. Giáo Hội hiệp nhất mình với việc Người chuyển cầu cho tất cả loài người nơi Chúa Cha...” (số 1368). “Việc hiến dâng của Chúa Kitô chẳng những liên kết với các phần tử trên thế gian mà còn với những người đang hưởng vinh phúc thiên đình nữa” (số 1370). “Hy tế Thánh Thể cũng được hiến dâng để cầu cho tín hữu ly trần ‘đã chết trong Chúa Kitô nhưng chưa hoàn toàn được thanh tẩy’ (Công Đồng Chung Triđentinô năm 1562: DS 1743)” (số 1371).

Hiến tế Thánh Thể: Chúa Kitô hiện diện nhờ quyền năng Lời Người và Thần Linh

• “Thể thức Chúa Kitô hiện diện dưới các hình Thánh Thể là một hiện diện chuyên biệt đặc thù... Trong bí tích Thánh Thể rất thánh, ‘mình và máu cùng với linh hồn và thiên tính của Chúa Giêsu Kitô, tức là toàn thể Chúa Kitô, hiện diện một cách đích thực, một cách có thực, và một cách chính thực’ (Công Đồng Chung Triđentinô năm 1551: DS 1651). ‘Việc hiện diện này được gọi là có thực, không phải như thế thì các thể thức hiện diện khác không có thực, mà chỉ vì đó là một hiện diện trọn nghĩa nhất, tức là, một hiện diện chính thực mà Đức Kitô, là Thiên Chúa và là con người, làm cho Người hiện diện một cách trọn vẹn và hoàn toàn’ (Đức Pholô VI, Thông Điệp Mầu Nhiệm Đức Tin, 39)” (số 1374)

• “Chính nhờ việc biến đổi bánh và rượu trở thành mình và máu mà Chúa Kitô hiện diện nơi bí tích này” (số 1375). “Công Đồng Triđentinô tóm tắt đức tin Công Giáo bằng việc tuyên ngôn: ‘Vì Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã nói rằng chính là thân mình Người được hiến dâng dưới hình bánh, mà Giáo Hội Chúa luôn thâm tín như thế và thánh Công Đồng này giờ đây tuyên bố một lần nữa là, nhờ việc thánh hiến bánh và rượu mà việc biến đổi toàn bản thể bánh thành mình Chúa Kitô và toàn bản thể rượu thành máu Người đã xẩy ra. Giáo Hội Công Giáo đã gọi một cách xác đáng và thích hợp việc biến đổi này là biến thể’ (Công Đồng Chung Triđentinô năm 1551: DS 1642; x Mt 26:26ff; Mk 14:22ff; Lk 22:19ff)” (số 1376).

• “Việc Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể bắt đầu từ lúc thánh hiến và kéo dài bao lâu còn hình dạng Thánh Thể. Toàn thể và trọn vẹn Chúa Kitô hiện diện nơi mỗi hình dạng Thánh Thể, toàn thể và toàn vẹn Chúa Kitô cũng hiện diện nơi từng phần của hình dạng Thánh Thể này, đến nỗi việc bẻ bánh không làm phân rẽ Chúa Kitô (x Công Đồng Triđentinô: DS 1641)” (số 1377).


3. THÁNH THỂ MANG LẠI NHỮNG ƠN ÍCH GÌ NƠI KITÔ HỮU?

Nói đến tác dụng hay ơn ích thiêng liêng của Bí Tích Thánh Thể nơi Kitô hữu, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo muốn nói đến chính việc rước lễ cũng như nói đến những hiệu quả của việc rước lễ.

Việc rước lễ

• “... Việc cử hành hy tế Thánh Thể hoàn toàn có mục đích nhắm đến việc hiệp nhất thân tình giữa tín hữu và Chúa Kitô qua việc hiệp lễ. Hiệp lễ là việc lãnh nhận chính Chúa Kitô Đấng đã hiến mình cho chúng ta”. (số 1382)

• “Muốn dọn mình xứng đáng để lãnh nhận bí tích này, tín hữu phải kiêng cữ theo ấn định của mỗi Giáo Hội (x Giáo Luật, khoản 919). Bộ diện bề ngoài (cử chỉ, phục sức) phải tỏ ra tôn kính, trang trọng và hoan hỉ vào lúc Chúa Kitô trở thành vị khách của chúng ta” (số 1387).

• “Để hợp với chính ý nghĩa của Thánh Thể, nếu hội đủ điều kiện, tín hữu hãy rước lễ mỗi lần dự Lễ (x Giáo Luật khoản 917; AAS 76 năm 1984: 746-747)” (số 1388). “Giáo Hội buộc tín hữu ‘tham dự Phụng Vụ Thần Linh vào các Chúa Nhật và ngày lễ...’, và rước Thánh Thể mỗi năm ít là một lần, nếu được, trong mùa Phục Sinh (Giáo Luật khoản 920). Thế nhưng Giáo Hội hết sức khuyến khích tín hữu hãy lãnh nhận Thánh Thể vào các Chúa Nhật và ngày lễ, hay thường xuyên hơn, thậm chí hằng ngày” (số 1389).

• “Vì Chúa Kitô hiện diện một cách bí tích dưới mỗi một hình dạng mà việc hiệp lễ dưới hình bánh thôi cũng đủ để lãnh nhận tất cả mọi hoa trái của ân sủng Thánh Thể... Thế nhưng, ‘dấu hiệu hiệp lễ hoàn toàn hơn đó là hiệp lễ dưới cả hai hình, vì theo cách thức này dấu hiệu của bữa tiệc Thánh Thể mới được sáng tỏ hơn...’ (Bản Hướng Dẫn Tổng Quan về Nghi Lễ Rôma, 240)” (số 1390)

Những hiệu quả của việc rước lễ

• “Việc Hiệp Lễ gia tăng mối hiệp nhất giữa chúng ta với Chúa Kitô. Hoa trái chính yếu của việc chịu Thánh Thể khi Hiệp Lễ là mối hiệp nhất thân mật với Chúa Giêsu Kitô. Thật vậy, Chúa Kitô nói: ‘Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy’ (Jn 6:56)” (số 1391)

• “Việc Hiệp Lễ làm cho chúng ta xa tránh tội lỗi. Thân mình Chúa Kitô chúng ta lãnh nhận khi Hiệp Lễ đã ‘bị nộp vì các con’, và máu chúng ta uống ‘đã đổ ra cho nhiều người được tha tội’. Vì lý do này, Thánh Thể không thể hiệp nhất chúng ta với Chúa Kitô mà lai không đồng thời thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi đã phạm và gìn giữ chúng ta khỏi tội lỗi sẽ phạm”. (số 1393, xem cả số 1394 và 1395)

• “Thánh Thể làm nên Giáo Hội. Những ai rước Thánh Thể được hiệp nhất chặt chẽ hơn với Chúa Kitô. Nhờ đó, Chúa Kitô hiệp nhất họ với tất cả mọi tín hữu trong cùng một thân thể là Giáo Hội. Việc hiệp lễ canh tân, tăng cường và làm vững chắc mối liên kết với Giáo Hội đã đạt được nơi Phép Rửa này... ‘Bởi chỉ có một tấm bánh, chúng ta tuy nhiều song cũng là một thân thể duy nhất, vì tất cả chúng ta cùng tham phần vào một tấm bánh duy nhất’ (1Cor 10:16-17)”. (số 1396)

• “Thánh Thể làm cho chúng ta dấn thân phục vụ người nghèo. Để thực sự lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô đã hy hiến cho chúng ta, chúng ta phải nhận biết Chúa Kitô nơi những người nghèo nhất, thành phần là anh em của Người”. (số 1397)


TÓM LẠI:

Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, Thánh Thể được tiên báo nơi Cựu Ước (SGL số 1333-1334) và nơi phép lạ hóa bánh ra nhiều (1335), được chính Chúa Giêsu thiết lập (1337, 1340) và được Giáo Hội tiếp tục tưởng niệm (1341, 1343). Đối với việc Giáo Hội cử hành Thánh Thể, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cho biết về chính Thánh Lễ với một thứ tự bất biến (1345-1346) mà trọng tâm là hiến tế Thánh Thể (1357), một hiến tế “tạ ơn chúc tụng Chúa Cha (1359-1361), tưởng nhớ hiến tế của Chúa Kitô cùng với Thân Mình Người (1362, 1365-1368, 1370-1371), và là việc hiện diện của Chúa Kitô bằng quyền năng lời Người và Thần Linh Người (1374-1377)” (số 1358). Về thứ tự bất biến của hiến tế Thánh Thể, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cho thấy: “Phụng vụ Thánh Thể hình thành theo một cấu trúc căn bản được bảo trì qua các thế kỷ cho tới thời của chúng ta đây. Chúng ta thấy phụng vụ Thánh Thể có hai phần chính làm nên một cử hành duy nhất thực sự, đó là việc tụ họp (số 1348), phụng vụ Lời Chúa (số 1349), với những bài đọc, bài giảng và những lời nguyện cầu chung; phụng vụ Thánh Thể, với việc dâng bánh rượu (số 1350), việc tạ ơn thánh hiến (số 1352-1354) và việc hiệp lễ (số 1355). Phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể cùng nhau làm nên một tác động tôn thờ duy nhất” (số 1346). Nói đến tác dụng hay ơn ích thiêng liêng của Bí Tích Thánh Thể nơi Kitô hữu, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo muốn nói đến chính việc rước lễ (1382, 1387-1390) cũng như nói đến những hiệu quả của việc rước lễ (1391, 1393-1396).


THÂM TÍN SỐNG ĐẠO


1. “Chúa Kitô đã ngỏ lời mời gọi chúng ta, khi thúc giục chúng ta hãy lãnh nhận Người trong bí tích Thánh Thể: ‘Thật vậy, Tôi nói cho quí vị hay, trừ phi quí vị ăn thịt Con người và uống máu Người, bằng không quí vị sẽ không có sự sống nơi bản thân quí vị’ (Jn 6:53)” (số 1384). “Để đáp lại lời mời gọi này, chúng ta phải dọn mình cho giây phút hết sức cao trọng và hết sức thánh thiện này... Ai biết mình mắc tội trọng phải lãnh nhận bí tích Hòa Giải trước khi hiệp lễ” (số 1385).

2. “Trước một bí tích rất cao trọng như vậy, tín hữu chỉ có thể lập lại đức tin khiêm nhượng đầy nhiệt tình của Viên Đại Đội Trưởng: ‘Lạy Chúa, tôi chẳng đáng Ngài đến nhà tôi, nhưng Ngài chỉ cần phán một lời thì linh hồn tôi sẽ lành mạnh’ (Roman Missal, đáp lời kêu mời hiệp lễ; x Mt 8:8)” (số 1387)

3. “Những gì lương thực vật chất tác dụng nơi sự sống thể lý của chúng ta thì Hiệp Lễ cũng chiếm được một cách lạ lùng cho đời sống thiêng liêng của chúng ta. Hiệp lễ rước lấy thịt của Chúa Kitô phục sinh, một thứ thịt ‘có sự sống và ban sự sống nhờ Thánh Linh’ (Sắc Lệnh về Linh Mục, 5), bảo trì, tăng triển và canh tân sự sống ân sủng đã lãnh nhận khi Rửa Tội...” (số 1392)

4. “Như việc dưỡng nuôi thể xác phục hồi sức lực đã bị mất đi thế nào thì Thánh Thể cũng tăng cường đức ái của chúng ta như vậy, một đức ái có khuynh hướng bị suy giảm đi trong cuộc sống hằng ngày; và đức ái sống động này tẩy xóa các tội nhẹ (x Công Đồng Chung Triđentinô năm 1551: DS 1638). Bằng việc ban mình cho chúng ta, Chúa Kitô làm hồi sinh tình yêu của chúng ta và giúp chúng ta thoát khỏi những dính bén lăng loàn với tạo vật để làm cho chúng ta được chìm ngập trong Người” (số 1394)

5. “Trong Bữa Tiệc Ly, chính Chúa Kitô đã hướng các môn đệ của Người về việc hoàn tất Cuộc Vượt Qua nơi vương quốc của Thiên Chúa: ‘Thày nói cho các con hay Thày sẽ không uống hoa trái của cây nho này nữa cho đến ngày Thày uống lại nó trong vương quốc của Cha Thày’ (Mt 26:29; x Lk 22:18; Mk 14:25). Khi cử hành Thánh Thể, Giáo Hội đều nhớ đến lời hứa này và hướng mắt đến ‘Đấng phải đến’...”. (số 1403)


 

Trắc Nghiệm

Xin đọc bài Giáo Lý lược tóm tổng ôn dưới đây, rồi dùng các chữ ở cuối trang để điền vào những chỗ gạch trống các câu Sách Giáo Lý vừa học hỏi cho đúng nguyên văn ý nghĩa của nó. Trong vòng 10 phút.

Qua bài Giáo Lý 23 về Bí Tích Thánh Thể, Giáo Hội Công Giáo đã cho con cái của mình thấy những điểm chính sau đây: Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, Thánh Thể được tiên báo nơi Cựu Ước (SGL số 1333-1334) và nơi phép lạ hóa bánh ra nhiều (1335), được chính Chúa Giêsu thiết lập (1337, 1340) và được Giáo Hội tiếp tục tưởng niệm (1341, 1343). Đối với việc Giáo Hội cử hành Thánh Thể, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cho biết về chính Thánh Lễ với một thứ tự bất biến (1345-1346) mà trọng tâm là hiến tế Thánh Thể (1357), một hiến tế “tạ ơn chúc tụng Chúa Cha (1359-1361), tưởng nhớ hiến tế của Chúa Kitô cùng với Thân Mình Người (1362, 1365-1368, 1370-1371), và là việc hiện diện của Chúa Kitô bằng quyền năng lời Người và Thần Linh Người (1374-1377)” (số 1358). Về thứ tự bất biến của hiến tế Thánh Thể, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cho thấy: “Chúng ta thấy phụng vụ Thánh Thể có hai phần chính làm nên một cử hành duy nhất thực sự, đó là việc tụ họp (số 1348), phụng vụ Lời Chúa (số 1349), với những bài đọc, bài giảng và những lời nguyện cầu chung; phụng vụ Thánh Thể, với việc dâng bánh rượu (số 1350), việc tạ ơn thánh hiến (số 1352-1354) và việc hiệp lễ (số 1355). Phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể cùng nhau làm nên một tác động tôn thờ duy nhất” (số 1346). Nói đến tác dụng hay ơn ích thiêng liêng của Bí Tích Thánh Thể nơi Kitô hữu, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo muốn nói đến chính việc rước lễ (1382, 1387-1390) cũng như nói đến những hiệu quả của việc rước lễ (1391, 1393-1396).

1. “Để làm bảo chứng cho tình yêu của mình ấy, để không bao giờ rời xa thành phần thuộc về mình, cũng như để làm cho họ thông phần vào Cuộc Vượt Qua của mình, Người đã __________ Thánh Thể như việc __________ cuộc tử nạn và Phục Sinh của Người, và đã truyền các tông đồ cử hành Thánh Thể cho tới khi Người trở lại; bởi đó Người đã đặt họ làm các vị ________ của Tân Ước”. (số 1337)

2. “Lời Chúa Giêsu truyền lập lại việc Người làm và lời Người nói ‘cho đến khi Người đến’ không phải là Người chỉ yêu cầu chúng ta _________ Người cũng như đến việc Người làm. Lệnh truyền này nhắm đến việc các tông đồ và các vị thừa kế cử hành __________ để tưởng nhớ đến Chúa Kitô, đến cuộc sống, cuộc tử nạn, việc Phục Sinh cũng như việc chuyển cầu của Người trước nhan Chúa Cha”. (số 1341)

3. “Phụng vụ Thánh Thể hình thành theo một cấu trúc căn bản được bảo trì qua các thế kỷ cho tới thời của chúng ta đây. Chúng ta thấy phụng vụ Thánh Thể có hai____________ làm nên một _________ duy nhất thực sự, đó là việc tụ họp, phụng vụ _________, với những bài đọc, bài giảng và những lời nguyện cầu chung; phụng vụ _________, với việc dâng bánh rượu, việc tạ ơn thánh hiến và việc hiệp lễ. Phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể cùng nhau làm nên ‘một tác động __________ duy nhất’”. (số 1346)

4. “Chúng ta thực thi lệnh truyền của Chúa Kitô bằng việc cử hành tưởng niệm _________ của Người. Làm như vậy, chúng ta dâng lên Chúa Cha những gì chính Ngài đã ban cho chúng ta, đó là các tặng ân của việc __________, gồm có _______ và _________ mà, bởi quyền phép Thánh Linh cũng như bởi các lời của Chúa Kitô, đã trở nên mình và máu của Chúa Kitô. Như thế Chúa Kitô thực sự ___________ một cách mầu nhiệm” (số 1357). “Chúng ta phải coi Thánh Thể như việc tạ ơn và chúc tụng __________; như việc tưởng niệm hy tế của __________ và của Thân Mình Người; và là việc hiện diện của Chúa Kitô nhờ quyền năng lời Người và __________ Người” (số 1358).

5. “Việc Hiệp Lễ làm cho chúng ta xa tránh tội lỗi. Thân mình Chúa Kitô chúng ta lãnh nhận khi Hiệp Lễ đã ‘bị nộp vì các con’, và máu chúng ta uống ‘đã đổ ra cho nhiều người được tha tội’. Vì lý do này, Thánh Thể không thể __________ chúng ta với Chúa Kitô mà lại không đồng thời _________ chúng ta khỏi tội lỗi đã phạm và __________ chúng ta khỏi tội lỗi sẽ phạm”. (số 1393)
 

(gìn giữ, thiết lập, tưởng niệm, thanh tẩy, hiệp nhất, tư tế, nhớ đến, Thần Linh, Chúa Kitô, phụng vụ, phần chính, Chúa Cha, hiện diện, cử hành, Lời Chúa, rượu, bánh, Thánh Thể, tôn thờ, tạo dựng, hy tế)