BÍ TÍCH HÔN PHỐI
Bí Tích Thứ Hai Phục Vụ Mối Hiệp Thông
(các số 1601-1679)
CẢM NGHIỆM NHÂN SINH
Không phải trào lưu “pro choice” (phò chọn lựa), trào lưu phản lại pro life (phò
sự sống), chỉ có trong vấn đề phá thai, một vấn đề được chính thức hợp thức hóa
từ thập niên 1970, (như tại Hoa Kỳ vào năm 1973), mà còn xẩy ra cả trong vấn đề
ly dị nữa, một vấn đề đã được hợp thức hóa từ thập niên 1960, (như tại Nữu Ước
vào năm 1966). Trào lưu pro choice trong vấn đề ly dị đó là, như ý thức hệ của
con người văn minh tân tiến theo khoa học và kỹ thuật chủ trương, nếu tôi có
quyền chọn lựa người vợ hay người chồng của tôi và cho tôi, thì tôi cũng có
quyền bỏ họ một khi tôi cảm thấy không còn hợp với tôi nữa, nghĩa là tôi có
quyền chọn lựa người bạn đường cho tới khi hoàn toàn vừa ý mới thôi. Đó là lý do
có những nơi luật pháp đã cho phép ly dị đơn phương, chỉ cần một người muốn là
đủ và chỉ cần không hợp nhau là xong, chứ không cần phải cả hai đồng ý như lúc
lấy nhau và không cần phải vì một bên đã ngoại tình (xem Mt 19:9).
Trong một xã hội đang bị phá sản khủng khiếp cái kho tàng văn hóa nhân bản đích
thực như thế, ở chỗ, con người coi hôn nhân như một thứ trò chơi chứ không phải
là một ơn gọi, và vì thế cũng đã coi con cái như một món đồ chơi chứ không phải
là một tặng ân, là “ánh sáng thế gian” (Mt 5:14), “Giáo Hội trong thế giới tân
tiến” (nhan đề của hiến chế mục vụ về Giáo Hội của Công Đồng Chung Vaticanô II)
đã thực sự tỏ ra “rạng ngời chân lý” (nhan đề của bức thông điệp của ĐTC Gioan
Phaolô II về Luân Lý của Giáo Hội) trước bóng tối mịt mùng của bầu trời “văn hóa
tử vong” này, rạng ngời điển hình nhất nơi Hội Nghị về Dân Số ở Cairô Ai Cập
(9/1994) và Hội Nghị về Nữ Giới ở Bắc Kinh Trung Cộng (9/1995). Thật thế, căn cứ
vào Mạc Khải Thần Linh, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo bao giờ cũng chủ trương tính
cách “bất khả phân ly” của hôn nhân (GL số 1614, 1643-1644), bởi vì: “Giao ước
hôn nhân thiết lập mối tương giao trọn đời giữa hai người nam nữ, tự bản chất
của mình, hướng đến thiện ích của đôi phối ngẫu và đến việc sinh sản cùng giáo
dục con cái; giao ước này giữa hai người lãnh nhận phép rửa đã được Chúa Kitô
nâng lên phẩm vị của một bí tích” (GL số 1601). Vậy:
1. Hôn nhân theo ý định của Thiên Chúa
như thế nào?
2. Bí tích hôn nhân được cử hành ra sao và có những công hiệu nào?
KIẾN THỨC ĐỨC TIN
1. HÔN NHÂN THEO Ý ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA NHƯ THẾ NÀO?
Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, hôn nhân theo ý định của Thiên Chúa được thể
hiện nơi việc tạo thành, rồi bị ảnh hưởng của tội lỗi, sau đó chịu chi phối bởi
lề luật Cựu Ước, sau hết được kiện toàn trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội.
Được thể hiện nơi việc tạo thành:
• “... Ơn gọi hôn nhân được viết lên ở nơi chính bản tính của con người nam nữ
khi họ xuất hiện từ bàn tay của Đấng Tạo Thành. Hôn nhân không phải là một cơ
cấu thuần nhân loại... Mặc dù giá trị của cơ cấu này không được sáng tỏ như nhau
ở mọi nơi mọi chốn, ý nghĩa về tính cách cao cả của mối hiệp nhất hôn nhân vẫn
được thấy hiện diện nơi tất cả mọi nền văn hóa...”. (số 1603)
• “Thiên Chúa, Đấng đã vì yêu thương dựng nên con người cũng kêu gọi họ yêu
thương – một ơn gọi căn bản và bẩm sinh của hết mọi người. Vì con người được
dựng nên theo hình ảnh và tương tự Thiên Chúa là chính tình yêu (x Gen 1:27; 1Jn
4:8, 16). Bởi Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ, tình họ yêu thương
nhau trở nên hình ảnh của tình yêu tuyệt đối tín trung Thiên Chúa đã yêu thương
con người... Tình yêu được Thiên Chúa chúc phúc này là để sinh hoa kết trái và
thể hiện trong công cuộc trông coi thiên nhiên tạo vật (x Gen 1:28, x. 1:31)”.(số
1604)
• “Thánh Kinh xác nhận là con người nam nữ được dựng nên là để sống cho nhau:
‘Con người sống một mình không tốt’ (Gen 2:18). Người nữ, ‘thịt bởi thịt của con
người’, tức là liên hệ của con người, là tương đẳng của con người, là thân cận
nhất của con người trong tất cả mọi sự, được Thiên Chúa ban cho con người như
một ‘trợ hữu’; thế nên người nữ mới là tiêu biểu cho Thiên Chúa, Đấng nhờ Ngài
chúng ta được trợ giúp (x Gen 2:18-25). ‘Bởi vậy, người nam lìa bỏ cha mẹ mà gắn
bó với vợ mình và họ trở nên một xác thịt’ (Gen 2:24). Chính Chúa Kitô cho thấy
sự kiện này nói lên mối hiệp nhất bất khả phân ly nơi đời sống của họ, bằng việc
gợi lại những gì Đấng Tạo Thành đã ấn định ‘từ ban đầu’: ‘Vậy họ không còn là
hai song là một xác thịt’ (Mt 19:6)”. (số 1605)
Bị ảnh hưởng của tội lỗi:
• “Hết mọi người đều cảm thấy sự dữ ở chung quanh mình cũng như ở trong chính
bản thân mình. Cảm nghiệm này cũng xẩy ra nơi cả các mối liên hệ giữa người nam
và người nữ. Mối hiệp nhất của họ luôn luôn bị đe dọa bởi nỗi bất hòa, bởi tinh
thần thống trị, bởi lòng bất trung, ghen tương, cùng với những xung khắc đưa đến
hận thù và phân tán...” (số 1606)
• “Theo đức tin, tình trạng lệch lạc chúng ta nhận thấy hết sức đau thương này
không phát xuất từ bản tính của con người nam nữ hay từ bản chất của việc họ
liên hệ với nhau mà là từ tội lỗi. Vì tách khỏi Thiên Chúa, nguyên tội đã gây ra
hậu quả trước tiên là cảnh đổ vỡ nơi mối hiệp thông nguyên thủy giữa người nam
và người nữ. Những liên hệ của họ bị méo mó bởi những gì họ cáo buộc lẫn nhau (x
Gen 3:12); tính chất hấp dẫn nhau, tặng ân riêng được Tạo Hóa ban cho, bị biến
thành mối liên hệ chiếm đoạt và nhục dục (x Gen 2:22, 3:16b); và ơn gọi tuyệt
vời của con người nam nữ trong việc sinh sôi nẩy nở và làm chủ trái đất bị đè
nén bởi cảnh mang nặng đẻ đau và làm việc khổ cực (x Gen 1:28, 3:16-19)”. (số
1607)
Chịu chi phối bởi lề luật Cựu Ước:
• “... Trong Cựu Ước việc đa thê của các tổ phụ và vua chúa chưa được minh nhiên
loại bỏ. Tuy nhiên, lề luật ban bố qua Moisen vẫn có mục đích bảo vệ người vợ
khỏi bị người chồng độc tài đè nén, mặc dù, theo lời Chúa Kitô, nó vẫn còn những
dấu vết cho thấy ‘lòng cứng cỏi’ của con người khiến Moisen cho phép nam nhân ly
dị vợ mình (x Mt 19:8; Deut 24:1)”. (số 1610)
• “Khi thấy được việc Thiên Chúa giao ước với Yến Duyên nơi hình ảnh của một
tình yêu phu thê duy nhất và tín trung, các vị tiên tri đã sửa dọn cho lương tri
của Dân Tuyển Chọn một kiến thức sâu xa hơn về mối hiệp nhất và bất khả phân ly
của hôn nhân (x Hos 1-3; Is 54, 62; Jer 2-3, 31; Ezek 16, 23; Mal 2:13-17). Sách
Bà Rút và Ông Tobia đã cho thấy một cách cảm kích ý nghĩa cao cả của hôn nhân
cũng như cho thấy lòng trung thành và tha thiết của vợ chồng. Truyền thống luôn
luôn nhìn thấy nơi cuốn Diễm Tình Ca của Sôlômôn một diễn đạt độc đáo của tình
yêu nhân loại, phản ảnh trung thực của tình yêu Thiên Chúa – một tình yêu ‘mạnh
như sự chết’ đến nỗi ‘các giòng nước cũng không thể dập tắt được’ (Song 8:6-7)”.
(số 1611)
Được kiện toàn trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội:
• “Giao ước phu thê giữa Thiên Chúa và Yến Duyên dân Ngài đã dọn đường cho giao
ước mới vĩnh viễn là giao ước Con Thiên Chúa, bằng việc hóa thành nhục thể và
hiến mạng sống mình, đã hiệp nhất chính bản thân mình một cách nào đó với toàn
thể nhân loại được Người cứu độ, nhờ đó sửa soạn cho ‘lễ cưới của Con Chiên’
(Rev 19:7, 9; x hiến chế Gaudium et Spes, 22)”. (số 1612)
• “Mở màn cho cuộc sống công khai của mình, Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên
tại một bữa tiệc cưới theo lời yêu cầu của Mẹ mình (x Jn 2:1-11). Giáo Hội đã
gán cho việc Chúa Giêsu hiện diện ở tiệc cưới Cana một tầm mức hết sức quan
trọng. Giáo Hội thấy đó là việc xác nhận tính cách thiện hảo của hôn nhân và đó
cũng là việc cho thấy hôn nhân trở thành một dấu hiệu thực sự của việc Chúa Kitô
hiện diện”. (số 1613)
• “... Khi đến để phục hồi lại trật tự nguyên thủy của tạo vật đã bị tội lỗi làm
lũng đoạn, chính Chúa Kitô ban sức mạnh và ân sủng để sống hôn nhân theo một
chiều kích mới mẻ của Triều Đại Thiên Chúa. Chính nhờ theo gương Chúa Kitô,
trong việc từ bỏ chính mình và vác thập giá mình, mà vợ chồng mới có thể ‘hưởng
được’ ý nghĩa nguyên thủy của hôn nhân và sống ý nghĩa này theo ơn trợ giúp của
Chúa Kitô (x Mt 19:11). Ơn sống hôn nhân Kitô giáo này là hoa trái của thập giá
Chúa Kitô, nguồn mạch của tất cả đời sống Kitô hữu”. (số 1615)
• “Đó là những gì Thánh Tông Đồ Phaolô đã làm sáng tỏ khi ngài viết: ‘Hỡi các
người chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội và
hiến mình cho Giáo Hội, để Người có thể thánh hóa Giáo Hội’, liền đó ngài thêm:
‘Vì lý do này người nam lìa bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ và cả hai sẽ nên một.
Đây là một mầu nhiệm cao cả mà theo tôi có liên quan đến Chúa Kitô và Giáo Hội”.
(số 1616)
• “Toàn thể đời sống Kitô hữu đều mang dấu vết yêu thương phu thê giữa Chúa Kitô
và Giáo Hội. Ngay nơi Phép Rửa, cửa ngỏ gia nhập Dân Chúa, đã là một mầu nhiệm
phu thê rồi; nói được rằng nó là bể tắm phu thê diễn tiến trước tiệc cưới Thánh
Thể. Về phần mình, hôn nhân Kitô giáo trở thành một dấu hiệu thực sự, một bí
tích của giao ước giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Vì biểu hiệu và thông ban ân sủng
mà hôn nhân giữa các người đã được rửa tội thực sự là một bí tích của Tân Ước (x
DS 1800; Giáo Luật khoản 1055.2)”. (số 1617)
2. BÍ TÍCH HÔN NHÂN ĐƯỢC CỬ HÀNH RA SAO VÀ CÓ NHỮNG
CÔNG HIỆU NÀO?
Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, bí tích Hôn Nhân thường được cử hành trong
Thánh Lễ (x GL số 1621) và đôi tân hôn chẳng những phải tham dự khóa dự bị hôn
nhân (GL số 1632) mà còn phải được dọn lòng xứng đáng bằng bí tích Hòa Giải (x
GL số 1622), vì đôi tân hôn, theo Giáo Hội Latinh, chính là thừa tác viên ban bí
tích Hôn Nhân cho nhau qua việc họ nói lên lòng ưng thuận lấy nhau trước sự
chứng kiến của Giáo Hội (x GL số 1623). Bởi thế, để bí tích Hôn Nhân thành hiệu,
việc đôi tân hôn tỏ lòng ưng thuận lấy nhau là “yếu tố không thể thiếu để làm
nên hôn nhân” (GL số 1626), vì nó liên quan đến tính cách bất khả phân ly của
giao ước hôn nhân, một giao ước được sống động, tồn tại và kiện toàn bởi ơn bí
tích Hôn Nhân.
Việc đôi tân hôn tỏ lòng ưng thuận lấy nhau:
• “’Tự do’ nghĩa là không bị ép buộc; không bị ngăn trở bởi bất cứ luật tự nhiên
hay luật giáo hội nào” (số 1625). “Việc đôàng ý lấy nhau hệ tại ‘tác động con
người được đôi bạn tỏ ra muốn hiến thân cho nhau’, ở chỗ, ‘Anh nhận em làm vợ’ –
‘Em nhận anh làm chồng’ (Hiến Chế Gaudium et Spes 48.1; Nghi Thức Hôn Phối 45; x
Giáo Luật khoản 1057.2). Việc đồng ý lấy nhau liên kết đôi phối ngẫu lại với
nhau này được nên trọn nơi việc hai người ‘trở nên một xác thịt’ (Gen 2:24; x Mk
10:8; Eph 5:31)” (số 1627). “Việc ưng thuận lấy nhau phải là một tác động của ý
muốn nơi mỗi người kết hôn, không bị áp lực hay lo sợ trầm trọng bề ngoài chi
phối (x Giáo Luật khoản 1103). Không một quyền lực nhân loại nào có thể thay thế
cho việc ưng thuận lấy nhau này (x Giáo Luật khoản 1057.1). Nếu không có tự do
thì hôn nhân bất thành”. (số 1628).
• “Linh mục (hay phó tế), vị giúp vào việc cử hành hôn nhân, nhân danh Giáo Hội
thừa nhận việc ưng thuận lấy nhau của đôi phối ngẫu và ban phép lành của Giáo
Hội cho họ. Việc hiện diện của vị thừa tác viên Giáo Hội (cũng như của các người
làm chứng) nói lên một cách tỏ tường sự kiện hôn nhân là một thực tại của Giáo
Hội” (số 1630). “Đó là lý do tại sao Giáo Hội thường buộc tín hữu thành hôn theo
thể thức của Giáo Hội...” (số 1631).
• “Theo qui luật hiện hành của Giáo Hội Latinh, để hợp lệ, một cuộc hôn nhân hỗn
hợp cần phải được phép rõ ràng của thẩm quyền giáo hội (x Giáo Luật khoản 1124).
Trong trường hợp bất đồng về đạo giáo cần phải được chuẩn chước rõ ràng cho khỏi
ngăn trở này để hôn nhân được hiệu thành (Giáo Luật khoản 1086). Việc cho phép
và chuẩn chước này đòi cả hai bên kết hôn với nhau phải thừa nhận và không được
loại trừ các mục đích chính yếu và đặc tính của hôn nhân, cùng với những bó buộc
cần có nơi thành phần Công Giáo liên quan đến việc rửa tội và giáo dục con cái
theo Giáo Hội Công Giáo (Giáo Luật khoản 1125)”. (số 1635)
Tính cách bất khả phân ly của giao ước hôn nhân:
• “’Một cuộc hôn nhân hiệu thành làm phát sinh mối ràng buộc giữa đôi phối ngẫu,
một mối ràng buộc vĩnh viễn và dứt khoát theo bản chất của nó; hơn nữa, nơi hôn
nhân Kitô giáo, đôi phối ngẫu còn được kiên cường và thực sự được thánh hiến để
thi hành những nhiệm vụ và phẩm vị của bậc mình bằng một bí tích đặc biệt nữa’
(x Giáo Luật khoản 1134)”. (số 1638)
• “Việc đôi tân hôn tỏ ra ưng thuận hiến thân cho nhau và chấp nhận lẫn nhau
được chính Thiên Chúa đóng ấn (x Mk 10:9). Giao ước của họ đã tạo nên ‘một cơ
cấu, được xác nhận bởi lề luật thần linh, ... ngay cả bởi xã hội nữa’ (Hiến Chế
Gaudium et Spes, 48.1). Giao ước giữa hai người phối ngẫu được hòa hợp với giao
ước giữa Thiên Chúa và con người: ‘Tình yêu hôn nhân chân chính được đưa đến
tình yêu thần linh’ (cùng hiến chế vừa dẫn, 48.2)”. (số 1639)
• “Như thế, mối ràng buộc hôn nhân đã được chính Thiên Chúa thiết lập, đến nỗi,
một cuộc hôn nhân đã hoàn tất và kết thúc giữa hai người lãnh nhận phép rửa
không bao giờ có thể bị tiêu hủy. Mối ràng buộc do tác động tự do của con người
phối ngẫu cũng như bởi việc hôn nhân thành tựu của họ này là một thực tại nên
không thể vãn hồi, đồng thời cũng làm phát sinh một giao ước được bảo đảm bởi
lòng trung thành của Thiên Chúa. Giáo Hội không có quyền gì trong việc đi ngược
lại với việc sắp xếp của đức khôn ngoan thần linh này (x Giáo Luật khoản 1141)”.
(số 1640)
• “’Vì hoàn cảnh sống và bậc sống của mình, (vợ chồng Kitô hữu) nhận được những
tặng ân riêng biệt nơi Dân Chúa’ (Hiến Chế Lumen Gentium, 11.2). Ân sủng xứng
hợp với bí tích Hôn Nhân này là để kiện toàn tình yêu phu thê và kiên cường sự
hiệp nhất bất khả đứt đoạn của họ. Nhờ ân sủng ấy, họ ‘giúp nhau đạt tới sự
thánh thiện trong đời sống hôn nhân cũng như trong việc đón nhận và giáo dục con
cái của mình’ (Hiến Chế Lumen Gentium, 11.2, x cùng hiến chế khoản 41)”. (số
1641)
TÓM LẠI:
Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cho thấy hôn nhân theo ý định của Thiên Chúa được thể
hiện nơi việc tạo thành (GL số 1603-1605), rồi bị ảnh hưởng của tội lỗi (GL số
1606-1607), sau đó chịu chi phối bởi lề luật Cựu Ước (GL số 1610-1611), sau hết
được kiện toàn trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội (GL số 1612-1613,
1615-1617). Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, bí tích Hôn Nhân thường được cử
hành trong Thánh Lễ (x GL số 1621) và đôi tân hôn chẳng những phải tham dự khóa
dự bị hôn nhân (x GL số 1632) mà còn phải được dọn lòng xứng đáng bằng bí tích
Hòa Giải (x GL số 1622), vì đôi tân hôn, theo Giáo Hội Latinh, chính là thừa tác
viên ban bí tích Hôn Nhân cho nhau qua việc họ nói lên lòng ưng thuận lấy nhau
trước sự chứng kiến của Giáo Hội (x GL số 1623). Bởi thế, để bí tích Hôn Nhân
thành hiệu, việc đôi tân hôn tỏ lòng ưng thuận lấy nhau (x GL số 1625,
1627-1628) là “yếu tố không thể thiếu để làm nên hôn nhân” (x GL số 1626), vì nó
liên quan đến tính cách bất khả phân ly của giao ước hôn nhân (x GL số
1638-1640), một giao ước được sống động, tồn tại và kiện toàn bởi ơn bí tích Hôn
Nhân (x GL số 1641).
THÂM TÍN SỐNG ĐẠO
1. “’Tình yêu phu thê bao gồm tất cả toàn thể yếu tố làm nên con người, cần đến
cả xác thân và bản năng, khả năng cảm nhận và tình tứ, khát vọng tâm linh và ý
muốn. Nó nhắm đến mối hiệp nhất sâu xa của bản vị, một mối hiệp nhất vượt trên
cả mối hiệp nhất làm nên một xác thịt để tiến đến việc làm nên một tâm trí và
một linh hồn; nó đòi phải có tính cách bất khả phân ly và cần đến lòng trung
thành dứt khoát hiến thân cho nhau; và nó hướng về việc sinh sản…’(Tông Huấn
Familiaris Consortio về Gia Đình, 13)”. (số 1643)
2. “Tự bản chất của mình, tình yêu phu thê đòi phải có lòng trung thành triệt để
của hai vợ chồng. Đây là kết quả của việc họ trao tặng bản thân mình cho nhau.
Tình yêu cần phải dứt khoát; nó không thể nào lại là một cuộc sắp xếp ‘cho tới
khi báo lại’. Việc ‘hiệp nhất thân tình của hôn nhân, ở chỗ hai người trao ban
cho nhau cũng như ở lợi ích của con cái, đòi hai vợ chồng phải hoàn toàn trung
thành và liên lỉ hiệp nhất với nhau’ (Hiến Chế Gaudium et Spes, 48.1)” (số
1646). “Lý do sâu xa nhất của vấn đề này được tìm thấy nơi lòng trung thành của
Thiên Chúa đối với những gì Ngài giao ước cũng như nơi lòng trung thành của Chúa
Kitô đối với Giáo Hội Người. Bởi bí tích Hôn Phối, hai vợ chồng được trở nên
biểu hiệu cho lòng trung thành này và làm chứng nhân cho lòng trung thành ấy.
Nhờ bí tích này, việc bất hóa giải của hôn nhân có một ý nghĩa mới mẻ và sâu xa
hơn” (số 1647).
3. “Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vì lý do nào đó, thực tế cho thấy vợ
chồng không thể nào sống chung với nhau được. Trong những trường hợp như vậy,
Giáo Hội cho phép vợ chồng ly thân với nhau và sống riêng rẽ. Đôi phối ngẫu vẫn
không thôi là vợ chồng trước nhan Thiên Chúa và vì thế không được tự do tiến đến
việc thành hôn khác. Trong hoàn cảnh khó khăn này, nếu có thể thì việc giải
quyết hay nhất đó là làm hòa với nhau…” (số 1649)
4. “Ngày nay có đông người Công Giáo ở
nhiều xứ sở đem nhau ra tòa đời ly dị và lập hôn ước mới. Trung thành với những
lời của Chúa Kitô – ‘Ai ly dị vợ mình mà kết hôn với người khác thì đối với vợ
là phạm tội ngoại tình; và nếu vợ ly dị chồng mình mà cưới người khác cũng phạm
tội ngoại tình’ (Mk 10:11-12) - Giáo Hội xác nhận là hôn ước mới không thành
hiệu nếu cuộc hôn nhân đầu vẫn còn hiệu lực. Trường hợp người ly dị tái hôn theo
tòa đời là họ, theo khách quan, ở trong tình trạng đi ngược lại với lề luật của
Thiên Chúa. Do đó, họ không được Rước Lễ bao lâu còn ở trong tình trạng này. Vì
vài lý do, họ không được thi hành một số phần nhiệm của giáo hội. Việc hòa giải
nơi bí tích Thống Hối chỉ ban cho những ai hối lỗi vì đã vi phạm đến dấu hiệu
của giao ước cũng như của lòng trung thành đối với Chúa Kitô, và những ai dứt
khoát sống hoàn toàn tự chế”. (số 1650)
5. “Tự bản chất của mình, cơ cấu của hôn nhân cũng như của tình yêu hôn nhân
hướng về việc truyền sinh cùng việc giáo dục con cái, và chính ở nơi những việc
này mà cơ cấu ấy được rạng ngời vinh quang’ (Hiến Chế Gaudium et Spes 48.1, 50)”
(số 1652). “Hoa trái của tình yêu phu thê bao gồm cả hoa trái của đời sống luân
lý, tâm linh và siêu nhiên được cha mẹ truyền đạt lại cho con cái của mình bằng
việc giáo dục. Cha mẹ là những nhà giáo dục chính yếu và đầu tiên của con cái
mình (x Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo, 3). Theo ý hướng này thì công việc căn
bản của hôn nhân và gia đình là để phục vụ cho sự sống (x Tông Huấn Familiaris
Consortio, 28)” (số 1653)
6. “Trong thời đại của chúng ta đây, ở một thế giới thường xa lạ, thậm chí thù
nghịch với đức tin, thì những gia đình tín hữu giữ một vai trò quan trọng cần
thiết như là những trung tâm sống đức tin rạng ngời. Vì lý do này, bằng việc sử
dụng cách diễn đạt xưa kia, Công Đồng Chung Vaticanô II đã gọi gia đình là Giáo
Hội tại gia (Hiến Chế Lumen Gentium, 11; x Tông Huấn Familiaris Consortio, 21).
Cha mẹ ở giữa gia đình là ‘những vị đầu tiên rao giảng tin mừng đức tin cho con
cái mình bằng lời nói cũng như bằng gương sáng. Họ phải khích lệ chúng theo ơn
gọi xứng hợp với mỗi một đứa con, nhất là đặc biệt nâng đỡ ơn kêu gọi tu trì’
(Hiến Chế Lumen Gentium, 11)” (số 1656).
7. “Chính ở nơi đây mà người cha trong gia đình, người mẹ, con cái và tất cả mọi
phần tử của gia đình thi hành thiên chức tư tế của một người đã lãnh nhận phép
rửa một cách đặc biệt, ‘bằng việc lãnh nhận các bí tích, nguyện cầu và tạ ơn,
bằng chứng từ của một đời sống thánh thiện, cũng như bằng việc bỏ mình và hoạt
động bác ái’ (Hiến Chế Lumen Gentium, 10). Như thế, gia đình là học đường đầu
tiên của đời sống Kitô Giáo và là ‘một học đường thăng tiến nhân bản‘ (Hiến Chế
Gaudium et Spes, 52.1). Ỏ nơi đây, người ta học biết chịu đựng và vui thích làm
việc, yêu thương huynh đệ, quảng đại thứ tha cho dù có phải lập đi lập lại nhiều
lần, nhất là học biết tất cả những gì tôn thờ thần linh qua việc cầu nguyện và
hiến dâng cuộc sống của mình” (số 1657).
Trắc Nghiệm
Xin đọc bài Giáo Lý lược tóm tổng ôn dưới đây, rồi dùng các chữ ở cuối trang để
điền vào những chỗ gạch trống các câu Sách Giáo Lý vừa học hỏi cho đúng nguyên
văn ý nghĩa của nó. Trong vòng 10 phút.
Qua bài Giáo Lý 27 về Bí Tích Hôn Phối, Giáo Hội Công Giáo đã cho con cái của
mình thấy những điểm chính sau đây: Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cho thấy hôn nhân
theo ý định của Thiên Chúa được thể hiện nơi việc tạo thành (GL số 1603-1605),
rồi bị ảnh hưởng của tội lỗi (GL số 1606-1607), sau đó chịu chi phối bởi lề luật
Cựu Ước (GL số 1610-1611), sau hết được kiện toàn trong mầu nhiệm Chúa Kitô và
Giáo Hội (GL số 1612-1613, 1615-1617). Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, bí tích
Hôn Nhân thường được cử hành trong Thánh Lễ (x GL số 1621) và đôi tân hôn chẳng
những phải tham dự khóa dự bị hôn nhân (x GL số 1632) mà còn phải được dọn lòng
xứng đáng bằng bí tích Hòa Giải (x GL số 1622), vì đôi tân hôn, theo Giáo Hội
Latinh, chính là thừa tác viên ban bí tích Hôn Nhân cho nhau qua việc họ nói lên
lòng ưng thuận lấy nhau trước sự chứng kiến của Giáo Hội (x GL số 1623). Bởi thế,
để bí tích Hôn Nhân thành hiệu, việc đôi tân hôn tỏ lòng ưng thuận lấy nhau (x
GL số 1625, 1627-1628) là “yếu tố không thể thiếu để làm nên hôn nhân” (x GL số
1626), vì nó liên quan đến tính cách bất khả phân ly của giao ước hôn nhân (x GL
số 1638-1640), một giao ước được sống động, tồn tại và kiện toàn bởi ơn bí tích
Hôn Nhân (x GL số 1641).
1. “... Ơn gọi hôn nhân được viết lên ở nơi chính __________ của con người nam
nữ khi họ xuất hiện từ bàn tay của Đấng Tạo Thành. Hôn nhân không phải là một cơ
cấu thuần __________... Mặc dù giá trị của cơ cấu này không được sáng tỏ như
nhau ở mọi nơi mọi chốn, ý nghĩa về tính cách cao cả của mối hiệp nhất hôn nhân
vẫn được thấy hiện diện nơi tất cả mọi _____________...”. (số 1603)
2. “Thiên Chúa, Đấng đã vì yêu thương dựng nên con người cũng kêu gọi họ
___________ – một _________ căn bản và bẩm sinh của hết mọi người. Vì con người
được dựng nên theo hình ảnh và tương tự Thiên Chúa là chính tình yêu. Bởi Thiên
Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ, tình họ yêu thương nhau trở nên
__________ của tình yêu tuyệt đối tín trung Thiên Chúa đã yêu thương con người...
Tình yêu được Thiên Chúa chúc phúc này là để _______________ và thể hiện trong
công cuộc trông coi thiên nhiên tạo vật”.(số 1604)
3. “Vì tách khỏi Thiên Chúa, nguyên tội đã gây ra hậu quả trước tiên là cảnh đổ
vỡ nơi mối ___________________ giữa người nam và người nữ. Những liên hệ của họ
bị méo mó bởi những gì họ _________ lẫn nhau; tính chất hấp dẫn nhau, tặng ân
riêng được Tạo Hóa ban cho, bị biến thành mối liên hệ ___________ và nhục dục;
và ơn gọi tuyệt vời của con người nam nữ trong việc _____________ và làm chủ
trái đất bị đè nén bởi cảnh ______________ và làm việc khổ cực”. (số 1607)
4. “Toàn thể đời sống Kitô hữu đều mang dấu vết yêu thương phu thê giữa Chúa
Kitô và Giáo Hội. Ngay nơi Phép Rửa, cửa ngỏ gia nhập Dân Chúa, đã là một mầu
nhiệm __________ rồi; nói được rằng nó là bể tắm phu thê diễn tiến trước tiệc
cưới Thánh Thể. Về phần mình, hôn nhân Kitô giáo trở thành một dấu hiệu thực sự,
một bí tích của giao ước giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Vì biểu hiệu và thông ban
ân sủng mà hôn nhân giữa các người đã được rửa tội thực sự là một ___________
của Tân Ước”. (số 1617)
5. “Như thế, mối ràng buộc hôn nhân đã được chính Thiên Chúa thiết lập, đến nỗi,
một cuộc hôn nhân đã hoàn tất và kết thúc giữa hai người lãnh nhận phép rửa
không bao giờ có thể bị __________. Mối ràng buộc do tác động tự do của con
người phối ngẫu cũng như bởi việc hôn nhân thành tựu của họ này là một thực tại
nên không thể __________, đồng thời cũng làm phát sinh một giao ước được bảo đảm
bởi lòng trung thành của Thiên Chúa. Giáo Hội không có quyền gì trong việc
____________ với việc sắp xếp của đức khôn ngoan thần linh này”. (số 1640)
(đi ngược lại, bản tính, nhân loại, vãn hồi, tiêu hủy, nền văn hóa, yêu thương,
bí tích, phu thê, ơn gọi, hình ảnh, mang nặng đẻ đau, sinh sôi nẩy nở, sinh hoa
kết trái, hiệp thông nguyên thủy, chiếm đoạt, cáo buộc)