Bài Giáo Lý số 12



CHÚA GIÊSU KITÔ KHỔ NẠN VÀ TỬ GIÁ

(các số 571-630)




CẢM NGHIỆM NHÂN SINH


Lịch sử cho thấy mãi tới nay dân Do Thái vẫn đang mong đợi một Vị Thiên Sai. Nhân vật Giêsu lịch sử được Kitô giáo công nhận là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16) hoàn toàn không phải là Vị Thiên Sai của họ và cho họ. Lịch sử còn cho thấy, trong thời gian bị phân tán khắp thế giới, từ biến cố thành thánh và đền thánh Gialiêm của họ bị tướng Rôma là Titô phá hủy năm 70 AD, nhất là từ sau khi bị đế quốc Rôma dẹp cuộc nổi loạn cuối cùng của mình năm 135 AD rồi không cho sống ở Gialiêm nữa, họ đã bị phân tán khắp nơi ở Âu Châu. Trong cuộc sống tha hương mất nước của mình, họ đã bị các nước theo Hồi Giáo và Kitô Giáo kỳ thị và bắt bớ đủ điều, chẳng hạn họ phải sống biệt lập trong những ghettos thuộc khu giai cấp thiểu số bất đặc lợi. Thậm chí hầu hết người của họ đã bị nước Anh và Pháp trục xuất trong thế kỷ 13 và 14, nhất là họ đã bị nước Tây Ban Nha hoàn toàn trục xuất năm 1492. Họ thường bị dân Kitô giáo cho là một thứ dân giết Chúa. Tiếng anti-Semitism xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 cho thấy họ đã bị nhiều dân tộc kỳ thị vì vấn đề chủng tộc hơn là tôn giáo. Ở Nga sô họ phải chịu đựng luật kỳ thị ra mặt của chính quyền, kết quả là cả bao nhiêu trăm con người họ đã trở thành nạn nhân của cuộc thảm sát pogroms. Ngay trước khi được quốc tế công nhận là một nước độc lập ngày 14-5-1948, 6 trong 8 hay 9 triệu người của họ ở Âu Châu, vào Thế Chiến Thứ II, đã bị đảng Nazi của Hít-Lê thảm sát trong các trại tập trung. Tại sao dân Do Thái, một dân Chúa chọn, lại mang một số phận vô cùng khổ đau nhục nhã khắp nơi như thế? Phải chăng họ đã bị báo oán, ứng nghiệm đúng như lời cha ông của họ đã khẳng khái chấp nhận tất cả mọi trách nhiệm trong việc các vị ấy đã trấn an tổng trấn Philatô hạ lệnh đóng đanh Con Thiên Chúa: “Cứ để cho máu của hắn đổ lên đầu lên cổ chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27:25; x Acts 5:28, 18:6)??

Việc dân Do Thái cho tới nay vẫn không tin nhân vật Giêsu là Đức Kitô đã chứng tỏ thực sự có nhân vật Giêsu lịch sử mà họ đã nhúng tay vào máu của Người! Thế nhưng:

Tại sao dân Do Thái đã muốn giết và cần phải giết Chúa Giêsu Kitô?
Ai là thủ phạm chính trong việc sát hại Thiên Chúa làm người?
Nếu Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thì làm sao có thể chết được?



 


KIẾN THỨC ĐỨC TIN
 



1. TẠI SAO DÂN DO THÁI ĐÃ MUỐN GIẾT VÀ CẦN PHẢI GIẾT CHÚA GIÊSU KITÔ?

Căn cứ vào sự kiện lịch sử: “Những đau khổ của Chúa Giêsu mặc một hình thức lịch sử cụ thể là Người đã ‘bị các vị kỳ lão và trưởng tế cùng luật sĩ’ nộp ‘cho Dân Ngoại nhạo báng, hành hình và đóng đanh’ (Mk 8:31; Mt 20:19)” (số 572), Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo chủ trương rằng: “Đức tin nhờ đó mới cố gắng cứu xét những hoàn cảnh về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu được các Phúc Âm trung thực truyền lại (x Hiến Chế Mạc Khải Thần Linh, đoạn 19), cũng như được các nguồn sử liệu khác soi chiếu, để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của Việc Cứu Chuộc” (số 573). Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã trưng dẫn lý do chính (gồm ba phần) tại sao dân Do Thái đã muốn giết và cần giết Chúa Giêsu Kitô như sau.

• “Trước con mắt của nhiều người dân Yến Duyên thì Chúa Giêsu đã tỏ ra tác hành phản lại với các cơ cấu làm nên Dân Chúa Chọn, đó là việc phục tùng toàn thể lề luật được viết thành văn, và còn được giải thích theo truyền khẩu nữa như chủ trương của những người Pharisiêu; Đền Thờ ở Gialiêm chiếm địa vị chủ yếu như là một nơi thánh, nơi Thiên Chúa đặc biệt hiện diện; niềm tin tưởng một Thiên Chúa duy nhất là Đấng không ai có thể chia sẻ vinh quang của Ngài được”. (số 576).

Về “việc phục tùng toàn thể lề luật được viết thành văn, và còn được giải thích theo truyền khẩu nữa theo chủ trương của những người Pharisiêu”, Chúa Giêsu đã có vẻ tác hành phản lại đến nỗi đã khiến dân Do Thái muốn giết và cần giết Người như sau:

• “Việc hoàn toàn làm trọn Lề Luật chỉ có thể là việc của nhà ban bố luật thần linh mà thôi, vị được sinh ra theo Lề Luật qua bản thân của Người Con (x. Gal 4:4). Nơi Chúa Giêsu, Lề Luật không còn như thể được ghi khắc trên các bia đá nữa mà là ‘trên cõi lòng’ của Người Tôi Tớ, vị trở nên ‘giao ước của dân’, vì Người sẽ ‘hoàn toàn mang lại đức chính trực’ (Jer 31:33; Is 42:3,6). Chúa Giêsu làm trọn Lề Luật đến độ đã phải lãnh đủ ‘cái bất hạnh của Lề Luật’ dành cho những ai không ‘suy giữ những gì được viết ra trong Lề Luật’, vì Người chết để cứu họ ‘khỏi những vấp phạm nơi giao ước thứ nhất’ (Gal 3:13, 3:10; Heb 9:15)”. (số 580)

• “... Chúa Giêsu đã không hủy bỏ Lề Luật mà là làm trọn lề luật bằng việc giải thích Lề Luật đúng ý nghĩa nhất theo đường lối thần linh (Mt 5:33-34)... Người cũng bác bỏ một số tục lệ nhân tạo của những người Pharisiêu đã làm ‘vô hiệu lời của Thiên Chúa’ (Mt 7:13; x 3:8)” (số 581). “... Trong việc lấy quyền bính thần linh để trình bày việc giải thích ý nghĩa tối hậu của Lề Luật, Chúa Giêsu đã phải đối đầu với một số thày dạy Lề Luật, thành phần không chấp nhận việc Người giải thích Lề Luật bằng những dấu hiệu thần linh bảo đảm kèm theo (x Jn 5:36, 10:25,37-38, 12:37). Đặc biệt là trường hợp đối với các luật về ngày hưu lễ (x Num 28:9; Mt 12:5; Mk 2:25-27; Lk 13:15-16, 14:3-4; Jn 7:22-24)...”. (số 582)

Về “Đền Thờ ở Gialiêm chiếm địa vị chủ yếu như là một nơi thánh, nơi Thiên Chúa đặc biệt hiện diện”, Chúa Giêsu đã có vẻ tác hành phản lại đến nỗi đã khiến dân Do Thái muốn giết và cần giết Người như sau:

• “Như các tiên tri trước Người, Chúa Giêsu đã tỏ ra cho thấy việc Người hết lòng tôn kính Đền Thờ ở Gialiêm... Chính sứ vụ công khai của Người cũng được dựa theo hành trình lên Gialiêm vào những dịp lễ lớn của dân Do Thái (x Jn 2:13-14, 5:1,14, 7:1,10,14, 8:2, 10:22-23)” (số 583). “Chúa Giêsu lên Đền Thờ như là một nơi đặc biệt để gặp gỡ Thiên Chúa. Đối với Người, Đền Thờ là nơi ngự của Cha Người, là nhà để cầu nguyện, và Người đã nổi giận khi thấy phần ngoại vi của Đền Thờ trở thành nơi buôn bán (x Mt 21:13)...” (số 584). “Chẳng những không thù oán Đền Thờ, nơi Người đã ban bố phần giáo huấn chính yếu của mình, Chúa Giêsu còn sẵn lòng nộp thuế đền thờ nữa... Thậm chí Người còn đồng hóa mình với Đền Thờ khi tự cho mình là nơi Thiên Chúa thực sự ở với loài người (x Jn 2:21; Mt 12:6)...”. (số 586)

• “Trước thời điểm Khổ Nạn của mình, Chúa Giêsu đã loan báo việc các lâu đài tráng lệ này sẽ bị hủy hoại đến không còn ‘hòn đá nào chồng trên hòn đá nào’ (x Mt 24:1-2). Nói điều ấy là Người đã loan báo dấu hiệu của những ngày cuối cùng được bắt đầu từ Cuộc Vượt Qua của Người (x Mt 24:3; Lk 13:25). Thế nhưng, lời tiên tri này đã bị các nhân chứng dối trá bóp méo ý nghĩa của nó trong cuộc đối chất của Người ở nhà vị thượng tế, với kết quả là Người đã bị sỉ nhục vì lời nói của mình khi bị đóng đanh trên cây thập giá (x Mk 14:57-58; Mt 27:39-40)”. (số 585)

Về “niềm tin tưởng một Thiên Chúa duy nhất là Đấng không ai có thể chia sẻ vinh quang của Ngài được”, Chúa Giêsu đã có vẻ tác hành phản lại đến nỗi đã khiến dân Do Thái muốn giết và cần giết Người như sau:

• “Nếu Lề Luật và Đền Thờ Gialiêm đã trở thành những dịp cho các vị giáo quyền dân Yến Duyên chống đối Chúa Giêsu, thì vai trò của Người trong việc chuộc tội, một việc thần linh hơn hết, thực sự mới là cớ vấp ngã cho họ (x Lk 2:34, 20:17-18; Ps 118:22)”. (số 587).

• “Chúa Giêsu đã khiến cho những người Pharisiêu vấp phạm khi nhập bọn ăn uống thân tình với các người thu thuế và tội nhân (x Lk 5:30, 7:36, 11:37, 14:1)... Thậm chí Người còn tuyên bố trước mặt các người Pharisiêu rằng, những ai cho rằng mình không cần ơn cứu độ cho khỏi tội lỗi phổ quát là con người mù quáng (x Jn 8:33-36, 9:40-41)”. (số 588)

• “Chúa Giêsu đã gây nên dịp vấp phạm nhất là khi Người cho rằng thái độ nhân từ của mình đối với các tội nhân cũng là thái độ của Thiên Chúa đối với họ (x Mt 9:13; Hos 6:6). Thậm chí Người còn ngầm cho thấy rằng việc Người đồng bàn với các tội nhân là việc Người công nhận họ vào bàn tiệc thiên sai (x Lk 15:1-2,22-32). Thế nhưng, đặc biệt nhất là ở chỗ việc Chúa thứ tha tội lỗi đã khiến cho các vị giáo quyền dân Yến Duyên bị bối rối khó xử (Mk 2:7)... Khi thứ tha tội lỗi thì có thể Chúa Giêsu đã phạm thượng, vì Người là con người mà lại cho mình ngang hàng với Thiên Chúa...”. (số 589)

• “Chúa Giêsu xin các vị giáo quyền ở Gialiêm hãy tin vào Người vì các việc Người hoàn tất như Cha đã trao phó cho Người (Jn 10:36-38). Thế nhưng, muốn thực hiện một tác động đức tin như vậy con người cần phải chết đi cho chính mình một cách thiêng liêng để được tái ‘sinh từ trên cao’ dưới tác động của ân sủng thần linh (x Jn 3:7, 6:44). Một đòi hỏi hoán cải như vậy để hướng về việc hoàn tất các lời hứa (x Is 53:1) hết sức lạ lùng như thế khiến người ta có thể thông cảm về những hiểu lầm thê thảm của Hội Đồng Do Thái đối với Chúa Giêsu, ở chỗ, họ đã cho rằng Người đáng bị án tử hình như là một kẻ lộng ngôn phạm thượng (x Mk 3:6; Mt 26:64-66)...”. (số 591)



2. AI LÀ THỦ PHẠM CHÍNH TRONG VIỆC SÁT HẠI THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI?


Về vấn đề hết sức tế nhị này, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã công minh nhận định và dạy rằng thủ phạm chính trong việc sát hại Con Thiên Chúa làm người không phải là dân Do Thái nói chung, mà là chính tất cả mọi tội nhân.

Thủ phạm chính trong việc sát hại Con Thiên Chúa làm người không phải là dân Do Thái nói chung.

• “Các trình thuật Phúc Âm đã cho thấy tính cách lịch sử phức tạp nơi vụ án Chúa Giêsu. Tội lỗi riêng tư của những người dự phần (như Giuđa, Hội Đồng Do Thái và Philatô) chỉ có một mình Thiên Chúa biết. Vì thế, cho dù đám dân chúng bị xúi giục có lên tiếng kêu gào, cùng những lời trách móc chung nơi lời của các vị tông đồ khi kêu gọi họ hãy ăn năn hoán cải sau biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (x Mk 15:11; Acts 2:23,36, 3:13-14, 4:10, 5:30, 7:52, 10:39, 13:27-28; 1Thes 2:14-15), chúng ta cũng không thể ghép tội cho toàn thể khối người Do Thái ở Gialiêm về vụ án này. Chính Chúa Giêsu, khi tha tội cho họ trên thập giá, và thánh Phêrô theo chiều hướng đó, cả hai đều công nhận các người Do Thái ở Gialiêm và ngay cả các vị lãnh đạo của họ là ‘vô thức’ (x Lk 23:34; Acts 3:17). Chúng ta lại càng không thể đổ trách nhiệm cho những người Do Thái ở những thời điểm khác và ở những nơi khác, chỉ vì tiếng kêu gào: ‘Máu của hắn sẽ đổ lên đầu lên cổ chúng tôi và con cháu chúng tôi!’ (Mt 27:25; x Acts 5:28, 18:6), như là một câu nói chung để biện minh cho việc mình kết án họ. Giáo Hội đã tuyên bố ở Công Đồng Chung Vaticanô II rằng: ‘… Không thể hàm hồ ghép tội ác chung cho tất cả mọi người Do Thái bấy giờ hay những người Do Thái ngày nay đã nhúng tay vào cuộc Khổ Nạn của Người… Không được coi những người Do Thái bị phế bỏ hay bị nguyền rủa như là những gì bởi Thánh Kinh mà ra’ (Tuyên Ngôn Nostra Aetate, đoạn 4)” (số 597)

Thủ phạm chính sát hại Con Thiên Chúa làm người chính là tất cả mọi tội nhân.

• “Theo giáo huấn đức tin thuộc Huấn Quyền của mình, cũng như theo chứng từ của các thánh, Giáo Hội không bao giờ quên rằng ‘các tội nhân là tác giả và là tác nhân gây nên tất cả mọi đau khổ bắt Vị Cứu Chuộc thần linh phải chịu’ (Sách Giáo Lý Rôma I, 5, 11; x. Heb 12:3). Chú trọng đến sự kiện là tội lỗi của chúng ta phạm đến chính Chúa Kitô (x Mt 25:45; Acts 9:4-5), Giáo Hội không ngần ngại qui cho Kitô hữu trách nhiệm nặng nhất đối với những hình khổ giáng xuống trên Chúa Giêsu, một trách nhiệm mà tất cả những người Kitô thường chất lên vai cho một mình những người Do Thái thôi: ‘Chúng ta phải coi những ai tiếp tục đầm đìa trong tội lỗi của mình là có lỗi. Vì tội lỗi của chúng ta mà Chúa Kitô phải chịu cực hình thập giá, thì những ai lặn ngụp trong những hư hỏng và tội ác chính là những kẻ đóng đanh Con Thiên Chúa một lần nữa nơi lòng mình (vì Người ở trong họ) cùng làm cho Người bị nhục nhã. Tội ác của chúng ta trong trường hợp này có thể được coi như lớn hơn cả của người Do Thái nữa. Theo chứng từ của Thánh Tông Đồ, đối với họ, ‘Không một nhà lãnh đạo nào của thời đại này hiểu được điều ấy; vì nếu họ hiểu được thì họ đã không đóng đanh Chúa hiển vinh’. Còn chúng ta tuyên xưng là biết Người. Nên khi chúng ta chối bỏ Người bằng việc làm của mình là chúng ta hành hung Người một cách nào đó (Sách Giáo Lý Rôma I, 5, 11; x Heb 6:6; 1Cor 2:8). ‘Cả đến ma quỉ cũng không phải là kẻ đóng đanh Người; chính các bạn là kẻ đã đóng đanh Người và vẫn còn đang đóng đanh Người, khi các bạn vui sướng với các tính mê nết xấu và tội lỗi của mình’ (Thánh Phanxicô Assisi, Admonitio 5, 3)“. (số 598)



3. NẾU CHÚA GIÊSU KITÔ LÀ THIÊN CHÚA THÌ LÀM SAO CÓ THỂ CHẾT ĐƯỢC?


Sở dĩ Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa mà vẫn phải chết, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, đó là vì Thiên Chúa có ý định muốn cứu chuộc tội nhân chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô, cũng như vì chính Chúa Giêsu Kitô đã muốn tự nguyện hy sinh đền tội thay cho chúng ta để chúng ta được sống

Vì Thiên Chúa có ý định muốn cứu chuộc tội nhân chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô:

• “Cái chết dữ dằn của Chúa Giêsu không phải là kết quả của việc ngẫu nhiên xẩy ra trùng hợp với các hoàn cảnh bất hạnh, mà là một phần trong mầu nhiệm của ý định Thiên Chúa, như Thánh Phêrô đã cắt nghĩa cho những người Do Thái ở Gia Liêm trong bài giảng đầu tiên của thánh nhân vào Ngày Lễ Ngũ Tuần: ‘Đức Giêsu này đã bị trao nộp theo dự án tối hậu và tiên thức của Thiên Chúa’ (Acts 2:23). Cách Thánh Kinh nói đây không có nghĩa là những ai trao nộp Người thì chỉ đóng vai hoàn toàn thụ động trong một thảm kịch được Thiên Chúa viết ra trước rồi (x Acts 3:13)” (số 599). “... Để hoàn tất dự án cứu độ của mình, Thiên Chúa đã cho phép những hành động phát xuất từ tình trạng mù tối của họ (x Mt 26:54; Jn 18:36, 19:11; Acts 3:17-18)”. (số 600)

• “Các Sách Thánh đã báo trước dự án cứu độ thần linh này, ở chỗ ‘đấng công chính, Người Tôi Tớ của Ta’ phải chết như là một mầu nhiệm cứu chuộc phổ quát, tức như là một giá chuộc để cứu con người khỏi làm tôi cho tội lỗi (Is 53:11, x. 53:12; Jn 8:34-36; Acts 3:14). Khi thú nhận về niềm tin chính mình đã ‘được nhận lãnh’, Thánh Phaolô tuyên xưng rằng ‘Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi của chúng ta theo như các lời sách thánh’ (1Cor 15:3; x. Acts 3:18, 7:52, 13:29, 26:22-23). Cái chết cứu chuộc của Chúa Giêsu đặc biệt làm cho lời của tiên tri Isaia về Người Tôi Tớ khổ đau được nên trọn (x Is 53:7-8 và Acts 8:32-35). Thật vậy, chính Chúa Giêsu đã giải thích ý nghĩa về cuộc sống và cái chết của Người theo chiều hướng của một Người Tôi Tớ khổ đau của Thiên Chúa (x Mt 20:28). Sau khi Phục Sinh, Người đã cắt nghĩa các lời Sách Thánh cho các môn đệ ở Emmau cũng như cho các vị tông đồ (x Lk 24:25-27, 44-45)”. (số 601)

• “… Tội lỗi của con người, tiếp tục từ nguyên tội, đáng phải bị trừng phạt bằng án tử (x Rm 5:12; 1Cor 15:56). Vì tội lỗi, khi sai Con riêng của mình đến mặc lấy thân phận của một tôi tớ, trong thân phận của một nhân tính hư hoại, là Thiên Chúa ‘đã làm cho Đấng không biết đến tội lỗi trở thành tội lỗi, để trong Người chúng ta được trở nên công chính của Thiên Chúa’ (2Cor 5:21; x Phil 2:7; Rm 8:3)”. (số 602)

• “Chúa Giêsu không bị thất sủng như thể chính Người đã phạm tội (x Jn 8:46). Thế nhưng, trong tình yêu thương cứu chuộc luôn liên kết Người với Chúa Cha, Người đã mặc lấy chúng ta trong tình trạng chúng ta bị hư hỏng bởi tội lỗi, đến độ Người có thể nói thay cho chúng ta trên cây thập giá: ‘Chúa tôi ơi, Chúa tôi ơi, vì sao Chúa lại bỏ rơi tôi?’ (Mk 15:34; Ps 22:2; x Jn 8:29). Như thế, một khi liên kết Người với tội nhân chúng ta, Thiên Chúa ‘đã không dung tha cho Con riêng của mình, song đã phó nộp Người vì tất cả chúng ta’, để chúng ta được ‘hòa giải với Thiên Chúa bằng cái chết của Con Ngài’ (Rm 8:32, 5:10)”. (số 603)

Vì Chúa Kitô muốn tự nguyện hy sinh đền tội thay cho chúng ta để chúng ta được sống.

• “Ước vọng thực hiện dự án yêu thương cứu độ của Cha mình đã chi phối cả cuộc sống của Chúa Giêsu (x Lk 12:50, 22:15; Mt 16:21-23), vì cuộc khổ nạn cứu chuộc của Người chính là lý do cho việc Nhập Thể của Người. Bởi thế Người đã đặt vấn đề: ‘Thày sẽ nói gì đây? Cha ơi, xin hãy cứu con khỏi giờ này? Thế nhưng, cũng chính vì giờ này mà Con đã đến’ (Jn 12:27)…”. (số 607)

• “… Trong việc chịu đựng khổ đau và chết đi, nhân tính của Người đã trở nên một khí cụ tự do và toàn hảo cho tình yêu thần linh muốn cứu độ nhân loại của Người (x Heb 2:10, 17-18, 4:15, 5:7-9). Thật vậy, vì yêu mến Cha mình và yêu thương nhân loại, thành phần Cha muốn cứu độ, Chúa Giêsu đã tự ý chấp nhận Cuộc Khổ Nạn và tử nạn của Người: ‘Không ai lấy được mạng sống của Tôi, song Tôi tự ý bỏ nó đi’ (Jn 10:18)…”. (số 609)

• “… Như bản tính nhân loại của chúng ta, bản tính nhân loại của Người được ấn định để hưởng sự sống trường sinh; thế nhưng, không như bản tính nhân loại của chúng ta, bản tính nhân loại của Người hoàn toàn không vướng mắc tội lỗi là nguyên nhân gây ra sự chết (x Rm 5:12; Heb 4:15). Nhất nữa, bản tính nhân loại của Người lại được mặc lấy bởi một ngôi vị thần linh là ‘Tác Giả sự sống’, là ‘Đấng Hằng Sống’ (x Acts 3:15; Rev 1:17; Jn 1:4, 5:26). Bằng việc lấy ý muốn loài người chấp nhận cho ý Cha được thực hiện, Người chấp nhận cái chết của mình để cứu chuộc loài người, vì ‘chính Người đã mang lấy tội lỗi của chúng ta nơi thân xác của Người trên cây gỗ’ (1Pt 2:24; x Mt 26:42)”. (số 612)

• “… Không có một ai, kể cả con người thánh thiện nhất, có thể nhận lấy tội lỗi của tất cả mọi người và hiến mình làm hy tế đền thay cho tất cả mọi người. Chúa Kitô là Đấng có Ngôi Vị Con thần linh, vừa trổi vượt vừa bao gồm tất cả mọi người, khiến Người trở thành Thủ Lãnh của toàn thể nhân loại, mới là Đấng có thể thực hiện hy tế cứu chuộc cho tất cả mọi người mà thôi”. (số 616)

• “… Theo dự án cứu độ của mình, Thiên Chúa muốn rằng Con Ngài chẳng những phải ‘chết vì tội lỗi chúng ta’ (1Cor 15:3) mà còn phải ‘nếm sự chết’ nữa, phải cảm nghiệm được tình trạng chết chóc, tình trạng hồn xác phân ly, giữa thời gian Người tắt thở trên thập giá và thời gian Người sống lại từ cõi chết” (số 624). “Cái chết của Chúa Kitô là một cái chết thực sự, một cái chết chấm dứt cuộc sống trần gian của Người. Thế nhưng, vì thân thể của Người vẫn hiệp nhất với ngôi Con nên thân thể Người không phải là một tử thi như những tử thi khác, vì ‘quyền lực thần linh giữ cho thân thể của Chúa Kitô khỏi bị hủy hoại’ (Thánh Tôma Aquina, STh III, 51, 3)…”. (số 627)



TÓM LẠI:

Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã trưng dẫn lý do chính tại sao dân Do Thái đã muốn giết và cần giết Chúa Giêsu Kitô, đó là vì Người “đã tỏ ra tác hành phản lại với các cơ cấu làm nên Dân Chúa Chọn” (SGL số 576), như lề luật (SGL số 580-582), Đền Thờ (SGL số 583-586) và niềm tin tưởng Thiên Chúa duy nhất (SGL số 577-589, 591). Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã công minh nhận định và dạy rằng thủ phạm chính trong việc sát hại Con Thiên Chúa làm người không phải là dân Do Thái nói chung (SGL số 597), mà là chính tất cả mọi tội nhân (SGL số 598). Sở dĩ Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa mà vẫn phải chết, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, đó là vì Thiên Chúa có ý định muốn cứu chuộc tội nhân chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô (SGL số 600-603), cũng như vì chính Chúa Giêsu Kitô cũng muốn tự nguyện hy sinh đền tội thay cho chúng ta để chúng ta được sống (SGL số 607, 609, 612, 616).


THÂM TÍN SỐNG ĐẠO

1. “Thập giá là hy tế độc nhất vô nhị của Chúa Kitô, ‘Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người’ (1Tim 2:5). Thế nhưng, vì nơi ngôi vị thần linh nhập thể của mình, Người đã hiệp nhất với mọi người một cách nào đó, nên ‘tất cả mọi người, theo nhiệm ý của Thiên Chúa, đều có thể trở thành cộng sự viên của mầu nhiệm vượt qua’ (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, đoạn 22.5 và 22.2). Người kêu gọi các môn đệ hãy ‘vác thập giá (của họ) mà theo (Người)’ (Mt 16:24), bởi ‘Chúa Kitô đã chịu khổ vì (chúng ta), lưu lại cho (chúng ta) một tấm gương để (chúng ta) theo chân Người’ (1Pt 2:21)” (số 618)

2. “Phép Rửa, dấu hiệu nguyên thủy và trọn vẹn ở nơi việc dìm mình xuống, thực sự biểu hiệu cho việc mai táng của Kitô hữu, thành phần cùng với Chúa Kitô chết đi cho tội để sống một sự sống mới. ‘Bởi thế chúng ta đã được chôn táng với Người nơi sự chết qua phép rửa, để Chúa Kitô sống lại từ kẻ chết nhờ vinh quang của Chúa Cha thế nào, chúng ta cũng được bước đi trong sự sống mới như vậy’ (Rm 6:4; x Col 2:12; Eph 5:26)” (số 628)



Trắc Nghiệm

Xin đọc bài Giáo Lý lược tóm tổng ôn dưới đây, rồi dùng các chữ ở cuối trang để điền vào những chỗ gạch trống các câu Sách Giáo Lý vừa học hỏi cho đúng nguyên văn ý nghĩa của nó. Trong vòng 10 phút.

Qua bài Giáo Lý 12 về Chúa Giêsu Kitô Khổ Nạn và Tử Giá, Giáo Hội Công Giáo đã cho con cái của mình thấy những điểm chính sau đây: Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã trưng dẫn lý do chính tại sao dân Do Thái đã muốn giết và cần giết Chúa Giêsu Kitô, đó là vì Người “đã tỏ ra tác hành phản lại với các cơ cấu làm nên Dân Chúa Chọn” (SGL số 576), như lề luật (SGL số 580-582), Đền Thờ (SGL số 583-586) và niềm tin tưởng Thiên Chúa duy nhất (SGL số 577-589, 591). Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã công minh nhận định và dạy rằng thủ phạm chính trong việc sát hại Con Thiên Chúa làm người không phải là dân Do Thái nói chung (SGL số 597), mà là chính tất cả mọi tội nhân (SGL số 598). Sở dĩ Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa mà vẫn phải chết, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, đó là vì Thiên Chúa có ý định muốn cứu chuộc tội nhân chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô (SGL số 600-603), cũng như vì chính Chúa Giêsu Kitô cũng muốn tự nguyện hy sinh đền tội thay cho chúng ta để chúng ta được sống (SGL số 607, 609, 612, 616).

1. “Trước con mắt của nhiều người dân Yến Duyên thì Chúa Giêsu đã tỏ ra tác hành phản lại với các _________ làm nên Dân Chúa Chọn, đó là việc phục tùng toàn thể _________ được viết thành văn, và còn được giải thích theo truyền khẩu nữa theo chủ trương của những người Pharisiêu; ________ ở Gialiêm chiếm địa vị chủ yếu như là một nơi thánh, nơi Thiên Chúa đặc biệt hiện diện; niềm tin tưởng một Thiên Chúa _________ là Đấng không ai có thể chia sẻ vinh quang của Ngài được” (số 576).
2. “Chúa Giêsu xin các vị giáo quyền ở Gialiêm hãy tin vào Người vì các việc Người hoàn tất như Cha đã trao phó cho Người. Thế nhưng, muốn thực hiện một tác động đức tin như vậy con người cần phải chết đi cho chính mình một cách thiêng liêng để được tái sinh từ trên cao dưới tác động của ân sủng thần linh. Một đòi hỏi _________ như vậy để hướng về việc hoàn tất các lời hứa hết sức lạ lùng như thế khiến người ta có thể thông cảm về những _________thê thảm của Hội Đồng Do Thái đối với Chúa Giêsu, ở chỗ, họ đã cho rằng Người đáng bị án tử hình như là một kẻ lộng ngôn phạm thượng” (số 591)
3. “Các trình thuật Phúc Âm đã cho thấy tính cách lịch sử phức tạp nơi ______ Chúa Giêsu. ______ riêng tư của những người dự phần (như Giuđa, Hội Đồng Do Thái và Philatô) chỉ có một mình Thiên Chúa biết. Vì thế, cho dù đám dân chúng bị xúi giục có lên tiếng kêu gào, cùng những lời trách móc chung nơi lời của các vị tông đồ kêu gọi họ hãy ăn năn hoán cải sau biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta cũng không thể ________ cho toàn thể khối người Do Thái ở Gialiêm về vụ án này. Chính Chúa Giêsu, khi tha tội cho họ trên thập giá, và thánh Phêrô theo chiều hướng đó, cả hai đều công nhận các người Do Thái ở Gialiêm và ngay cả các vị lãnh đạo của họ là _________. Chúng ta lại càng không thể đổ _______ cho những người Do Thái ở những thời điểm khác và ở những nơi khác, chỉ vì tiếng kêu gào: Máu của hắn sẽ đổ lên đầu lên cổ chúng tôi và con cháu chúng tôi!, như là một câu nói chung để biện minh cho việc mình kết án họ” (số 597). “Theo giáo huấn đức tin thuộc Huấn Quyền của mình, cũng như theo chứng từ của các thánh, Giáo Hội không bao giờ quên rằng các tội nhân là ________ và là _________ gây nên tất cả mọi đau khổ bắt Vị Cứu Chuộc thần linh phải chịu“ (số 598)
4. “… Trong việc chịu đựng khổ đau và chết đi, ____________ của Người đã trở nên một _________ tự do và toàn hảo cho tình yêu thần linh muốn cứu độ nhân loại của Người” (số 609).
5. “… Không có một ai, kể cả con người thánh thiện nhất, có thể ___________ tội lỗi của tất cả mọi người và hiến mình làm hy tế __________ cho tất cả mọi người. Chúa Kitô là Đấng có Ngôi Vị Con thần linh, vừa ____________vừa ____________ tất cả mọi người, khiến Người trở thành Thủ Lãnh của toàn thể nhân loại, mới là Đấng có thể thực hiện hy tế cứu chuộc cho tất cả mọi người mà thôi” (số 616).

(bao gồm, cơ cấu, lề luật, trổi vượt, đền thay, Đền Thờ, duy nhất, nhận lấy, khí cụ, hoán cải, hiểu lầm, nhân tính, tác nhân, vụ án, tội lỗi, tác giả, trách nhiệm, ghép tội, vô thức)