Bài Giáo Lý số 25

 

BÍ TÍCH XỨC DẦU

(Bí Tích Chữa Lành Thứ Hai)

(các số 1499-1534)

 

CẢM NGHIỆM NHÂN SINH


Đạo lý Phật Giáo được bắt đầu bằng một cảm nghiệm nhân sinh rất thực tế, đó là cảm nghiệm thấy rằng “đời là bể khổ”, trong đó con người phải trải qua thân phận với tiến trình tự nhiên “sinh, lão, bệnh, tử”. Theo giáo lý nhà Phật, “khổ” là do “tham, sân, si” nơi con người, do đó, muốn thoát “khổ”, con người cần phải “diệt dục”. Theo Do Thái Giáo, “con người thời Cựu Ước sống bệnh tật của mình trước nhan Thiên Chúa. Họ than vãn bệnh tình của mình trước nhan Thiên Chúa, và họ kêu xin Thiên Chúa là Chủ sự sống và sự chết chữa lành cho mình (x Ps 6:3, 38; Is 38). Bệnh tật trở thành đường lối hoán cải; ơn Thiên Chúa thứ tha làm phát sinh việc chữa lành (x Ps 32:5, 38:5, 39:9,12, 107:20; x Mk 2:5-12). Dân Yến Duyên nghiệm thấy rằng bệnh nạn gắn liền một cách mầu nhiệm với tội lỗi và sự dữ, và lòng trung thành với Thiên Chúa qua việc giữ lề luật của Ngài phục hồi sự sống: ‘Vì Ta là Chúa, Đấng chữa lành của các ngươi’ (Ex 15:26)” (GLGHCG số 1502).

Theo giáo lý Kitô Giáo, sự dữ nói chung, như “khổ” về thể lý (“lão, bệnh, tử”), “khổ” về tâm lý (dốt nát, điên khùng, bất an v.v.) và “khổ” về luân lý (đam mê nhục dục, tính mê nết xấu, tội lỗi vấp phạm v.v.) là hậu quả gây ra do tội lỗi của con người ngay từ ban đầu là nguyên tội. Muốn được giải thoát khỏi sự dữ nói chung, mà sự dữ cuối cùng của đời người là sự chết, con người với bản tính đã bị hư đi theo nguyên tội không thể nào tự cứu được mình, do đó, họ cần phải tin vào Đức Kitô, Thiên Chúa nhập thể, Đấng “đã đồng hóa mình với bệnh nhân” (xem GLGHCG số 1503), “đã dùng các dấu chỉ để chữa lành” (GLGHCG số 1504), nhất là đã cứu độ con người bằng cuộc tử nạn và phục sinh của Người. “Bằng cuộc khổ nạn và tử nạn của mình trên cây thập giá, Đức Kitô đã hiến cho đau khổ một ý nghĩa mới, ở chỗ, đau khổ có thể nhờ đó làm cho chúng ta nên giống như Người và kết hợp chúng ta với Cuộc Khổ Nạn cứu chuộc của Người” (GLGHCG số 1505). Ngoài ra, “Người làm cho các môn đệ của mình được tham phần vào thừa tác vụ xót thương và chữa lành: ‘Vậy các vị đã ra đi rao giảng để giúp cho con người ăn năn hối cải. Các vị đã khu trừ nhiều ma quỉ, đã xức dầu nhiều người bị bệnh và đã chữa lành họ’ (Mk 6:12-13)” (GLGHCG số 1506). Thế nhưng,

1. Việc Giáo Hội chữa lành bệnh nhân có phải là một bí tích hay không?
2. Bí tích liên quan đến bệnh nhân được cử hành ra sao và có những công hiệu nào?


KIẾN THỨC ĐỨC TIN


1. VIỆC GIÁO HỘI CHỮA LÀNH BỆNH NHÂN CÓ PHẢI LÀ MỘT BÍ TÍCH HAY KHÔNG?

“Việc chữa lành bệnh nhân!” (Mt 10:8), theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, thực sự là một sứ vụ của Giáo Hội nói chung, thế nhưng, tự bản chất của việc này không phải là một bí tích, vì bí tích cần phải được cử hành đặc biệt theo lễ nghi phụng vụ.

Việc chữa lành bệnh nhân là sứ vụ của Giáo Hội:

• “Chúa Kitô phục sinh nhắc lại sứ vụ này (‘Nhân danh Ta... chúng sẽ đặt tay trên bệnh nhân và họ sẽ được chữa lành’ – Mk 16:17-18), đồng thời Người cũng xác nhận sứ vụ này bằng những dấu được Giáo Hội làm nhân danh Người (x Acts 9:34, 14:3). Những dấu hiệu này đặc biệt tỏ ra cho thấy Chúa Giêsu thực sự là ‘Thiên Chúa cứu độ’ (x Mt 1:21; Acts 4:12)”. (số 1507).

• “Chúa Thánh Thần ban cho một số người đặc sủng chữa lành (x 1Cor 12:9, 28, 30) để biệu lộ cho thấy quyền năng ân sủng của Chúa Kitô phục sinh. Thế nhưng, ngay cả những lời cầu nguyện tha thiết nhất cũng không phải bao giờ cũng thực hiện được việc chữa lành tất cả mọi thứ bệnh nạn... Bởi thế, Thánh Phaolô mới được Chúa dạy cho bài học là ‘ơn Ta đủ cho con, vì quyền năng của Ta được hoàn toàn tỏ hiện nơi nỗi yếu hèn’ và những khổ đau phải chịu có nghĩa là ‘tôi hoàn tất nơi thân xác tôi những gì còn thiếu nơi các khổ nạn của Chúa Kitô đã chịu vì Thân Thể Người là Giáo Hội’ (2Cor 12:9; Col 1:24)”. (số 1508)

• “Giáo Hội đã nhận lãnh trách nhiệm này từ Chúa và cố gắng thi hành bằng việc chăm sóc thành phần bệnh nhân cũng như hỗ trợ họ bằng lời cầu thay nguyện giúp. Giáo Hội tin vào sự hiện diện ban sự sống của Chúa Kitô, vị lương y của cả linh hồn lẫn thể xác. Sự hiện diện này đặc biệt tác động qua các bí tích, và đặc biệt nhất qua Thánh Thể, bánh ban sự sống trường sinh và là bánh theo Thánh Phaolô có liên quan đến sức khỏe phần xác (x Jn 6:54, 58; 1Cor 11:30)”. (số 1509)

Bí tích cần phải được cử hành đặc biệt theo lễ nghi phụng vụ:

• “Tuy nhiên, Giáo Hội thời các tông đồ đã cử hành lễ nghi riêng cho bệnh nhân, như lời Thánh Giacôbê chứng tỏ: ‘Có ai trong anh em bị bệnh ư? Họ hãy mời các kỳ lão (giáo sĩ) của Giáo Hội đến để các vị ấy cầu nguyện cho mình, bằng việc các vị nhân danh Chúa mà xức dầu; lời cầu nguyện tin tưởng sẽ cứu bệnh nhân và Chúa sẽ phục hồi họ; nếu đã sa ngã phạm tội, họ sẽ được thứ tha’ (Jas 5:14-15). Truyền thống Giáo Hội đã nhìn nhận lễ nghi này là một trong bảy phép bí tích”. (số 1510)

• “Giáo Hội tin tưởng và xưng nhận rằng, trong bảy phép bí tích có một phép đặc biệt dành riêng để kiên cường những ai đang phải chịu bệnh nạn, đó là bí tích Xức Dầu Kẻ Liệt: ‘Việc thánh hảo xức dầu cho kẻ liệt này được Chúa Kitô của chúng ta thiết lập như là một bí tích thực sự hợp với Tân Ước. Thánh Marcô đã gợi lên cho thấy việc này, song Thánh Giacôbê tông đồ anh em của Chúa mới là người khuyến dụ tín hữu làm và khai mào thực hiện’ (Công Đồng Chung Triđentinô năm 1551: DS 1695; x Mk 6:13; Jas 5:14-15)”. (số 1511)

• “Theo ý của Công Đồng Chung Vaticanô II (x Hiến Chế Phụng Vụ Thánh đoạn 73), Tông hiến Sacram unctionem infirmorum (Đức Phaolô VI, ngày 30/11/1972) đã thiết lập những điều phải giữ trong tương lai theo Lễ Nghi Rôma như sau: ‘Bí tích Xức Dầu Kẻ Liệt được ban cho những ai bị bệnh nặng, bằng việc xức trên trán và trên tay của họ với loại dầu thánh xứng hợp, loại dầu được ép từ cây olive hay từ các loại cây khác, mà nguyện một lần rằng: Qua việc thánh thiện xức dầu này, xin Chúa lấy tình yêu và lòng xót thương của Ngài mà trợ giúp anh chị em bằng ơn Chúa Thánh Linh. Xin Chúa là Đấng giải thoát anh chị em khỏi tội lỗi cứu độ anh chị em và phục hồi anh chị em’ (x Giáo Luật khoản 847.1)”. (số 1513)


2. BÍ TÍCH LIÊN QUAN ĐẾN BỆNH NHÂN ĐƯỢC CỬ HÀNH RA SAO VÀ CÓ NHỮNG CÔNG HIỆU NÀO?

Về việc cử hành bí tích Xức Dầu Kẻ Liệt, cũng như các bí tích khác, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo bao giờ cũng đề cập đến thành phần nhân sự của bí tích là thụ lãnh nhân và thừa tác viên, đến cách thức cử hành lễ nghi phụng vụ bí tích cũng như đến những tác dụng hiệu năng của bí tích này.

Thành phần nhân sự của bí tích là thụ lãnh nhân và thừa tác viên:

• “Việc Xức Dầu Kẻ Liệt ‘không phải là một bí tích dành riêng cho những ai đang hấp hối chết. Bởi thế, ngay khi người tín hữu nào bắt đầu ở trong trường hợp nguy tử bởi bệnh nạn hay tuổi già thì chắc chắn đó là lúc thích hợp để họ lãnh nhận bí tích này’” (số 1514). “Bệnh nhân nào lãnh nhận việc xức dầu mà được khỏe lại, họ vẫn có thể, trong trường hợp bị bệnh nặng khác, lãnh nhận bí tích ấy một lần nữa. Trong cùng một cơn bệnh, khi bệnh tình trở nặng hơn cũng có thể lãnh nhận bí tích này một lần nữa. Ngay trước khi trải qua một cuộc giải phẫu quan trọng nên lãnh nhận việc Xức Dầu Kẻ Liệt. Người già cả trong trường hợp bị yếu sức đi cũng nên làm như vậy” (số 1515).

• “Chỉ có các vị tư tế (giám mục và giáo sĩ) mới là các thừa tác viên của Việc Xức Dầu Kẻ Liệt mà thôi (x Công Đồng Chung Triđentinô năm 1551: DS 1697, 1719; Giáo Luật khoản 1003; Giáo Luật Giáo Hội Đông Phương khoản 739.1)...”. (số 1516)

Cách thức cử hành lễ nghi phụng vụ bí tích:

• “Như tất cả mọi bí tích khác, Việc Xức Dầu Kẻ Liệt là một cử hành phụng vụ có tính cách cộng đoàn (x Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, đoạn 27), dù có được cử hành ở nhà riêng, ở bệnh viện hay ở nhà thờ, cho một bệnh nhân duy nhất hay cho cả một nhóm kẻ liệt. Rất nên cử hành việc này trong Thánh Lễ, một tưởng niệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Nếu hoàn cảnh cho phép, có thể ban bí tích Thống Hối trước khi cử hành bí tích ấy và cho rước Thánh Thể sau khi ban phép Xức Dầu Kẻ Liệt...” (số 1517, xem cả số 1525). “Việc cử hành bí tích này bao gồm những yếu tố chính sau đây: ‘các vị tư tế của Giáo Hội’ (Jas 5:14) im lặng đặt tay trên bệnh nhân; các vị cầu nguyện trên bệnh nhân với lòng tin tưởng của Giáo Hội (x Jas 5:15), đó là lời cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống xứng hợp với bí tích này; đoạn các vị xức cho họ bằng dầu, nếu có thể, được giám mục làm phép...” (số 1519).

Những tác dụng hiệu năng của bí tích:

• “Được ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Ơn đầu tiên của bí tích này là ơn được kiên cường, bình an và can đảm để thắng vượt các khó khăn gặp phải trong tình trạng lâm trọng bệnh hay tuổi già sức yếu. Ơn này là tặng ân của Chúa Thánh Thần, Đấng canh tân lòng tin tưởng cùng đức tin nơi Thiên Chúa và là Đấng tăng sức mạnh để chống lại các chước cám dỗ của tên gian ác, chước cám dỗ làm cho họ thất đảm và buồn khổ khi phải đối diện với tử thần (x Heb 2:15)...”. (số 1520)

• “Được hợp với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Nhờ ơn của bí tích này, bệnh nhân nhận được sức mạnh và tặng ân liên kết bản thân mình chặt chẽ hơn với Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, ở chỗ, một cách nào đó, họ được thánh hiến để sinh hoa kết trái bằng việc nên đồng hình tượng với Cuộc Khổ Nạn cứu chuộc của Chúa Kitô. Đau khổ, hậu quả của nguyên tội, mặc lấy một ý nghĩa mới; nó được thông phần vào việc cứu độ của Chúa Giêsu”. (số 1521)

• “Được ơn ích của Giáo Hội. Bệnh nhân lãnh nhận bí tích này, ‘bằng việc tự tình kết hợp mình với cuộc khổ nạn và tử nạn của Chúa Kitô’, ‘góp phần vào việc xây dựng thiện ích cho Dân Chúa’ (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 11.2). Bằng việc cử hành bí tích này, Giáo Hội thông công với các thánh chuyển cầu cho lợi ích của bệnh nhân, phần bệnh nhân, nhờ ơn của bí tích này, cũng góp phần vào việc thánh hóa Giáo Hội cũng như cho thiện ích của tất cả mọi người cần đến việc Giáo Hội phải chịu khổ và hiến mình cho Thiên Chúa Cha qua Chúa Kitô”. (số 1522)

• “Được dọn mình sửa soạn cho cuộc ra đi sau hết... Việc Xức Dầu Kẻ Liệt làm hoàn tất việc chúng ta trở nên giống cuộc tử nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô như đã được Phép Rửa khởi sự. Nó hoàn tất những lần xức dầu thánh đánh dấu cả cuộc đời của người Kitô hữu, đó là lần xức dầu của Phép Rửa niêm ấn sự sống mới nơi chúng ta, cũng như lần xức dầu của Phép Thêm Sức tăng cường chúng ta cho cuộc chiến đấu ở đời này. Việc xức dầu sau hết này làm cho giây phút cùng tận của cuộc sống trần gian chúng ta trở nên kiên cố như một bức tường thành vững chắc trong cuộc đối chọi sau cùng trước khi tiến vào nhà Cha (Công Đồng Chung Triđentinô năm 1551: DS 1694)”. (số 1523)

TÓM LẠI:

“Việc chữa lành bệnh nhân!” (Mt 10:8), theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, thực sự là một sứ vụ của Giáo Hội nói chung (GL số 1507-1509), thế nhưng, tự bản chất của việc này không phải là một bí tích, vì bí tích cần phải được cử hành đặc biệt theo lễ nghi phụng vụ (GL số 1510-1511, 1513). Về việc cử hành bí tích Xức Dầu Kẻ Liệt, cũng như các bí tích khác, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo bao giờ cũng đề cập đến thành phần nhân sự của bí tích là thụ lãnh nhân và thừa tác viên (GL số 1514-1516), đến cách thức cử hành lễ nghi phụng vụ bí tích (GL số 1517, 1519) cũng như đến những tác dụng hiệu năng của bí tích này (GL số 1520-1523).


THÂM TÍN SỐNG ĐẠO

1. Giờ nhập thế không phải là giờ của con người, vì họ không có quyền chọn lựa gì cả. Thế nhưng, giây phút lìa đời, dù không biết được chính xác sẽ xẩy ra vào lúc nào và ra sao, cũng vẫn là giờ của con người, vì con người biết chắc chắn cuộc đời của họ, dù có dài mấy đi nữa, có sướng mấy đi nữa, rồi cuối cùng cũng sẽ kết thúc, nên họ phải sửa soạn làm sao để có thể đạt đến cùng đích của mình thì mới được viên mãn, tức mới được sống trường sinh vinh phúc, bằng không sẽ bị hư đi đời đời. Giây phút lìa đời thực sự là giây phút quan trọng nhất của đời sống con người trên thế gian này, vì nó là giây phút định đoạt số phận đời đời của con người. Đó là lý do Chúa Kitô đã nhiều lần nhắc nhở và kêu gọi con người: “Hãy sẵn sàng” (Mt 24:44), “Hãy tỉnh thức” (Mt 25:13). Đó cũng là lý do Kinh Kính Mừng kết thúc: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử . Amen”.

2. Là Kitô hữu, tin có Thiên Chúa, tin có đời sau, tôi phải luôn thâm tín, tự nhủ, chọn lựa và quyết sống theo những tiêu chuẩn sau đây: “Được lợi lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn mình thì được ích gì?” (Mt 16:26). “Thiên Chúa làm cho tất cả mọi sự hợp với nhau cho lợi ích của những ai Ngài đã kêu gọi theo ý định của Ngài” (Rm 8:28). “Gian truân tạm thời nhẹ nhàng hiện nay sẽ mang lại cho chúng ta bao nhiêu là vinh quang khôn lường vô tận. Chúng ta không gắn mắt vào những gì thấy được, song vào những gì không thấy được. Cái thấy được thì qua đi, còn cái không thấy được mới bền vững vĩnh hằng” (2Cor 4:17-18).

 

Trắc Nghiệm

Xin đọc bài Giáo Lý lược tóm tổng ôn dưới đây, rồi dùng các chữ ở cuối trang để điền vào những chỗ gạch trống các câu Sách Giáo Lý vừa học hỏi cho đúng nguyên văn ý nghĩa của nó. Trong vòng 10 phút.

Qua bài Giáo Lý 25 về Bí Tích Xức Dầu, Giáo Hội Công Giáo đã cho con cái của mình thấy những điểm chính sau đây: “Việc chữa lành bệnh nhân!” (Mt 10:8), theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, thực sự là một sứ vụ của Giáo Hội nói chung (GL số 1507-1509), thế nhưng, tự bản chất của việc này không phải là một bí tích, vì bí tích cần phải được cử hành đặc biệt theo lễ nghi phụng vụ (GL số 1510-1511, 1513). Về việc cử hành bí tích Xức Dầu Kẻ Liệt, cũng như các bí tích khác, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo bao giờ cũng đề cập đến thành phần nhân sự của bí tích là thụ lãnh nhân và thừa tác viên (GL số 1514-1516), đến cách thức cử hành lễ nghi phụng vụ bí tích (GL số 1517, 1519) cũng như đến những tác dụng hiệu năng của bí tích này (GL số 1520-1523).

1. “Giáo Hội tin tưởng và xưng nhận rằng, trong bảy phép bí tích có một phép đặc biệt dành riêng để kiên cường những ai đang phải chịu _________, đó là bí tích Xức Dầu Kẻ Liệt: ‘Việc thánh hảo xức dầu cho kẻ liệt này được Chúa Kitô của chúng ta thiết lập như là một _________ thực sự hợp với Tân Ước. Thánh ________ đã gợi lên cho thấy việc này, song Thánh ___________ tông đồ anh em của Chúa mới là người khuyến dụ tín hữu làm và khai mào thực hiện’”. (số 1511)

2. “Theo ý của Công Đồng Chung Vaticanô II, Tông hiến Sacram unctionem infirmorum đã thiết lập những điều phải giữ trong tương lai theo Lễ Nghi Rôma như sau: ‘Bí tích Xức Dầu Kẻ Liệt được ban cho những ai bị bệnh nặng, bằng việc xức __________ và __________ của họ với loại dầu thánh xứng hợp, loại dầu được ép từ cây olive hay từ các loại cây khác, mà nguyện một lần rằng: Qua việc thánh thiện xức dầu này, xin Chúa lấy tình yêu và lòng xót thương của Ngài mà trợ giúp anh chị em bằng ơn Chúa Thánh Linh. Xin Chúa là Đấng giải thoát anh chị em khỏi tội lỗi __________ anh chị em và __________ anh chị em’”. (số 1513)

3. “Việc Xức Dầu Kẻ Liệt ‘không phải là một bí tích dành riêng cho những ai đang ___________. Bởi thế, ngay khi người tín hữu nào bắt đầu ở trong trường hợp __________ bởi bệnh nạn hay tuổi già thì chắc chắn đó là lúc thích hợp để họ lãnh nhận bí tích này’” (số 1514).

4. “Bệnh nhân nào lãnh nhận việc xức dầu mà được khỏe lại, họ vẫn có thể, trong trường hợp bị bệnh nặng khác, lãnh nhận bí tích ấy một lần nữa. Trong cùng một cơn bệnh, khi bệnh tình trở nặng hơn cũng có thể lãnh nhận bí tích này một lần nữa. Ngay trước khi trải qua một _____________ quan trọng nên lãnh nhận việc Xức Dầu Kẻ Liệt. Người già cả trong trường hợp bị __________ cũng nên làm như vậy” (số 1515).

5. “Chỉ có các vị tư tế (__________ và _________) mới là các thừa tác viên của Việc Xức Dầu Kẻ Liệt mà thôi ”. (số 1516)

6. “Như tất cả mọi bí tích khác, Việc Xức Dầu Kẻ Liệt là một cử hành phụng vụ có tính cách cộng đoàn, dù có được cử hành ở nhà riêng, ở bệnh viện hay ở nhà thờ, cho một bệnh nhân duy nhất hay cho cả một nhóm kẻ liệt. Rất nên cử hành việc này trong Thánh Lễ, một tưởng niệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Nếu hoàn cảnh cho phép, có thể ban bí tích ___________ trước khi cử hành bí tích ấy và cho rước ____________ sau khi ban phép Xức Dầu Kẻ Liệt...” (số 1517).

7. “Việc cử hành bí tích này bao gồm những yếu tố chính sau đây: ‘các vị tư tế của Giáo Hội’ im lặng _________ trên bệnh nhân; các vị __________ trên bệnh nhân với lòng tin tưởng của Giáo Hội, đó là lời cầu xin _______________ ngự xuống xứng hợp với bí tích này; đoạn các vị xức cho họ bằng dầu, nếu có thể, được giám mục làm phép...” (số 1519).

(Chúa Thánh Thần, bệnh nạn, bí tích, cầu nguyện, đặt tay, Marcô, Giacôbê, Thánh Thể, Thống Hối, trên trán, trên tay, giáo sĩ, giám mục, cứu độ, phục hồi, yếu sức đi, cuộc giải phẫu, hấp hối chết, nguy tử)