Bài Giáo Lý số 10

 


CHÚA GIÊSU KITÔ, CON THIÊN CHÚA NHẬP THỂ

(các số 422-511)

 



CẢM NGHIỆM NHÂN SINH


Dựa vào quan sát của mình, con người có thể lý luận một cách chắc chắn là có Thiên Chúa Hiện Hữu. Cũng theo lý luận tự nhiên, con người còn có thể đi sâu hơn nữa vào thực tại Thiên Chúa Hiện Hữu này, bằng việc lập luận rằng, đã là Thiên Chúa thì phải là Đấng Tối Cao, nghĩa là Ngài chẳng những là Đấng Tối Cao về quyền năng, nên Ngài cũng được tôn kính là Đấng Toàn Năng, Ngài còn là Đấng Tối Cao về bản tính, nên Ngài mới đáng được gọi là Đấng Toàn Thiện nữa, bằng không Ngài cũng tầm thường như loài người vậy thôi, hay không hơn gì tạo vật của mình, nghĩa là Ngài không phải là Thiên Chúa.

Thế nhưng, lý luận hạn hẹp của con người tạo vật đã hoàn toàn dừng lại ở ngay chỗ này, đúng hơn đã bị tắc nghẹn ở ngay khi lý trí của họ nhận biết Thiên Chúa là Đấng Tối Cao Toàn Năng và Toàn Thiện, hoàn toàn không thể nhúc nhích và tiến xa hơn nữa. Thậm chí tình cảm của họ vì thế còn đi ngược chiều. Ở chỗ, sau khi lập luận thấy rằng Thiên Chúa là Đấng Tối Cao Toàn Năng và Toàn Thiện như thế, con người lại càng cảm thấy có một khoảng cách không thể vượt qua giữa Thiên Chúa và một loài tạo vật bất lực, bất toàn và bất xứng như họ. Do đó, họ đã tự động quay đầu trở lại đi giật lùi, làm cho mình càng xa cách Đấng Tối Cao, điển hình là trường hợp của Simon Phêrô, người đã cảm thấy mình vô cùng bất xứng không muốn ở gần Đấng ông gọi là “Chúa” (Lk 5:8), sau khi được chứng kiến phép lạ Ngài làm để tỏ mình Ngài ra cho các tay chuyên nghiệp đánh cá như ông, sau cả một đêm vất vả mà chẳng được gì, đã bắt được một mẻ cá đầy (x. Lk 5:5-7). Cảm thức kinh sợ của Simon Phêrô trước Đấng Tối Cao ấy cũng là cảm thức tôn giáo chung của con người trước các Vị Thần Linh vô cùng vĩ đại.

Thế mà, theo Mạc Khải Thần Linh của Kitô giáo, Đấng Tối Cao là Vị Thiên Chúa của Giao Ước với dân Do Thái ấy đã tự động đến với loài người và đã thực sự ở với loài người nơi Con Người Đức Giêsu Kitô qua Mầu Nhiệm Nhập Thể. Thế nhưng:
Tại sao Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể?
Mầu Nhiệm Nhập Thể được thực hiện như thế nào??
Đức Giêsu Kitô có thực sự là Lời Nhập Thể hay chăng???


KIẾN THỨC ĐỨC TIN


1- TẠI SAO THIÊN CHÚA ĐÃ HÓA THÀNH NHỤC THỂ?

Căn cứ vào Thánh Kinh và Thánh Truyền, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cho biết có 4 lý do đã khiến cho Thiên Chúa hóa thành nhục thể như sau:

1- “Lời đã hóa thành nhục thể vì chúng ta để cứu độ chúng ta bằng việc hòa giải chúng ta với Thiên Chúa, Đấng ‘đã yêu thương chúng ta và đã sai Con Ngài đến để đền bồi tội lỗi cho chúng ta’: ‘Cha đã sai Con mình đến như Đấng Cứu Thế’, và ‘Người đã tỏ mình ra để xóa bỏ tội lỗi’ (1Jn 4:10, 4:14, 3:5)” (số 457)

2- “Lời đã hóa thành nhục thể để nhờ đó chúng ta có thể nhận biết được tình yêu của Thiên Chúa: ‘Tình yêu của Thiên Chúa được tỏ lộ giữa chúng ta ở chỗ là Thiên Chúa đã sai Người Con duy nhất của Ngài đến thế gian, để chúng ta nhờ Người mà được sự sống’ (1Jn 4:9). ‘Vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến ban Người Con duy nhất của mình, để ai tin vào Con thì không phải chết song được sự sống trường sinh’ (Jn 3:16)” (số 458)

3- “Lời đã hóa thành nhục thể để nêu gương thánh thiện cho chúng ta: ‘Hãy mang lấy ách của Tôi và hãy học cùng Tôi’. ‘Thày là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thày’ (Mt 11:29; Jn 14:6). Trên núi Biến Hình, Chúa Cha truyền phán: ‘Hãy lắng nghe lời Người!’ (Mk 9:7; x. Deut 6:4-5). Chúa Giêsu là mẫu gương sống Các Mối Phúc Đức và là đường lối của tân luật: ‘Các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con’ (Jn 15:12). Tình yêu này bao gồm việc con người thực sự hiến bản thân mình theo gương của Người (x. Mk 8:34)” (số 459)

4- “Lời đã hóa thành nhục thể để làm cho chúng ta được trở nên ‘những người được thông phần vào bản tính thần linh’ (2Pt 1:4): ‘Vì đó là lý do tại sao Lời đã làm người, và Con của Thiên Chúa đã trở thành Con của con người: để con người được trở nên con của Thiên Chúa, bằng việc hiệp thông với Lời nhờ đó được làm con cái thần linh’ (Thánh Irênêô, Adv. Haeres. 3, 19, 1: PG 7/1, 939). ‘Vì Con Thiên Chúa đã làm người để chúng ta trở nên Thiên Chúa’ (Thánh Anathasiô, De Inc., 54, 3: PG 25, 192B). ‘Người Con duy nhất của Thiên Chúa, vì muốn làm cho chúng ta trở nên những kẻ tham phần vào thần tính của mình, đã mặc lấy bản tính của chúng ta, để Đấng làm người có thể làm cho con người nên những vị thần linh’ (Thánh Tôma Aquina, Opusc. 57:1-4)” (số 460)



2- MẦU NHIỆM NHẬP THỂ ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO??

Theo Mạc Khải Thần Linh, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo tin tưởng và tuyên xưng rằng Lời Nhập Thể đã được thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần và đã được hạ sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria.

Trước hết, Lời Nhập Thể được thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần:

• “Sứ vụ của Chúa Thánh Thần bao giờ cũng liên hiệp với sứ vụ của Chúa Con và hướng về sứ vụ của Chúa Con (x. Jn 16:14-15). ‘Là Chúa và là Đấng ban Sự Sống’, Chúa Thánh Thần được sai đến để thánh hóa lòng dạ của Đức Trinh Nữ Maria và làm cho lòng dạ của Vị Trinh Nữ này đậu thai một cách thần linh, ở chỗ làm cho Trinh Nữ thụ thai Người Con hằng hữu của Chúa Cha bằng một nhân tính được lấy từ chính nhân tính của Người” (số 485)

• “Người Con duy nhất của Chúa Cha, được thụ thai làm người trong lòng dạ của Đức Trinh Nữ Maria, là ‘Chúa Kitô’, tức là, Người Con ấy đã được xức dầu bởi Chúa Thánh Thần ngay từ khi bắt đầu cuộc sống trần gian của mình, mặc dù sự việc xức dầu này chỉ được tuần tự diễn tiến, từ các mục đồng, tới các nhà đạo sĩ, rồi đến Gioan Tẩy Giả và các môn đệ (x. Mt 1:20, 2:1-12; Lk 1:35, 2:8-20; Jn 1:31-34, 2:11). Như thế, cả cuôỉc sống của Chúa Giêsu Kitô là một cuộc tỏ hiện việc ‘Thiên Chúa xức dầu cho Đức Giêsu Nazarét bằng Thánh Thần và bằng quyền năng’ (Acts 10:38)” (số 486)

Sau nữa, Lời Nhập Thể đã được hạ sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria.

• “’Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến’, thế nhưng, để sửa soạn cho Người một thân xác (Gal 4:4; Heb 10:5), Ngài đã muốn có sự cộng tác tự do của tạo vật. Bởi thế, từ đời đời, Thiên Chúa đã chọn cho Con của Ngài một người mẹ là một nữ tử trong dân Yến Duyên, một người nữ Do Thái trẻ trung ở thôn Nazarét xứ Galilêa, một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse thuộc chi tộc Đavít; tên của vị trinh nữ này là Maria” (số 488)

• “Để trở nên mẹ của Đấng Cứu Thế, Đức Maria ‘đã được Thiên Chúa trang bị cho bằng những tặng ân xứng hợp với một vai trò như vậy’ (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 56). Vào lúc truyền tin thiên thần Gabiên đã chào Mẹ là ‘đầy ơn phúc’ (Lk 1:28). Thật vậy, để Đức Maria có thể lấy đức tin của mình tỏ ra tự do đồng ý với lời loan báo về ơn gọi của mình, Mẹ cần phải hoàn toàn được sinh lại bởi ân sủng của Thiên Chúa” (số 490)

• “Qua các thế kỷ, Giáo Hội càng nhận biết được rằng Đức Maria, ‘đầy ơn phúc’ bởi Thiên Chúa (Lk 1:28), đã được cứu chuộc ngay từ giây phút đầu thai của mình. Đó là những gì tín điều Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội tuyên xưng, như được Đức Piô IX công bố năm 1854 (Ineffabilis Deus, 1854: DS 2803)” (số 491)

• “’Ánh quang của sự thánh thiện hoàn toàn chuyên biệt ấy’ làm cho Đức Maria ’nên phong phú ngay từ giây phút được khởi sự đầu thai’ hoàn toàn từ Chúa Kitô mà có, tức là Mẹ được ‘cứu chuộc một cách cao cả hơn nhờ công nghiệp của Con mình’ (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 53 và 56). Chúa Cha đã chúc phúc cho Đức Maria ‘trong Chúa Kitô với mọi phúc lành thiêng liêng trên trời’ hơn bất cứ một con người thụ tạo nào, và đã chọn Mẹ ‘trong Chúa Kitô trước khi tạo thành thế gian để nên thánh thiện và vô tì tích bằng tình yêu thương trước thiên nhan Ngài’ (x. Eph 1:3-4)” (số 492)

• “Được gọi là ‘mẹ của Chúa Giêsu’ ở trong các Phúc Âm, Đức Maria cũng đã được bà Isave theo tác động của Thần Linh, ngay cả trước khi Mẹ sinh con, đã xưng tụng Mẹ là ‘mẹ của Chúa tôi’ (Lk 1:43; Jn 2:1, 19:25; x. Mt 13:55; et al). Thật vậy, bởi Chúa Thánh Thần, Đấng Mẹ đã thụ thai như là một con người, Đấng đã thực sự trở nên Người Con của Mẹ theo xác thịt, không ai khác hơn là chính Người Con hằng hữu của Chúa Cha, ngôi hai trong Ba Ngôi Chí Thánh. Bởi thế Giáo Hội mới tuyên xưng rằng Đức Maria thực sự là ‘Mẹ Thiên Chúa’ (Theotokos) (Công Đồng Êphêsô năm 431: DS 251)” (số 495).

• “Từ những mẫu đức tin đầu tiên, Giáo Hội đã tuyên xưng Chúa Giêsu chỉ được thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần trong lòng dạ của Đức Trinh Nữ Maria mà thôi, ở chỗ, Giáo Hội xác nhận cả về phương diện thể chất của biến cố này, đó là việc Chúa Giêsu được thụ thai ‘bởi Chúa Thánh Thần không cần phải có mầm mống loài người’ (Công Đồng Chung Latêranô năm 649: DS 503; x. DS 10-64). Các Vị Giáo Phụ đã thấy nơi việc đầu thai trinh nguyên này dấu chứng tỏ Con Thiên Chúa thực sự đã đến trong một nhân tính như chúng ta” (số 496)

• “Việc đào sâu niềm tin vào vai trò của một người mẹ khiết trinh đã dẫn Giáo Hội tới việc tuyên xưng Đức Maria thực sự và trọn đời đồng trinh, thậm chí ở cả tác động Mẹ hạ sinh Con Thiên Chúa làm người nữa (xem DS 291, 294, 427, 442, 503, 571, 1880). Thật vậy, việc Chúa Kitô được sinh ra ‘đã không làm suy giảm đức trinh nguyên của mẹ mình, trái lại, còn thánh hóa cả đức ấy nữa’ (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 57). Bởi thế phụng vụ Giáo Hội mới mừng kính Đức Maria như là một Aeiparthenos, một ‘Nữ Trinh Nguyên’ (xem Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 52). (số 499)

• “Con mắt đức tin có thể khám phá thấy trong mối tương quan của toàn thể Mạc Khải những lý do mầu nhiệm tại sao Thiên Chúa, theo dự án cứu độ của mình, đã muốn Con của Ngài được hạ sinh bởi một trinh nữ. Những lý do này chạm đến cả bản thân của Chúa Kitô cùng với sứ vụ cứu chuộc của Người, lẫn việc Đức Maria thay thế cho cả loài người tỏ ra đón nhận sứ vụ cứu chuộc ấy” (số 502, xem cả các số 503-507)



3- ĐỨC GIÊSU KITÔ CÓ THỰC SỰ LÀ LỜI NHẬP THỂ HAY CHĂNG???

Theo Mạc Khải và Huấn Quyền của Giáo Hội, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã tuyên xưng và công bố Đức Giêsu Kitô thực sự là Lời Nhập Thể, với những xác quyết về thần học, căn cứ vào những tuyên tín của các Công Đồng Chung tiên khởi chống lại các lạc giáo (xem các số 465-468, 471), liên quan đến vấn đề bản tính của Người, vấn đề về ngôi vị hay ngôi hiệp nơi Người, và vấn đề về việc Người sinh động như một con người.

• “Toàn thể biến cố Nhập Thể độc nhất vô nhị của Con Thiên Chúa không có nghĩa là Đức Giêsu Kitô một phần là Thiên Chúa và một phần là loài người, cũng không có ám chỉ Người là sản phẩm của việc trộn lẫn giữa những gì thần linh và loài người. Người đã thực sự trở nên con người mà vẫn thực sự là Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật” (số 464, xem cả số 469).

• “… Nhân tính của Đức Kitô không có một chủ thể nào khác ngoài ngôi vị thần linh Con Thiên Chúa, Đấng đã mặc lấy nhân tính ấy và biến nhân tính ấy thành nhân tính của mình…” (số 466)

Những xác quyết của Giáo Hội về thần học liên quan đến vấn đề bản tính của Lời Nhập Thể là Đức Giêsu Kitô.

• “Thuyết Nhất Tính (Monophysites) chủ trương rằng nhân tính nơi Đức Kitô biến mất khi ngôi vị thần linh của Con Thiên Chúa mặc lấy nó. Để đương đầu với lạc thuyết này, công đồng chung thứ bốn họp tại Chalcêđôn năm 451 đã tuyên tín rằng:… ‘Đức Kitô duy nhất, là Chúa và là Người Con duy nhất, phải được nhận biết có hai bản tính, không lẫn lộn, không chuyển vị, không chia rẽ hay không phân ly. Việc phân biệt giữa hai bản tính không bao giờ bị mối hiệp nhất của hai bản tính này hủy hoại đi, trái lại, đặc điểm xứng hợp với mỗi một bản tính vẫn còn nguyên khi cả hai làm nên một ngôi vị (prosopon) và một ngôi hiệp (hypostasis) duy nhất’ (DS 301; x Heb 4:15)” (số 467)

Những xác quyết của Giáo Hội về thần học liên quan đến vấn đề ngôi vị hay ngôi hiệp nơi Lời Nhập Thể là Đức Giêsu Kitô.

• “Sau Công Đồng Chalcêđôn, có một số đã cho rằng nhân tính của Đức Kitô là một loại chủ thể cá biệt. Để chống lại các chủ trương này, công đồng chung thứ năm họp tại Contantinôpôli năm 553 đã tuyên tín rằng: ‘chỉ có một ngôi hiệp (hay ngôi vị) đó là Chúa Giêsu Kitô, một trong Ba Ngôi’ (DS 424). Như thế, mọi sự nơi nhân tính của Chúa Kitô, chẳng những các phép lạ Người làm mà cả đến những khổ đau, thậm chí sự chết của Người nữa, đều phải được qui về ngôi vị thần linh của Người là chủ thể xứng hợp của nhân tính ấy: ‘Đấng chịu đóng đanh nơi xác thịt, Chúa Giêsu Kitô của chúng ta, là Thiên Chúa thật, là Chúa hiển vinh, và là một trong Ba Ngôi Chí Thánh’ (Công Đồng Chung Contantinôpôli năm 553: DS 432; xem DS 424; Công Đồng Chung Êphêsô: DS 255)” (số 468, xem cả câu thứ hai trong số 470)

Những xác quyết của Giáo Hội về thần học liên quan đến việc Lời Nhập Thể là Đức Giêsu Kitô sinh động như một con người.

• “Vì ‘nhân tính được mặc lấy chứ không bị mất đi’ (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 22.2), nên đối với việc hiệp nhất nhiệm mầu nơi biến cố Nhập Thể, trải qua các thế kỷ Giáo Hội đã tiến đến việc tuyên xưng tất cả thực tại về linh hồn nhân loại của Đức Kitô, cùng với các hoạt động của linh hồn ấy qua trí khôn và lòng muốn, cũng như qua thân xác con người của Người… Mọi sự Đức Kitô là và làm nơi bản tính này đều phát xuất từ ‘một trong Ba Ngôi’. Bởi vậy, Con Thiên Chúa truyền đạt cho nhân tính của mình cách thức hiện hữu của riêng mình nơi Ba Ngôi. Như thế, nơi linh hồn cũng như thân xác của mình, Đức Kitô đã bộc lộ các đường lối thần linh của Ba Ngôi theo cách thế loài người (x. Jn 14:9-10): ‘Con Thiên Chúa… đã làm việc với đôi tay con người; Người đã suy nghĩ bằng trí khôn con người. Người đã hoạt động bằng ý muốn của con người, và Người đã yêu thương bằng trái tim của con người. Được Trinh Nữ Maria hạ sinh, Người thực sự trở nên một người trong chúng ta, giống như chúng ta trong tất cả mọi sự ngoại trừ tội lỗi’ (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 22.2)” (số 470)

• “Linh hồn nhân loại của Con Thiên Chúa cũng có một kiến thức nhân loại thực sự. Vì là kiến thức nhân loại, nên kiến thức ấy tự mình không thể nào là một kiến thức vô hạn được, tức là kiến thức ấy được thể hiện theo các điều kiện lịch sử của cuộc sống của Người trong không gian và thời gian. Đó là lý do tại sao khi làm người Con Thiên Chúa có thể ‘lớn lên trong khôn ngoan và tầm vóc, cũng như trong ơn nghĩa với Thiên Chúa và loài người’ (Lk 2:52), thậm chí Người còn phải tự mình tìm hiểu những gì con người có thể học biết bằng kinh nghiệm của mình trong điều kiện của con người (x. Mk 6:38, 8:27; Jn 11:34 v.v.)…” (số 472)

• “Thế nhưng, chính kiến thức thực sự nhân loại của Con Thiên Chúa ấy cũng thể hiện sự sống thần linh nơi bản thân của Người nữa (xem Thánh Grêgôriô Cả, “Sicut aqua” ad Eulogium, Epist. Lib, 10, 39: PL 77, 1097Aff.; DS 475). ‘Bản tính loài người của Con Thiên Chúa, không phải bởi tự mình mà là bởi được nên một với Lời, đã biết được và tỏ cho thấy nơi mình hết mọi sự liên quan đến Thiên Chúa’ (Thánh Maximô Giải Tội, Qu. et dub. 66: PG 90, 840A). Trường hợp điển hình trước nhất là Con Thiên Chúa làm người có một kiến thức sâu xa và trực tiếp về Cha của Người (x. Mk 14:36; Mt 11:27; Jn 1:18, 8:55 v.v.). Bằng kiến thức loài người của mình, Con Thiên Chúa làm người cũng cho thấy Người cũng thấu suốt một cách thần linh các tư tưởng kín nhiệm của lòng trí con người (x. Mk 2:8; Jn 2:25, 6:61 v.v.)” (số 473)

• “Hiệp nhất với thượng trí khôn ngoan thần linh nơi ngôi vị của Lời nhập thể, kiến thức nhân loại của Đức Kitô cũng hoàn toàn hiểu được các dự án đời đời mà Người được sai đến để mạc khải ra cho loài người biết (x. Mk 8:31, 9:31, 10:33-34, 14:18-20, 26-30). Những gì Người công nhận mình không biết về phương diện dự án đời đời ấy là Người ngụ ý nói Người không được sai đến để mạc khải điều đó (x. Mk 13:32; Acts 1:7)” (số 474)

• “Cũng thế, ở công đồng chung thứ sáu, công đồng Contantinôpôli III năm 681, Giáo Hội đã tuyên xưng rằng Đức Kitô có hai ý muốn và hai hoạt động theo bản tính, một thần linh và một nhân loại. Hai ý muốn và hai hoạt động ấy không phản lại nhau, mà lại hợp tác với nhau, ở chỗ, Lời hóa thành nhục thể muốn tỏ ra vâng phục Cha Người theo cách thế nhân loại tất cả những gì Người đã quyết định theo đường lối thần linh cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cho phần rỗi của chúng ta (x. Công Đồng Contantinôpôli III năm 681: DS 556-559). Ý muốn nhân loại của Đức Kitô ‘không cưỡng lại hay chống lại mà là thuận phục ý muốn thần linh và toàn năng của Người’ (x. Công Đồng Contantinôpôli III năm 681: DS 556)” (số 475)

• “Vì Lời đã hóa thành nhục thể khi mặc lấy nhân tính thực sự, nên thân thể của Đức Kitô là một thân thể có giới hạn (x. Công Đồng Chung Latêranô năm 648: DS 504)” (số 476, xem cả câu thứ hai của số 476 cùng các số 477 và 478 về việc hợp lý tỏ ra tôn sùng thánh nhan, hình ảnh và Thánh Tâm Chúa Kitô)



TÓM LẠI:

Căn cứ vào Thánh Kinh và Thánh Truyền, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cho biết có 4 lý do đã khiến cho Thiên Chúa hóa thành nhục thể, thứ nhất là “để cứu độ chúng ta bằng việc hòa giải chúng ta với Thiên Chúa” (SGL số 457); thứ hai là “để nhờ đó chúng ta có thể nhận biết được tình yêu của Thiên Chúa” (SGL số 458); thứ ba là “để nêu gương thánh thiện cho chúng ta” (SGL số 459), và thứ bốn là “để làm cho chúng ta được trở nên những người được thông phần vào bản tính thần linh” (SGL số 460). Theo Mạc Khải Thần Linh, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo tin tưởng và tuyên xưng rằng Lời Nhập Thể đã được thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần (SGL số 485-486) và đã được hạ sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria (SGL số 488, 490, 491-492, 495-496, 499, 502). Theo Mạc Khải và Huấn Quyền của Giáo Hội, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã tuyên xưng và công bố Đức Giêsu Kitô thực sự là Lời Nhập Thể, với những xác quyết về thần học liên quan đến vấn đề bản tính của Người (SGL số 467), vấn đề về ngôi vị hay ngôi hiệp nơi Người (SGL số 468), và vấn đề về việc Người sinh động như một con người (SGL số 470, 472-476).


THÂM TÍN SỐNG ĐẠO

1- “Việc truyền đạt đức tin Kitô giáo chính là việc loan truyền Chúa Giêsu Kitô để làm cho những người khác tin tưởng nơi Người” (số 425). Bởi thế, “dạy giáo lý là ‘tỏ ra cho thấy nơi Con Người của Đức Kitô toàn thể dự án đời đời của Thiên Chúa nên trọn trong Con Người ấy. Nó là việc tìm hiểu ý nghĩa các việc làm, lời nói và dấu chỉ do Người thực hiện’ (Tông Huấn Catechesi Tradendae, đoạn 5)” (số 426), và cũng bởi thế, “hết mọi giáo lý viên phải làm sao áp dụng vào mình những lời mầu nhiệm của Chúa Giêsu: ‘Giáo huấn của Tôi không phải của Tôi mà là của Đấng đã sai Tôi’ (Tông Huấn Catechesi Tradendae, đoạn 6; x. Jn 7:16)” (số 427)

2- “Giêsu theo tiếng Do Thái nghĩa là ‘Thiên Chúa cứu độ’. Lúc truyền tin, thiên thần Gabiên đã đặt tên cho Người là Giêsu như là một danh xưng xứng hợp với Người, một danh xưng nói lên cho thấy cả căn tính lẫn sứ vụ của Người” (số 430). “... Chỉ có một mình danh xưng thần linh ấy mới mang lại phần rỗi, bởi thế, tất cả mọi người đều có thể kêu cầu danh Người, vì Chúa Giêsu đã kết hợp bản thân mình với tất cả mọi người qua việc Nhập Thể của Người (x. Jn 3:18; Acts 2:21, 5:41; 3Jn 7; Rm 10:6-13), để ‘không có một tên nào khác dưới gầm trời này được ban cho loài người nhờ đó chúng ta được cứu độ’ (Acts 4:12, x. 9:14; Jas 2:7)” (số 432)

3- “Chữ ‘Kitô’ dịch sang tiếng Hy Lạp từ chữ Messiah của tiếng Do Thái, nghĩa là ‘Đấng được xức dầu’. Danh hiệu này trở nên một danh xưng xứng hợp với Chúa Giêsu, chỉ vì Người đã trọn vẹn hoàn tất sứ vụ thần linh của mình như chữ ‘Kitô’ nói lên... Chúa Giêsu đã làm cho niềm hy vọng của dân Yến Duyên được nên trọn nơi vai trò tam diện của mình là tư tế, tiên tri và vương đế” (số 436). Bởi thế, “có nhiều người Do Thái, thậm chí có cả một số Dân Ngoại cũng thông công với niềm hy vọng của họ, đều đã nhận biết nơi Chúa Giêsu những phẩm tính căn bản của ‘Con Vua Đavít’ thiên sai như Thiên Chúa đã hứa cho dân Yến Duyên” (số 439).

4- “Bằng việc qui về cho Đức Giêsu danh hiệu thần linh ‘Chúa’, những bản tuyên xưng đức tin của Giáo Hội tiên khởi muốn xác nhận rằng, ngay từ đầu, quyền năng, danh dự và vinh quang xứng hợp với Thiên Chúa là Cha cũng xứng hợp với cả Chúa Giêsu nữa, vì ‘Người là thân phận Thiên Chúa’ (x. Acts 2:34-36; Rm 9:5; Titus 2:13; Rev 5:13; Phil 2:6), và Chúa Cha đã biểu lộ quyền thống trị của Chúa Giêsu ra, bằng việc phục sinh Người từ trong kẻ chết và cho Người dự phần vào vinh quang của mình (x. Rm 10:9; 1Cor 12:3; Phil 2:9-11)” (số 449). “Từ đầu lịch sử Kitô giáo, việc công nhận chủ quyền của Đức Kitô trên thế giới cũng như trên lịch sử đã bao gồm cả việc thừa nhận là con người không được lấy tự do cá nhân của mình để tuyệt đối suy phục bất cứ một quyền lực thế tục nào, ngoài một mình Thiên Chúa là Cha và Chúa Giêsu Kitô mà thôi, bởi Cêsa không phải là ‘Chúa’ (x. Rev 11:15; Mk 12:17; Acts 5:29). ‘Giáo Hội... tin rằng chìa khóa, tâm điểm và mục đích của toàn thể lịch sử con người cần phải được tìm thấy nơi Chúa và nơi Chủ của lịch sử con người’ (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 10.3, x. 45.2)” (số 450)

5- “Tin tưởng Con Thiên Chúa thực sự Nhập Thể là một dấu hiệu nổi bật của đức tin Kitô giáo: ‘Anh em biết được Thần Linh của Thiên Chúa là ở chỗ mọi thần trí bởi Thiên Chúa mà ra đều tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô đã đến trong xác thịt’ (1Jn 4:2). Giáo Hội đã hân hoan xác tín như thế ngay từ ban đầu, khi Giáo Hội hát lên ‘mầu nhiệm của đạo giáo chúng ta’, đó là ‘Người đã tỏ mình ra trong xác thịt’ (1Tim 3:16)”. (số 463)



TRẮC NGHIỆM

Xin đọc bài Giáo Lý lược tóm tổng ôn dưới đây, rồi dùng các chữ ở cuối trang để điền vào những chỗ gạch trống các câu Sách Giáo Lý vừa học hỏi cho đúng nguyên văn ý nghĩa của nó. Trong vòng 10 phút.

Qua bài Giáo Lý 10 về Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa Nhập Thể, Giáo Hội Công Giáo đã cho con cái của mình thấy những điểm chính yếu sau đây: Căn cứ vào Thánh Kinh và Thánh Truyền, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cho biết có 4 lý do đã khiến cho Thiên Chúa hóa thành nhục thể, thứ nhất là “để cứu độ chúng ta bằng việc hòa giải chúng ta với Thiên Chúa” (SGL số 457); thứ hai là “để nhờ đó chúng ta có thể nhận biết được tình yêu của Thiên Chúa” (SGL số 458); thứ ba là “để nêu gương thánh thiện cho chúng ta” (SGL số 459), và thứ bốn là “để làm cho chúng ta được trở nên những người được thông phần vào bản tính thần linh” (SGL số 460). Theo Mạc Khải Thần Linh, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo tin tưởng và tuyên xưng rằng Lời Nhập Thể đã được thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần (SGL số 485-486) và đã được hạ sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria (SGL số 488, 490, 491-492, 495-496, 499, 502). Theo Mạc Khải và Huấn Quyền của Giáo Hội, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã tuyên xưng và công bố Đức Giêsu Kitô thực sự là Lời Nhập Thể, với những xác quyết về thần học liên quan đến vấn đề bản tính của Người (SGL số 467), vấn đề về ngôi vị hay ngôi hiệp nơi Người (SGL số 468), và vấn đề về việc Người sinh động như một con người (SGL số 470, 472-476).

1- “Lời đã hóa thành nhục thể vì chúng ta để __________ chúng ta bằng việc hòa giải chúng ta với Thiên Chúa” (số 457), “để nhờ đó chúng ta có thể ___________ được tình yêu của Thiên Chúa” (số 458), “để __________thánh thiện cho chúng ta” (số 459), “để làm cho chúng ta được trở nên những người được ____________vào bản tính thần linh” (số 460)
2- “Chúa Thánh Thần được sai đến để ____________ lòng dạ của Đức Trinh Nữ Maria và làm cho lòng dạ của Vị Trinh Nữ này ____________ một cách thần linh, ở chỗ làm cho Trinh Nữ thụ thai Người Con hằng hữu của Chúa Cha bằng một nhân tính được lấy từ chính nhân tính của Người” (số 485)
3- “Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến, thế nhưng, để sửa soạn cho Người một ___________, Ngài đã muốn có sự ___________ tự do của tạo vật. Bởi thế, từ đời đời, Thiên Chúa đã chọn cho Con của Ngài một __________ là một nữ tử trong dân Yến Duyên, một người nữ Do Thái trẻ trung ở thôn Nazarét xứ Galilêa, một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse thuộc chi tộc Đavít; tên của vị trinh nữ này là Maria” (số 488)
4- “Thật vậy, bởi Chúa Thánh Thần, Đấng Mẹ đã thụ thai như là một___________, Đấng đã thực sự trở nên Người Con của Mẹ theo xác thịt, không ai khác hơn là chính ___________hằng hữu của Chúa Cha, ngôi hai trong Ba Ngôi Chí Thánh. Bởi thế Giáo Hội mới tuyên xưng rằng Đức Maria thực sự là ‘Mẹ Thiên Chúa’ (Theotokos)” (số 495).
5- “Toàn thể biến cố Nhập Thể độc nhất vô nhị của Con Thiên Chúa không có nghĩa là Đức Giêsu Kitô một phần là __________ và một phần là ___________, cũng không có ám chỉ Người là __________ của việc trộn lẫn giữa những gì thần linh và loài người. Người đã thực sự trở nên con người mà vẫn thực sự là Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật” (số 464). “… Nhân tính của Đức Kitô không có một ________ nào khác ngoài ngôi vị thần linh Con Thiên Chúa, Đấng đã mặc lấy nhân tính ấy và biến nhân tính ấy thành nhân tính của mình…” (số 466)

(chủ thể, cứu độ, nhận biết, sản phẩm, loài người, nêu gương, thông phần, Người Con, Thiên Chúa, thánh hóa, đậu thai, con người, người mẹ, thân xác, cộng tác)