Bài Giáo Lý số 1

LỜI MỞ ĐẦU
SÁCH GIÁO LÝ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
(các số 1-25)
 


CẢM NGHIỆM NHÂN SINH

Muốn hay không, con người cũng đã được sinh vào trần gian, và dù tránh thế nào đi nữa, con người chắc chắn cũng sẽ qua đi như mọi sinh vật hiện hữu trong trời đất, theo định luật khắc nghiệt của một thụ tạo có sinh có tử. Cuộc sống con người ngắn ngủi mà lại gặp nhiều thương đau hơn hạnh phúc, kể cả trong hạnh phúc cũng đầy những đau thương và phải trả bằng một giá rất thương đau. Bởi thế, con người vẫn thường tự hỏi mình sống trên thế gian này để làm gì? Và đâu là ý nghĩa của cuộc sống làm người?? Làm sao để đạt tới hạnh phúc tuyệt hảo và trường sinh???

Con người cảm thấy mình như đang sống thân phận lưu đầy, nên đã vận dụng mọi cách để vượt thoát. Lịch sử nhân loại đã chứng thực điều này. Ngoài những con đường triết lý cận đại và hiện đại, như Hiện Sinh chủ nghĩa, chỉ tìm thỏa mãn nhất thời, kẻo chết là hết, hay Duy Vật chủ nghĩa, chỉ biết có vật chất lợi lộc trước mắt, từ xa xưa, con người cũng đã tìm được những con đường cứu độ, như con đường cứu độ diệt dục của Phật Giáo ở Ấn Độ, hay con đường cứu độ vô vi của Lão Giáo ở Trung Hoa. Vậy, con đường cứu độ của Kitô Giáo là gì? Để giải đáp cho vấn nạn này, chúng ta hãy tìm hiểu những vấn đề sau đây theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo:

1. Mục đích Thiên Chúa đã dựng nên con người sống ở trên đời này là để làm gì? Thế nhưng, làm sao con người có thể biết được ý định của Thiên Chúa muốn gì trong việc dựng nên mình ở trên đời này?

2. Những người không sống cùng thời với Chúa Kitô làm sao biết được Người đã mạc khải cho con người biết r ý định của Thiên Chúa trong việc dựng nên con người ở trên đời này?

3. Tự bản chất, Tin Mừng được Giáo Hội rao giảng cho thế giới đến tận cùng trái đất là gì và được biểu lộ ra sao?

4. Về hình thức, Tin Mừng được Giáo Hội rao giảng cho thế giới đến tận cùng trái đất là gì và để làm gì?

5. Về nội dung, Tin Mừng được Giáo Hội rao giảng gồm có những gì hay được cấu tạo ra sao?


KIẾN THỨC ĐỨC TIN

1- MỤC ĐÍCH THIÊN CHÚA ĐÃ DỰNG NÊN CON NGƯỜI SỐNG Ở TRÊN ĐỜI NÀY LÀ ĐỂ LÀM GÌ?

Kitô Giáo là một đạo mạc khải (revelation) chứ không phải đạo thụ khải (enlightenment). Nghĩa là, tất cả những gì Kitô hữu tin tưởng và tuân giữ đều bởi trời mà có, tức do trời mạc khải cho biết chứ không phải bởi con người nghĩ ra, hay bởi vị giáo tổ được ơn linh ứng đặc biệt. Mạc khải của Kitô Giáo tuy được bắt nguồn từ mạc khải của Do Thái Giáo, song được kết thúc nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng là tất cả mạc khải của Thiên Chúa, tức là tất cả những gì Thiên Chúa muốn tỏ ra cho chung loài người, (chứ không riêng gì dân Do Thái), biết Ngài là ai và biết Ngài muốn gì. Thật thế, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo thì:

 “Thiên Chúa, Đấng tự mình vô cùng thiện hảo và vinh phúc, theo ý định hoàn toàn tốt lành của mình, đã tự ý dựng nên con người để cho họ được dự phần vào sự sống vinh phúc của Ngài. Bởi thế, qua mọi thời và ở mọi nơi, Thiên Chúa vẫn gần gũi với con người. Ngài kêu gọi họ hãy hết sức tìm kiếm Ngài, nhận biết Ngài, yêu mến Ngài. Ngài kêu gọi tất cả mọi người đã bị tội lỗi làm phân tán và chia cách qui tụ lại với nhau làm nên một gia đình của Ngài là Giáo Hội”. (số 1)


2. THẾ NHƯNG, LÀM SAO CON NGƯỜI CÓ THỂ BIẾT ĐƯỢC Ý ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA MUỐN GÌ TRONG VIỆC DỰNG NÊN MÌNH Ở TRÊN ĐỜI NÀY?

Đó là do Chúa Giêsu Kitô, Lời Nhập Thể, đã mạc khải ý định này cho chúng ta.
Bằng lời nói, Chúa Kitô đã phán: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến ban Con một mình, để ai tin Con sẽ không phải chết, song được sự sống đời đời. Thiên Chúa không sai Con Ngài xuống thế gian để luận phạt thế gian, song để thế gian nhờ Người mà được cứu độ” (John 3:16-17), hay “Tôi đến cho chiên được sự sống và được sự sống dồi dào” (John 10:10).
Để chứng thực những gì mình nói, bằng việc làm, Chúa Kitô đã “tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý” (John 17:19), tức đã “đến để phục vụ, để hiến mình làm giá chuộc nhiều người” (Mathêu 20:28), qua cuộc tử giá và phục sinh Vượt Qua của Người. Thánh Phaolô, Vị Tông Đồ Dân Ngoại, đã thâm tín được trọng tâm của Mạc Khải Thần Linh này và đã chia sẻ Chân Lý Cứu Rỗi này với giáo đoàn Galata: “Đến thời gian ấn định, Thiên Chúa đã sai Con mình sinh ra bởi một ngươêi nữ, sinh ra theo lề luật để cứu những ai bị lụy thuộc lề luật, hầu cho chúng ta được hưởng thân phận trở thành những đứa con được thừa nhận” (Galata 4:4-5). Bởi thế, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã xác tín rằng:
 “Để thực hiện ý định này, vào lúc thời gian viên trọn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài là Vị Cứu Chuộc và là Đấng Cứu Thế đến. Nơi Con mình và nhờ Con của mình, Thiên Chúa mời gọi con người trở nên những đứa con được Ngài thừa nhận trong Thánh Thần, nhờ đó họ thành người thừa hưởng sự sống vinh phúc của Ngài”. (số 1)


3. NHỮNG NGƯỜI KHÔNG SỐNG CÙNG THỜI VỚI CHÚA KITÔ LÀM SAO BIẾT ĐƯỢC NGƯỜI ĐÃ MẠC KHẢI CHO CON NGƯỜI BIẾT R Ý ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA TRONG VIỆC DỰNG NÊN CON NGƯỜI Ở TRÊN ĐỜI NÀY?

Như thế, nội dung và trọng tâm của Tin Mừng Cứu Độ chính là dự án “Thiên Chúa mời gọi con người trở nên những đứa con thừa nhận của Ngài trong Thánh Thần, nhờ đó họ thành kẻ thừa hưởng sự sống vinh phúc của Ngài”. Lời Thiên Chúa mời gọi hay Tin Mừng Cứu Độ này chính là câu giải đáp thiết yếu cho vấn nạn con người hằng khắc khoải tìm kiếm về ý nghĩa đích thực, cũng như về mục đích tối hậu của cuộc sống làm người trên trần gian. Chính tầm quan trọng và khẩn thiết của lời Thiên Chúa mời gọi liên quan đến phần rỗi đời đời cho con người như thế mới cần đến việc không ngừng loan báo Tin Mừng Cứu Độ này, như một giải pháp cứu độ không thể bỏ qua.

 “Để tiếng gọi này vang vọng khắp thế giới, Chúa Kitô đã sai các tông đồ được Người tuyển chọn đi, khi ủy thác cho họ việc loan báo phúc âm”. (số 2)

 “Những ai, nhờ ơn Chúa, đã đón nhận lời mời gọi của Chúa Kitô và tự do đáp ứng lời mời gọi này, cũng được tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy thực hiện việc loan báo Tin Mừng khắp nơi trên thế giới... từ đời nọ đến đời kia, bằng việc tuyên xưng đức tin, bằng việc sống đức tin trong tình huynh đệ chia sẻ, và bằng việc cử hành đức tin trong phụng vụ cũng như trong nguyện cầu”. (số 3)


4. TỰ BẢN CHẤT, TIN MỪNG ĐƯỢC GIÁO HỘI RAO GIẢNG CHO THẾ GIỚI ĐẾN TẬN CÙNG TRÁI ĐẤT LÀ GÌ VÀ ĐƯỢC BIỂU LỘ RA SAO?

Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đó là chính đức tin tông truyền của Giáo Hội, được tín hữu Chúa Kitô truyền đạt, bằng việc họ biểu lộ đức tin của mình qua giòng thời gian cho đến tận cùng trái đất.

 “Kho tàng từ các Tông Đồ truyền lại này được các vị thừa kế trung thành canh giữ. Tất cả mọi tín hữu của Chúa Kitô đều được kêu gọi để truyền kho tàng này lại từ đời nọ đến đời kia, bằng việc tuyên xưng đức tin, bằng việc sống đức tin với tình huynh đệ chia sẻ, và bằng việc cử hành đức tin trong phụng vụ và nguyện cầu”. (số 3)


5. VỀ HÌNH THỨC, TIN MỪNG ĐƯỢC GIÁO HỘI RAO GIẢNG CHO THẾ GIỚI ĐẾN TẬN CÙNG TRÁI ĐẤT LÀ GÌ VÀ ĐỂ LÀM GÌ?

Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo thì đó là toàn bộ giáo thuyết về tín lý của Giáo Hội, được trình bày một cách thứ tự và mạch lạc, với tên gọi là giáo lý, để dạy cho thành phần dự tòng, tân tòng và cựu tòng, ở đủ mọi lứa tuổi, trong việc giúp họ nhận biết chân lý đức tin và sống trọn cuộc sống Kitô hữu.
ở “Danh xưng giáo lý nói lên tất cả nỗ lực của Giáo Hội trong việc tuyển mộ môn đồ, trong việc giúp con người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, để nhờ tin tưởng họ được sự sống bởi danh Người, cũng như trong việc giảng dạy và hướng dẫn họ về sự sống này, để nhờ đó làm cho thân thể Chúa Kitô được phát triển”. (số 4)

 “Dạy giáo lý là việc hướng dẫn đức tin cho trẻ em, cho giới trẻ và cho người lớn, một việc hướng dẫn đặc biệt bao gồm giáo huấn của tín lý Kitô Giáo là những gì, nói chung, được truyền đạt một cách chặt chẽ và mạch lạc với nhau, để mở đường cho họ tiến tới đời sống Kitô Giáo toàn vẹn”. (số 5)

 “Cuốn giáo lý này nhắm đến việc trình bày tổng hợp toàn bộ những gì chính yếu và căn bản được chứa đựng trong giáo huấn Công Giáo, liên quan đến đức tin và luân lý, theo ánh sáng Công Đồng Chung Vaticanô II (phụ chú riêng của người biên soạn: Công Đồng này được khai mạc ngày 11-10-1962 và kết thúc ngày 8-12-1965, với 16 văn kiện: 4 Hiến Chế, 9 Sắc Lệnh và 3 Tuyên Ngôn), cũng như theo toàn thể Truyền Thống của Giáo Hội. Những nguồn mạch chính yếu của cuốn sách giáo lý này là các Sách Thánh Kinh, các Vị Giáo Phụ của Hội Thánh (phụ chú: tức là các tác giả được Giáo Hội công nhận là các chứng nhân đức tin đặc biệt, kể từ sau thời các Tông Đồ cho tới thế kỷ thứ 8), phụng vụ và Huấn Quyền của Giáo Hội. (số 11).


6- VỀ NỘI DUNG, TIN MỪNG ĐƯỢC GIÁO HỘI RAO GIẢNG GỒM CÓ NHỮNG GÌ HAY ĐƯỢC CẤU TẠO RA SAO?

Nội dung của Cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo được kết cấu với những yếu tố cấu tạo như sau:

1. Cuốn giáo lý này, (xem số 13), dựa theo truyền thống giáo lý đã có từ lâu đời, cũng đặt nền tảng trên bốn cột trụ chính, đó là Kinh Tin Kính (phần một), Bảy Bí Tích (phần hai), Mười Giới Răn (phần ba) và Kinh Chúa Dạy (phần bốn).

2. Trong phần thứ nhất về việc tuyên xưng đức tin, (xem số 14), cuốn giáo lý trình bày cho thấy: (tiết 1) việc Thiên Chúa Mạc Khải và việc con người Tin Tưởng đáp ứng; (tiết 2) các tặng ân loài người nhận được từ Thiên Chúa là Cha, Đấng Tạo Thành, và Con, Đấng Cứu Thế, và Thánh Thần, Đấng Thánh Hóa.

3. Trong phần thứ hai về các bí tích đức tin, (xem số 15), cuốn giáo lý cắt nghĩa cho biết: (tiết 1) ơn cứu độ của Thiên Chúa vẫn sống động nơi các tác động phụng vụ thánh của Giáo Hội; (tiết 2) nhất là nơi bảy bí tích.

4. Trong phần thứ ba về đời sống đức tin, (xem số 16), cuốn giáo lý bàn đến những cách để đạt đến cùng đích hạnh phúc chân thực của con người: (tiết 1) bằng tác động luân lý theo luật Chúa và ơn Chúa; (tiết 2) bằng việc chu toàn giới răn đức ái lưỡng diện được liệt kê trong Mười Điều Răn.

5. Trong phần thứ bốn về việc cầu nguyện trong đời sống đức tin, (xem số 17), cuốn giáo lý: (tiết 1) bàn đến ý nghĩa và tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong đời sống người tín hữu; (tiết 2) dẫn giải về bảy ý nguyện trong Kinh Chúa Dạy.


TÓM LẠI:

Thiên Chúa đã dựng nên con người với mục đích duy nhất là để con người được thông phần vào Sự Sống Vinh Phúc của Ngài (xem SGL số 1), nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Ngài, Đấng đã tỏ cho chúng ta biết ý định mầu nhiệm của Cha (xem SGL số 1), cũng như đã sai các Tông Đồ (xem SGL số 2) và tất cả những ai theo Người (xem SGL số 3) đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ đến tận cùng trái đất, chẳng những bằng việc họ biểu lộ niềm tin của mình (xem SGL số 3), mà còn bằng việc họ giảng dạy giáo lý nữa (xem SGL số 4, 5, 11, 13).


THÂM TÍN SỐNG ĐẠO

1. “Thiên Chúa, Đấng tự mình vô cùng thiện hảo và vinh phúc, theo ý định hoàn toàn tốt lành của mình, đã tự ý dựng nên con người cho họ được dự phần vào sự sống vinh phúc của Ngài” (số 1). Chính vì Thiên Chúa vừa là nguồn gốc vừa là cùng đích của mình như thế mà con người sẽ không thể nào tìm đâu ra hạnh phúc chân thực và vĩnh cửu ngoài một mình Thiên Chúa.

2. Thiên Chúa cũng đã tỏ cho con người biết ơn gọi vô cùng trọng đại và cao qúi này của họ qua Mạc Khải Thần Linh, nhất là nơi Đức Giêsu Kitô, Con Ngài, tột đỉnh của tất cả những gì Ngài muốn tỏ ra. Bởi thế, con người sẽ không thể nào đạt đến cùng đích của mình là Thiên Chúa, nếu không qua Con Đường Cứu Độ là Chúa Kitô (xem Jn.16:4), Đấng đã sai Giáo Hội đi khắp nơi để rao giảng về Người là chính Đấng Cứu Độ và như một Tin Mừng Cứu Độ cho muôn dân.

Trắc Nghiệm


Xin đọc bài Giáo Lý lược tóm để tổng ôn dưới đây, rồi dùng các chữ ở cuối trang để điền vào những chỗ gạch trống những Lời Mở Đầu Sách Giáo Lý cho đúng với nguyên văn ý nghĩa. Trong vòng 10 phút.

Qua bài Giáo Lý 1 về Lời Mở Đầu Sách Giáo Lý (sẽ được viết tắt là SGL), Giáo Hội Công Giáo đã cho con cái của mình thấy những điểm chính yếu sau đây: Thiên Chúa đã dựng nên con người với mục đích duy nhất là để con người được thông phần vào Sự Sống Vinh Phúc của Ngài (xem SGL số 1), nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Ngài, Đấng đã tỏ cho chúng ta biết ý định mầu nhiệm của Cha (xem SGL số 1), cũng như đã sai các Tông Đồ (xem SGL số 2) và tất cả những ai theo Người (xem SGL số 3) đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ đến tận cùng trái đất, chẳng những bằng việc họ biểu lộ niềm tin của mình (xem SGL số 3), mà còn bằng việc họ giảng dạy giáo lý nữa (xem SGL số 4, 5, 11, 13).

1. Thiên Chúa, Đấng tự mình vô cùng thiện hảo và vinh phúc, theo ý định hoàn toàn tốt lành của mình, đã tự ý dựng nên con người cho họ được dự phần vào _________ vinh phúc của Ngài... Để thực hiện ý định này, vào lúc thời gian viên trọn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài là Vị Cứu Chuộc và là Đấng Cứu Thế đến. Nơi Con mình và nhờ Con của mình, Thiên Chúa mời gọi con người trở nên những ____________ được Ngài thừa nhận trong Thánh Thần, nhờ đó họ thành người _______________ sự sống vinh phúc của Ngài. (số 1)

2. Để tiếng gọi này vang vọng khắp thế giới, Chúa Kitô đã sai các tông đồ được Người tuyển chọn đi, khi ủy thác cho họ việc ________________ phúc âm. (số 2)

3. Những ai, nhờ ơn Chúa, đã đón nhận lời mời gọi của Chúa Kitô và tự do đáp ứng lời mời gọi này, cũng được tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy thực hiện việc loan báo _______________ khắp nơi trên thế giới... từ đời nọ đến đời kia, bằng việc tuyên xưng __________, bằng việc sống _________ trong tình huynh đệ chia sẻ, và bằng việc cử hành ____________ trong phụng vụ cũng như trong nguyện cầu. (số 3)

4. Dạy ____________ là việc hướng dẫn đức tin cho trẻ em, cho giới trẻ và cho người lớn, một việc hướng dẫn đặc biệt bao gồm giáo huấn của tín lý Kitô Giáo là những gì, nói chung, được truyền đạt một cách chặt chẽ và mạch lạc với nhau, để mở đường cho họ tiến tới một đời sống _______________ toàn vẹn. (số 5)

5. Cuốn giáo lý này nhắm đến việc trình bày tổng hợp toàn bộ những gì chính yếu và căn bản được chứa đựng trong giáo huấn Công Giáo, liên quan đến ____________ và luân lý, theo ánh sáng Công Đồng Chung Vaticanô II, cũng như theo toàn thể _______________ của Giáo Hội. Những nguồn mạch chính yếu của cuốn sách giáo lý này là các Sách Thánh Kinh, các Vị Giáo Phụ của Hội Thánh, phụng vụ và _______________ của Giáo Hội. (số 11).

6. Danh xưng giáo lý nói lên tất cả nỗ lực của Giáo Hội trong việc ____________môn đồ, trong việc giúp con người _____ rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, để nhờ tin tưởng họ được ___________ bởi danh Người, cũng như trong việc giảng dạy và hướng dẫn họ về ____________ này để nhờ đó làm cho thân thể Chúa Kitô được phát triển. (số 4)

(sự sống, sự sống, đứa con, sự sống, tin, thừa hưởng, loan báo, tuyển mộ, huấn quyền, tin mừng, đức tin, truyền thống, đức tin, đức tin, đức tin, Kitô giáo, giáo lý)

Nghiên Soạn: Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL